Làm thế nào để mua đứt một quốc gia? (Bài cuối)
29-12-2018
Một quốc gia không bao giờ có thể hùng mạnh bằng “nền kinh tế” bán đất cho nước ngoài và không thể tự chủ độc lập nếu cắm đầu vay nợ nước ngoài để xây dựng một sự giàu có giả tạo. Một lãnh đạo chẳng thể nào gọi là “tài tình” nếu lãnh đạo đó gây nợ và để lại một di sản nợ khổng lồ cho nhiều thế hệ sau…
CÂU CHUYỆN CAMPUCHIA – BÀI CUỐI: NỢ NÀY AI TRẢ?
Tháng 7-2016, để mua chuộc ủng hộ Campuchia trong hồ sơ biển Đông, Bắc Kinh đã “nhá” cho Phnom Penh một “phong bì” 600 triệu USD. Để tăng uy lực kim tiền, vài ngày sau, Bắc Kinh cho biết họ sẽ xây một “nhà hội nghị” cho Quốc hội Campuchia với chi phí 16 triệu USD. Mức độ hiện diện Trung Quốc ngày càng dày đặc. Một công ty Trung Quốc với hỗ trợ của quân đội nước họ đang gần hoàn thành một cảng nước sâu trên dải đất 90 km duyên hải Campuchia. Cảng này, đủ sâu để đón khu trục hạm và tàu chiến 10.000 tấn, nằm tại Vịnh Thái Lan, cách các quần đảo tranh chấp tại biển Đông chỉ vài trăm kilomet. Tianjin Union Development Group (UDG), công ty xây dự án cảng nước sâu Dara Sakor nói trên, cũng là nơi đầu tư vào 360 km2 tại tỉnh Koh Kong trong 99 năm. Trong một buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa UDG với Campuchia, đích thân Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) – lúc đó là ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc – đã chủ trì, theo điều tra của tờ Financial Times.
Giữa tháng 1-2018, nhân kỷ niệm 60 năm bang giao, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến Phnom Penh, cùng Hun Sen ký loạt 19 thỏa thuận song phương mở đường cho Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào Campuchia. Hai bên đã “vui mừng” điểm lại vài con số “đáng nhớ”. Năm 1997, Trung Quốc chi 2,8 triệu USD giúp Campuchia xây dựng quân đội. Năm 1999, Bắc Kinh cho vay không lãi 200 triệu USD đồng thời hỗ trợ tài chính 18,3 triệu USD cho Hun Sen. Từ 2011-2015, tổng cộng 4,9 tỷ USD đã đổ vào Campuchia mà một trong những dự án lớn nhất là One Park do tập đoàn bất động sản Trung Quốc Graticity Real Estate Development thực hiện.
10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư 2,4 tỷ USD vào mạng lưới điện Campuchia trong đó có việc xây dựng 7 nhà máy thủy điện, nâng nguồn cung cấp điện lực từ 180 MW năm 2002 lên 2.000 MW năm 2016… Ngày 12-5-2018, đích thân Bộ trưởng công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) đến trụ sở Cảnh sát Quốc gia Campuchia giám sát việc chuẩn bị lắp đặt hệ thống camera an ninh sẽ được thực hiện trên toàn quốc, bằng tiền viện trợ lẫn trang thiết bị Trung Quốc. Triệu Khắc Chí rất hài lòng với hệ thống video theo dõi hiện tại, với 1.000 camera, đã lắp khắp Phnom Penh.
Ngày 28-6-2018, tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) tung ra báo cáo 213 trang lên án gay gắt chế độ Hun Sen. Đề tựa “Cambodia’s Dirty Dozen: A Long History of Rights Abuses by Hun Sen’s Generals” (12 kẻ bẩn của Campuchia – một lịch sử dài về vi phạm nhân quyền của các tướng lãnh Hun Sen), báo cáo cho biết những sĩ quan chóp bu của Hun Sen, thông qua mối quan hệ cá nhân và chính trị kéo dài hai thập niên, đã lạm quyền, tham nhũng và tuân theo lệnh Hun Sen thực hiện các chiến dịch trấn áp đối thủ chính trị lẫn người dân. Trong hơn ba thập niên, hàng trăm nhân vật đối lập, nhà báo, thủ lĩnh công đoàn… đã bị giết, bị bắt, bị tra tấn tàn bạo…
Như Hun Sen, nhiều người trong 12 gương mặt được nêu từng là thành viên Khmer Đỏ. Dưới thời Hun Sen, tự do báo chí bị bóp nghẹt. Các đài phát thanh FM phải ngưng phát sóng chương trình của Đài Á Châu Tự do (RFA) và Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Tháng 9-2017, tờ Cambodia Daily buộc phải đóng cửa; rồi tháng 5-2018, tờ Phnom Penh Post phải bán cho một tập đoàn truyền thông Malaysia vốn có quan hệ thân với Hun Sen. Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute – tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington DC) cũng bị buộc đóng cửa văn phòng Phnom Penh. Tổng cộng khoảng 30 đài phát thanh và gần 20 website bị cấm hoạt động. Tháng 11-2017, Tối cao pháp viện Campuchia ra lệnh giải tán đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc (CNRP) với cáo buộc đảng này âm mưu lật đổ chính phủ. Hơn 100 thành viên CNRP bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm. Trước đó hai tháng, thủ lĩnh CNRP Kem Sokha bất ngờ bị bắt và được đưa đến một nhà tù giáp biên giới Việt Nam gọi là “CC3”. Thành lập năm 2012, CNRP là đảng phái duy nhất Campuchia trong nhiều thập niên trở thành thách thức thật sự và do đó Hun Sen phải “dập” từ trứng nước (ngày 9-9-2018, Kem Sokha được tại ngoại “vì lý do sức khỏe”).
