Tin khắp nơi – 27/09/2019
Mỹ điều quân và đưa tên lửa Patriot
sang Ả Rập Xê Út
Thùy DươngBộ Quốc Phòng Mỹ ngày 26/09/2019 thông báo Hoa Kỳ sẽ điều 200 binh sĩ và đưa hệ thống tên lửa Patriot sang Ả Rập Xê Út.
Quyết định của Washington có liên quan đến các vụ tấn công mới đây nhắm vào các nhà máy dầu của Ả Rập Xê Út mà Mỹ quy trách nhiệm cho chính quyền Iran.
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Jonathan Hoffman, cho biết việc Mỹ triển khai binh lính và tên lửa tại Ả Rập Xê Út cho phép nước này củng cố khả năng phòng không và chống tên lửa, và chứng tỏ sự hậu thuẫn của Mỹ đối với các đối tác tại Trung Đông để bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực. Ông Hoffman cũng kêu gọi các nước khác đóng góp vào nỗ lực quốc tế để tăng cường khả năng phòng thủ cho Ả Rập Xê Út.
Thông báo của Washington được đưa ra trong bối cảnh đang có những căng thẳng nghiêm trọng trong khu vực, trong khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Iran không muốn gặp nhau bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York trong tuần này.
Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc điều quân và tên lửa đến Ả Rập Xê Út kể từ khi Hoa Kỳ rút quân khỏi nước này hồi năm 2003, sau 12 năm đóng quân tại đây và sau 2 cuộc chiến chống Irak.
AFP nhắc lại là hôm thứ Sáu 20/09/2019, Washington có thông báo sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh. Đây là một quyết định được chính quyền Ả Rập Xê Út hoan nghênh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190927-my-dieu-quan-va-ten-lua-patriot-sang-a-rap-xe-ut
‘Mỹ không chấp nhận
một thỏa thuận bất lợi trước TQ’
Trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gay gắt chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc và tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào bất lợi cho Mỹ.Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc đã nhấn mạnh yêu cầu thay đổi sự lạm dụng thương mại mang tính cấu trúc của Trung Quốc, CNN đưa tin.
Phát biểu trên đã làm cho các xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại càng gia tăng, trong khi vòng đàm phán mà hai nước vừa khởi động lại vào tuần trước còn chưa có kết quả rõ ràng.
Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc đã không giữ đúng những cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 và đang ăn cắp hàng triệu việc làm của người dân Mỹ và người dân các nước khác.
“Trung Quốc không chỉ từ chối thực hiện các cải cách đã cam kết, mà họ còn áp dụng một mô hình kinh tế phụ thuộc vào các rào cản phức tạp cho việc thâm nhập thị trường, cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ, thao túng tiền tệ, bán phá giá hàng hóa, chuyển giao công nghệ bắt buộc và đánh cắp các sản phẩm sở hữu trí tuệ cũng như các bí mật thương mại ở quy mô lớn” – ông Trump nói.
Mặc dù hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại, Tổng thống Trump cũng nói rõ rằng ông muốn thỏa thuận đạt được phải cân bằng lại quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế này.
“Người dân Mỹ cam kết mạnh mẽ sẽ khôi phục lại cân bằng thương mại với Trung Quốc. Hy vọng rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả hai nước” – Tổng thống Trump nói – “Như tôi đã nói ra, tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận bất lợi”.
Gần đây, Tổng thống Trump cũng nhiều lần tuyên bố không quan tâm đến một “thỏa thuận cục bộ” để giảm thiểu căng thẳng với Trung Quốc, mà chỉ chấp nhận một “thỏa thuận toàn diện”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30578-my-khong-chap-nhan-mot-thoa-thuan-bat-loi-truoc-tq.html
Các ủy ban lưỡng viện Quốc hội Mỹ đồng loạt
thông qua dự luật về Hồng Kông,
TQ phản ứng gay gắt
Đại diện chính phủ Trung Quốc ngày 26/9 chỉ trích việc các ủy ban của Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật liên quan tới Đặc khu hành chính Hồng Kông.Dự luật Hồng Kông được các ủy ban Quốc hội Mỹ thông qua
Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019 – bị Bắc Kinh lên án là can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc – đã được thông qua tại các ủy ban đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện Mỹ, mở đường cho quy trình tiếp theo là bỏ phiếu tại lưỡng viện.
Jeff Sagnip – giám đốc chính sách của hạ nghị sĩ Cộng hòa Chris Smith, một người tham gia bảo trợ chương trình pháp lý này – cho biết dự luật được nhất trí thông qua tại ủy ban đối ngoại Hạ viện vào ngày 25/9 (giờ địa phương).
Một phiên bản tương đồng của dự luật – do thượng nghị sĩ Marco Rubio bảo trợ – cũng được thông qua tại Thượng viện không lâu sau đó.
“[Dự luật Hồng Kông] thông qua được ủy ban là một bước tiến lớn,” Sagnip nói, tiết lộ thêm rằng cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện sẽ diễn ra vào khoảng tháng 10.
Dự luật này nhằm điều chỉnh và sửa đổi Đạo luật chính sách Mỹ-Hồng Kông năm 1992, nhằm duy trì hoạt động thương mại và các liên hệ khác của Mỹ với thành phố này sau khi nó được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997.
Nếu được thông qua thành luật, đạo luật mới có thể yêu cầu Mỹ cấm vận những quan chức Trung Quốc bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho việc “làm suy yếu tự do cơ bản tại Hồng Kông”.
Hạ nghị sĩ Chris Smith cho hay, những cố gắng trước đây nhằm thúc đẩy dự luật tương tự đều không vượt qua được ủy ban đối ngoại Hạ viện và vấp phải phản đối từ các nhà ngoại giao, chuyên gia hay Phòng thương mại Mỹ tại Hồng Kông. Tuy nhiên, các diễn biến vừa qua trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã làm thay đổi tình hình.
Ông Smith nói, Quốc hội Mỹ đang gửi đi thông điệp lưỡng đảng rõ ràng đối với tình hình Hồng Kông, đồng thời “nhấn mạnh Bắc Kinh cần thực thi cam kết với thế giới và người dân Hồng Kông khi ký kết Tuyên bố chung Trung-Anh”.
Tuyên bố chung kể trên, được ký năm 1984, bảo đảm Hồng Kông duy trì trạng thái tự trị cao trong giai đoạn 50 năm kể từ cuộc chuyển giao năm 1997.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Sáng nay, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã chỉ trích việc các ủy ban đối ngoại của lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về Hồng Kông là “bất chấp sự thật, thay đổi trắng đen, ngang nhiên chống lưng cho phần tử bạo lực và thế lực cấp tiến tại Hồng Kông, can thiệp thô bạo vào nội chính Trung Quốc”.
“Phía Trung Quốc phẫn nộ mạnh mẽ và kiên quyết phản đối điều này,” ông Cảnh nói.
Đại diện chính phủ Trung Quốc khẳng định, nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”, “người Hồng Kông quản lý Hồng Kông” và phương châm tự trị cao của Hồng Kông đã được thực thi đầy đủ. Ông Cảnh cho rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông – ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ – đã bị biến
tướng, với sự kích động của các thế lực bên ngoài, “vượt ra khỏi phạm trù tụ tập tuần hành thông thường, chà đạp lên giới hạn đạo đức, phá vỡ giới hạn pháp trị, thách thức ‘Một quốc gia, hai chế độ’.”
“Sự vụ của Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép bất kỳ chính phủ, thế lực, tổ chức hay cá nhân nước ngoài nào can thiệp,” ông Cảnh tuyên bố. “Trung Quốc thúc giục mạnh mẽ Quốc hội Mỹ nhận thức rõ tình hình, chấm dứt thảo luận dự luật liên quan đến Hồng Kông, ngưng can thiệp vào công việc của Hồng Kông, nội chính Trung Quốc, nhằm tránh làm gia tăng tổn hại quan hệ Mỹ-Trung.”
Ông Cảnh Sảng cảnh báo, việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nói trên sẽ gây tổn hại lợi ích của cả hai nước, bao gồm hơn 80.000 người Mỹ và hơn 1.300 doanh nghiệp Mỹ cùng số vốn đầu tư lớn của Mỹ tại Hồng Kông.
Vài giờ trước khi các ủy ban của lưỡng viện Mỹ bỏ phiếu dự luật về Hồng Kông, ông Cảnh cũng chỉ trích Mỹ lợi dụng Tuyên bố chung Trung-Anh 1984 như một “cái cớ” để can thiệp vào Hồng Kông.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sự ủng hộ trong giới lập pháp Mỹ đối với dự luật Hồng Kông đã tăng lên đáng kể trong những tuần gần đây. Số người đồng bảo trợ dự luật đã tăng lên 37 hạ nghị sĩ và 22 thượng nghị sĩ, so với số lượng ban đầu là 6 và 7 nghị sĩ khi dự luật được giới thiệu vào tháng 6.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30581-cac-uy-ban-luong-vien-quoc-hoi-my-dong-loat-thong-qua-du-luat-ve-hong-kong-tq-phan-ung-gay-gat.html
Lãnh đạo Cuba Raul Castro và gia đình
bị cấm nhập cảnh vào Mỹ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/9 áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro và gia đình ông vì “liên quan đến những vi phạm nhân quyền thô bạo”, theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.“Là Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba, ông Raul Castro giám sát một hệ thống giam giữ tùy tiện hàng ngàn người Cuba và hiện còn đang giam giữ hơn 100 tù nhân chính trị”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Ông Raul Castro vừa là em trai vừa là “đồng chí” của nhà lãnh đạo quá cố của Cuba, ông Fidel Castro, và được xem là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở đảo quốc này.
Ngoài ông Castro, lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ cũng áp dụng với các con ông là Alejandro Castro Espin, Deborah Castro Espin, Mariela Castro Espin, và Nilsa Castro Espin.
Động thái của Mỹ được giới quan sát đánh giá là “hầu như chỉ có tính biểu tượng”.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-cuba-castro-va-gia-dinh-bi-cam-nhap-canh-vao-my/5101106.html
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ gặp Phó Thủ tướng
Việt Nam, khẳng định lợi ích ở Biển Đông
Hôm 26/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ David Hale gặp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại New York, nói rằng Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông.TTXVN tường thuật rằng ông Hale khẳng định cam kết của Mỹ đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông”, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên trách các vấn đề chính trị nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng David Hale bày tỏ mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, thường xuyên tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương, theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
Đài truyền hình VTV dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ vào năm 2020, đề nghị hai bên phối hợp tăng cường tiếp xúc và đối thoại, nhất là
cấp cao, làm sâu sắc hơn và mở rộng khuôn khổ quan hệ thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng…, tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
XEM THÊM:
Việt Nam nêu vụ Bãi Tư Chính trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc?
Ông Phạm Bình Minh vừa tới New York để tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) từ 26 đến 29/9.
Văn phòng của Người phát ngôn cho Tổng thư ký LHQ cho VOA tiếng Việt biết rằng, theo lịch trình tạm thời, một phó thủ tướng của Việt Nam sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) vào ngày 28/9.
Trước sự kiện này, giới phân tích cho VOA biết rằng Hà Nội nên nêu vụ “đối đầu” với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính để vận động sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn nữa.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-truong-ngoai-giao-my-gap-ptt-vietnam-khang-dinh-loi-ich-o-bien-dong/5101046.html
Khẩu chiến Mỹ-Iran leo thang
Iran có thể thảo luận các vấn đề khác với Mỹ chỉ khi nào thỏa thuận hạt nhân 2015 với 6 cường quốc được thực thi đầy đủ, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, loan báo hôm 26/9 và nói thêm rằng khả năng phi đạn của Tehran là điều không thể thương lượng.“Trước nhất, thỏa thuận phải được thực thi hoàn toàn..nghĩa là chế tài phải được dỡ bỏ và Mỹ nên trở lại thỏa thuận hạt nhân…rồi các vấn đề khác có thể cũng được thảo luận,” ông Rouhani nói.
