Tin khắp nơi – 28/07/2018

Tin khắp nơi – 28/07/2018

Tổng thống Trump tìm cách làm sống lại

“liên minh NATO- Ả Rập ” đối đầu với Iran

Washington DC – Theo các viên chức Hoa Kỳ và Ả Rập, chính phủ Trump đang lặng lẽ thúc đẩy một liên minh an ninh và chính trị mới với 6 quốc gia Vùng Vịnh Ả Rập, Ai Cập và Jordan, nhằm chống lại sự mở rộng của Iran trong khu vực.
Bốn nguồn tin nói với Reuters rằng Tòa Bạch Ốc muốn hợp tác sâu hơn với các quốc gia trong thế giới Ả Rập về phòng thủ hỏa tiễn, huấn luyện quân sự, chống khủng bố và các vấn đề khác gồm tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao khu vực. Kế hoạch thúc đẩy một chương trình mà các viên chức Tòa Bạch Ốc và Trung Đông gọi là liên minh NATO Ả Rập của các đồng minh Hồi Giáo Sunni, có thể sẽ gây căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran này ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Tổng Thống Trump nhậm chức, và theo đuổi một chính sách đứng hẳn về phía Isarel.
Một nguồn tin của chính phủ Hoa Kỳ cho biết các viên chức Ả Rập Saudi đưa ra ý tưởng về một hiệp ước an ninh chuyến thăm quốc gia này của Tổng Thống  Trump vào năm ngoái. Tại đây ông Trump tuyên bố về một thỏa thuận mua bán vũ khí rất lớn, nhưng đề nghị về một hiệp ước an ninh vẫn dậm chân tại chỗ. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-tim-cach-lam-song-lai-lien-minh-nato-a-rap-doi-dau-voi-iran/

Tổng thống Trump bác bỏ cáo buộc có biết cuộc gặp

giữa con trai và nữ luật sư Nga

Washington DC – CBS News cho biết sáng nay 27/07, Tổng Thống  Trump gởi đi một tin nhắn Twitter, phủ nhận rằng ông có biết về cuộc họp giữa con trai ông với nữ luật sư Nga, được tổ chức ở Trump Tower vào tháng 6 năm 2016.
Tin nhắn được đưa ra sau khi báo chí đưa tin luật sư Michael Cohen sẵn sàng nói với công tố viên đặc biệt Robert Mueller rằng ứng cử viên tổng thống có biết về cuộc họp này, mặc dù ông Cohen không có bằng chứng để chứng thực.
Nhiều hãng thông tấn trong đó có CBS News, đưa tin trưởng nam Trump Junior, con rể Jared Kushner, và trưởng ban tranh cử Paul Manafort đã gặp nữ luật sư Natalia Veselnitskaya sau khi bà này cho biết sẽ cung cấp những thông tin gây tổn hại cho đối thủ Dân Chủ Hillary Clinton. Theo những tài liệu đang được AP xem xét, bà Veselnitskaya có những mổi quan hệ rất gắn bó với nhiều viên chức của Điện Kremlin, nhiều hơn so với những gì bà khai báo.
Cách đây đúng một năm, vào cuối tháng 7 năm 2017, khi New York Times là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về cuộc gặp năm 2016, Tổng Thống Donald Trump trả lời rằng ông chỉ biết về cuộc họp sau khi báo chí đăng tin. Trong tin nhắn sáng nay, ông Trump nói rằng có người đang tìm cách bịa chuyện để giải cứu Cohen thoát khỏi tình trạng bế tắc. Điều lạ đối với ông là Cohen thuê Lanny Davis, một luật sư của vợ chồng Bill Clinton để chống lại ông.  (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-bac-bo-cao-buoc-co-biet-cuoc-gap-giua-con-trai-va-nu-luat-su-nga/

Trump Để Ngỏ Việc Tới Thăm Moscow;

Putin Bất Ngờ Mời Trump Đến Thăm Moscow

JOHANNESBURG  -    Phát biểu trong ngày thứ nhì của hội nghị thượng đỉnh BRICS, TT Putin loan báo: đối thoại cấp cao giữa Moscow và Washington tiếp diễn mặc dù các tuyên bố của TT Trump trong buổi họp báo Helsinki đưa tới cao trào phản đối tại Hoa Kỳ.
Theo lời ông Putin, đó là các khó khăn gây ra bởi tình thế chính trị nội bộ, cuộc sống vẫn tiếp tục, các tiếp xúc tiếp tục – ông khẳng định: ông Trump muốn có những hội họp sâu rộng hơn và ông sẵn sàng.
CBS tường thuật: Putin nói sẵn sàng mời Trump sang Nga cũng như ông sẵn sàng đến Washington, và nhắc lại “Nếu các điều kiện thích hợp đuợc tạo ra”.
Trong khi đó bản tin của Đài BBC tiếng Anh hôm Thứ Sáu cho biết rằng TT Trump “để ngỏ” việc công du sang Moscow sau khi có lời mời đầy ngạc nhiên từ TT Putin, theo Bạch Ốc cho biết.
Putin nói hôm Thứ Sáu rằng ông sẵn sàng đến Hoa Kỳ theo điều kiện thích đáng và ông đã mời ông Trump tới Moscow cho cuộc họp lần thứ 2.
Lần họp đầu của 2 nguyên thủ tại Helsinki vào đầu tháng này.
Lời mời của ông Putin đến 2 ngày sau khi Bạch Ốc nói rằng họ đình hoãn chuyến thăm của ông Putin vào mùa thu này cho đến năm sau.
“TT Trump muốn có cuộc họp với TT Putin tại Washington sau lần đầu của năm nay, và ông để ngỏ việc thăm viếng Moscow khi nhận được lời mời chính thức,” theo bà Sanders cho biết trong một tuyên bố hôm Thứ Sáu.
https://vietbao.com/a283749/trump-de-ngo-viec-toi-tham-moscow-putin-bat-ngo-moi-trump-den-tham-moscow

Sau Facebook, Twitter chứng kiến

cổ phiếu mất giá 20,5 phần trăm

Cổ phiếu của Twitter giảm mạnh vào ngày thứ Sáu sau khi công ty này báo cáo số lượng người dùng hàng tháng sụt giảm và cảnh báo rằng con số này có thể tụt xuống nữa trong những tháng tới.
Sự sụt giảm 20,5 phần trăm cổ phiếu Twitter diễn ra một ngày sau khi Facebook mất 19 phần trăm giá trị của mình trong vòng một ngày.
Twitter cho biết họ đang đặt sự ổn định lâu dài của nền tảng này lên trên tăng trưởng về người dùng. Điều này khiến các nhà đầu tư dường như không thể xác định được giá trị của các công ty lớn nhất trong ngành, vốn thường dựa vào số lượng người dùng tiềm năng của họ.
Twitter có 335 triệu người dùng hàng tháng trong quí này, thấp hơn con số 339 triệu mà thị trường chứng khoán Phố Wall mong đợi, và giảm nhẹ từ mức 336 triệu người trong quí đầu tiên. Điều đó đã làm lu mờ mức tăng trưởng người dùng hàng tháng mạnh mẽ 3 phần trăm so với năm trước.
Công ty cho biết số người dùng hàng tháng của họ có thể tiếp tục giảm ở mức “vài ba triệu người” trong quí thứ ba.
Dù ngày thứ Sáu chứng kiến sự mất giá lớn thứ hai của Twitter kể từ khi cổ phiếu của công ty được phát hành lần đầu ra công chúng vào tháng 11 năm 2013, song cổ phiếu Twitter vẫn tăng gấp đôi giá trị trong 12 tháng qua.
Lâu nay đã bị chỉ trích vì cho phép những hành vi xấu như chửi bới và phá rối tràn lan trên nền tảng của mình, Twitter đã bắt đầu nỗ lực trấn áp bằng cách cấm những tài khoản vi phạm các điều khoản của họ và làm những tài khoản khác ít được nhìn thấy hơn.
Twitter hôm thứ Sáu nhắc lại nỗ lực của họ “đầu tư vào việc cải thiện sức khỏe của những cuộc bàn luận công cộng” trên nền tảng của họ, đặt ưu tiên vào “sức khỏe lâu dài” của dịch vụ này hơn là các số liệu ngắn hạn như số lượng người dùng.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-facebook-twitter-chung-kien-co-phieu-mat-gia-20-phay-5-phan-tram/4503344.html