Mỹ lẫn EU đang gây sức ép rất mạnh với chính quyền Phnom Penh. Ngày 26-7-2018, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua “Luật Dân chủ Campuchia 2018” với các biện pháp cấm vận nhằm vào cá nhân Hun Sen, thành viên gia đình lẫn viên chức cấp cao của đảng đương quyền CPP (Đảng Nhân dân Campuchia). Luật này cấm công dân Mỹ dính líu các phi vụ chuyển tiền lẫn quan hệ kinh doanh với nhà cầm quyền Campuchia. Trước đó, tháng 5-2018, Tòa bạch ốc đã cắt 8,3 triệu USD viện trợ cho Campuchia đồng thời cấm visa vào Mỹ đối với những viên chức “liên quan việc phá hoại dân chủ ở Campuchia”, trong đó có tướng Hing Bun Hieng – chỉ huy trưởng lực lượng cận vệ Hun Sen.
Ngày 5-10-2018, EU tuyên bố Campuchia có thể mất “quy chế đặc biệt” vào thị trường châu Âu theo thỏa thuận của chương trình EBA (Everything But Arms – Được mua bán mọi thứ trừ vũ khí). EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, trị giá 5,8 tỷ USD vào năm 2017, chủ yếu hàng may mặc và giày dép; trong khi đó, xuất khẩu may mặc chiếm đến 40% GDP Campuchia. Đây là cảnh cáo cho sự trừng phạt tương lai như một phản hồi của EU trước vô số vụ vi phạm nhân quyền dưới chế độ độc tài Hun Sen. Tháng 9-2018, Phó Chủ tịch Hội đồng EU Federica Mogherini đã kêu gọi đảng CPP của Hun Sen đàm phán với CNRP; đồng thời yêu cầu Hun Sen hủy bỏ tất cả cáo buộc lẫn cấm đoán hoạt động chính trị của các thành viên CNRP. Đầu năm 2018, Campuchia đã cử một phái đoàn, dẫn đầu bởi luật sư-cố vấn chính phủ Sok Siphana, đến EU để “giải độc”. Trung Quốc cũng cùng lúc vận động hành lang EU giúp Campuchia. Xem ra tất cả đều thất bại.
Một hàng rào thuế cao hơn của EU đánh vào hàng may mặc sẽ khiến kinh tế Campuchia tan nát mà không “đặc khu kinh tế” nào ở Campuchia xây bởi Trung Quốc có thể cứu được. Cuối năm 2017, Campuchia đã tính đến chuyện thay đổi thị trường, từ châu Âu sang các nước châu Á, đặc biệt Trung Quốc. Tuy nhiên, tính dễ hơn làm. Bản thân thị trường Trung Quốc đang lao đao bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Xuất khẩu Campuchia sang Trung Quốc chỉ đạt 609 triệu USD năm 2016, không bằng ½ giá trị xuất khẩu Campuchia sang Anh. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng mở cửa “nhận hàng” Campuchia nếu thị trường EU đóng cửa. Vốn cũng là nước sống bằng nghề gia công, chẳng lẽ Trung Quốc ôm hàng Campuchia để cho công nhân Trung Quốc thất nghiệp?
Các nước châu Á đang ngày càng thận trọng với kế hoạch “Nhất đới, nhất lộ” của Tập Cận Bình. Gần đây, Nepal đã tuyên bố hủy dự án thủy điện 2,5 tỷ USD với Trung Quốc, khi bày tỏ lo ngại ảnh hưởng Bắc Kinh lên các cuộc bầu cử nước mình. Thái Lan, thoạt đầu giao gói thầu xây tuyến hỏa xa tốc độ cao nối Bangkok đến Chiang Mai dài 700 km cho Trung Quốc, nhưng giờ đã đổi sang nhà thầu Nhật (vừa vốn lẫn kỹ thuật). Tại Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tuyên bố tái xem xét các dự án mà người tiền nhiệm Najib Razak ký với Trung Quốc. Tương tự, tại Sri Lanka, những dự án của Tổng thống tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa ký với Trung Quốc cũng đang được xét lại (đặc biệt việc giao cảng Hambantota cho Trung Quốc với hợp đồng thuê đến 99 năm). Cần nhắc lại, cho đến trước khi bị thất cử năm 2015, Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã bị Trung Quốc mua đứt, khi một phần ngân sách đầu tư cảng Hambantota chảy trực tiếp vào quỹ tranh cử của Rajapaksa.
Phải trả 12,3 tỷ USD cho Trung Quốc trong năm 2018, Sri Lanka đang mắc vào cái bẫy nợ khổng lồ của Trung Quốc. Tân Tổng thống Maithripala Sirisena thoạt đầu tính hủy một số dự án Trung Quốc nhưng vì nợ đầm đìa nên cuối cùng miễn cưỡng thực hiện. Có đến 77% khoản nợ Sri Lanka phải trả vào năm 2019 đều là nợ gây ra bởi chính phủ tiền nhiệm. Chi tiết này cho thấy các khoản vay hào phóng của Trung Quốc đều là những cái bẫy nợ mà nhiều thế hệ sau phải trả đến kiệt lực. Với Campuchia, những khoản nợ mà Hun Sen vay từ Bắc Kinh, như cái giá để chế độ độc tài mình được “bảo kê”, sẽ không chỉ trả bằng tiền của nhiều thế hệ người dân Campuchia sau này.
Hun Sen không thể “sống mãi trong sự nghiệp” Campuchia. Sau khi chết, di sản Hun Sen sẽ là một nấm mồ chôn trên mảnh đất không còn thuộc chủ quyền đất nước này.
Nhận xét
Đăng nhận xét