Biển Đông: Quyền lợi kinh tế và tinh thần dân tộc












Nguyễn Hưng Quốc

Cách đây mấy năm, trong một cuộc gặp gỡ quanh bàn tiệc ở Úc, có người nêu lên vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, một cán bộ khá cao cấp và có học thức đến từ Hà Nội, nhún vai đáp: “Đó chỉ là mấy hòn đảo hoang nhỏ xíu thôi mà!” Rồi ông lái câu chuyện sang hướng khác. Có lẽ vì lịch sự, không ai quay lại câu chuyện ấy nữa. Tất cả đều quen biết nhau cả. Gần đây, đọc các blog trong nước, tôi lại bắt gặp câu nói tương tự từ các cán bộ cao cấp trong nước, cũng liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa: “Ồ, mấy cái đảo ấy toàn cát, chỉ có chim ỉa, chứ có gì đâu mà làm ghê vậy!”

 Mới biết đó là quan điểm thật. Nếu không phải đảng và chính quyền thì ít nhất cũng của một số, có lẽ không ít, cán bộ cao cấp trong bộ máy đảng và chính quyền Việt Nam.
 
 Quả thật, về phương diện diện tích, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có gì đặc biệt.
 
 Hoàng Sa gồm khoảng 30 đảo, bãi đá, hòn đá và cồn, nhưng tất cả đều rất nhỏ. Lớn nhất là đảo Phú Lâm cũng chỉ dài chưa tới 4 cây số và rộng chưa tới 3 cây số. Còn đảo Hoàng Sa thì chỉ dài có 900 mét và rộng khoảng 700 mét, diện tích tổng cộng chỉ khoảng 0,3 cây số vuông, kể cả vòng san hô chung quanh. Các đảo khác cũng tương tự, khoảng 1/3 cây số vuông. Như Hoàng Sa. Còn những cái gọi là cồn hay hòn thì có khi chỉ là những mỏm san hô nổi lên trên mặt nước.
 
 Trường Sa lớn hơn, gồm đến gần 140 đảo, đá và bãi. Nhưng tất cả cũng đều rất nhỏ. Gộp chung lại, tất cả chỉ có diện tích khoảng 11 cây số vuông. Trong số đó, được chú ý nhất là đảo Song Tử Đông rộng 250 mét, dài 900 mét; đảo Song Tử Tây rộng 300 mét, dài 700 mét; đảo Thị Tứ rộng 550 mét, dài 700 mét; đảo Sinh Tồn – được biết nhiều qua bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa (1) – chỉ rộng có 140 mét và dài khoảng 400 mét. Đã nhỏ, hầu hết các đảo ấy đều thiếu nước ngọt trầm trọng. Do đó, dân cư rất thưa thớt. Hầu hết những người hiện diện trên các đảo đều là bộ đội.
 
 Tuy nhiên, ở đây có mấy điều cần chú ý. Thứ nhất, Trung Quốc không phải chỉ muốn chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ còn muốn chiếm ít nhất là 80% tổng diện tích của Biển Đông. Thứ hai, đảo không phải chỉ là những hòn đá hay thửa đất nổi trên mặt biển mà còn bao gồm tất cả các nguồn tài nguyên thiên chứa chất dưới chúng cũng như dưới đáy biển chung quanh chúng. Và thứ ba, không nên quên điều quan trọng này: ngoài ý nghĩa địa lý, dân cư và kinh tế, các hòn đảo và vùng biển chung quanh chúng còn có ý nghĩa chiến lược quân sự quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong, hoặc ít nhất, sự phát triển của quốc gia.
 
 Thứ nhất, đứng về phương diện kinh tế, Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có mấy ý nghĩa chính. Một, đó là nguồn cung cấp cá và hải sản quan trọng, chiếm khoảng 7-8% tổng sản lượng cá biển và hải sản trên cả thế giới. Riêng với Việt Nam, đó là nguồn cung cấp cá biển và hải sản duy nhất cho cả 90 triệu dân (chưa nói đến chuyện xuất khẩu) và là nguồn sinh kế của cả mấy chục ngàn ngư dân nằm dọc theo các tỉnh duyên hải. Hai, đó cũng là một trong những bồn dầu khí lớn nhất thế giới. Trữ lượng dầu khí ở đó, theo sự ước lượng của Mỹ, lên đến khoảng 28 tỉ thùng, đủ để cung cấp cho cả thế giới trong vòng một năm; theo Trung Quốc, lạc quan hơn, khoảng 200 tỉ thùng, đủ cung cấp cho cả thế giới khoảng sáu năm rưỡi.

Thứ hai, về phương diện chiến lược, Biển Đông là một trong những con đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. “Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. […] 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. […] Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.”
 
 Trên con đường hàng hải quan trọng ấy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là Trường Sa, có vị trí như một cái yết hầu, từ đó, người ta có thể kiểm soát tất cả các tàu bè qua lại. Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu chiến lược mới khẳng định: quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được toàn bộ Biển Đông. Mà khống chế Biển Đông cũng là khống chế hầu hết các nước ở châu Á và tất cả các quốc gia giàu có trên thế giới, những nước có quan hệ thượng mại với châu Á.
 
