Tin Việt Nam – 29/07/2018

Tin Việt Nam – 29/07/2018

Linh mục không có đạo?

JB. Nguyễn Hữu Vinh
Câu chuyện “Linh mục không có đạo” bắt đầu từ việc trang web của HĐND Tỉnh Hà Tĩnh ghi nghề nghiệp chức vụ hiện tại là Linh mục quản Hạt Nghĩa Yên, Đức Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thế nhưng phần tôn giáo lại ghi là “Không”.
Với những người thuộc thế hệ chúng tôi, việc oái oăm để có hiện tượng “Linh mục không có đạo” là điều không khó hiểu.
Những năm tháng đó, nhà cầm quyền CSVN đã thực hiện một chính sách kỳ thị và phân biệt đối xử cách trắng trợn với người công giáo. Người Công giáo hầu hết không được yên ổn trong mọi môi trường từ công việc cho đến cuộc sống. Chính sách phân biệt tôn giáo được thể hiện bằng việc ghi rõ tôn giáo đang theo ngay trên giấy chứng minh nhân dân. Người Công giáo chỉ là “Công dân hạng hai” trong xã hội.
Ra đường, đến công sở, trường học, hệ thống tuyên truyền cộng sản công khai mạt sát, kỳ thị người Công giáo như là một trò chơi và là một nhiệm vụ chính trị. Những công dân theo công giáo không dám xưng mình là giáo dân, nếu không muốn bị những sự phân biệt nặng nề trong một môi trường mà sách vở, báo chí, thái độ của mọi người luôn coi họ như tội phạm làm chậm bước tiến của xã hội lên Chủ nghĩa Cộng sản.
Những kỳ hồ sơ thi đại học, có hẳn một chương trình hướng dẫn học sinh làm hồ sơ, phần ghi Tôn giáo, được hướng dẫn nên ghi “Không” để cho việc thi cử được bình đẳng như người khác.
Trong các lực lượng công an vũ trang, hàng hải, đối ngoại, ngoại giao… thì người công giáo đừng có mơ thi vào đó. Trong các cơ quan quân đội, người Công giáo chỉ được đứng ở hàng lính và lên tuyến đầu là hết. Mọi chức vụ nếu có thì phải bỏ đạo, vào đảng.
Thời bố tôi vào đại học những năm 60 của thế kỷ trước, cứ mỗi lần đến ngày Chúa Nhật, ngày lễ công giáo, lớp cho một sinh viên khác đi đâu cũng đi kèm xem có còn đến nhà thờ hay không. Mỗi lần đi lễ, ông phải đến nhà người quen và đi lễ với họ vào những giờ giấc khác nhau.
Thời chúng tôi vào đại học, cả bao nhiêu trường Đại học ở khu vực Hà Nội và quanh đó chỉ tìm được có 34 sinh viên công giáo. Thậm chí có một người bạn cùng lớp mà mãi đến khi ra trường vẫn không biết đó là người công giáo.
Cái tự do tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân Việt Nam dưới thời cộng sản sắt máu là như vậy.
Với tình trạng đó, việc giấy CMND ghi tôn giáo “Không” là điều không khó hiểu cho lắm.
Trước đây, tôi không hiểu vì sao nhà cầm quyền lại muốn càng ít người ghi danh công giáo càng hay. Mãi đến sau này, mới hiểu ra rằng đó cũng là một chính sách, bởi các con số thống kê dân số và xã hội, tỷ lệ giáo dân sẽ giảm xuống một cách nhanh chóng, và thành quả của “Cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng” mới to lớn hơn. Ngoài ra, với tỷ lệ giáo dân càng thấp càng tốt trong một nước cộng sản, các chính sách cai trị đề ra sẽ dễ dàng hơn.
Linh mục tham gia chính trị?
Điều người ta chú ý, là những vụ việc xảy ra tại vùng Kỳ Anh, nơi Formosa đổ bộ làm căn cứ như Tô giới của Trung Quốc, liên quan đến vụ việc nhà thờ Giáo họ Thiên Lý vừa xảy ra, thì Linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ lại có danh sách ứng cử rồi là Đại biểu HĐND Tỉnh Hà Tĩnh. Người dân không hiểu lý do vì sao vào những thời điểm ấy, lại có linh mục thuộc GP Vinh tham gia vào các chức vụ chính trị như vậy.
Hẳn nhiên là ai cũng biết rằng linh mục thì không thể tự ý tham gia những việc ngoài thẩm quyền của mình. Thế nhưng, những điều đó không ai giải thích và giáo dân cứ xầm xì.
Bài viết trên trang Nữ Vương Công Lý đặt câu hỏi như sau: “Linh mục Nguyễn Thái Từ chắc là người biết rõ chính sách và đường lối cũng như bản chất của nhà nước cộng sản Việt Nam như thế nào, ít nhất là qua vụ Tam Tòa khi 200 giáo dân và linh mục thuộc Hạt Kỳ Anh vào Tam Tòa đã bị đánh tơi bời”.
Và “Điều đặc biệt hơn nữa, linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ lại là thành viên trong Ban Công Lý Hòa bình của Giáo phận Vinh do Đức Cha Nguyễn Thái Hợp quyết định. Điều này có ý nghĩa gì?
Ở Giáo phận Vinh một thời, các linh mục được hoặc bị đưa vào cái gọi là Ủy Ban đoàn kết công giáo không phải là ít. Bởi ai không chịu tham gia, thì tấm gương của linh mục Vũ Đình Giáo không chịu đi họp Mặt trận để vào “Ủy ban đoàn kết công giáo” đã bị nhà cầm quyền bằng mọi cách tiêu diệt, gây ra sự kiện giáo dân Đông Yên quyết tâm bảo vệ chủ chăn suốt hơn nửa năm trời dưới sự bao vây của cộng sản, và sau đó ngài bị đưa đi quản chế mấy năm trời đã là điều mà nhiều người phải nhớ đến.
Chính sách cai trị sắt máu và điều hành xã hội bằng súng đạn, nhà tù đã buộc giáo hội có những bước đi ít có hại nhất. Nhiều linh mục, giáo dân buộc phải tham gia cái Ủy ban ma đó bởi để tránh sự bách hại mà còn phục vụ giáo dân.
