CÁC Ý KIẾN PHÂN TÍCH KÈM THEO KIẾN NGHỊ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
CÁC Ý KIẾN PHÂN TÍCH KÈM THEO KIẾN NGHỊ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
CỦA NHÓM LUẬT SƯ HỖ TRỢ LS TRẦN HỒNG PHONG, GỬI CÁC VỊ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC,
QUỐC HỘI VÀ CÁC CƠ QUAN THẨM QUYỀN TRUNG ƯƠNG
Phân tích 1.
Ông Chủ tọa đã “định hướng” quan điểm, kết luận trước khi các thành viên Hội đồng thẩm phán (cũng là cấp dưới của ông) cho ý kiến, thảo luận trước khi biểu quyết về việc giải quyết vụ án, không đúng quy định BLTTHS.
Là chủ tọa phiên toà, đồng thời là cấp trên của 16 thành viên khác của Hội đồng thẩm phán TANDTC, lẽ ra ông Nguyễn Hoà Bình cần điều hành phiên toà một cách dân chủ, không áp đặt ý kiến của mình trước các thẩm phán cấp dưới và những người tham gia tố tụng khác. Một thông lệ xét xử là các thẩm phán, phát biểu ý kiến về vụ án sau khi các phần thủ tục khác kết thúc và trước khi biểu quyết về những nội dung giải quyết vụ án, bắt buộc chủ tọa phải phát biểu cuối cùng. Điều 386, BLTTHS 2015( ) không có quy định nào cho phép Chủ tọa có ý kiến kết luận về những vấn đề được giải quyết trong vụ án trước trình tự các thành viên Hội đồng thẩm phán cho ý kiến và thảo luận (trình tự này được ghi ở Khoản 3, Điều 386 BLTTHS 2015, đây là trình tự cuối cùng của phiên tòa giám đốc thẩm trước khi công bố quyết định về giải quyết vụ án). Tuy nhiên, ông Chánh án đã phát biểu định hướng, thậm chí kết luận trước những vấn đề quan trọng, và những cấp dưới của ông chỉ còn cách “lắng nghe, không có ý kiến khác”.
Chúng tôi xin nêu 3 ví dụ, được đăng trên báo congly.vn của TANDTC:
a. Buổi chiều ngày đầu tiên của phiên toà (6/5/2020), Chủ tọa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình kết luận: Như vậy, đại diện VKSNDTC và các cơ quan tố tụng đã thống nhất là Hồ Duy Hải thừa nhận có đập đầu và cắt cổ chị Hồng.
Thực tế, đại diện VKSNDTC chỉ nêu quan điểm: không loại trừ việc thủ phạm đập đầu nạn nhân vào lavabo.
b. Cũng chiều 6/5, Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm cho rằng: “Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An giải trình cho thấy những tài sản Hải chiếm đoạt từ nạn nhân là phù hợp với những tài sản mà người thân của nạn nhân xác định và chi tiết Hải lấy dây chuyền không có mặt và tìm thấy mặt dây chuyền trên thi thể nạn nhân, vẽ sơ đồ nơi tiêu thụ tài sản đã chứng minh Hải lấy tài sản là đúng sự thật”.
c. Sáng ngày 7/5/2020, “Tổng kết lại vấn đề này (Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án tại thời điểm xảy ra vụ án hay không), Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đại diện VKSNDTC còn băn khoăn về việc tính toán xem thời gian đó Hải có mặt hay không có mặt ở hiện trường; căn cứ thời gian các hoạt động của Hải tối hôm đó chưa hợp lý.
Việc xác định hung thủ không chỉ chứng minh bằng thời gian, mà theo cơ quan điều tra giải trình, còn bằng những chứng cứ khác. Do vậy, phải tổng hợp chứng cứ thì mới chứng minh được vấn đề này. Thứ nhất là dữ liệu điện thoại. Thứ hai là thực nghiệm điều tra về khoảng thời gian Hải có mặt tại hiện trường là phù hợp. Thứ ba là nhận dạng trong lời khai của nhân chứng Thường chưa xác nhận chính xác thanh niên đó là Hải vì 2 người này không biết nhau, không thể nhìn qua là nhận dạng được. Nhưng mô tả đặc điểm nhận dạng là tương đồng, đặc biệt có một chi tiết phù hợp lời khai của Hải là cầm điện thoại và anh Thường cũng nhìn thấy. Cùng với những tài liệu khác nữa đã khẳng định được Hải có mặt tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ án.”
Phân tích 2.
Với tư cách chủ tọa, ông Chánh án đã hạn chế quyền, không tạo điều kiện cho Luật sư Trần Hồng Phong (là người hỗ trợ pháp lý cho bị án Hồ Duy Hải theo yêu cầu của gia đình) tranh tụng, trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng theo Điều 386 khoản 2, BLTTHS.
Luật sư Trần Hồng Phong là người được gia đình bị án Hồ Duy Hải mời tham gia hỗ trợ pháp lý (miễn phí) để kêu oan cho Hồ Duy Hải từ năm 2011 đến nay, ông có đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án này gửi các cơ quan chức năng từ năm 2012 và cùng gia đình ký nhiều đơn từ khác liên quan đến vụ án. Ông được Toà án nhân dân tối cao mời tham dự phiên toà giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (từ ngày 6/5 đến 8/5/2020) với tư cách luật sư, phải được coi là người tham gia tố tụng trong phiên toà này. Luật sư Phong đã tham gia buổi đầu của phiên toà sáng 6/5/2020, mới nghe đại diện VKSNDTC trình bày về kháng nghị và bản thân luật sư trình bày ý kiến được 20 phút, nhưng ông chủ tọa phiên toà đã thông báo Luật sư không cần tham gia các buổi tiếp theo. Luật sư Phong đã yêu cầu tiếp tục tham gia phiên toà nhưng ông chủ tọa vẫn không chấp nhận.