Dân biểu Mỹ kêu gọi

Trump đàm phán với Tập về thương mại

Một nhóm 22 dân biểu Hạ viện gửi một lá thư lên Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thương thảo cách giải quyết tình trạng mất cân bằng mậu dịch song phương thay vì áp dụng các biện phán thuế quan.
Nhóm 22 dân biểu này đều thuộc Ủy ban Tài Chánh – Thuế Vụ (Committee on Ways on Means) – cơ quan của Quốc hội có thẩm quyền về các vấn đề về thuế, thuế quan cũng như các biện pháp khác để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo nhóm nghị sỹ này thì mặc dù các biện pháp đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra tổn thương về ngắn hạn đối với kinh tế Trung Quốc, chúng cũng có thể gây tác dụng ngược đối với các công ty, nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ.
“Mỗi ngày chúng tôi đều nghe thấy (tiếng than van) của những người Mỹ bị mắc vòng xoáy leo thang (đánh thuế qua lại) mang tính tàn phá,” lá thư viết. “Giải pháp lâu dài chỉ có thể có được thông qua những thay đổi cơ bản trong hệ thống của Trung Quốc.”
“Các cuộc đàm phán kịp thời và sắc sảo dưới sự lãnh đạo của Ngài là cần thiết để đạt được mục tiêu này,” lá thư viết.
Lá thư này được đưa ra vào lúc Mỹ và EU vừa đạt được thỏa thuận thương mại trong cuộc gặp của Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 25/7 mà EU ca ngợi là ‘thành công lớn’ của họ. Sau cuộc gặp đó, ông Trump đã đồng ý không đánh thuế xe hơi châu Âu nữa để đổi lại châu Âu mua thêm khí thiên nhiên hóa lỏng và giảm rào cản đối với đậu nành, mặt hàng xuất khẩu chính của nông dân Mỹ vốn đang bị lao đao vì các biện pháp trả đũa của Trung Quốc.
Theo các vị dân biểu này thì ông Trump nên đàm phán với ông Tập do ông Trump ‘đã xây dựng được mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ với ông Tập’.
“Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ tạo nền tảng cho các cuộc thương thuyết cứng rắn, chân thành và thực tế với Chủ tịch Tập về các giải pháp để Trung Quốc sửa đổi các hành vi giao thương bất công và hạ thấp những rào cản không thể chấp nhận đối với hàng hóa và đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc,” các vị dân biểu viết trong lá thư.
“Mục tiêu chung của chúng ta là các cải cách về lâu dài trong các biện pháp trợ cấp, thuế quan và các rào cản thương mại khác của Trung Quốc.”
Các vị dân biểu này cho rằng họ đồng ý với chính quyền Trump về việc Trung Quốc có những phương cách giao thương không công bằng và bóp méo vốn gây hại cho các công ty, nông dân và người lao động Mỹ, trong đó việc trợ giá và các hình thức hỗ trợ khác của Nhà nước, ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, ép buộc chuyển giao công nghê và các chính sách cấp phép khác. Vấn đề là các dân biểu không đồng ý với cách làm của chính quyền Trump là khởi động cuộc chiến thương mại.
https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%A2n-bi%E1%BB%83u-m%E1%BB%B9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-trump-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-v%E1%BB%9Bi-t%E1%BA%ADp-v%E1%BB%81-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i/4503275.html

Kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng cao nhất

trong vòng 4 năm

Kinh tế Mỹ vừa đạt được mức tăng trưởng 4,1% trong quý 2, tốc độ nhanh nhất trong gần bốn năm, kể từ quý 4 năm 2014 là 4,9%, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết hôm 27/7.
Tốc độ tăng trưởng này được cho là đúng như dự đoán của các nhà kinh tế.
Theo dự đoán của họ, việc cắt giảm 1,5 nghìn tỷ đôla thuế của Tổng thống Donald Trump, bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm, sẽ tạo ra một sự thúc đẩy cho nền kinh tế thông qua kích thích tiêu dùng và đầu tư kinh doanh nhiều hơn.
Cuộc chiến thương mại của ông Trump với các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu cũng được dự kiến sẽ góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng những tranh chấp tương tự sẽ cản trở nền kinh tế trong thời gian tới.
Với mức gia tăng đáng kể, xuất khẩu ròng cũng đã đem đến hơn 1 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng của quý 2.
https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-dat-muc-tang-truong-cao-nhat-trong-vong-4-nam/4503028.html

Hơn 2.000 căn nhà bị hư hại

vì cháy rừng hung hãn ở Hy Lạp

Hơn 2.000 căn nhà đã bị hư hại trong đám cháy rừng làm chết người trong tuần này gần thủ đô Athens và khoảng một phần tư trong số này sẽ phải bị phá bỏ, nhà chức trách Hy Lạp cho biết hôm thứ Sáu.
Trong khi số người tử vong vì đám cháy này lên đến 86 người, Bộ Cơ sở hạ tầng cho biết họ đã kiểm tra khoảng 2.000 căn nhà bị hư hại trong khu vực Rafina nơi đám cháy quét qua, cách thủ đô 30 km về phía đông.
Những ngôi nhà được coi là vĩnh viễn không an toàn được đánh dấu X bằng cách phun sơn đỏ, trong khi các cuộc kiểm tra kết cấu đang được các chuyên gia nhà ở tiến hành song song với các cuộc truy tìm thêm nạn nhân trong từng căn nhà do các toán cứu hộ thực hiện.
Các nhân viên pháp y nhà nước đã hoàn thành khám nghiệm tử thi đối với tất cả các thi thể được tìm thấy tới thời điểm này. Nikos Karakoukis, người đứng đầu Bộ phận Pháp y Athens, cho biết xét nghiệm pháp y cho thấy thêm di hài của ba người nữa, nâng tổng số người thiệt mạng lên tới 86 người.
Đó là một chỉ dấu khác cho thấy sức nóng của đám cháy, nung chảy mâm bánh xe bằng kim loại khi lửa quét qua các khu du lịch nằm giữa rừng thông ven biển với sức gió lên đến 100 km/giờ.
Cảnh sát hình sự liên bang của Đức đã gửi một nhóm chuyên gia pháp y của mình tới để giúp đỡ trong quá trình này, AP đưa tin.
Dù số người chết tăng lên hàng ngày, các quan chức chính phủ Hy Lạp đã bác bỏ những lời chỉ trích, bao gồm những tuyên bố nói rằng họ không chuẩn bị chu đáo một kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp trước mùa cháy rừng hàng năm.
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, Thủ tướng Alexis Tsipras đã tìm cách xoa dịu những chỉ trích nhắm vào chính phủ của ông, nói rằng ông “nhận hoàn toàn trách nhiệm chính trị về bi kịch này” và kêu gọi các bộ trưởng nội các cũng làm như vậy.
https://www.voatiengviet.com/a/hon-2000-can-nha-bi-hu-hai-vi-chay-rung-hung-han-o-hy-lap/4503339.html

