Việt Nam : Sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc




(DR)

Thanh Hà

« The China Choice : Why America Should Share Power- Lựa chọn Trung Quốc : Tại sao Mỹ phải chia sẻ quyền lực » là tác phẩm mới của chuyên gia Úc, Hugh White. Theo đó, để duy trì hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ nhường lại cho Bắc Kinh phần thuộc Đông Dương cũ. Quan điểm này đã khiến nhiều nước trong vùng đau đầu, nhất là Việt Nam khi nhìn lại quá khứ lịch sử.

Các tờ báo lớn của Paris tập trung nói về những chủ đề thiết thân với đời sống của người dân Pháp như là lo âu thất nghiệp tràn làn, sức mua của người dân sa sút do giá dầu hỏa và lương thực có khuynh hướng tăng thêm. Ở phần trang quốc tế, các tờ báo Pháp chú ý nhiều đến thời sự Trung Quốc. Nhưng trước tiên, xin điểm qua một bài nhận định trên tờ Straits Times của Singapore liên quan đến Việt Nam. Bài viết mang tựa đề « Việt Nam : Sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc »

Chiến lược kép của Việt Nam

Nhà báo William Choong nhắc đến cuốn sách vừa được ra mắt công chúng của một học giả ngưới Úc, giáo sư về chiến lược và quốc phòng, Hugh White. Ông giảng dạy tại Đại học Quốc gia Úc. Cuốn sách mang tựa đề « The China Choice : Why America Should Share Power- Lựa chọn Trung Quốc : Tại sao Mỹ phải chia sẻ quyền lực ». Theo quan điểm của giáo sư White, để duy trì hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc cần chia sẻ quyền lực với nhau. Cụ thể là Washington nên nhường lại cho Bắc Kinh phần thuộc Đông Dương cũ. Quan điểm này đã khiến nhiều nước trong vùng đau đầu, đặc biệt là Việt Nam khi nhìn lại quá khứ lịch sử và quan hệ với Trung Quốc.

Tác giả người Úc nhắc lại, Việt Nam đã nhiều lần bị Trung Quốc đô hộ. Nhưng trong cuộc chiến chống Mỹ vào thập niên 60, thì Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam cả về quân sự lẫn kinh tế. Hà Nội và Bắc Kinh luôn ví quan hệ mật thiết giữa hai nước như « môi với răng ».

Dù có gắn bó như « môi với răng », nhưng điều đó đã không cấm cản Việt Nam và Trung Quốc gây hấn với nhau ở biên giới vào năm 1979, sau khi Bắc Kinh đã xích lại gần Washington. Đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc lại xảy ra thêm một lần nữa vào năm 1988 trên quần đảo Trường Sa.

Tương tự như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam không muốn phải chọn lựa giữa hai nước lớn là Mỹ hay Trung Quốc và cố giữ một sự cân bằng trong quan hệ với đôi bên, cho dù chính sách ngoại giao của Hà Nội cho thấy, Việt Nam luôn « tỏ ra đoàn kết với Bắc Kinh ». Mặt khác, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ - kể cả trong lĩnh vực quân sự và chiến lược- với Hoa Kỳ để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thế nhưng, chiến lược của Việt Nam giữa hai ông khổng lồ là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có những giới hạn của nó. Tính toán đó chỉ có lợi cho Hà Nội, nếu như Việt Nam thực sự không phải chọn một trong hai cường quốc này. Hiềm nỗi, căng thẳng đang dấy lên trong thời gian gần đây ở Biển Đông có thể bắt buộc Việt Nam phải xét lại tính toán về chiến lược nói trên.

Quan điểm của Philippines đã quá rõ ràng : Manila đã nhấn mạnh đến liên minh quân sự từ lâu đời với Washington. Còn đối với Việt Nam, hợp tác quân sự ngày càng lớn với Hoa Kỳ có thể cho phép Hà Nội cầu viện Washington trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Vẫn theo chuyên gia chiến lược và quốc phòng người Úc, giáo sư Hugh White, trong trường hợp đó, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ bị tổn hại, căng thẳng tại Biển Đông nhanh chóng gia tăng cường độ và có khả năng là Mỹ và Trung Quốc trực tiếp đọ sức với nhau kể cả bằng vũ khí hạt nhân.