Sự kiện trên khiến giới luật sư bức xúc, ngày 7/5/2020 Liên đoàn Luật sư Việt nam kiến nghị và nhiều luật sư tham gia một kiến nghị khác (Tài liệu 1) đề nghị TANDTC tạo điều kiện cho luật sư Phong tiếp tục tham gia phiên toà, để tranh tụng, trình bày hết ý kiến và tranh luận dân chủ, bình đẳng theo Điều 386 khoản 2 BLTTHS 2015. Sau đó TANDTC đã chấp nhận luật sư Phong tham gia phiên toà giám đốc thẩm trong ngày 8/5/2020. Tuy nhiên, luật sư Phong không được TANDTC thông báo về diễn biến phiên toà trong 3 buổi (chiều ngày 6/5 và buổi sáng, buổi chiều ngày 7/5/2020), không được tóm lược các ý kiến trình bày của những người tham gia phiên toà này (bao gồm một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm vụ án này) và một số vị khác. Luật sư Phong chỉ được phép trình bày trong thời gian ngắn về một số tài liệu, chứng cứ mới nhưng không được ông chủ toạ tạo điều kiện tranh tụng, trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng theo như khoản 2 Điều 386 BLTTHS, ví dụ chất vấn và tranh luận với những người khác tham gia phiên toà để làm rõ những vấn đề quan trọng của vụ án, như những người đã tiến hành tố tụng và đại diện cơ quan có tài liệu được công bố trong phiên tòa.
Hành vi trên của ông chủ tọa không chỉ có dấu hiệu vi phạm BLTTHS mà còn có dấu hiệu vi phạm khoản 5 Điều 27 và khoản 2 Điều 9 Luật Luật sư( ).
Phân tích 3.
Ông Chủ tọa có dấu hiệu bỏ qua hoặc làm nhẹ những sai phạm của người, cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới để hợp thức hoá các bản án vi phạm pháp luật.
Chúng tôi xin nêu những ví dụ sau, được đăng trên báo congly.vn:
1. “Lý giải Hồ Duy Hải có nhiều lời khai nhận tội khác nhau, Đại diện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An trình bày: Lúc đầu Hải có 2 lời khai đập đầu nạn nhân vào lavabo, nhưng sau đó lại khai dùng thớt tròn đập vào đầu nạn nhân Hồng. Điều tra viên cho biết, bản cung đầu Hải sợ phải chịu mức án cao nên khai không đúng sự thật, đến bản khai ngày 7/7/2008 có mặt Kiểm sát viên, luật sư tham gia thì Hải đã khai lại là dùng thớt đập vào đầu nạn nhân, chứ không đập đầu nạn nhân vào lavabo”.
Rõ ràng lời giải thích của đại diên Cơ quan điều tra là nguỵ biện, vì dù khai nhận tội thế nào Hồ Duy Hải cũng phạm tội giết người (2 người) đều phải chịu mức án rất cao nên không thể hy vọng khai kiểu này sẽ nhận mức thấp hơn khai kiểu kia. Chỉ có thể giải thích việc khai ban đầu chưa “đáp ứng” nhận định của CQĐT nên Hồ Duy Hải đành phải khai kiểu khác. Việc điều chỉnh lời khai nhận tội để “chiều lòng” điều tra viên vì lý do nào đó đã từng diễn ra trong các vụ án oan với cáo buộc giết người như vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long,… thậm chí điều chỉnh được cả vụ án 7 thanh niên trong vụ án oan ở Sóc Trăng, mà báo chí và các cơ quan chức năng đều biết rõ.
2. Về chi tiết, có bản vẽ con dao gây án trong hồ sơ vụ án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình hỏi, ai là người vẽ cho Hồ Duy Hải nhận dạng? Là Hải vẽ? hay nhân chứng vẽ? hay Điều tra viên vẽ?
Điều tra viên không trả lời được cho đến khi Chủ tọa nhấn mạnh việc ai vẽ dao để bị cáo, nhân chứng nhận dạng thì Điều tra viên ấp úng trả lời, việc vẽ dao do Điều tra viên thực hiện vẽ lại để tiến hành nhận dạng như Kháng nghị của Viện kiểm sát đã nêu. Như vậy chính điều tra viên đã thừa nhận mớm cung cho Hồ Duy Hải, nhưng ông Chánh án cũng bỏ qua. Lẽ ra đây là cơ hội để đặt vấn đề phải chăng những nội dung khác được cho là Hải khai ra, viết ra, vẽ ra,… cũng do Điều tra viên hoặc ai khác mớm cho Hải, vì Hải có thể không phải là hung thủ nên không biết (thực tế Hải đã trình bày tương tự như vậy khi gặp bà Lê Thị Nga - ghi trong trang 4 Báo cáo nghiên cứu vụ án ngày 10/2/2015 của bà Lê Thị Nga).
Ngoài ra còn nhiều ví dụ khác về việc bỏ qua hoặc làm nhẹ các sai phạm của các cơ quan tố tụng cấp dưới, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích, sau khi nghiên cứu văn bản quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán mới được công bố.
Phân tích 4.
Ông Chánh án đã không khách quan khi công bố các tài liệu không có trong hồ sơ vụ án hoặc không làm căn cứ để VKSNDTC kháng nghị (thậm chí có một tài liệu không hợp pháp) theo hướng bất lợi cho bị án Hồ Duy Hải, trong khi không công bố các văn bản của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga có lợi cho bị án Hồ Duy Hải.
Theo bài “Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Công bố 3 tài liệu của cơ quan Trung ương” trên Báo congly.vn ngày 7/5/2020, chiều ngày 7/5/2020, tại phiên tòa giám đốc thẩm đã công bố 3 tài liệu:
Thứ nhất là Bản phúc cung của VKSNDTC thẩm tra vụ án trước khi trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải (năm 2011).
Thứ 2 là Báo cáo của liên ngành tư pháp Trung ương, khi Chủ tịch nước yêu cầu xem xét lại vụ án này vì có đơn kêu oan, liên ngành Tư pháp Trung ương đã thành lập Tổ thẩm định để thẩm tra (năm 2015).
Thứ 3 là Báo cáo thẩm định độc lập của Bộ Công an về vụ án Hồ Duy Hải sau khi VKSNDTC kháng nghị (năm 2018).
