Diễn biến chính trị Việt Nam sau Hội nghị 9
BBC
30 tháng 12 2018
30 tháng 12 2018
Có những diễn biến gì đáng quan tâm sau hội nghị Trung ương lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam?
Hội nghị Trung ương 9 diễn ra ngắn gọn, chỉ sau hai ngày làm việc từ 25 đến 26/12. Điều này khác với bài viết của BBC chạy ngày 23/12, dựa theo các nhà quan sát, cho rằng hội nghị diễn ra từ 25 đến 28/12.
Tuy vậy, toàn bộ ba chủ đề họp mà bài báo BBC chuyển tải ngày 23/12 cũng là ba nội dung chính được bàn tại hội nghị 9.
Đó là: Kỷ luật Đảng; Lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị; và bàn công tác nhân sự khóa sau.
Diễn văn bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật ông Tất Thành Cang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM bằng hình thức cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm "rất nghiêm trọng".
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, chưa đầy ba năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 Uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Ông Trọng nhắc lại năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.
Ông Trọng khẳng định "phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới".
Có những dấu hiệu cho thấy rằng việc kỷ luật đảng tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, sẽ còn chưa dừng lại.
Nhắc lại hôm 19/11, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và 2 người khác bị cảnh sát bắt tạm giam do sai phạm quản lý đất đai có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Ngày 8/12, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015, Nguyễn Thành Tài, bị bắt và khởi tố bị can để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000 m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1.
Lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị
Hội nghị 9 đã lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Kết quả như thế nào không được công bố công khai cho công chúng ngoài hội nghị được biết.
Diễn văn bế mạc của ông Nguyễn Phú Trọng nói việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá, ghi nhận của Ban Chấp hành Trung ương đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với từng Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác.
Đây cũng là kênh thông tin "rất quan trọng để giúp Bộ Chính trị trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Các nhà quan sát mà BBC tham khảo sau hội nghị hầu hết cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm không có tác động gì, ít nhất trước mắt, đến chính trường.
Ông Trọng nói: "Mỗi đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hãy coi đây là dịp tốt để nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Ban Chấp hành Trung ương, của toàn Đảng và toàn dân."
Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026
Tờ trình, Báo cáo và các tài liệu có liên quan về nhân sự quy hoạch đã được trình ra cho các ủy viên trung ương đảng xem xét.
Các ủy viên trung ương đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng giải thích rõ danh sách quy hoạch trình ra tại hội nghị 9 chỉ liên quan cấp trung ương đảng, chưa bàn nhân sự cao hơn.
Ông nói: "Trung ương đồng tình cao việc Bộ Chính trị trình Trung ương tại Hội nghị này chỉ cho ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt."
Sau hội nghị 9, sẽ lại có quá trình rà soát, thẩm định trước khi trình tiếp cho Bộ Chính trị xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch.
Ông Trọng nói với những người được đưa vào quy hoạch, nếu bị phát hiện sai phạm, thì phải "kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch".
Ông cũng nói các cơ quan có thể phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Tổ chức đại hội đảng bộ các cấp
2019 là năm thứ tư, chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm, và khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021.
Sang năm 2019, các nơi dự kiến chuẩn bị để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Hôm 29/12, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc với sự chủ trì của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Thưởng được dẫn lời nói Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng Đề án tăng cường thông tin tích cực, đấu tranh ngăn chặn xử lý thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị.
Ông Thưởng yêu cầu ngành tuyên giáo phối hợp tốt với các cơ quan liên quan tham mưu các nội dung chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực.
Trong bối cảnh này, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, khi phát biểu tại hội nghị tuyên giáo nói trên, khẳng định phải đặc biệt quan tâm, tăng cường quản lý mạng xã hội.
Ông Vượng được dẫn lời: "Đây thực sự không phải là ảo nữa mà là đời sống thực tế, tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng."
Tác động của kinh tế
Chính phủ Việt Nam đã loan báo năm 2018 có tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo.
Trang chinhphu.vn khẳng định đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2008, sau khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trang chính thức của chính phủ nói: "Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3,54% - đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, nợ công giảm so với năm 2017..."
Chính phủ Việt Nam cũng cho hay kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm ước đạt trên 482,23 tỷ USD.
Lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức xuất siêu 7,2 tỷ USD.
Liệu kinh tế Việt Nam năm 2019 có tác động thế nào đến tâm trạng đảng viên cũng sẽ là diễn tiến được quan tâm.
Nhận xét
Đăng nhận xét