Kế thứ 3 của Tôn Tử
Binh thư Tôn Tử gồn có 36 kế, trong đó kế thứ ba là “mượn dao giết người” (tá đao sát nhân). Trong chính trị cận đại Việt Nam, người ứng dụng nhuần nhuyễn kế nầy có lẽ là Hồ Chí Minh, người được đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vinh danh có 169 bí danh, bút danh, biệt danh trong sách Những tên gọi, bí danh, bút danh của chủ tịch Hồ Chí Minh, do Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn, Nxb. Chính Trị Quốc Gia ấn hành năm 2001 ở Hà Nội.Một người có 169 tên khác nhau và còn có thể có nhiều hơn nữa, ngay cả khi cầm quyền cũng dùng bí danh, bút danh để hành động, chứng tỏ người đó rất điêu luyện trong việc ứng dụng kế thứ ba của Tôn Tử trong chính trị. Dưới đây là vài kinh nghiệm sử sách ghi lại được.
1.- VỤ ÁN PHAN BỘI CHÂU
Ngày 1-7-1925, Phan Bội Châu từ Hàng Châu đi Thượng Hải, thì bị Pháp bắt ở nhà ga Thượng Hải. Về sau, người ta mới được biết chính Lý Thụy đã bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Paris, 1962, tr. 38). Lý Thụy là Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh (sau nầy), mượn tay mật thám Pháp để loại Phan Bội Châu theo kế hoạch tiêu diệt tiềm lực, còn gọi là triệt người .
Ở đây, xin ghi thêm: Con gái của Phan Bội Châu là Phan Thị Như Cương. Bà Cương, có chồng là Vương Thúc Oánh. Ông Oánh hoạt động trong nhóm Lý Thụy. Biết tin Lý Thụy bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu, bà Cương xin cha ly dị chồng, nhưng Phan Bội Châu không đồng ý. Vâng lời cha, bà Cương không ly dị ông Oánh, nhưng từ đó âm thầm sống biệt lập, tức ly thân với ông Oánh suốt đời. (Viết theo lời kể của cháu nội Phan Bội Châu, gọi bà Cương bằng cô ruột, gặp tại Toronto, không muốn đưa tên.)
2.- VỤ ÁN PHẠM QUỲNH VÀ NGÔ ĐÌNH KHÔI
Tại Huế, hai ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi lui về hưu trí từ khi Trần Trọng Kim lập chính phủ ngày 17-4-1945. Ngày 23-8-1945, Ủy ban cộng sản (CS) địa phương Huế sai Phan Hàm và Võ Quang Hồ bắt Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, nhưng không giết.
Vua Bảo Đại làm lễ thoái vị tại cửa Ngọ Môn (Huế) ngày 30-8-1945, có mặt đại diện CS trung ương là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, và Cù Huy Cận. Phái đoàn trung ương cùng cựu hoàng Bảo Đại rời Huế ngày 4-9-1945 ra Hà Nội. Sau đó, CS Huế giết hai ông Quỳnh và Khôi ngày 6-9-1945.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu về Phạm Quỳnh vẫn chưa tìm ra được ai đã ra lệnh giết Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi. Chính hai người do Ủy ban CS cử đi bắt Phạm Quỳnh là Phan Hàm và Võ Quang Hồ, sau 1975 lên đến cấp tướng trong quân đội CS, cũng không biết hoặc biết mà không dám nói, vì sao và ai đã ra lệnh nầy? Câu hỏi đặt ra là tại sao CS Huế không giết liền hai ông Quỳnh và Khôi, mà chỉ giết sau khi phái đoàn trung ương đến Huế? Như thế là phải có chỉ thị từ trung ương, thì CS Huế mới giết hai ông. Ai ở trung ương có quyền ra lệnh nầy nếu không phải là người quyền lực cao nhứt nước?
