Tin khắp nơi – 29/09/2019

Tin khắp nơi – 29/09/2019

Mỹ – Trung ấn định ngày đàm phán thương mại

vào tháng 10

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu lại từ ngày 10 đến 11 tháng 10 tại Washington, D.C., ba nguồn tin thân cận nói với CNBC hôm 26/9.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) sẽ đại diện cho phái đoàn từ Bắc Kinh, một nguồn tin cho biết.
Ông Lưu đến thăm Washington vào mùa Xuân năm nay với tư cách đặc phái viên, thay mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đàm phán với phía Mỹ. Tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ông cam kết mua đậu nành của Mỹ với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng ông không còn ở trong vai trò này với chuyến đi tiếp theo.
Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chưa trả lời các yêu cầu xác nhận thông tin của CNBC. Các quan chức chính quyền ông Trump cho biết họ dự kiến có các cuộc đàm phán với Bắc Kinh vào tháng tới.
Các cuộc đàm phán bị đình trệ vào đầu năm nay trong bối cảnh tranh chấp về một thỏa thuận thương mại, khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đưa ra những chương trình thuế mới áp đặt và đe dọa lên hàng trăm USD hàng hóa của nhau và làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong cuộc họp đa phương với các nhà lãnh đạo thế giới về Venezuela tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 25/9, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất muốn thực hiện một thỏa thuận.”Nó có thể xảy ra sớm hơn bạn nghĩ”.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 26/9 cho biết nước này đã mua một lượng đáng kể các sản phẩm đậu nành và thịt lợn của Mỹ trước vòng đàm phán tiếp theo. Thông báo đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt trong quan hệ từ một tháng trước đó, khi Bắc Kinh đình chỉ tất cả các giao dịch mua nông sản của Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc yêu cầu chính quyền Trump trì hoãn việc leo thang thuế quan theo kế hoạch vào ngày 1/10, trùng với ngày kỷ niệm Quốc khánh của nước này. Thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hiện sẽ tăng lên 30% vào ngày 15/10, bốn ngày sau khi vòng đàm phán tiếp theo kết thúc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30587-my-trung-an-dinh-ngay-dam-phan-thuong-mai-vao-thang-10.html

Đảng Dân Chủ tận dụng cuộc điều tra luận tội Trump

để thu hút sự ủng hộ của cử tri

Tin từ Washington, D.C. — Theo tin từ Reuters, một số nhà lập pháp Đảng Dân Chủ ôn hòa cho biết họ sẽ tận dụng cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Trump để thu hút sự ủng hộ của các cử tri, trong kỳ nghỉ 2 tuần của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Dân Biểu Susan Wild là một trong số những người thuộc đảng Dân Chủ trong Hạ viện. Bà đã thay đổi suy nghĩ để ủng hộ một cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng Thống Trump. Bà mong đợi được nghe thông tin của cuộc điều tra tại một cuộc họp ở tòa thị chính vào tuần tới tại thành phố Allentown, Pennsylvania.
Hôm Thứ Ba (24 tháng 9), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chính thức tuyên bố một cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng Thống Trump. Trong nhiều tháng trước, bà Pelosy từ chối các yêu cầu mở cuộc điều tra luận tội. Nhưng bà thay đổi ý định, sau khi nhận được lời tố cáo Tổng Thống Trump gây áp lực cho Tổng thống Ukraine Zelenskiy điều tra đối thủ chính trị Joe Biden và con trai ông Hunter Biden, trong một cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7.
Dân Biểu Dean Phillips cũng đưa ra thông báo rằng ông sẽ ủng hộ một cuộc điều tra luận tội, và cho biết thêm rằng ông sẽ phải giải thích quyết định của mình trước cử tri trong những ngày tới.
Theo Reuters, một số đảng viên Dân Chủ từ các khu vực mà cử tri Đảng Cộng Hòa đang chiếm ưu thế đã tìm kiếm sự hướng dẫn từ lãnh đạo đảng để nói về cuộc điều tra luận tội tại các tiểu bang của họ. Một nhóm các đảng viên nói trên đã gặp bà Pelosi và các nhà lãnh đạo khác vào tối thứ Năm (ngày 26 tháng 9) để nói về quá trình luận tội, bao gồm cả cách thuyết phục các cử tri của họ.
Trong khi đó, Tổng Thống Trump đã phủ nhận việc gây áp lực cho Ukraine. Và nhiều đảng viên Cộng Hòa cho rằng nội dung của cuộc điện đàm là chưa đủ để luận tội Tổng Thống. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dang-dan-chu-tan-dung-cuoc-dieu-tra-luan-toi-trump-de-thu-hut-su-ung-ho-cua-cu-tri/

Điều tra luận tội Trump:

 ”Làn sóng dư luận chuyển sang ủng hộ”

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, hôm 28/9/2019 nói rằng dư luận hiện đang đứng về phía một cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump sau khi có công bố thông tin mới về cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, theo Reuters.
Bà Pelosi tuần này tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra sau khi xuất hiện khiếu nại tố cáo nói ông Trump dường như thu hút sự ủng hộ chính trị từ tổng thống Ukraine, nhằm giúp ông tái đắc cử vào năm tới, hãng tin Anh cho hay.
Pelosi trong nhiều tháng đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng trong việc cân nhắc các lời kêu gọi của các thành viên khác thuộc đảng dân chủ trong Quốc hội để tiến hành các thủ tục luận tội chống lại ông Trump, vốn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi cựu Công tố viên đặc biệt Robert Mueller làm chứng vào ngày 24/7 về cuộc điều tra của ông về ông Trump và cuộc can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Điều tra luận tội Trump: Hạ viện gửi trát cho Pompeo
Trong công luận, làn sóng đã hoàn toàn biến đổi; nó có thể gây ra sự thay đổi ngay bây giờChủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi
Quốc hội và quyền lực nghị viện – cái nhìn từ Anh qua Mỹ tới VN
Bản ghi điện đàm cho thấy ông Trump hối thúc điều tra về Biden
Luận tội một tổng thống có dễ không?
Họp LHQ: Dịp cho Tổng thống Donald Trump ‘tỏa sáng’
“Trong công luận, làn sóng đã hoàn toàn biến đổi; nó có thể gây ra sự thay đổi ngay bây giờ – ai biết được – nhưng ngay bây giờ sau khi thấy được khiếu nại và báo cáo của IG (Tổng thanh tra) và thái độ ung dung của chính quyền đối với nó, người dân Mỹ đang đi đến một quyết định khác,” bà Pelosi nói với truyền thông Mỹ.
Trong cuộc gọi điện thoại vào ngày 25/7 giữa ông Trump và ông Zelenskiy, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã yêu cầu người đồng cấp của mình mở cuộc điều tra về ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, ông Joe Biden và con trai, ông Hunter Biden, người từng làm việc trong hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraine.
Cả ông Joe Biden và con trai ông đều bác bỏ bất kỳ hành vi sai trái nào.
Về phần mình, ông Trump nói ông không làm gì sai trái và cáo buộc đảng Dân chủ đã khởi động một cuộc “săn phù thủy” có động cơ chính trị.
Các nhà lập pháp tại Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đang điều tra những lo ngại rằng các hành động của Tổng thống Trump, đã gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
‘Phủ bóng’
Cuộc điều tra luận tội đã tái phủ bóng lên khả năng có thêm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, chỉ vài tháng sau khi ông bị che phủ bởi cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller, vẫn theo Reuters.
“Nếu các dữ kiện có sức thuyết phục đối với người dân Mỹ, chúng cũng có thể làm điều tương tự với một số đảng viên Cộng hòa,” bà Pelosi nói với truyền thông Mỹ hôm thứ Bảy.
Tuy nhiên, bà không đưa ra dự đoán Hạ viện sẽ mất bao lâu để hoàn thành bất kỳ thủ tục luận tội nào có thể chống lại ông Trump.
Hạ viện Mỹ chính thức mở cuộc điều tra luận tội ông Trump
Không có Tổng thống nào trong lịch sử đất nước chúng ta bị đối xử tệ như tôi. Đảng Dân chủ bị đông cứng với sự thù hận và sợ hãi. Họ sẽ chẳng đạt được điều gì cảTổng thống Donald Trump
Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói ‘muốn thấy ông Trump vào tù’
Số người Mỹ đòi luận tội ông Trump tăng
“Việc này sẽ mất nhiều thời gian vì Ủy ban Tình báo cần phải nghiên cứu tất cả các sự kiện,” Chủ tịch Hạ viện Mỹ được hãng tin Anh dẫn lời, nói.
Nhiều ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ tham dự một sự kiện kéo dài ba ngày tại Austin, Texas, trong đó có Thị trưởng Pete Buttigieg, cựu Nghị sỹ Beto O’Rourke, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và cựu Bộ trưởng Nhà ở Julian Castro, tất cả đều đồng ý với bà Pelosi rằng chiến dịch đẩy ông Trump ra khỏi chức vụ phải tập trung vào các chính sách mà không phải là luận tội.
Tuy nhiên, ông Castro, người từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói thêm rằng trong khi một số cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ đang chia rẽ vì ủng hộ luận tội, ông nghĩ rằng công chúng sẽ ngày càng ủng hộ cuộc điều tra.
“Giống như ở vụ Watergate, sau khi có nhiều bằng chứng được đưa ra… bạn sẽ thấy nhiều người thuộc các nhóm chính trị khác nhau bắt đầu ủng hộ điều tra luận tội,” ông Castro nói tại sự kiện, đề cập đến các động thái vào năm 1974 để luận tội cựu Tổng thống Richard Nixon.
Nixon đã từ chức trước khi thủ tục luận tội được đưa ra.
Trong các diễn biến liên quan đến cuộc điều tra luận tội với mình, Tổng thống Trump và những người ủng hộ nhiều lần lên tiếng bác bỏ sai trái của ông Trump và cho rằng đây là những cáo buộc chính trị của đảng Dân chủ đối lập trước cuộc bầu cử đang tới nhằm tấn công và hạ bệ ông.
Trong một thông điệp trên Twitter hôm 25/9, ông Trump viết:
“Không có Tổng thống nào trong lịch sử đất nước chúng ta bị đối xử tệ như tôi. Đảng Dân chủ bị đông cứng với sự thù hận và sợ hãi. Họ sẽ chẳng đạt được điều gì cả. Điều này không bao giờ được phép xảy ra với một Tổng thống khác. Thật là một cuộc săn phù thủy, bới lông tìm vết!”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49870444

Hơn 300 cựu chuyên viên an ninh quốc gia

yêu cầu luận tội tổng thống Trump

Tờ Washington Post hôm 27/09 đã công bố một bức thư của hơn 300 cựu chuyên viên  an ninh quốc gia, thuộc cả hai đang Cộng Hòa và Dân Chủ, yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ luận tội  Tổng Thống Donald Trump, buộc ông chịu trách nhiệm đối với “sự lạm quyền vô lương tâm”, trong điện đàm của ông với TT Ukraine.
Bức thư được công bố trên trang mạng của National Security Action. Trong số những người ký tên có 1 thứ trưởng bộ ngoại giao, 2 thứ trưởng ngoại giao đặc trách chính trị, một giám đốc trung tâm phòng chống khủng bố, nhiều đại sứ, nhiều cựu viên chức cộng đồng tình báo…
Theo họ, đó là một mối quan tâm về an ninh quốc gia sâu sắc. Bức thư viết rằng TT Trump dường như đã tận dụng quyền lực và nguồn lực của văn phòng cao cấp nhất trong đất nước, để mời thêm sự can thiệp của ngoại quốc vào các tiến trình dân chủ của Hoa Kỳ. Điều này tạo ra một sự lạm dụng quyền lực vô lương tâm. Nó cũng cho thấy sự  xem thường các lợi ích quốc gia ,   của những đồng minh và hợp tác thân cận nhất của Hoa Kỳ. Tất cả chỉ vì lợi ích chính trị cá nhân của tổng thống Trump.
National Security Action có trụ sở tại Washington. Những người ký tên trong thư đã từng phục vụ trong các chính phủ của TT Obama, Bush 41 và TT Bush 43.
https://www.sbtn.tv/hon-300-cuu-chuyen-vien-an-ninh-quoc-gia-yeu-cau-luan-toi-tong-thong-trump/

