Nhà phân tích: Việc ông Modi đồng ý củng cố bang giao với Đài Loan cho thấy ‘chính sách hành động hướng Đông’ của Ấn Độ đang tiến triển

 

Tác Giả : Venus UpadhayayaNguồnThe Epoch Times VnNgày đăng :2024-06-20
Một cuộc trao đổi thân mật giữa thủ tướng Ấn Độ và tân tổng thống Đài Loan đã kích khởi sự phản đối gay gắt từ phía Bắc Kinh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giơ ngón tay hình chữ “V’ biểu tượng cho chiến thắng tại trụ sở Đảng Bharatiya Janata (BJP) ở New Delhi hôm 04/06/2024. (Ảnh: Adnan Abidi/Reuters)
Sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ lần thứ ba liên tiếp, ông Narendra Modi đã nhận được tin nhắn chúc mừng từ nhiều nhà lãnh đạo khắp thế giới.
Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo nổi bật hơn cả là tổng thống mới đắc cử của Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te). Để hưởng ứng lời chúc mừng của ông Lại Thanh Đức, ông Modi không chỉ gửi lời cảm ơn vị tân tổng thống này mà còn đáp lại bằng một thông điệp nêu bật mối bang giao đang bền chặt hơn giữa hai quốc gia địch thủ tiền phương của Trung Quốc.
Các nhà phân tích địa chính trị nói với The Epoch Times rằng việc trao đổi thông điệp giữa hai nhà lãnh đạo này cho thấy chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ — một sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, quan hệ chiến lược, và quan hệ văn hóa trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương — đang có những bước tiến nhất định và hiện bao gồm cả Đài Loan. Cuộc trao đổi thân mật này cũng nêu bật những mối lo ngại chiến lược mà hai quốc gia cùng chia sẻ, và sự phụ thuộc lẫn nhau để đạt được tăng trưởng về kinh tế.
Ông Akhil Ramesh, một nhà phân tích địa chính trị đứng đầu chương trình Ấn Độ tại Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Honolulu, cho biết, “Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ đang tiến triển, trong khi định nghĩa về và phạm vi về ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ của nước này cũng rộng mở hơn. New Delhi từng chú trọng vào khu vực Đông Phi và cho đến tận Eo biển Malacca. Tuy nhiên, trong vài năm qua, họ đã ghé thăm các cảng ở Philippines, PNG [Papua New Guinea] và tích cực theo đuổi mối bang giao với Đài Loan, do đó [họ đang] mở rộng từ Eo biển Malacca sang Eo biển Đài Loan.”
Đài Loan hiện chỉ được 12 quốc gia công nhận là quốc gia có chủ quyền. Mặc dù Ấn Độ chưa chính thức công nhận Đài Loan, nhưng quan hệ ngoại giao giữa hai nước này đang trên đà phát triển, đặc biệt là sau cuộc xung đột đẫm máu ở thung lũng Galwan năm 2020 khiến bang giao Ấn Độ–Trung Quốc đi xuống. Năm ngoái, xuất cảng của Đài Loan sang Ấn Độ tăng 13%. Tính đến tháng 02/2024, gần 200 doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư vào Ấn Độ.
Ông Thẩm Minh Thất (Ming-Shih Shen), giám đốc nghiên cứu an ninh quốc gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Bắc, nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử rằng việc trao đổi giữa Tổng thống Lại và ông Modi trên X là dựa trên những gì họ mong muốn ở nhau.
“Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức cần sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế và hy vọng được hợp tác với các cường quốc trong khu vực để ngăn chặn Trung Quốc, vì Ấn Độ có thể đe dọa Trung Quốc từ phía tây, chưa kể Đài Loan và Ấn Độ có chung lợi ích địa chính trị, nên có nhiều không gian hơn để hợp tác,” ông Shen cho biết.
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đọc bài diễn văn nhậm chức sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, hôm 20/05/2024. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)
Việc giao thiệp giữa ông Modi và ông Lại
Việc trao đổi qua lại giữa ông Modi và Tổng thống Lại diễn ra ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố hôm 04/06 và trước khi ông Modi chính thức tuyên thệ nhậm chức hôm 09/06.
