Biển Đông: Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc

Biển Đông: Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc

Quí Bạn đọc thân mến,

Ðài tiếng nói Hoa kỳ ngày 24/02/2021 đã đăng bài xã luận thời sự với nhan đề : “Biển Đông: Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc”.

Bài xã luận cũng nhấn mạnh tiếp là “Đã và đang có nhiều dấu hiệu cho thấy tân chính quyền của Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn hơn về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông”,  đây chính là điều mà thế giới rất ưu tư và đang cùng nhau nỗ lực thực hiện.

Nhưng khi đài CNN hỏi Tổng thống Joe Biden về chính sách Trung Quốc của ông trong một sự kiện truyền hình ngày 16/2, ông nói rằng ông không thể thảo luận về vấn đề này chỉ trong 10 phút nhưng sau đó ông nói: “Nếu bạn biết bất cứ điều gì về lịch sử Trung Quốc, thì bạn sẽ thấy như thế này: thời điểm mà Trung Quốc trở thành nạn nhân của thế giới bên ngoài là khi họ chưa thống nhất trong nước. … Vì vậy, nguyên tắc cốt lõi, ồ, có vẻ hơi quá chút, nguyên tắc cốt lõi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là phải có một Trung Quốc thống nhất và được kiểm soát chặt chẽ. Và ông ấy có lý do cho những việc ông ấy làm dựa trên nguyên tắc này”. 

Tại sao ông lại có những lời phát biểu rất kỳ lạ đó, không những ông chỉ hiểu sai về lịch sử Trung Quốc mà lại còn biện minh cho các chính sách độc tài của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng biện minh tích cực cho những luận điệu tuyên truyền cố hữu của ĐCSTQ.

Nhưng khi ông Biden chính thức lặp lại “tuyên truyền của ĐCSTQ” trên CNN thì chính sách về Trung Quốc của chính quyền Biden đã thực sự trở nên rất đáng quan ngại.

Như vậy người ta tự hỏi có phải khi Trung cộng ngang nhiên công bố chủ quyền đường lưỡi bò 9 đoạn, đánh chiếm các đảo Hoàng sa Trường sa của VN cùng xây dựng căn cứ quân sự tại đó … là TC có lý do (chính đáng) và nó hợp với điều mà ông Biden gọi đó là “nguyên tắc cốt lõi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.”, đồng thời nó đồng nghĩa đó là các quyền lợi QG cốt lõi của TQ.

Khi Hoa kỳ nhấn mạnh lập trường cứng rắn hơn về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông nhưng ngược lại ông Biden lập luận rất đồng điệu với cách phát ngôn của Bắc kinh làm cho mọi người lo lắng về tính cứng rắn đó như thế nào, đến mức nào và nhắm vào cái gì trong khi lập trường cứng rắn rất mâu thuẫn với những gì ông đã làm suốt 8 năm khi làm phó tướng cho Obama, thi hành chiến lược xoay trục về châu Á, ra lệnh cho hàng trăm chuyến hải hành của hải quân HK ở khắp biển Ðông mà rốt cuộc Bắc kinh đã xây dựng thành công các căn cứ quân sự tại đó mà ông hoặc không biết hay biết mà không phản đối hay là ông thậm chí đã coi hành động đó của TC thể hiện “nguyên tắc cốt lõi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.” mà hôm 16/2 ông chính thức thừa nhận nó trên kênh CNN ?.

Người ta cũng tự hỏi sự kiện ông cùng với Bà Harris và Pelosi trịnh trọng quỳ gối để bày tỏ sự kính trọng đối với cái chết của ông George Floyd mang ý nghĩa gì trong khi sự quỳ gối thường là biểu tượng cho sự kính trọng Ðấng Cứu thế, Ðấng quyền năng cứu rỗi nước Mỹ hay trước một Anh hùng Dân tộc … nhưng ông George Floyd bị chết vì xử dụng tiền giả bị cảnh sát bắt và không may bị thiệt mạng.

Một Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Mỹ lại phải tự quỳ gối
 trước cái chết của một công dân da đen tầm thường có tiền sử hình sự không khỏi làm cho nhiều người kinh ngạc về động cơ của cái cú quỳ ấn tượng đó hay nó có phải là “quỳ có Agenda” hay “quỳ theo nhu cầu” khi đang có cuộc bầu cử Tổng thống và nó có thể lại tái diễn khi cần thiết ?.

Sự mâu thuẫn giữa nói và làm, nói trước quên sau cùng sự nhu nhược hầu như càng lộ liễu công khai trước các đối thủ của Hoa kỳ làm cho người ta liên tưởng rằng một lúc nào đó vì quyền lợi cá nhơn, gia đình, đảng phái hay nhu cầu phe nhóm cú quỳ Agenda có thể tái diễn khi ông đến Bắc kinh hoặc trước di ảnh Mao Trạch Ðông … ắt hẳn nó sẽ  chạm mạnh đến danh dự của 75 triệu người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ông và người ta tự hỏi rằng ông có đáng là một Tổng thống của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ hay một Tổng tư lệnh của quân đội số một trên thế giới ? 