Đại diện Tổ giúp việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã đọc lời khai của Hồ Duy Hải tại bản phúc cung ngày 27/9/2011 được lấy tại Trại tạm giam Công an tỉnh Long An. Thành phần tham gia lấy lời khai gồm: Đỗ Xuân Tựu, Phó vụ trưởng Vụ III - VKSNDTC; Lê Ngọc Khánh, Kiểm sát viên; Lê Ái Dân, VKSND tỉnh Long An.
Tại Bản phúc cung này Hải khai rất rõ ràng từng chi tiết hành vi gây án. Hải cũng khẳng định suốt quá trình điều tra, hỏi cung không bị bức cung, nhục hình mà tự nguyện khai nhận hành vi của mình. Cuối bản phúc cung Hải nói “việc phạm tội do con gây ra, con chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt”.
Tiếp đến là phần công bố Báo cáo số 38/BC-VKSNDTC ngày 27/3/2015 của liên ngành tư pháp Trung ương. Báo cáo này, do ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC ký với tư cách là Trưởng đoàn ký văn bản thẩm tra nội dung vụ án vì có đơn kêu oan của gia đình Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe nên ông Lê Hữu Thể không đến để trình bày tại phiên tòa hôm nay, nên Hội đồng Thẩm phán đã đề nghị Tổ giúp việc trình bày.
Về Báo cáo thẩm định độc lập của Bộ Công an về vụ án Hồ Duy Hải sau khi VKSNDTC kháng nghị kết luận: Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, thận trọng và toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những vi phạm thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án, lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC thấy rằng: Vụ án Hồ Duy Hải phạm tội Giết người, Cướp tài sản xảy ra năm 2008 ở tỉnh Long An là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, được dư luận quan tâm.
Quá trình điều tra ban đầu có một số vi phạm thiếu sót, tuy nhiên Cơ quan điều tra đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án.”
Chúng tôi nhận thấy, hai báo cáo thứ 1 và thứ 2 là tài liệu của VKSNDTC, không có trong hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải và cũng không làm căn cứ kháng nghị. Lẽ ra nếu VKSNDTC thấy những tài liệu cần thiết thì phải do chính họ công bố trong phiên tòa giám đốc thẩm, việc ông Chủ tọa để tổ giúp việc Hội đồng thẩm phán công bố là không khách quan, vô tư, đặc biệt những tài liệu này được lập dưới thời ông Nguyễn Hòa Bình làm Viện trưởng VKSNDTC, chứng tỏ ông với tư cách Chánh án TANDTC muốn giữ nguyên quan điểm của mình trước các thành viên Hội đồng thẩm phán “cấp dưới của mình” về vụ án này khi còn làm Viện trưởng VKSNDTC.
Việc Cơ quan điều tra của Bộ công an lập Tổ công tác để thu thập, xác minh về vụ án này là không theo trình tự, thủ tục của BLTTHS, như ông Bùi Ngọc Hòa - Thành viên HĐTP TANDTC đã thừa nhận khi trả lời Báo tuoitre.vn ngày 12/5/2020 (Tài liệu 2). Việc này là trái nguyên tắc cơ bản Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự theo Điều 7 BLTTHS 2015( ). Do đó, việc Hội đồng thẩm phán TANDTC sử dụng tài liệu không được thu thập hợp pháp này làm căn cứ giải quyết vụ án là không đúng pháp luật.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga - với tư cách Đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm UBTPQH từ 2011 - 2016, Chủ nhiệm UBTPQH từ 2016 đến nay - liên quan đến vụ án này đã gửi nhiều báo cáo, kiến nghị đến UBTV Quốc hội và các cơ quan chức năng như VKSNDTC, TANDTC, để đề nghị TANDTC, VKSNDTC xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, trong kháng nghị của VKSNDTC cũng đã nêu. Thế nhưng, không thấy ông Chủ tọa công bố nội dung những văn bản này (có lợi cho Hồ Duy Hải) do bà Lê Thị Nga ký. Việc không công bố này rõ ràng bất lợi cho Hồ Duy Hải và cho thấy ông Chủ tọa không khách quan vô tư khi để công bố những tài liệu của VKSNDTC dưới thời ông Nguyễn Hòa Bình làm Viện trưởng (nhưng được VKSNDTC sử dụng làm căn cứ để kháng nghị), và một tài liệu khác kể cả không hợp pháp nhưng bất lợi cho Hồ Duy Hải.
Trong các văn bản mà bà Lê Thị Nga ký, có Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải (nội dung báo cáo này cũng nằm trong những tài liệu của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội gửi cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, VKSNDTC, TANDTC) không thấy công bố trong phiên tòa giám đốc thẩm, trong đó bà Lê Thị Nga cho biết tại buổi gặp và làm việc Hồ Duy Hải nhiều lần trả lời là không giết người và đề nghị xem xét lại vụ án; nguyên nhân nhận tội là do Hải thua bóng đá (thua cá độ) 20.000.000 đồng nên bị áp lực, cảm giác chán nản và tới bước đường cùng vì gia đình đã nhiều lần cho tiền nên không còn yêu thương và cũng không cho thêm nữa, mặt khác sau khoảng 2 tháng từ khi xảy ra vụ án Cơ quan điều tra mới gọi lên làm việc nên Hải không nhớ rõ được ngày đó làm gì, ở đâu, một số lời khai của Hải lại không đúng với xác minh của cơ quan điều tra nên không chứng minh được thời gian ngoại phạm (ghi tại trang 3,4 Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án) và kết luận “việc Tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm của TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh. Bị cáo Hồ Duy Hải bị kết án mức hình phạt cao nhất là tử hình nên để đảm bảo thận trọng, chúng tôi cho rằng cần phải xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này”. (Xem những thông tin từ báo cáo này - Tài liệu 3).
Phân tích 5.
Ông Chánh án tìm cách diễn giải việc Hồ Duy Hải nhận tội ở những thời điểm quan trọng và kết luận “không bị ép cung, nhục hình, mớm cung”, bỏ qua việc Hồ Duy Hải thực ra kêu oan liên tục, đặc biệt ở phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm và nhiều tình tiết, tài liệu quan trọng khác và thực tế nhiều vụ án oan sai ở Việt Nam.
