Virus Corona và nhận diện cơ hội sinh tồn thời thổ tả

Đồng Phụng Việt
31-1-2020
Hình minh họa. Nhân viên y tế phun khử trùng ngoài khu vực Bệnh viện các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội hôm 30/1/2020. Ảnh: AFP

Sự lây lan chủng mới của virus Corona – đại dịch mới gây viêm đường hô hấp cấp đang cung cấp thêm ví dụ để người Việt nhận diện cơ hội sinh tồn của chính mình và con cháu mình trong thời thổ tả – thời xứ sở và dân tộc được đặt dưới “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt” của “đảng CSVN quang vinh”…
***
Người bình thường ắt sẽ có kiến thức tối thiểu để hiểu thế nào là dịch bệnh, từ đặc điểm cho đến cách thức ứng phó nên người bình thường ắt sẽ hoang mang khi nghe một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN đang giữ vai trò Chủ tịch thành phố Hà Nội tuyên bố: Phấn đấu để không có trường hợp nào nhiễm virus Corona (1)!
Xưa nay trong lịch sử nhân loại có bao nhiêu cá nhân ở vị trí lãnh đạo dám tuyên bố như vậy? Nếu có thể “phấn đấu” để không có bất kỳ ai trong mười triệu dân đang cư trú trên phạm vi có diện tích khoảng 3.300 cây số vuông mắc dịch, ông Chung sẽ trở thành người đủ tư cách vứt tòan bộ kiến thức về dịch tễ học của loài người vào sọt rác!
Tất nhiên với nhận thức như thế, ông Chung không có khả năng ghi tên mình vào lịch sử nhân loại, cũng không có khả năng nhận những giải thưởng cao quý nhất của loài người vì đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống công quyền “phấn đấu” theo kiểu nào đó mà có thể loại trừ sự lây nhiễm của virus gây đại dịch đe dọa toàn cầu một cách tuyệt đối.
Trong mắt loài người, yêu cầu “phấn đấu” của ông Chung chỉ vừa đáng thương, vừa đáng ngại, song cơ hội sinh tồn trước một đại dịch của dân chúng Hà Nội nói riêng và dân chúng trên toàn Việt Nam nói chung đang được đặt trong tay những người như ông Chung – dám nghĩ, dám nói những điều vượt khỏi tầm hiểu biết chung của nhân loại!
Cơ hội sinh tồn của một cộng đồng trước một đại dịch, rộng hơn là cơ hội sinh tồn trong tương lai của nhiều thế hệ sẽ lớn hay nhỏ khi nằm trong tay những cá nhân “dũng cảm” không cần tri thức như thế? Nếu “phấn đấu” bất thành và chắc chắn bất thành, đối tượng nào sẽ bị tước bỏ cơ hội sinh tồn? Chắc chắn không phải là những người như ông Chung!
***
Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp ở Trung Quốc đã tròn một tháng, không phải tự nhiên mà nhiều người thuộc nhiều giới liên tục kêu gọi cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức (2) rằng hãy đóng cửa biên giới với Trung Quốc, song công dân Trung Quốc vẫn lũ lượt đổ đến Việt Nam vui Xuân.
Chỉ trong mười ngày từ 15 tháng Giêng đến 25 tháng Giêng, có tới 400.000 công dân Trung Quốc ra vào Việt Nam bằng đường hàng không (5), trong đó có 218 du khách đến từ Vũ Hán – thành phố đang bị Trung Quốc cô lập vì là tâm của ổ dịch (6). Đó là chưa kể những công dân Trung Quốc sang thăm Việt Nam bằng đường bộ.
Ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, chủng mới của virus Corona là đại họa đe dọa toàn cầu, ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng vẫn cho rằng, chưa thể đóng cửa biên giới Việt – Trung! Chuyện không đóng cửa biên giới không phải vì dịch viêm đường hô hấp cấp không nguy hiểm mà vì… một hiệp ước Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam không có quyền đơn phương đóng cửa biên giới, kể cả khi xảy ra tình huống khẩn cấp về an ninh, dịch bệnh (5).
Nếu khả năng đóng cửa biên giới phụ thuộc vào Trung Quốc, phải chờ Trung Quốc… đồng ý, việc ngăn chặn virus lây lan, bùng phát thành đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam là do Trung Quốc chủ động cấm công dân du lịch (6),… thì rõ ràng, cơ hội sinh tồn của người Việt trước dịch bệnh, nguy cơ an ninh, không do người Việt quyết định!
Cho đến giờ này, nếu xem kỹ những tuyên bố, nhận định của các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam về đại dịch viêm đường hô hấp cấp, có thể nhận ra, các viên chức hữu trách này chỉ nhắm vào hai mục tiêu: Không để dân chúng hoang mang và không gây xáo trộn sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng trưởng. Bởi cơ hội sinh tồn của từng cá nhân trong cộng đồng không phải là mục tiêu nên một Thứ trưởng Y tế mới trấn an: Virus Corona lây lan hạn chế (7)!