Anh-Ecuador đàm phán chấm dứt tình trạng tị nạn

trong sứ quán của ông chủ Wikileaks

Tổng thống Ecuador tỏ dấu cho thấy chính phủ nước này muốn chấm dứt việc lưu trú lâu dài của ông Julian Assange, người sáng lập trang Wikileaks, tại đại sứ quán Ecuador ở London.
Tổng thống Lenin Moreno được Reuters trích lời hôm 27/7 nói rằng ông chưa bao giờ ủng hộ các hoạt động rò rỉ thông tin của ông Assange.
Tổng thống Lenin Moreno cũng xác nhận thông tin trên tờ Sunday Times của London hôm 15/7 nói rằng Ecuador và Anh đang đàm phán để chấm dứt thời gian lưu trú của ông Assange trong đại sứ quán, nơi ông được cho tị nạn từ năm 2012.
Tổng thống Moreno nói việc trục xuất ông Assange ra khỏi đại sứ quán phải được thực hiện một cách đúng đắn và thông qua đối thoại, nhưng ông không tỏ ra thông cảm với việc ông Assange tiết lộ các tài liệu mật.
“Tôi chưa bao giờ ủng hộ hoạt động của ông Assange,” Reuters dẫn lời Tổng thống Moreno nói tại một sự kiện ở Madrid.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của chính phủ Anh hôm 27/7 cũng xác nhận các cuộc thảo luận về tương lai của ông Julian Assange đang diễn ra, nhưng vấn đề này đã không được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Moreno tới London tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh về người khuyết tật toàn cầu.
Những suy đoán về tương lai của ông Assange nổi lên sau khi tờ Sunday Times tường thuật rằng các quan chức cấp cao từ Ecuador và Anh đang thảo luận về việc làm thế nào để đưa ông Assange ra khỏi đại sứ quán sau khi chấm dứt quy chế tị nạn của ông. Một nguồn tin thân cận với ông Assange nói với Reuters rằng tình hình đã đến hồi gay cấn.
Ông Assange, sinh tại Úc, đã tìm cách trú ẩn trong đại sứ quán Ecuador để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển do bị tố cáo tấn công tình dục, điều mà ông luôn chối bỏ.
Những cáo buộc này đã bị hủy bỏ nhưng ông Assange cũng sẽ bị cảnh sát Anh bắt giữ, nếu ông rời khỏi đại sứ quán, vì vi phạm quy định bảo lãnh.
Ông Assange tin rằng điều này sẽ mở đường cho việc dẫn độ ông tới Hoa Kỳ vì ông đã công bố một khối lượng khổng lồ các bí mật ngoại giao và quân sự của Mỹ trên trang WikiLeaks.

https://www.voatiengviet.com/a/anh-ecuador-dam-phan-cham-dut-tinh-trang-ti-nan-tai-su-quan-cua-ong-chu-wikileaks/4502942.html

Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha

sẽ kết nối mạng điện cao thế

Thụy My
Ba nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ngày 27/07/2018 tại Lisboa đã quyết định thiết lập một đường dây dưới đáy biển để nối kết các mạng lưới điện cao thế với nhau.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa tuyên bố đây là một bước rất quan trọng, và loan báo một nhóm công tác sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án kết nối khác về điện và khí đốt.
Đường dây dài 370 km sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025, giúp tăng gấp đôi khả năng trao đổi điện lực giữa Pháp và Tây Ban Nha, lên 5.000 MW. Đây là dự án quan trọng nhất đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trong nỗ lực đưa bán đảo Iberia thoát khỏi tình trạng lẻ loi về năng lượng tại châu Âu.
Ủy ban Châu Âu sẽ tài trợ 30% cho dự án « Vịnh Gascogne » này, với 578 triệu euro, một số tiền lớn chưa từng thấy đối với một dự án năng lượng.
Bồ Đào Nha đang thừa sản lượng điện, nhất là năng lượng tái tạo, có thể xuất khẩu một khi nối kết được. Còn Pháp và Tây Ban Nha đã nâng mức trao đổi năng lượng từ năm 2015, khi khai trương một hệ thống kết nối điện cao thế đặt ngầm dưới rặng núi Pyrénées.
Về khí đốt, Madrid và Lisboa mong muốn gắn kết với thị trường châu Âu qua dự án « Midcat », xây dựng một đường ống dẫn khí nối Pháp với Catalunya.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhập khí đốt từ Algérie và khí thiên nhiên hóa lỏng (GPL) từ Qatar và Hoa Kỳ, hai nước này cho rằng đường ống mới sẽ giúp châu Âu bớt lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu cho rằng Midcat tốn kém và không sinh lợi, Pháp cũng không ủng hộ trừ phi nhu cầu khí đốt tăng lên do các nhà máy nhiệt điện bị đóng cửa dần.
http://vi.rfi.fr/phap/20180728-phap-tay-ban-nha-bo-dao-nha-se-ket-noi-mang-dien-cao-the

Pháp : Benalla khẳng định

không hề đánh người biểu tình

Thanh Phương
Ngày 27/07/2018, trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình Pháp, Alexandre Benalla, cựu trợ lý của tổng thống Emmanuel Macron, khẳng định là ông không hề đánh người biểu tình ngày 01/05 ở Paris.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn được thâu trước và được phát trên kênh truyền hình TF1 ngày 27/07, Benalla tuyên bố đúng là ông đã có những cử chỉ mạnh bạo, rất nhanh, nhưng không hề đánh một cú nào vào thanh niên biểu tình ngày Quốc tế Lao động ở Paris. Nhưng khẳng định của Benalla có vẻ trái với những hình ảnh trong đoạn video mà nhật báo Le Monde tiết lộ ngày 18/07, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất cho chính phủ kể từ khi ông Macron lên làm tổng thống.
Trong cuộc phỏng vấn nói trên, Benalla chỉ trích các phương tiện truyền thông đã không phát những hình ảnh trước và sau vụ khống chế thanh niên biểu tình để hiểu được vì sao ông lại có phản ứng như vậy.
Benalla đã bị khởi tố về hành vi bạo lực với người biểu tình, sau khi đã bị điện Elysée (phủ tổng thống Pháp) sa thải.
Ngày 27/07, sau nhóm nghị sĩ của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, đến lượt ba nhóm nghị sĩ cánh tả ở Hạ Viện Pháp : Xã Hội, Cộng Sản, Nước Pháp Bất Khuất (cực tả) đệ trình một kiến nghị chung bất tín nhiệm chính phủ. Hai kiến nghị bất tín nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận vào thứ Ba 31/07 ở Hạ Viện, nhưng chắc chắn sẽ không được thông qua vì đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron nắm đa số ở Quốc Hội.
http://vi.rfi.fr/phap/20180728-phap-benalla-khang-dinh-khong-he-danh-nguoi-bieu-tinh

Nước Pháp : Mùa hè 2018, một mùa hè “bốc lửa”

