Thương chiến leo thang, Ngoại trưởng TQ gặp ngay "người bạn lớn" của Bắc Kinh giữa đất Mỹ nhờ giúp đỡ
Trong cuộc gặp này, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, quan hệ Trung-Mỹ đang đứng trước ngã rẽ khi bộ phận người Mỹ coi TQ là đối thủ và tuyên truyền chủ trương tách rời TQ.
Ngoại trưởng Vương Nghị gặp "người bạn lớn" của TQ
Một vòng đàm phán thương mại mới giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới đây. Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 27/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger để trao đổi về mối quan hệ song phương.
Trong cuộc gặp, ông Vương Nghị đã bày tỏ hy vọng cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối và tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh một số tiếng nói ở Mỹ coi Bắc Kinh là đối thủ.
"Quan hệ Trung-Mỹ một lần nữa đứng trước ngã rẽ. Một số tiếng nói ở Mỹ ủng hộ quan điểm Trung Quốc là đối thủ, thậm chí tuyên truyền chủ trương Mỹ tách rời Trung Quốc. Hành động này vô cùng nguy hiểm", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị.
Ông Vương cũng kêu gọi hai bên không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi nhằm xây dựng mối quan hệ song phương dựa trên nền tảng hợp tác, hài hòa, ổn định.
Đáp lại, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger chỉ ra rằng, Mỹ và Trung Quốc không thể tách rời và không thể né tránh đối phương nên hai bên cần tăng cường liên lạc, giải quyết sự khác biệt thông qua các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tránh xung đột.
Cựu quan chức Mỹ cho hay, quan hệ Mỹ-Trung hiện đang ở thời điểm cực kỳ quan trọng và vấn đề cơ bản giữa hai nước không phải là liệu hai bên có thể giải quyết tranh chấp thương mại hay không, mà là làm thế nào để cùng tồn tại trong một môi trường chính trị quốc tế mới.
Ông kỳ vọng rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ tìm ra phương thức đối thoại, từ đó phát hiện ra những thách thức và xử lý chúng.
Theo giới phân tích, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger luôn được Bắc Kinh coi là thượng khách hay người bạn lớn của Trung Quốc vì chính ông là người đã đặt nền tảng cho tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung sau chuyến thăm Bắc Kinh vào năm 1972.
Trong các chuyến thăm Bắc Kinh gần đây nhất, ông thường được đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn tiếp đón nhiệt tình và trao đổi nhiều vấn đề quan trọng trong mối quan hệ song phương.
Chuyên gia cảnh báo "thảm họa" với Mỹ
Bên cạnh đó, ở diễn biến liên quan, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đi tới bước leo thang mới. Cùng ngày 27/9, ba phương tiện truyền thông Mỹ, bao gồm Bloomberg và New York Times dẫn nguồn tin thân cận tiết lộ, Nhà Trắng đang cân nhắc việc hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ và hạn chế đầu tư vào thị trường quốc gia tỷ dân.
Chứng khoán Mỹ trong ngày hôm đó đã chứng kiến sự lao dốc mạnh của các công ty Trung Quốc. Giá cổ phiếu của tập đoàn Alibaba giảm 5,15%, Jingdong và Pinduoduo lần lượt giảm 5,95% và 4,2%.
Trước động thái này, ông Stephen Roach, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale, từng là Chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley châu Á khẳng định: "Nếu Nhà Trắng thông qua kế hoạch này thì đây sẽ là một thảm họa chưa từng thấy".
"Việc mở cửa giữa các thị trường với nhau thực sự quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc có thể trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ này", ông chỉ ra rằng, Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán về các hiệp định đầu tư song phương trong 10 năm với mục đích mở cửa thị trường của Trung Quốc đối với Mỹ và ngược lại.
"Chúng ta đã tiến đến rất gần [hiệp định] nhưng hiện giờ lại bế tắc", ông này nói.
Judith Lee, một luật sư về thương mại quốc tế tại Gibson Dunn, chỉ ra rằng động thái này lần này của Washington sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn và tác động tiêu cực rất lớn đến các doanh nghiệp đầu tư của Mỹ. "Biện pháp này sẽ là chưa từng có và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho thị trường."
Doug Barry, phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia Thương mại Mỹ-Trung, cho biết: "Đây là một sự can thiệp rất đáng lo ngại trên thị trường. Đây không phải là thời điểm tốt vì các cuộc đàm phán thương mại cấp cao dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/10".
Ngoài ra, kết quả báo cáo nghiên cứu mới nhất do Đại học Michigan công bố cùng ngày cho thấy số người tiêu dùng tin rằng chính sách thương mại của Mỹ đang cản trở sự phát triển kinh tế quốc gia đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, trước mọi thông tin trên, người phát ngôn Bộ tài chính Mỹ Monica Crowley ngày 28/9 khẳng định, Nhà Trắng chưa xem xét đưa các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong thời điểm hiện nay.
theo Trí Thức Trẻ
https://soha.vn/thuong-chien-leo-thang-ngoai-truong-tq-gap-ngay-nguoi-ban-lon-cua-bac-kinh-giua-dat-my-nho-giup-do-20190929175810019.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét