Mối đe dọa trên kinh tế Trung Quốc - Ngô Nhân Dụng

Hiện giờ chắc ai cũng đang chú ý tới bản tin chính quyền Trung Quốc đưa chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của họ vào diễu võ dương oai trong vùng Biển Ðông.
Nhưng thực sự nó đáng sợ hay không? Nó có mạnh bằng đạo quân 100,000 binh sĩ với 10,000 ngựa giống Thiểm Tây, và 200,000 dân phu phục dịch mà Tống Thần Tông sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đưa sang tấn công nước ta năm 1077 hay không? Ai cũng nhớ, sau khi gặp quân đội Việt Nam của Lý Thường Kiệt, hai tướng báo cáo về triều rằng: Binh sĩ và dân phu đã chết một nửa. Các ông tướng giải thích: Chúng chết vì bệnh tật.
 
Một chiếc tàu sân bay đi giữa biển thì không lo lính tráng mắc bệnh dịch. Nhưng nó sẽ phải lo đối phó với phi cơ chiến đấu của những nước trong vùng (Phi Luật Tân và Việt Nam chẳng hạn). Nếu chẳng may có chiến tranh, những máy bay của các nước bị Trung Quốc đe dọa có thể cất cánh từ những phi trường trên đất liền, được tiếp tế nhiên liệu và bom đạn ngay gần nơi chiến trường, chắc không yếu sức hơn những máy bay trên chiếc tầu sân bay (chữ tầu sân bay nghe giản dị hơn chữ hàng không mẫu hạm, mà lại là chữ Việt, rất nên dùng). Một chiếc tầu sân bay mà không có đủ một hạm đội hộ tống thì giống như con vịt lênh đênh trên mặt hồ làm đích cho máy bay bên địch tập bắn hoặc thả bom!
 
Chuyện tầu sân bay không đáng quan tâm. Cho nên muốn nói chuyện Trung Quốc bây giờ thì chuyện kinh tế đáng chú ý nhất; nó lớn hơn chuyện bà Cốc Khai Lai bị án tử hình treo! Kinh tế Trung Quốc đang chạy với tốc độ chậm chạp nhất kể từ 2009 đến nay. Với tình trạng kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi sức khỏe, khu vực đồng euro đang khủng hoảng, hàng Trung Quốc bán ra chậm hơn, trong khi giới tiêu thụ trong nước vẫn chưa dư tiền tiêu xài. Kinh tế Trung Quốc đang trì trệ đáng lo ngại. Tuy hiện giờ tỷ lệ tăng trưởng vẫn là 7.6% một năm (trong ba tháng quý thứ nhì 2012), nhưng tốc độ giảm đột ngột nếu so sánh với tỷ lệ trên 10% trước đây khiến nhiều xí nghiệp xính vính.
Các xí nghiệp không tuyển thêm nhân viên và công nhân nữa. Số xuất cảng gần như đứng khựng lại không lên được. Nhập cảng cũng xuống, đáng kể nhất là các nguyên liệu như sắt dùng để chế thép. Bởi vì các công ty chỉ mua nguyên liệu và bộ phận về khi tin rằng sẽ bán được hàng; nay viễn ảnh bán hàng đang đen tối. Giá nhà cửa đã xuống đều đều từ khi ông Ôn Gia Bảo đạp chân thắng, hạn chế không cho mua căn nhà thứ hai; vì ông muốn chặn đứng đầu cơ trong thị trường địa ốc. Mối lo lắng về kinh tế khiến nhiều người chuyển tiền ra nước ngoài.
Một nguồn tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Trung Quốc là nhờ xuất cảng. Trong Tháng Sáu, số xuất cảng đã tăng 11% so với tháng trước; sang Tháng Bẩy chỉ tăng 1% so với Tháng Sáu. Các công ty xuất cảng sử dụng hàng trăm triệu công nhân. Công nhân đang đòi lương cao hơn, trong khi hàng bán không tăng, nhiều xí nghiệp đã phá sản. Báo China Times (Trung Quốc Thời Báo) cho biết đang có 46 xưởng đóng tầu lo phá sản, vì số bán giảm mất một nửa. Sau tin báo động này, chắc chính phủ Bắc Kinh sẽ đem tiền ra cứu, nhưng cứu cho các xí nghiệp tiếp tục chạy mà hàng vẫn không bán được thì đúng là “Gánh vàng đi đổ sông Ngô!”
 