Minh Anh
Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này xin điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong tháng 7 : Nước Pháp lần thứ hai đăng quang vô địch Cúp Thế Giới Bóng Đá sau 20 năm chờ đợi ; Lốc xoáy tại điện Elysée vì vụ tai tiếng Benalla ; Châu Á – khách mời danh dự Quốc khánh Pháp 14/07 và thượng đỉnh Helsinki, Donald Trump bị chỉ trích nhún nhường trước đồng nhiệm Nga.
Mùa hè 2018 có lẽ sẽ là mùa hè « nóng bỏng » đáng nhớ đối với người dân Pháp. Sau 20 năm chờ đợi, đội tuyển Pháp, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Didier Deschamps đã mang về cho đất nước và người hâm mộ ngôi sao thứ hai.
Thắng lợi này đã làm nức lòng người dân Pháp và bầu không khí cả nước trong mấy ngày trung tuần tháng 7 như trẩy hội. Hàng trăm nghìn người đã lũ lượt kéo về đại lộ Champs-Elysées, bất chấp nắng nóng gay gắt để chào đón những « người hùng » áo Lam trở về.
Theo quan sát của chuyên gia Pascal Boniface trên đài RFI, bầu nhiệt huyết của người dân Pháp năm 2018 mãnh liệt hơn nhiều so với những gì diễn ra cách đây 20 năm. Xã hội Pháp đã có những thay đổi sâu sắc về cách nhìn môn thể thao vua này.
« Tôi có cảm giác là sự kiện này còn quan trọng hơn cả năm 1998, bởi vì có thể nước Pháp cần đến sự kiện này hơn cả hồi năm 1998. Đồng thời, bóng đá cũng có vai trò, ảnh hưởng lớn hơn hồi năm 1998.
Vào thời đó, vẫn còn có nhiều do dự, e dè trong giới trí thức, chính trị gia. Họ coi thường môn bóng đá. Tôi đã chứng kiến là họ sợ bị coi thường nếu như quan tâm đến bóng đá ; việc yêu thích bóng đá có thể làm cho họ mất đi vị thế, danh giá.
Giờ đây, bóng đá được xã hội chấp nhập và yêu thích nhiều hơn. Năm 1998 là một bước ngoặt và sự chuyển hướng này từng bước được vun đắp, bởi vì người ta thấy bóng đá tiếp tục chinh phục thế giới, ngày càng được truyền hình phát nhiều hơn, có nhiều trận đấu hơn, người ta có thể xem các trận đấu ở nước ngoài ; ngày càng có nhiều người quan tâm đến các đội bóng và xem các trận đấu. Quả thực là ảnh hưởng của bóng đá ngày càng lan rộng hơn trên thế giới ».
Vẫn theo chuyên gia Boniface, trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị và xã hội Pháp u ám hiện nay, chiến thắng của đội tuyển Pháp đã mang đến cho đất nước một luồng sinh khí mới.
« Bởi vì thành thực mà nói, tình hình nước Pháp không mấy tốt đẹp, về kinh tế, xã hội, bị chia rẽ, bầu không khí ảm đạm, rồi các vụ khủng bố… Pháp là một nước bi quan, rất bi quan. Các cuộc điều tra cho thấy dân Pháp còn bi quan hơn cả dân Afghanistan, Irak và đó là một nghịch lý.
Do vậy, dân Pháp cần có những dịp cùng vui chung, quây quần tụ tập, không phải để chống nhau mà để chia sẻ niềm vui. Đó không phải là một sự tập hợp của một tầng lớp nào, một cộng đồng nào, mà của tất cả mọi người. Những dịp như vậy rất hiếm có.
Thành thực mà nói, ngoài bóng đá, tôi không thấy có điều gì có thể tạo được niềm vui chung như vậy. Tại Paris, đã bao nhiêu lần có tới hơn một triệu người xuống đường cùng nhau chia sẻ niềm vui ? Có lẽ là vào dịp Paris được giải phóng khỏi sự xâm chiếm của ngoại bang, hồi tháng 05/1968 chống lại các cuộc đình công, hồi tháng 01/2015 để phản đối các vụ khủng bố. Tháng 07/2018, Pháp đoạt Cúp vô định bóng đá thế giới, người dân xuống đường trong bầu không khí tích cực, lễ hội, chứ không phải như một số sự kiện trước : xuống đường để tưởng niệm, bày tỏ đau thương hay phản đối. »
« Benallagate » : Viên thuốc đắng trong ly rượu mừng
Men say chiến thắng chưa kịp tan, giông bão đã ập xuống điện Elysée. Từ nhiều ngày nay, chính phủ Pháp, hay nói đúng hơn là tổng thống Macron, phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ công luận và các đảng đối lập trong việc xử lý vụ tai tiếng mà báo chí Pháp gọi là « Benallagate ».
Nguồn gốc sự việc bắt đầu từ việc báo Le Monde đăng đoạn video cho thấy vệ sĩ thân cận của ông Emmanuel Macron, đồng thời cũng là phó chánh văn phòng tổng thống, nhân vật có tên là Alexandre Benalla, mạo danh cảnh sát hành hung người biểu tình hôm 01/05. Các đảng đối lập chỉ trích điện Elysée có thái độ « bao che » và tìm cách « nhấn chìm » vụ việc.
Thế nhưng, tai tiếng nổ ra không đúng thời điểm. Quốc Hội đang trong quá trình bàn thảo dự luật sửa đổi Hiến Pháp. Các dân biểu đối lập nhân vụ việc này đã yêu cầu ngưng các cuộc thảo luận để lập ủy ban điều tra.
Ngoài việc nhân vật chính cùng với bốn người khác bị truy tố, nhiều quan chức lãnh đạo cao cấp như bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb, lãnh đạo sở cảnh sát Paris Michel Delpuech, và chánh văn phòng phủ tổng thống Patrick Strzoda phải lần lượt ra điều trần trước Ủy ban Điều tra của Hạ Viện và Thượng Viện.
Về phần mình, tổng thống Pháp sau một tuần im lặng, ngày thứ Ba 24/07 mới lên tiếng tự nhận lấy trách nhiệm. Vì sao ông Macron lại quyết định gánh lấy trách nhiệm về mình, trong khi mà vài giờ trước đó, chánh văn phòng tổng thống và thủ tướng chính phủ trước các dân biểu đã bác bỏ mọi cáo buộc nhắm vào ông ?
Trả lời câu hỏi của RFI, ông Martial Foucault, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Paris, giải thích :
« Đối với tôi, yếu tố quan trọng nhất, đó là việc tổng thống Emmanuel Macron quyết định tự chịu trách nhiệm một mình về vụ này. Đó là cách để nói rằng tôi không thể đổ trách nhiệm về tình trạng vô tổ chức tại văn phòng tổng thống cho tổng thư ký điện Elysée và chánh văn phòng tổng thống, vì những người này có thể bị cáo buộc là đã có những nhận xét, đánh giá sai lầm về mức độ kỷ luật đối với ông Benalla cũng như là việc cho phép đương sự được tiếp tục làm việc hay không ».
Về phần mình, nhà phân tích Pascal Riché, trong một bài nhận định đăng ngày 20/07 trên tạp chí L’Obs, đã không ngần ngại ví vụ việc này như là một quả bom chùm nổ chậm. Bởi vì, theo ông, vụ tai tiếng này có nguy cơ bùng nổ lớn do hàm chứa 4 tai tiếng khác nhau : dùng bạo lực vô cớ, mạo danh nhân viên công lực, sử dụng « lính kín » và mưu toan nhận chìm vụ việc.
Tóm lại, với vụ việc này, ông Emmanuel Macron chẳng khác gì như nuốt phải viên thuốc đắng trong ly rượu mừng.
Quốc Khánh Pháp vinh danh châu Á
Cũng tại nước Pháp nhưng có liên quan đến châu Á. Quốc Khánh 14/07/2018 khá đặc biệt hơn mọi năm bởi vì Nhật Bản và Singapore là những khách mời danh dự.
Lần đầu tiên, kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, bẩy binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản đi diễu binh trên đại lộ Champs-Elysées. Với đại tá Yokohama, việc tham gia diễn binh tại Paris là « để chứng tỏ với thế giới là Nhật Bản siết chặt hợp tác quốc phòng với Pháp, quốc gia cũng có nhiều vùng lãnh thổ nằm ở Thái Bình Dương và luôn mong muốn sự ổn định của khu vực. Và Nhật Bản chia sẻ cùng những giá trị và lợi ích chung này với Pháp ».
Về phần mình, Paris cũng nhân dịp này mừng 160 năm mối quan hệ song phương Pháp – Nhật. Theo đánh giá của phát ngôn viên thủ tướng Nhật Bản, ông Norio Maruyama, khi trả lời phỏng vấn đài RFI, quan hệ Pháp – Nhật là một mối quan hệ đối tác đặc biệt :
« Tôi nghĩ điều này có một ý nghĩa rất biểu tượng. Bởi vì Nhật Bản và Pháp là những đối tác đặc biệt. Đôi bên có rất nhiều việc phải hợp tác chung trong nhiều lĩnh vực như chính trị, chiến lược… Sự hiện diện của binh sĩ Nhật Bản bên cạnh binh lính Pháp là một sự kiện rất quan trọng. Tôi nghĩ là người dân Nhật Bản hài lòng về lời mời này ».
Song hành với Nhật Bản trên đại lộ Champs-Elysées còn có sự hiện diện của các binh sĩ Singapore. Đảo quốc Đông Nam Á này là một trong những đối tác chính của Không Quân Pháp ở Đông Nam Á. Từ 20 năm qua, các phi công chiến đấu cơ Singapore đều được đào tạo ở khu căn cứ Cazaux (tây nam Pháp). Tính từ năm 1998, hơn 180 học viên Singapore đã được cấp bằng tại đây.
 Trump và Putin, đôi bạn đồng chí hướng?
Cuối cùng, một chủ đề quốc tế khác trong tháng 7 không thể bỏ qua đó là thượng đỉnh Helsinki giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Vladimir Putin.
Ngày 16/07/2018, tại cuộc gặp lịch sử này ở Helsinki, thủ đô Phần Lan, nguyên thủ Mỹ đã từ chối lên án Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Giọng điệu hòa giải của ông Donald Trump với chủ nhân điện Kremlin đã khiến cho giới chính khách ở cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ phải sững sờ.
Câu hỏi đặt ra : Phải chăng tổng thống Mỹ đã tỏ ra quá « nhún nhường » trước một đồng nhiệm Nga « lạnh lùng » ? Làm thế nào giải thích về thái độ hòa dịu đó của ông Donald Trump ? Ông Karim Emile Bitar, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, chuyên gia chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trên làn sóng RFI giải thích như sau :
« Đó là vấn đề chính trị nội bộ, sự thù ghét Barack Obama, Hillary Clinton. Tại Hàn Quốc có những tin đồn là Nga « nắm thóp » Donald Trump bằng bất kỳ cách nào, không nhất thiết phải là những thông tin bất lợi cho Donald Trump như các tờ báo lá cải ra sức khai thác, đưa tin cách nay hai năm.
Thực ra, hiện nay, có một sự tương đồng và kết nối các lợi ích. Donald Trump coi Vladimir Putin như một dạng « chiến hữu ». Ông ta tìm cách áp đặt tư tưởng dân tộc chủ nghĩa độc đoán trên phạm vi toàn thế giới. Như vậy, ngoài những chính sách thủ đoạn chính trị, tôi nghĩ là cả hai người có cùng tần số ».
http://vi.rfi.fr/phap/20180728-nuoc-phap-mua-he-2018-mot-mua-he-%C2%AB-boc-lua-%C2%BB

