Cứu Venezuela : Bài toán nát óc của Cuba

RFI
Tú Anh
05/02/2019


Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu với báo chí trước khi bay sang Cuba ngày 20/04/2018.REUTERS/Carlos Garcia Rawlin
Tổng thống cánh tả Venezuela Nicolas Maduro đang trong thế dầu sôi lửa bỏng mà đồng minh ý thức hệ thân thiết nhất trong vùng là Cuba dường như vô kế khả thi. Ngoài tuyên bố của chủ tịch Miguel Diaz-Canel hôm 23/01/2019 trên Tweeter, « ủng hộ » đồng nhiệm Venezuela chống « đế quốc », từ đó đến nay, La Habana giữ thái độ kín đáo. Vì sao ?
Cuba có ngầm trợ giúp tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hay không ? Washington nói có, còn La Habana phủ nhận. Tuy nhiên, Cuba không bao giờ cải chính mối quan hệ sâu xa giữa hai chế độ xã hội chủ nghĩa từ nhiều thập niên qua.
Thứ sáu tuần trước, sau khi Donald Trump tuyên bố công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống của Venezuela, đến lượt phó tổng thống Mike Pence « tố cáo » ảnh hưởng tai hại của Cuba trong cuộc khủng hoảng Venezuela và kêu gọi đã đến lúc « giải phóng Venezuela khỏi bàn tay của Cuba ». Tuyên bố này cùng nhịp điệu với nhận định của ông John Bolton, cố vấn diều hâu của tổng thống Donald Trump, xem Venezuela, Cuba và Nicaragua là « trục bạo chúa » và lên án Cuba « kiểm soát quân đội Venezuela »
Mối giao hảo Cuba-Venezuela đã kéo dài từ năm 1999 cho đến 2013, tức là suốt 14 năm chế độ Hugo Chavez, một « fan » của Fidel Castro. Quan hệ giữa hai nhà cố lãnh đạo này như « cha với con », theo nhận định của Michael Shifter, chủ tịch nhóm nghiên cứu Đối Thoại Liên Châu Mỹ ở Washington. Hai nước, do vậy, trợ giúp nhau rất chặt chẽ.
Theo thỏa thuận, Caracas, với nguồn ngoại tệ và năng lượng dồi dào, cung cấp dầu hỏa giá rẽ và viện trợ kinh tế cho Cuba đang bị Mỹ cấm vận sắp phá sản.
Đổi lại, Venezuela được hàng ngàn bác sĩ Cuba sang trợ giúp về y tế và cố vấn quân sự giúp nâng cao khả năng tác chiến và an ninh quốc phòng. Từ từ, năm lãnh vực nhạy cảm, gồm hồ sơ công chứng, giấy căn cước (chứng minh nhân dân), tình báo, quân đội và cảnh sát của Venezuela bị Cuba kiểm soát. Cựu đại sứ Anh tại Cuba và Venezuela, ông Paul Webster Hare, nay là giáo sư đại học Boston, cho rằng Cuba được lợi nhiều hơn trong mối quan hệ này. Chính tình báo Cuba mỗi ngày « thuyết trình » tình hình cho tổng thống Maduro.
Cuba tận nhân lực để tri thiên mệnh
Theo nhật báo Pháp Le Figaro, một sĩ quan lực lượng đặc biệt Cuba từng hoạt động tại Nicaragua tiết lộ « Cuba có binh lính tại Venezuela, có lực lượng đặc biệt sẵn sàng chiến đấu ». Theo một số sĩ quan cao cấp Cuba, nay tị nạn tại Mỹ, ít nhất có 300 sĩ quan Cuba đóng vai cố vấn trong quân đội Venezuela, không kể con số không rõ là bao nhiêu sĩ quan tình báo, không để cho quân nhân Venezuela đào ngũ. Tổng thống tự xưng đã kêu gọi quân nhân Cuba hãy rời khỏi Venezuela.
Liệu trong cuộc khủng hoảng hiện nay, không phải tổng thống Venezuela mà còn có Cuba quyết định ? La Habana dứt khoát bác bỏ cáo buộc này, nhưng rõ ràng là họ rất lo ngại. Thứ tư tuần trước, lần đầu tiên bộ ngoại giao Cuba triệu tập đại sứ các nước châu Âu để bày tỏ lo ngại : Nếu Maduro rời chính quyền, Cuba sẽ bị thiệt hại rất lớn. Để chuẩn bị cho mọi tình huống, Cuba thăm dò các nước dầu hỏa khác như Nga, Iran và Algerie.
Mất Venezuela, Cuba càng bị cô lập thêm. Nhưng dường như đồng minh Nga đã tính đến giải pháp này. Trong một cuộc trao đổi với nhóm Eurasia, một tổ chức tư vấn về khủng hoảng địa chính trị, một nhà ngoại giao Nga cho biết Matxcơva muốn sang trang Maduro và đang thảo luận với Canada.
Cứu không được, bỏ không xong
Ông Michael Shifter không loại trừ kịch bản : Nicolas Maduro sẽ chiến đấu tới cùng, với sự trợ giúp của Cuba. Nhưng nếu không xong, ông sẽ bay sang Cuba tị nạn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?