Từ I Have a Dream đến My Dream

Giấc mơ của tôi là. Ảnh: HM

Giấc mơ của tôi là. Ảnh: HM
Một ngày sau diễu hành của mấy trăm ngàn người trên National Mall, tôi ra thăm lại nơi nửa thế kỷ trước, thế hệ cha anh của người da đen, đứng đầu là Martin Luther King, từng dạo bước nơi đây chống phân biệt chủng tộc và đòi công ăn việc làm. Hôm qua thứ 7 (24-8-2013) chắc hẳn phải đông lắm, vì suốt dọc đường hai bên hồ phản chiếu còn rất nhiều vỏ chai nước vứt bừa bãi trong công viên.

Lang thang đến công viên West Potomac nằm ngay sau lưng tượng đài MLK mà trước mặt là Tide Basin có vườn hoa anh đào nổi tiếng, tôi thấy chiếc xe bus số 2857 mà Rosa Parks từng đi, và ngồi vào chỗ dành riêng cho người da trắng, và bà bị phạt. Thật ra đây chỉ là mô hình, nhưng theo như người thuyết minh, thì xe này giống hệt, từ cái ghế. mầu sơn bên ngoài, đến trang trí bên trong. Dưới bảng hiệu “WHITE – cho người da trắng” nay có người da đen ngồi.
Để không còn chữ WHITE trên xe bus, nước Mỹ đã mất hàng thế kỷ và chính MLK phải mất đi mạng sống của mình. 50 năm trước ông đứng trên National Mall, phía trước là tháp bút George Washington và xa hơn đồi Capitol, bên tay phải là nhà tưởng niệm Jefferson, người viết tuyên ngôn nổi tiếng “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, chỉ lặp đi lặp lại “I Have a Dream”.
Thấy một cái nhà tạm “The King Imaging Project”, vào trong thấy dân chúng xếp hàng đợi xin chữ ký của MLK II, con trai của Martin King. Trên tường là hàng ngàn tờ giấy gán “My Dream Is – giấc mơ của tôi là”. MLK khuyên mọi người hãy tiếp tục mơ. Có tờ ghi “Giấc mơ của tôi là hòa bình và tình yêu”. Tờ khác “Tôi mơ không còn người lang thang sống trên phố”. Một người mong “Hòa bình và tự do cho Catalonia”. Vài người ngồi suy ngẫm, viết gì đó và gán lên tường.
Từ “I Have a Dream” đến “My Dream Is” đã nửa thập kỷ trôi qua. Năm kia đã có bức tượng MLK đứng đối diện với Jefferson và “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Tổng thống da mầu Barack Obama đang là chủ Nhà Trắng, chứng tỏ MLK không viển vông.
Những bài học của phong trào chống phân biệt chủng tộc.
Dọc đường tôi cứ nghĩ mãi, tại sao người ta có thể huy động hàng triệu người da đen để thay đổi nước Mỹ. Yếu tố nào đã làm nên thành công đó.
Bạn đọc thử nhớ cô Cindy Lee Miller Sheehan là ai. Chắc là ít người nhớ đến người phụ nữ Mỹ mảnh mai nhưng tiềm ẩn sức mạnh bền bỉ bên trong. Do con trai bị chết ở chiến trường Iraq, Cindy một mình một lều tới cắm trại ngay cạnh nhà Tổng thống Bush ở Texas cách đây đúng 8 năm để phản đối (8-2005), làm cho nhiều người tức giận xen lẫn khen ngợi. Báo chí thế giới dành không ít giấy mực và thời lượng cho sự kiện này. Bây giờ Cindy ở đâu, có trời mà biết.
Tại sao Cindy không thể gây được sự chú ý và thành công. Bởi cách làm của cô hoàn toàn bột phát và chuyện cô biến khỏi thế giới ảo không làm ai ngạc nhiên.
Tôi nhớ trên CNN có bài viết về Martin Luther King rất thú vị. Để một phong trào thành gây tiếng vang và thành công, cần có 4 nguyên tắc cơ bản sau
  1. Don’t get seduced by spontaneity – Đừng quyến rũ bởi một sự tự phát nào đó
  2. Make policy, not noise – Có đường lối hành động khôn ngoan, không khua chiêng gõ mõ
  3. Redefine the meaning of punishment – Cần định nghĩa lại thế nào gọi là ngược đãi
  4. Divide the elites – Chia rẽ nhóm tinh hoa quyền quí.
Xin tóm tắt vài lời về hai phần trên cho bạn nào không biết tiếng Anh.