Tại cuộc họp báo ở New York nhân cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng thống Iran tuyên bố “Chúng tôi muốn Mỹ bỏ điều kiện tiên quyết để nói chuyện với Iran, bao gồm ‘áp lực tối đa’ của Mỹ lên quốc gia Iran, trước khi có thể đối thoại.”
Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang từ năm ngoái khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt chế tài làm tổn hại kinh tế Iran nhằm buộc Tehran phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân.
Iran quyết không tổ chức đàm phán với Mỹ trừ phi Washington dỡ bỏ chế tài lên Tehran.
Hôm 25/9, Tổng thống Trump thực hiện các bước cần thiết để cấm giới chức cao cấp Iran cũng như thân nhân của họ đặt chân tới Mỹ định cư hay không định cư, Tòa Bạch Ốc cho biết.
Tổng thống Rouhani nói “Giới chức Iran không thèm du hành tới Mỹ. Chúng tôi chỉ tới đây để dự các sự kiện của Liên hiệp quốc vốn không nên bị Mỹ cấm.”
https://www.voatiengviet.com/a/kh%E1%BA%A9u-chi%E1%BA%BFn-m%E1%BB%B9-iran-leo-thang/5100310.html
Chính quyền Trump
đặt mức trần tiếp nhận tị nạn thấp kỷ lục
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã cắt đáng kể số người tị nạn được tiếp nhận vào Hoa Kỳ từ 30,000- vốn đã là một mức thấp kỷ lục, xuống chỉ còn 18,000 người trong năm 2020, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao thứ Năm 26/9.Như vậy, chính quyền Tổng thống Trump định mức trần về số người tị nạn được vào Hoa Kỳ định cư ở mức thấp nhất trong lịch sử 40 năm của chương trình tị nạn Mỹ, khi quyết định chỉ tiếp nhận 18,000 người trong tổng số 368,000 đơn xin tị nạn dự kiến sẽ nhận được trong năm tài chánh tới.
Con số vừa kể chỉ là một tỷ lệ nhỏ so với mức trần do Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đặt ra vào năm 2016, là 85,000 người.
Chính quyền Trump nói họ dồn nỗ lực để hỗ trợ người tị nạn tại những nơi họ tập trung, và đơn cử gánh nặng của các cuộc di cư bất hợp pháp đối với các tài nguyên của Mỹ.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao nói sẽ vô trách nhiệm biết bao nếu Mỹ tìm một số lớn người tị nạn ở nước ngoài để cho định cư trong khi ‘đang diễn ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh tại biên giới phía Nam’. Phân nửa số tiền được cam kết để xây bức tường biên giới được trích ra từ các dự án quốc tế đã lên kế hoạch.
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Kevin McAleenan nói mức trần được đề nghị cho năm 2020 sẽ cho phép Bộ giải quyết “cuộc khủng hoảng tị nạn vẫn tiếp diễn tại biên giới phía Nam.”
Năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Trump đã hạ thấp đáng kể mức trần tiếp nhận người tị nạn xuống còn 30,000 người cho năm tài chánh 2019, vốn là mức thấp nhất vào thời điểm đó.
Các tổ chức nhân quyền đã lên án quyết định của chính phủ Trump, nói rằng đó là một quyết định độc ác mà động cơ dựa trên ý thức hệ hơn là một chính sách hành chánh hợp lý.
Một cựu quan chức Bộ ngoại giao có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề tị nạn nói với đài NBC:
“Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho con số thấp kỷ lục đó. Bộ Ngoại giao đã chứng minh là họ có thể tiếp nhận 30,000 người tị nạn trong năm nay, và không có bất cứ yếu tố nào khả dĩ có thể buộc Mỹ phải hạ con số đó xuống thấp hơn.”
Đây là một quyết định độc ác mà động cơ dựa trên ý thức hệ hơn là một chính sách hành chánh hợp lý.
Các tổ chức nhân quyền, bênh vực người tị nạn
Các tổ chức bênh vực người tị nạn nói mức trần mới, phối hợp với kế hoạch dành riêng một số chỗ cho các đương đơn đặc biệt, có nghĩa là hàng ngàn người đã qua thanh lọc an ninh và được chấp thuận cho định cư, sẽ bị chặn lại, không được nhập cư.
Hội Hỗ trợ Tị nạn Do Thái nói trong một tuyên bố rằng ông Trump “hành động vì sợ hãi hơn là chứng minh sức mạnh.”
Ông David Miliband, Chủ tịch Ủy ban Cấp cứu Quốc tế hôm thứ Năm nói “đây là một ngày đau buồn cho nước Mỹ.” Ông nói:
“Cho người tị nạn định cư là cung cấp sợi giây cứu mạng cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất vào một thời điểm khủng hoảng toàn cầu. Từ trước tới nay, chương trình bảo đảm an toàn cho các thành phần bị đàn áp- thể hiện các giá trị của Mỹ trong thực hành- vẫn được sự ủng hộ của lưỡng đảng.”
Ông Miliband khẩn khoản quốc hội thông qua đạo luật GRACE, đặt mức trần tối thiểu là 95,000 người được nộp hồ sơ xin tị nạn.
Bản tin NBC nói quyết định cắt giảm số người tị nạn xuống mức thấp kỷ lục đánh dấu một bước ngoặt với các chính phủ Mỹ tiền nhiệm, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, và là thêm một chiến thắng đối với Stephen Miller, cố vấn cấp cao của ông Trump, cha đẻ của chính sách di trú khắc nghiệt, và chiến dịch giảm thiểu tối đa người tị nạn được nhận vào Mỹ.
Chính quyền Trump vẫn cho rằng người tị nạn đặt ra một mối đe dọa an ninh, nhưng các cựu giới chức tình báo và các chuyên gia nghiên cứu về các cộng đồng tị nạn nói rằng không có chứng cớ để đi tới kết luận đó.
Đài NBC trích các nguồn tin nói rằng hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ chống lại quyết định cắt giảm mức trần tị nạn, và nhất mực đòi dành riêng 6000 chỗ cho những người Iraq đã từng hợp tác với quân đội Mỹ trong tư cách là thông ngôn viên hoặc các công việc khác.
Theo các nguồn tin này, các giới chức quốc phòng đã tìm cách bênh vực lập trường rằng nhận người tị nạn phục vụ các quyền lợi an ninh của nước Mỹ, và là một cách để hậu thuẫn các đồng minh phải đối phó với làn sóng tị nạn chạy trốn xung đột vũ trang, và cổ vũ cho sự ổn định tại các điểm bất ổn trên thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-dat-muc-tran-tiep-nhan-ti-nan-thap-ky-luc/5101241.html
Nghị sĩ Mỹ trình hai dự luật
‘đối đầu hành động hung hăng’ của Trung Quốc
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vừa trình hai dự luật nhằm đối đầu sự bành trướng về sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, cũng như cho phép chính phủ Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để đảm bảo an ninh khu vực trước hành động hung hăng của Bắc Kinh.Hôm 25/9, Thượng Nghị sĩ Mitt Romney và các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã giới thiệu dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (The Indo-Pacific Cooperation Act of 2019), theo đó cho phép Hoa Kỳ hợp tác với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả châu Âu để cùng đưa ra một giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trao đổi với VOA Tiếng Việt qua email hôm 26/9, Văn phòng của Thượng Nghị sĩ Mitt Romney trích lời ông cho biết trong một thông cáo: “Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một chiến lược toàn diện để đối đầu với hành động hung hăng của Trung Quốc khi họ đang mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự”.
Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một chiến lược toàn diện để đối đầu với hành động hung hăng của Trung Quốc khi họ đang mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự.
Thượng Nghị sĩ Mitt Romney
“Để làm tốt nhất điều đó, chúng ta phải liên kết sức mạnh quân sự với các quốc gia khác và phát triển cách tiếp cận thống nhất với các đồng minh để giải quyết mối đe dọa đáng kể của Trung Quốc đối với nền tự do của chúng ta và trên khắp thế giới”, Thượng Nghị sĩ Romney nói thêm.
Trong một thông cáo hôm 25/9, nữ Thượng Nghị sĩ Cortez Masto, đồng bảo trợ Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói: “Các liên minh và các đối tác mạnh mẽ trên khắp thế giới của Hoa Kỳ là một nguồn sức mạnh hợp nhất. Dự luật này sẽ đảm bảo cho chúng ta phối hợp hiệu quả hơn với các quốc gia khác để có cách tiếp cận thống nhất, toàn diện đối với Trung Quốc…”
Trước đó, vào chiều 24/9, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật Chiến lược Đông Nam Á (Southeast Asia Strategy Act) nhằm tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, 25/9, dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.
Nữ Dân biểu Ann Wagner, người giới thiệu Dự luật Chiến lược Đông Nam Á, cho biết trong một thông cáo hôm 18/9: “Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa bao giờ đưa ra một chiến lược toàn diện cho khu vực Đông Nam Á. Dự luật Chiến lược Đông Nam Á sẽ thực hiện điều đó bằng cách thiết lập một chiến lược khu vực sâu sắc, rành mạch, nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh của mối quan hệ quan trọng của chúng ta với Đông Nam Á và ASEAN”.
Quốc hội đang làm việc với Chính phủ để thông báo với đối tác của chúng ta rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ họ khi họ mở rộng thương mại và phát triển, bảo đảm an ninh biên giới, tăng cường nhân quyền và bảo vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Dân biểu Ann Wagner.
“Quốc hội đang làm việc với Chính phủ để thông báo với đối tác của chúng ta rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ họ khi họ mở rộng thương mại và phát triển, bảo đảm an ninh biên giới, tăng cường nhân quyền và bảo vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc”, bà Wagner cho biết.
XEM THÊM:
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ gặp Phó Thủ tướng Việt Nam, khẳng định lợi ích ở Biển Đông
Thông cáo cho biết Dự luật Chiến lược Đông Nam Á sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, có tham vấn với Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cùng thiết lập và truyền đạt một chiến lược toàn diện để tăng cường mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á và khối ASEAN, mà trong đó Việt Nam là một thành viên.
Ba trọng tâm của Dự luật Chiến lược Đông Nam Á bao gồm thứ nhất là xác định các lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ trong khu vực và nỗ lực thúc đẩy ASEAN trở thành một nhà lãnh đạo khu vực; thứ hai, lập danh sách các sáng kiến đang diễn ra và có kế hoạch nhằm tăng cường các mối quan hệ của Hoa Kỳ trong khu vực thông qua thương mại, đầu tư, năng lượng và ngoại giao về chính trị và kinh tế; và thứ ba, đánh giá những nỗ lực liên tục để các quốc gia trong khu vực tăng cường các hoạt động vì nhân quyền và dân chủ.
https://www.voatiengviet.com/a/nghi-si-my-trinh-2-du-luat-doi-dau-su-banh-truong-cua-tq-co-loi-cho-vn/5101183.html
Giám đốc tình báo điều trần về cuộc điện đàm
giữa 2 tổng thống Trump và Ukraine
Tin Washington DC – Joseph Maguire, viên chức tình báo hàng đầu quốc gia đã đối mặt nhiều câu hỏi khó trong buổi điều trần sáng thứ Năm, 26 tháng 9, tại Hạ Viện, liên quan đến cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraine.Quyền giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia, ông Joseph Maguire, đã bênh vực người nhân viên báo cáo sự việc, cho rằng ông này hành động vì an ninh quốc gia. Ông Maguire bảo vệ quyết định của ông
khi từ chối gởi báo cáo này cho Quốc Hội, vì tin rằng Tòa Bạch Ốc có thể sử dụng đặc quyền hành pháp.
Đảng Dân Chủ nói rằng sự việc này là nền tảng cho việc luận tội, vì cuộc điện đàm cho thấy Tổng Thống Trump đang cố thuyết phục một lãnh đạo nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ, bằng cách yêu cầu vị lãnh đạo này điều tra đối thủ chính trị là cựu Phó Tổng Thống Joe Biden.