BBT

Biển Đông: Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc .

24/02/2021


Tư liệu: Tàu của hải quân Mỹ, Chile, Peru, Pháp và Canada tham gia một cuộc diễn tập trên Biển Thái Bình, ngày 24/6/2018. (U.S. Navy/Intelligence Specialist 1st Class Steven Robles/Handout via REUTERS)
Tư liệu: Tàu của hải quân Mỹ, Chile, Peru, Pháp và Canada tham gia một cuộc diễn tập trên Biển Thái Bình, ngày 24/6/2018. (U.S. Navy/Intelligence Specialist 1st Class Steven Robles/Handout via REUTERS)

Hoa Kỳ và các đồng minh có lập trường cứng rắn hơn và đang điều tàu chiến vào các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Đã và đang có nhiều dấu hiệu cho thấy tân chính quyền của Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn hơn về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Trong hoạt động mới nhất để khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển này, Ngũ Giác Đài đã điều tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Russell tiến sâu vào phạm vi 12 hải lý quanh một số thực thể thuộc Trường Sa, quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Chỉ vài tuần trước, một tàu chiến khác của Mỹ, USS John McCain, tàu khu trục lớp Arleigh, cũng thực hiện một sứ mạng tương tự quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

Trước đó chính quyền của Tổng thống Biden cũng thực hiện sứ mạng đầu tiên trong năm nay có sự góp mặt của hai hàng không mẫu hạm Mỹ là USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt.

Nhóm tàu sân bay tác chiến Theodore Roosevelt diễn tập với nhóm tàu sân bay tác chiến Nimitz trên Biển Đông ngày 9/2/2021 (US Navy)
Nhóm tàu sân bay tác chiến Theodore Roosevelt diễn tập với nhóm tàu sân bay tác chiến Nimitz trên Biển Đông ngày 9/2/2021 (US Navy)

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay vừa kể đã phối hợp hoạt động trên Biển Đông hôm 9/2, nhằm chứng minh khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy kiểm soát của Hải quân Mỹ trong một môi trường có nhiều thử thách.

Hãng tin Bloomberg đánh giá cuộc tập trận có phối hợp của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn của tân chính phủ Mỹ dưới quyền ông Biden.

Khẳng định tự do hàng hải, quyền qua lại vô hại

Những hoạt động được tăng cường của hải quân Mỹ trên Biển Đông đi kèm với vị thế cứng rắn hơn của Washington về mặt ngoại giao.

Bộ Ngoại giao Mỹ nặng nề đả kích Bắc Kinh về việc thông qua Luật Hải cảnh – cho phép lực lượng hải cảnh và các tàu dân quân Trung Quốc sử dụng “mọi phương tiện cần thiết”, kể cả nổ súng vào tàu nước ngoài nào mà Bắc Kinh cho là đã “xâm nhập các vùng biển của Trung Quốc”.

Washington nói động thái này gây “quan ngại sâu sắc” và thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh dùng bạo lực để “củng cố các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc” trong khu vực.

Đồng thời, Ngũ Giác Đài cảnh cáo Trung Quốc chớ “đơn phương áp đặt bất kỳ quy định nào đòi tàu bè các nước phải ‘xin phép hoặc thông báo trước’, trước khi đi ngang qua các vùng biển đang trong vòng tranh chấp”. Washington nhắc nhở rằng luật pháp quốc tế cho phép tàu bè, kể cả các tàu chiến, thực thi quyền “qua lại vô hại” trong các vùng biển quốc tế.

Lời nhắc nhở này còn nhắm vào một số nước khác – như Việt Nam và Đài Loan.

Ngũ Giác Đài tuyên bố:

“Bằng cách qua lại vô hại mà không thông báo hay xin phép bất kỳ nước nào có yêu sách chủ quyền trong khu vực, Hoa Kỳ thách thức những hạn chế bất hợp pháp mà các nước đó đã đơn phương áp đặt trong các vùng biển quốc tế.”

Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Mỹ tăng sức ép với Trung Quốc bằng cách lên tiếng bày tỏ “quan tâm về các động thái gần đây của Trung Quốc, cho phép sử dụng vũ lực để lấn át các nước láng giềng”.

“Chúng tôi nhắc nhở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) rằng các lực lượng hàng hải có trách nhiệm hành động một cách chuyên nghiệp và tự chế khi thực thi quyền hạn của mình”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói tiếp:

“Chúng tôi còn quan tâm về chuyện Trung Quốc có thể viện luật hải cảnh mới để khẳng định các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông”.