 Cả hai khía cạnh kinh tế và chiến lược nói trên đều khá hiển nhiên. Hầu như ai cũng thấy. Nhưng Biển Đông và các hòn đảo trên Biển Đông còn có ý nghĩa thứ ba này nữa, cũng quan trọng không kém: nó gắn liền với tinh thần dân tộc.
 
 Không có quốc gia nào, dù cởi mở đến mấy, có thể phát triển hùng mạnh mà không dựa trên tinh thần dân tộc. Với những nước đang phát triển, khi kinh tế và văn hóa chưa ở độ cao của toàn cầu hóa, tinh thần dân tộc lại càng mạnh và lại càng cần thiết: nó là yếu tố thiết yếu để nối kết mọi người lại với nhau, để nhắm đến một mục tiêu và một lý tưởng chung; nó cũng là nguồn động lực để gây sức mạnh, giúp mọi người chịu đựng được gian khổ hầu thúc đẩy đất nước ngày một tiến bộ. Nói theo các nhà nho cách mạng ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, đó chính là hồn nước. Ý thức dân tộc ấy xem bất cứ cái gì thuộc lãnh thổ của mình, dẫu chỉ là những hòn đảo nhỏ nhoi và xa xôi, đều là những gì thiêng liêng được đánh đổi bằng xương máu của tổ tiên trong cả hàng ngàn năm, hoặc ít nhất, hàng trăm năm nay.
 
 Đối diện với những di sản thiêng liêng ấy, người ta phải có trách nhiệm bảo vệ, có khi ngay cả bằng xương máu của chính mình. Hồ Chí Minh, người sáng lập đảng Cộng sản và lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên hiểu rất rõ điều đó khi, ngay những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp, chiêu dụ các thanh niên: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” Chưa nói đến các hậu ý chính trị và thực chất của cái gọi là “giữ lấy nước” của Hồ Chí Minh, chỉ xét đến bình diện ngữ nghĩa, câu nói ấy phản ánh đúng sự suy nghĩ của những người bình thường: việc bảo vệ đất nước là một nhiệm vụ đối với lịch sử và với tổ tiên.
 
 Không phải chỉ với người Việt Nam. Khi người Nhật Bản và Hàn Quốc kiên quyết chống đối Trung Quốc để bảo vệ những hòn đảo xa lắc, không có người ở và cũng không có triển vọng chứa đựng bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào, họ cũng đều hành xử trong tinh thần như thế. Những hòn đảo ấy chỉ có giá trị tượng trưng cho chủ quyền quốc gia. Vậy thôi. Nhưng dù vậy, họ vẫn giữ một cách đầy quyết tâm, bất chấp mọi hậu quả.
 
 Người Việt Nam vẫn thường tự hào về truyền thống yêu nước và bất khuất của mình. Không ai có thể chấp nhận xem những vùng biển quan trọng như thế và những hòn đảo đã từng thấm đẫm máu của cha anh mình như thế, chỉ là những mảnh đất hoang đầy cứt chim như lời một số cán bộ cao cấp tuyên bố.
 
 Nói như vậy không những ngu xuẩn mà còn vô liêm sỉ.
 
 ***
 
 Chú thích:
 
 (1) Bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” như sau:
 
 Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
 Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
 Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
 Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...
 
 Ôi ước gì được thấy mưa rơi
 Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
 Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
 Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
 Đảo xa khơi sẽ hoá đất liền
 Chúng tôi không cạo đầu để tóc lên như cỏ
 Rồi khao nhau
 Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt
 Ôi ước gì được thấy mưa rơi ...
 Cơn mưa lớn vẫn rập rình ngoài biển
 Ánh chớp xanh vẫn lấp loáng phía
                                                chân trời..
 Ôi, ước gì được thấy mưa rơi
 Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát
 Giãy giụa tơi bời trên cát
 Như con cá rô rạch nước đón mưa rào
 Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào
 Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo
 Mưa đi ! Mưa đi ! Mưa cho táo bạo
 Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng
 Nhưng làm sao mưa cứ ngại ngùng
 Chập chờn bay phía xa khơi...
 
 Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi
 Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết
 Mưa đi ! Mưa đi ! Mưa cho mãnh liệt
 Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu
 Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu
 Hay mưa bụi ... mưa li ti... cũng được
 Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước
 Một hạt nhỏ thôi cát cũng dịu đi nhiều...
 Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
 Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn
                                                  trên mặt đảo
 Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
 Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập
                                                  trái tim người
 Như đá vững bền, như đá tốt tươi...
 Mưa vẫn dăng màn lộng lẫy phía xa khơi
 Mưa yểu điệu như một nàng công chúa
 Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa
 Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời
 Để bao giờ cánh lính chúng tôi
 Cũng có một niềm vui
                               đón đợi...
     
                                          (1982)
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?