Giám Đốc tình báo Maguire đã gọi vụ tố cáo là chưa từng có tiền lệ. Vì trước đây, các thư tố cáo của giới tình báo thường chỉ liên quan đến người trong giới hoặc một tổ chức nào đó. Đây là lần đầu tiên một nhân viên tố cáo tổng thống có hành động sai trái.
Ông Maguire đã tỏ ra tức giận khi Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, Dân Biểu Dân Chủ Adam Schiff của California, liên tục gây áp lực buộc ông phải đồng ý rằng sự việc này nên được điều tra. Ông Maguire khẳng định Ủy Ban đã có đủ mọi thông tin cần thiết, bao gồm cả thư tố cáo của người nhân viên ẩn danh và bản ghi chép cuộc điện đàm của tổng thống. Do đó, việc tiếp tục giải quyết sự việc như thế nào đều tùy thuộc vào quyết định của Ủy Ban.
Giám đốc cơ quan tình báo cũng nhắc rằng lá thư tố cáo chủ yếu dựa trên các tin tức mà người nhân viên này nghe được, và không được chứng thực bởi các nhân viên khác. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/giam-doc-tinh-bao-dieu-tran-ve-cuoc-dien-dam-giua-2-tong-thong-trump-va-ukraine/
Vụ Trump-Ukraine: Người tố cáo là viên chức CIA
Người tố cáo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lực Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden bên phe Dân chủ là một viên chức CIA và đã có lúc được giao nhiệm vụ tại Tòa Bạch Ốc, hai nguồn thạo tin nói với Reuters hôm 26/9.New York Times là tờ báo đầu tiên loan tin người tố cáo này là nhân viên CIA. Sau đó, Reuters tiến hành kiểm chứng độc lập.
Mark Zaid, một luật sư ở Washington đại diện cho người tố cáo, từ chối xác nhận danh tính cũng như nghề nghiệp của thân chủ để bảo đảm an toàn cho thân chủ.
Một phát ngôn nhân của CIA đề nghị Reuters phối kiểm với văn phòng Tổng thanh tra Tình báo, nhưng văn phòng này chưa đáp yêu cầu bình luận của Reuters.
(Theo New York Times, Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-trump-ukraine-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-l%C3%A0-vi%C3%AAn-ch%E1%BB%A9c-cia-/5100320.html
Nhà Trắng bị tố xóa dấu vết
cuộc điện đàm Trump – Zelensky
Thu HằngTổng thống Donald Trump đã nhờ Ukraina « can thiệp » vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Volodymyr Zelensky. Sau đó, Nhà Trắng đã tìm cách để cuộc điện đàm trên được giữ bí mật.
Theo báo chí Mỹ, thông tin này được nêu rõ trong bức thư báo động từ một người làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), gửi đến Hạ Viện và được công bố ngày 26/09/2019.
Tại sao Nhà Trắng tìm cách xóa dấu vết cuộc điện đàm trên giữa hai tổng thống Mỹ và Ukraina ? Từ San Francisco, thông tín viên RFI Eric de Salve giải thích :
« Đó là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump nhanh chóng hiểu ngay mức độ nghiêm trọng của cuộc trao đổi này, theo nội dung bức thư của người tiết lộ thông tin. Trong bức thư dài 9 trang, người này cho biết nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã ra lệnh rằng nội dung, từng từ một, của cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và đồng nhiệm Zelensky phải được xóa hết khỏi máy tính và phải được xếp vào hồ sơ mật.
Bà Nancy Pelosi bình luận : « Nhà Trắng đã cố tìm cách bóp nghẹt sự việc ». Người đứng đầu đảng Dân Chủ ở Hạ Viện đã tiến hành thủ tục phế truất tổng thống sau khi có thông tin ông Donald Trump từng yêu cầu tổng thống Ukraina điều tra về đối thủ Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ.
Trong thư, người tiết lộ thông tin cho biết « rất bối rối », « vô cùng băn khoăn » vì yêu cầu của tổng thống Mỹ. Người này viết tiếp là tổng thống Hoa Kỳ sử dụng chức vụ của mình để yêu cầu nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2020 và như vậy gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Lời cảnh báo này từng bị cấp trên của người tiết lộ ngăn chặn. Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia đã bị Hạ Viện chất vấn sau khi bị cáo buộc ngăn cản việc công bố lời báo động. Việc nội dung bức thư được tiết lộ đang đẩy ông Donald Trump vào loạt khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190927-nha-trang-to-cao-xoa-ten-tt-trump-dien-dam-zelensky
Facebook thử nghiệm ẩn số lượt ‘Like’ tại Úc
Một số người dùng Facebook tại Úc sẽ không thể nhìn thấy số lượt ‘Like’ (thích) trên bài đăng của người khác do một thử nghiệm sẽ được Facebook tiến hành tại nước này.Mạng xã hội của VN có đang đi sai hướng?
Facebook ở Việt Nam: Cần thay đổi thái độ với người dùng?
Facebook thắt chặt truy cập nhiều nội dung ở Việt Nam
Theo đó, từ ngày 27/9, tuy nút ‘Like’ vẫn còn, nhưng một số người dùng Facebook tại Úc sẽ không thể nhìn thấy số lượt ‘Like’ (thích) và số ‘reactiosn’ (phản ứng) – trên bài đăng trên Facebook của người khác.
Tuy nhiên, họ vẫn có thể nhìn thấy số lượt ‘Like” trên bài đăng của chính họ.
Facebook cho biết, việc họ loại số con bỏ lượt ‘Like’ nhằm giảm áp lực xã hội giữa những người dùng với nhau.
“[Đó là chuyện] loại bỏ con số để mọi người có thể tập trung vào chất lượng tương tác và chất lượng nội dung, thay vì chỉ ngồi đếm số lượt ‘Like’ hoặc ‘reactions,” người phát ngôn của Facebook, bà Mia Garlick nói với AAP.
Bà Garlick cho biết thêm, Facebook đã tham khảo ý kiến các chuyên gia sức khỏe tâm thần và các nhóm chống bắt nạt trực tuyến trước khi quyết định sự thay đổi này.
Sự thay đổi được các chuyên gia công nghệ dự báo từ trước.
Đầu tháng này, một kỹ sư ở Hồng Kông đã viết trong một blog rằng, bà phát hiện ra một mã mô phỏng trong ứng dụng Android của Facebook, cho thấy facebook có thể đang thử nghiệm cài đặt việc loại bỏ lượt ‘Like.’
Khi đó, Facebook từ chối bình luận về chuyện này.
Việc ẩn số lượt ‘Like’ vốn đã được Instagram thử nghiệm ở một số quốc gia, kể từ tháng Bảy năm nay.
Tuy nhiên, kể từ đó, Instagram đã không công bố bất kỳ dữ liệu nào trong quá trình thử nghiệm tại bảy quốc gia gồm Úc, New Zealand, Brazil, Canada, Nhật Bản, Ý và Ireland.
Thay đổi này đã gây ra phản ứng dữ dội từ một số người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông xã hội. Họ nói rằng, hiển thị lượt ‘Like’ là một thước đo kinh doanh quan trọng đối với họ.
Facebook và Instagram không cho biết, liệu các thử nghiệm này rồi có được mở rộng ra, hay có khả năng áp dụng chính thức hay không.
Thay đổi nói trên được đưa ra khi phương tiện truyền thông xã hội này đối mặt với những chỉ trích cho rằng, các nền tảng của họ đang gây ra một nỗi ám ảnh không lành mạnh trong những người dùng, bởi số lượt ‘like’ và điều này gia tăng sự bất an trong xã hội.
Một số nghiên cứu đã cảnh báo rằng, áp lực liên quan đến việc được ‘Like’ trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dùng, nhất là những người trẻ. Quá lo lắng về những bài đăng không đủ lượt ‘Like’ có thể khiến học trở thành nạn nhân của trầm cảm hoặc lo lắng.
Tại Úc, hiện có khoảng 16 triệu người dùng Facebook.
Nút ‘Like’ra đời trên Facebook 10 năm trước, tức vào tháng 2/2009, trong khi phản ứng (reactions) như “buồn” and “giận dữ” mới được bổ sung vào năm 2016.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49848555
Netflix mất khách vì thiếu nội dung hấp dẫn ?
Tuấn ThảoNetflix là dịch vụ xem video trực tuyến của Hoa Kỳ hiện đã có mặt tại 130 nước trên thế giới. Hồi tháng 06/2019, Netflix đã lập kỷ lục về số lượng người đăng ký. Nhưng đến tháng 9, lần đầu tiên mạng xem video trực tuyến này lại đột ngột mất khoảng 130.000 khách hàng tại Mỹ, trong khi doanh thu quốc tế vẫn không tăng.
Theo tuần báo Pháp Capital, có nhiều lý do giải thích cho sự sụt giảm bất ngờ này. Một mặt, Netflix mất quyền khai thác các bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng như ‘‘The Office’’ hay là ‘‘Friends’’ được xem là những nội dung hấp dẫn trong catalogue, có nhiều khả năng câu khách, nhất là đối với những khán giả thích xem các loại sitcom.
Mặt khác, Netflix đã quyết định hủy bỏ việc thực hiện nhiều nội dung gốc : đó thường là những bộ phim lẻ hay là các mini-serie khoảng chừng 6 tập phim. Điều đó đã khiến cho nhiều khách hàng không hài lòng. Họ sẵn sàng rời bỏ Netfflix, rồi chuyển qua đăng ký các dịch vụ tương tự nơi các công ty khác.
Còn theo tuần báo Pháp Stratégies, trên lãnh vực xem video trực tuyến, Netflix càng lúc càng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Trong thời gian qua, công ty truyền thông Time Warrner đã bị sáp nhập vào tập đoàn AT&T, tập đoàn Comcast thâu tóm hệ thống Sky, Disney ‘‘nuốt chửng’’ hãng phim 21st Century Fox và nhờ vậy Disney nắm giữ quyền kinh doanh nhiều ‘‘thương hiệu’’ điện ảnh hái ra bạc tỷ như Avatar, Alien hay là Blade (ngoại trừ Spider-Man vẫn là của Sony). Gần đây hơn nữa, hồi trung tuần tháng 8/2019, hai tập đoàn Viacom và CBS sáp nhập thành một, với doanh thu hàng năm lên tới 28 tỷ đô la, tập đoàn ViacomCBS cũng chuẩn bị lao vào khai thác dịch vụ xem video trực tuyến.
Cũng cần biết rằng, trong vòng một thập niên, Netflix gần như là công ty duy nhất khai thác dịch vụ cho thuê DVD và xem video trực tuyến. Công ty do ông Reed Hastings thành lập đã có sáng kiến cho thuê các chương trình truyền hình và phim ảnh do các công ty khác sản xuất. Đầu những năm 2010, Netflix đã ký thỏa thuận với các tập đoàn truyền thông và giải trí như Disney và NBC. Chỉ với một khoản chi phí nhỏ, Netflix đã mua lại quyền phát sóng trực tuyến những bộ phim blockbuster như Biệt đội Siêu anh hùng ‘‘Avengers’’ của Marvel (thuộc Disney) cũng như các serie truyền hình như ‘‘The Office’’ và ‘‘Friends’’. Nhờ vậy, Netflix đã thu hút được khoảng 130 triệu người đăng ký, tức là cao hơn nhiều so với các công ty truyền hình cáp.
Trước thành công vượt bực của Netflix, các đối thủ khổng lồ từng bước giành lại thế chủ động. Một số công ty đã ngưng hợp tác với Netflix, để nắm lại quyền kiểm soát các nội dung. Đồng thời, các công ty này tự thành lập các dịch vụ xem phim hay tải phim trực tuyến và như vậy cạnh tranh trực tiếp với Netflix. Về điểm này, Disney+ có lẽ là đối thủ đáng gờm nhất. Ngoài một catalogue khổng lồ với hàng chục ngàn tựa phim, dịch vụ Disney+ còn bao gồm hai thương hiệu cực kỳ ăn khách là Star Wars và Avengers. Chỉ riêng trong năm 2019, Biệt đội Siêu anh hùng đã đem về cho Disney hơn 7,5 tỷ đô la.