Điều đáng nói thêm là sau khi Phạm Quỳnh bị giết, hai người con gái đầu của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh. Sau đây là lời kể của bà Thức:”… Tháng 8 năm 1945, Thầy tôi ra đi!… Sau đó, chị tôi [tên Giá] và tôi nhờ một anh bạn là Vũ Đình Huỳnh ngày ấy là garde-corps [cận vệ] cho cụ Hồ, giới thiệu đến thăm cụ và hỏi truyện [tức chuyện Phạm Quỳnh]. Cụ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về… Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá vội vã có thể có nhiều sai sót đáng tiếc…” (Hồi ký tại Paris ngày 28-10-1992 của bà Thức, nhân kỷ niệm 100 năm sinh niên Phạm Quỳnh, tài liệu gia đình gởi người viết.). Hồ Chí Minh cướp chính quyền ở Hà Nội tháng 8-1945. Bảo Đại thoái vị và rời Huế ngày 4-9-1945. Phạm Quỳnh bị giết ngày 6-9-1945. Nghĩa là Hồ Chí Minh đã về Hà Nội, và đã cướp quyền trước khi Phạm Quỳnh bị giết. Xin chú ý các điểm sau: 1) Tại sao Hồ Chí Minh nói dối về thời điểm việc trở về với hai người con gái của Phạm Quỳnh? 2) Phạm Quỳnh là người có khả năng, có uy tín, và có chủ trương chính trị khác HCM và đảng CSVN. 3) Phạm Quỳnh biết rõ quá khứ của HCM.
Nguyên vào năm 1922, chính phủ Pháp mời Phạm Quỳnh đến Paris diễn thuyết tại Trường Thuộc Địa (École Coloniale) ngày 31-5-1922. Sau đó, Phạm Quỳnh ở lại Paris để đi diễn thuyết vài nơi, kể cả Viện Hàn lâm Pháp. Trong thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh ghi nhật ký là đã gặp gỡ những “chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi”. Trên lịch để bàn, Phạm Quỳnh ghi rõ: [Tờ lịch ngày Thứ Năm, 13-17]: “Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins)”. [Tờ lịch ngày Chủ nhật 16-7]: “Ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” [Chuyền có thể là Nguyễn Thế Truyền.] (Tài liệu do bà Phạm Thị Hoàn, con gái Phạm Quỳnh cung cấp cho người viết.)
Chắc chắn Phạm Quỳnh biết hai việc mà Hồ Chí Minh đã làm ở Paris. 1) Xin vào học Trường Thuộc Địa Paris năm 1911, nhưng bị từ chối. 2) Gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) ở Paris năm 1922. (Jacques Dalloz, “Les Vietnamiens dans la francmaçonnerie coloniale”, tạp chí Revue Française d’Histoire d’Outre-mer, Tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d’Histoire d’Outre-mer, tr. 105.) Tam Điểm là một hội đối lập và là kẻ thù của đảng CS. Khi mới cướp chính quyền năm 1945, để lôi cuốn quần chúng, Hồ Chí Minh giấu kỹ hai việc trên. Phải chăng vì vậy, qua phái đoàn trung ương đến Huế, Hồ Chí Minh ra lệnh cho CS địa phương Huế bịt miệng Phạm Quỳnh vĩnh viễn?
3.- NHỮNG VỤ ÁN THỜI HỘI NGHỊ FONTAINEBLEAU
Ngày 31-5-1946, Phạm Văn Đồng cầm đầu phái đoàn nhà nước CSVN sang Pháp dự hôi nghị Fontainebleau. Hồ Chí Minh đi theo phái đoàn, với tư cách cá nhân, không cho biết lý do. Tương truyền rằng trước khi ra đi, Hồ Chí Minh nói với quyền chủ tịch nước là Huỳnh Thúc Kháng như sau: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (Lấy không biến đổi [im lặng] để ứng phó với vạn điều biến đổi.) Câu nầy rất văn hoa, nhưng thật ra Hồ Chí Minh dặn Huỳnh Thúc Kháng rằng “ông hãy im lặng, đừng hành động gì trước những biến chuyển của tình hình”. Thật vậy, sau khi phái đoàn ra đi, sóng gió nổi lên khắp Việt Nam.
