Các nhà hoạt động Việt Nam bị nhóm hacker khét tiếng nhắm tới?

Nhóm Ocean Lotus, bị nghi ngờ có liên hệ với chính phủ VN, đứng sau một chiến dịch tấn công bằng phần mềm gián điệp nhằm vào giới hoạt động nhân quyền, theo Amnesty Tech.

Ảnh minh họa
Chụp lại hình ảnh, Ảnh minh họa

Trong thông cáo báo chí công bố ngày 24/2, tổ chức nhân quyền Amnesty Tech nói rằng hoạt động của Ocean Lotus đã kéo dài từ lâu.

Amnesty Tech cũng nhấn mạnh một cuộc tấn công ngày càng gia tăng vào quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Phòng thí nghiệm Bảo mật của Amnesty Tech cho rằng họ đã tìm thấy bằng chứng kỹ thuật trong các email lừa đảo được gửi đến hai nhà hoạt động nổi tiếng của Việt Nam, một người sống ở Đức và một tổ chức phi chính phủ Việt Nam có trụ sở tại Philippines, cho thấy Ocean Lotus phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công từ năm 2018 đến tháng 11/2020.

Nhóm hacker này đã nhiều lần được các công ty an ninh mạng xác định là nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, các chính phủ và công ty nước ngoài.

“Những cuộc tấn công mới nhất này của Ocean Lotus nêu bật sự đàn áp mà các nhà hoạt động Việt Nam trong và ngoài nước phải đối mặt để đứng lên đấu tranh cho nhân quyền,” Likhita Banerji, nhà nghiên cứu tại Amnesty Tech, cho biết.

Bà nói rằng việc giám sát bất hợp pháp này vi phạm quyền riêng tư và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.

“Chính phủ Việt Nam phải thực hiện một cuộc điều tra độc lập. Bất kỳ hành động từ chối nào đối với đề xuất này sẽ chỉ làm tăng thêm nghi ngờ rằng chính phủ Việt Nam đồng lõa trong các vụ tấn công của Ocean Lotus “.

Điều tra của Amnesty Tech cho thấy blogger Bùi Thanh Hiếu, tức Người buôn gió, đã bị nhắm mục tiêu bằng phần mềm gián điệp ít nhất bốn lần từ tháng 2/2018 đến tháng 12/2019.

Amnesty Tech cáo buộc rằng blogger nổi tiếng này đã bị chính quyền Việt Nam quấy rối nhiều lần trước khi tỵ nạn ở Đức, nơi ông sinh sống từ năm 2013.

Một blogger khác ở Việt Nam, không nêu tên do lo ngại về an ninh, đã bị nhắm mục tiêu ba lần từ tháng 7 đến tháng 11/2020.

Một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Philippines hỗ trợ người tị nạn Việt Nam và thúc đẩy nhân quyền, được gọi là Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại (VOICE), đã bị nhắm mục tiêu vào tháng 4/2020. Các cựu nhân viên và tình nguyện viên cho VOICE nhiều lần bị sách nhiễu, cấm xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu khi trở về Việt Nam, theo báo cáo này.

Tất cả các cuộc tấn công được thực hiện dưới dạng email vờ chia sẻ một tài liệu quan trọng với một liên kết để tải xuống một tệp. Các tệp này bao gồm phần mềm gián điệp cho hệ điều hành Mac hoặc Windows. Phân tích của Amnesty Teach về các email độc hại cho thấy Ocean Lotus phải chịu trách nhiệm vì họ đã sử dụng các công cụ, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng mạng cụ thể được nhóm tấn công sử dụng.

Khả năng tinh vi

Facebook

Ocean Lotus (còn được gọi là APT-C-00 và APT32) chịu trách nhiệm nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích ít nhất từ năm 2013, nhằm vào các ngành khác nhau, các cơ quan đại diện của chính phủ các nước láng giềng đặt tại Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự.

Nhóm này đã phát triển các khả năng phức tạp gồm một số biến thể của phần mềm gián điệp Mac OS, phần mềm gián điệp Android và phần mềm gián điệp Windows.

Nhóm này cũng được biết là đã xâm nhập các trang web được quan tâm để nhắm mục tiêu những người truy cập trang web. Gần đây hơn, Ocean Lotus bị phát hiện đã tạo ra các trang web truyền thông trực tuyến giả mạo dựa trên nội dung tự động thu thập từ các trang web tin tức hợp pháp.

Việc nhắm mục tiêu vào những người bảo vệ nhân quyền bằng công nghệ giám sát kỹ thuật số là bất hợp pháp theo luật nhân quyền quốc tế. Giám sát bất hợp pháp vi phạm quyền riêng tư và ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và quan điểm, hiệp hội và hội họp ôn hòa, thông cáo báo chí của Amnesty Tech viets.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay họ đã chia sẻ những phát hiện của mình với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi tại thời điểm công bố.

‘Đàn áp trực tuyến’

Bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội ở Việt Nam đang ngày càng bị hình sự hóa như một phần của chiến dịch trấn áp các tiếng nói chỉ trích trên diện rộng, theo thông cáo của Amnesty Tech. “Các nhà hoạt động bị bỏ tù, quấy rối, tấn công và kiểm duyệt trong im lặng trên cơ sở các luật mơ hồ, không tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế,” thông cáo viết.

Vào tháng 1/2019, Luật An ninh mạng có hiệu lực tại Việt Nam, trao cho chính phủ quyền hạn chế quyền tự do trực tuyến, buộc các công ty công nghệ phải giao nộp dữ liệu và kiểm duyệt nội dung của người dùng.

Tổ chức Ân xá Quốc tế gần đây đã ghi nhận các hành vi đàn áp có hệ thống ở Việt Nam bằng cách kiểm duyệt, tấn công vật lý, hình sự hóa và quấy rối trực tuyến các nhà hoạt động.

Báo cáo có tên “Hãy cho chúng tôi thở” (Let Us Breathe) cáo buộc Facebook và Google ngày càng đồng lõa với chế độ kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.

Việt Nam nói gì?

Cuối năm 2019, phản ứng trước việc Việt Nam bị Tổ chức Freedom House xếp vào danh sách các nước không có tự do internet, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Việt Nam “hoàn toàn bác bỏ những đánh giá thiếu khách quan, không đúng sự thật” này.

Ông Ngô Toàn Thắng, được truyền thông Việt Nam trích lời nói:

“Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế.”

“Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng những nhu cầu trao đổi thông tin, học tập làm việc của người dân.”

“Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện đang là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet và mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt kinh tế – văn hóa – xã hội ở Việt Nam.”

“Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, Việt Nam đã có hơn 60 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 60% dân số, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet và có khoảng 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nằm trong nhóm nước có lượng người dùng lớn nhất thế giới”.

Về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nói chung, trong một bài viết cuối năm 2020 trên Nhân dân điện tử, chính quyền Việt Nam cho rằng “Các thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Bài báo cũng nói Việt Nam “luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự”… Và rằng những thực tế này “không chỉ được nhiều nước trên thế giới, bạn bè quốc tế đánh giá cao, mà ngay cả nhiều tổ chức, thế lực từng có lúc chưa hiểu rõ hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam cũng phải thay đổi, thừa nhận.”

https://www.bbc.com/vietnamese/56178729

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?