Trong giai đoạn phát triển thứ tư (Phase IV), tập đoàn Disney đã công bố các dự án quay nhiều serie ngắn dựa trên các siêu anh hùng của Marvel trong đó có Loki, em trai của Thần Sấm Thor, cũng như các cặp bài trùng Scarlet Witch/Vision hay là Falcon/Winter Soldier ….. Dịch vụ Prime của tập đoàn Amazon cũng bắt đầu khai thác dòng phim super-hero với ‘‘The Boys’’ nói về những mặt trái hay ‘‘góc khuất’’ của các siêu anh hùng, khi trong cùng một nhân vật, ranh giới chính tà không còn được phân biệt.
Với nội dung phong phú như vậy, dịch vụ xem video trực tuyến Disney+ sắp được tung ra thị trường vào đầu tháng 11/2019 với giá thuê bao 6,99 USD/tháng, tức chỉ bằng khoảng một nửa giá thuê bao phổ biến nhất hiện thời của Netflix, công ty này đã tiếp tục tăng giá thuê bao hạng trung (standard) để lên tới mức 12,99 USD/tháng, còn giá thượng hạng (premium) là 15,99 USD/tháng.
Hầu hết những bộ phim do Disney nắm giữ bản quyền sẽ bị xóa khỏi Netflix từ đây cho đến cuối năm 2019. Nói cách khác, Netflix đang mất dần quyền khai thác những tựa phim được cho là hấp dẫn nhất. Theo The Wall Street Journal, trong ba năm tới, nếu không có biện pháp đối phó hữu hiệu, thư viện Netflix có nguy cơ trở thành một ‘‘tủ sách’’ trống rỗng.
Về phần mình, tập đoàn AT&T đã mua lại Time-WarnerMedia để chuẩn bị cuộc tổng phản công vào đầu năm 2020. Hiện giờ, AT&T nắm giữ toàn bộ nội dung của kênh truyền hình HBO, đặc biệt hấp dẫn đối với khách hàng thích xem các serie cực kỳ nổi tiếng như The Sopranos, Sex in the City và nhất là Game of Thrones (Trò chơi vương quyền).
Ý thức được điều đó, Netflix đã công bố tăng chi phí đầu tư vào việc tạo dựng các bộ phim chính gốc, các nội dung nguyên tác, với mức vốn đầu tư lên tới 15 tỷ đô la trong năm 2019, thay vì 12 tỷ đô la trong năm 2018. Liệu biện pháp này có đủ mạnh để hạn chế sự sụt giảm số lượng khách hàng trong
tương lai. Hiện vẫn còn quá sớm để dự báo kết quả. Điều chắc chắn là thời kỳ vàng son của Netfflix đã qua, khi công ty này hầu như ‘‘một mình một chợ’’ khai thác phim video trực tuyến.
http://vi.rfi.fr/xa-hoi/20190926-netflix-mat-khach-vi-thieu-noi-dung-hap-dan-pour-vendredi-27092019
Mỹ kết án cựu nhân viên tình báo làm gián điệp TQ
Một cựu nhân viên DIA bị kết án vì tội hoạt động gián điệp cho Trung Quốc với mức án 10 năm tù tại một nhà tù liên bang.Hãng tin Reuters ngày 24-9 đưa tin, một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ (DIA) vừa bị kết án 10 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Người này bị cáo buộc phản bội đất nước vì lợi ích kinh tế và sẽ bị giam giữ trong một nhà tù liên bang, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố.
Hồi tháng 3, Ron Rockwell Hansen, 60 tuổi thừa nhận đã cố gắng chuyển các thông tin quốc gia mật về hoạt động quốc phòng quốc gia của Mỹ cho Trung Quốc để bù lại, nhận được hàng ngàn USD để hoạt động như một cơ sở gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh.
Tháng 6-2018, Cục Tình báo Trung ương Mỹ FBI đã bắt giữ Hansen khi ông này đang chuẩn bị lên một chuyến bay đến Trung Quốc từ sân bay quốc tế Seattle-Tacoma, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thêm.
Trong lời nhận tội của mình, Hansen cho biết ông có được các thông tin bí mật an ninh quốc gia từ một người quen biết trong DIA làm nhiệm vụ kết nối mạng lưới các cơ sở tình báo. Ông đã thu thập các thông tin mật có thể có giá trị đối với Trung Quốc và bán các thông tin đó cho Bắc Kinh.
Các tài liệu mật mà Hansen nhận được liên quan đến khả năng sản sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Ông thừa nhận đã hướng dẫn nhân viên DIA này cách sao lưu và truyền các tài liệu đó mà không bị phát hiện, cách che giấu và thay đổi nguồn gốc thu nhập từ các thông tin đó.
Hansen đã không hề biết nhân viên DIA mà ông liên hệ đã trình báo với cơ quan tình báo về hành động của ông, và đã trở thành người cung cấp trong tin cho FBI trong quá trình điều tra vụ án.
Hansen, một người thông thạo cả tiếng Quan Thoại và tiếng Nga, được DIA thuê làm một nhân viên kết nối mạng lưới cơ sở tình báo dân sự từ năm 2006, sau khi cựu Chuẩn úy quân đội này nghỉ hưu, hồ sơ vụ án cho biết.
Hansen thừa nhận, ông đã trở thành một cơ sở tình báo cho Trung Quốc từ năm 2014.
Ông đã trở thành cựu nhân viên tình báo thứ ba của Mỹ bị kết án trong vòng vài tháng qua với tội danh hoạt động gián điệp cho Trung Quốc.
Trước đó, Kenvin Patrick Mallory, từng làm cơ sở thông tin cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA, đã bị kết án 20 năm tù vì chuyển các bí mật quân sự của Mỹ cho Trung Quốc. Người còn lại là cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee , người bị kết tội hoạt động gián điệp cho Trung Quốc và đang chờ tuyên án.
“Những vụ án này cho thấy sự phạm vi của các hoạt động tình báo của chính phủ Trung Quốc và mối đe dọa từ những hoạt động này đối với an ninh quốc gia của chúng ta”, Thư ký Tổng chưởng lý John Demurs phát biểu.
http://biendong.net/diem-tin/30577-my-ket-an-cuu-nhan-vien-tinh-bao-lam-gian-diep-tq.html
Báo cáo: Việt Nam trả đũa,
uy hiếp các nhà hoạt động hợp tác với LHQ
Việt Nam là một trong những nước bị Liên Hiệp Quốc nêu tên vì nghi ngờ có hành động trả đũa và uy hiếp các nhà hoạt động hợp tác với cơ quan thế giới này về các vấn đề nhân quyền.Các vụ việc được nêu trong một báo cáo hàng năm của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trình bày trước Hội đồng Nhân quyền ở Geneva vào thứ Năm tuần trước. Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc này trong cuộc tranh luận kéo dài hai giờ tại Hội đồng, Reuters đưa tin.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã ghi nhận những vụ việc bị nghi là trả đũa nhắm vào các nạn nhân, những thành viên của xã hội dân sự và các nhà hoạt động, xảy ra ở “ngày càng nhiều quốc gia nữa, cho thấy một sự gia tăng khắp toàn cầu.”
“Đã liên tục có những báo cáo về các hành vi tàn ác nghiêm trọng nhắm vào những người dám đến Liên Hiệp Quốc hoặc chia sẻ thông tin với chúng tôi – giam giữ cấm tiếp xúc với bên ngoài, tra tấn và ngược đãi, biệt giam kéo dài, và thậm chí tử vong trong khi bị giam giữ,” Andrew Gilmour, Trợ lí
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Nhân quyền, phát biểu trước diễn đàn ở Geneva khi trình bày báo cáo.
Người nhà, người đại diện pháp lí, và nhân chứng của họ cũng bị nhắm mục tiêu, ông nói.
Sự uy hiếp đang xảy ra “ngay trước mắt chúng ta, với việc các nhà hoạt động bị ghi hình hoặc ghi âm bí mật tại các sự kiện của Liên Hiệp Quốc,” ông Gilmour nói. “Thường có những báo cáo về việc trả đũa nhắm vào một số cá nhân khi họ trở về nhà.”
Báo cáo nêu ra một số trường hợp cụ thể từ Việt Nam như vụ của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, được nói là đã bị công an thẩm vấn và tịch thu hộ chiếu khi bà trở về Việt Nam sau khi tham gia phiên kiểm điểm định kì phổ quát tại Geneva vào tháng 1, nơi bà tới để vận động trả tự do cho chồng là ông Trương Minh Đức, người đang chịu án tù 12 năm.
Vào tháng 3, bà Bùi Thị Kim Phượng bị cấm xuất cảnh khi định đến Geneva để vận động sự quan tâm của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc cho trường hợp của chồng bà, ông Nguyễn Bắc Truyển, một người tranh đấu cho nhân quyền đã phải đối mặt với sự trả đũa của nhà chức trách Việt Nam sau chuyến thăm năm 2014 của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Ủy ban Nhân quyền bày tỏ lo ngại về những vụ trả đũa này vào tháng 3, theo bản báo cáo.
Phúc trình nói chính phủ Việt Nam đáp lại các cáo buộc hồi tháng 6, nói rằng không có chuyện “đe dọa” hoặc “ngăn chặn quyền đi lại” của bà Thanh và bà Phượng và tuyên bố rằng việc tổng hợp và soạn thảo các báo cáo liên quan đến phiên kiểm điểm định kì phổ quát và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) được Hà Nội thực hiện một cách “cởi mở, minh bạch và bao quát.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của tổ chức vận động nhân quyền Ủy ban Cứu người Vượt Biển (BPSOS) ở Mỹ, nói tổ chức của ông đã phối hợp cung cấp thông tin cho bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc và rằng Việt Nam đã không thành thật hoặc tìm cách biện minh cho những vụ việc mà ông nói là có chứng cứ cụ thể.
“Việt Nam rất ngần ngại khi bị nêu đích danh bởi Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc ngay tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, một sự kiện rất là quan trọng,” ông nói với VOA. “Do đó họ đã dựng chuyện lên để thoái thác để mà chạy tội.”
“Mặt khác nó cũng cho thấy Việt Nam đinh ninh là quốc tế không biết gì cả nên muốn nói sao thì nói. Nhưng mà năm nay có khá nhiều chứng cứ. Tất cả những báo cáo mà mình nộp cho Liên Hiệp Quốc đều có chứng cứ cả: giấy mời, biên bản cấm xuất cảnh, vân vân.”
Ông Thắng cho VOA xem một biên bản “về việc chưa được xuất cảnh” của bà Bùi Thị Kim Phượng lập vào ngày 7 tháng 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ghi rằng bà không được phép rời Việt Nam vì “lý do an ninh.” Biên bản không nêu cụ thể lý do an ninh đó là gì mà chỉ yêu cầu bà Phượng liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh để giải quyết.
Ông Thắng cho biết ông dự định làm một “phép thử” với trường hợp của bà Phượng bằng cách thu xếp những chuyến đi cho bà đến Mỹ hoặc Châu Âu tiếp tục vận động cho trường hợp của chồng bà để xem Việt Nam có cấm cản hay không.
“Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách thành viên không thường trực bắt đầu từ sang năm,” giám đốc điều hành của BPSOS nói. “Trong vai trò đó, Việt Nam càng phải làm gương chứng tỏ rằng mình tuân thủ tất cả các quy định, nghị quyết và cam kết với Liên Hiệp Quốc,” Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như thống kê của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho thấy Việt Nam trong những năm gần đây tăng cường trấn áp những người có quan điểm bất đồng chính kiến, tống giam những người chỉ trích đảng Cộng sản và chính phủ dưới cáo buộc “chống phá nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Hà Nội lâu nay nói họ không trấn áp những ai bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người mà họ gọi là “vi phạm pháp luật.”
https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-viet-nam-tra-dua-uy-hiep-cac-nha-hoat-dong-hop-tac-voi-lien-hiep-quoc/5100332.html
Brexit: EU tính gia hạn cho Anh tới ‘hết quý I năm 2020′
Các quan chức EU đang tính cả khả năng gia hạn Brexit lần nữa cho Anh, thậm chí tới hết tháng 3/2020.Theo Reuters hôm 25/09 đưa tin từ Nghị viện châu Âu, một nguồn tin gần với lãnh đạo EU cho rằng, để tốt cho EU, “gia hạn Brexit thêm sáu tháng tới cuối tháng 3/2020″ là một khả năng đang được nghĩ tới.
