Vì sao sinh viên Việt Nam không thể biểu tình như sinh viên Hong Kong?

 23/06/2019
Phố đi bộ Hà Nội, khu vực thường diễn ra nhiều cuộc biểu tình. Ảnh: Kênh 14.
Trong những ngày qua, những hình ảnh từ cuộc biểu tình chống lại Luật dẫn độ tại Hong Kong khiến nhiều người tỏ ra thán phục trước quy mô, kỷ luật và sự văn minh của nó. Một trong những nhân tố giúp các cuộc biểu tình ở Hong Kong những năm qua được tổ chức khá thành công chính là sự tham gia của các hội nhóm học sinh, sinh viên mà tiêu biểu là nhóm Học Dân Tư Triều. Cũng vì vậy, nhiều độc giả Việt Nam đã đặt câu hỏi: sinh viên Việt Nam ở đâu trong các cuộc biểu tình?
Khi nhìn những hình ảnh về các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy những gương mặt trẻ không chiếm số đông trong đoàn người. Những gương mặt thư sinh đeo kính quen thuộc của sinh viên lại ít thấy hơn nữa. Thực tế, nhiều sinh viên đã tham gia một hay một vài cuộc biểu tình, nhưng nhiều sinh viên thì lại chưa hề tham gia lần nào. Dù không hẳn là họ không biết về những diễn biến chính trị khiến các cuộc biểu tình nổ ra.
Các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam như biểu tình phản đối Formosa, Luật đặc khu, Luật An ninh mạng,… hầu hết đều mang tính tự phát và không do một nhóm cụ thể nào kêu gọi. Cũng không có một nhóm hội nào của sinh viên đứng ra kêu gọi hay lãnh đạo những cuộc biểu tình này. Một số sinh viên đã tham gia các cuộc biểu tình kể trên, nhưng thường không phải ai cũng kể câu chuyện của mình.

Sinh viên biểu tình trước phòng họp của HĐQT mới của Đại học Hoa Sen. 
Ảnh: VnExpress
Tuy vậy, câu chuyện sinh viên biểu tình ở Việt Nam không phải là chuyện quá hiếm hoi. Trước năm 1975, đã có nhiều cuộc biểu tình đòi hòa bình của sinh viên miền Nam dưới sự lãnh đạo của các tổng hội sinh viên. Sau đó, trong những năm 1988-1989, đã có những cuộc biểu tình của sinh viên ở Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Cần Thơ. Và gần đây, sinh viên Đại học Hoa Sen đã tổ chức biểu tình trong khuôn viên trường nhằm phản đối Hội đồng quản trị mới và ủng hộ tôn chỉ “không vì lợi nhuận” của trường.
Trên thực tế, có rất nhiều lý do để ngăn một sinh viên Việt Nam tham gia biểu tình. Có những lý do xuất phát từ các quy định pháp luật, nhưng cũng có những lý do gần gũi hơn.
Sinh viên có thể bị đuổi học nếu biểu tình
Theo pháp luật Việt Nam hiện tại, quyền biểu tình của sinh viên không chỉ bị giới hạn bởi các quy định áp dụng chung cho toàn xã hội như Nghị định 38/2005/NĐ-CP hay Thông tư 09/2005/TT-BCA, mà còn bị giới hạn bởi các quy định dành riêng cho sinh viên, học sinh. Có thể kể đến là Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Thông tư 10 kể trên quy định về Quy chế công tác học sinh, sinh viên tại các trường đại học hệ chính quy. Văn bản này giới hạn quyền biểu tình bằng cách đặt ra mức kỷ luật từ khiển trách tới buộc thôi học, giao cho cơ quan chức năng xử lý khi sinh viên biểu tình. Mục 23 của Thông tư 10, khi tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái pháp luật từ lần thứ ba trở lên, sinh viên có thể bị đình chỉ học, buộc thôi học, và có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý. Mục 22 của phần phụ lục nêu trên tỏ ra nặng nề hơn với hành vi lôi kéo, kích động biểu tình, viết truyền đơn, áp phích khi chỉ cần sinh viên làm lần đầu là bị đình chỉ học có thời hạn và bị đuổi học nếu làm lần 2.