Tổng thống Trump chỉ trích đảng Dân Chủ

 vì cuộc điều tra luận tội

Theo tin từ Fox News, vào hôm Thứ Bảy (28 tháng 9), Tổng Thống Trump đăng một loạt các tin nhắn chỉ trích Đảng Dân Chủ Hạ Viện trên Twitter, liên quan đến cuộc điều tra luận tội, tổng thống gọi đó là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ”.
Bên cạnh đó, Tổng Thống Trump tập trung phản bác đơn khiếu nại được đệ trình lên cộng đồng tình báo của một người tố giác ẩn danh, cáo buộc tổng thống “sử dụng quyền lực để buộc chính phủ ngoại quốc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của Hoa Kỳ.”
Sau khi đơn khiếu nại được công bố, Đảng Dân Chủ cáo buộc Tổng Thống Trump có hành động đe dọa rút viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng Thống Volodymyr Zelensky, diễn ra vào ngày 25 tháng 7, trừ khi Tổng Thống Zelensky đồng ý điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden. Một bản tóm tắt nội dung cuộc điện đàm nói trên đã được công bố vào hôm Thứ Tư (25 tháng 9), trong đó cho thấy mặc dù Tổng Thống Trump gây áp lực để người đồng cấp Ukraine điều tra ông Biden, nhưng tổng thống không hề nhắc đến viện trợ quân sự.
Trên Twitter vào hôm Thứ Bảy, Tổng Thống Trump một lần nữa phủ nhận các cáo buộc và nhấn mạnh việc tổng thống không hề “ép buộc Tổng Thống Zelensky dưới bất kỳ hình thức nào.”
Trước đó, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng Thống Zelensky nói với các phóng viên rằng ông không bị ép buộc trong cuộc gọi với Tổng Thống Trump.
Tổng Thống Trump cũng chỉ trích Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, cáo buộc ông Schiff “chỉnh sửa bản tóm tắt của cuộc điện đàm” và “lừa dối hàng triệu người Hoa Kỳ cũng như nói xấu và phỉ báng” tổng thống. Sau đó, Tổng Thống Trump lặp lại tuyên bố của ông  rằng ông Schiff phải “từ chức khỏi Quốc Hội.” (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-chi-trich-dang-dan-chu-vi-cuoc-dieu-tra-luan-toi/

Ngoại trưởng Mỹ bị 3 ủy ban Hạ viện

buộc giao nộp tài liệu về Ukraine

Phe Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ, hiện đang theo đuổi một cuộc điều tra luận tội nhắm vào Tổng thống Donald Trump, xúc tiến cuộc điều tra này vào ngày thứ Sáu với việc ra trát buộc Ngoại trưởng Mike Pompeo giao nộp các tài liệu liên quan đến chính phủ Ukraine.
Theo sau một đơn khiếu nại của người tố cáo nói rằng ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, đã yêu cầu sự trợ giúp chính trị từ tổng thống của Ukraine mà có thể giúp ông tái đắc cử, các nhà lập pháp đang điều tra những lo ngại rằng các hành động của ông Trump gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sự toàn vẹn của các buộc bầu cử ở Mỹ.
Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tình báo và Ủy ban Giám sát Hạ viện cũng lên kế hoạch lấy lời khai của năm quan chức Bộ Ngoại giao trong hai tuần tới, bao gồm Kurt Volker, đặc phái viên của ông Trump tại Ukraine. Ông Volker đã từ chức vào ngày thứ Sáu, theo các nguồn tin biết về sự việc.
Không rõ ngay tức thì lí do từ chức của ông Volker là gì. Bộ Ngoại giao không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về trát buộc giao nộp tài liệu hoặc việc ông Volker từ chức, Reuters cho biết.
Các ủy ban công bố trát buộc giao nộp tài liệu sau khi chính quyền Trump lỡ mất hạn chót hôm thứ Năm để cung cấp các tài liệu và thông tin về những liên lạc với các quan chức Ukraine, cũng như cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Cuộc điện đàm đó là trọng tâm của cuộc điều tra luận tội mà bà Nancy Pelosi, chủ tịch của Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, đã loan báo trong tuần này.
Cuộc điều tra luận tội lại phủ bóng đen nữa xuống nhiệm quyền tổng thống của ông Trump, chỉ vài tháng sau khi ông thoát khỏi cái bóng của điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc liệu ông có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không.
Ông Trump đã phản ứng đầy phẫn nộ về cuộc điều tra luận tội, cho rằng ông không làm gì sai trái và cáo buộc phe Dân chủ tiến hành một cuộc “săn lùng phù thủy” có động cơ chính trị.
Hơn 300 cựu quan chức an ninh quốc gia từ cả hai chính quyền Cộng hòa và Dân chủ vào ngày thứ Sáu đã công khai ủng hộ cuộc điều tra luận tội, nói rằng họ không phán xét trước ​ kết cục mà muốn biết thêm các dữ kiện.
Các ủy ban cũng cho biết họ dự định lấy lời khai của Phó Trợ lý Ngoại trưởng George Kent, người giám sát chính sách Ukraine. Ông Kent là phó trưởng phái bộ tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev từ 2015 đến 2018, và phụ trách chính sách chống tham nhũng trong khu vực này trước thời điểm đó.
Vào ngày 4 tháng 10, Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng sẽ nghe lời khai chứng trong một phiên điều trần kín từ tổng thanh tra của cộng đồng tình báo Michael Atkinson, người đã xác định rằng đơn khiếu nại của người tố cáo là đáng tin cậy.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-bi-ba-uy-ban-ha-vien-buoc-giao-nop-tai-lieu-ve-ukraine/5102418.html

Chia rẽ ở Mỹ về điều tra luận tội TT Trump

Công luận Mỹ đang bị chia rẽ giữa một bên là những người tán thành quyết định của đảng Dân chủ, điều tra luận tội Tổng thống Trump, và một đàng là những người không tán thành, với 49% ủng hộ, 46% chống, trong khi thành phần độc lập nói chung, không ủng hộ tại thời điểm này, theo kết quả một cuộc thăm dò mới do đài NPR / PBS NewsHour / Marist thực hiện.
Cuộc thăm dò được thực hiện vào đêm thứ Tư 25/9 bằng các cuộc phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại, một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi loan báo tiến hành cuộc điều tra luận tội, nhưng trước khi công bố bức thư của một người tiết lộ thông tin, bày tỏ quan tâm về một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng Thống Ukraina, trong đó ông Trump ‘nhờ vả’ và áp lực nhà lãnh đạo Ukraina điều tra đối thủ chính trị của ông, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden. Hunter từng là thành viên hội đồng quản trị của một tập đoàn khí đốt Ukraina bị nghi ngờ có dính líu trong một vụ tham nhũng.
Làm như vậy, Tổng thống Trump được coi là đã mời gọi nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, và lạm dụng quyền lực của mình nhắm phục vụ lợi ích chính trị cá nhân.
Vì vậy, các nhà thăm dò cảnh báo rằng những diễn tiến mới có thể thay đổi dư luận nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh cứ 10 người thì có 7 người nói họ đang theo sát tin tức.
Ông Lee Miringoff, giám đốc Viện nghiên cứu công luận Marist, người đã tiến hành khảo sát 864 đối tượng, nói:
“Các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội cần làm việc để thuyết phục mọi người về sự hữu ích của cuộc điều tra”.
Người tiết lộ thông tin, hiện vẫn chưa lộ diện, còn tố các quan chức Toà Bạch Ốc là cố giấu nhẹm những trao đổi giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine bằng cách chuyển thông tin sang một máy tính khác, chứa thông tin mật, để ém nhẹm nội dung cuộc điện đàm.
Theo cuộc thăm dò của NPR/PBS/Marist, sự chia rẽ thể hiện những khác biệt về đảng phái, giới tính, trình độ giáo dục và nơi cư ngụ. Những người theo đảng Dân chủ; là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có trình độ đại học; và cư dân các thành phố phần lớn ủng hộ cuộc điều tra luận tội.
Những người theo Đảng Cộng hòa, sinh sống ở nông thôn và thuộc phái nam phần đông không ủng hộ tiến trình điều tra luận tội.
Vẫn theo cuộc thăm dò này thi nhìn chung, 71% nói họ rất chú ý hoặc chú ý đáng kể đến tin tức liên quan tới vụ điều tra luận tội của Hạ viện về Tổng thống Trump.
Ba phần tư người Mỹ, kể cả đa số đảng viên Cộng hòa, nói người tiết lộ thông tin nên ra trước Quốc hội làm chứng. Đa số tin là cần điều tra về nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, với 54% người được khảo sát gọi đây là vấn đề ‘rất nghiêm trọng’.
Một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters và Ipsos thực hiện vào thứ Hai 23/9 và thứ Ba 24/9 cho thấy 37% số người được hỏi ủng hộ việc luận tội tổng thống so với 45% người phản đối. Con số 37% đã giảm từ 41% ba tuần trước và giảm xuống so với mức 44% hồi tháng 5, sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố báo cáo của ông về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, các nhà bình luận lưu ý rằng trong quá khứ tỷ lệ các cuộc luận tội thành công không cao. Cho tới giờ, chưa có tổng thống Mỹ nào bị truất phế theo lối đó. Hơn nữa, mặc dù đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ cần đa số 2/3 số phiếu để bãi nhiệm tổng thống.
https://www.voatiengviet.com/a/chia-re-o-my-ve-diei-tra-luan-toi-trump/5101737.html

Bầu cử Mỹ: Những gì đã biết

và ứng cử viên gốc Á Andrew Yang?