Tất nhiên, khi nhà cầm quyền CSVN đã bỏ công, bỏ của để đầu tư ra cái thây ma “Ủy ban Đoàn kết” thì phải có những con mồi, thậm chí cả những linh mục thành tâm theo cái tổ chức đó. Những vị đó, hoặc bởi nhận thức, hoặc bởi có những vấn đề mà chỉ có Chúa và công an biết, nên đành chấp nhận nhắm mắt chấp nhận “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường”.
Cái “Ủy ban Đoàn kết Công giáo” là một tổ chức của cộng sản nhằm làm lũng đoạn Giáo hội, tạo ra một Giáo hội ly khai với Giáo hội Hoàn vũ như Hồ Chí Minh đã kêu gọi Công giáo phải “Tam Tự” đó là “Tự lập, tự đào tạo, tự truyền” – nghĩa là hoàn toàn ly khai với Tòa Thánh Vatican.
Cái Ủy Ban đoàn kết Công giáo được lập ra với mục đích như vậy, và chính Linh mục Phan Khắc Từ, một người đã giữ nhiều “chức vụ quan trọng” trong cái “Ủy ban” đó đã khẳng định trong một lần tôi phỏng vấn ngài rằng: “Đó là một tổ chức của Mặt Trận, dĩ nhiên là của đảng”.
Một số linh mục đã buộc phải vào đó để “nhắm mắt đưa chân” qua giai đoạn khó khăn mà phục vụ các tín hữu. Nhiều người hy vọng rằng, qua cơn bĩ cực giai đoạn khó khăn đó, thì mọi việc sẽ đi đúng hướng chính, tà phân biệt.
Trên con đường khó khăn, cả người và quỷ cùng đi thì phải biết dựa vào nhau, khi đến đích thì quỷ sẽ vẫn là quỷ và người vẫn là người  – Linh mục Vương Đình Ái
Linh mục Vương Đình Ái, một linh mục lâu đời tham gia cái tổ chức “Đàn két” này, khi mới tham gia và giáo dân xì xầm là linh mục cộng sản, đã từng nói bóng gió rằng: “Trên con đường khó khăn, cả người và quỷ cùng đi thì phải biết dựa vào nhau, khi đến đích thì quỷ sẽ vẫn là quỷ và người vẫn là người”.
Thế nhưng, tiếc thay là ngay khi chưa đến đích, thì những người “đi với ma đã phải mặc áo giấy” để thể hiện đúng vai trò ma quỷ giao phó. Bởi ở đây không chỉ là ma quỷ, mà nguy hiểm hơn, đây là Cộng sản. Linh mục Pet. Đậu Đình Triều một lần đã ngao ngán kể với tôi về việc Linh mục Ái đã khóc trước Hội nghị của cái Ủy ban này khi ông không được bầu lại làm Chủ tịch UBĐK rằng: “Tôi đi theo đảng từ 45 đến nay, nay đảng không tin tôi nữa”.
Nhiều vị linh mục, chức sắc, sư sãi của các tôn giáo được đảng “cơ cấu” vào các cơ quan như Quốc Hội, HĐND, Ủy ban Đoàn kết, Mặt trận… đủ cả. Nhưng tất cả chỉ để làm cảnh và tô vẽ cho “nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản” của cộng sản độc tài mà thôi.
Thế nhưng, thời đó đã qua. Trong thời đại ngày nay, khi mà nhà cầm quyền Cộng sản đã vứt bỏ hết mọi thứ mặt nạ, khi lòng dân đã hiểu nhiều về bản chất của chế độ Cộng sản và những hành động của nó, thì việc hợp tác, tham gia các tổ chức chính trị cộng sản là điều khó có thể biện minh.
Bởi như chúng ta thường thấy trong chế độ Cộng sản Việt Nam, cái hình thức dân chủ “Đảng cử dân bầu” đã trở thành mặc định. Các chức danh, chức vụ và con người được “bầu” lên, tất tần tật đều do ý đảng. Chỉ có như thế đảng mới yên tâm “lãnh đạo tuyệt đối” ở tất cả mọi lĩnh vực xã hội, cuộc sống và cả tôn giáo.
Họ được “cơ cấu” đưa vào đó để “ngồi chơi, xơi nước” và… giơ tay. Hầu như không có một tác dụng nào cho chính tổ chức tôn giáo mà họ đã là thành viên, càng không có một ích lợi nào cho đất nước và dân tộc.
Chưa bao giờ, người ta thấy một linh mục nào ở vị trí dù là Hội đồng Nhân dân hoặc Quốc hội đi nữa, mà có một tiếng nói cho đất nước, dân tộc, thậm chí cho chính tôn giáo của mình đang bị bách hại. Ở đó may ra có những nhà sư công an suốt ngày bịa ra giáo lý nhà Phật để ca ngợi sự côn đồ của công an, bào chữa cho việc hiện khoảng 30% án oan trong các vụ án hay kêu gọi xây dựng quân đội mạnh thành quân đội côn đồ như Bắc Hàn của ông sư Thích Thanh Quyết.
Điều nguy hại nhất khi hàng chức sắc tôn giáo tham gia các tổ chức của Cộng sản, không chỉ ở chỗ họ có thể làm gì, nói gì ảnh  hưởng đến các tôn giáo đó. Mà là ở chỗ họ sẽ bị sử dụng như một công cụ, khi cần thiết huy động vào những mục đích chính trị của đảng Cộng sản, thì đảng cộng sản sẽ không từ thủ đoạn nào để lợi dụng, để ép buộc hoặc bắt buộc họ phải hành động theo ý đảng cộng sản.
Và tất cả những điều đó, những tấm gương đó được đặt trước mắt giáo dân làm chính giáo dân lẫn lộn giữa chính, tà, giữa bóng tối và ánh sáng.
Tại Giáo phận Vinh, Linh mục Nguyễn Đăng Điền, linh mục Nguyễn Thái Bạch là một ví dụ. Đó là những linh mục hết sức nhiệt tình, thích tham gia các tổ chức nhà nước và nhiều lần bị lợi dụng, bị chơi đểu, rồi lại tiếp tục tự nguyện để bị lợi dụng, chơi đểu bởi chính nhà nước cộng sản.
Điều nguy hại hơn nữa, đó là việc Giáo hội đã có những quy định, lề luật rất rõ ràng: Các linh mục, hàng giáo phẩm không được tham gia các tổ chức chính trị. Việc các linh mục ngang nhiên tham gia các tổ chức chính trị của Đảng Cộng sản, dù vô tình hay hữu ý, thì đó là một tấm gương cho giáo dân trong việc vi phạm lề luật của Giáo hội.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Bộ Chính trị cách tất cả các chức vụ đảng

