Chính sách ngoại giao của nhóm Thái tử đảng


Tâm Nguyên

Tác giả gửi tới Dân Luận


Sở dĩ giới truyền thông quốc tế xoáy sâu vào vấn đề nhân sự của Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) 18 sắp tới, vì đây là một quốc gia có chính sách do các cá nhân quyết định chứ không phải từ kết quả hoạt động của những cơ quan pháp quyền.

Nhờ sự độc quyền kiểm soát thông tin, ĐCSTQ có lợi thế khi cố gắng che giấu những thâm cung bí sử trong nội bộ đảng. Như sự kiện liên quan đến Bạc Hy Lai gần như chỉ được công luận biết tới khi một quan chức cảnh sát cao cấp chạy tới lãnh sự quán Hoa Kỳ, tố cáo về vụ giết người của vợ ông Bạc Hy Lai, hồi tháng 2/2012. Nhưng thực tế cho thấy, cú ngã ngựa của Bạc Hy Lai có nguyên nhân sâu xa từ bố ông này là Bạc Nhất Ba, người đóng vai trò lớn trong việc thanh trừng Hồ Diệu Bang, người chủ trương cải cách và là một trong những người đỡ đầu cho Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo. Đồng thời, vị thế chính trị của Bạc Hy Lai tụt dốc từ Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2011. Nhiều Thái thượng hoàng tỏ ra khó chịu trước thái độ cao ngạo của họ Bạc, đến nổi trong một cuộc bỏ phiếu thử vào năm 2011, ông Bạc bị đánh rớt xuống vị trí cuối cùng.

Nhóm Thái tử đảng

Cục diện chính trường Trung Quốc nhìn chung, chí ít có 2 phe chính. Đầu tiên người ta hay nhắc đến Đoàn phái, tức phe dân túy do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào dẫn đầu. Phe này muốn nỗ lực làm giảm bớt khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc. Nhiều thành viên phe này xuất thân từ những hoàn cảnh tương đối khiêm tốn. Thỉnh thoảng xảy ra xung đột với phái này có nhóm con cháu của các tiền bối cách mạng. Sự thắng thế của phe Thái tử đảng trong vài năm gần đây tiêu biểu cho quá trình chuyển hóa của Trung Quốc, từ một thể chế cộng sản kiểu quân sự những năm 1950 bước sang một nền độc tài tập thể cánh hẩu kiểu mới. Mặc dù tầng lớp Thái tử đảng bị coi là không biết đồng cảm với người dân thường, nhưng ĐCSTQ tin cậy các ông hoàng đỏ; vì họ biết những người này sẽ bằng mọi giá, cố bảo vệ chế độ mà cha ông họ đã dựng lên.

Về mặt nhân sự, trong nhóm Thái tử đảng cũng có những khác biệt nhất định. Chẳng hạn như ông Tập Cận Bình, một nhân vật được xem sẽ nắm vị trí đứng đầu Trung Quốc sắp tới. Mặc dù ông Tập là con trai của cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, nhưng hoàn cảnh trưởng thành của ông khác rất nhiều so với con cháu các lão thành cách mạng trong nhóm. Nguyên quán miền Tây Bắc của Tập Cận Bình không giống với đa số các Thái tử đảng hiện tại có xuất thân từ miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Đồng thời không như nhiều con ông cháu nhiều đặc lợi kia, con đường hoạn lộ của ông Tập bắt đầu từ dưới cơ sở. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao ông Tập ủng hộ quyết định truất phế ông Bạc Hy Lai, trong khi dưới mắt dư luận họ là những người cùng phe. Ngày 16/2, Ban Thường vụ Bộ chính trị (BTVBCT) Trung Quốc có cuộc họp ở Trung Nam Hải, để thảo luận về việc Bạc Hy Lai có đáng bị cách chức và truy cứu trách nhiệm hay không. Vào thời điểm này các ủy viên BTVBCT có ý kiến không giống nhau về cách xử lý vụ Bạc Hy Lai,. Ngược với phe ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là yêu cầu truy cứu trách nhiệm của Bạc Hy Lai thì cánh ông Ngô Bang Quốc lại không cho rằng Bạc Hy Lai cần bị cách chức vì sự việc của Vương Lập Quân. Trong lúc tỷ lệ ý kiến là 4/4 thì số phận ông Bạc phụ thuộc vào quyết định của thành viên cuối cùng là ông Tập Cận Bình. Vừa kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington, ông Tập đã báo về Bắc Kinh là cần phải truy cứu trách nhiệm của Bạc Hy Lai.