Nghị sỹ Lee bỏ đảng làm chính phủ Anh mất đa số
Johnson sau một đêm ‘thất bát’ trong Quốc hội Anh
Ứng viên Chủ tịch Uỷ ban châu Âu sẵn sàng gia hạn Brexit
Cựu giám đốc tình báo Anh quan ngại về Brexit
Tất nhiên, đây không phải là quan điểm công khai của EU, vì chính thức mà nói, hạn chót cho Brexit đang là 31/10/2019.
Chính thức thì điều phối viên cao cấp của Nghị viện EU về Brexit, ông Guy Verhofstadt chỉ nói với Nghị viện EU rằng: “
“Hiện có sự đồng thuận rằng, OK nhé, gia hạn cho Brexit, nếu có hướng đi rõ ràng, để đạt giải pháp nào cho tình huống hiện nay.”
Ông Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ, nhắc tới bế tắc và tâm lý bất định về Brexit đang diễn ra ở Anh.
lãnh đạo EU nay tin rằng gia hạn tiếp cho Brexit là điều rất có khả năng xảy raBà Katya Adler, BBC News
Dù không nêu ra hạn cụ thể, nhìn chung, lãnh đạo EU nay tin rằng một kỳ gia hạn tiếp cho Brexit là rất có khả năng xảy ra, theo phóng viên BBC, bà Katya Adler từ Brussels.
Luật Benn ‘chỉ đạo Johnson’
Quốc hội Anh đã ra luật, mang tên dân biểu Hilary Benn của đảng Lao động, gọ̣i là ‘Benn’s Act’ buộc thủ tướng Boris Johnson phải đạt thỏa thuận Brexit với EU trước 19/10.
Nếu không, ông Johnson sẽ phải xin EU cho gia hạn Brexit đến 31/01/2020.
Điều các nhà bình luận không thể dự báo được là bản thân ông Johnson, cho đến 27/09 vẫn cương quyết nói Anh chia tay EU ngày 31/10 tới đây.
Ông nói “thà chết dưới hố còn hơn là xin gia hạn tiếp”.
Tuy thế, luật ‘Benn’s Act’ sẽ buộc ông làm việc đó nếu không đạt thỏa thuận trong hai ngày EU họp thượng đỉnh, 17 và 18/10.
Hiện không rõ ông Johnson có tìm cách “lách luật” này hay không.
Cũng không ai rõ gia hạn ba tháng từ cuối tháng 10/2019 ̣đến hết tháng 1/2020 có cho Anh đủ thời gian giải quyết các vấn đề nội bộ về Brexit hay không.
Và việc cứ xin gia hạn từng đoạn ngắn một này có vẻ gây khó khăn cho EU, ít ra là theo các nguồn tin không chính thức.
Tòa Anh nói Thủ tướng Johnson ngưng Quốc hội là “trái luật”
Tuy thế, EU cũng không thể gia hạn quá nửa năm 2020 cho Anh ở hay ra đi, theo bài của Reuters.
Lý do là tên Ủy ban Châu Âu, nhậm chức từ tháng 11/2019, sẽ phải hoàn tất ngân sách cho bộ máy EU vào 5 năm tới.
Ngân sách này phải được ‘đóng sổ’ vào giữa năm 2020, với Anh đóng góp một khoản không nhỏ, 13,2 tỷ bảng vào năm 2018.
Ngay trước khi lên nhậm chức Chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen, người Đức đã nói:
“Tôi sẵn sàng cho việc nới thêm thời hạn nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nếu cần có thêm thời gian vì một lý do chính đáng.”
Tiếp tục tình trạng ‘không rõ’
Giới bình luận tin rằng từ nay đến cuối 2019, có ít nhất 5 khả năng về Brexit, tùy thuộc vào diễn biến trong chính trường Anh.
Đó là Anh ra khỏi EU mà không đạt thỏa thuận gì; Anh phải xin gia hạn; bầu cử sớm; thay đổi chính phủ; hoặc Anh đạt một thỏa thuận nào đó.
Cùng lúc, đảng Quốc gia Scotland (SNP, 35 ghế dân biểu) nay chính thức đòi ông Johnson từ chức, và họ gợi ý SNP sẵn sàng ủng hô ông Jeremy Corbyn, lãnh tụ đảng Lao động, lên làm thủ tướng “ngắn hạn”.
Bản thân ông Corbyn đã kêu gọi ông Johnson từ nhiệm nhưng lại không đưa ra sáng kiến bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ Johnson.
Hiện nắm trong tay 247 ghế dân biểu đang Lao động trong Hạ viện, ông Corbyn là nhân vật duy nhất có thể “ra tay” thúc đẩy tiến trình loại bỏ chính phủ đảng Bảo thủ của ông Johnson.
Cho đến ngày 27/09, các đảng đối lập ở Westminster bàn về khả năng lật đổ ông Johnson để gia hạn Brexit rồi mở bầu cử sớm.
Tuy nhiên, chưa hề có một phương án nào trở thành chính thức.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49855868
Jacques Chirac trong mắt chính giới Pháp
Thanh HàĐăng ngày 27-09-2019 Sửa đổi ngày 27-09-2019 13:09
Vài giờ sau khi hay tin tổng thống Chirac từ trần, các chính khách Pháp cùng nhìn lại sự nghiệp chính trị hơn 40 năm của người từng là dân biểu, điều hành thủ đô Paris trong 18 năm, nhiều lần làm bộ trưởng, hai lần làm thủ tướng và đắc cử hai nhiệm kỳ tổng thống.
Jacques Chirac, « tiếng nói của một nước Pháp »
Ngay tối qua, tổng thống Emmanuel Macron đã đọc bài diễn văn 10 phút tưởng niệm vị tổng thống thứ 5 của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Nguyên thủ Pháp đã nhấn mạnh đến vai trò của nước Pháp trên bàn cờ quốc tế dưới thời Jacques Chirac cầm quyền, từ năm 1995 đến 2007.
« Tổng thống Chirac là hiện thân của một tư tưởng nào đó về nước Pháp. Ông miệt mài đấu tranh vì sự hài hòa của đất nước. Với tổng thống Chirac, nước Pháp dám trực diện với lịch sử. Pháp là một quốc gia độc lập và kiêu hãnh; Pháp dám cưỡng lại một cuộc chiến không chính đáng, năm 2003 Pháp từ chối can thiệp quân sự vào Irak mà không được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Thế rồi Pháp đã yểm trợ tiến trình tái thiết vì an ninh và hòa bình cho Liban. Pháp luôn đóng vai trò truyền thống của lương tâm nhân loại ».
Về phía các chính khách Pháp, cựu tổng thống François Hollande, cũng là một dân biểu của vùng Corrèze như Jacques Chirac, nhấn mạnh : trên các hồ sơ từ chống biến đổi khí hậu đến hòa bình ở Trung Đông, nhu cầu phát triển của Châu Phi … Chirac là người tiên phong.
Đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa (Les Républicains), hậu thân của đảng RPR do ông Chirac sáng lập, nói đến « một mất mát quá lớn », đến những đóng góp của Jacques Chirac làm tỏa sáng hình ảnh của nước Pháp với thế giới bên ngoài, đến tình yêu đặc biệt mà cố tổng thống Chirac từng dành cho đất nước của ông.
Về phía các đối thủ chính trị của đảnh cánh hữu, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise, thuộc cánh cực tả, cũng phải nhìn nhận tổng thống Chirac là người « yêu nước Pháp hơn rất nhiều những tổng thống sau này ». Chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia, Marine Le Pen ghi ơn một vị tổng thống đã nói không với cuộc chiến tại Irak năm 2003.
http://vi.rfi.fr/phap/20190927-jacques-chirac-trong-mat-chinh-gioi-phap
Quốc tế ca ngợi và tiếc thương
cựu tổng thống Pháp Chirac
Thùy DươngRất nhiều lãnh đạo trên thế giới, nhiều nhân vật nổi tiếng của quốc tế đã tỏ lòng thương tiếc cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, qua đời ngày 26/09/2019, trong đó phải kể tới tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu thủ tướng Anh Tony Blair …
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi cựu tổng thống Pháp Chirac, gọi ông là « một nhà lãnh đạo vĩ đại, một người châu Âu vĩ đại, một người đã truyền cảm xúc cho cả một thế hệ ». Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thì lấy làm tiếc vì nước Pháp đã mất đi một người toàn tâm toàn ý vì nền dân chủ và hợp tác quốc tế.
Đặc phái viên RFI Murielle Paradon tại New York cho biết thêm chi tiết :
« Ngày 14/02/2003, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, đại diện cho nước Pháp, ngoại trưởng Dominique de Villepin đã có bài phát biểu đáng ghi nhớ phản đối chiến tranh Irak. Jacques Chirac, vốn có quan hệ thân hữu bền vững với các nước Ả Rập, đã từ chối tham gia vào cuộc xung đột theo mong muốn của Mỹ.
Hôm nay, cũng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Irak Mohamed Al Hakim tỏ lòng biết ơn cố tổng thống Chirac. Ông phát biểu : « Việc mất đi một người bạn, một người lãnh đạo luôn là điều đáng buồn, tổng thống Chirac là bạn của Irak. Ông ấy đã phản đối cuộc chiến tại Irak, và khi chiến tranh nổ ra, mọi chuyện thay đổi vì cuộc xâm lăng của Mỹ, nước Pháp đã giúp đỡ chúng tôi ».
Nhưng Jacques Chirac còn tiến hành nhiều cuộc đấu tranh khác. Tại thượng đỉnh về Trái đất ở Johannesburg hồi năm 2002, ông đã phát biểu : « Nhà của chúng ta đang cháy, thế mà chúng ta lại nhìn chỗ khác ». Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, tổng thống Jacques Chirac đã tham gia cuộc chiến bảo vệ khí hậu sớm hơn những người khác.
Ông Guterres phát biểu : « Trong tuần lễ mà chúng ta coi khí hậu là tâm điểm của mọi sự chú ý, tôi muốn nhắc lại rằng Jacques Chirac đã thực sự là một người đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Từ cách nay rất lâu, ông ấy đã đặt khí hậu vào vị trí trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế ». Là người gần kề với ông Jacques Chirac tại Hội đồng Châu Âu, Antonio Guterres cũng ngợi ca người mà ông đã kết tình thân sâu sắc ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190927-quoc-te-tiec-thuong-cuu-tong-thong-phap-jacques-chirac
Pháp chuẩn bị tổ chức quốc tang
cố tổng thống Jacques Chirac
Thu HằngLễ quốc tang cố tổng thống Jacques Chirac sẽ được tổ chức vào ngày 30/09/2019. Tổng thống thứ 22 của Pháp vừa qua đời ngày 26/09/2019, để lại hình ảnh một « vị tổng thống của nền Đệ ngũ Cộng Hòa được yêu quý nhất » giàu lòng nhân ái và gần gũi với người dân.
Trong suốt ngày quốc tang, các cơ quan Nhà nước và công trình công cộng treo cờ rủ và sẽ có một phút mặc niệm vào lúc 15 giờ tại các bộ ngành. Cuối cùng, « các giáo viên, nếu muốn, có thể dành nguyên cả ngày học (30/09) để tưởng nhớ cố tổng thống Pháp ».
Sau lễ truy điệu quốc gia, thi hài cố tổng thống Chirac sẽ được quàn tại nghĩa trang Montparnasse (quận 14, Paris), bên cạnh mộ trưởng nữ Laurence Chirac, qua đời năm 2016. Phát biểu trên đài LCI, cựu bộ trưởng Jacques Toubon dưới thời tổng thống Chirac, cho biết : « Khi Laurence qua đời, ông bị suy sụp » và khiến tình trạng sức khỏe của ông suy giảm hơn.