Vụ Benalla : Đối lập đệ trình kiến nghị

bất tín nhiệm chính phủ Pháp

Thanh Phương
Hôm qua, 26/07/2018, nhóm dân biểu thuộc đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa đã đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Pháp về vụ Benalla. Kiến nghị này sẽ được đưa ra thảo luận ở Hạ viện thứ 3 tuần tới.
Một kiến nghị bất tín nhiệm khác của các dân biểu cánh tả cũng có thể được thảo luận hôm đó, sau khi tối qua nhóm nghị sĩ Đảng Xã Hội đề nghị với nhóm nghị sĩ thuộc đảng Cộng Sản và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất đưa ra một kiến nghị chung.
Nếu các kiến nghị này được thông qua, chính phủ của thủ tướng Edouard Phillipe sẽ phải từ chức. Nhưng khả năng này sẽ không xảy ra do đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Emmanuel Macron chiếm đa số ở Quốc Hội Pháp.
Trong khi đó, ủy ban điều tra về vụ Benalla của Hạ viện Pháp đã bị tan rã hôm qua, với việc đồng báo cáo viên, dân biểu Guillaume Larrrivé, thuộc đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa, rút khỏi ủy ban này, kéo theo các thành viên đối lập khác. Dân biểu Larrivé đã quyết định như vậy sau khi hôm thứ tư chủ tịch ủy ban điều tra, bà Yaël Braun-Pivet ( đảng Cộng Hòa Tiến Bước – LREM) từ chối yêu cầu của ông mời toàn bộ ban lãnh đạo của điện Elysée ra điều trần. Vị dân biểu cánh hữu này tuyên bố không muốn tiếp tục tham gia vào một ủy ban mà ông xem là một « trò hề ».
Còn bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia, hôm nay cho rằng tổng thống Macron « hành xử như một người đứng đầu một phe nhóm ». Theo bà Le Pen, lẻ ra ông Macron phải có một tuyên bố chính thức về vụ Benalla, nguyên là cộng sự viên của ông và nay đang bị điều tra về hành vi bạo lực với người biểu tình ở Paris ngày 01/05.
http://vi.rfi.fr/phap/20180727-vu-benalla-phe-doi-lap-de-trinh-kien-nghi-bat-tin-nhiem-chinh-phu-phap-ok

Tây Ban Nha : Thất bại đầu tiên

của thủ tướng Xã hội Sanchez

Mới điều hành chính phủ được hai tháng, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, thuộc đảng Xã Hội, đã chịu thất bại đầu tiên ở Nghị Viện vào ngày 27/07/2018. Các dân biểu đã bác bỏ dự toán ngân sách của chính phủ, dự trù mức thâm hụt ngân sách là 2,7% GDP cho năm 2018, cao hơn mục tiêu 2,2% mà các chính phủ bảo thủ tiền nhiệm ấn định. Chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ còn tiếp tục.
Thông tín viên RFI François Musseau tường trình từ Madrid :
« Ông Pedro Sanchez lần đầu nếm trái đắng của sự đơn độc trên đỉnh cao quyền lực và sự lẻ loi ở Nghị Viện. Với thủ tướng Tây Ban Nha, điều quan trọng là có thể nới lỏng yêu cầu về ngân sách cho năm 2018 và Bruxelles cũng đã bật đèn xanh cho Madrid. Nhưng ngoài hai đảng cánh hữu, thì cả đảng Podemos lẫn các phe dân túy xứ Basque và Catalunya cũng không ủng hộ ông trong việc này. Vì vậy, mức trần ngân sách, được cho là nhẹ nhàng, đã bị bác bỏ.
Điều có nghĩa là thủ tướng Pedro Sanchez sẽ phải điều hành đất nước với một ngân sách ít hơn 5 tỉ euro so với ngân sách mà ông dự trù. Như vậy, thủ tướng Tây Ban Nha sẽ không thể tăng lương hưu như ông từng hứa, cũng như tăng lương cho giới công chức. Đây là một tin rất xấu cho người đứng đầu chính phủ thuộc đảng Xã Hội, vì thông qua chính sách xã hội và chi tiêu công, ông Sanchez muốn tạo khác biệt so với các lãnh đạo bảo thủ tiền nhiệm.
Điều hành chính phủ với thiểu số, thủ tướng Sanchez vừa rút ra được một bài học kinh nghiệm là ngay cả đồng minh cũng không nương tay với ông. Từ giờ, ông sẽ phải tự lèo lái chống chọi với sóng gió chính trường ».
Carles Puigdemont trở về Bỉ tiếp tục đấu tranh đòi Catalunya độc lập
Bốn tháng sau khi bị bắt ở Đức trên đường đi từ Phần Lan về Bỉ, ông Carles Puigdemont trở về Bruxelles ngày 28/07/2018 sau khi Tây Ban Nha quyết định rút lệnh bắt giữ châu Âu đối với cựu lãnh đạo vùng Catalunya. Theo AFP, ông Puigdemont tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vì độc lập của vùng Catalunya từ trung tâm của châu Âu và làm việc vì các chính trị gia Catalunya bị « cầm tù bất công ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180728-tay-ban-nha-that-bai-dau-tien-cua-thu-tuong-xa-hoi-sanchez

