Kim Jong Un có "lá bài cực mạnh" để đối phó với Donald Trump?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự định sẽ có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin trong tuần này tại một hội nghị thượng đỉnh mang tính biểu tượng. Ông Trump hy vọng sẽ xây dựng được hình ảnh một người chơi nghiêm túc trên chính trường quốc tế nhưng ông này sẽ khó có thể làm thay đổi chính sách trừng phạt mà các nước đang áp dụng đối với Triều Tiên.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc cách đây 2 tháng mà không có bất kỳ thỏa thuận nào, cuộc gặp của ông Kim với ông Putin được xem là lời nhắc nhở với Washington rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn có những sự lựa chọn khác trong khu vực để ủng hộ vai trò lãnh đạo của ông này.
Tuy nhiên, trong khi Chủ tịch Kim có thể tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn nữa từ hai nước ủng hộ chính cho ông này là Trung Quốc và Nga thì Nga sẽ rất hạn chế trong việc cung cấp sự ủng hộ cho Triều Tiên. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều Tiên sẽ tập trung vào việc thể hiện tình hữu nghị chứ không phải là những khoản đầu tư hay viện trợ mới, giới phân tích nhận định.
"Khi Chủ tịch Kim gặp Tổng thống Putin, ông ấy sẽ đề nghị sự giúp đỡ về kinh tế cũng như đề nghị Nga nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Moscow sẽ không thể đáp ứng mong muốn của ông Kim”, ông Artyom Lukin – một giáo sư đến từ trường Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, đã phân tích như vậy.
Nga vốn có quan hệ khá tốt đẹp với Triều Tiên. Cùng với Trung Quốc, Nga không ít lần lên tiếng và hành động bênh vực Triều Tiên. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, Nga không hài lòng với những hành động thách thức liên tiếp của Triều Tiên và đã ủng hộ các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Về phía Nga, thông qua hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, Nga muốn nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế. Moscow muốn tham gia vào tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên - một tiến trình thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền liên Triều và cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên hồi giữa năm ngoái, chưa bao giờ người ta lại có nhiều hy vọng về một cái kết tốt đẹp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên kéo dài dai dẳng bao thập kỷ qua. Trước đó, bán đảo Triều Tiên đã có nhiều tháng ở trong giai đoạn căng thẳng cao độ, tiến gần sát đến bờ vực của một cuộc chiến tranh bùng nổ khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, khiến các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sôi sục tức giận. Hàng loạt những lời cảnh báo đáng sợ và những động thái quân sự “gây giật mình” đã được tung ra, khiến bán đảo Triều Tiên luôn ở trạng thái sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, hy vọng nói trên đang ngày một mờ nhạt sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên ở Hà Nội kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Mỹ và Triều Tiên được tin là đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thứ ba nhưng khả năng thành công của hội nghị này là thấp khi cả Bình Nhưỡng và Washington đều kiên quyết không nhượng bộ trong lập trường của hai bên. Trong khi Triều Tiên khăng khăng đòi Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này trước khi tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì Mỹ lại khẳng định Triều Tiên cần phải phi hạt nhân hóa trước khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Nhận xét
Đăng nhận xét