của tướng công an Bùi Văn Thành

Một ngày sau khi Uỷ ban Kiểm tra trung ương ra kết luận về những sai phạm rất nghiêm trọng của thứ trưởng công an Bùi Văn Thành, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam hôm 28/8 đã họp và quyết định cách toàn bộ chức vụ trong đảng của viên tướng này.
Theo quyết định này, ông Thành bị mất các chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021, Uỷ viên Ban chấp hành đảng bộ Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Bộ Chính đồng thời quyết định giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm Trung tướng đối với ông Thành.
Cũng trong quyết định đưa ra vào ngày 28/8, Bộ Chính trị đã kỷ luật bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Thượng tướng Trần Việt Tân. Ông này cũng bị sẽ bị giáng cấp quân hàm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị với chính phủ.
Theo kết luận của UBKT trung ương đưa ra hôm 27/7, tướng Bùi Văn Thành bị xác định có những vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng và ngành công an.
Tướng Trần Việt Tân bị xác định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc kỷ luật, cách chức đối với hai thứ trưởng Bộ Công An diễn ra chỉ vài ngày trước phiên toà kín xét xử Phan Văn Anh Vũ, hay còn gọi là Vũ ‘nhôm’, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, đồng thời là một sĩ quan công an có quân hàm thượng tá. Theo truyền thông trong nước ông Vũ ‘nhôm’ sẽ phải ra toà vào ngày 30 và 31/7 với cáo buộc ‘làm lộ bí mật nhà nước’.
Kết luận của Bộ Chính trị cho biết tướng Bùi Văn Thành đã tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
Cũng liên quan đến vụ án Vũ ‘nhôm’, còn có hai sĩ quan công an khác đã bị bắt trong năm nay là ông Phan Hữu Tuấn, nguyên Tổng cục phó Tổng cục tình báo Bộ Công an và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an.