Ông Tập Cận Bình không thể đơn thương độc mã trên chính trường Trung Quốc trong vị thế người lãnh đạo hoàn hảo, nếu thiếu sự kết hợp với các đồng minh khác. Các thông tin về 20 năm công tác ở Phúc Kiến và Chiết Giang của ông Tập không có gì đảm bảo là sẽ tuyệt đối bí mật – những khu vực mà nạn tham nhũng cũng diễn ra ngập ngụa như bao tỉnh khác của Trung Quốc. Với vị thế mặc định là một Thái tử đảng, ông Tập cũng nhận được sự ủng hộ của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Chắc chắn ông Tập chưa hề nổi tiếng là một Mr. Liêm chính. Đã có những lời đồn đoán về gia đình họ hàng ông Tập sở hữu hàng trăm triệu USD ở các công ty, còn bản thân ông Tập cũng nắm một công ty khai thác khoáng sản đất hiếm trị giá 1,73 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường được xem là người thân tín của Hồ Cẩm Đào, sẽ thay vào vị trí của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, ông Hồ đã yêu cầu để phó Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ nắm ghế phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Các nhà phân tích cho rằng nếu phó Thủ tướng Lý được vào Quân ủy trung ương thì vị trí chính phủ sẽ mạnh hơn trong tiến trình thúc đẩy cải cách quân đội. Nhìn chung, các nhân sự chủ chốt như Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Vu Chính Sinh… thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 5 Trung Quốc sắp tới là thuộc nhóm Thái tử đảng. Mặt trái sự thăng tiến nhanh chóng trên hoạn lộ của các quan chức này là một uy tín chính trị khá mỏng manh, họ rất cần sự ủng hộ từ phía quân đội. Hoàn cảnh không có ghế trong Quân ủy Trung ương như Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo, đã khiến ông bị xem là một trong những Thủ tướng ‘yếu’ của Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao và vai trò của Quân Giải phóng Nhân dân

Nhìn chung, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc không hề có dấu hiệu sẽ mềm dẻo hơn trong chính sách ngoại giao. Kèm theo sự ủng hộ từ Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đối với các nhân vật cầm quyền mới, giới tướng lĩnh quân đội sẽ có ý kiến nhiều hơn trong các vấn đề chính trị. Theo Giáo sư Willy Lam, hiện đang giảng dạy tại khoa Trung Quốc học, Đại học Quốc tế Akita, Nhật Bản: “Với việc hai hay ba hàng không mẫu hạm nữa được sản xuất trong thập niên tiếp theo, tôi nghĩ chính sách quân đội, kinh tế và an ninh của Trung Quốc sẽ còn ‘hiếu chiến’ hơn”. Theo ông, cạnh tranh và bất đồng có thể sẽ còn bị đẩy lên cao hơn, đặc biệt là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Phillippines, Việt Nam…

Sau lưng các đại nhân vật Trung Quốc luôn có sự hậu thuẫn của một thế lực quân đội nào đó. Chẳng hạn trong quá trình triệt hạ ông Bạc Hy Lai được tiến hành liên đới với quân khu Thành Đô. Địa bàn quân sự này gồm có thành phố Trùng Khánh, các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, và Quý Châu. Theo báo South China Morning Post, Quân đoàn 14 đóng ở Vân Nam cũng là một đối tượng bị điều tra. Cha của Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba là một trong những người đầu tiên đứng ra thành lập Quân đoàn này.

