Đài Loan, hình mẫu chiến đấu với Covid-19

Hãng tin ABC News của Úc gần đây có bài viết với tựa đề 'Đài Loan làm hình mẫu cho thế giới về cách chiến đấu với virus corona' ('Taiwan sets example for world on how to fight coronavirus').[1]
Bài viết, như tiêu đề và với nội dung dưới đây, cho thấy Đài Loan đã làm gì và như thế nào để kiềm chế thành công sự lây lan của nCoV và từ đó trở thành ví dụ điển hình cho các nước.
Là một hòn đảo gồm 23 triệu dân ngay ngoài khơi Trung Quốc, trong đó có 850 ngàn công dân cư trú và làm việc tại đại lục, Đài Loan được dự đoán là có "rủi ro nhập khẩu" cao thứ hai trong số các quốc gia, khi xét đến sự gần gũi với Trung Quốc và tần suất các chuyến bay giữa hai nước. 
Tuy nhiên, đến nay, Đài Loan chỉ có 267 trường hợp được xác nhận và 2 trường hợp tử vong[2] (tại thời điểm của bài viết trên ABC News vào ngày 13/3, các con số tương ứng là 49 và 1). Đây là các con số thấp đáng ngạc nhiên, dù là tính theo mốc hiện tại hay bất kỳ mốc nào trước đó.
Thành công của Đài Loan đã được ghi nhận chủ yếu nhờ huy động sớm các chiến lược và kế hoạch cụ thể được thực hiện khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, theo phân tích của khoa Chính sách Y tế của Đại học Stanford.
Yếu tố thành công đầu tiên cần được kể đến hành động sớm. Sau khi dịch SARS bùng phát, Đài Loan đã thành lập Trung tâm Chỉ huy Sức khỏe Quốc gia với một nhánh đặc biệt là Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Tập trung, nhắm vào việc phản ứng với sự bùng phát lớn.
Ngay khi có tin tức về một loại virus không rõ nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 31/12, các quan chức ở Đài Loan đã bắt đầu hạn chế các chuyến bay đến và đi trong khu vực và sàng lọc hành khách. Một tuần sau đó, các tiêu chí đánh giá tình hình được mở rộng và Đài Loan bắt đầu cách ly bất cứ ai có triệu chứng.
Yếu tố quan trọng thứ hai là vai trò của Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Tập trung. Trung tâm được chính thức kích họat vào ngày 20/1, cho phép phối hợp với nhiều bộ khác nhau để ban hành các chính sách và chiến lược đã có.
Trung tâm này, đứng đầu là Bộ trưởng Y tế, đã nhanh chóng thực hiện 124 biện pháp trong một khoảng thời gian năm tuần, một số trong đó đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan. 
Các biện pháp bao gồm kiểm soát biên giới từ trên không và trên biển, xác định và cách ly các trường hợp đáng ngờ, quản lý phân bổ nguồn lực, giao ban báo chí hàng ngày, xác định thông tin sai lệch và xây dựng chính sách kinh tế để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp.
Tiếp đến, ứng dụng dữ liệu lớn và công nghệ là một yếu tố khác làm nên hình mẫu Đài Loan. Trong một ngày, chính phủ Đài Loan đã có thể kết hợp dữ liệu từ Cơ quan Nhập cư và Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia để xác định lịch sử đi lại 14 ngày của bệnh nhân. 
Ngoài ra, với dữ liệu từ hệ thống đăng ký hộ khẩu của công dân và thẻ nhập cảnh của người nước ngoài, các cá nhân có nguy cơ cao đã được xác định, tự cách ly và theo dõi thông qua điện thoại di động của họ. 
Trong khi đó, hành khách có nguy cơ thấp có thể quét mã QR trước khi đi hoặc đến để hoàn thành mẫu khai báo sức khỏe cho phép giải phóng nhanh mặt bằng di trú. 
Không những thế, tất cả các bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc có thể truy cập vào lịch sử đi lại của bệnh nhân, khi chính phủ bắt đầu cho phép điều này vào ngày 18/2.
Audrey Tang, Bộ trưởng Kỹ thuật số của Đài Loan đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để khai thác dữ liệu và tạo ra các cập nhật kỹ thuật số theo thời gian thực để cảnh báo người dân về các khu vực rủi ro cần tránh và bản đồ về các nguồn cung ứng khẩu trang địa phương.
Một yếu tố thành công khác nữa là truyền thông thường xuyên và minh bạch. Các quan chức y tế hàng đầu của chính phủ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế, phó tổng thống và một nhà dịch tễ học nổi tiếng, ngoài các cuộc họp báo hàng ngày, thường xuyên đưa ra các thông báo dịch vụ công cộng về du lịch, khuyến nghị vệ sinh cá nhân, v.v – tất cả đều có thể truy cập trực tuyến.
Cả khu vực công và tư hợp tác với các khuyến nghị của chính phủ, điều này đã được chứng minh là rất quan trọng trong các nỗ lực ngăn chặn của Đài Loan. Hầu như mọi trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng và văn phòng đều cung cấp chất khử trùng tay và sàng lọc nhiệt độ của mọi người trước khi vào tòa nhà.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đã tích cực tìm kiếm và chống lại thông tin sai lệch từ cả các phương tiện truyền thông và các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc.
Tiếp theo, sự phân bổ nguồn lực trong họat động sản xuất vật tư y tế cũng là một điểm quan trọng. Chính phủ, một mặt, cho ngừng họa động xuất khẩu, mặt khác, bắt đầu phân bổ vốn và quân nhân để mở rộng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Đến cuối tháng 1, Đài Loan đã có một kho dự trữ 44 triệu khẩu trang phẫu thuật, 1,9 triệu khẩu trang N95 và 1.100 phòng cách ly áp suất âm.
Theo Jason Wang, giám đốc của Trung tâm Chính sách, Kết quả và Ngăn ngừa tại Đại học Stanford, Đài Loan đã học được từ sai lầm của họ trong dịch SARS, và đưa ra một cơ chế ứng phó khẩn cấp về y tế công cộng cho phép các quan chức có kinh nghiệm nhanh chóng nhận ra khủng hoảng và đáp ứng bằng các chính sách hiệu quả. 
Và theo người viết, hình mẫu này không chỉ thích hợp cho các quốc gia châu Á, với nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng với Đài Loan, mà còn có thể áp dụng cho các quốc gia phương Tây, một khi các lãnh đạo phương Tây nhìn nhận lại thứ tự ưu tiên của các lợi ích và đánh giá lại các lựa chọn chính sách. 
Nếu tính mạng và sức khỏe của người dân được các lãnh đạo phương Tây coi là quan trọng hàng đầu, và các yếu tố khác, bao gồm kinh tế, được xếp đằng sau, có lẽ không khó để họ áp dụng các biện pháp quyết liệt như của Đài Loan, và từ đó cùng Đài Loan đẩy lùi nhanh hơn Covid-19.
Chú thích:
[1] Taiwan sets example for world on how to fight coronavirus
https://abcnews.go.com/Health/taiwan-sets-world-fight-coronavirus/story?...
[2] Coronavirus COVID-19 global cases by the Center for Systems Science and Engineering (CSSE) at Johns Hopkins University (JHU)
https://coronavirus.jhu.edu/map.html



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?