‘Lập trường của chính phủ Biden cứng rắn hơn trông đợi’

Chỉ trong tháng đầu tiên từ khi lên nhậm chức, chính phủ của Tổng thống Biden đã thực hiện ít nhất 3 hoạt động hải quân quy mô trong các vùng biển gần Trung Quốc. Asia Times cho rằng đây là “một cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất trong thập niên qua”.

Trong bài diễn văn về chính sách đối ngoại đầu tiên của ông, Tổng thống Joe Biden mô tả Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất’ của Mỹ, ông nói Trung Quốc đã trực tiếp tấn công vào trật tự thế giới và các cấu trúc của nền trật tự do Hoa Kỳ xây dựng sau Đệ nhị Thế Chiến, và ông cam kết sẽ trực diện đối đầu những thách thức do Bắc Kinh đặt ra cho sự thịnh vượng, nền an ninh và các giá trị Mỹ.

Tòa Bạch Ốc khẳng định Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và Washington sẽ làm việc với các đối tác về một chiến lược cho sự cạnh tranh với Bắc Kinh.

“Các lực lượng của Mỹ sẽ điều tàu bè và máy bay tới hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, để bảo vệ các lợi ích an ninh của chúng tôi và của các đồng minh và đối tác của chúng tôi,” người phát ngôn Tòa Bạch Ốc John Kirby lặp lại lập trường từ trước tới nay của Hoa Kỳ.

Ông lưu ý rằng trong số 7 nước đã ký hiệp định quân sự với Mỹ, thì có 5 nước nằm trong vùng Thái Bình Dương, và “chúng tôi đặt rất nặng các nghĩa vụ đó.”

Các nước vừa kể gồm có Hàn quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc và New Zealand.

Phản ứng trước chính sách cứng rắn hơn của Washington, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ “vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và cố ý phá vỡ bầu không khí hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông”.

Sát cánh với đồng minh kiềm hãm Trung Quốc

Tiếp tục chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của chính phủ tiền nhiệm, nhưng với 1 điểm khác biệt, chính quyền Biden tích cực mời gọi các đồng minh cùng tăng áp lực lên Trung Quốc.

Đang có dấu hiệu là một số đồng minh chủ yếu của Hoa Kỳ đang dấn thân vào nỗ lực quốc tế để kiềm hãm tham vọng của Trung Quốc.

Hai chiến hạm của Pháp, tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và khu trục hạm nhỏ Surcouf đã rời cảng Toulon hôm 18/2 và đang trên đường tới Biển Đông, theo Sputniknews.

Bản tin cho biết sau một chuyến hải hành băng qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, hai chiến hạm sẽ tham gia các cuộc diễn tập quân sự với Nhật Bản và Hoa Kỳ trong Biển Đông vào tháng Năm sắp tới.

Sứ mệnh Jeanne d’Arc 2021 nhắm 3 mục tiêu: thứ nhất, huấn luyện 147 thủy thủ của hải quân Pháp; mục tiêu thứ hai là hợp tác khu vực và mục tiêu thứ 3, quan trọng hơn cả, là triển khai các hoạt động tới các vùng có tầm quan trọng chiến lược để bảo vệ các lợi ích của nước Pháp.

Mục đích của sứ mệnh này, theo lời Đô đốc Pierre Vandier, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp, là để bảo vệ “quyền tự do hàng hải” và chống lại “hành vi xâm hại” của Trung Quốc.

Chính sách bành trướng của Trung Quốc đã bắt đầu gây lo ngại cho các nước Châu Âu từ năm 2020, khi mà Trung Quốc vận dụng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự để tìm cách lập ra một trật tự mới.

Hồi đầu tháng Hai, tàu ngầm tác chiến dùng năng lượng hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp cũng được triển khai tới tuần tra các vùng biển đang trong vòng tranh chấp.

Sputniknews dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Pháp Florence Parly:“Đây là một bằng chứng đáng tự hào về khả năng của Hải quân Pháp triển khai xa bờ và trong thời gian dài để hợp tác với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản”Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly

Pháp không phải là nước châu Âu duy nhất đưa tàu chiến tới Biển Đông.

Anh và Đức dự kiến sẽ thực hiện các cuộc diễn tập lớn trong các vùng biển lân cận Trung Quốc trong những tháng tới.

Ngoài ra, một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Canada đã thực hiện “hoạt động đòi quyền tiếp cận” qua eo biển Đài Loan trên đường tới dự các cuộc tập trận chung với các đối tác từ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản.

Úc và các nước Tây Âu khác cũng điều tàu đi ngang qua các vùng biển tranh chấp, để thể hiện lập trường ủng hộ Hoa Kỳ trong nỗ lực đẩy lùi tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, tuyến hàng hải thiết yếu đối với thương mại quốc tế, trước khi Bắc Kinh thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

https://www.voatiengviet.com/a/bien-dong-quoc-te-tang-ap-luc-day-lui-tham-vong-cua-trung-quoc/5790881.html 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?