Sự bột phát có làm nên chuyện?
Nhu cầu hành động đôi khi dẫn đến những cách làm cực đoan. Một người Tunisia tự thiêu được cho là khởi đầu cho mùa Xuân Arab. Ai quên được người thanh niên đứng trước mũi xe tăng ở Thiên An Môn năm 1989.
ML King nói chuyện ở Washington DC có câu nổi tiếng “I have a dream” được cho rằng không có trong bài viết sẵn, mà do một người trong dàn thánh ca hét lên cho King nghe thấy “Tell them about the dream – Hãy nói cho họ về những giấc mơ”. Dẫu rằng trước đó, King mồ hôi toát ra trong phòng chờ, vẻ mất tinh thần vì nhìn thấy 250 ngàn người quây kín National Mall. Tưởng rằng ngẫu hứng từ một lời tự phát đã làm nên lịch sử của MLK. Hoàn toàn không như thế.
Để cho một phong trào lan rộng như MLK đã làm thì họ đã có một đội ngũ chuyên gia rất giỏi, bàn mưu tính kế, có chiến lược đối đầu. Đúng vào lúc có sự tự phát và vì có chuẩn bị từ trước nên được sử dụng tối đa cho mục đích cuối cùng.
Giấc mơ thành hiện thực. Ảnh: HM
Giấc mơ thành hiện thực. Ảnh: HM
Người ta khen Rosa Parks vì không nhường chỗ trên xe bus cho người da trắng vào năm 1958. Sự kiện này đã được báo chí khai thác và bên luật pháp đã phải vào cuộc vì phong trào phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng khắp nước Mỹ.
Ngày nay, trong trường học dạy học sinh, Rosa Parks được biết như một người phụ nữ hiền hậu, nhẹ nhàng. Nhưng trong đời thường bà là người cực mạnh mẽ và từng hoạt động về nhân quyền suốt 12 năm nên ứng xử rất quyết liệt và chuyên nghiệp lúc bị đuổi và bị phạt.
Sau này lịch sử mới biết bà được chọn một cách “ngẫu nhiên” vào ngày đó, trên chiếc xe đó và có cả thợ ảnh đi theo. Trước Rosa Parks còn có 6-7 phụ nữ da đen khác từng làm thế, bị phạt và bị tù, nhưng họ không làm nên lịch sử.
Mấy người kia đều độc thân hoặc chưa lấy chồng. Parks được tôn trọng trong cộng đồng và có gia đình đàng hoàng nên mọi chuyện đã khác và việc bắt bà đã gây phẫn nộ lớn.
Phần còn lại, sự ngẫu hứng của MLK và lời nhắc của một người trong đoàn thánh ca đã làm nên một sự nghiệp “I have a dream”. Đó không phải là sự tự phát làm nên cuộc cách mạng về da mầu.
Có đường lối hành động khôn ngoan, không khua chiêng gõ mõ
Bạn còn nhớ về phong trào Occupy Wall Street năm ngoái không? Chắc chẳng ai biết nó đã ngỏm từ lâu cho dù có khẩu hiệu “We are 99% – Chúng ta chiếm 99%”, ý nói 1% còn lại đã chiếm hết tài sản của 99% kia.
Nhóm khua chiêng gõ mõ, được truyền thông đưa tin, làm tắc nghẽn giao thông, nhiều chỗ sinh hoạt bị đình đốn, dân chúng thay vì ủng hộ, đã ghét lây sang đám vô công rồi nghề. Chưa kể những nơi đóng trại mất vệ sinh, mất mỹ quan thành phố. 99% không phải thật sự là 99% như ban tổ chức nghĩ.
Trong lúc đó Tea Party có tổ chức và đường lối khôn ngoan, chiến lược dài hơi. Họ không cần ra phố để hò hét, mà chọn những nhóm tiên phong, quyên tiền, xem luật pháp rất kỹ và chọn ra những lãnh đạo tài năng. Tea Party có ảnh hưởng sâu rộng tới chính trường nước Mỹ và cả hai đảng đều nể.