By Zhaoyin FengBBC tiếng Trung, Washington
Thành công của Andrew Yang là một trong những yếu tố bất ngờ của cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020 và fan hâm mộ của ông chắc chắn cũng là một trong những người trung thành nhất.
Như thế nào là đối lập với Donald Trump?
Câu trả lời của ứng cử viên đảng Dân chủ Andrew Yang, là chính ông – “một anh chàng châu Á giỏi toán”.
Với một đề xuất thu nhập cơ bản phổ biến 1.000 đô la một tháng và một cái nhìn bi quan về sự khủng hoảng kinh tế cùng với sự hài hước, Yang đã tạo ra một sự đột biến đáng kinh ngạc.
Gần như không được biết đến khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, giờ đây ông đã thu thập được một nhóm người ủng hộ trực tuyến gọi là “Gang Yang” (Băng đảng của Yang) và danh hiệu “vua meme” trong số các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Doanh nhân công nghệ 44 tuổi này tập trung vào chiến dịch của mình về thu nhập cơ bản phổ quát, còn được gọi là “Freedom Dividend”, một đề xuất cung cấp cho mỗi người Mỹ trên 18 tuổi 1.000 đô la mỗi tháng mà không có sự ràng buộc nào.
Mỹ: ƯCV tổng thống tranh cãi nảy lửa về bảo hiểm sức khỏe
Vết cắt sâu vào sự thịnh vượng của Trung Quốc
Ứng cử viên Mỹ: Không cho phỏng vấn trừ khi có nam giới đi kèm
Bầu cử 2020: Cả Trump và Warren cùng ca bài dân túy
Yang cảnh báo rằng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo có thể lấy đi gần một nửa số việc làm của Mỹ trong ba thập kỷ tới và ông tin rằng thu nhập cơ bản phổ quát có thể giúp giảm bớt gánh nặng và giải quyết các vấn đề xã hội khác nhau. Kế hoạch đầy tham vọng của ông có lẽ quá tốt để thành sự thật, thu hút tiếng cười từ các ứng cử viên trên sân khấu tranh luận, nhưng Yang nói rằng ông đã “dựa vào những con số”.
Sự ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò quốc gia dao động khoảng 3%, khiến ông đứng sau các ứng cử viên hàng đầu nhưng trên các thượng nghị sĩ giàu kinh nghiệm như Cory Booker và Amy Klobuchar.
Yang đang thực hiện khẩu hiệu chiến dịch “Make America Think Harder” (Khiến nước Mỹ suy nghĩ kỹ hơn) bằng cách khơi dậy một cuộc thả luận về mối đe dọa mà trí tuệ nhân gây ra cho việc làm ở Mỹ.
Tại một cuộc tuần hành ủng hộ Yang ở Washington DC, hàng trăm người ủng hộ đã nhiệt tình hét to tên ông và giơ biển hiệu “MATH”, viết tắt cho khẩu hiệu chiến dịch của Yang. Đám đông chủ yếu là người da trắng và người châu Á, đa phần là nam và rất trẻ.
“Một tiểu bang đã áp dụng ‘dividend’. Mọi người trong tiểu bang đó đều nhận được một hoặc hai nghìn đô la một năm. Đó là tiểu bang nào?” Yang hỏi, chỉ vào đám đông.
“Alaska!” Một phần lớn đám đông hét lại. Vẫn còn khá sớm trong cuộc đua tổng thống, nhưng những người ủng hộ trung thành của Yang đã ghi nhớ lời thoại của ông.
“Và họ đã tài trợ nó như thế nào?”
“Dầu!” Từ năm 1982, Alaska đã trả tiền hàng năm cho người dân sống ở Alaska từ quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước được tài trợ bởi nguồn thu từ dầu mỏ.
“Và dầu của thế kỷ 21 là gì?” Dương hỏi lại những người ủng hộ.
“Công nghệ!”
Với nụ cười hài lòng, Yang cho biết những gì Alaska đã làm với khoản thu từ dầu có thể được thực hiện trên toàn quốc thông qua kế hoạch thu nhập cơ bản phổ quát với khoản thu từ “công nghệ”, một loại thuế giá trị gia tăng đối với các công ty công nghệ lớn.
Trong đám đông trong cuộc biểu tình có Jalen Adams, 19 tuổi và Emily Synoski, 18 tuổi, người đã đi 3 tiếng đồng hồ từ Delkn cho sự kiện này. Cô Synoski nói với BBC News rằng cô và nhiều người thế hệ của cô ủng hộ Yang vì ông tập trung vào tương lai, nơi những người trẻ tuổi bị đe dọa nhiều nhất.
“Chúng tôi sẽ là những người lao động ở đất nước này khi tự động hóa trở nên phổ biến.”
Sự ủng hộ từ thế hệ dùng mạng xã hội giúp Yang nổi tiếng hơn trên mạng. Kể từ các cuộc tranh luận chính đầu tiên của đảng Dân chủ, Yang có số lượng người theo dõi trên Twitter nhiều hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác.
“Tôi muốn chắc chắn rằng tất cả những bạn của tôi đã nghe về Andrew Yang,”Adams nói.
Nhưng sự nổi tiếng này không phải lúc nào cũng đem lại sự ủng hộ mà Yang mong muốn. Lời cảnh báo của ông về tình trạng thất nghiệp hàng loạt do tự động hóa gây ra cộng hưởng với người phe cực hữu, người coi ông là người đồng cảm với hoàn cảnh của những người lao động Mỹ.
Tuy nhiên họ sử dụng những hình ảnh của ông kèm theo các thông điệp phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Một số người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng nổi tiếng đã ca ngợi chính sách của ông, nhưng Yang nói rằng: “Họ hoàn toàn ngược lại với những gì tôi đấu tranh cho.”
Khẳng mình là một dân ngoại đạo về chính trị nhưng lại nhận ra vấn đề cấp bách nhất trong tương lai của nước Mỹ, Yang đã giành được sự ủng hộ từ cả những người cấp tiến và những người bảo thủ, từ những người ủng hộ trước đây của Bernie Sanders cho đến những người đã bỏ phiếu cho Donald Trump vào năm 2016.
Yang kêu gọi các nhân viên công nghệ tại Thung lũng Silicon, bao gồm Elon Musk của Tesla, người công khai ủng hộ ông trên Twitter, cho rằng Yang dường như hiểu được các tác động của công nghệ đến xã hội và đề xuất các phương pháp dựa trên dữ liệu để giải quyết chúng.
Yang cũng đã huy động các cử tri người Mỹ gốc Á, những người thường có xu hướng ít tham gia hoạt động chính trị hơn. Là con trai của một người nhập cư Đài Loan, ông là một trong những người Mỹ gốc Á đầu tiên và được biết đến nhiều nhất trong lịch sử tranh cử tổng thống.
Allison Qiu, người nhập cư Trung Quốc đã đưa cô con gái sáu tuổi của mình đến một cuộc tuần hành ủng hộ Yang, cuộc tuần hành chính trị đầu tiên của hai mẹ con. “Tôi muốn con gái tôi thấy rằng một người trông giống chúng ta có thể ra tranh cử tổng thống ở đất nước này,” Qiu nói với BBC News.
Yingchao Zhang, một nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Hoa ở New Jersey và là người ủng hộ Yang, tin rằng chiến dịch của ông sẽ khuyến khích nhiều người Mỹ gốc Á tham gia chính trị. “Họ sẽ không còn nghĩ rằng họ vĩnh viễn là người ngoài nữa.”
Tuy nhiên, một số trò đùa đặc trưng của Yang có thể bị cho là ủng hộ những định kiến về người ​​gốc Á. Hình ảnh của ông được xây dựng dựa trên ý tưởng “một người đàn ông châu Á giỏi toán”.
“Tôi là người châu Á, vì vậy tôi biết rất nhiều bác sĩ,” ông nói trong cuộc tranh luận với các ứng cử viên Dân chủ khác được truyền hình toàn quốc tại Houston.
Yang sau đó trở thành chủ đề của một cuộc tranh luận về phân biệt chủng tộc.
Khi diễn viên hài Shane Gillis bị chỉ trích vì đã nhại giọng Yang và dùng một số từ ngừ kỳ thị để nói về Yang, Yang đã kêu gọi sự tha thứ thay vì trừng phạt, nhưng khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á bất mãn.
Ông cũng bị chỉ trích vì đã so sánh cách xã hội Mỹ phản ứng với sự phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á và với người gốc Phi.
Ứng cử viên người Mỹ gốc Đài Loan có lẽ cũng phải cẩn thận hơn trong bối cảnh quan hệ đối ngoại quốc tế phức tạp. Trong cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ, một trong hai câu hỏi duy nhất mà Yang nhận được là về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, mà ông tin rằng sẽ chỉ làm tổn thương ví tiền của người dân Mỹ.
Trong cuộc tranh luận gần đây nhất, Yang tuyên bố cha ông lớn lên ở “một nông trại trồng lạc ở châu Á” mà không đề cập cụ thể là ở Đài Loan hay không.
Một số người cho rằng các tuyên bố mơ hồ của ông là một nỗ lực để kiềm chế những tranh cãi tiềm tàng có thể khiến ông và những người ủng hộ người Mỹ gốc Hoa của ông bị cô lập. Mặc dù Yang cho biết tiếng Quan thoại của ông “khá kém”, nhưng báo chí Trung Quốc đã đưa tin về ông với một sự tò mò và kỳ vọng cao.
Một trong những trang web tin tức phổ biến nhất ở Trung Quốc, The Paper, gọi Yang là “một siêu tân tinh” chiến đấu với “cuộc chiến của kẻ dưới quyền”.
Liệu Yang có thể vươn lên cao hơn hay không, vẫn cần phải tiếp tục theo dõi. Nhưng ông chắc chắn đang tận hưởng niềm vui có được trong chiến dịch của mình, với những video cho thấy ông đang nhảy nhót, chơi bóng rổ và gặp gỡ đám đông.
Một người dùng Twitter bình luận: “Thật là mới mẻ khi thấy một chính trị gia vui vẻ và gặp gỡ những người ủng hộ ông ta.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49868700

Cà phê miễn phí và nhiều ưu đãi khác

tại nhiều cửa hàng Hoa Kỳ

nhân ngày National Coffee Day

Theo bản tin của tờ LA Times, vào Chủ Nhật (29 tháng 9), người dân và cả du khách đến Hoa Kỳ sẽ nhận được nhiều ưu đãi, và thậm chí là những tách cà phê miễn phí, nhân ngày National Coffee Day tại những cửa hàng bán donut và cà phê.
Nếu tải ứng dụng của cửa hàng Pilot Flying J, sẽ nhận được một tách cà phê nóng hoặc lạnh miễn phí, bao gồm cà phê vị quế hoặc cappuccino vị bí ngô. Pilot Flying J là một cửa hàng di động thường được tìm thấy ở phía bắc trung tâm thành phố Los Angeles ở Lebec, Frazier Park, Tehachapi và Bakersfield.
Một cửa hàng nổi tiếng khác là Dunkin’, nổi tiếng vì món bánh doughnut đi kèm với cà phê, cũng đưa ra ưu đãi mua-một-tặng-một vào ngày Chủ Nhật. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Dunkin là Krispy Kreme sẽ cung cấp cho khách hàng một tách cà phê và một chiếc bánh doughnut miễn phí nhân ngày National Coffee Day.
Tại cửa hàng Coffee Bean and Tea Leaf, nếu khách hàng mua một loại bánh có giá ít nhất 2 Mỹ kim sẽ được tặng một tách cà phê 16 ounce.
Cửa hàng Cinnabon cũng sẽ phát một tách cà phê miễn phí cho mọi thực khách ghé đến cửa hàng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ca-phe-mien-phi-va-nhieu-uu-dai-khac-tai-nhieu-cua-hang-hoa-ky-nhan-ngay-national-coffee-day/

Hoa Kỳ chưa có ý định hủy niêm yết

các công ty Trung Cộng trên thị trường chứng khoán

Vào hôm Thứ Bảy (28 tháng 9), tờ Bloomberg dẫn lời một viên chức thuộc Cơ Quan Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết nước này chưa có ý định hủy niêm yết của các công ty Trung Cộng trên thị trường chứng khoán.
Phát ngôn viên của Cơ Quan Ngân Khố Hoa Kỳ Monica Crowley cho biết chính quyền Trump không có dự định sẽ hủy niêm yết của các công ty Trung Cộng trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ “trong thời điểm hiện tại.”
Trước đó vào thứ sáu (ngày 27 tháng 9), Reuters đưa tin chính quyền Tổng Thống Donald Trump đang xem xét hủy niêm yết các công ty Trung Cộng khỏi các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, một hành động được cho là một phần trong nỗ lực nhằm hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-chua-co-y-dinh-huy-niem-yet-cac-cong-ty-trung-cong-tren-thi-truong-chung-khoan/

Chính quyền Trump gặp trở ngại pháp lí

với kế hoạch trục xuất nhanh di dân

Một thẩm phán liên bang đã ra lệnh cho Bộ An ninh Nội địa gác lại một kế hoạch mà nếu được thi hành sẽ khiến thêm nhiều người dễ rơi vào diện trục xuất nhanh chóng cho đến khi tòa án có thể phán quyết về vấn đề này.
Vụ kiện, được đệ trình bởi WeCount! và những người vận động di trú khác, đã yêu cầu tòa án ở Washington lật ngược một kế hoạch đưa những người không có giấy tờ vào diện trục xuất mà không có sự giám sát của tòa án trừ phi họ có thể chứng minh rằng họ đã ở trong nước hơn hai năm.
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson của Tòa án Khu vực tư pháp liên bang Địa khu Columbia ban hành một lệnh cấm sơ bộ vào ngày thứ Sáu, gác lại luật này cho đến khi nó có thể được tranh tụng, nói rằng những người được đại diện bởi những người vận động di trú “sẽ bị tổn hại không thể khắc phục được bởi hành động của cơ quan bị kiện.”
Trước đây, chỉ những người nhập cư bị bắt giữ trong vòng 100 dặm (161 km) tính từ biên giới và hiện diện ở Mỹ hai tuần hoặc ít hơn mới có thể bị xếp vào diện trục xuất nhanh chóng. Chính sách này đặt ra ngoại lệ đối với những người nhập cư có thể chứng tỏ được họ có “nỗi sợ khả tín” về việc bị bức hại ở đất nước của họ.
Reuters cho biết Bộ Tư pháp Mỹ trả lời trong một phát biểu qua email rằng quyết định này “làm suy yếu các luật do Quốc hội ban hành và những nỗ lực cẩn trọng của Chính quyền Trump thi hành các luật đó.”
Cũng trong ngày thứ Sáu, một thẩm phán liên bang ở California đã chặn một quy định của chính quyền Trump mà lẽ ra sẽ cho phép giam giữ vô thời hạn các gia đình di dân, nói rằng nó không nhất quán với một phán quyết tòa án từ hàng chục năm quy định về điều kiện giam giữ trẻ em di dân ở Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-gap-tro-ngai-phap-li-voi-ke-hoach-truc-xuat-nhanh-di-dan/5102617.html

