Những sợi dây liên kết kinh tế giữa Nga và Triều Tiên
Hơn 10.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại Nga và Bình Nhưỡng muốn Moskva không trục xuất họ như theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Putin dự kiến gặp nhau tại Vladivostok, miền đông nước Nga, có thể vào ngày 24 hoặc 25/4. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi ông Kim Jong-Il gặp ông Dmitry Medvedev 8 năm trước.
Các nhà phân tích nói rằng ông Kim đang tìm cách tăng cường liên kết kinh tế với Moskva khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington bế tắc. Ông cũng muốn có thêm một người bạn để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh - đồng minh và là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
Xuất khẩu lao động là nguồn thu quan trọng của Triều Tiên. Bình Nhưỡng giữ phần lớn tiền lương của lao động làm việc ở nước ngoài.
Nhóm Quan sát Nhân quyền viết trong báo cáo năm 2017 rằng những người này "không được tự do di chuyển và bị hạn chế tiếp cận thông tin từ thế giới bên ngoài. Họ phải làm việc nhiều giờ một ngày và không có quyền từ chối làm thêm giờ". Tuy nhiên, nhiều người Triều Tiên vẫn muốn đi xuất khẩu lao động vì họ có cơ hội kiếm tiền về cho gia đình.
Lao động Triều Tiên làm việc trong lĩnh vực khai thác, dệt may và xây dựng, nhiều người trong số họ ở vùng viễn đông Nga.
Việc này khiến ông Kim và ông Putin có lợi ích chung nếu các lệnh trừng phạt Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên được nới lỏng.
Theo Nghị quyết 2397 được phê duyệt vào tháng 12/2017 của Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên phải cho hồi hương tất cả các công dân Triều Tiên có thu nhập tại nước mình không quá 24 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết.
Nga cho biết số người Triều Tiên có giấy phép lao động hợp lệ tại nước này đã giảm gần 2/3 trong năm 2018, từ hơn 30.000 xuống 11.490.
Tuần trước, các quan chức Bình Nhưỡng đề nghị Moskva tiếp tục tuyển dụng lao động Triều Tiên ngay cả sau thời hạn của Liên Hợp Quốc.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết các công ty có trụ sở ở Nga đang tiếp tục chuyển dầu từ tàu của mình sang tàu của Triều Tiên trên biển - một trong những cách lách lệnh trừng phạt của Bình Nhưỡng.
Nga đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên. Ahn Chan-il, người Triều Tiên đào tẩu hiện là nhà nghiên cứu tại Seoul, nói: "Moskva có thể có các kế hoạch và mục tiêu dài hạn. Điều quan trọng là họ có thể sử dụng lao động giá rẻ và tài nguyên khoáng sản từ Triều Tiên nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ".
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế, lượng hàng Triều Tiên xuất khẩu sang Nga năm ngoái là 1,98 triệu USD, trong đó nhạc cụ chiếm hơn 70%. Triều Tiên nhập lượng hàng trị giá 32,1 triệu USD từ Nga, trong đó khoáng sản nhiên liệu và dầu chiếm 21,6 triệu USD.
Trước khi Liên Hợp Quốc áp đặt trừng phạt với Triều Tiên năm 2017 nhắm vào xuất khẩu khoáng sản, thực phẩm và dệt may, Bình Nhưỡng và Moskva đã theo đuổi một số dự án kinh tế chung, gồm khôi phục và mở rộng tuyến đường sắt dài 54 km giữa cảng Rajin của Triều Tiên và Khasan ở Nga.
Từ lâu Moskva đã muốn xuất khẩu năng lượng bằng cách đưa hàng qua bán đảo Triều Tiên để tới Trung Quốc và các nền kinh tế nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Năm 2011, cha của ông Kim Jong-un, Kim Jong Il, tới Siberia để thảo luận về các dự án đường ống dẫn khí và điện với Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev.
Ông Kim qua đời ba tháng sau chuyến đi. Không có tiến triển đáng kể nào với dự án.
"Nga không vội vàng", nhà phân tích Ahn nói. "Nhưng họ cũng nhận thức rõ rằng nếu tuyến đường sắt liên Triều được xây dựng và kết nối với Nga, nó sẽ giúp các khu vực thưa dân như Siberia phát triển".
Nhận xét
Đăng nhận xét