Trong tháng 7 vừa qua, Quân ủy Trung ương đã thuyên chuyển và bổ nhiệm một loạt vị trí cao cấp tư lệnh và chính ủy tại các quân khu, trong các binh chủng khác nhau. Chính quan điểm đề cao nguyên tắc 'Đảng nắm quân đội' đã làm phát sinh hệ lụy kéo theo: các lãnh đạo đảng phải dựa vào quân đội; với kết quả là phe quân đội Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Tiếng nói của các tướng lĩnh Trung Quốc gần đây trở nên có nhiều trọng lượng trong thái độ xử sự liên quan đến các tranh chấp biển đảo. Một bộ phận chủ trương dân tộc cực đoan cũng hình thành từ các phát ngôn của PLA. Giới quân sự tỏ ra hăng hái khi phát động tiến trình đi chinh phục các nguồn cung nguyên vật liệu mới, họ không ngừng tìm cơ hội thể hiện vai trò của quân đội. Các lãnh đạo ĐCSTQ không có nhiều chọn lựa ngoài thái độ ủng hộ và tìm cách đáp ứng các yêu cầu của thế lực quân sự trong nước. Vào những thời điểm được xem là thích hợp, họ sẽ biểu diễn những màn nắn gân tương ứng. Mục đích các động thái này nhằm thỏa mãn nhu cầu nội trị, hơn là thực hiện các bước đi ngoại giao cần thiết.

Biểu hiện mới nhất của nhóm Thái tử đảng đã chứng minh cho nhận định này. Ông Tập Cận Bình hủy cuộc gặp đã hẹn trước với ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, dự trù vào ngày 5/9, mà không rõ nguyên do. Trước đó, bà Clinton từng tuyên bố sẽ đem một thông điệp mạnh mẽ đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc phải làm giảm căng thẳng trong khu vực xung quanh các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Thông báo hủy hẹn của các lãnh đạo Trung Quốc, hầu như trở thành một thông lệ, mỗi khi họ cảm thấy không hài lòng với các đối tác quốc tế trong một vấn đề gì đó.

Kết luận:

Nếu ứng dụng những suy luận thông thường thì sẽ khó dự đoán được những thay đổi của chính trường Trung Quốc. Chẳng hạn, người ta cho rằng người được lợi nhất từ thất bại chính trị của ông Bạc Hy Lai sẽ là ông Uông Dương, một lãnh đạo có quan điểm cải cách nổi tiếng ở Quảng Đông. Với thành tích chấm dứt được cuộc nổi dậy ở làng Ô Khảm một cách ôn hòa, ông Uông có nhiều triển vọng trở thành một ứng viên của BTVBCT. Tuy nhiên, theo một nhà phân tích chính trị Hong Kong là Hồi Thanh, chính những tranh luận giữa ông Uông với Bạc Hy Lai về triết lý phát triển của Trung Quốc đã làm giảm cơ hội của ông Uông. Trong khi đó, Trương Cao Lệ – một nhà kỹ trị đến từ Thiên Tân, là người được lòng tất cả các bên, nên cơ hội chiến thắng của ông Trương sẽ cao hơn ông Uông. Nhìn chung, quan điểm của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khó có những thay đổi lớn theo hướng tích cực đối với các quốc gia láng giềng sau đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, mặc dù có tới bảy trong số chín thành viên của BTVBCT hiện tại sẽ được thay thế.

Mặt khác, ĐCSTQ là một tổ chức điều hành từ trên xuống, việc hồi âm ý kiến của 80 triệu đảng viên có vẻ bị xem như là một hành vi xa xỉ. Các vận động tranh cử, đường lối sẽ thực hiện khi đắc cử… luôn được ghi nhận như là những bí mật quốc gia, không bao giờ được trưng ra trước công luận. Vậy liệu tình hình biển Đông và Đông Bắc Á sắp tới sẽ có những diễn biến nóng bỏng đến mức nào, nếu nhóm Thái tử đảng chính thức lên nắm quyền sau Đại hội ĐCSTQ được tiến hành vào tháng 10/2012, là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ngày 6/9/2012
 Tâm Nguyên




 Admin gửi hôm Chủ Nhật, 09/09/2012

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?