Thủ tướng Anh: “Không có sai trái”

 trong quan hệ với nữ doanh nhân

Ông Boris Johnson nói rằng “không có vấn đề lợi ích nào phải khai” liên quan mối liên hệ với nữ doanh nhân Hoa Kỳ Jennifer Arcuri.
Đã có cáo buộc cho rằng bà Arcuri đã nhận được sự đối xử thuận lợi do tình bạn của bà với ông Johnson.
Cơ quan giám sát của cảnh sát Anh đang quyết định có nên điều tra thủ tướng hay không về một hành vi phạm tội tiềm tàng về hành vi sai trái trong công sở khi ông còn là thị trưởng London.
Ông Johnson cho biết mọi việc đã được thực hiện “thích hợp”.
Anh: Vụ tấn công đời tư Thủ tướng là “động cơ chính trị”
Quốc hội và thời sự nghị viện – cái nhìn từ Anh qua Mỹ tới VN
EU sẽ lại phải gia hạn Brexit cho Anh?
Không có lợi ích nào để tuyên bố cả… Tôi tự hào về tất cả những gì tôi đã làm với tư cách là thị trưởng LondonThủ tướng Boris Johnson
Johnson sau một đêm ‘thất bát’ trong Quốc hội Anh
Nghị sỹ Lee bỏ đảng làm chính phủ Anh mất đa số
Các cáo buộc, lần đầu tiên được loan trên tờ Sunday Times, cho rằng bà Arcuri đã tham gia các phái đoàn thương mại do ông Johnson lãnh đạo khi ông là thị trưởng London và công ty của bà đã nhận được hàng ngàn bảng tiền tài trợ.
Tờ báo cũng đưa tin rằng bà Arcuri nói với bốn người bạn rằng bà đã có áp-phe tình ái với ông Johnson khi ông còn là thị trưởng London.
Vào thứ Sáu, nhân viên giám sát của Chính quyền London đã gửi hồ sơ vụ việc của thủ tướng đến Văn phòng Cảnh sát Độc lập về Hành vi (IOPC) – cơ quan có nhiệm vụ giám sát hành vi của thị trưởng và các thành viên khác của chính quyền London.
Được hỏi trên chương trình phỏng vấn của BBC do nhà báo Andrew Marr phụ trách rằng liệu có bất kỳ vấn đề lợi ích nào cần tuyên bố trong việc này, ông Johnson nói “không có lợi ích nào để tuyên bố cả”.
“Tôi tự hào về tất cả những gì tôi đã làm với tư cách là thị trưởng London,” ông nói thêm.
Ông Johnson cũng chỉ trích ông Sadiq Khan, thị trưởng đương kim của London, nói rằng chính trị gia thuộc đảng Lao động “có thể đang dành nhiều thời gian đầu tư vào các quan chức cảnh sát” trong vụ việc này, hơn là đáng làm các việc khác.
Ông Johnson nói thêm rằng ai đó ở vị trí thủ tướng của ông hiện nay cũng “mong đợi sẽ nhận được nhiều đạn và pháo nã vào”.
Jennifer Arcuri là ai?
Người phụ nữ ở trung tâm của câu chuyện này là Jennifer Arcuri, người mô tả bản thân trên Twitter là một doanh nhân, chuyên gia an ninh mạng và nhà sản xuất.
Bà bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một DJ trên Radio Disney, trước khi chuyển sang đóng phim – nơi bà biên kịch, sản xuất và đạo diễn một bộ phim ngắn được bán tại Liên hoan phim Cannes.
Arcuri sau đó đã mang các kỹ năng công nghệ của mình để tạo ra một nền tảng phát trực tuyến cho các nhà sản xuất phim độc lập.
Nhưng chính việc thành lập Mạng lưới Innotech ở London đã chứng kiến con đường của bà gặp gỡ với Boris Johnson.
Mạng lưới này tổ chức các sự kiện để thảo luận về chính sách công nghệ và ông Johnson là người phát biểu chính trong lần đầu tiên vào năm 2012.
Kể từ đó, bà Arcuri cũng đã thành lập một công ty khác có tên Hacker House, nơi tìm giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp.
Phát biểu trên Sky News, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cuối tuần này nói Thủ tướng không có vấn đề, câu hỏi nào để trả lời về các liên kết bị cáo buộc với nữ doanh nhân Mỹ.
“Bất kỳ khoản tiền nào liên quan đều trải qua quá trình đúng đắn – sự việc đã diễn ra một thời gian dài trước đây.
“Tất nhiên, trong chính trị, luôn có những cuộc cãi vã và luôn có những cuộc tranh luận về các cá nhân.”
Nhưng lãnh đạo đảng Lao động đối lập, ông Jeremy Corbyn nói giới chức giám sát của chính quyền London đã đưa ra “đánh giá độc lập hoàn toàn” và quyết định có “câu hỏi nghiêm trọng để trả lời”.
‘Hành vi sai trái’
Ông đã duy trì tình bạn với bà Jennifer Arcuri và kết quả là tình bạn đó đã cho phép bà Arcuri tham gia các chuyến công cán thương mại và nhận tiền tài trợ trong các bối cảnh mà bà và các công ty của bà lẽ ra không thể mong đợi nhận được những lợi ích đóThư của quan chức giám sát London
Trong một bức thư gửi cho ông Johnson, một quan chức giám sát của London nêu lý do của cơ quan này đã đề cập vấn đề với cơ quan giám sát của cảnh sát.
“Trong thời gian này [2008 - 2016] tôi đã nhận thấy rằng ông đã duy trì tình bạn với bà Jennifer Arcuri và kết quả là tình bạn đó đã cho phép bà Arcuri tham gia các chuyến công cán thương mại và nhận tiền tài trợ trong các bối cảnh mà khi bà và các công ty của bà lẽ ra không thể mong đợi nhận được những lợi ích đó,” bức thư viết.
Quan chức giám sát nói họ đã gửi vụ việc của Thủ tướng tới cơ quan IOPC “để có thể đánh giá liệu có cần thiết điều tra cựu thị trưởng London về phạm tội về hành vi sai trái trong công sở hay không”.
Bức thư nói rằng giám sát của chính quyền London đã ghi nhận một “vấn đề hành vi” đối với ông Johnson, điều này xảy ra khi có thông tin cho thấy hành vi phạm tội có thể đã được thực hiện.
Nhưng điều đó không có nghĩa là một hành vi phạm tội đã được chứng minh bằng bất kỳ cách nào, quan chức giám sát này nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49871104

Tàu chở dầu Anh đến Dubai

sau 10 tuần bị giam giữ ở Iran

Tin từ DUBAI – Theo dữ kiện vận chuyển của Refintiv, tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh Quốc đến hải Rashid của Dubai vào hôm thứ Sáu 27/09, sau khi rời khỏi vùng biển Iran.
Hồi tháng 7, chiếc tàu này bị giam giữ trong một cuộc tranh chấp với Anh Quốc, và sự việc gây căng thẳng ở vùng Vịnh. Stena Bulk, công ty Thụy Điển điều hành chiếc tàu này, cho biết vào sáng hôm thứ Sáu (27/9), tàu Stena Impero rời hải cảng Bandar Abbas của Iran và hướng tới Dubai, nơi thủy thủ đoàn sẽ được hồi hương sau 10 tuần bị giam giữ. Con tàu này bị Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ tại Eo biển Hormuz, một tuyến đường vận chuyển dầu lớn, với cáo buộc vi phạm hàng hải hai tuần sau khi Anh Quốc bắt giữ một tàu chở dầu Iran ngoài khơi Gibraltar. Chiếc tàu của Iran được thả vào tháng Tám.
Việc bắt giữ tàu làm gia tăng căng thẳng sau các cuộc tấn công vào tháng Năm và tháng Sáu nhằm vào các tàu buôn khác ở vùng biển vùng Vịnh. Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran về các vụ tấn công này, nhưng phía Tehran phủ nhận mọi cáo buộc. Tổ chức Cảng và Hàng hải của Iran tại tỉnh Hormozgan cho biết con
tàu bắt đầu khởi hành từ Bandar Abbas vào lúc 9 giờ sáng giờ Iran (0530 GMT). Nhưng họ cho biết rằng hồ sơ tư pháp trên tàu vẫn chưa hoàn tất, và quá trình xem xét các hành vi vi phạm của tàu vẫn đang diễn ra.
Vào hôm thứ Tư (25/9), Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng lệnh giam giữ tàu được dỡ bỏ, nhưng cuộc điều tra vẫn tiếp tục. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tau-cho-dau-anh-den-dubai-sau-10-tuan-bi-giam-giu-o-iran/

Công chúng Pháp

viếng linh cữu cố tổng thống Chirac

Kể từ 14 giờ chiều 29/09/2019 dân chúng Pháp đến viếng linh cữu cố tổng thống Jacques Chirac tại điện Invalides, quận 7 Paris. Đây là cuộc hội ngộ cuối cùng giữa dân Pháp với một vị tổng thống, một chính trị gia, lúc tại thế, rất gần gũi với người dân.
Lần đầu tiên trong nền đệ ngũ Cộng Hòa Pháp, dân chúng được đến nghiêng mình trước linh cữu của một vị tổng thống. Gia đình ông Jacques Chirac coi đây là cơ hội cuối cùng để người dân Pháp giã từ nhà lãnh đạo được họ yêu mến.
Linh cữu của cố tổng thống Pháp được đặt tại nhà thờ Saint Louis trong khuôn viên điện Invalides. Nghi lễ bắt đầu bằng một buổi cầu nguyện liên tôn giáo, đại diện cho Công Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo.
Trong buổi lễ chiều 29/09, mỗi người đến viếng cố tổng thống Chirac sẽ được tặng một cuốn sách nhỏ với những phát biểu quan trọng nhất trong gần 50 năm sự nghiệp chính trị của Jacques Chirac. Cũng tại điện Invalides, ban tổ chức cho phát hình lại 9 bài diễn văn tiêu biểu nhất của tổng thống Chirac trong 12 năm tại điện Elysée (1995-2007) .
Ngay từ sáu giờ sáng 29/09, dưới mưa, công chúng đã đếp xếp hàng dài trước cổng vào nhà thờ Saint Louis tại điện Invalides. Đây là nơi quàn linh cữu tổng thống Pháp cho đến 12 giờ trưa Thứ Hai, 30 tháng 9, khi lễ quốc tang được cử hành tại nhà thờ Saint Sulpice, cách không xa điện Invalides.
Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, ba vị cựu tổng thống François Hollande, Nicolas Sarkozy và Valérie Giscard d’Estaing sẽ cùng lãnh đạo của khoảng 30 quốc gia trên thế giới đến tiễn đưa Jacques Chirac về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông sẽ được an táng tại nghĩa trang Montparnasse, quận 14 Paris, bên cạnh ngôi mộ của trưởng nữ Laurence Chirac.
http://vi.rfi.fr/phap/20190929-cong-chung-phap-vieng-linh-cuu-co-thong-thong-chirac

Hàng nghìn người Nga tuần hành,

đòi thả người ở Moscow

Một cuộc tuần hành ở thủ đô Moscow của Nga hôm 29/9 đã thu hút khoảng 9 nghìn người, Reuters đưa tin, dẫn nhóm theo dõi biểu tình White Counter.
Nhóm này nói rằng cảnh sát không chặn cổng vào nơi biểu tình.
Tin cho hay, văn phòng thị trưởng Moscow đã cho phép diễn ra cuộc tuần hành đòi thả những người biểu tình bị bắt hồi mùa hè năm nay.
Điều này, theo Reuters, đồng nghĩa với chuyện bắt giữ hàng loạt của cảnh sát ít khả năng xảy ra.
XEM THÊM:
Biểu tình lớn nhất ở Moscow gần 10 năm qua đòi bầu cử tự do
Nhiều người đã bị bắt hồi tháng Bảy khi biểu tình phản đối chuyện loại nhiều ứng cử viên đối lập khỏi cuộc bầu cử địa phương.
Nhiều người đã bị kết án lên tới 4 năm tù giam trong khi nhiều người khác bị truy tố tội gây bạo lực đối với cảnh sát.
Trước cuộc tuần hành trên, chính trị gia đối lập Leonid Volkov viết trên Twitter: “Nếu có 50 nghìn người tham gia, họ sẽ thả tất cả mọi người”.
https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0ng-ngh%C3%ACn-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nga-tu%E1%BA%A7n-h%C3%A0nh-%C4%91%C3%B2i-th%E1%BA%A3-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%E1%BB%9F-moscow/5103165.html