Chính vì thế mà tác giả cuốn « The China Choice : Why America Should Share Power » kết luận rằng, Việt Nam đang trong tình thế khó xử nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông. Vì cầu cứu Mỹ chỉ càng làm chiến sự gia tăng, còn chịu thu mình dưới trướng Trung Quốc thì Việt Nam có nguy cơ thêm một lần nữa lại rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

Dân Trung Quốc mất lòng tin đối với chính quyền

Báo công giáo La Croix chạy tựa trên trang nhất « Người dân Trung Quốc bắt đầu nghi ngờ » : Trên internet, ngày càng có nhiều người công khai tỏ ra bất bình vì tham nhũng tràn lan và những bất công xã hội. La Croix gọi đó là khủng hoảng niềm tin đối với Đảng và tầng lớp lãnh đạo khi « chính quyền và Nhà nước luôn nói dối dân ».

Có người cho biết đã vô cùng thất vọng khi thấy ngôi sao thể thao Trung Quốc Lưu Tường bị loại ở cự ly 110 mét nhảy rào nhân Thế Vận Hội Luân Đôn 2012. Nhưng ông lại càng thất vọng hơn khi biết được là vận động viên Lưu Tường, trước khi đến Luân Đôn, đã bị thương và không hy vọng đạt được bất kỳ một thành tích nào nhưng vẫn bị « phái đoàn Nhà nước» bắt buộc ra tranh tài. Ông cảm thấy như bị lừa gạt.

Người dân Trung Quốc mất lòng tin khi thấy hàng loạt các vụ sập cầu, tai nạn hầm mỏ, ngộ độc thực phẩm … làm biết bao nhiêu người dân vô tội chết oan, trong lúc các cán bộ hay thủ phạm gây nên tội ác thì vẫn bình an vô sự, ngoài vòng tù tội.

Một số các nhà báo can đảm, dám vạch trần những mảng tối của xã hội hài hòa của Trung Quốc thì phải trả giá đắt. Hôm 23/08/2012, tổng biên tập tờ China Daily đã tự vẫn. Trong lá thư tuyệt mệnh, ông viết : « Tôi dám nghĩ, nhưng không dám viết. Tôi khâm phục những nhà báo độc lập dám làm điều đó. Tôi không đủ can đảm vì không muốn để gia đình bị liên lụy ».

Nội dung bức thư tuyệt mệnh của nhà báo người Trung Quốc này đã được phổ biến rộng rãi trên mạng internet và nhiều người không ngần ngại quy trách nhiệm cho chính quyền về cái chết của tổng biên tập tờ China Daily. La Croix coi đây như một lời cảnh cáo mà người dân Trung Quốc muốn nhắn gửi tới các vị lãnh đạo sắp được chỉ định lên cầm quyền.

Đó cũng là hiện tượng phản ánh bức xúc của dư luận, là hố sâu ngăn cách giữa tầng lớp lãnh đạo Bắc Kinh với quần chúng. Theo nhận xét của một nhà xã hội học ở Hồng Kông, bất công xã hội ngày càng lớn, tình hình kinh tế đi xuống là những yếu tố làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước. Tô điểm lại hình ảnh và tái lập niềm tin đối với đảng Cộng sản trong con tim hơn một tỷ rưỡi người sẽ là thách thức lớn chờ đợi ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh.

Mặc cảm kinh tế của Matxcơva

Vẫn tờ La Croix đưa ra một nhận định khá thú vị về quan hệ ngày càng « Phức tạp giữa Nga và Trung Quốc » : Do Matxcơva mặc cảm thua kém Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn công nghệ không gian.

Thông tín viên của La Croix từ Matxcơva nhắc lại : Khi trở lại điện Kremlin, tổng thống Putin đã không màng đến dự Thượng đỉnh G8 ở Camp David –Hoa Kỳ để gặp tổng thống Obama, mà đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên để đến Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, hai nguyên thủ Vladimir Putin và Hồ Cẩm Đào đã tỏ ra hết sức đoàn kết, đặc biệt là trên hồ sơ Syria.