Trung Quốc dự báo tăng trưởng mạnh

bất chấp tranh chấp thương mại

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động, theo dự báo vừa được loan báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Tuy nhiên, dự báo của IMF cũng đưa ra một cảnh báo về ‘sự dễ bị tổn thương’ của kinh tế Trung Quốc sau khi xuất những dấu hiệu lẫn lộn từ Bắc Kinh về tác động của tranh chấp thương mại với Washington.
Theo đó, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, thấp hơn một chút so với mức 6,9% trong năm 2017, Asia Times và South China Morning Post dẫn báo cáo hôm thứ Sáu ngày 27/7 của IMF cho biết.
“Triển vọng ngắn hạn của Trung Quốc vẫn còn rất khỏe mạnh nhờ vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa, thương mại toàn cầu hồi phục và những tiến bộ to lớn trong công cuộc cải cách,” Asia Times dẫn báo cáo của IMF cho biết.
Việc Mỹ áp đặt mức thuế quan 25% lên 50 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc – một biện pháp được Tổng thống Trump loan báo vài tháng trước nhưng hiện chỉ mới áp dụng với 34 tỷ đô la hàng hóa – sẽ chỉ chiếm 0,4% GDP của Trung Quốc, báo cáo của IMF viết. Nếu ông Trump thực hiện đúng lời đe dọa của ông hồi đầu tháng Bảy là áp thuế lên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc thì đó cũng chỉ là 1,7% GDP Trung Quốc.
“Hiện vẫn còn quá sớm để nói được chính xác là những biện pháp đánh thuế của Mỹ sẽ gây thiệt hại như thế nào,” bà Sonali Jain-Chandra, phó trưởng nhóm phụ trách về Trung Quốc của IMF, được SCMP dẫn lời cho biết trong một cuộc họp báo vào thứ Năm ngày 26/7.
Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng những tác động của vòng áp thuế thứ hai sẽ là ‘bất ổn gia tăng, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng cũng như lòng tin của người tiêu dùng bị tổn hại’.
Phát ngôn nhân của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Hoàng Lợi Bân đã giảm nhẹ tác động của cuộc chiến mậu dịch với Mỹ vốn đã kéo dài kể từ đầu năm.
“Mặc dù một số công ty báo là khách hàng của họ ở Mỹ đã yêu cầu dừng đơn hàng và dừng gửi hàng, những trường hợp như vậy không phải là thường xuyên,” ông Hoàng được Asia Times dẫn lời nói. “Tranh chấp thương mại chỉ có tác động không đáng kể đối với khu vực công nghiệp trong nửa đầu năm.”
Tuy nhiên, trước mắt quốc gia này vẫn còn đối mặt với thách thức lớn vào lúc họ chuyển từ ‘tăng trưởng nhanh’ sang ‘tăng trưởng có chất lượng’.
Với việc đà tăng trưởng chậm lại trong hai tháng qua, đã có những lời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ vốn là kết quả cuộc đấu tranh của ông Tập Cận Bình trong ba năm qua với tình trạng nợ gia tăng của khu vực kinh doanh và chính quyền địa phương.
“Liệu chuyển đổi này có được thực hiện hay không và thực hiện bằng cách nào sẽ quyết định con đường phát triển của Trung Quốc trong những thập niên tới,” IMF nhấn mạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-d%E1%BB%B1-b%C3%A1o-t%C4%83ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BA%A1nh-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-tranh-ch%E1%BA%A5p-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i/4503350.html

Triều Tiên xác nhận bổ nhiệm

tân tổng tham mưu trưởng quân đội

Truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận hôm thứ Sáu rằng ông Ri Yong Gil đã trở thành tân tổng tham mưu trưởng quân đội, giữa lúc lãnh tụ Kim Jong Un đang tiến hành những thay đổi về quyền lãnh đạo.
Trong khi ông Kim chuyển trọng tâm sang kinh tế và theo đuổi ngoại giao với Mỹ, ông đang thay thế các sĩ quan già và bảo thủ hơn, những người đã gắn bó với học thuyết hạt nhân của nước này, bằng những người trung thành mà sẽ tuân theo mọi thay đổi mà ông Kim có thể thực hiện.
Thông tấn xã trung ương KCNA của Triều Tiên cho biết ông Ri đã tháp tùng ông Kim trong chuyến viếng thăm nghĩa trang cựu chiến binh trong tư cách tham mưu trưởng lục quân, đánh dấu kỉ niệm 65 năm thỏa thuận đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Ông Ri trước đây mang hàm tướng bốn sao trước khi ông bị giáng chức làm phó tham mưu trưởng mang hàm ba sao trong một thời gian ngắn vì một lí do không được nêu rõ vào năm 2016.
Sự trở lại của ông theo sau những quyết định bổ nhiệm gần đây trong đó ông No Kwang Chol, phó bộ trưởng quốc phòng thứ nhất, trở thành bộ trưởng quốc phòng, và Tướng Lục quân Kim Su Gil làm tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị đầy quyền lực của quân đội.
Tất cả các quan chức mới được thăng chức đều trẻ hơn những người tiền nhiệm của họ, mặc dù họ đều trong độ tuổi 60. Ông Ri 63 tuổi, trẻ hơn 21 tuổi so với người tiền nhiệm, Ri Myong Su.
Trong khi Bình Nhưỡng và Washington đang theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân, các quan chức Mỹ tin rằng có một số quan điểm bất đồng trong quân đội Triều Tiên về các cuộc đàm phán, một sự đảo ngược hoàn toàn nỗ lực nhiều năm qua của ông Kim nhằm thủ đắc vũ khí hạt nhân và những luận điệu sặc mùi chiến tranh. Không rõ liệu các quan chức bị sa thải có gây nên sự bất đồng này hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-xac-nhan-bo-nhiem-tan-tong-tham-muu-truong-quan-doi/4503332.html

Lào : Hơn 1.100 người mất tích

trong vụ vỡ đập thủy điện

Thụy My
Chính quyền Lào cho biết số người mất tích trong vụ đập thủy điện bị vỡ đã lên đến trên 1.100 người. Đội ngũ cứu hộ ngày 28/07/2018 vẫn đang chiến đấu với bùn và nước lũ để tìm kiếm những người sống sót.
Phó bí thư tỉnh Attapeu, bà Meenaporn Chaichompoo, khẳng định : « Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm 1.126 người bị mất tích. Công việc rất phức tạp, ở nhiều vùng tàu, xe không thể vào được, và thiếu thốn trang bị tại chỗ ».
Con số cụ thể về số người thiệt mạng vẫn chưa rõ, do tính chất phức tạp của công tác cứu hộ tại vùng đất hiểm trở, và chính quyền tỏ ra thiếu minh bạch trước thảm họa chưa từng thấy. Ban đầu chính quyền Lào loan báo có 27 người chết, nhưng sau đó địa phương khẳng định chỉ có 6 và không giải thích gì thêm.
Sau khi đập Xe-Namnoy bị sụp đổ, một khu vực hàng mấy chục cây số đã bị tràn ngập bùn. Nước rút đi quá chậm khiến một số làng bị cô lập vì lớp bùn dày bao phủ. Một tình nguyện viên cho AFP biết chưa bao giờ thấy tình trạng tệ hại như vậy, nhất là Lào rất thiếu trang thiết bị cứu hộ.
Thảm họa vỡ đập gây lo ngại về tính vững chắc của nhiều đập thủy điện khác tại Lào. Đa số đập do các công ty nước ngoài xây dựng, chính quyền Lào không đủ chuyên môn và năng lực để phát hiện những khiếm khuyết. Hàn Quốc, một trong những nước có liên quan đến đập thủy điện vừa bị vỡ, hôm 27/07 loan báo viện trợ khẩn cấp một triệu đô la cho Lào, phân nửa bằng tiền và phân nửa bằng hiện vật.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180728-lao-hon-1100-nguoi-mat-tich-trong-vu-vo-dap-thuy-dien