Syria yêu cầu Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ rút quân,

 cảnh báo các biện pháp đối phó

Tin từ Liên Hiệp Quốc – Theo Reuters, vào hôm thứ Bảy (28/09/2019), bộ trưởng  Ngoại giao Syria, Walid al-Moualem đã yêu cầu Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức rút quân khỏi nước này, đồng thời cảnh báo lực lượng chính phủ Syria có quyền sử dụng các biện pháp đối phó.
Hoa Kỳ có khoảng 1,000 quân tại Syria để giải quyết phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành các cuộc can thiệp quân sự vào miền bắc Syria, nhắm vào Nhà nước Hồi giáo và phiến quân YPG người Kurd.
Năm ngoái Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra lệnh rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria, sau đó tổng thống lại quyết định để lại một số lực lượng, nhằm bảo đảm rằng phiến quân Nhà nước Hồi giáo không thể quay trở lại.
Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch xây dựng nơi cư trú cho 1 triệu người tị nạn Syria trong khu vực. Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tuần tra chung dọc theo một phần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Ankara vẫn tức giận với sự hỗ trợ của Washington cho YPG, đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Vào năm 2011, một cuộc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã dẫn đến nội chiến. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã lợi dụng sự hỗn loạn để chiếm lãnh thổ ở Syria và Iraq. Các lực lượng Assad được hỗ trợ bởi không quân Nga đã thực hiện các cuộc tấn công ở khu vực Idlib ở phía tây bắc đất nước, phần lớn lãnh thổ còn lại vẫn nằm trong tay phiến quân sau hơn tám năm chiến tranh. Các quốc gia phương Tây đã cáo buộc các lực lượng Nga và Syria nhắm vào thường dân ở tây bắc Syria.
Chính sách của tổng thống Trump tại Syria được cho là bất nhất, không có định hướng. Vào năm 2017, ông ra lệnh bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào lãnh thổ Syria vì cho rằng chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng sau đó, ông lại quyết định rút hết quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Syria. Ngược lại, Nga đã thành công trong việc bảo vệ chính quyền Assad. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/syria-yeu-cau-hoa-ky-tho-nhi-ky-rut-quan-canh-bao-cac-bien-phap-doi-pho/

Cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan

 diễn ra khá suông sẻ nhưng tỉ lệ bỏ phiếu thấp

Tin từ Kabul – Vào hôm thứ Bảy (28 tháng 9), an ninh của cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan được thắt chặt để bảo đảm mọi việc suông sẻ.
Có một vài cuộc tấn công nhỏ. Tỉ lệ bỏ phiếu ít ỏi làm gia tăng lo ngại về các kết quả không rõ ràng có thể khiến đất nước này rơi vào hỗn loạn. Dự kiến 17/10/2019 sẽ có kết quả sơ bộ, và 07/11/2019 sẽ có kết quả cuối cùng. Nếu không ứng cử viên nào được 51% phiếu bầu, vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức cho hai ứng cử viên hàng đầu.
Các phiến quân Taliban đã tấn công một số điểm bỏ phiếu để gây gián đoạn. Nhưng nhờ an ninh được thắt chặt, quy mô các cuộc tấn công đã không lan rộng. Các viên chức của Ủy ban Bầu cử Độc lập (IEC) đã không chia sẻ chi tiết thông tin cuộc bỏ phiếu. Nhưng các nhà ngoại giao phương Tây ở Kabul ước tính tỉ lệ ở mức thấp do các lo ngại về bạo lực, và sự chậm trễ trong tổ chức của các cơ quan bầu cử .
IEC đã không thể liên lạc với 901 trong số 4942 địa điểm bỏ phiếu, có thể do các lực lượng Taliban can thiệp.
Hơn một chục ứng cử viên đang cạnh tranh cho chức tổng thống, dẫn đầu bởi tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah. Người chiến thắng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ kết thúc cuộc chiến với Taliban, và nối lại đàm phán nào giữa nhóm phiến quân Hồi giáo và Hoa Kỳ.
Một số cuộc tấn công quy mô nhỏ đã diễn ra khắp nước, bao gồm các vụ nổ bom ở một điểm bỏ phiếu ở phía nam thành phố Kandahar khiến 16 người bị thương, bốn vụ nổ ở phía đông thành phố Jalalabad khiến 1 người tử vong, ở Kabul và Ghazni. Ở phía bắc tỉnh Faryab, lực lượng Afghan đụng độ với các tay súng Taliban ở sáu quận khiến người dân phải ẩn náu trong nhà. Hơn 400 điểm bỏ phiếu khác bị dừng hoạt động do sự kiểm soát của Taliban. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cuoc-bau-cu-tong-thong-afghanistan-dien-ra-kha-suong-se-nhung-ti-le-bo-phieu-thap/

Dân Đài Loan xuống đường ủng hộ Hồng Kông

Thu Hằng
Trong khi người dân Hồng Kông khởi động loạt biểu tình đòi dân chủ cho đến ngày quốc khánh Trung Quốc, hàng ngàn người ở Đài Bắc và Sydney (Úc) đã xuống đường ngày 29/09/2019 để ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông.
Theo AFP, người dân hai thành phố lớn hưởng ứng chiến dịch « ngày chống chủ nghĩa độc tài » với khẩu hiệu « Cứu Hồng Kông, Chống Độc tài ». Tại Sydney, nhóm thân Bắc Kinh không dám đến gần vì e ngại xảy ra đụng độ như hồi tháng 8.
Theo thông tín viên RFI Angélique Forget tại Thượng Hải, những sự kiện đang diễn ra ở đặc khu hành chính khiến người dân Đài Loan lo ngại cho số phận của hòn đảo.
« ‘Cùng nhau ủng hộ Hồng Kông, cùng nhau chống chế độ chuyên chế’, đây là khẩu hiệu mà các nhà tổ chức đặt cho cuộc tuần hành diễn ra ở Đài Bắc.
Từ khi phong trào phản kháng nổ ra ở Hồng Kông, đây không phải là lần đầu tiên người dân Đài Loan tuần hành vì họ cũng sợ ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thực trạng của hai vùng đất lại rất khác nhau : trên nguyên tắc, Hồng Kông được hưởng một quyền tự trị nào đó, nhưng thuộc về Trung Quốc ; còn Đài Loan, thực tế là một hòn đảo độc lập nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Vào đầu năm 2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí đã đe dọa dùng vũ lực chiếm lại hòn đảo và áp dụng quy chế ‘một quốc gia hai chế độ’ tương tự như trường hợp Hồng Kông.
Tình trạng khủng hoảng hiện nay ở cựu thuộc địa Anh khiến người dân Đài Loan lo ngại, đồng thời tạo đà cho những người ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Uy tín của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người không khoan nhượng trước Trung Quốc, cũng được tăng lên trong các cuộc thăm dò, trong khi chỉ vài tháng trước đây, bà bị cho là sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông rõ ràng đã gây được thiện cảm ở Đài Loan ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190929-dan-dai-loan-xuong-duong-ung-ho-hong-kong

Cảnh sát Hồng Kông bắn hơi cay

và dùng vòi rồnggiải tán người biểu tình

Tin từ Hồng Kông – Theo Reuters đưa ti, vào ngày 28/09, cảnh sát Hồng Kông bắn hơi cay và dùng vòi rồng để giải tán những người biểu tình chống chính phủ.
Người biểu tình ném đá, đập vỡ cửa sổ và làm tắc nghẽn một tuyến đường chính gần trụ sở của quân đội Trung Cộng. Những người biểu tình này mặc đồ đen, đeo mặt nạ và dùng ô dù để che chắn. Cảnh sát điều các xe  bắn vòi rồng phun nước nhuộm màu xanh vào những người biểu tình tụ tập. Thuốc nhuộm màu xanh này thường được sử dụng ở các quốc gia khác để giúp xác định những kẻ phạm tội. Những người biểu tình đập vỡ cửa sổ của các văn phòng chính phủ, cố gắng đột nhập, vẽ những câu khẩu hiệu lên mặt trước của các cửa hàng.
Bên cạnh đó, hàng ngàn người già và trẻ tụ tập một cách yên bình tại một công viên gần bến cảng để kỷ niệm 5 năm “phong trào ô dù” ở Hồng Kông.
Một loạt các cuộc biểu tình chống lại các nhà cầm quyền Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh được dự kiến diễn ra trước lễ kỷ niệm 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Thứ Ba (1/10). Những người biểu tình chống chính phủ tấn công cơ quan lập pháp, văn phòng liên lạc chính của Bắc Kinh, chiếm phi trường, ném bom xăng vào cảnh sát, phá hoại các trạm tàu điện ngầm và đốt cháy đường phố. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay, súng nước và đạn cao su.
Hệ thống tàu điện ngầm MTR phải đóng cửa tại một số ga vào thứ Bảy (28/9) để ngăn chặn các cuộc tấn công mới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-hong-kong-ban-hoi-cay-va-dung-voi-rong-giai-tan-nguoi-bieu-tinh/

Hồng Kông : Xuống đường chống độc tài,

xung đột cảnh sát-biểu tình

Tú Anh
Thêm một ngày xung đột tại Hồng Kông giữa người biểu tình đòi dân chủ và cảnh sát dã chiến. Đụng độ xảy ra tại khu thương mại Đồng La Loan (Causeway Bay). Cảnh sát sử dụng lựu đạn cay phá vòng vây và bắt một số người biểi tình tham gia « ngày chống chủ nghĩa độc tài » 29/09/2019.
Phong trào phản kháng tại Hồng Kông gia tăng áp lực vào hai ngày cuối tuần trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc chuẩn bị đại lễ đánh dấu 70 năm đảng Cộng Sản nắm quyền.
Cũng như cuộc tuần hành « kỷ niệm 5 năm cách mạng Dù Vàng » hôm 28/09/2019, cuộc « xuống đường chống các chủ nghĩa độc tài » ngày Chủ Nhật 28/09/2019 bắt đầu trong ôn hòa rồi kết thúc trong bạo lực. Theo AFP, cảnh sát sử dụng lựu đạn cay sau khi bị những người biểu tình nổi giận bao vây và mắng chửi ở khu thương mại sang trọng Đồng La Loan.
Hôm 28/09, tại công viên Tamar, hàng chục ngàn dân Hồng Kông tập họp cùng nhau « tổng kết » thành quả cuộc nổi dậy năm 2014 còn gọi là « cách mạng Dù Vàng » kéo dài 80 ngày.
Từ Hồng Kông, đặc phái viên Vincent Souriau gửi về bài phóng sự :
« Chúng tôi đang ở công viên Tamar, cách trụ sở chính quyền đặc khu 100 mét. Tất cả mọi người ngồi trên bãi cỏ, thảo luận, lắng nghe các diễn giả chuyền tay nhau máy vi âm.
Chủ đề cuộc thảo luận là tổng kết thành quả chiến dịch Dù Vàng mà theo nhận định của Micky, một công nhân 25 tuổi, thì chỉ mới đạt được « nửa vời ». Cuộc nổi dậy không đưa đến kết quả chính trị nhưng đánh thức được phần nào công luận Hồng Kông.
Một người khác nhìn nhận là chưa giành được điều mong mỏi qua cuộc Cách mạng Dù. Tuy nhiên, không thể nói là thất bại bởi vì biến cố 2014 đã làm thay đổi Hồng Kông. Người dân tỉnh thức, thấy rõ đâu là những giá trị cần được bảo vệ. Về phương pháp đấu tranh cũng thế : từ cuộc bãi khóa của sinh viên, học sinh bước qua phong trào chiếm đóng thành phố. Ngày nay, chúng tôi tiếp tục lấy chiến dịch Dù Vàng làm cảm hứng.
Tại công viên Tamar, tất cả mọi người đều đồng ý. Phong trào Dù Vàng năm 2014 là bước đầu tiên, là cú thử trắc nghiệm, không thành công nhưng là chất xúc tác cho hành động của cả thế hệ sau.
Một thanh niên giải thích : Cách mạng Dù là một tiền lệ giúp chúng tôi thấy rõ có thể làm một điều gì hữu ích hơn là ngồi nhà mà than thở hết ngày này sang tháng nọ. Người sinh viên tham gia xuống đường hôm nay là những học sinh trung học năm 2014. Tia lửa là những chiếc dù mở đường và chỉ có vậy thôi mà đã làm một bước tiến thật to lớn.
Cuộc thảo luận lẽ ra kéo dài hai tiếng đồng hồ nhưng phải kết thúc sớm sau khi có nhiều vụ xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình cách công viên vài con đường ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190929-hong-kong-xuong-duong-chong-doc-tai-xung-dot-canh-sat-bieu-tinh