Ông đề nghị VKSNDTC khẳng định Hồ Duy Hải có bị ép cung, nhục hình, mớm cung không, gây khó cho VKSNDTC. Thực tế hiện tượng trên là có thật ở Việt Nam, nhưng rất khó chứng minh. Trong các vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long… các bị án đều nhận tội giết người, lời khai được coi là phù hợp với hiện trường theo sự mớm cung của điều tra viên (hoặc theo tác động tinh vi khác), các bị án sau này đều khẳng định bị ép cung, nhục hình, thậm chí đã tố cáo nhưng đến nay các cơ quan pháp luật cũng không xử lý hình sự được các cán bộ liên quan về hành vi ép cung, nhục hình, dù đã xác định các bị án này vô tội.
Có những tài liệu mà TANDTC đã nhận được và phải biết, chứng minh có nhiều thời điểm Hồ Duy Hải không nhận tội, kêu oan và có sự làm khó từ chính cơ quan tố tụng khi Hồ Duy Hải kêu oan:
a. Ngay khi bị bắt Hồ Duy Hải không nhân tội, lời khai này (vào ngày 20/3/2008) không được cơ quan điều tra lưu trong hồ sơ.
b. Luật sư Nguyễn Văn Đạt cho biết, trong quá trình tiếp xúc lần đầu trước khi có cáo trạng, Hồ Duy Hải đã kêu oan (theo như nội dung bài báo “Thực sự là Hồ Duy Hải đã kêu oan hay chỉ kêu giảm án” trên báo baophapluat.vn ngày 9.1.2015 - Tài liệu 4). Ngay trong Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP cũng ghi nhận Hồ Duy Hải khi được VKSNDT tỉnh Long An phúc cung trước khi lập cáo trạng cũng không nhận tội và cho rằng khai theo thông tin từ Nguyễn Văn Hải, công an viên xã Nhị Thành.
c. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hải cũng kêu oan (bản án sơ thẩm có ghi “Tại tòa có lúc cho rằng không phạm tội, sở dĩ khai nhận vì thời gian bất minh không chứng minh được, mô tả việc phạm tội do Nguyễn Văn Hải là Công an viên xã Nhị Thành kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân”).
d. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo Hải cũng kêu oan. Theo như biên bản phiên tòa phúc thẩm (được nêu trong “Những lần kêu oan của Hồ Duy Hải tại tòa phúc thẩm” trên báo motthegioi.vn ngày 16/12/2019 - Tài liệu 5), Hồ Duy Hải chuyển từ kháng cáo giảm nhẹ sang kêu oan, liên tục yêu cầu tòa án xem xét nhưng tòa án không xem xét theo hướng bị cáo kêu oan, thậm chí tòa còn truy hỏi “có ai xúi giục bị cáo kêu oan không”, truy hỏi theo hướng bị cáo phạm tội.
e. Khi gặp bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm UBTP Quốc hội vào năm 2015, Hồ Duy Hải cũng kêu oan.
Lẽ ra, nếu ông Chánh án hoặc cấp dưới của ông xem xét kỹ các biên bản phiên tòa, bản án đã phát hiện Hồ Duy Hải kêu oan tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm nhưng đều không được các cấp xét xử này xem xét một cách thận trọng, và đương nhiên sẽ xác định đó là sai lầm nghiêm trọng của các cấp này.
Phân tích 6.
Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm đã không làm đúng theo nguyên tắc “xác định sự thật” của vụ án tại Điều 10 BLTTHS 2003( ) (tương đương Điều 15 BLTTHS 2015), bỏ qua nhiều biện pháp hợp pháp để xác định khách quan toàn diện, đầy đủ, kể cả làm rõ những chứng cứ xác định bị án có thể không phạm tội và nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đặc biệt, vi phạm Điều 72 BLTTHS 2003( ) (tương ứng Điều 98 BLTTHS 2015), khi dùng lời nhận tội của Hồ Duy Hải làm chứng cứ duy nhất để kết tội với mức án cao nhất.
Theo cơ quan điều tra, do Hồ Duy Hải có liên lạc điện thoại với một nạn nhân vào trưa 13/1/2008 (tối cùng ngày xảy ra án mạng tại Bưu điện Cầu Voi), nên thuộc đối tượng nghi vấn. Khi triệu tập Hải vì lý do một vụ án khác (đánh bạc) vào ngày 20/3/2008, CQĐT có yêu cầu giải trình về thời gian của mình trong chiều tối ngày 13/1/2008 nhưng Hồ Duy Hải không chứng minh được ngoại phạm (theo như nhận định của CQĐT, còn Hải trình bày với bà Lê Thị Nga là do lâu nên không nhớ) nên CQĐT cho rằng Hồ Duy Hải là nghi phạm, tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp vào ngày 21/3/2008 phát hiện 2 đống tro tại khuôn viên đất nhà của dì của Hải (sát nhà Hải), cho rằng đây là 2 đống tro do Hải đốt quần áo, thắt lưng, sim card liên quan đến vụ án, càng tin Hải là hung thủ. Sau khi lấy dấu vân tay của Hải, đem đi giám định so với các dấu vân tay thu tại hiện trường, cơ quan giám định khẳng định không phải là dấu vân tay của Hải. Lẽ ra, đây phải là chứng cứ xác định Hải có thể không phải là hung thủ vì theo như Biên bản khám nghiệm hiện trường, CQĐT đã thu nhiều đường vân tại cửa ra vào phòng vệ sinh và lavabo, do trong phòng vệ sinh có giọt máu nên nghi hung thủ sau khi gây án dính máu đã vào phòng vệ sinh để rửa vết máu, phi tang chứng cứ. Tuy nhiên, mặc dù có chứng cứ tin cậy này, CQĐT vẫn cho rằng Hải là hung thủ và chỉ sử dụng các biện pháp điều tra để chứng minh Hải là hung thủ trong khi theo Điều 10 BLTTHS 2003, CQĐT phải điều tra khách quan, toàn diện và đầy đủ, nhất là vụ án mạng rất nghiêm trọng này.