Hôm 05/06, Tổng thống Lại nói trong một tin nhắn trên X: “Tôi chân thành chúc mừng Thủ tướng @narendramodi về chiến thắng bầu cử của ông. Chúng tôi mong muốn tăng cường liên kết đối tác đang phát triển nhanh chóng giữa #Đài-Loan và #Ấn Độ, mở rộng sự hợp tác của chúng ta về thương mại, công nghệ và các lĩnh vực khác, nhằm góp phần củng cố hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Đáp lại, ông Modi cảm ơn ông Lại vì “thông điệp nồng hậu” của ông và cho biết ông mong muốn có “mối quan hệ gần gũi hơn” khi Ấn Độ và Đài Loan “hướng tới liên kết đối tác kinh tế và công nghệ đôi bên cùng có lợi.”
Tin nhắn trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo mới đắc cử đã thu hút được sự chú ý đáng kể trên mạng. Tin nhắn của Tổng thống Lại đến nay đã có 2.5 triệu lượt xem, trong khi tin nhắn hồi đáp của ông Modi có 2.7 triệu lượt xem. Tuy nhiên, cuộc trao đổi này đã không nhận được sự hoan nghênh ở Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 06/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) không chỉ phản đối sự trao đổi qua lại giữa ông Modi và ông Lại, mà còn phủ nhận sự tồn tại của một vị tổng thống Đài Loan.
“Trước tiên, không có cái gọi là ‘tổng thống’ của khu vực Đài Loan. Còn về câu hỏi của bạn, thì Trung Quốc phản đối mọi hình thức giao thiệp chính thức giữa nhà chức trách Đài Loan và các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc. Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” bà Mao nói khi trả lời câu hỏi của một phóng viên của Bloomberg.
Bà Mao nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã đưa ra phản đối chính thức với phía Ấn Độ về lời đối đáp của ông Modi với Tổng thống Lại.
Bà cho hay, “Nguyên tắc một Trung Quốc là chuẩn mực được mọi người công nhận trong quan hệ quốc tế và là sự đồng thuận phổ biến trong cộng đồng quốc tế. Ấn Độ đã đưa ra những cam kết chính trị nghiêm túc về vấn đề này và cần phải nhận ra, cảnh giác, và phản đối những toan tính chính trị của nhà chức trách Đài Loan. Trung Quốc đã phản đối Ấn Độ về điều này.”
Quân đội của Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ tuần tra khi một đoàn xe của quân đội Ấn Độ đi qua trên một xa lộ dẫn tới Leh, giáp biên giới Trung Quốc, ở Gagangir, Ấn Độ, vào ngày 19/06/2020. (Ảnh: Yawar Nazir/Getty Images)
Hướng tới một dấu ấn toàn cầu chung
Các chuyên gia nói rằng mối đe dọa chung từ Trung Quốc trên thực tế đã kéo Đài Loan và Ấn Độ lại với nhau. Hai nước này có chung lợi ích, và việc ông Modi hồi đáp Tổng thống Lại đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng mối quan hệ của họ bị chi phối bởi điều này. Phản ứng của Thủ tướng Ấn Độ cũng biểu thị mong muốn của Ấn Độ là chuyển từ vai trò khu vực sang vai trò lớn hơn trên thế giới.
“Ấn Độ đang vươn cao hơn và muốn đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Cho đến nay, họ đã giới hạn bản thân ở việc [trở thành] một đấu thủ trong khu vực đối phó với chuỗi ngọc trai và những thách thức khác mà Trung Quốc đặt ra. Bằng việc vươn mình ra xa hơn và trên phạm vi rộng hơn, tới Đài Loan ở phía Đông và Đông Phi ở phía Tây, hay gần đây là IMEC [Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu], Ấn Độ muốn mở rộng dấu ấn toàn cầu của mình,” ông Ramesh cho biết.
Ông nói rằng bằng cách mở rộng dấu ấn toàn cầu đó, Ấn Độ đang hướng tới “sức mạnh và sự lãnh đạo toàn cầu thông qua việc tăng cường hoạt động kinh doanh và thương mại.”