Theo thông tin của đài LCI, gia đình cố tổng thống Chirac mong muốn tổ chức lễ tưởng niệm dành cho công chúng tại điện Invalides vào chiều Chủ Nhật 29/09.
Phát biểu trên đài RTL sáng 27/09, thủ tướng Edouard Philippe cho biết ông sẽ trồng một cây táo trong vườn điện Matignon để tưởng nhớ đến chiến dịch vận động « Ăn táo » (Mangez des pommes) năm 1995 của tổng thống Chirac.
Ngay tối 26/09, điện Elysée đã mở cửa để người dân có thể vào ghi sổ tang tổng thống Jacques Chirac. Vào đúng 21 giờ, thành phố Paris đã tắt ánh sánh trên tháp Eiffel để vĩnh biệt ông Chirac, người giữ cương vị đô trưởng Paris từ năm 1977 đến năm 1995.
http://vi.rfi.fr/phap/20190927-phap-quoc-tang-co-tong-thong-jacques-chirac
Sách Trắng của Nhật Bản xếp Trung Quốc vào
mối đe dọa an ninh hàng đầu
Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản công bố hôm 26/9 xếp sức mạnh quân sự của Trung Quốc vào mối đe dọa an ninh chính đối với Tokyo, thay cho mối nguy hiếu chiến từ Bắc Hàn trước đó.Phát biểu trong một họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono nói: “thực tế là Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng chi tiêu cho quân sự và vì vậy mọi người thấy là chúng tôi cần thêm trang”. Ông nói thêm “Trung Quốc đang triển khai các vũ khí trên biển và trên không ở Tây Thái Bình Dương và qua eo Tsushima vào biển Nhật Bản với tần suất lớn hơn”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Sách Trắng của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận những chỉ trích không có căn cứ của Nhật.
Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang có những tranh chấp đối với quần đảo Điếu Ngư do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông. Tranh chấp này đã dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ hai nước những năm vừa qua.
Theo Sách Trắng, Nhật Bản đã nâng chi tiêu quốc phòng trong suốt 7 năm qua lên thêm 1/10 để đối phó với Trung Quốc và Bắc Hàn.
Chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thêm 7,5% so với năm 2018, lên 177 tỷ đô la, nhiều hơn gấp ba lần so với Nhật Bản.
Để đối phó, Nhật Bản đã mua các cũ khí hiện đại từ Hoa Kỳ.
Trong đề nghị ngân sách quốc phòng gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Nhật đã yêu cầu hơn 115 tỷ yen (tương đương hơn 1 tỷ đô la) để mua 9 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/japan-white-paper-china-first-security-threat-09272019090731.html
Bắc Triều Tiên ca ngợi Trump,
nêu khả năng tổ chức thượng đỉnh
Thu HằngTổng thống Mỹ Donald Trump được Bắc Triều Tiên ca ngợi là người “khôn ngoan, quả cảm” và khác với những chính trị gia khác ở Washington, những người luôn « bị ám ảnh » về vấn đề phi hạt nhân hóa đơn phương Bắc Triều Tiên.
Những lời ca ngợi này được ông Kim Kye Gwan, cố vấn ở bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, nêu trong thông cáo được hãng thông tấn KCNA công bố ngày 27/09/2019.
Cũng trong thông cáo trên, ngoài đánh giá tích cực ba cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước tại Singapore, Việt Nam và tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, ông Kim Kye Gwan chú ý đến việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim mới,« đang được nêu rất nhiều trong những ngày gần đây tại Hoa Kỳ ».
Tuy nhiên, cố vấn ngoại giao Bắc Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng đã « có những nỗ lực chân thành để thiết lập niềm tin », nhưng phía Washington « đã không làm gì để áp dụng tuyên bố chung » được thông qua tại thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore vào tháng 06/2018, đồng thời vẫn tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc và gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Tuy chỉ trích giới chính trị gia ở Washington bị ám ảnh về việc « Bình Nhưỡng phải giải trừ vũ khí hạt nhân trước đã », nhưng ông Kim Kye Gwan lại đặt niềm tin vào chủ nhân Nhà Trắng, vì « tổng thống Trump khác với những người tiền nhiệm về quan điểm chính trị và quyết tâm » đối với Bắc Triều Tiên.
Cuối cùng, theo KCNA, ông Kim Kye Gwan « đặt niềm tin vào những lựa chọn đúng đắn và những quyết định can đảm của tổng thống Trump » và khẳng định bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên « sẽ duy trì những hành động trong tương lai với Hoa Kỳ ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190927-bac-trieu-tien-donald-trump-thuong-dinh
Hong Kong: Joshua Wong kêu gọi
biểu tình toàn cầu sau đối thoại của Carrie Lam
Người biểu tình Hong Kong hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ và bao vây bà Carrie Lam tại sân vận động nhiều giờ sau buổi ‘đối thoại mở’ đầu tiên của bà với công chúng nhằm kết thúc ba tháng bạo lực và bất ổn, theo Reuters.Bà Lam nói gì?
Trong sân vận động Nữ hoàng Elizabeth xây từ thời thuộc địa Anh hôm 26/9, bà Lam lắng nghe, ghi chép, trước khi trả lời. Bà kêu gọi người dân cho chính phủ của bà một cơ hội, đồng thời nhấn mạnh Hong Kong vẫn có một tương lai tươi sáng và một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ.
Mỹ thúc đẩy Đạo luật về dân chủ Hong Kong, TQ tức giận
Diễn đàn LHQ: Trump công kích trực diện chính phủ TQ
TQ tăng cường an ninh, kiểm duyệt trước lễ Quốc Khánh
150 người được cho là được lựa chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng tham gia cuộc đối thoại mở này.
Bà Lam bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách nói rằng, chính quyền của bà chịu trách nhiệm nặng nề nhất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hong Kong.
“Dự luật dẫn độ do chính phủ khởi xướng đã gây ra cơn bão này,” bà Lam nói. “Nếu chúng ta muốn chấm dứt khó khăn và tìm ra lối thoát, chính phủ chịu trách nhiệm lớn nhất để làm điều đó.”
“Tôi hy vọng tất cả các bạn hiểu rằng, chúng tôi vẫn quan tâm đến xã hội Hong Kong. Chúng tôi vẫn có một trái tim,” bà nói. “Chúng tôi vẫn tiếp tục gắn trách nhiệm của mình với những vấn đề của xã hội này.”
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh một lần nữa rằng, bà thấy không cần thiết phải tiến hành điều tra độc lập, và rằng hiện cơ chế khiếu nại của cảnh sát là đủ để phản ứng với các quan ngại của công chúng.
Bà cũng nhắc lại là bà không bao giờ cúi đầu chấp thuận yêu cầu bãi bỏ tội danh cho những người bị bắt vì bạo loạn.
“Tôi không chối bỏ trách nhiệm, nhưng Hong Kong thực sự cần phải bình tĩnh lại,” bà nói. “Chúng ta phải ngăn chặn bạo lực bùng phát… Vi phạm luật pháp sẽ dẫn đến hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu.”
Bà cũng thừa nhận rằng khả năng hành động của bà cũng gặp một số giới hạn.
“Tôi và các cộng sự của tôi có thể sẽ không thể gây ảnh hưởng lên xã hội trong một số vấn đề… nhưng cuộc đối thoại sẽ tiếp tục.”
Kêu gọi biểu tình toàn cầu
Hôm 27/9, nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong viết trên Twitter lời kêu gọi biểu tình trên toàn cầu hai ngày 28 và 29/9.
“Hãy sát cánh với Hong Kong chống lại sự chuyên chế: Biểu tình toàn cầu vào ngày 28 và 29 tháng 9!”, Twitter của Joshua Wong viết.
“Hôm nay, chúng tôi đang tập hợp trong tình đoàn kết với người dân Hong Kong và tất cả những người phải chịu đựng sự áp bức của nhà nước độc tài Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nghĩ và người Tây Tạng.”
Trong khi đó, hôm 26/9, trong cuộc đối thoại mở của bà Carrie Lam, nhiều người dân chỉ cáo buộc bà phớt lờ công chúng và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng không có hồi kết.
Các diễn giả chỉ trích bà vì đã cản trở các quyền tự do bầu cử, phớt lờ dư luận và từ chối cho phép một cuộc điều tra độc lập với các cáo buộc về sự tàn bạo của cảnh sát.
Một số người kêu gọi bà Lam từ chức, nói rằng bà không còn đủ khả năng để lãnh đạo.
Sau khi kết thúc phiên đối thoại, các cuộc biểu tình lại tiếp tục. Các nhà hoạt động bao vây sân vận động, chặn các đường ra và cả lối thoát hiểm bằng lan can sắt và các mảnh vụn khác.
Hơn bốn tiếng sau khi cuộc đối thoại kết thúc, đoàn hộ tống bà Lam và các quan chức cao cấp khác mới rời tòa nhà trong sự tháp tùng của cảnh sát.
Bên ngoài, rất đông người biểu tình mặc áo đen, hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ.
Cảnh sát cảnh báo rằng, họ sẽ sử dụng vũ lực nhưng rồi không can thiệp gì.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49848230
Người biểu tình Hong Kong
tràn ra đường sau cuộc đối thoại với Carrie Lam
Tin từ Hong Kong – Vào hôm Thứ Năm (26/9), những người biểu tình ở Hong Kông chặn các tuyến đường xung quanh sân vận động, và hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ.Tại sân vận động trên, bà Carrie Lam tổ chức cuộc đối thoại mở đầu tiên với người dân. Tuy nhiên, không rõ liệu bà đã rời đi hay chưa. Bà Lam nói chuyện với 150 người. Tại đây, các diễn giả phê bình bà vì kiềm chế các quyền tự do bầu cử, phớt lờ dư luận và không thực hiện cuộc điều tra các cáo buộc về sự tàn bạo của cảnh sát. Một người phụ nữ kêu gọi bà Lâm từ chức, cho rằng bà không còn đủ sức để lãnh đạo.
Bên trong sân vận động Nữ hoàng Elizabeth, người dân cáo buộc bà Lam phớt lờ công chúng, và cuộc khủng hoảng không có hồi kết tại đây trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà Lam cho biết, toàn bộ cơn bão khủng hoảng tại Hong Kong được gây ra bởi dự luật dẫn độ do chính phủ khởi xướng. Do đó, nếu muốn tránh xa khó khăn và tìm lối thoát, chính phủ cần phải có trách nhiệm lớn nhất trong việc này.
Các cuộc biểu tình được nối lại sau khi phiên đối thoại kết thúc. Các nhà hoạt động chặn đường xung quanh sân vận động bằng lan can sắt, và người biểu tình tức giận về sự can thiệp của Trung Cộng vào Hong Kong. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-tran-ra-duong-sau-cuoc-doi-thoai-voi-carrie-lam/
Hồng Kông: Chuyển Sang Cách Mạng
Vi AnhThời sự và sự kiện. Phong trào biểu tình của dân chúng Hong Kong [HK] đến nay đã sang tháng thứ tư đang biến chuyển sang thành cách mạng có bạo động như hầu hết các cuộc cách mạng khác trên thế giới. Dân chúng HK đang dùng nơi thì chiến tranh du kích, chỗ lại chiến tranh thành phố.
