Cuộc gặp hơn một giờ của Trump - Kim tại biên giới liên Triều


Cuộc gặp Trump - Kim ở DMZ ban đầu được lên kế hoạch là cuộc chào hỏi ngắn nhưng cuối cùng sự kiện kéo dài khoảng 80 phút.



15h46 ngày 30/6, Trump bước qua gờ bê tông đánh dấu ranh giới liên Triều ở Khu Phi quân sự (DMZ), tiến 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên. Người mỉm cười bên cạnh Trump là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

"Thật tốt khi gặp lại ngài", ông Kim nói với ông Trump. "Tôi chưa từng nghĩ sẽ gặp ngài ở nơi này". "Khoảnh khắc lớn, khoảnh khắc lớn", Trump đáp.

Sau khoảng một phút đứng trên lãnh thổ Triều Tiên, Trump và Kim trở lại giới tuyến và đi vào lãnh thổ Hàn Quốc. Cả hai trả lời ngắn báo chí trước khi vào Nhà Tự do để thảo luận riêng. Trump cho biết ông sẽ mời Kim Jong-un tới Nhà Trắng.

"Cuộc gặp này rất quan trọng bởi nó có nghĩa là chúng ta muốn chấm dứt quá khứ không dễ chịu và nỗ lực kiến tạo một tương lai mới. Vì vậy, đây là hành động rất can đảm và quyết đoán", ông Kim nói với các phóng viên.

"Bước qua giới tuyến là một vinh dự lớn", Trump đáp. "Rất nhiều tiến bộ đã được tạo ra và tình bạn đã được vun đắp, đây thực sự là một tình bạn lớn". Trump gọi cuộc gặp giữa ông và ông Kim là "huyền thoại và mang tính lịch sử".

Trump là bậc thầy gây sự chú ý và ông thích thú với sự kiện này. Chưa bao giờ một lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau ở giới tuyến tua tủa dây thép gai, nơi các lực lượng được vũ trang hạng nặng đối mặt nhau suốt 66 năm qua kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt.

Cuộc gặp Trump - Kim ở DMZ ban đầu được lên kế hoạch là một cuộc chào hỏi ngắn, không phải một cuộc đàm phán chính thức nhưng cuối cùng nó kéo dài khoảng 80 phút. Sau cuộc trò chuyện riêng khoảng 50 phút, Trump cho biết ông và ông Kim nhất trí cử giới chức đôi bên nối lại đàm phán hạt nhân trong 2-3 tuần nữa. Phái đoàn Mỹ sẽ tiếp tục do đặc phái viên Stephen Biegun dẫn đầu, chưa rõ phía Triều Tiên cử ai.  

  Trump đã đánh cược rằng cuộc phô trương tình bạn này có thể khai thông bế tắc. Ông tin rằng sức mạnh ngoại giao cá nhân có thể giúp ông đạt được điều các tổng thống tiền nhiệm không làm được. Hơn nửa nhiệm kỳ của Trump đã trôi qua, ông nóng lòng tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân, mong muốn nó sẽ trở thành thành tựu nhiệm kỳ của mình và tạo đà cho chiến dịch tái tranh cử.

Thậm chí trong thời khắc hòa giải biểu tượng, Trump dường như vẫn trách cứ báo chí, lặp lại lời phàn nàn rằng ông không được công nhận xứng đáng cho nỗ lực làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

"Trước cuộc gặp ở Singapore, đã có căng thẳng rất lớn", ông nói, ám chỉ đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên một năm trước. "Căng thẳng rất lớn và có nguy cơ chết chóc. Giờ đây, mọi thứ thật sự bình yên. Một thế giới hoàn toàn khác".

"Điều đó không nhất thiết phải được đưa tin, nhưng họ hiểu rất rõ", ông ám chỉ báo chí. "Rất nhiều tiến bộ đã đạt được".