Cuộc tiếp xúc đó đã diễn ra trong bối cảnh mà Trung Quốc chuẩn bị thay đổi nhân sự ở thượng tầng cơ quan quyền lực, nhưng đó là sự thay đổi luôn được Bắc Kinh khéo léo dàn xếp từ trong hậu trường. Còn về phía Nga, sự trở lại điện Kremlin của ông Putin được coi là một vở kịch để phô trương tính cách dân chủ, nhưng đó lại là một « màn kịch được dàn dựng một cách vụng về ». Bắc Kinh luôn xem thường mô hình của Nga.

Trung Quốc và Nga cùng là thành viên nhóm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy trên thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Thế nhưng, Nga luôn bị xem là mắt xích kinh tế yếu kém nhất trong gia đình gồm 5 thành viên này.

Việc Nga vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đã không được mọi người quan tâm đến là bao. Nhiều chuyên gia báo trước rằng, việc gia nhập WTO sẽ không cho phép kinh tế Nga cất cách như kịch bản đã từng xảy với Trung Quốc cách nay hơn 10 năm. Ngoài hiềm tỵ về kinh tế, Matxcơva còn bực mình khi thấy Bắc Kinh đang lao vào cuộc chinh phục không gian, vốn được coi là niềm tự hào của Nga. Vào lúc mà Matxcơva không còn tiền để đầu tư vào ngành công nghệ không gian thì Bắc Kinh đang chuẩn bị đưa người lên thám hiểm mặt trăng.

Mỹ: Mitt Romney, 100 ngày để thuyết phục

Liên quan tới thời sự nước Mỹ, sự kiện thu hút chú ý các tờ báo Pháp hôm nay là diễn văn kết thúc Đại hội đảng Cộng hòa của ứng cử viên tổng thống Mitt Romney. Theo La Croix, ứng cử viên đảng Cộng hòa Romney đánh vào nhược điểm của tổng thống mãn nhiệm, Barack Obama, để thuyết phục dư luận.

Le Figaro vẫn hoài nghi khi đưa ra nhận xét : « Ngay cả đảng Cộng hòa vẫn chưa chắc chắn Mitt Romney là ứng cử viên tổng thống hợp thời vào lúc nước Mỹ đang trải qua một giai đoạn then chốt ». Chính vì thế, đảng này đã dồn nhiều nỗ lực để tô điểm hình ảnh của ông Romney.

Báo kinh tế Les Echos nhận định : « Để đắc cử, Mitt Romney phác họa ra một mô hình kinh tế hoàn toàn trái ngược với những gì đang xảy ra tại châu Âu ». Hiềm nỗi, theo nhận định của tờ báo : « Bản thân ông Romney vẫn thường xuyên thay đổi ý kiến về chính sách kinh tế và những giải pháp cần thiết để đem lại công ăn việc làm cho người dân ».

Về phần mình, tờ Le Monde chú ý tới Paul Ryan, người đứng liên danh với ứng cử viên Mitt Romney. Năm nay 42 tuổi, Paul Ryan được coi là ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa. Ông vừa tỏ ra năng nổ, trẻ trung, có nhiều nghị lực. Đó là những lợi thế khi trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Đại hội Đảng vừa qua, ông Rayn đã tỏ ra sắc sảo và không ngừng tấn công chính quyền mãn nhiệm của ứng cử viên đảng Dân chủ. Paul Ryan luôn khẳng định mình là « người đem lại một sự thay đổi thực sự cho nước Mỹ »

Tuy nhiên, phóng viên báo Le Monde nhận thấy, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa Paul Ryan, có lẽ vì quá hăng say khi nêu lên những thất bại kinh tế của tổng thống Barack Obama trong bốn năm qua, nên đã nhầm lẫn khá nhiều. Chẳng hạn như khi ông quy trách nhiệm cho Obama trong việc nhà máy GM ở Janesvill phải đóng cửa. Ứng cử viên phó tổng thống Mỹ quên mất rằng vào thời điểm đó, quyền lực còn nằm trong tay đảng Cộng hòa dưới thời tổng thống George W.Bush.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?