Facebook thay đổi nhân sự cao cấp Việt Nam

Một đại diện lâu năm của Facebook tại Việt Nam vừa rời khỏi công ty, trong khi một cựu giám đốc chính sách của Uber Việt Nam mới gia nhập Facebook.
Truyền thông trong nước cho hay như vậy hôm Chủ Nhật 29/07, trong bối cảnh Facebook đứng trước chỉ trích của cộng đồng người dùng Việt Nam vì tiếp tay với nhà cầm quyền cộng sản đóng trương mục và xóa nội dung của người bất đồng. Ông Huỳnh Kim Tước, một Việt kiều Mỹ, vào năm 2005 về định cư tại Việt Nam để làm cố vấn thị trường cho Google. Nhưng đến năm 2011, ông đổi sang làm việc cho Facebook. Mặc dù làm đại diện cho Facebook tại Việt Nam trong một thời gian dài, ông Tước rất hiếm khi trả lời truyền thông hoặc lên tiếng liên quan đến những vấn đề về chính sách của Facebook tại thị trường Việt Nam.
Người mới tham gia Facebook là bà Nguyễn Ánh Nguyệt, cựu giám đốc chính sách của Uber Việt Nam. Trước khi làm việc cho Uber, bà Nguyệt từng làm cố vấn chính trị cho văn phòng của Bộ Ngoại Giao Anh ở Hà Nội, rồi cố vấn pháp lý cho Bộ Ngoại Giao Và Thương Mại Úc tại Hà Nội. Trong hồ sơ nghề nghiệp của mình trên mạng LinkdIn, bà Nguyệt tự mô tả là có khả năng nhạy bén về các vấn đề chính trị và có những hiểu biết giá trị về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Truyền thông trong nước cho rằng sự thay đổi nhân sự cấp cao của Facebook ở Việt Nam cho thấy mạng xã hội này đang quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề về pháp lý và chính sách tại thị trường Việt Nam.
Huy Lam / SBTN

Việt Nam thâm hụt thương mại 300 triệu đôla

Việt Nam thâm hụt thương mại 300 triệu đôla trong tháng Bảy, từ mức thặng dư 800 triệu đôla trong tháng Sáu.
Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố rằng xuất khẩu trong tháng Bảy giảm 1,7% so với tháng Sáu xuống 19,5 tỷ đôla, trong khi nhập khẩu tăng 4% ở mức 19,8 tỷ đôla, theo Reuters.
Ngoài ra, cơ quan này cũng cho biết thêm rằng trong bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng 15,3% so với một năm trước đó lên mức 133,69 tỷ đôla, và nhập khẩu tăng lên 10,2% lên 130,63 tỷ đôla.
Điều đó dẫn tới thặng dư thương mại hơn 3 tỷ đôla trong giai đoạn từ tháng Một tới tháng Bảy.
Reuters dẫn lời Tổng cục Thống kê nói rằng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong bảy tháng này gồm điện thoại thông minh, hàng dệt may, và các thiết bị điện tử dân dụng. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm điện máy, hàng điện tử và vải.
Theo cơ quan thống kê trên, trong bảy tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ đôla, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trang tin của Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời cơ quan trên nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể “ảnh hưởng” tới việc xuất và nhập khẩu của Việt Nam.
“Điều chú ý là tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc ngày càng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình và chủ động có giải pháp ứng phó để hạn chế tác động bất lợi”, Tổng cục Thống kê nói, theo VnEconomy.
Theo dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Trung Quốc được dự báo “sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động”.
Tuy nhiên, dự báo của IMF cũng đưa ra một cảnh báo về “sự dễ bị tổn thương” của kinh tế Trung Quốc sau khi xuất những dấu hiệu lẫn lộn từ Bắc Kinh về tác động của tranh chấp thương mại với Washington.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?