Cuộc diễu hành năm 1963 với MLK ở Washington đã được ban tổ chức nghiên cứu hết sức chu đáo, từ cái nhà vệ sinh công cộng, đến cái loa bắc trên cây, đường đi lối lại rất rõ ràng cho người dự. Kỷ niệm 50 năm phong trào lịch sử này, người ta có dịp thán phục các bậc cha ông đã làm nên một phong trào có một không hai trên thế giới.
Phong trào này không dựa vào những chiến thuật thuần túy, mà ở tầm cao, họ đã ép Quốc hội thông qua luật về phân biệt chủng tộc sau cái chết của Kennedy.
Đường lối khôn ngoan, có kế hoạch cụ thế, có chiến lược dài hơi, và tập trung được những người giỏi, hiểu biết pháp luật, tìm được đúng thời điểm một sự kiện “ngẫu nhiên” được tập dượt, thêm tài hùng biện của King, phong trào MLK đã làm nên chuyện lớn.
Mấy lời cuối.
Cho tới nay, Mùa xuân Arap không thể thành công như mong đợi, cho dù đã đập tan xiềng xích của những kẻ độc tài, nhưng vì vô tổ chức nên sự chờ đợi đơm hoa kết trái chắc còn rất lâu. Bao người liên tiếp tự thiêu ở Tây Tạng đâu có làm nên cuộc cách mạng hoa nhài. Trong lúc đó ở Đông Âu, gần như các quốc gia vượt lên mà không cần ai phải tự thiêu. Walesa với phong trào Công đoàn Đoàn kết, từ công nhân trở thành tổng thống, không phải là sự ngẫu nhiên hay bột phát.
Nhớ cuộc nổi dậy 19-8 tại Nhà Hát lớn của Việt Minh. Đó không phải là một nhóm người ngẫu hứng đứng phất cờ mà có hàng vạn người theo. Họ có cả một đường lối dài lâu, có chuẩn bị lực lượng và được dân nghèo ủng hộ. Các đoàn bí mật của VM đã đưa cờ đỏ sao vàng cho dân chúng giắt trong người. Sự thối nát của chế độ lúc đó đã làm dân chúng bất bình, nên Việt Minh giành được chính quyền vào ngày hôm đó.
Phong trào mang tầm thời đại phải nắm được 2 điều cơ bản trên nếu không thể cả 4 điều như nhà báo CNN đã viết. Lời MLK “I have a dream” với giấc mơ thành hiện thực chỉ đến nhóm người hiểu thời, thế và lực. Nếu không sẽ kết thúc như Cindy Lee Miller Sheehan hay Occupy Wall Street, chìm nghỉm như đá ném ao bèo.
Dọc đường về, tôi đi theo Tidal Basin, và qua War II Monument chụp vài pô ảnh. Có lẽ đó là những giấc mơ của người trong ảnh.
Chúc các bạn vui đầu tuần ở VN và cuối tuần ở bên kia bán cầu.
Hiệu Minh. 25-8-2013
Chiếc xe bus nổi tiếng Rosa Parks từng đi. Ảnh: HM
Chiếc xe bus nổi tiếng Rosa Parks từng đi. Ảnh: HM
Chỗ dành cho da trắng nay người da đen đã ngồi. Ảnh: HM
Chỗ dành cho da trắng nay người da đen đã ngồi. Ảnh: HM
Giấc mơ bên cạnh chiếc xe Montgomery của Rosa Parks. Ảnh: HM
Giấc mơ bên cạnh chiếc xe Montgomery của Rosa Parks. Ảnh: HM
Con trai của MLK đang ký vào những giấc mơ. Ảnh: HM
Con trai của MLK đang ký vào những giấc mơ. Ảnh: HM
Giấc mơ của em là...: Ảnh: HM
Giấc mơ của em là…: Ảnh: HM
Blacks and Whites chung một giấc mơ. Ảnh: HM
Blacks and Whites chung một giấc mơ. Ảnh: HM
Không biết họ mơ gì. Ảnh: HM
Giá bọn mình đừng giận nhau. Ảnh: HM
Với nhiều người giấc mơ vẫn còn xa. Ảnh: HM
Với nhiều người giấc mơ vẫn còn xa. Ảnh: HM
Họ đã đạt được giấc mơ. Ảnh: HM
Họ đã đạt được giấc mơ. Ảnh: HM
Hãy viết tiếp những giấc mơ. Ảnh: HM
Hãy viết tiếp những giấc mơ. Ảnh: HM

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?