Ông Thẩm cho rằng Ấn Độ không nhất thiết cần Đài Loan để cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, công nghệ vi mạch bán dẫn và chất bán dẫn của Đài Loan đã trở thành một lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước, một lĩnh vực có thể giúp Ấn Độ thúc đẩy công nghệ cao và tăng cường nền kinh tế của mình.
Ông giải thích, “Đặc biệt là sau khi Đài Loan bắt đầu đầu tư vào Ấn Độ, trong tương lai, nếu Ấn Độ muốn cải thiện công nghệ bán dẫn hay phát triển trí tuệ nhân tạo, thì Đài Loan là đối tác không thể thiếu được.”
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, chính phủ của ông Modi đã khởi động sứ mệnh chất bán dẫn đầy tham vọng của đất nước này với kinh phí 10 tỷ USD vào năm 2021. Đầu năm nay, họ đã tiến tới mục tiêu này với sự chấp thuận của Nội các Ấn Độ cho ba nhà máy mới, mà ước tính tạo ra 20,000 việc làm về công nghệ tân tiến và khoảng 60,000 việc làm gián tiếp.
Trong số những nhà máy này, có lẽ quan trọng nhất về mặt chiến lược là một nhà máy chế tạo chất bán dẫn trị giá 11 tỷ USD do Tập đoàn Tata của Ấn Độ hợp tác với Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Powerchip của Đài Loan. Nhà máy này sẽ được đặt tại Dholera, Gujarat, phía tây Ấn Độ.
Theo Trung tâm Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, cơ quan đại diện ngoại giao của Đài Loan tại Ấn Độ, cho đến tháng Hai năm nay các khoản đầu tư diễn ra ở Ấn Độ chủ yếu là vào các ngành công nghiệp như điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, hóa dầu, thép, vận tải biển, sản xuất giày dép, linh kiện xe hơi và xe gắn máy, tài chính, và xây dựng.
Ông Thẩm dự đoán bang giao Đài Loan–Ấn Độ sẽ tiếp tục sâu sắc hơn và bền chặt hơn trong tương lai.
Ông nói, “Ngoài các trao đổi cởi mở về kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ, có thể sẽ bắt đầu có sự hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực an ninh và công nghiệp quốc phòng khi mối quan hệ giữa hai nước này dần trở nên sâu sắc hơn. Ấn Độ cần tăng cường năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không, còn Đài Loan cần thị trường hợp tác công nghiệp quốc phòng.”
Một màn hình ngoài trời chiếu tin tức về các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, tại Bắc Kinh hôm 23/05/2024. Hôm 23/05, Trung Quốc đã khởi động cái mà họ gọi là cuộc tập trận “Kiếm Chung-2024A, bao vây Đài Loan bằng các chiến đấu cơ và tàu hải quân và tuyên bố sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” các lực lượng ly khai trên hòn đảo này. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Nhà phân tích người Đài Loan này không tin Ấn Độ sẽ thiết lập bang giao chính thức với Đài Loan vì nước này không muốn xung đột với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu họ muốn củng cố nền kinh tế của mình và nâng cao khả năng hiểu biết về tình báo quân sự của Trung Quốc, thì họ phải tìm đến Đài Loan.
Ông Thẩm nói rằng nguyên nhân chính khiến Trung Quốc tức giận trước sự giao tiếp của ông Modi và Tổng thống Lại là lo sợ.
“Trung Quốc lo ngại mối bang giao giữa Đài Loan và Ấn Độ sẽ sâu sắc hơn, do đó vấn đề chủ quyền biên giới Trung Quốc–Ấn Độ và xung đột ở Eo biển Đài Loan sẽ hòa vào làm một, các kẻ thù của Trung Quốc có thể hình thành liên minh và hợp tác.”
Ông Thẩm cho rằng đối với nhà lãnh đạo đảng cộng sản Tập Cận Bình thì tình huống đó sẽ là một “cơn ác mộng.”
Cẩm An biên dịch
----------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TIN TỨC DĐTC- 25/5/2024 - https://bacaytruc.com/

Chiến sự Ukraine ngày 849: Mỹ ‘bật đèn xanh’, Ukraine tấn công nhiều mục tiêu Nga - https://thanhnien.vn/chien-su-ukraine

Điểm báo - SGB