Trước hết là vụ Ôn Như Hầu ở Hà Nội ngày 13-7-1946. Vào ngày nầy, quân CS bất ngờ lục soát trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), số 9 phố Ôn Như hầu, Hà Nội, bắt những đảng viên QDĐ có mặt, tịch thu giấy tờ mà theo CS là có “kế hoạch đảo chánh” chính phủ Hồ Chí Minh. Cộng sản còn cho rằng đã tìm thấy trong khu vực nhà nầy một số xác người, rồi lập biên bản kết tội QDĐ. Hôm sau (14-7-1946), bộ trưởng Nội vụ, kiêm quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, dựa vào biên bản nầy, ký quyết định trừng trị những người bị ghi là phạm tội trong biên bản.
Sau biến cố Ôn Như Hầu, Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Vệ quốc đoàn CS tấn công 7 chiến khu của QDĐ từ Hải Dương vào đến Bình Định từ tháng 7 đến cuối năm 1946, đánh dẹp các chiến khu QDĐ, bắt giam hàng ngàn đảng viên đảng nầy. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Sài Gòn: 1970, tt. 325-327.)
Vào cuối tháng 7-1946, một chuyến xe lửa chuyên chở võ khí ngang qua cầu Chiêm Sơn, xã Phú Tân, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, phải dừng lại vì có báo động. Cộng sản cho rằng QDĐ phá hoại, bắt giam, tra tấn dã man các lãnh tụ, đảng viên QDĐ từ Quảng Nam vào Bình Định.
Ba vụ tấn công trên đây của CS không phải tình cờ xảy ra khi Hồ Chí Minh qua Pháp theo phái đoàn Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh không có nhiệm vụ gì mà vẫn đi Pháp, chẳng qua là Hồ Chí Minh sắp đặt trước công việc ở nhà, rồi tránh mặt để Võ Nguyên Giáp thi hành, mở cuộc khủng bố đối lập, và còn yêu cầu Huỳnh Thúc Kháng hãy “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Khi Hồ Chí Minh trở về Hà Nội ngày 21-10-1946, thì Võ Nguyên Giáp đã thanh toán xong các thành phần đối lâp. Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ ngày 3-11-1946, không còn liên hiệp mà chính phủ mới gồm đại đa số là người của đảng CSVN.
4.- VỤ ÁN BÀ NGUYỄN THỊ NĂM
Ngày 20-4-1953, sắc lệnh Cải cách ruộng đất đợt thứ 3 được ban hành. Nơi thực hiện đầu tiên là Thái Nguyên. Người bị đấu tố đầu tiên là bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long nên người ta quen gọi là bà Cát Hanh Long. Bà Nguyễn Thị Năm bị đem ra đấu tố ba lần và bị giết ngày 9-7-1953.
Theo hồi ký của Hoàng Tùng, từng là bí thư Trung ương đảng CSVN, khi nghe tin cố vấn Trung Quốc yêu cầu xử tử bà Nguyễn Thị Năm, có người báo tin cho Hồ Chí Minh biết. Hồ Chí Minh nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa.” (Internet: Hồi ký Hoàng Tùng, mục “Những kỷ niệm về Bác Hồ”.)
Theo tài liệu của một tác giả hiện ở trong nước, lúc đó là một ký giả báo Nhân Dân Hà Nội, có nhiệm vụ viết bài tường thuật vụ xử án bà Nguyễn Thị Năm, khi xảy ra vụ án thì: 1) Hồ Chí Minh bịt râu, hóa trang để đến dự đấu tố. 2) Trường Chinh đeo kính đen để khỏi bị nhận diện khi tham gia cuộc đấu tố. (Trần Đĩnh, Đèn cù, Hoa Kỳ: Người Việt Books, 2014, tr. 86.)