Nhưng vì muốn phá án nhanh nên họ điều tra theo kiểu giũa gọt cho phù hợp với nhận định của họ. Ví dụ về việc thực nghiệm điều tra để xác định thời gian đi lại của Hải từ khi ở tiệm cầm đồ của bà Tuyết Trinh đến Bưu điện Cầu Voi tối 13/1/2008, ngày xảy ra án mạng (theo như lời khai nhận tội của Hải). Đã xác định 2 mốc thời gian là 19h13’39’’, Võ Lộc Đang gọi điện thoại cho Hồ Duy Hải khi đang ở tiệm cầm đồ, và 19h39’22’’ nhân chứng Đinh Vũ Thường có sử dụng dịch vụ điện thoại tại Bưu điện Cầu Voi, nhìn thấy một thanh niên (được cho là Hồ Duy Hải) ngồi trong bưu điện với một cô gái. Theo lời khai nhận của Hồ Duy Hải, Hải đã làm nhiều động tác như (1) trao đổi điện thoại với Đang, (2) làm thủ tục cầm cố điện thoại với bà Tuyết Trinh trong đó có tháo sim ra khỏi điện thoại, nhận tiền từ bà Tuyết Trinh, (3) đi xe máy đến quán bà Hai A để trả tiền vay trước đó (BL105), (4) dừng xe và trả tiền vay, (5) đi xe máy về nhà dì Len để trả xe, (6) sang nhà dì Dương lấy xe khác, (7) đi xe đến quán Bảy Thanh gặp Đang, (8) đợi Đang lên xe, (9) chở Võ Lộc Đang đến quán Hai Thượng, (10) đưa tiền cho Đang, (11) đi tiếp một mình đến Bưu điện Cầu Voi, (12) đậu xe tại cổng rào Bưu điện Cầu Voi, (13) cởi áo gió cuộn tròn lại bỏ lên baga giữ xe và úp nón bảo hiểm lên trên áo gió, (14) vào gặp Thu Vân (nạn nhân) và ngồi phía trong, (15) Ánh Hồng (nạn nhân) vào gặp, nói chuyện và mời Hải uống nước độ khoảng 10 phút, (16) Hải mượn điện thoại của bưu điện dùng nạp tiền card cho khách, bấm xem các chức năng rồi bỏ lên bàn (nhân chứng Thưởng có nhìn thấy 1 thanh niên đang bấm máy).
Nhưng theo Cáo trạng, có việc kiểm tra thực tế ngày 14/7/2008, và theo biên bản kiểm tra đoạn đường nơi bị cáo Hải cầm điện thoại di động từ nhà bà Tuyết Trinh đến Bưu điện Cầu Voi dài khoảng 7,5km, tốc độ 40k/h, thời gian đi khoảng 15 phút. Tuy nhiên, không thấy nêu biên bản kiểm tra này là kết quả của việc thực nghiệm điều tra. Nếu đúng biên bản kiểm tra này không phải là kết quả của việc thực nghiệm điều tra, lẽ ra không được coi là chứng cứ hợp pháp. Còn nếu là kết quả của một cuộc thực nghiệm điều tra, phải tuân thủ theo Điều 153 BLTTHS 2003( ), phải diễn lại toàn bộ những hành vi của Hải từ khi nhận được cuộc gọi điện thoại của Võ Lộc Đang cho đến khi đến Bưu điện Cầu Voi và vào trong bưu điện nói chuyện với các nạn nhân Vân, Hồng. Những người tham gia thực nghiệm điều tra này nhất thiết phải có Đinh Vũ Thường và những người khác (ngoài 2 nạn nhân) có tiếp xúc với Hải. Còn việc chỉ xác định khoảng thời gian đi lại của Hải từ tiệm cầm đồ đến Bưu điện Cầu Voi mà bỏ qua những hành vi khác của Hải và không có sự của mặt nhân chứng Thường (để xác định thời điểm Thường sử dụng dịch vụ điện thoại và thời điểm Thường nhìn thấy thanh niên đang bấm điện thoại trong bưu điện) là biện pháp điều tra không hợp pháp và không đầy đủ.
Ngay cả khi thực nghiệm điều tra, sau khi Hải diễn lại các hành vi (kể cả 2 lần vào phòng vệ sinh để rửa dao, rửa tay nhằm xóa vết), CQĐT phải làm rõ với những động tác đó Hải có để lại dấu vân tay trong phòng vệ sinh hay không để giải thích tại sao Hải có thể không để lại dấu vân tay tại hiện trường phòng vệ sinh với diện tích nhỏ chỉ khoảng 4m2 này? Như vậy, việc thực nghiệm điều tra tại hiện trường không kiểm tra việc này là không khách quan, toàn diện và đầy đủ, khiến không thu được kết quả có ý nghĩa và xác thực trong việc giải quyết vụ án.
Tại Tòa án cấp sơ thẩm, bị cáo Hồ Duy Hải không nhận tội, cho rằng mô tả việc phạm tội do Nguyễn Văn Hải (một công an viên) kể lại chi tiết vụ án, lẽ ra Tòa án phải áp dụng biện pháp triệu tập Nguyễn Văn Hải để làm rõ nội dung này, đồng thời xem xét những tình tiết tài liệu có trong hồ sơ một cách kỹ lưỡng, thận trọng, sẽ phát hiện cáo trạng có nhiều điểm phản ánh không đúng hồ sơ vụ án hoặc đề cập thiếu tài liệu. Như cáo trạng ghi “nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện bị cáo Hải ngồi trong bưu điện Thủ Thừa”, trong khi theo lời khai của Thường, Thường thấy một thanh niên không quen biết (tức không biết tên là Hải và cũng không nhận dạng được) và Bưu điện Thủ Thừa không phải là Bưu điện Cầu Voi, nên cần phải triệu tập nhân chứng để làm rõ tình tiết này. Hoặc cáo trạng không ghi kết luận về giám định dấu vết vân tay (có thể coi là bằng chứng ngoại phạm cho Hải), lẽ ra Tòa án phải triệu tập Giám định viên để giải thích những dấu vết vân tay này có ý nghĩa như thế nào đối với vụ án. Tóm lại, để thận trọng, Tòa án phải mời những Giám định viên đã có kết luận giám định để trình bày về kết luận giám định, giải thích những nội dung để xác định chính xác các tình tiết liên quan đến vụ án một cách khoa học. Nếu cấp sơ thẩm phát hiện chiếc ghế được coi là vật chứng của vụ án (Hải dùng làm hung khí), thực tế không phải là chiếc ghế được miêu tả và thu giữ tại hiện trường, rõ ràng Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra lại nêu rõ lý do tại sao đánh tráo vật chứng và không sử dụng chiếc ghế này làm vật chứng để Hải nhận dạng trong phiên tòa.