Trung Quốc được gọi là “nhà sản xuất của thế giới” (trong khi dân Mỹ được gọi là nhà tiêu thụ của thế giới). Nhưng vì số giấy đặt hàng giảm, số hàng chế hóa ở Trung Quốc trong bẩy tháng qua tăng với tốc độ chậm nhất, và sang Tháng Tám thì không tăng nữa mà bắt đầu giảm bớt. Người ta đo lường sức khỏe của ngành chế hóa (manufacturing) bằng một chỉ số. Trong Tháng Năm, chỉ số PMI là 50.4, sang Tháng Sáu xuống 50.2; qua Tháng Bẩy xuống nữa, thành 49.3; nhưng chỉ số PMI Tháng Tám tụt xuống nữa, chỉ còn 47.8. Chỉ số PMI (Purchasing Managers Index), do Ngân Hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) tính toán, khi PMI xuống dưới 50 là dấu hiệu số sản xuất sắp xuống.
HSBC là một ngân hàng tư quốc tế cho nên công bố các số thống kê. Chính phủ Bắc Kinh thì chỉ muốn che giấu. Ủy Ban An Ninh Công Cộng đã ra lệnh các thành phố không được công bố thống kê về số xe đăng bộ (car registration). Vì sợ người ta biết xe hơi đang ế hàng. Lần cuối cùng có số thống kê về các căn hộ trong chung cư (apartment) bỏ trống là năm 2008. Từ đó tới nay không có con số nào cả! Những các nhà báo ngoại quốc quen nghề điều tra kinh tế vẫn tiết lộ được tình cảnh trì trệ trong cả hai ngành, xe hơi và nhà cửa. Ðó là hai ngành ảnh hưởng mạnh nhất đến sức khỏe cả nền kinh tế (coi nước Mỹ thì biết). Bởi vì khi người ta mua xe mới thì không phải chỉ có các hãng xe kiếm lời mà tất cả các xí nghiệp lớn nhỏ cung cấp phụ tùng, bộ phận làm chiếc xe đều có cơm ăn. Mua nhà cũng vậy, ai cũng phải lo mắc điện, ống nước, sắm sửa đồ đạc và trang hoàng, tu bổ căn nhà.
 