Thực tế thì không phải sinh viên nào cũng biết rõ về sự tồn tại của Thông tư 10 và các quy định của nó. Tuy vậy, nhiều sinh viên vẫn biết rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu tham gia biểu tình. Cũng theo khảo sát được dẫn ở phần trên, nhiều sinh viên nghĩ rằng họ sẽ bị kỷ luật, đuổi học, phạt hành chính và thậm chí là ngồi tù nếu tham gia biểu tình.
Cán bộ đoàn, hội, cán sự lớp: cánh tay nối dài của chính quyền
Thông thường, khi có những thông tin kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội xuất hiện, đó cũng là lúc sinh viên được nhắc nhở không tham gia biểu tình. Hội sinh viên, Đoàn thanh niên và các thành viên ban cán sự sẽ làm nhiệm vụ nhắc nhở sinh viên không đi biểu tình bằng các thông báo miệng hoặc thông báo bằng các status trong các group nội bộ trên Facebook của sinh viên.

Trang Facebook của Hội sinh viên ĐH Luật Hà Nội thông báo sinh viên không được phép tham gia biểu tình. Ảnh chụp màn hình
Ở một số trường, cán bộ trong bán cán sự lớp còn được yêu cầu tham gia biểu tình để nhận mặt người tham gia để có hình thức kỷ luật. Bên cạnh đó, có một bộ phận có nhiệm vụ theo dõi tư tưởng sinh viên trên mạng xã hội do Đoàn trường quản lý. Vì vậy, hình ảnh, hay bài đăng nào đó cho thấy có sự tham gia biểu tình của một sinh viên trong trường đều có thể bị theo dõi.
Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng không phải lúc nào cũng đưa ra thông báo chính thức về việc này. Tuy vậy, trong đợt biểu tình chống lại Luật đặc khu và Luật An ninh mạng năm 2018 đã có ít nhất sáu trường đại học, cao đẳng ra thông báo chính thức bằng văn bản trên trang web của mình yêu cầu sinh viên không tham gia biểu tình. Các thông báo của các trường đều có sự chỉ đạo của phía cơ quan công an như thông báo dưới dây của Khoa Tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội.
Gia đình: rào cản gần như không thể vượt qua của sinh viên
Ở Việt Nam, gia đình thường không khuyến khích con cái mình tham gia các hoạt động mang tính chính trị. Sẽ khó có phụ huynh nào chấp nhận được việc con mình phải chấm dứt sự nghiệp học hành vì tham gia biểu tình, đặc biệt là khi họ thường là nhà tài trợ chính cho quá trình học tập của con cái.
Dù vậy, gia đình thường không thể biết được hết các hoạt động mà con mình tham gia khi đang học tập xa nhà ở các trường đại học, cao đẳng trên thành phố. Và nhà trường có một cách để liên lạc tới phụ huynh khi con em của họ gặp vấn đề, bao gồm cả chuyện biểu tình.
Thông thường, vào đầu năm học đầu tiên, sinh viên sẽ phải cung cấp thông tin liên quan tới gia đình, bao gồm cả địa chỉ nhà và đặc biệt là số điện thoại của phụ huynh. Bằng cách này, nhà trường nắm giữ một số lượng lớn các thông tin liên lạc với phụ huynh của sinh viên, qua đó có thể tác động tới quyền của sinh viên bằng cách tác động tới phụ huynh – “nhà tài trợ” chính cho việc học của sinh viên.
Sinh viên cũng phải nhờ cậy đến phụ huynh nếu muốn nhận thông tin hay làm việc với nhà trường. Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một ví dụ khi thông báo điểm trực tiếp về cho phụ huynh dù đó là những thông tin riêng tư của sinh viên – những công dân trên 18 tuổi với đầy đủ quyền; hay vụ việc Đại học Tân Tạo đòi tiền học bổng của các sinh viên chỉ bắt đầu được giải quyết nghiêm túc khi phụ huynh xuất hiện.