Imran Khan thương lượng lập chính phủ,

nhiều đảng đòi bầu lại

Thụy My
Đảng PTI của ông Imran Khan ngày 28/07/2018 loan báo bắt đầu thương lượng với các đảng nhỏ để thành lập một chính phủ liên minh, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Tuy nhiên, nhiều chính đảng Pakistan không công nhận kết quả này, đòi hỏi tổ chức bầu lại và kêu gọi biểu tình.
Theo kết quả mới nhất, đảng PTI (Pakistan Tehreek-e-Insaf) giành được 115 ghế, nhiều hơn dự kiến, nhưng vẫn chưa đủ đa số 137 để lập chính phủ. Phát ngôn viên của PDI Fawad Chaudhry cho biết đang thăm dò các đối tác tiềm năng, gồm các đảng nhỏ và một số nhân vật độc lập để liên minh, quá trình này mất khoảng hơn 10 ngày.
Trong khi đó, hôm 27/07, hơn mười đảng đối địch họp tại Islamabad đã quyết định tập hợp lại trong phong trào APC (All Parties Conference), lên tiếng bác bỏ kết quả bầu cử. Trong số đó, đảng lớn nhất là PML-N, do Shahbaz Sharif (em ruột của cựu thủ tướng Nawar Sharif, bị truất phế tháng 7/2017) đứng đầu, tố cáo « các vụ gian lận trắng trợn, đưa Pakistan thụt lùi 30 năm ».
Tuy nhiên, các chính đảng vẫn không thống nhất cách phản đối, một số đòi tổ chức bầu cử lại, số khác muốn tẩy chay Quốc Hội mới, kêu gọi biểu tình. Riêng đảng Nhân Dân Pakistan (PPP), do Bilawal Bhutto (con trai cố thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát năm 2007), lãnh đạo không tham dự hội nghị, nhưng cũng cho biết phản đối kết quả bầu cử.
Phái đoàn quan sát của Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận tình trạng « hạn chế tự do ngôn luận » trong chiến dịch tranh cử, và « thiếu bình đẳng rõ rệt ». Các nhà phân tích nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của quân đội đối với ứng cử viên Imran Khan. Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về các cáo buộc gian lận, nhưng cho biết sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180728-pakistan-imran-khan-thuong-luong-lap-chinh-phu-trong-luc-nhieu-dang-doi-bau-lai

Bầu cử Campuchia: Dân chủ trong sợ hãi?

