Kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thử thách



Nghe (13:28)


Thanh Phương

Ngày 13/09/2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam không cần trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vì theo ông, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam « đang có nhiều chuyển biến tích cực ». Cụ thể là lạm phát đã được kềm chế và dự báo cả năm chỉ lên đến khoảng 6%, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán đều thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi so với đầu năm, xuất khẩu tăng gần 20%.



Trước đó, ngày 07/09/2012, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cũng đã tuyên bố là không có chuyện Việt Nam vay vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giải quyết nợ xấu.

Lãnh đạo chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương đã có những tuyên bố như trên sau khi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam trong một báo cáo đăng trên mạng ngày 05/09/2012 đưa ra nhiều khuyến nghị về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu, trong đó có đề xuất là Việt Nam có thể phải vay vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Về phần tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những nhà kinh tế hàng đầu của Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam chưa cần đến sự trợ giúp của IMF để giải quyết nợ xấu, mà trước hết phải loại khỏi hệ thống những ngân hàng yếu kém.

Cho dù có đúng là Việt Nam hiện chưa cần đến trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì rõ ràng là kinh tế Việt Nam hiện đang đối diện với những thách thức ngày càng lớn.

Tờ báo mạng The Diplomat, chuyên về thời sự châu Á, ngày 12/09/2012 đã có một bài nhận định về kinh tế Việt Nam, một nền kình tế mà theo báo này, đã trở nên “ngày càng khó quản lý”. Theo The Diplomat, chỉ số thị trường chứng khoán chính đã sụt giảm kể từ đầu tháng 5. Tiền đồng Việt Nam thì đã bị mất giá rất nhiều kể từ năm 2008, một phần là do nhiều lần bị phá giá, nhưng một phần cũng là do có những mối quan ngại về cơ cấu và hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam.

The Diplomat cho rằng, Việt Nam đi theo mô hình kinh tế rất giống Trung Quốc, tức là cũng thu hút đầu tư nhờ có chi phí sản xuất thấp, nhưng nay cũng gặp những vấn đề giống Trung Quốc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế cấp tín dụng mà trong đó các doanh nghiệp Nhà nước được ưu tiên tiếp cận tín dụng, nhưng lại không sử dụng một cách hiệu quả.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ đầu năm đến nay đã chậm lại, sau hai năm có mức lạm phát rất cao và thâm thủng mậu dịch quan trọng. Ấy là chưa kể Việt Nam đang gặp khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng, do tỷ lệ nợ xấu rất lớn từ các ngân hàng yếu kém. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình vào tháng 8 vừa qua đã cảnh báo là nợ xấu của Việt Nam đã lên đến gần 10 tỷ đôla.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg News ngày 06/09/2012, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện đang cố khôi phục sự tín nhiệm của Việt Nam sau vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, nhà tài phiệt sáng lập ngân hàng ACB, ngân hàng lớn thứ tư ở Việt Nam tính về giá trị, vào tháng trước. Trước đó, công an cũng đã bắt giữ ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB. Chỉ số thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tuột dốc mạnh ngày 27/08, vì người ta sợ rằng những vụ bắt giữ nói trên có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính Việt Nam thêm bất ổn định, trong khi Việt Nam hiện đã có mức nợ xấu cao nhất Đông Nam Á.

Đối với chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, Việt Nam cần phải từ bỏ mô hình kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng. Thật ra, theo ông, trong ba lĩnh vực mà chính phủ Việt Nam muốn tái cơ cấu, tức là ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công, thì tái cơ cấu ngân hàng là dễ nhất so với hai lĩnh vực kia.

Tóm lại, như nhận định của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trong báo cáo nói trên, nguyên nhân sâu xa của những bất ổn hiện nay là do mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực hoạt động rất kém hiệu quả, nhưng vẫn được giao cho « vai trò chỉ đạo » nền kinh tế Việt Nam.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?