Nhà trường và công an phối hợp quản lý sinh viên
Khi có học sinh, sinh viên hoặc giáo viên tham gia biểu tình, các trường học sẽ phải có biện pháp để ngăn cấm họ tham gia, đồng thời phải tuân theo chỉ đạo của cơ quan công an nhằm đảm bảo công tác an ninh chính trị.
Một trong những quy định đặt nền móng cho sự phối hợp giữa nhà trường và cơ quan an ninh trong việc kiểm soát sinh viên tham gia biểu tình là Quyết định 46/2007/QĐ-BGDĐT về quy định về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo quyết định này, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và các trường khác sẽ phải “thực hiện sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan công an ở địa phương trong công tác đảm bảo chính trị, trật tự an toàn xã hội của trường học.”. Đối với các thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục địa phương, họ phải phối hợp với cơ quan công an cùng cấp để đưa ra các hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện vấn đề này.
Quyết định này cũng quy định rằng việc tham gia biểu tình là hành vi không được làm trong trường học, trong phần đề cương hướng dẫn cho các trường học xây dựng quy định riêng cũng quy định các trường phải có giải pháp ngăn cấm giáo viên và người học tham gia các cuộc biểu tình, tự phát lập hội, câu lạc bộ.
Bên cạnh đó, các trường phải làm nhiệm vụ giáo dục và nắm bắt diễn biến tư tưởng của giáo viên, người học để kịp thời can thiệp, cũng như phải báo cáo hàng năm, hàng quý lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên hoặc Bộ GD-ĐT.
Nhìn xuyên suốt các hành động của các trường đại học, cao đẳng khi có một cuộc biểu tình diễn ra, có thể thấy họ đã thực hiện khá đúng với quy trình được đề ra trong Quyết định 46 nêu trên. Bắt đầu từ việc giáo dục về việc không tham gia biểu tình trong tuần sinh hoạt, có các bộ phận theo dõi tư tưởng sinh viên trên internet, đưa ra các thông báo chính thức hoặc phi chính thức nhằm ngăn cấm sinh viên đi biểu tình theo hướng dẫn của phía công an, và cuối cùng là xử lý những sinh viên tham gia biểu tình.
Trường hợp của sinh viên Trương Thị Hà – sinh viên văn bằng 2 – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM cho thấy sự phối hợp của nhà trường với cơ quan công an khi sinh viên của mình bị bắt vì đi biểu tình. Khi cô tham gia cuộc biểu tình chống lại Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng hồi tháng 6 năm 2018, cô đã bị cơ quan công an bắt giữ. Trong tâm thư của mình gửi tới ông Phạm Tấn Hạ, hiệu phó của trường, cô đã mô tả rằng thầy đã đến khi cô bị bắt giữ và ký vào biên bản do phía công an chuẩn bị mặc dù cô đã nhờ thầy giúp gọi luật sư.

Ảnh chụp từ FB nhân vật, nay không còn truy cập được
Có thể thấy, việc tham gia biểu tình của sinh viên sẽ gặp rất nhiều rào cản, từ những hạn chế về quyền dành riêng cho sinh viên, sự khuyên ngăn của cha mẹ, sự ngăn cấm của nhà trường và trên hết là sự phối hợp ngăn chặn giữa nhà trường và cơ quan công an. Việc thiếu vắng không gian cho các hội đoàn độc lập của sinh viên cũng làm giảm đi khả năng sinh viên có thể tham gia và tự mình tổ chức các cuộc biểu tình bài bản như ở Hong Kong.
Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng, sinh viên Việt Nam không hề thờ ơ với tình hình chính trị Việt Nam và thế giới. Các thảo luận về chính trị của giới sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung vẫn diễn ra và ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Từ đó có thể thấy rằng, nếu các rào cản được tháo bớt, chúng ta có thể hoàn toàn hi vọng sinh viên sẽ tham gia tích cực hơn vào đời sống chính trị nước nhà.
Tài liệu tham khảo:
  • Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT – Ban hành Quy chế Công tác sinh viên cho chương trình đào tạo chính quy.
  • Quyết định 46/2007/QĐ-BGĐT – Quy định công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Bạn có biết…
… Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.
Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.
Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?