Từ 1945 đến 1951, bà Năm đã từng dùng nhà mình làm nơi hội họp, che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ CS cao cấp. Bà còn đóng góp nhiều tiền bạc cho CS, nên việc đấu tố và xử tử bà Năm gây nhiều dư luận bất bình. Vì vậy, trên báo Nhân Dân ngày 21-7-1953, xuất hiện bài viết nhan đề là “Địa chủ ác ghê” của tác giả C.B., lên án nặng nề địa chủ Nguyễn Thị Năm cùng hai con là những địa chủ gian ác, bóc lột. Bài báo còn tố cáo gia đình bà Năm vừa trực tiếp, vừa gián tiếp giết chết 260 người.
Độc giả không biết tác giả C.B. là ai? Chỉ những người làm việc trong tòa báo Nhân Dân giải thích rằng hai chữ C.B. là “của bác”, chứ còn ai vô đó nữa. Xin mời vào bộ Hồ Chí Minh toàn tập từ tập 6 (1951-1952), sẽ thấy rất nhiều bài viết Hồ Chí Minh ký tên C.B. đăng trên báo Nhân Dân, và đăng lại trong sách nầy; ví dụ các trang 186, 187, 188-190, 202-204, 209-212, 215-220… (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, 1951-1952, in lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000.) Như vậy là ngoài mặt thì Hồ Chí Minh tỏ ra thương tiếc nạn nhân, nhưng chính Hồ Chí Minh là người quyết định cái chết của bà Năm.
5.- CÔNG HÀM 14-9-1958
Ngày 4-9-1958, Trung Cộng đưa ra “Tuyên cáo” về lãnh hải của Trung Cộng và tự xác định chủ quyền của Trung Cộng đối với một số quần đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế hai quần đảo nầy thuộc chủ quyền Việt Nam từ lâu đời. Thế mà Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958 thừa nhận tuyên cáo của Trung Cộng, nghĩa là công nhận hai quần đảo Việt Nam là của Trung Cộng.
Xin lưu ý là dưới chế độ độc tài CS, chính phủ chỉ là cánh tay nối dài của đảng CS. Phạm Văn Đồng dù làm thủ tướng, chỉ là thư ký hành chánh cho đảng CS, nên phải có sự đồng ý của chủ tịch đảng CS kiêm chủ tịch nước là Hồ Chí Minh thì Phạm Văn Đồng mới dám kỳ công hàm nầy, vừa phạm tội bán nước, vừa phản dân tộc, vừa lưu xú muôn đời trong lịch sử.
6.- VỤ TÀN SÁT TẾT MẬU THÂN
Hầu như người Việt nào cũng đều biết biến cố Tết Mậu Thân (1968), gây thiệt hại nhiều thường dân vô tội ở các thành phố miền Nam Việt Nam, nhứt là Huế. Nhiều tài liệu của CS cho rằng Hồ Chí Minh đi dưỡng bệnh ở Bắc Kinh trong dịp Tết Mậu Thân. Tuy nhiên, đây chỉ là động tác giả. Hồ Chí Minh mượn cớ bệnh tật, qua Bắc Kinh dưỡng bệnh, không có mặt ở Hà Nội, nhằm đánh lừa dư luận thế giới để khỏi chú ý đền việc CS sửa soạn tấn công Tết Mậu Thân, và chứng tỏ Hồ Chí Minh không tham gia vụ giết người tập thể tàn bạo nhứt trong lịch sử nước Việt.
Tuy nhiên, sự thật như sau: Ngày 5-09-1967, Hồ Chí Minh đi Bắc Kinh, nói là để dưỡng bênh. Sau đó, Hồ Chí Minh về Hà Nội ngày 23-12-1967, chủ trì cuộc họp Bộ chính trị ngày 28-12-1967, quyết định lần cuối về lịch tổng tấn công Nam Việt Nam. Sáng Chủ nhật 31-12-1967, nhân viên đài phát thanh Hà Nội đến phủ chủ tịch thâu âm bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh. Bài nầy được báo Nhân Dân Hà Nội đăng ngày 01-01-1968. Trong khi đó, Hồ Chí Minh trở qua Bắc Kinh chiều ngày 01-01-1958.