Thứ bảy 21- 09, Tin RFI của Pháp “Hồng Kông vừa trải qua tuần lễ khủng hoảng thứ 16. Tin RFI của Pháp, “giới trẻ Hồng Kông vẫn kiên trì nhưng do lệnh cấm xuống đường, các cuộc biểu tình bỏ hình thức huy động hàng chục ngàn người. Họ phân ra từng nhóm vài trăm người, xuất hiện đồng loạt ở nhiều nơi … Tại nhiều khu thương mại lớn, hàng ngàn người tập họp để tố cáo các cửa hàng thuộc các đại công ty bị xem là thân Bắc Kinh, hô to các khẩu hiệu, hát những bài ca tranh đấu và bài hát chính thức đề cao Hồng Kông…Tại Shatin (Sa Điền), một nhóm người biểu tình đứng thành vòng tròn, dẫm chân lên lá cờ đỏ của TC và sau đó vứt lá cờ 5 sao vào thùng rác, rồi đem ném xuống sông gần đó… một trụ sở cảnh sát bị tấn công bằng bom xăng.
Chủ Nhật 22, dân biểu tình cũng dẫm đạp cờ TC, đập phá một trạm xe điện ngầm và đốt lửa ngang con đường lớn, các cuộc xuống đường biểu tình đòi dân chủ ở nơi này một lần nữa trở thành bạo động. Tấn công trạm xe điện ngầm ở Shatin, nối liền với khu thương xá này. Đập phá các máy ghi hình an ninh, dùng búa đập máy xét vé ở cổng vào, và xịt sơn cùng đập phá các máy bán vé, trong lúc dùng dù che mặt để khỏi bị nhận diện.
Giới trẻ Hồng Kông bỏ hình thức huy động hàng chục ngàn người mà phân tán từng nhóm vài trăm người, xuất hiện đồng loạt ở nhiều nơi, đánh du kích theo kỹ thuật chiến tranh thanh phố. Đây là dấu hiệu cho thấy có rất nhiều tổ chức nổi dậy và hành động khó tiên đoán…
Phân Tích. Nhiều dấu chỉ cho thấy phong trào dân chung HK biểu trình, tranh đấu chống nhà cầm quyền tay sai của TC ở Hông Kong là thù trong và giặc ngoài là TC muốn thôn tính, nhuộm đỏ Hông Kong bên hông TC trên mọi phương diện, đã tiến tới giai đoạn cách mạng bạo lực từ hai phía cảnh sát trấn áp cũng như dân chúng đấu tranh. Theo qui luật cách mạng trong một thời gian ngắn nữa, độ 5 hay 6 tuần lễ nếu nhà cầm quyền tay sai của TC không kềm chế được cuộc cách mạng nay thì nhà cầm quyền Hông Kong sẽ bị lật đổ và một chánh quyền tư do, dân chủ lâm thời sẽ thành hình trên đóng tro tàn của nhà cầm quyền tay sai của TC.
Tình hình TC đang bấn loạn với chiến tranh thương mại với Mỹ và chiến tranh Biển Đông có thể xảy ra bất cứ lúc nào với Mỹ và các đồng minh Á, Âu, Mỹ châu của Mỹ và với chuẩn mực văn minh Nhân Loai và văn minh Trung Hoa, phần chắc TC không dám đưa quân vào diệt chũng ở Hông Kong như Thiên An Môn trong nội địa thời trước. Thời nay hoàn toàn khác với tiến bộkhoa học kỹ thuật tin học, Internet đã biến thề giới thành xóm nhà và các nước là những láng giềng của Nhân Loại.
Phong trào biểu tình chống đối nhà cầm quyền tay sai cho Trung Cộng sau 14 tuần lễ đã vượt qua cuộc tranh đấu chống dự luật TC áp đặt luật dẫn độ, giai đoạn bất tuân hành dân sự trong thanh phố Hong Kong, mà đã phát triển thành cuộc cách mạng cho tự do, dân chủ, có bao lực đốt cờ TC, phá đồn cảnh sát, phản công cảnh sát bằng bom xăng, có máu nước mắt của nhân dân Hong Kong, và đánh động lương tâm các siêu cường tư do dân chủ như Mỹ, Anh. Phong trào cách mạng của dân chúng HK nhiệt huyết và lý tưởng của người dân Hông Kong già trẻ bé lớn, nam nữ, công chức tư chức đã mở mặt trận du kích, chiến tranh đường phố, chiến tranh bất cân xứng với cảnh sát Hong Kong. Cảnh sát HK theo chỉ đạo của mật vụ TC đã thuê mướn bọn du thủ du thực đánh đập tàn nhẫn người biểu tình khiến dân chúng càng công phẫn. Lớp trẻ HK thêm khí thế chiến đấu để được tự do hay là chết.Phong trào biểu tình chuyển sang hình thái cách mạng lật đổ nhà cầm quyền cảnh sát trị gian ác.
Theo qui luật chung của cách mạng nếu nhà cầm quyền trong thời gian đầu không thể ngăn chận được phong trào đấu tranh nhân dân thì phong trào đấu tranh nhân dân sẽ biến thành phong trào cách mạng dùng bạo lực để lật đổ nhà cầm quyền. Cách mạng sẽ tạo thành một chánh quyền của dân, do dân trên đống tro tàn của nhà cầm quyền tay sai cho TC.
TC ở thế kẹt không thể xua quân qua tàn sát 7,5 triệu dân Hong Kong, không thể có nhà tù nào chứa cho hết nếu bắt giam. Hoà Kỳ và Liên Hiệp Quốc không để TC hành động dã man, diệt chủng, chống nhân loại như thế. Thì nhân dân Hong Kong sẽ trường kỳ du kích chiến trong thành phố nhà của mình. Dân Hong Kong ở các nước từ các Chinatowns từ San Francisco đến Singapore mặt này sẽ tạo thành vòng đai lửa, cánh cung thương mại của Á Châu Thái Bình dương bao vây, chống đối TC, tẩy chay TC. Mặt khác những người Hoa hải ngoại sẽ quốc tế vận đánh phá nền ngoại giao, giao thương
của TC ở hải ngoai. Cũng có người yêu nước quay về Hong Kong cùng đồng bào Hông Kong nói tiếng Quảng Đông cùng chiến đấu chống TC.
Hong Kong thành cái nôi nội chiến giữa TC với Hong Kong. Dân chúngTC và ngay một số đảng viên CS trong Đảng Nhà Nước và quân đội sẽ chống phe đảng tung quân qua Hong Kong, chống đối quân đội TC giết hại đồng bào Trung Quốc, gây ra cảnh nồi da xáo thịt.
Chăc chắn Hoa Kỳ, Anh, và đồng minh của Mỹ sẽ cấm vận TC. Đài loan chắc chắn bằng cách nay hay cách khác sẽ giúp quân sự và tâm lý chiến cho cuộc cách mạnh Hong Kong.
TC chưa phải là mãnh hổ, dù mãnh hổ đi nữa cũng nan địch quần hồ. Chỉ cần Mỹ cấm vận TC vài tháng, kinh tế của TC sẽ liệt bại, ngoại giao TC trở thành một thứ dịch tả, dã man, các nước đều tránh. Người Trung Hoa chánh trực sẽ lật độ chế độ TC và trị tội Tâp Cận Bình./.(VA)
https://vietbao.com/p123a299186/hong-kong-chuyen-sang-cach-mang
Suy thoái kinh tế Trung Quốc tệ đến mức nào?
Ana Nicolaci da CostaPhóng viên Kinh doanhNền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trong một giai đoạn sáng sủa hơn của thập niên qua, nhưng một loạt dữ liệu nghèo nàn gần đây đã làm dấy lên những lo ngại mới.
Điều gì đang khiến các nhà đầu tư lo lắng, và Trung Quốc phản ứng như thế nào?
Trung Quốc trở thành động lực chính của sự tăng trưởng kinh tế thế giới khi các quốc gia phát triển đang chịu thiệt hại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ đầu những năm 1990.
Ông Tập khai trương sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh
Xuất khẩu Trung Quốc tăng dù thương chiến đang âm ỉ
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ thập niên 1990
Trung Quốc mạnh miệng nhưng vẫn mở cửa cho Mỹ
Trung Quốc chứng kiến sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ chấm nhất kể từ tháng 8/2002.
Vài tuần sau, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng sẽ không dễ để nước này duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%.
Các vấn đề trong nước, thương chiến với Mỹ và dịch tả lợn, tất cả đang phá vỡ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
“Sự chậm lại ở Trung Quốc đang trở nên khá đáng kể”, Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cao cấp từ Oxford Economics nói.
“Cả sự suy yếu của kinh tế trong nước và môi trường bên ngoài xấu đi, bao gồm cả suy thoái toàn cầu và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đều có vai trò trong sự chậm lại của Trung Quốc.
Do tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, và nhu cầu lớn của nước này với bất cứ gì từ hàng hóa đến máy móc, bất kỳ sự suy thoái nào cũng có thể có những hậu quả sâu rộng.
Gary Hufbauer, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, ước tính rằng mức tăng một phần trăm trong tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ lấy đi 0,2 điểm phần trăm của tăng trưởng toàn cầu.
Điều gì đang xảy ra ở Trung Quốc?
Dữ liệu chính thức vẽ ra một triển vọng ngày càng u ám.
Sản lượng công nghiệp đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ 2002, và doanh số bán lẻ đang chậm lại.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1% trong tháng Tám so với một năm trước đó và xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 16% – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh chấp với Hoa Kỳ đang làm tổn thương thương mại song phương.
Nhưng trong khi tăng trưởng giảm ở mức hai con số vào giữa những năm 2000, sự chậm lại gần đây tương đối từ từ.
Kinh tế Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ trong quý II, giảm từ 6,4% trong ba tháng đầu năm, và 6,6% trong năm 2018.
“Không phải như thể tăng trưởng của Trung Quốc hoàn toàn rơi xuống vách đá,” Frederic Neumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC.
“Ngược lại, vẫn còn nhiều túi tăng trưởng,” ông nói thêm, nhằm nói đến xây dựng nhà cửa và chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ.
Nhân tố kích thích có hiệu quả thế nào?
Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách hỗ trợ nền kinh tế trong năm nay bằng cách cắt giảm thuể, và bằng các biện pháp để tăng thanh khoản trong hệ thống tài chính.
Nhưng ông Neumann nói rằng khoảng thời gian này, chính phủ đã “hạn chế khá nhiều” khi cấp tín dụng cho các công ty và cá nhân, và quản lý nhân tố kích thích.
Đó là bởi vì chính phủ tin rằng Trung Quốc cần hạn chế rủi ro trong hệ thống tài chính của mình và hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong những năm gần đây, ông nói thêm.
“Chính quyền Trung Quốc không thực sự cho thấy dấu hiệu dao động từ dấu vết này … vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thấy con số tăng trưởng kinh tế yếu hơn”, ông Neumann nói.
Phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế trong những năm qua, các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đã hạn chế điều này.
Thay vào đó họ chọn cách cắt giảm thuế, có xu hướng kém hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng so với đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ông Wu nói.
Ông Wu kỳ vọng Bắc Kinh sẽ làm nhiều hơn để kích thích nền kinh tế trong tương lai – thông qua cả chính sách tài khóa và tiền tệ – nhưng lo lắng điều này sẽ là không đủ.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn để giúp ổn định tăng trưởng vào năm tới. Nhưng rủi ro chính là các nhà chức trách không thúc đẩy chính sách hỗ trợ đủ để ổn định tăng trưởng.”
Điều không mong muốn từ thương chiến là gì?
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chiến đấu trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm và dự kiến sẽ có thêm nhiều áp thuế.
Thương chiến Mỹ – Trung trong 400 từ
Mỹ sắp áp đợt thuế mới với Trung Quốc
Thương chiến Mỹ Trung sẽ đi về đâu?
Tác động từ thuế quan của Mỹ đã được bù đắp ở một mức độ nào đó bởi đồng nhân dân tệ yếu hơn, Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nói, trong khi Trung Quốc cũng tìm cách bỏ qua thuế bằng cách xuất khẩu sang Mỹ thông qua các nước châu Á khác.
Ông nói rằng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã thực sự tăng trong năm qua, cho thấy sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc đã kém rõ rệt hơn so với các nước khác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phương Tây đang thấy ngày càng khó điều hướng sự không chắc chắn.
Một số đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mặc dù con số không đủ lớn để hiển thị trong dữ liệu kinh tế, ông Evans-Pritchard nói.