Ông Kim chấp nhận lời mời bất ngờ của Trump, được đăng trên Twitter chỉ một ngày trước đó. Cả hai bên đã làm việc hết tốc lực trong 24 giờ sau đó để chuẩn bị hậu cần, an ninh cho cuộc gặp. Ông Trump trước đó chỉ lên lịch đến thăm DMZ và coi việc gặp ông Kim là sự kiện có thể phát sinh nhưng ông đã gợi ý về cuộc gặp nhiều ngày trước đó.

Một năm sau cuộc gặp đầu tiên, Triều Tiên đã ngừng các vụ thử hạt nhân, thả các công dân Mỹ bị giam giữ và hồi hương một số hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh. Nhưng Triều Tiên không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân như Trump yêu cầu và vào tháng 5 nước này phóng một loạt tên lửa tầm ngắn, phi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Giới phê bình cho rằng cuộc gặp ở DMZ chỉ là cơ hội thu hút sự chú ý của một tổng thống từng khơi mào căng thẳng với Bình Nhưỡng trong năm đầu tại nhiệm bằng đe dọa trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên nếu an ninh Mỹ bị đe dọa.

"Tôi không rõ Tổng thống Trump đang muốn đạt được điều gì, bởi vì khi tất cả những cuộc gặp này qua đi, sẽ không có sụt giảm nào trong kho vũ khí hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên. Trên thực tế, chúng đã tăng thêm", Joseph Yun, cựu đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên, nói. "Đúng là căng thẳng giảm, nhưng cần nhớ rằng căng thẳng vốn bị gia tăng bởi phát ngôn 'lửa và thịnh nộ' năm 2017".

Tuy nhiên, Sue Mi Terry, cựu cố vấn an ninh quốc gia chuyên về Triều Tiên, cho rằng có thể đạt được tiến bộ nếu Trump sẵn sàn chấp nhận thỏa thuận Triều Tiên phi hạt nhân hóa một phần thay vì hoàn toàn.

"Cuộc gặp này có thể dẫn tới một cuộc gặp quan trọng hơn sau đó, vào cuối năm", Terry nói. "Tôi cho rằng ông Kim có thể đưa ra đề xuất vừa đủ trên bàn đàm phán, như đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon và một cơ sở hạt nhân khả nghi khác để đảm bảo một thỏa thuận tạm thời với Trump, nhằm được nới lỏng trừng phạt".

Ông Kim đã bước qua DMZ hồi tháng 4/2018 để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trở thành lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên bước qua giới tuyến kể từ khi cuộc chiến liên Triều chấm dứt năm 1953. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Bill Clinton từng tới Triều Tiên nhưng các chuyến thăm diễn ra sau khi họ đã rời Nhà Trắng. Các tổng thống như Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush và Obama, đều đã tới DMZ, nhưng chưa bao giờ gặp lãnh đạo Triều Tiên tại đây.

Cuộc gặp Trump - Kim ở Singapore tháng 6/2018 là cuộc gặp đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm với lãnh đạo Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng cuộc gặp đưa ra cam kết mơ hồ về việc chấm dứt kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cuộc gặp thứ hai tại Hà Nội hồi tháng hai không đạt được thỏa thuận.

Giới chức Triều Tiên sau đó đổi giọng, từ chối phúc đáp cả người Mỹ và người Hàn Quốc, trong khi xuất hiện thông tin trái chiều về số phận của những người Triều Tiên tham gia đàm phán. Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được coi là phản ứng giận dữ của ông Kim đối với thất bại đàm phán.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chính quyền Triều Tiên "tái xuất" sân khấu thế giới, ông Kim trao đổi thư với ông Trump và gặp riêng Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Moon, người luôn mong cải thiện quan hệ với Triều Tiên, hết lời tán dương Trump, tuyên bố "bông hoa hòa bình thực sự đang nở" và bản thân ông "vô cùng xúc động" trước tiến triển này.

"Tổng thống Trump là nhà kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", ông Moon nói. Ông cho rằng cuộc gặp Trump - Kim  "mang lại hy vọng cho người Hàn Quốc và Triều Tiên, và sẽ là cột mốc trong lịch sử nhân loại hướng tới hòa bình

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?