70 năm Trung Quốc:

Vết cắt sâu dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản

Sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc là một câu chuyện tiêu biểu của Thế kỷ 20, nhưng khi đất nước này đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập, John Sudworth của BBC tại Bắc Kinh tự hỏi ai mới là người thực sự chiến thắng dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngồi tại bàn làm việc ở thành phố Thiên Tân của Trung Quốc, con dao của Zhao Jingjia đang lần theo nếp của một khuôn mặt.
Sau những nét cắt tinh tế, một khuôn mặt không thể nhầm lẫn được dần hiện ra, Mao Trạch Đông, người sáng lập ra Trung Quốc hiện đại.
Kỹ sư dầu đã nghỉ hưu đã phát hiện khả năng sử dụng dao thần kỳ của mình và sử dụng nghệ thuật cắt giấy cổ xưa để tôn vinh các nhà lãnh đạo và các sự kiện lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hong Kong trước Quốc khánh TQ: Người biểu tình lên lịch, Joshua Wong sắp tranh cử
Suy thoái kinh tế Trung Quốc tệ đến mức nào?
Mỹ thúc đẩy Đạo luật về dân chủ Hong Kong, TQ tức giận
Dân Campuchia ‘xưa không ưa người Việt nay lo ngại TQ’
“Tôi tính ra bằng tuổi với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” ông nói. “Tôi có tình cảm sâu sắc với quê hương, nhân dân và đảng của tôi.”
Sinh vài ngày trước ngày 1/10/1949 – ngày ông Mao tuyên bố ngày khai lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), cuộc sống của Zhao đi cùng với những thay đổi, phát triển của Trung Quốc, từ nghèo đói, đàn áp và vươn lên thịnh vượng.
Giờ đây, trong căn hộ khiêm tốn nhưng tiện nghi của mình, nghệ thuật của Zhao đang giúp ông cảm nhận được một trong những thời kỳ hỗn loạn nhất của lịch sử loài người.
“Không phải Mao là một con quái vật, chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng chục triệu người hay sao?” tôi hỏi.
“Tôi đã sống qua nó,” Zhao trả lời. “Tôi có thể nói với anh rằng Mao Chủ tịch đã phạm một số sai lầm nhưng đó không phải là lỗi của ông ấy hoàn toàn.”
“Tôi tôn trọng ông ấy từ trái tim tôi. Ông ấy đã giải phóng đất nước chúng tôi. Người thường không thể làm những việc như vậy.”
Vào thứ ba, Trung Quốc sẽ cho thế giới thấy sự thịnh vượng phồn vinh của nó.
Bắc Kinh đang tổ chức một trong những cuộc diễu hành quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay, kỷ niệm 70 năm cai trị của Đảng Cộng sản như một chiến thắng chính trị thuần túy.
Bắc Kinh sẽ rùng mình trước tiếng sấm của xe tăng, bệ phóng tên lửa và 15.000 binh sĩ diễu hành, một sự phô bày về sức mạnh quốc gia, sự giàu có và địa vị trước sự có mặt của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đương nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình, tại Quảng trường Thiên An Môn.
Một tường thuật không đầy đủ về sự tiến bộ
Giống như chân dung cắt giấy của ông Zhao, chúng tôi không có ý định tập trung vào nhiều vết sẹo riêng lẻ được tạo ra trong quá trình lịch sử hiện đại của Trung Quốc.
Kết quả cuối cùng mới quan trọng.
Về bề ngoài, sự thay đổi này quả là phi thường.
Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Chủ tịch đứng ở Quảng trường Thiên An Môn kêu gọi một nhà nước tàn bạo, nửa phong kiến ​​tiến vào một kỷ nguyên mới với một bài phát biểu và một cuộc diễu hành chỉ có thể tập trung 17 chiếc máy bay
Ngược lại, cuộc diễu hành tuần này sẽ có tên lửa hạt nhân liên lục địa tầm xa nhất thế giới và một máy bay không người lái gián điệp siêu thanh – chiến tích của một siêu cường độc tài đang lên với tầng lớp trung lưu đã lên đến 400 triệu người.
Đó là một câu chuyện về thành công chính trị và kinh tế mà phần lớn là sự thật – nhưng, tất nhiên là không đầy đủ.
Những du khách mới đến Trung Quốc thường rất kinh ngạc trước các siêu đô thị nhà chọc trời, công nghệ cao được kết nối bởi các đường cao tốc hoàn toàn mới và mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Họ nhìn thấy một xã hội tiêu dùng tràn lan với những cư dân tận hưởng sự tự do và thời gian rảnh để mua sắm hàng hiệu, ăn tối trong nhà hàng.
“Như thế này đâu có đến nỗi tệ?” những người khách mới đến sẽ tự hỏi khi nghĩ về những điều tiêu cực mà họ đã đọc về Trung Quốc khi ở quê nhà.
Câu trả lời, như trong tất cả các mô hình xã hội, là nó phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn là ai.
Nhiều người ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ của sự dồi đào vật chất và cơ hội, và họ thực sự biết ơn và trung thành.
Để đổi lấy sự ổn định và tăng trưởng, họ cũng có thể chấp nhận – hoặc ít nhất là chịu đựng – sự thiếu tự do chính trị và sự kiểm duyệt thường thấy trên các phương tiện truyền thông.
Đối với họ, cuộc diễu hành sắp tới có thể được xem như một sự tôn vinh phù hợp cho sự thành công của quốc gia họ và phản ánh sự thành công chính họ.
Nhưng khi hình thành đất nước Trung Quốc mới này, con dao đã cắt dài và sâu vào bản khắc.
Những người đã chết, bị bỏ tù và bị phân biệt
Nạn đói do Mao gây ra là kết quả của những thay đổi cực đoan đối với hệ thống nông nghiệp – đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng và cuộc Cách mạng Văn hóa của ông đã giết chết hàng trăm ngàn người trong một thập kỷ điên cuồng của bạo lực và đàn áp.
Những sự thật này không có trong sách giáo khoa Trung Quốc.
Sau khi Mao qua đời, Chính sách Một con thảm khốc đã ảnh hưởng hàng triệu người trong suốt 40 năm.
Ngày nay, với Chính sách Hai con mới, Đảng Cộng sản vẫn đương nhiên vi phạm quyền được lựa chọn sinh sản của một người.
Danh sách này dài, với mỗi danh mục thêm nhiều ngàn người, ít nhất là vào số người bị ảnh hưởng bởi chính quyền độc đảng này.
Rồi còn có những nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo, sự xâm chiếm đất đai và tham nhũng của chính quyền địa phương.
Rồi còn có hàng chục triệu công nhân nhập cư, xương sống của sự thành công công nghiệp của Trung Quốc, những người từ lâu đã không còn được hưởng lợi quyền công dân.
Một hệ thống giấy phép cư trú nghiêm ngặt tiếp tục từ chối họ và gia đình họ quyền được giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe nơi họ làm việc.
Và trong những năm gần đây, ước tính có khoảng một triệu rưỡi người Hồi giáo ở khu vực phía tây Tân Cương của Trung Quốc – người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs), người Kazakhstan và những người dân tộc khác – đã bị đưa vào các trại giam tập thể vì đức tin và sắc tộc của họ.
Trung Quốc liên tục khẳng định đây là những trường dạy nghề, và là tiên phong trong cách ngăn chặn khủng bố trong nước.
Những câu chuyện về người chết, người bị bỏ tù và bị phân biệt luôn bị ẩn giấu nhiều hơn những câu chuyện về sự đồng hóa và thành công.
Theo quan điểm của họ, sự kiểm duyệt phần lớn lịch sử gần đây của Trung Quốc không chỉ đơn giản là một phần phải đánh đổi để lấy sự ổn định và thịnh vượng.
Nó còn là một cái gì đó khiến sự đau khổ trong im lặng của họ càng khó bị thâm nhập hơn.
Và tất nhiên đó là việc của các nhà báo nước ngoài để cố gắng đưa chúng ra ánh sáng.
Sự phát triển của Trung Quốc hiện đại
1949Mao tuyên bố khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
1966-76Cách mạng văn hóa mang lại biến động xã hội và chính trị
1977Đặng Tiểu Bình khởi xướng những cải cách lớn về kinh tế
1989Đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn
2010Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
2018Tập Cận Bình tuyên bố làm Chủ tịch trọn đời
‘Sai lệch, giả tạo và hào nhoáng hóa’
Nhưng trong khi sự kiểm duyệt có thể khiến mọi người im lặng, điều đó không thể khiến họ quên.
Giáo sư Guo Yuhua, một nhà xã hội học tại Đại học Tsinghua của Bắc Kinh, là một trong số ít các học giả còn cố gắng ghi lại, đôi khi thông qua lịch sử truyền miệng, một số thay đổi lớn đã ảnh hưởng đến xã hội Trung Quốc trong bảy thập kỷ qua.
Sách của bà bị cấm, mọi liên lạc của bà bị theo dõi và tài khoản mạng xã hội của bà thường xuyên bị xóa.
“Trong nhiều thế hệ, mọi người đã nhận được một lịch sử đã bị làm sai lệch, giả tạo, hào nhoáng hóa và tẩy não,” bà nói với tôi, bất chấp cảnh báo không nói chuyện với truyền thông nước ngoài trước cuộc diễu hành.
“Tôi nghĩ rằng cả nước buộc phải nghiên cứu lại và suy ngẫm về lịch sử. Chỉ khi chúng ta làm điều đó, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng những thảm kịch này sẽ không lặp lại.”
Bà tin rằng một cuộc diễu hành đặt Đảng Cộng sản ở ngay đầu và trung tâm của câu chuyện, bỏ lỡ bài học thực sự, rằng tiến bộ của Trung Quốc chỉ bắt đầu sau thời của Mao, khi đảng cộng sản nới lỏng ra một chút.
“Mọi người được sinh ra để phấn đấu cho một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và tôn trọng hơn, phải không?” bà ấy hỏi tôi.
“Nếu họ chỉ được cấp cho một không gian nhỏ bé, họ sẽ cố gắng kiếm tiền và giải quyết các vấn đề sinh tồn của họ. Không nên cho rằng đó là công ơn của lãnh đạo.”
‘Hạnh phúc của chúng tôi đến từ chăm chỉ’
Như để chứng minh quan điểm về một quá khứ bất ổn, bị kiểm duyệt của một quốc gia độc tài sẽ tiếp tục tác động đến hiện tại, cuộc diễu hành chỉ dành cho khách mời.
Một kỷ niệm khác, cũng ngay ở Quảng trường Thiên An cũng được đo bằng bội số của 10 – đó là 30 năm kể từ khi cuộc đàn áp đẫm máu tháng sáu 1989 đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của sinh viên làm lung lay nền tảng cai trị của Đảng Cộng sản.
Quân đội sẽ diễu hành xuống đại lộ nơi các sinh viên bị bắn chết.
Một sự kiện quy mô lớn như vậy nhưng chỉ có khách mời được tham dự cho thấy Bắc Kinh không chừa một khả năng nào mà một người biểu tình đơn độc có thể mạo hiểm sử dụng cuộc diễu hành để gây sự chú ý.
Với trung tâm Bắc Kinh bị bao kín, người bình thường chỉ có thể theo dõi qua màn hình TV.
Quay trở lại căn hộ ở Thiên Tân của mình, Zhao Jingjia cho tôi thấy chi tiết phức tạp của một hoạt cảnh, mỗi cảnh được cắt từ một mảnh giấy, mô tả “Tháng ba dài”, một thời gian khó khăn và thất bại của Đảng Cộng sản trước khi đi lên nắm quyền
“Hạnh phúc của chúng tôi ngày nay đến từ sự chăm chỉ,” ông nói với tôi.
Đó là một quan điểm lặp lại rằng chính phủ Trung Quốc, giống như ông, ít nhất đã thừa nhận rằng Mao đã phạm sai lầm nhưng khăng khăng rằng không nên nhắc dai dẳng những điều này.
“70 năm qua của Trung Quốc thật phi thường,” ông nói. “Tất cả đều có thể nhìn thấy. Hôm qua chúng tôi đã gửi hai vệ tinh điều hướng vào không gian – tất cả công dân có thể tận hưởng sự tiện lợi mà những thứ này mang lại cho chúng tôi.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49868694