Đó cũng là lý do các ngành ở đủ mọi cấp phối hợp truy tìm, xử lý những cá nhân dám nêu ý kiến hay chia sẻ thông tin nhằm cảnh báo cộng đồng về cơ hội sinh tồn nếu dịch bệnh bùng phát. Sau sự phối hợp giữa Sở Du lịch và cảnh sát cơ động để răn đe một khách sạn tại Đà Nẵng dám từ chối tiếp nhận du khách Trung Quốc (7) là Khánh Hòa triệu tập “một số facebooker” vì “tung tin thất thiệt” (8), là Bà Rịa – Vũng Tàu phạt một facebooker 30 triệu đồng vì “cảnh báo” dịch bệnh gây thiệt hại cho du lịch (9)!
***
Ngày 31 tháng 1, sau khi nhận được báo cáo từ hãng hàng không Vietjet, Sở Y tế Hải Phòng và Công an thành phố Hải Phòng chủ động cung cấp cho hệ thống truyền thông chính thức thông tin, bà Cao Thị Thu Thủy, 38 tuổi, nghi viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nhưng không hợp tác với giới hữu trách (11).
Từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp lơ lửng trên đầu người Việt, đây là lần đầu tiên hệ thống công quyền phối hợp chặt chẽ với hệ thống truyền thông chính thức chứng tỏ nỗ lực… “minh bạch thông tin về dịch bệnh”, cho dù các tình tiết liên quan đến nỗ lực này cho thấy, chúng xâm phạm các quyền riêng tư của công dân, vốn được luật pháp bảo vệ!
Nhiều người vốn đã chưng hửng vì tại sao hệ thống công quyền bất chất luật pháp, bạch hóa tên, tuổi, địa chỉ cư trú của một công dân chỉ mới “nghi ngờ” bị bệnh truyền nhiễm… đã nghĩ ngay đến số phận của chính họ nếu chẳng may bị nhiễm chủng mới của virus Corona khi bà Thủy lên tiếng…
Hóa ra chuyến bay của bà Thủy (từ Tân Sơn Nhất về Cát Bi) trễ ba tiếng rưỡi, thay vì cất cánh lúc 21:15 thì 00:45 mới khởi hành. Chờ đợi nhiều giờ, đói, bà Thủy được một bác sĩ đi cùng chuyến bay xác định bị tụt huyết áp. 02:30 sáng, khi máy bay hạ cánh, bà bị đưa đến chỗ tiếp nhận bệnh nhân nghi mắc dịch. “Phòng bệnh” ở phi trường không có giường, không có mền, không có nhân viên y tế và cũng không ai cho ăn, uống.
Chờ đến 04:00 sáng, kiệt sức vì mệt và lạnh, bà Thủy được thân nhân đưa về nhà. Vài tiếng sau bà trở thành nổi tiếng vì được các cơ quan hữu trách dùng làm bằng chứng chứng minh cho cả nỗ lực phòng – ngừa dịch bệnh lẫn cam kết “minh bạch thông tin về dịch bệnh” (12).
Đừng nhìn trường hợp bà Thủy như một cá nhân chẳng may gánh chịu búa rìu dư luận do bị chọn làm… phương tiện chứng minh, cũng đừng nhìn sự kiện mới được công chúng phát giác: Đường dây nóng do Bộ Y tế thiết lập để tiếp nhận những thông tin liên quan đến dịch bệnh, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang đe dọa cộng đồng, đang tính cước đến… 5.000 đồng/phút (13) như một cách tận dụng đại họa để kiếm chác. Hãy nhìn rộng hơn…
Cơ hội sinh tồn của từng cá nhân sẽ như thế nào nếu đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát tại Việt Nam? Hoạt động phòng ngừa của hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã được triển khai như thế nào mà ngay cả tại những nơi được xem là có nguy cơ cao như phi trường lại tắc trách đến mức không thể tưởng tượng như phi trường Cát Bi? Giới hữu trách sẽ ứng phó ra sao trên diện rộng với những người chẳng may nhiễm dịch hoặc chỉ bị nghi nhiễm dịch, khi trong một phạm vi hẹp và chỉ với một vài cá nhân như bà Thủy đã thể hiện rất rõ yếu tố bất nhân, vô trách nhiệm tới mức như vậy?
Với nhận thức, thái độ, cách hành xử kiểu như đã xảy ra với bà Thủy, hay với cách tổ chức – vận hành đường dây nóng của Bộ Y tế, nếu tình thế buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phải tiến hành cô lập một khu vực để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona lây lan rộng hơn, làm sao có thể tin các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương có đủ cả tâm lẫn tài để chăm sóc, điều trị, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người bị giam lỏng trong vùng dịch? Làm sao có thể tin khả năng sinh tồn của từng cá nhân sẽ được hỗ trợ bảo vệ như một cơ hội không để cho vuột mất?
Chú thích
https://baotiengdan.com/2020/01/31/virus-corona-va-nhan-dien-co-hoi-sinh-ton-thoi-tho-ta/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?