Nhân dịp Tết âm lich Mậu Thân, báo Nhân Dân đăng lại bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh, và Đài Hà Nội phát thanh lại lần nữa vào phút giao thừa năm Mậu Thân, làm hiệu lệnh cho CS ở Nam Việt Nam nổi lên tổng tấn công. Xin theo dõi thái độ Hồ Chí Minh khi cuộc tổng tấn công bắt đầu qua lời ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chí Minh, là người đã đi theo Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh đầu năm 1968. Vũ Kỳ kể lại như sau: “Đúng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 Bác chỉ đạo và theo dõi rất sát. Bác rất vui với từng trận đánh thắng của quân và dân miền Nam từ Quảng Trị đến Nam Bộ. Mỗi trận thắng làm cho Bác khỏe thêm.” (http://yenbai.gov.vn/hoc-tap-lam-theo-loi-bac/noidung/tintuc/ Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=5&l=CuocdoihoatdongcuaC) [Chữ in đậm do người viết bài nầy.]
Hành động của Hồ Chí Minh rất kín đáo, làm cho nhiều người lầm tưởng rằng Hồ Chí Minh ở xa, không trách nhiệm về biến cố Mậu Thân, kể cả Bùi Tín, một cựu đại tá CS nói rằng Hồ Chí Minh không tán thành tổng tấn công, nên bị đẩy qua Bắc Kinh. (Bùi Tín trả lời BBC 19-02-2018.) Bị đẩy hay gài bẫy?
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân thất bại nặng nề. (Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, tr. 35 và tr. 57.) Mỗi trận thắng làm cho Hồ Chí Minh khỏe thêm thì cuộc thảm bại càng làm cho Hồ Chí Minh buồn rầu, căn bệnh gia tăng và chết ngày 2-9-1969.
KẾT LUẬN
Trong sách Les deux Viet-Nam, tác giả Bernard Fall, một ký gả và sử gia, viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam từ 1945 cho đến khi ông bị trúng mìn tử nạn năm 1967 trên đoạn đường giữa Huế và Quảng Trị, đưa ra nhận xét về Hồ Chí Minh như sau: “Người ta biết rằng ông Hồ là một kịch sĩ có biệt tài đánh lừa kẻ đối thoại.” (Paris: Nxb. Payot, 1967, tr. 102.) Đó là một người ngoại quốc.
Còn một nhà văn đã từng ở gần Hồ Chí Minh, quay phim cho Hồ Chí Minh, là ông Vũ Thư Hiên, cũng nhận xét tương tự: “Trong hành xử ông [HCM] là một diễn viên kỳ tài.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr.459.)
Hồ Chí Minh ứng dụng tài đóng kịch vào chính trị, thi hành kế “tá đao sát nhân” hết sức tài tình. Tuy nhiên, không phải tình cờ mà báo Polska Times, tức Thời báo Ba Lan, số ngày 5-3-2013 đưa ra một bảng sắp hạng 13 nhà độc tài khát máu nhứt thế kỷ 20, trong đó Hồ Chí Minh đứng thứ 11, chịu trách nhiệm về cái chết của 1,7 triệu người Việt. (Điện báo Đàn Chim Việt 20-3-2013 dịch nguyên văn bảng sắp hạng nầy.). Đúng là “Bề ngoài thơn thớt nói cười,/ Mà trong….” (Truyện Kiều câu 1815-1816.).
Các học giả, các giáo sư tiến sĩ trong và ngoài nước, khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, xin đừng quên những thành tích “tá đao sát nhân” trên đây của Hồ Chí Minh, cũng như bảng sắp hạng của báo Polska Times, thì mới trình bày thật đầy đủ “sự nghiệp” của Hồ Chí Minh.
(Dallas, Texas)
TRẦN GIA PHỤNG
Nhận xét
Đăng nhận xét