Ảnh vệ tinh cho thấy TQ – Triều Tiên

nối lại dự án “cầu không về nơi đâu”

6 năm sau khi gần hoàn thành cây cầu mới bắc qua sông Yalu ở biên giới cực Tây giữa Trung Quốc và Triều Tiên, có vẻ như các công đoạn còn lại của dự án đã bắt đầu được nối lại trong tuần này, hình ảnh vệ tinh tiết lộ.
Qua so sánh hình ảnh vệ tinh có độ phân giải trung bình do Planet Labs cung cấp, những ngày gần đây, phía Triều Tiên đã giải phóng mặt bằng, phá hủy vài chục ngôi nhà để tạo thành một con đường nối với cây cầu mà Trung Quốc đã xây.
Cây cầu dự kiến nối thành phố Sinuiju của Triều Tiên với thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, nó đã được hoàn thành vào cuối năm 2013 cùng với hệ thống đường dẫn. Tuy nhiên, đầu cầu bên phía Triều Tiên còn khoảng 4km vẫn chưa thông, khiến cây cầu không thể sử dụng được và được gọi là “cầu đến hư không”.
Theo nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, nhiều nguồn tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 6-2019 đã hứa sẽ tài trợ việc xây dựng cây cầu này bên phía Triều Tiên.
Thông tin cho hay, Trung Quốc đã cam kết tài trợ khoảng 2,5 tỷ nhân dân tệ cho việc xây dựng đường và các cơ sở hải quan mới, quân đội Triều Tiên cũng sẽ tham gia vào việc xây dựng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, một tổ hợp tòa nhà mới – có thể là các cơ sở hải quan – đã được xây dựng kể từ tháng 4 năm nay, tiếp giáp với điểm cuối của đường cao tốc mà Triều Tiên dự kiến sẽ nối với cây cầu.
Dự án này được tái khởi động khi truyền thông Triều Tiên vào tháng 11-2018 tiết lộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un có kế hoạch tái phát triển mạnh thành phố biên giới này.
http://biendong.net/diem-tin/30586-anh-ve-tinh-cho-thay-tq-trieu-tien-noi-lai-du-an-cau-khong-ve-noi-dau.html

Bắc Kinh cực kỳ giận dữ

khi Mỹ trừng phạt các công ty dầu khí TQ

Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ phẫn nộ khi Mỹ đã trừng phạt một số công ty dầu khí Trung Quốc vì cáo buộc vận chuyển dầu Iran.
Trong buổi họp báo hôm qua ngày 26.9 của Bộ ngoại giao Trung Quốc, phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc khi Mỹ đã trừng phạt một số công ty dầu khí Trung Quốc vì cáo buộc vận chuyển dầu Iran.
Đáp lại, người phát ngôn Cảnh Sảng cho biết: “Trung Quốc bày tỏ sự cực kỳ phẫn nộ và sự kiên quyết phản đối đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và cái gọi là ” Trường
tí quản hạt” (quản lý bằng cánh tay dai) và sự áp bức bừa bãi của họ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trước đó ngày 25.9, Mỹ công bố lệnh trừng phạt với 5 cá nhân và 6 thực thể Trung Quốc liên quan đến Iran. Các lệnh trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp trong ngành dầu khí và vận tải biển gồm China Concord Petroleum, Kunlun Shipping, Kunlun Holding và Pegasus 88. Đồng thời, hai công ty con của Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) gồm Cosco Shipping Tanker và Cosco Shipping Tanker Seaman and Ship Management cũng bị nhắm mục tiêu nhưng không áp dụng với công ty mẹ, theo thông báo trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ.
Những thực thể này bị cho là đã giúp Iran xuất khẩu xăng dầu, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Những cá nhân đứng đầu các doanh nghiệp nói trên cũng bị trừng phạt.
“Chúng tôi đang nói với Trung Quốc và tất cả quốc gia rằng chúng tôi sẽ trừng phạt mọi hành vi vi phạm”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 25.9 khi đề cập đến tính hình tại Iran.
Mỹ cáo buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công ngày 14.9 nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi khiến hòa bình tại Trung Đông bị đe dọa Tuy nhiên, Iran phủ nhận mọi cáo buộc.
Đây không phải lần đầu Mỹ trừng phạt các công ty dầu khí Trung Quốc vì làm ăn với Iran. Cách đây 2 tháng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo công ty Zhuhai Zhenrong (Chu Hải Chấn Nhung) và giám đốc điều hành Li Youmin, đã vi phạm các hạn chế của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran.
Do đó, Mỹ đã trừng phạt công ty Zhuhai Zhenrong và ông Li Youmin vì các hành động bất chấp các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran. Bộ Tài chính Mỹ, nơi thi hành các lệnh trừng phạt, đã bổ sung các cái tên từ Trung Quốc được ông Pompeo công bố vào danh sách đen.
Ngay sau đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Mỹ đã bỏ qua các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên và tự ý áp dụng các biện pháp trừng phạt. Những động thái của Mỹ là đi ngược lại các xu hướng kết nối và hợp tác trên toàn cầu”.
http://biendong.net/diem-tin/30585-bac-kinh-cuc-ky-gian-du-khi-my-trung-phat-cac-cong-ty-dau-khi-tq.html

TQ Xây Cao Tốc Biên Giới, Bệ Phi Đạn,

Chuẩn Bị Đánh VN

 Trung Quốc chuẩn bị đưa binh lực tràn qua biên giới để tấn công Việt Nam một lần nữa.
Đó là nhận định của nhà phân tích chiến lược David Archibald trong bài viết nhan đề “Advice for Our Vietnamese Friends on China” (Lời Khuyên Gửi Các Bạn Việt Nam Của Tôi về TQ) đăng trên tạp chí American Thinker ngày 27/9/2019. Sáu đây là bản dịch các đoạn văn quan trọng về cuộc chiến sắp tới TQ đang chuẩn bị tấn công VN.
Bây giờ hãy nhìn từ quan điểm TQ. Trong tận cùng, TQ muốn thống trị thế giới. Trở ngại lớn nhất là Hoa Kỳ. Trong thời gian gần, TQ muốn chiếm hai chuỗi quần đảo phía đông chạy tới phía đông TQ: [chuỗi đảo] phía trong từ Okinawa chạy tới Philippines và phía ngoài chạy dài tới Guam. TQ muốn làm chủ mọi thứ trong Biển Đông và có khả năng cấm tất cả Hải quân các nước không cho đi ngang qua đó. Đó là mục tiêu ngắn hạn. Để tới mục tiêu đó, TQ đã xây một căn cứ trưc thăng trên đảo Nanji Islands, vùng thuộc TQ kiểm soát gần nhất tới đảo Senkaku Islands, nơi Nhật kiểm soát. Căn cứ này sẽ tái tiếp nhiên liệu cho trực thăng trên đường tấn công Senkakus.
Để xâm chiếm Việt Nam, TQ đã xây một căn cứ lớn, cách 10 kilomet tới biên giới VN, ở tọa độ 24° 24’ N, 106° 42’ E với các nhà kho và dãy nhà quân đội với diện tích các mái nhà rộng tới 50 acres. Nơi này để che giấu các đơn vị xe tăng và pháo binh TQ không bị vệ tinh nhìn thấy, và các đơn vị này vận chuyển tới căn cứ này ban đêm. TQ cũng dựng các bệ pháo binh dọc biên giới. Và một dặm phía đông bắc khu nhà quân sự lớn này, TQ đã xây các tòa nhà chiếm diện tích khu vực rộng 8  acres, trông như các tòa nhà này sẽ chứa các dàn phi đạn IRBM (ghi chú của người dịch: intermediate-range ballistic missile (IRBM) is a ballistic missile with a range of 3,000–5,500 km – phi đạn đạn đạo tầm trung có tầm bắn xa 3,000–5,500 km) được đưa tới biên giới để sửa soạn tấn công. Như thế sẽ tối đa hóa tầm bắn nhắm vào dọc bờ biển VN. Rút kinh nghiệm bài học tiếp vận [quân nhu, chiến cụ] từ cuộc chiến năm 1979, TQ đang xây một xa lộ cao tốc dài 50 dặm từ phía nam thành phố Chongzuo tới thị trấn biên giới của VN là Po Thiung. Hình ảnh chụp từ vệ tinh của Planet Labs cho thấy xa lộ này chưa hoàn tất; khi xa lộ này chưa xây xong, dự kiến TQ sẽ chưa tấn công VN.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh trên bờ Hoa Lục phía nhìn sang Eo Biển Đài Loan (Taiwan Strait) không thấy chuẩn bị nào cho một trận đánh vào Đài Loan. Không có gì trông như một bệ đáp trực thăng hay một bbệ cho dàn  phóng phi đạn. Và nơi này [Đài Loan] được tin là trận đánh khó nhất của TQ. Chủ tịch Nước TQ Tập Cận Bình từng tuyên bố quân đội TQ phải sẵn sàng chiếm Đài Loan vào năm 2020, nhưng không thấy mảng đất nào đào lên và không tảng bê-tông này đặt xuống để chuẩn bị cho trận đánh? Trông có vẻ như chiến thuật cổ điển giương Đông kích Tây. Quân lực TQ sẽ trải quá mỏng nếu tấn công Đài Loan trong khi họ làm mọi thứ cần để có một kết quả thành công. Đài Loan có thể thoát trận chiến này. Nếu không bị tấn công quân sự, Đài Loan nhiều phần chỉ chờ xem. Nhiều phần TQ sẽ tấn công dàn radar Đài Loan trên đỉnh núi Leshan (Taiwan’s phased array radar on top of Mt. Leshan), nơi có thể thấy tất cả các hoạt động trên bầu trời Hoa Lục xa 5,000 km.
CSTQ đang kích động cuộc chiến đối với dân của họ về Hán tộc ưu việt về chiến tranh, với các mục tiêu tuyên truyền sẽ – trả thù Nhật Bản vì bị cai trị tàn ác thời Đệ Nhị Thế Chiến, chứng minh TQ sẽ đánh bại Mỹ, và sẽ cai trị các nước phía nam như thuộc quốc. Tấn công đồng  chủng TQ trên Đài Loan sẽ là một thông điệp phức tạp và không ai muốn chết cho chủ nghĩa cộng sản nữa. Đài Loan có thể bị bao vây, rồi phong tỏa tớo chết đói để buộc đầu hàng, nếu phần cuối kế họach TQ sắp xếp cho cuộc chiến.
Có 2 lý do vì sao TQ nhiều phần sẽ đánh VN trong cuộc chiến kế tiếp. Một lý do là sẽ cho bộ binh TQ một vai trò trong cuộc chiến mà tất cả hào quang dự kiến có thể trao hết cho Hải quân và Không quân. Lý do thứ nhì sẽ buộc VN rút binh ra khỏi 17 căn cứ trong Biển Đông. Các nước khác, kể cả Malaysia và Brunei, đều có các căn cứ ở Biển Đông, nhưng VN đặt bin lực hùng hậu nhất trong việc bảo vệ các căn cứ nơi đây. Các lực lượng thủy bộ TQ nhiều phần sẽ bị tổn thương khi tìm cách chiếm các đảo này. Nếu TQ thành công trong việc chiếm vùng phía Bắc VN, nhiều phần sẽ buộc VN rút khỏi các căn cứ trên các đảo để làm điều kiện trao đổi các nơi [phía Bắc] bị chiếm.
VN sẽ là quốc gia duy nhất trong phía Đồng Minh [với Hoa Kỳ] trong một cuộc bộ chiến chống TQ. Nếu phía VN giúp thêm hay đề nghị giúp thêm và được xem như giúp Mỹ trong Trận Chiến Trên Không và Mặt Biển chống TQ, nhiều phần Hoa Kỳ sẽ giúp VN trong các trận   bộ chiến. Điều  này sẽ có việ yểm trợ không lực trên mặt trận và cung cấp một số thiết bị kỹ thuật cao để chận đường tiến của TQ: vũ khí và thiết bị thả từ không vận, vũ khí tối tân chống xe tăng, đạn chùm chống tấn công, và phi đạn hành trình chống xe tăng từ loại AT4 tới vũ khí của hãng Raytheon như BGM-71 TOW. VN có thể đã có thể sản xuất phiên bản phi đạn Kornet kiểu Nga chống xe tăng, loại đã chứng tỏ hiệu quả ở Syria.
VN nên mời các sĩ quan cao cấp của Bộ Binh Hoa Kỳ tới quan sát các chiến trường tương lai ở Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Hãy đưa họ tới xem trực tiếp sẽ lôi kéo họ giúp phòng thủ. Bộ Binh Hoa Kỳ nghĩ rằng có thể bị cho ra rìa trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Nhưng sẽ không ra rìa, nếu họ [Bộ Binh Mỹ] có các căn cứ phi đạn trên bờ biển VN và giúp cố vấn những cách tốt nhất để bắn hạ các đơn vị xe tăng TQ. Họ [Bộ Binh Mỹ] sẽ biết ơn nếu được [VN] yêu cầu dính vào cuộc chiến.
Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Mark Esper, nói rằng ông muốn các dàn phi đạn IRBM mới với tầm xa hơn 500 kilometers đặt ở Châu Á “trong vài tháng tới.” Bộ Binh Mỹ nói là muốn tham chiến bằng cách bắn chìm các tàu chiến bằng các hệ thống phi đạn đặt ở bờ biển. Có 2 nơi tốt để đặt các dàn phi đạn này: các đảo Palawan và Luzon của Philippines nơi phía đông Biển Đông, và bờ biển VN từ Vịnh Cam Rang tới Đà Nẵng. Như thế sẽ là sát thủ đối với tàu chiến và chiến đấu cơ TQ trên Biển Đông.
Và sau khi cuộc chiến kết thúc, sẽ là quan trọng đặt điều kiện cho hòa bình lâu dàu. Thứ nhất, Mỹ nên chiếm các đảo nhân tạo của TQ ở Biển Đông. Không để nước nào liên hệ tới. Thứ nhì, TQ phải co cụm về các đường biên giới năm 1949 trước khi xâm chiếm Tây Tạng và một phần Ấn Độ. Thứ ba, tất cả tích sản và tài sản hải ngoại của TQ. bao gồm mọi thứ thuộc sở hữu của công dân TQ, sẽ bị tịch thu để bồi thường. Thứ tư, tất cả các khoản nợ TQ giăng bẫy bắt bí các nước khác trong chương trình Belt and Road (Nhất Đới Nhất Lộ) sẽ được xóa nợ. Thương mại đối với quốc gia TQ hậu chiến nên tối thiểu hóa.
(Bản dịch của VB – trích dịch từ “Advice for Our Vietnamese Friends on China”. Toàn văn tiếng Anh ở link:
https://www.americanthinker.com/articles/2019/09/advice_for_our_vietnamese_friends_on_china_.html)
https://vietbao.com/p112a299270/tq-xay-cao-toc-bien-gioi-be-phi-dan-chuan-bi-danh-vn