Trong phiên tòa phúc thẩm, Hồ Duy Hải kêu oan liên tục nhưng Hội đồng xét xử đều không thẩm tra lại những chứng cứ có thể xác định Hải vô tội (như kết luận giám định về dấu vân tay đã nêu trên), đồng thời lại xác định không đúng sự thật là Hải đều nhận tội tại phiên tòa sơ thẩm trong khi chính bản án sơ thẩm đã ghi Hải có lúc không nhận tội. Thậm chí bản án phúc thẩm đã nhận định sai về động cơ gây án, cho rằng “chỉ vì đam mê cờ bạc để thua hết tiền, bị cáo đã gây án giết người và sau đó chiếm đoạt”, trong khi không có tài liệu nào trong hồ sơ đề cập việc này, chứng tỏ các thẩm phán cấp phúc thẩm rất cẩu thả, không sử dụng bất cứ biện pháp nào để kiểm tra các chứng cứ được coi là buộc tội cũng như gỡ tội đối với bị cáo, không nêu các lập luận của các luật sư bào chữa, nhưng vẫn kết án bị cáo với mức án tử hình.
Trong vụ án này, ngoài những lời nhận tội của Hồ Duy Hải (mà thường xuyên thay đổi về tình tiết và nhiều lần không nhận tội), không có chứng cứ nào chứng minh hành vi giết người, cướp tài sản đối với Hồ Duy Hải, không có vật chứng nào, kết luận giám định hay chứng cứ khác không thể bác bỏ được để làm căn cứ kết tội bị cáo. Cả 3 vật được coi là hung khí thì khi khám nghiệm hiện trường không thấy con dao, sau đó thấy một con dao mới (nhưng không rõ nguồn gốc từ đâu) và đã bị tiêu hủy, thớt có vết máu có ghi và chụp trong biên bản khám nghiệm hiện trường nhưng cũng bị tiêu hủy, ghế có vết máu có ghi và chụp trong biên bản khám nghiệm hiện trường và thu giữ tang vật nhưng đã bị đánh tháo bằng một chiếc ghế khác, mà Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp không phát hiện và đều coi là tang vật. Các cơ quan tố tụng đã vi phạm Điều 72 BLTTHS 2003 (tương ứng với Điều 98 BLTTHS 2015), khi dùng lời nhận tội của Hồ Duy Hải làm chứng cứ duy nhất để kết tội với mức án cao nhất.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích liên quan đến vấn đề này sau khi nghiên cứu quyết định Giám đốc thẩm vừa được công bố.
Phân tích 7.
Có những căn cứ xác định Hồ Duy Hải có thể không phạm tội (hoặc có việc bỏ lọt tội phạm), không có mặt ở hiện trường, trên cơ sở xác định dấu vân tay và xác định chính xác, đầy đủ thời gian và những nơi đi lại của Hồ Duy Hải vào tối 13/1/2008.
Như đã nêu ở phần Phân tích 6 trên, theo xác định trong cáo trạng, trong các bản án, Hồ Duy Hải đã 2 lần vào phòng vệ sinh (diện tích 2,5m x1,55m) để rửa dao, rửa tay làm sạch vết máu sau mỗi lần gây án, hiện trường vụ án thể hiện trên nền nhà vệ sinh có giọt máu nhỏ. Cơ quan điều tra đã thu thập nhiều dấu vân tay, trong đó có một số dấu vân tay tại khu vệ sinh kể cả một dấu vân tay ở trên tay nắm của vòi nước. Giả thiết rằng Hồ Duy Hải đúng là hung thủ, đương nhiên dấu vân tay trên tay nắm vòi nước là của Hải, vì ít nhất 4 lần Hải đã vặn vòi, một lần vặn để lấy nước rửa tay và rửa dao sau khi giết bị hại Hồng và sau đó vặn vòi lại, tương tự như vậy sau khi giết bị hại Vân. Nhưng kết luận giám định lại khẳng định dấu vân tay này không phải của Hải. Giả thiết là của người khác (không phải hung thủ), nếu Hải đã rửa vết máu trên tay, cũng phải rửa vết máu trên vòi nước do vết máu trên tay của Hải sẽ để lại trên vòi nước. Quá trình rửa vết máu này trên nắm tay của vòi nước đương nhiên sẽ xóa dấu vân tay của người khác và có thể dấu vân tay của Hải trước đó, trừ dấu vân tay để lại tại lần cuối cùng Hải vặn vòi (khi đó vết máu trên tay của Hải và trên tay nắm của vòi nước đã được xóa). Nói cách khác nếu Hải thật sự là hung thủ thì dấu vân tay trên tay nắm của vòi nước chắc chắn là của Hải và không thể là của người khác. Nhưng kết luận giám định lại cho kết quả dấu vân tay này không phải của Hải do đó đủ cơ sở chứng minh Hải không phải là hung thủ hoặc ít nhất là việc Hải khai việc vào nhà vệ sinh rửa tay, rửa dao để sạch vết máu là không đúng sự thật khách quan. Việc các cơ quan tố tụng kết luận Hải phạm tội theo như những nội dung, tình tiết được miêu tả trong cáo trạng, bản án là sai lầm rất nghiêm trọng không thể chấp nhận được.