“Các mức thuế này càng tồn tại lâu, điều này càng kéo dài, chúng ta sẽ thấy cơ hội nhiều công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày càng cao, và nó cũng khiến quốc gia này trở thành một nơi kém hấp dẫn để trở thành nơi đầu tư đầu tiên”, ông nói.
Trong khi nhiều công ty sẽ muốn giữ một số sản xuất ở Trung Quốc để phục vụ cho thị trường nội địa quan trọng của mình, có dấu hiệu một số công ty đang xem xét các lựa chọn của họ.
Theo khảo sát năm 2019 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, 65% thành viên cho biết căng thẳng thương mại đang ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh dài hạn của họ. Gần một phần tư những người được hỏi đang trì hoàn đầu tư vào Trung Quốc, khảo sát cho biết.
Dịch tả lợn bùng phát thì sao?
Dịch tả lợn chết người tạo thêm lực cản cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua.
Trung Quốc, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, đã chiến đấu để kiểm soát dịch bệnh ngay cả sau khi giết mổ hơn một triệu con lợn.
Sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá thịt lợn tăng vọt – 46,7% trong tháng Tám so với một năm trước đó – và nó đánh vào thu nhập hộ gia đình.
Trung Quốc xả kho thịt lợn dự trữ vì dịch tả lợn hoành hành
“Giá thịt lợn tăng gần gấp đôi”, Hufbauer từ Viện Peterson cho biết thêm rằng điều này “rất đau đớn đối với người Trung Quốc có thu nhập thấp.”
Thịt lợn là một trong những mặt hàng thực phẩm chủ yếu của Trung Quốc và chiếm hơn 60% lượng tiêu thụ thịt của nước này.
Trong khi hiện tại sự gia tăng đã được bù đắp một phần bởi lạm phát phi thực phẩm nhẹ hơn, các nhà phân tích cho rằng điều này có thể nhanh chóng thay đổi.
Ông Evans-Pritchard nói: “Điều khiến tôi lo lắng là dường như họ chưa kiểm soát được dịch bệnh này. Kho lợn vẫn đang giảm”.
“Ở giai đoạn này, nó đã chỉ ra lạm phát giá thịt lợn tăng trên 80% so với cùng kỳ trong vòng sáu tháng tới.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49843030
“Sai sót chí mạng” và loạt điểm yếu
báo động tham vọng Vành đai, Con đường của TQ
Vành đai, Con đường (BRI) là chiến lược đầu tư quốc tế khổng lồ do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, được cho là nhằm giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quyền lực mềm.Nhiều đối tác chùn bước trước Vành đai, Con đường
Hiện nay, các dự án trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc đã thu hút hơn 130 nước tham gia, và mức đầu tư dành cho các quốc gia này cũng khác nhau – dao động từ hàng trăm đến hàng nghìn tỉ USD. Phần lớn trong số đó là dưới hình thức các dự án hạ tầng quy mô lớn và khoản vay dành cho các chính phủ những nước mà sau đó phải vật lộn với khó khăn để hoàn vốn.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối BRI ở cả trong và ngoài nước.
Trên bình diện quốc tế, sự phản kháng này phần nào đó có yếu tố địa chính trị, khi các nước ngày một quan ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Làm sao các khoản đầu tư quyền lực mềm của Trung Quốc lại thất bại tại chính những nước mà lẽ ra sẽ giúp quảng bá quyền lực mềm đó cho Bắc Kinh? Các nước giờ đã tỉnh táo hơn đối với các điều khoản tài chính liên quan đến BRI, đó là một lý do. Trong giai đoạn đầu triển khai chiến lược, nhiều nước xem vốn của Trung Quốc là nguồn tiền miễn phí hoặc ít nhất là chi phí thấp.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận không ràng buộc đối với chính phủ sở tại. Khác với những nước phương Tây, Trung Quốc không yêu cầu đối tác phải đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo liên quan đến tham nhũng hay ổn định tài chính.
Cách tiếp cận như vậy khiến tham nhũng có cơ hội gia tăng, đồng thời khiến các chính phủ dồn gánh nặng lên chính đất nước mình với những khoản nợ khó có khả năng chi trả.
Năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải giao cho Trung Quốc quyền quản lý trong 99 năm đối với cảng Hambantota để tránh bị vỡ nợ từ khoản vay BRI. Kể từ đó, nhiều nước lo sợ việc lặp lại tình cảnh không đủ sức trả nợ cho Trung Quốc và buộc phải đánh đổi.
Ở khu vực Đông Nam Á, cuộc bầu cử ở Malaysia vào tháng 5/2018 đã phản ánh rõ sự e ngại dưới nhiều hình thức đối với quyền lực Trung Quốc được tạo dựng ở những nước đón nhận BRI.
Kể từ sau khi nhậm chức, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đình chỉ hai dự án lớn nhất của Trung Quốc đầu tư vào Malaysia: một dự án xây dựng đường sắt trị giá 20 tỷ USD và một dự án tuyến đường ống khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD. Lý do đưa ra là Malaysia không có đủ khả năng chi trả.
Những nước này cũng tức giận với việc các hợp đồng có quan điểm áp đặt một chiều của Trung Quốc, thường ép buộc nước sở tại phải chọn nhà thầu, đối tác là công ty Trung Quốc, cùng với đó điều khoản bảo đảm có xu hướng đẩy nguy cơ vào tay các nước bản địa, tránh rủi ro cho các công ty Trung Quốc.
Việc Trung Quốc từ chối các yêu cầu phòng vệ hợp lý đối với các dự án BRI bị cho là mang đến nguy cơ nuôi dưỡng tham nhũng, nợ nần và chạy theo lợi ích kinh tế thiếu bền vững. Khi bằng chứng về tham nhũng trong các dự án đầu tư lớn ngày một rõ ràng, công dân các nước có dự án BRI đã nhận ra thực tế Trung Quốc vừa là nước hưởng lợi, vừa là nước thúc đẩy nạn tham nhũng.
Thiếu chiến lược dài hơi, Vành đai, Con đường lộ nhiều hạn chế
Trong nội bộ Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc phàn nàn đây là chiến lược chi tiêu hoang phí. Ngày càng có nhiều chỉ trích về những khoản đầu tư lớn hào nhoáng ở các nước tiếp nhận BRI. Trước việc Bắc Kinh đổ hàng tỷ USD ra nước ngoài, nhiều người Trung Quốc đang tự hỏi tại sao không dùng khoản tiền đó để xử lý những vấn đề trong nước như y tế, nhà cửa, giáo dục.
Số liệu thống kê cho thấy nguồn tiền các ngân hàng Trung Quốc đang đầu tư ở nước ngoài chủ yếu là tiền USD vay mượn từ quốc tế, chứ không phải là tiền lấy từ kho dự trữ ngoại hối chính thức.
Giáo sư Xu Xangrun thuộc Đại học Thanh Hoa cũng đã nêu những quan ngại về cách Bắc Kinh đang thúc đẩy tham vọng viện trợ nước ngoài mà hệ quả kèm theo là chi tiêu nội địa bị ảnh hưởng. Hè năm 2018, ông Xu viết một bài luận đặt ra nghi vấn đối với việc Bắc Kinh “vung tiền” cho BRI trong khi nền kinh tế nước này còn vướng phải nhiều vấn đề nội tại.
Giáo sư Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, cảnh báo việc chính phủ trung ương Trung Quốc dành quá nhiều tham vọng đối với khuôn khổ của BRI là một “sai sót chí mạng”. Với việc Bắc Kinh kết nối BRI với quá nhiều khu vực và dự án, các nước phương Tây sẽ ngày càng gia tăng ngờ vực về ý đồ thực sự của Trung Quốc. Theo ông, trừ khi BRI trở nên ít chuyển tải ý thức hệ Trung Quốc trong khuôn khổ của nó, sáng kiến này khó tránh khỏi khiến Bắc Kinh bị cáo buộc là theo đuổi bá quyền toàn cầu.
Giáo sư Cheng Chengping và nhà nghiên cứu Wu Fang, từ Đại học Vũ Hán (Trung Quốc), nhận thấy rủi ro lớn trong vận hành BRI tại nhiều khu vực riêng rẽ, mà mỗi vùng lại tiềm ẩn những rủi ro khác nhau về địa chính trị và tài chính.
Cheng và Wu phân tích, BRI cần phải tiếp cận sâu hơn với nhu cầu và điều kiện của bản địa nhằm tạo ra được chiến lược bền vững. Để tránh những rủi ro rõ ràng, Trung Quốc phải hợp tác với tất cả các nước gia nhập BRI và phát triển đồng thời nhiều cơ chế phối hợp khác nhau, đặc biệt trong vấn đề năng lực tài chính và công nghiệp.
Nhiều chuyên gia về Trung Quốc cũng chỉ trích việc thiếu vắng các tiêu chuẩn bản địa của BRI, từ ổn định tài chính tới tác động môi trường.
Li Ziguo, phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), thuộc Viện nghiên cứu quốc tế (CIIS), Trung Quốc, đánh giá thách thức của BRI nằm trong vấn đề kế hoạch chiến lược dài hạn. Không có tầm nhìn xa, rủi ro là khá rõ ràng: Các doanh nghiệp Trung Quốc thiếu nhận thức về tiêu chuẩn pháp lý tại các nước đối tác, phớt lờ nguy cơ môi trường, và đưa ra những quyết định đầu tư thiếu sáng suốt do hiểu biết hạn chế về các điều kiện kinh doanh ở bản địa.
Trong giai đoạn khởi động BRI, Bắc Kinh có thiên hướng xem chỉ trích nhằm vào mình là việc các nước phương Tây từ chối công nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Dẫu vậy, hiện nay mối quan hệ ngại đó không phải đến từ phương Tây mà là từ các nước khắp các châu lục trên toàn cầu.
Ở đó, chính quyền nước sở tại đang cố tìm cách thoát khỏi vấn nạn nợ nần bùng nổ cùng với đó là sự tức giận của người dân.
BRI, một chiến lược có chủ đích thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc, giờ đây lại đang thúc đẩy mối quan ngại trong nước và quốc tế ở mức chưa từng thấy.
Tác giả Hannah Feldshuh nêu trong bài phân tích trên The Diplomat tháng 9/2018, chính phủ Trung Quốc dường như nhạy cảm với những chỉ trích và nghi ngờ cả trong và ngoài nước liên quan đến BRI. Đối với những phê bình từ bên ngoài, chính phủ Trung Quốc phải tìm cách điều chỉnh kỳ vọng của các đối tác và giới quan sát, nhưng hiệu quả không lớn. Và khi nghị luận về BRI gia tăng trong giới tinh hoa Trung Quốc, chính phủ cũng buộc phải làm dịu những kỳ vọng lớn từ trong nước.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30580-sai-sot-chi-mang-va-loat-diem-yeu-bao-dong-tham-vong-vanh-dai-con-duong-cua-tq.html
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng mua thêm hàng Mỹ
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc ngày 26/9 tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng mua thêm hàng Mỹ và rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ mang lại kết quả nếu cả đôi bên “có biện pháp nhiệt thành hơn” chứng tỏ thiện chí và giảm “lời lẽ bi quan” trong cuộc chiến thương mại.Phát biểu bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói thêm rằng: “Về phía Trung Quốc, chúng tôi sẵn sàng mua thêm sản phẩm mà thị trường Trung Quốc cần.”
Mỹ-Trung đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại cao cấp kế tiếp vào đầu tháng 10 tại Washington để tìm lối thoát cho cuộc thương chiến kéo dài gần 15 tháng.
Hôm 26/9, Tổng thống Trump loan báo thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể diễn ra sớm hơn mọi người nghĩ.
Trước đó, trong bài diễn văn tại cuộc họp thường niên của lãnh đạo thế giới hôm 24/9, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông sẽ không chấp nhận một “thỏa thuận tồi.”
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quốc-tuyên-bố-sẵn-sàng-mua-thêm-hàng-mỹ-/5100318.html
Nhận xét
Đăng nhận xét