Nanchanok WongsamuthBBC Tiếng Thái tường thuật từ Campuchia
Hình ảnh của Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin xuất hiện đầy trên các bảng quảng cáo màu xanh dương khắp Campuchia trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào hôm Chủ Nhật 29/7.
Họ chỉ đại diện cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nhưng khuôn mặt của cả hai xuất hiện trên mọi biểu ngữ và tờ rơi ở gần như khắp mọi miền đất nước – trước cửa nhà dân, cơ quan và cả trên cột điện, như thể họ là đảng duy nhất vận động bầu cử, dù cho có tới 19 ứng cử viên khác.
Trong ngày cuối cùng của chiến dịch bầu cử, những người ủng hộ CPP đã tràn xuống đường phố, thổi còi và vẫy những lá cờ của CPP theo với đoàn xe ô tô, mô tô, xe tải và tuk-tuk diễu hành.
Theo lệnh của Tòa án Tối cao thì đảng đối lập lớn nhất, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đã phải giải thể từ tháng 11, có nghĩa đảng cầm quyền không phải chịu bất kỳ sự cạnh tranh của một đối thủ đáng gờm nào cả.
Và nhiều người dân đã bị ép đi bỏ phiếu trước những đe dọa rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu như dám tẩy chay cuộc bầu cử.
Vì sao tờ Cambodia Daily phải đóng cửa?
Thân phận trôi nổi của người Việt ở Campuchia
Tuy nhiên, phát ngôn viên của chính phủ Phay Siphan phủ nhận cáo buộc về việc cuộc bầu cử diễn ra không tự do và công bằng.
Ông nói rằng cuộc tổng tuyển cử dựa trên luật pháp và được Ủy ban Bầu cử Quốc gia quản lý.
Nhưng một người đàn ông ở 39 tuổi ở một tỉnh miền nam Kampot nói rằng ông sẽ bỏ phiếu “chỉ là để có được dấu mực chứng nhận đã bỏ phiếu trên ngón tay.”
“Nhờ đó mọi người có thể biết được tôi đã đi bầu, hoặc không thì họ sẽ nghĩ rằng tôi tẩy chay bầu cử và chống lại chính quyền. Tôi sợ sẽ có vấn đề xảy ra và tôi sẽ bị bắt,” ông nói.
Giống như những người khác được phỏng vấn, ông đã yêu cầu được giấu tên do sợ bị trả thù.
Vết mực kỳ diệu
Trong khoảng hai tháng trở lại đây, các lãnh đạo của CNRP, hầu hết đã lưu vong, khởi động chiến dịch “Ngón tay sạch” để kêu gọi người dân không bỏ phiếu.
“CPP muốn có được tính chính danh qua cuộc bầu cửu này và những người ủng hộ CNPR nói các cuộc bầu cử này không hợp pháp và cách duy nhất để chứng minh điều đó là tỷ lệ bỏ phiếu thấp,” Hoàng tử Sisowath Thomico, người đã tham gia Đảng CNRP vào năm 2013 nói.
Điều đó đã khiến chính quyền và Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với các chiến dịch tẩy chay cuộc bầu cử, cũng như những người ủng hộ những hành động này.
Chính phủ Campuchia đã mua 51.000 chai mực không thể xóa trị giá 800.000 đô la Mỹ để ngăn chặn người dân bỏ phiếu hai lần.
“Chính phủ Campuchia đang nỗ lực hết sức để tìm mọi cách bắt người dân đi bầu. Họ có thể biết rõ ràng được ai là người đã bầu, còn ai không nhờ có dấu mực trên ngón tay,” giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) , Phil Robertson phát biểu tại một cuộc họp báo tại Bangkok vào tuần qua.
“Thật mỉa mai khi chúng ta thấy thủ tục bảo vệ lá phiếu bầu cử cố gắng ngăn chặn người bỏ phiếu hai lần lại bị lợi dụng để trừng phạt những người không muốn bỏ phiếu.”
Ông Robertson nói HRW đã nhận được nhiều báo cáo cho rằng nhiều đại diện của chính phủ ở địa phương đã nói với người dân rằng nếu họ không đi bầu thì sẽ mất quyền hưởng dịch vụ công như làm giấy khai sinh hoặc gia hạn căn cước.
Người đi lao động thuê thì được chủ thông báo rằng nếu họ không đi bầu cử sẽ bị sa thải.
Campuchia: Chuyện ‘tước quốc tịch’ dân gốc Việt
Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?
Mặt khác, phát ngôn viên của chính phủ, ông Phay Siphan cũng chỉ ra có tới 20 đảng chính trị tham gia tranh cử chứ không phải chỉ có tám như lần tuyển cử 2013.
“Ai cũng đều có quyền tự do bỏ phiếu hay không, nhưng họ không thể cản trở quá trình hoạt động bầu cử theo quy định của luật bầu cử,” ông nói.
“CNRP không phải là cha đẻ của dân chủ, chỉ là một phong trào đối lập. CNRP không tôn trọng nguyện vọng của người dân. Họ tẩy chay [cuộc bầu cử] và không thể chiếm đa số ghế trong Quốc hội.”
Trong khi đó, sau cuộc bầu cử năm 2013, CNRP trở thành mối đe dọa quyền lực cho đảng CPP cầm quyền vì đã giành được 55 ghế nghị sỹ, trong khi CPP chỉ nhỉnh hơn một chút, với 68 ghế.
“Người Campuchia đã bỏ phiếu cho sự thay đổi. Họ muốn tự do và công bằng, “Hoàng tử Thomico nói với BBC Thái Lan.
Càng kéo dài, càng tệ hại
Wanna*, một người làm nghề giặt là ở tỉnh miền tây của Battambang, nói muốn có sự thay đổi trong giới lãnh đạo của đất nước.
Mỗi buổi tối sau giờ làm, cô thường theo dõi Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) với những người bảo vệ cùng chỗ làm, được phát lại qua một kênh tiếng Khmer.
“VOA đưa tin trung lập và đáng tin cậy, không giống những phương tiện truyền thông của chính phủ,” cô nói.
Tới năm 2008, sau 10 năm ủng hộ CPP, cô đã chuyển sang ủng hộ CNRP sau khi cô được gặp nhà lãnh đạo Sam Rainsy. Cô tin rằng ông Rainsy muốn cải thiện đất nước này.
“Tôi muốn có sự thay đổi. Tôi không muốn Hun Sen tiếp tục cầm quyền nữa,” người phụ nữ 38 tuổi nói. “Thật điên rồ rằng ông ta đã cầm quyền trong một thời gian lâu như vậy. Dù cho người dân có muốn thay đổi đi chăng nữa, không một ai có thể làm được gì cả. Đất nước này loạn rồi.”
Tuy biết CPP sẽ thắng cử những cô cũng vẫn sẽ đi bầu, nhưng bỏ phiếu trắng.
Truy lùng người tung tin ‘Hun Sen chết’
Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi
Wanna nói kể từ khi Hun Sen trở thành thủ tướng, nền kinh tế của Campuchia đã tệ đi khiến nhiều người dân bỏ đi kiếm việc ở các nước láng giềng vì không sống nổi với nguồn thu nhập thấp trong nước.
Trong suốt 6 năm qua, thu thập của Wanna cũng mới chỉ tăng từ 130 đôla lên 170 đôla.
“Đây là một chiến thuật của chính quyền để khiến người dân chỉ có thể nghĩ cuộc sống hàng ngày mà không có thời gian để suy nghĩ về chính trị hoặc ai đang lãnh đạo đất nước,” cô nói.
Không tự do mà cũng chẳng công bằng
Tháng 7/2014, ba đạo luật đã được thông qua, Sam Zarifi, tổng thư ký của Ủy ban Tư pháp Quốc tế, sự độc lập về mặt tư pháp ở Campuchia bị suy giảm đáng kể.
Ông nói đất nước này đang chuyển sang một giai đoạn khác, mà cơ quan hành pháp có hoàn toàn sự kiểm soát đối với các cơ quan khác của chính phủ, nơi mà tự do ngôn luận bị cấm và cơ quan tư pháp không thể quyền của người dân Campuchia.
“Campuchia đang tiến tới một chế độ độc tài độc đảng và nên bị đối xử như vậy,” ông Zarifi nói.
“Những gì đang diễn ra tại Campuchia hiện nay là một sự vi phạm nghiêm trọng của pháp quyền và rất có thể sẽ dẫn đến một sự bất ổn đến sự hòa bình và an ninh quốc gia.
“Chính hành vi của Hun Sen đe dọa đất nước, chứ không phải là phe đối lập.”
Mạng lưới bầu cử tự do châu Á (ANFREL) là một trong nhiều nhóm xã hội dân sự quyết định cử các nhà quan sát bầu cử độc lập, do “môi trường chính trị đàn áp”.
Mỹ và Liên minh Châu Âu cũng đã quyết định không cử người đại diện đến giám sát cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, có gần 80.000 quan sát viên địa viện, theo cơ quan bầu cử của Campuchia, giám đốc điều hành ANFREL Chandanie Watawala cho biết một nửa trong số đó đến từ liên minh CPP hoặc thân với CPP.
“Thông tin mà chúng tôi nhận được đó là trong tất cả các tổ chức được Ủy ban Bầu cử Quốc gia công nhận, không một tổ chức nào cho thấy sự độc lập cũng như các kỹ năng cần thiết để tiến hành giám sát bầu cử,” ANFREL cho biết trong một bản báo cáo.
“Thông tin mà các nhóm này sẽ đưa ra trong và sau cuộc bầu cử sẽ không đáng tin cậy, và sẽ chỉ phục vụ để củng cố quan điểm của CPP. “
“Công lý không tồn tại”
Gần đền Preah Ang Dongker, bên bờ sông Mekong, đối diện với Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh, doanh nhân 65 tuổi Samnang* đang nghỉ ngơi giữa ca làm việc buổi tối.
Trong cuộc bầu cử năm 1993, Samnang đã bỏ phiếu cho Đảng Funcinpec, được thành lập bởi đức vua quá cố Norodom Sihanouk.
Nhưng sự thất vọng của ông ở trong Đảng đã dẫn tới việc ông ủng hộ CNRP.
“Công lý không tồn tại ở Campuchia. Nếu bạn giàu, bạn sẽ thắng. Nếu bạn nghèo, bạn sẽ chết.” ông nói.
Người gốc Việt nhận thẻ thường trú Campuchia
Campuchia: Kiến nghị điều tra Facebook của Hun Sen
Cả thông dịch viên lẫn Samnang đều hạ thấp giọng khi được hỏi về Hun Sen, một thủ tướng đã cầm quyền 33 năm qua.
Có thể thấy được không khí sợ hãi ở đất nước khi người dân bày tỏ quan điểm chính trị ở nơi công cộng, điều mà phóng viên BBC đã chứng kiến khi phỏng vấn ngẫu nhiên nhiều người dân ở các tỉnh thành của Campuchia.
Một vài người đã từ chối bình luận về chính trị, trong khi phần lớn những người khác không muốn tiết lộ quan điểm chính trị của mình.
Thứ Bảy tuần trước, Polotikoffee, một nhóm thanh niên đam mê về các vấn đề xã hội, chính trị và dân chủ, đã hủy một buổi tọa đàm về ảnh hưởng của Trung Quốc lên kinh tế chính trị của Campuchia.
Thông báo hủy được đưa ra chỉ hai ngày trước khi buổi tọa đàm có thể diễn ra.
Samnang cũng nói cuộc sống của ông không hề được cải thiện dưới chính quyền của Hun Sen.
“Công việc của tôi liên quan đến việc vận chuyển đậu nành và gạo, và thường xuyên bị cảnh sát chặn lại để xin tiền. Tôi đang trở nên nghèo hơn mỗi ngày,” ông nói.
Mặc dù ông muốn chứng kiến một sự thay đổi về tầng lớp lãnh đạo, nhưng đảng CNRP – đảng mà ông ủng hộ – đã bị giải thể, ông cũng không có một đảng thay thế nào khác.
Ông nói ông sẽ không đi bầu cử vào hôm Chủ Nhật, nhưng ông vẫn mong vào những thay đổi ở đất nước mình.
“Campuchia không thể tồn tại một mình. Cuối cùng, ông [Hun Sen] sẽ phải làm điều gì đó để thay đổi,” ông nói.
*Tên của các nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính cho họ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44986200

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?