Về thời gian đi lại của Hải tại thời điểm xảy ra vụ án, theo Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận được Hải đã có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 34 phút 09 giây ngày 13/01/2008. Tuy nhiên, như đã nêu ở phần Phân tích 6, trong 16 khoảng thời gian tương ứng 16 hành vi đã nêu, có 14 khoảng thời gian tính từ khi Hải nghe điện thoại của Võ Lộc Đang cho đến khi ngồi vào trong Bưu điện Cầu Voi (19 giờ 13 phút 39 giây). Nhân chứng Đinh Vũ Thường nhìn thấy một thanh niên trong Bưu điện Cầu Voi (được coi là Hải) vào thời điểm 19 giờ 39 phút 22 giây. Đánh giá của Hội đồng thẩm phán (trong quyết định Giám đốc thẩm) chỉ căn cứ thời gian từ hiệu cầm đồ qua các cung đường theo như Hải mô tả cho đến Bưu điện Cầu Voi (được tính là 7,5km) là 15 phút và cộng 5 phút làm thủ tục tại tiệm cầm đồ. Nhưng Hội đồng thẩm phán chưa tính 8 khoảng thời gian khác mà chúng tôi đã liệt kê trên như (1) trao đổi điện thoại với Đang, (4) dừng xe và trả tiền vay tại quán bà Hai A, (6) sang nhà dì Dương lấy xe khác, (8) đợi Đang lên xe, (10) đưa tiền cho Đang tại quán Hai Thượng, (12) đậu xe tại cổng rào Bưu điện Cầu Voi, (13) cởi áo gió cuộn tròn lại bỏ lên baga giữ xe và úp nón bảo hiểm lên trên áo gió, (14) vào gặp Thu Vân (nạn nhân) và ngồi phía trong. Nếu chỉ tính thời gian trong 8 khoảng thời gian trên là 1 phút (thực tế có những khoảng thời gian có thể là 3 - 4 phút), Hội đồng giám đốc thẩm đã tính thiếu ít nhất 8 phút. Nếu có thực nghiệm điều tra (không phải là kiểm tra như cơ quan điều tra đã làm, không phù hợp với quy định của BLTTHS về thu thập chứng cứ), sẽ có kết quả chính xác và khoa học hơn. Đáng tiếc Hội đồng giám đốc thẩm đã bỏ qua vi phạm này của cơ quan điều tra, tùy tiện tính thời gian nhưng tính thiếu gây bất lợi cho bị án Hồ Duy Hải và không phù hợp với khách quan.
Phân tích 8.
Có dấu hiệu luật sư do các cơ quan tố tụng tỉnh Long An chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải, vì lợi ích các cơ quan tố tụng tỉnh này, để hợp thức hóa các sai phạm của họ, cho dù luật sư này có dấu hiệu vi phạm quy định về luật sư, việc chỉ định của tòa án cấp sơ thẩm vi phạm BLTTHS.
Ngày 25/3/2008, Hồ Duy Hải (khi đó đã bị bắt) có đơn không chấp nhận luật sư do gia đình thuê mà chỉ chấp nhận luật sư do cơ quan điều tra thuê (Tài liệu 6), theo chúng thôi đánh giá đây là một thủ đoạn ép cung từ người tiến hành tố tụng, nhằm vô hiệu hóa quyền được bào chữa theo BLTTHS.
Ngày 01/4/2008, ông Võ Thành Quyết được chỉ định là luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải tại giai đoạn điều tra. Ông Quyết nguyên là Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An (cơ quan thụ lý điều tra vụ án này). Nhưng sau đó ngày 18/6/2008, ông lại ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý với gia đình Hồ Duy Hải, thu 10 triệu đồng, trái quy định về thù lao luật sư được chỉ định theo quy định tại khoản 2, Mục I, Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp số 66/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 19/6/2007(7) (Báo laodong.vn ngày 24/5/2015 - Tài liệu 7).
Gia đình Hồ Duy Hải nhận thấy ông Quyết có những tư vấn không đúng, nên không mời ông Quyết làm luật sư và mời Luật sư Nguyễn Văn Đạt (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho Hồ Duy Hải, nhưng Cơ quan điều tra lại thông báo Hồ Duy Hải đã từ chối luật sư Đạt, và tiếp tục chỉ định luật sư Quyết bào chữa cho Hồ Duy Hải. Theo bản cung đề ngày 7/7/2008 (được công bố tại phiên tòa giám đốc thẩm), có nội dung “Luật sư hỏi: Bị can có đủ tỉnh táo để làm việc với cơ quan điều tra? Bị can có bị ép buộc khai theo ý của điều tra viên không? Bị can Hải nói: "Hiện tại sức khỏe của tôi đủ tỉnh táo để làm việc. Quá trình đưa vào phòng làm việc trước đây tôi không bị ai ép buộc khai báo, cả điều tra viên cũng không ép cung, mà tôi tự khai báo... Trước đây tôi không yêu cầu luật sư bào chữa, nhưng sau khi điều tra viên, kiểm sát viên giải thích nên tôi đồng ý luật sư tham gia quá trình hỏi cung". Điều này có nghĩa trước ngày 7/7/2008, luật sư Quyết đã không thực hiện nhiệm vụ luật sư tham gia trong các buổi lấy lời khai của Hải, và Hải chỉ đồng ý luật sư tham gia từ ngày 7/7/2008. Tại thời điểm này không rõ luật sư Quyết là luật sư chỉ định hay luật sư được gia đình thuê, nhưng đều không hoàn thành nhiệm vụ luật sư.
Đến giai đoạn hồ sơ sang Viện Kiểm sát, gia đình Hồ Duy Hải lại tiếp tục nhờ luật sư Đạt. Luật sư Đạt đã gặp Hồ Duy Hải trước khi có cáo trạng và biết được Hải kêu oan. Tham gia phiên tòa sơ thẩm có cả luật sư Quyết (với tư cách luật sư chỉ định) và luật sư Đạt.
