Cuộc chiến giữa hai phe trong đảng Cộng sản Trung Quốc trước đại hội



Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên bế mạc Đại hội Tham vấn Nhân dân ( tức Quốc hội) ngày 14/03/2012.

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên bế mạc Đại hội Tham vấn Nhân dân ( tức Quốc hội) ngày 14/03/2012.
REUTERS/Jason Lee

Trọng Thành

Về thời sự quốc tế, tờ Le Figaro đưa trên trang nhất hàng tít « Trung Quốc : Trước đại hội đảng Cộng sản, hai phe cánh tranh giành quyền lực ». Thời gian tổ chức đại hội chuyển giao quyền lực cho ê-kíp lãnh đạo mới cho 10 năm tới, giờ vẫn còn bí mật. Trong xã hội lan truyền rất nhiều tin đồn, đặc biệt xung quanh các thay đổi nhân sự.



Theo Le Figaro, cuộc chạy thi marathon Bắc Kinh dự kiến vào ngày 14/10/2012, vừa bị dời lại. « Đây là dấu hiệu cho thấy một cuộc chạy đua khác giành quyền lực tối cao có thể sẽ kết thúc vào thời điểm này ». Thời gian tổ chức đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc để chỉ định những người đứng đầu chế độ trong thập niên, cho tới nay vẫn còn là điều bí mật.

Tuy nhiên, một loạt các dấu hiệu khác cho phép phán đoán khoảng thời gian sẽ diễn ra đại hội này. Các đại sứ quán tại Bắc Kinh đã được yêu cầu không chuẩn bị các chuyến công du vào tháng 10, các khách sạn lớn ở trung tâm thủ đô sẽ kín khách từ ngày 10 đến ngày 25/10, chắc là để dành cho 2.270 đại biểu của đại hội.

Theo một nhà ngoại giao, việc đại hội tổ chức vào giữa tháng 10 cho thấy cuối cùng nội bộ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm được thỏa hiệp xung quanh vấn đề các nhân sự chủ chốt.

Hai vị trí đứng đầu đảng & Nhà nước, và chức Thủ tướng gần như chắc chắn sẽ thuộc về hai ông, Tập Cận Bình (thay Hồ Cẩm Đào) và Lý Khắc Cường (thay Ôn Gia Bảo). Hai người này đã có chân trong Ban Thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của đảng. Tuy nhiên, các vị trí còn lại của Ban Thường vụ là đối tượng tranh chấp quyết liệt. Ngay cả số lượng của nhóm người nắm giữ quyền hành tối cao của chế độ, mà người Trung Quốc gọi là « các Hoàng đế », cũng là chủ đề bàn cãi. Có tin cho rằng, ban lãnh đạo đảng đang bàn về việc giảm số lượng 9 thành viên xuống còn 7, nhằm hạn chế các xung đột nội bộ, giảm bớt các quyền lực đối trọng trong nội bộ đảng, và làm cho cơ quan đầu não này hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Le Figaro, trong suốt những tháng gần đây, giới chóp bu của bộ máy cầm quyền Trung Quốc đã liên tục rình rập nhau, tiến hành nhiều vận động hành lang, lập các liên minh hay đặt bẫy đối thủ trong cuộc chạy đua giành quyền lực. Đỉnh điểm của cuộc chiến giữa các phe là vụ án Bạc Hy Lai, một ứng viên tiềm năng vào Ban Thường vụ, bị loại ra ngoài. Việc cựu bí thư Trùng Khánh, một nhân vật nhiều quyền lực, bị hạ bệ là một đòn nghiêm trọng đối với « Cánh tả mới », phong trào cổ vũ cho sự trở lại một số giá trị Mao Trạch Đông mà ông Bạc Hy Lai là người đứng đầu.

Từ lâu nay, dư luận vẫn cho rằng đây là một chiến thắng của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng hiện tại, nhiều nhà quan sát đánh giá là, các đấu đá trong hậu trường đã mang lại ưu thế cho một phe cánh khác: phe của Phó chủ tịch Tập Cận Bình, thủ lĩnh của các « Thái tử đảng », tức hậu duệ của các nhà cách mạng thuộc thế hệ đầu tiên.

Để khẳng định điều này, người ta đưa ra dẫn chứng về việc ông Lệnh Kế Hoạch (nguyên Chánh văn phòng Trung ương đảng) bị mất chức và con đường thăng tiến của ông Hồ Xuân Hoa (lãnh đạo khu tự trị Nội Mông), một người thân cận khác của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã bị ngăn lại. Báo South China Morning Post còn nhận định rằng, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân (Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1989-2002), vẫn còn ảnh hưởng lớn trong hậu trường, có thể tác động đến việc bổ nhiệm thành viên Ban Thường vụ Bộ chính trị còn hơn cả chính đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, giáo sư Trịnh Vĩnh Niên (Zhang Yongnian), giám đốc East Asian Institut ở Singapore, thì có một ý kiến hoàn toàn khác. Theo ông, cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc diễn ra một cách êm dịu. Ông Hồ Cẩm Đào, vốn đã gặp khó khăn vì ảnh hưởng quá lớn của Giang Trạch Dân, nên không muốn làm như người tiền nhiệm. Hồ Cẩm Đào chỉ muốn bàn giao thực sự cho thế hệ mới. Chủ tịch Trung Quốc cũng không có ý định ở lại trong Quân ủy Trung ương đầy quyền lực như ông Giang Trạch Dân, hai năm sau khi về hưu.