Các nhà báo đi thăm những sàn bán xe (car dealers), hỏi chuyện mấy câu cũng thấy được là số xe ế được nằm ụ lên cao. Làm tính cộng lại, người ta thấy từ Tháng Mười Hai năm ngoái đến Tháng Sáu năm nay, số xe nằm ụ tăng từ 1.3 triệu lên 2.2 triệu. Số “tồn kho” tăng thêm là 900,000 chiếc xe, đã tăng hơn 70%. Cho nên các công ty sản xuất xe hiện chỉ hoạt động 65% sức sản xuất bình thường. Một xưởng làm xe phải hoạt động 80% mới hy vọng có lời. Các đô thị lớn ở Trung Quốc đang lo nạn kẹt xe, đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế việc mua xe, góp phần vào cảnh trị trệ của thị trường bán xe. Giá nhà cửa xuống thì ai cũng biết từ lâu, và các công ty xây cất cũng giảm bớt hoạt động. Công nhân ngành xây dựng đang mất việc.
Các công ty tư vấn kinh doanh đi nghiên cứu để cung cấp tài liệu cho giới đầu tư quốc tế cho biết kho chứa tất cả các thứ hàng hóa ở các nhà bán sỉ và bán lẻ đang tăng lên, vì hàng bán quá chậm; trong khi nhà sản xuất vẫn tống hàng đến cho họ. Số hàng tồn kho trong Tháng Tám tăng lên với một tốc độ cao nhất kể từ khi số thống kê này được chính phủ tính toán vào năm 2004. Phỏng vấn các nhà sản xuất và nhà buôn sỉ người ta được biết từ năm ngoái sang năm nay, số bán đã giảm trong nhiều mặt hàng: máy hút không khí ẩm (dehumidifiers), ống dẫn trong hệ thống quạt thông không khí (ventilation systems), bàn thu điện mặt trời (solar panels), đà thép làm trần nhà, và cả khăn vải trải giường nữa. Tất cả những món hàng trên liên hệ đến việc mua nhà hay xây nhà mới!
Chính quyền Bắc Kinh cố che đậy những nhược điểm trên đây để dân không lo lắng, hoảng hốt. Ngay phương pháp làm thống kê cũng được sửa đi sửa lại để che giấu cảnh xuống dốc. Nhưng chỗ nhược nặng nề nhất là trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh lớn nhất (nhà nước nắm đại đa số cổ phần) đều chồng chất nợ xấu, khó đòi được. Nhưng họ tìm cách làm cho các tỷ số nợ xấu giảm đi bằng trò phù thủy.
Thí dụ tại Ngân Hàng Công Thương (ICBC) năm 2004 có 21% số tiền cho vay được liệt kê là nợ xấu. Năm nay, tỷ lệ xuống chỉ còn 1%. Hai ngân hàng khác, Trung Quốc Ngân Hàng và Trung Quốc Kiến Thiết Ngân Hàng cũng có tỷ lệ 16% và 17% nợ xấu, nay chỉ còn 1% thôi? Làm cách nào các ngân hàng giảm bớt nợ xấu nhanh như vậy?
Nhìn vào sổ sách của ICBC thì người ta thấy ngân hàng này có một món tài sản lớn 313 tỷ đồng Nguyên, gọi là “Trái phiếu Hoa Dong.” Ðó là những trái phiếu do công ty tài chánh Hoa Dong Tư Sản Quản Lý Công Ty phát hành. Tức là ICBC mua trái phiếu của Hoa Dong, đưa 313 tỷ Nguyên cho họ.
Rồi sau đó, ngay lập tức công ty Hoa Dong bỏ tiền ra mua các món nợ xấu của ICBC. Thoáng một cái, số nợ xấu của ICBC biến gần hết. Hoa Dong mua của nợ về làm gì? Không ai cần biết, đòi nợ được thì đòi, không thì thôi. Vì đó là một công ty do Bộ Tài Chánh làm chủ quản! Tóm lại, đảng Cộng Sản Trung Quốc làm phép cho các món nợ xấu của các ngân hàng biến mất. Những nó chỉ chạy từ chỗ này sang chỗ khác mà thôi! Ðến khi các trái phiếu Hoa Dong đáo hạn, làm sao ICBC lấy lại được tiền đầu tư, sẽ tính sau!
Một thứ nợ xấu không bao giờ đòi được nữa là do các ngân hàng cho các chính phủ địa phương vay, trong chương trình “kích thích kinh tế” của Bắc Kinh, từ năm 2009. Tổng số tiền kích thích lên tới $1,500 tỷ. Phần lớn là các ngân hàng đưa cho các tỉnh, các huyện xây cất gì đó, không cần biết có cần hay không, và có ích lợi gì hay không. Xây dựng xưa nay vẫn là món chi tiêu dễ rút ruột nhất!
Cả nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của Trung Quốc hiện nay như vậy đó. Ðó là một chiếc hàng không mẫu hạm đang bị lủng nhiều lỗ, không biết làm sao cứu. Tất nhiên, chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn còn tiền để bơm thêm cho kinh tế tiếp tục chạy, ít nhất từ đây cho đến cuối năm, khi Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo hết nhiệm kỳ. Nhưng sau đó, sẽ ra sao thì không biết được.
Ðây không phải là một tin vui đối với người Việt Nam cũng như người Mỹ. Nếu kinh tế Trung Quốc xuống thì cả thế giới cũng sẽ xuống, vì kinh tế Mỹ cũng như Châu Âu vẫn phải xuất cảng. Mà một nước nhập cảng nhiều hạng nhất hiện nay là Trung Quốc!
Ðiều người ta mong ước là kinh tế Trung Quốc sẽ xuống từ từ, đừng có sập nhanh quá. Chúng ta chúc dân Trung Hoa gặp nhiều may mắn. Và xin đừng giở trò đem tàu máy bay ra dọa láng giềng nữa. Dọa làm gì, vô ích. Năm 1078, sau khi một nửa số quân sĩ nhà Tống chết (vì bệnh thời khí!) và một nửa còn lại “khai bệnh,” Tống Thần Tông đã cho rút quân về ngay. Bởi vì lúc đó nhà Tống cũng đang lo quân nước Tây Hạ và nước Liêu tấn công. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc nên để sức lo kinh tế hơn là đi hăm dọa các nước láng giềng!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?