Các điểm nóng thế giới sẽ đối mặt năm 2019
Soha
Thu Trang |
Theo dự đoán của chuyên trang kinh tế Bloomberg Economics, 2019 sẽ là một năm khó khăn với các nhà lãnh đạo trên toàn cầu khi có vô vàn điểm nóng ở nhiều cấp độ khác nhau đang đón đợi họ ở phía trước.
Theo dự đoán của chuyên trang kinh tế Bloomberg Economics, 2019 sẽ là một năm khó khăn với các nhà lãnh đạo trên toàn cầu khi có vô vàn điểm nóng ở nhiều cấp độ khác nhau đang đón đợi họ ở phía trước.
Đối đầu giữa 3 siêu cường
Theo ông Claire Simpson, Giám đốc mảng tài chính của công ty tư vấn bảo hiểm lớn thứ 3 trên thế giới - Willis Tower Watson, khi bị chủ nghĩa dân tộc, dân túy thôi thúc, các quốc gia đang ngày càng trở nên khó dự đoán. Những xung đột về lợi ích đang đẩy nhiều nước bước vào thế đối đầu, tiêu biểu như mối quan hệ giữa các siêu cường Mỹ - Nga, Mỹ -Trung…
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/12 đã đưa ra bản tối hậu thư cho Nga thời hạn 60 ngày để ngưng triển khai các hệ thống có thể bắn, phóng những tên lửa tấn công 9M729, nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), một văn bản mà 2 nước đã kí kết từ năm 1987.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, vấn đề Brexit hay lực lượng dân túy chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019, sẽ càng làm cho tình hình chính trị ở châu Âu thêm bất ổn.
Trong trường hợp Moscow không tuân thủ INF trước thời hạn trên, Washington sẽ khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước trong vòng 6 tháng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, thế giới sẽ có thể phải đối mặt với một cuộc đua vũ trang hạt nhân mới trong năm 2019.
Bên cạnh đó, những lệnh trừng phạt mà Mỹ liên tục áp đặt lên Nga có khả năng vẫn tiếp diễn trong năm sau. Hai nhà lãnh đạo Trump và Putin đã huỷ bỏ các cuộc gặp vào cuối năm nay, cho thấy các bên dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.
Theo dự đoán của Bloomberg Economics, khả năng xấu nhất là Washington và Moscow sẽ rơi vào trạng thái thù địch công khai, ảnh hưởng đến tình hình chính trị của toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và các nước châu Âu được dự báo là sẽ còn căng thẳng hơn. Mặc dù mới đây, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông qua một thoả thuận “đình chiến” kéo dài 90 ngày nhưng trong trường hợp đến tháng 2/2019, những mâu thuẫn vẫn chưa thể giải quyết, thì nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn diện hoàn toàn có khả năng nổ ra, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế và an ninh thế giới.
Còn với châu Âu, khả năng cao là Washington vẫn tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu, khiến cho Hội nghị Thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 6 năm sau có thể sẽ chứng kiến những màn tranh luận chính trị vô cùng gay go xuất phát từ các rào cản kinh tế mà Hoa Kỳ áp dụng với cả các đồng minh của mình ở lục địa già.
Ngoài ra, tình hình chiến sự tại Syria, Afghanistan, nguy cơ nhóm Hồi giáo vũ trang Boko Haram phá hoại cuộc bầu cử tại Nigeria vào tháng 2/2019, những bế tắc trong nội bộ chính trị nước Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020 được dự báo là những điểm nóng mang tính rủi ro cao.
Cùng chung nhận định với Bloomberg Economics, trên một bài viết tổng kết năm 2018, tờ South China Morning Post lưu ý rằng, dự báo cho năm 2019, lần đầu tiên các chuyên gia đã đưa Đài Loan vào danh sách các điểm nóng có thể bùng phát xung đột, khủng hoảng.
Phân tích các sự kiện năm 2018, khi chính quyền của Tổng thống Trump thực hiện một số động thái khiêu khích để phát triển quan hệ với hòn đảo này, kể cả tăng cường cung cấp vũ khí cho Đài Loan, giới quan sát cho rằng, nếu xét đến việc Trung Quốc kiên quyết ngăn cản tham vọng tồn tại độc lập của Đài Loan, để trong tương lai sát nhập đảo này với đại lục, thì xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan là hoàn toàn có khả năng xảy ra trong năm 2019.
Tuy nhiên, xung đột này ít có khả năng hơn so với khu vực biển Đông hoặc trên Bán đảo Triều Tiên.
Với khu vực biển Đông, thời gian gần đây, các tàu Mỹ tiếp tục tuần tra dọc theo biển Đông và eo biển Đài Loan, nhưng biên phòng Trung Quốc không động chạm đến chúng. Chỉ có Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ động liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối Mỹ mang tính hình thức.
Theo giáo sư Wei Zongyou, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc không muốn xung đột quân sự với Hoa Kỳ ở biển Đông và Hoa Kỳ cũng không muốn điều đó. Vì vậy, cũng có các ý kiến lạc quan hy vọng rằng trong năm 2019, chiến tranh sẽ không xảy ra ở khu biển vô cùng nhạy cảm, là tuyến đường biển quan trọng bậc nhất với thương mại toàn cầu này.
Những mâu thuẫn dai dẳng
Các quốc gia được cho là sở hữu khả năng hạt nhân gồm: Iran, Triều Tiên vẫn sẽ là những điểm nóng đáng lo ngại nhất trong năm 2019, theo Bloomberg Economics.
Sau khi Washington chính thức rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran 2015 và liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt, nhiều chuyên gia cho rằng, Tehran rất có thể đã tái khởi động sản xuất nguyên liệu hạt nhân, đẩy quốc gia này tới những hành động hiếu chiến, nhất là tại eo biển Hormuz.
Đối với Bình Nhưỡng, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim hồi tháng 6/2018 phần nào xoa dịu những bất đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc Triều Tiên vẫn chưa có những hành động cụ thể cho vấn đề phi hạt nhân hoá, còn Mỹ thì tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn trong đàm phán, khiến thoả thuận giữa 2 bên về tên lửa và hạt nhân có nguy cơ sụp đổ.
Bên cạnh đó, sự bất ổn chính trị và sự cố Nga bắt giữ các tàu tuần tra và thủy đoàn của Ukraine đi qua biển Azov vừa qua, rất có thể sẽ thổi bùng cuộc khủng hoảng giữa Moscow - Kiev vốn đã âm ỉ trong những năm qua.
2019 được dự báo là một “năm khủng khiếp” với tình hình chính trị của châu Âu. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang nhen nhóm ở Italy sẽ bùng phát, đe dọa sự ổn định của khu vực. Pháp thì vẫn mắc kẹt trong các cuộc biểu tình.
theo Báo Giao thông
Nhận xét
Đăng nhận xét