Chừng nào đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc còn chưa diễn ra, chừng ấy còn nhiều đồn đại. Những ngày gần đây, báo chí Hồng Kông loan tin Tập Cận Bình bị đau lưng, đến mức không giơ được tay, chính vì vậy cuộc hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ phải hủy bỏ, chứ không phải vì lý do căng thẳng ngoại giao. Lại có tin nói rằng, ông này đã bị gầy mất hai chục kí-lô. Tin tức chính thức không có, làn sóng tin đồn khiến cho không khí xã hội tại Trung Quốc, vốn đã căng thẳng, càng thêm trĩu nặng.

Chế độ độc đảng ở Trung Quốc còn tồn tại đến bao giờ ?

Cũng liên quan đến chính trị Trung Quốc, trên trang diễn đàn của Le Figaro có bài viết của bà Ngô Thị Minh Hoàng, Viện IrAsia - đại học Provence, với tựa đề « Chế độ độc đảng ở Trung Quốc còn tồn tại đến bao giờ ?». Tác giả bài viết nêu bật các lô-gic giúp cho cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra suông sẻ. Thứ nhất là, trật tự chính trị do đảng duy trì dựa trên nhu cầu của rất nhiều người Trung Quốc là xã hội « ổn định » để làm ăn và nâng cao mức sống. Thứ hai là, nhìn chung nhiều người Trung Quốc không muốn thay đổi chế độ, vì sợ hỗn loạn.

Theo nhà sử học trên, hệ thống chính trị Trung Quốc hiện nay vẫn dựa trên các nền tảng thời Mao Trạch Đông. Người Trung Quốc không phải là không biết có các đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản. Để làm cho việc thiếu tự do trong xã hội có thể được dân chúng chấp nhận, đảng Cộng sản đã tạo ra một mô hình xã hội đặc thù kiểu Trung Quốc, kết hợp giữa kinh tế thị trường với việc cải thiện điều kiện sống của người dân, quan tâm đến môi trường sinh thái và dành một vị trí quan trọng cho nhân quyền, nhưng không du nhập nguyên tắc đa nguyên chính trị của Phương Tây.

Theo tác giả, tương lai của chế độ độc đảng tại Trung Quốc phụ thuộc vào năng lực khiến cho dân chủ hiệu quả hơn trong hệ thống chính trị. Câu hỏi đặt ra là : Đảng Cộng sản Trung Quốc - thông qua những kênh nội bộ, qua kiểm duyệt hay đàn áp - còn có thể siết lại những bất bình của dân chúng đến bao giờ?

Có thể đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có các nỗ lực cải cách theo hướng dành nhiều dân chủ hơn cho dân chúng, chủ yếu là việc cho bầu các lãnh đạo làng xã. Nhưng các nhân tố chủ yếu gây bất ổn đối với đảng Cộng sản là pháp luật bị chà đạp, gây bức xúc trước các bất công không thể chấp nhận được, sự bần cùng hóa của một phần lớn dân chúng, đặc biệt là nông dân và các sắc tộc thiểu số… Sự bất ổn này đang gia tăng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chống bán phá giá pin mặt trời : Cuộc chiến giữa Châu Âu và Trung Quốc

Về kinh tế, chủ đề được Le Monde chú ý là cuộc chiến giữa Châu Âu và Trung Quốc xung quanh vấn đề pin mặt trời. Công báo của các cộng đồng Châu Âu (Journal officiel des Communautés européennes) ngày 6/9, thông báo sẽ mở một cuộc điều tra để xem chính quyền Trung Quốc có trợ giá cho pin mặt trời xuất khẩu sang Châu Âu hay không ?

Trong khi chờ đợi cuộc điều tra tiến hành trong 15 tháng, trong vòng 9 tháng tới, Ủy ban Châu Âu có thể áp dụng các biện pháp tạm thời, như tăng thuế đối với pin mặt trời của Trung Quốc. Vụ Châu Âu điều tra về pin mặt trời Trung Quốc có tầm mức quan trọng, vì Châu Âu là thị trường tiêu thụ hàng đầu và đang tăng trưởng nhanh chóng, và doanh số xuất khẩu pin mặt trời của Trung Quốc sang Châu Âu là hơn 20 tỷ euro/năm. Theo người phát ngôn của nguyên đơn vụ kiện (EU Prosun – tập đoàn công nghiệp pin mặt trời Châu Âu), hàng Trung Quốc hiện nay áp đảo thị trường này, với 80% thị phần vào năm 2011, so với 65% năm 2009. Đây là vụ kiện thương mại lớn nhất liên quan đến Trung Quốc, từ trước đến nay.

Gốc gác của vụ xung đột này là thị trường tiêu thụ pin mặt trời bắt đầu giảm mạnh từ một năm nay, do việc Châu Âu giảm giá mua đối với điện mặt trời.

Bắc Kinh có nhiều nỗ lực để cản trở việc mở cuộc điều tra. Chủ đề này đã được bàn tới tuần trước trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức và Thủ tướng Trung Quốc. Hôm 5/9, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc tuyên bố trên China Daily, rằng nếu Châu Âu áp đặt các biện pháp đối với pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ trả đũa với các hàng nhập khẩu từ Châu Âu, như rượu vang và chất silicium polycristallin (một nguyên liệu cho pin mặt trời mà Trung Quốc phải nhập tới 50%).

Vào tháng 8, nhóm Yingli – đứng đầu trong ngành công nghiệp này ở Trung Quốc – đã loan báo nếu Châu Âu tăng thuế đánh vào pin mặt trời, thì tại Trung Quốc, sẽ có từ 300.000 đến 500.000 người thất nghiệp. Trong khi đó, không phải ai ở Châu Âu cũng ủng hộ cuộc điều tra này, đặc biệt là những người lắp đặt, vì họ muốn mua được pin mặt trời với giá rẻ hơn.

Le Monde bình luận, hiện tại, trái bóng đang ở trong chân của Ủy ban Châu Âu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?