Trong phiên tòa giám đốc thẩm, ông Chánh án nhiều lần nêu các bút lục có chữ ký của luật sư tham gia hỏi cung như là bằng chứng Hồ Duy Hải nhận tội khi có mặt luật sư và coi đó là bằng chứng hợp pháp kết tội Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, nếu xét cả quá trình nhận nhiệm vụ bào chữa cho Hồ Duy Hải, ông Quyết không thực hiện trách nhiệm bảo vệ thân chủ, có dấu hiệu nhằm hợp thức hóa cho các cơ quan tố tụng tỉnh Long An. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hải kêu oan, Luật sư Nguyễn Văn Đạt bào chữa theo hướng “tuyên bị cáo Hồ Duy Hải chưa đủ yếu tố buộc tội “Giết người và cướp tài sản”, nhưng luật sư Quyết lại phát biểu theo hướng buộc tội như một công tố viên, dù đề nghị xin giảm nhẹ cho bị cáo. Bản án sơ thẩm ghi như sau “Luật sư Võ Thành Quyết đề nghị mặc dù về trình tự thủ tục tố tụng do cơ quan điều tra tiến hành có một số điểm chưa đúng. Song qua quá trình được chỉ định ở cơ quan điều tra chính Hồ Duy Hải cũng thừa nhận hành vi phạm tội, mô tả chi tiết về hành vi như dùng hung khí là thớt, ghế xếp và dao Thái Lan gây án,chiếm đoạt tài sản là nữ trang của hai nạn nhân, tiền, điện thoại sim card của Bưu cục và nhận dạng các tài sản, hung khí đều trùng khớp với nhau có sự chứng kiến và tham gia của luật sư, Viện Kiểm sát nên tôi đề nghị Hội đồng xử án khi lượng hình xem xét đến gia cảnh bị cáo do cha mẹ phải ly thân, thiếu sự giáo dục của gia đình, do ham mê cờ bạc dẫn đến phạm tội, gia đình ông bà nội, ông bà ngoại đều có công với cách mạng, sau khi gây án thật thà khai nhận, có lúc không khai do tâm lý, gia đình khắc phục gần như hoàn toàn về hậu quả, tuổi đời còn trẻ. Đề nghị Hội đồng xử án áp dụng hình phạt tù chung thân để có thời gian về hòa nhập xã hội.”
Theo quy định tại khoản 2, Điều 57 BLTTHS 2003 , chỉ khi bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tố tụng mới chỉ định người bào chữa cho họ. Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm chỉ định ông Võ Thành Quyết làm luật sư cho Hồ Duy Hải trong khi Hồ Duy Hải đã có luật sư Nguyễn Văn Đạt (được gia đình mời) bào chữa là vi phạm BLTTHS. Do đó, theo chúng tôi cần phải xem xét giá trị pháp lý của phiên tòa sơ thẩm khi tòa án có vi phạm tố tụng nêu trên, gây bất lợi cho bị cáo Hồ Duy Hải, cũng như xem xét lại các lời khai của Hồ Duy Hải không có luật sư chứng kiến cũng như trường hợp có luật sư Quyết chứng kiến có phù hợp pháp luật hay không, khi luật sư Quyết không thực hiện đúng vai trò của mình và mập mờ giữa luật sư được chỉ định hay luật sư được gia đình mời.
Khi thấy bị cáo Hải kêu oan sơ thẩm bị tuyên án tử hình, gia định bị cáo Hải có đề nghị ông Quyết giúp viết đơn kháng cáo kêu oan (do luật sư Đạt trở về TP. Hồ Chí Minh), nhưng ông Quyết lại hướng dẫn viết kháng cáo xin giảm nhẹ. Thực tế như đã trích dẫn trên, bị cáo Hồ Duy Hải đã trình bày trong phiên tòa phúc thẩm là kháng cáo kêu oan.
Như vậy, có đủ căn cứ để xác định luật sư Võ Thành Quyết không tận tậm bào chữa cho Hồ Duy Hải, có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích của các cơ quan tố tụng hợp thức hóa những sai phạm của họ./.
Danh mục tài liệu kèm theo:
Tài liệu 1: Văn bản kiến nghị số 127/LĐLSVN ngày 7/5/2020 của LĐLS Việt Nam; Đơn kiến nghị khẩn cấp của các luật sư ngày 7/5/2020.
Tài liệu 2: Bài báo “Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Thành viên Hội đồng thẩm phán nói gì” trên báo tuoitre.vn ngày 12/5/2020.
Tài liệu 3: Thông tin về Báo cáo kết quả nghiên cứu về vụ án Hồ Duy Hải của bà Lê Thị Nga.
Tài liệu 4: Bài báo “Thực sự là Hồ Duy Hải đã kêu oan hay chỉ kêu giảm án?” trên báo baophapluat.vn ngày 9.1.2015.
Tài liệu 5: Bài báo “Những lần kêu oan của Hồ Duy Hải tại tòa phúc thẩm” trên báo motthegioi.vn ngày 16/12/2019.
Tài liệu 6: Đơn từ chối luật sư của Hồ Duy Hải đề ngày 25/3/2008.
Tài liệu 7: Bài báo “Vụ án Hồ Duy Hải giết người, cướp của: Bị cáo kêu oan, luật sư khép tội” trên Báo laodong.vn ngày 24/3/2015.
Tài liệu 8: Tập các bài báo trên báo Congly.vn về vụ án Hồ Duy Hải.
CHÚ GIẢI ĐIỀU LUẬT:
(1) Điều 386. Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm
1. Sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
2. Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.
3. Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
(2) Khoản 2, Điều 9, Luật Luật sư
“Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.”
Khoản 5, Điều 27, Luật Luật sư
“Điều 27. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư
5. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.”
(3) Điều 7. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự
Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.
(4) Điều 10. Xác định sự thật của vụ án
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
(5) Điều 72. Lời khai của bị can, bị cáo
1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
(6) Điều 153. Thực nghiệm điều tra
1. Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ.
2. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia.
Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra.
3. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.
(7) Điều 57. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa
2. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:
a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
NHÓM LUẬT SƯ HỖ TRỢ LUẬT SƯ TRẦN HỒNG PHONG GIÚP ĐỠ PHÁP LÝ CHO BỊ ÁN HỒ DUY HẢI
Nhận xét
Đăng nhận xét