TQ kêu gọi giải quyết ‘bình tĩnh và hợp lý’

cuộc chiến thương mại

Trung Quốc hy vọng Bắc Kinh và Washington sẽ giải quyết tranh chấp thương mại “với thái độ bình tĩnh và hợp lý”, Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn nói hôm 29/9, trước cuộc đàm phán giữa hai nước vào tháng tới, theo Reuters.
Hơn một năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã “đối đầu” nhau trong cuộc chiến thương mại, với việc áp thuế cao lên hàng hóa của nhau.
Theo Reuters, một vòng đàm phán cấp cao mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ diễn ra ở Washington vào ngày 10 tới 11 tháng Mười.
XEM THÊM:
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng mua thêm hàng Mỹ
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc.
Ông Vương từng tham gia phái đoàn đàm phán của Trung Quốc với Mỹ. Tại một cuộc họp báo, ông cho biết rằng ông Lưu sẽ tới Washington sau tuần nghỉ lễ nhân Quốc khánh Trung Quốc, kết thúc vào ngày 7/10.
Ông bày tỏ hy vọng rằng hai bên sẽ tìm ra các cách thức giải quyết những khác biệt.
“Chúng tôi tin rằng điều này sẽ có lợi cho người dân hai nước cũng như thế giới”, ông nói thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-b%C3%ACnh-t%C4%A9nh-v%C3%A0-h%E1%BB%A3p-l%C3%BD-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i/5103128.html

Phủ Tổng thống Philippines: Ông Duterte

sẽ không để TQ tấn công vào chủ quyền

Phủ Tổng thống Philippines hôm 26/9 khẳng định Tổng thống Duterte sẽ không cho phép bất cứ cuộc tấn công nào vào chủ quyền Manila.
Tuyên bố này phản bác khẳng định trước đó của Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio rằng Trung Quốc sẽ đòi lại bãi cạn Scarborough trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte hết nhiệm kỳ.
Theo ông Carpio, Bắc Kinh có thể sẽ cố xây dựng các đảo nhân tạo trong bãi cạn Scarborough trong 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Duterte và thúc đẩy việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử với các bên có liên quan ở Biển Đông sau khi đòi lại bãi cạn vì bộ quy tắc này ngăn chặn việc xây dựng bất cứ thứ gì trong khu vực.
Vị Phó Chánh án Philippines tin rằng Trung Quốc được khuyến khích để thực hiện việc này vì sự thừa nhận trước đó của Tổng thống Duterte rằng ông không thể ngăn Bắc Kinh xây dựng các cấu trúc trong bãi cạn.
Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng thống Philippines Salvador Panelo khẳng định không ai có thể nói chắc chắn về kế hoạch của chính phủ Trung Quốc liên quan tới hàng hải.
“Bạn có thể đọc được suy nghĩ của chính phủ Trung Quốc không? Chúng tôi không biết. Người anh em của tôi là thẩm phán nên rất thích đưa ra các suy đoán”, Panelo nói trong cuộc họp báo hôm 26/9.
Cả ông Panelo và ông Carpio đều là thành viên của hội huynh đệ Sigma Rho thuộc Đại học Luật Philippines.
Ông Panelo cũng nhấn mạnh chính quyền sẽ tiếp tục phản đối bất cứ sự xâm phạm nào vào các vấn đề chủ quyền của Philippines.
“Chắc chắn, giống như những gì tổng thống đã nói ông ấy không cho phép bất cứ cuộc tấn công nào vào chủ quyền Philippines trong thời gian đương nhiệm. Phán quyết trọng tài đó là cuối cùng, ràng buộc và không thể kháng cáo”, ông Panelo nói.
“Bất cứ điều gì đi ngược lại phán quyết của trọng tài tất nhiên sẽ bị phản đối, tôi nghĩ rằng điều đó đã được đưa ra. Bởi vì chúng tôi chống lại bất kỳ sự xâm nhập nào vào các vấn đề có chủ quyền của lãnh thổ”, ông nói thêm.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Phán quyết này duy trì các quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila, đồng thời lên án hành vi can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough của Bắc Kinh.
Khi được hỏi liệu Philippines có ngăn được Trung Quốc xây dựng các thực thể trong Scarborough hay không, ông Panelo khẩng định Manila luôn cố gắng làm điều đó.
“Chúng tôi như thường lệ sẽ gửi các công hàm ngoại giao để phản đối”, ông Panelo nói. Ông này cũng bày tỏ hy vọng sẽ có những phát triển quan trọng trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng tới.
http://biendong.net/diem-tin/30584-phu-tong-thong-philippines-ong-duterte-se-khong-de-tq-tan-cong-vao-chu-quyen.html

Philippines nói cam kết hỗ trợ của TQ nằm trên giấy,

Bắc Kinh đổ ngược lỗi cho Manila

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa khẳng định các quy trình của chính phủ Philippines làm chậm lại các cam kết của Bắc Kinh với nước này.
Trong cuộc trò chuyện gần đây với người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, khi được hỏi về khẳng định gần đây của Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. về việc Trung Quốc chậm trễ thực hiện các cam kết với Manila, ông Triệu nhấn mạnh chính yêu cầu nghiêm ngặt của Philippines đang ngăn cản điều này.
“Yêu cầu của chính phủ Philippines quá nghiêm ngặt. Có rất nhiều quy trình”, ông Triệu nói, nhấn mạnh thêm rằng chính phủ Trung Quốc không có bất cứ vấn đề nào với cam kết hỗ trợ Philippines.
“Không có bất cứ vấn đề gì về phía Trung Quốc. Chúng tôi vẫn luôn ổn. Nguyên nhân là do Philippines chậm chạp”, vị Đại sứ Trung Quốc cho hay.
Trước đó, phát biểu tại một sự kiện ở New York do Viện nghiên cứu chính sách Asia Society tổ chức hôm 24/9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. nhấn mạnh rằng những hứa hẹn hỗ trợ Philippines phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vẫn còn nằm trên giấy.
“Chúng tôi đã ký thỏa thuận này thỏa thuận kia, nhưng chúng hầu như không thành hiện thực”, ông nói với Cựu Thủ tướng Australia và Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á Kevin Rudd.
“Chúng hầu như không thành hiện thực, và nếu so với các khoản đầu tư và hỗ trợ chính thức của Nhật Bản thì là không có gì”, ông Locsin nói thêm.
Bắc Kinh từng cam kết sẽ cung cấp 24 tý USD vốn vay và đầu tư cho 75 dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Philippines như đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai thác mỏ nhưng không nêu cụ thể thời gian tiến hành.
Tuy nhiên, tính tới tháng 11/2018, chỉ có 3 dự án gồm 2 cây cầu và một cơ sở thủy lợi với tổng chi phí là 167 triệu USD được xây dựng. Số còn lại vẫn đang nằm trên giấy, chờ phía Bắc Kinh giải ngân số tiền mà họ cam kết.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30583-philippines-noi-cam-ket-ho-tro-cua-tq-nam-tren-giay-bac-kinh-do-nguoc-loi-cho-manila.html

Thủ tướng Malaysia nói

không thể khiêu khích Bắc Kinh trên Biển Đông

Tin từ Kuala Lumpur, Malaysia – Trong một buổi phỏng vấn công bố hôm thứ Bảy (28 tháng 9), Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết Malaysia không muốn đối đầu với Trung Cộng trên vùng biển Đông, cũng như trong việc Bắc Kinh bị cáo buộc ngược đãi với người Hồi giáo thiểu số.
Trong chuyến thăm New York tại hội nghị LHQ, thủ tướng Malaysia nói nước họ quá nhỏ bé so với Trung Cộng, nên bỏ mặc cho việc các tàu Trung Cộng khảo sát vùng biển để lấy dầu và khí đốt ở Biển Đông bất hợp pháp. Trong tháng này, Trung Cộng và Malaysia đã đồng ý thiết lập một cơ chế đối thoại chung cho Biển Đông, khi mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện.
Trung Cộng là quốc gia hợp tác thương mại lớn nhất của Malaysia.
Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã điều hành một kế hoạch sâu rộng để tân trang lại quân đội, trong bối cảnh đất nước này tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và xung quanh Đài Loan, làm rối loạn trật tự các khu vực xung quanh.
Ông Mahathir cũng cho biết uy quyền của Trung Quốc có thể là lý do khiến đa số người Hồi giáo ở Malaysia không lên tiếng chống lại Bắc Kinh về cáo buộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong những cơ sở mà Trung Cộng mô tả là các trung tâm cải tạo, để dập tắt chủ nghĩa cực đoan và trang bị cho mọi người những kỹ năng mới.
Nhà lãnh đạo 94 tuổi cũng cho biết cảnh sát Malaysia đang cố gắng xác định liệu nhà tài chính Low Taek Jho đang chạy trốn có ở Trung Cộng hay không. Các điều tra viên đã xác định Jho Low là một nhân vật quan trọng trong vụ bê bối của công ty 1Malaysia Development Bhd (1MDB), mà các công tố viên của Hoa Kỳ và Malaysia cho rằng được sử dụng để rút hàng trăm triệu Mỹ kim. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-malaysia-noi-khong-the-khieu-khich-bac-kinh-tren-bien-dong/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?