Người theo đạo ở Việt Nam tăng bất chấp tỷ lệ vô thần tăng ở Đông Á
Kết quả khảo sát mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam theo tôn giáo gia tăng bất chấp tỷ lệ vô thần tăng ở các nước khác trong khu vực Đông Á.
Khảo sát của Pew cho thấy việc chuyển đổi tôn giáo ở Việt Nam ít phổ biến hơn so với các nước Đông Á trong khảo sát.
Pew cho biết chỉ duy nhất Việt Nam trong số các nước được khảo sát ghi nhận tỷ lệ người dân theo tôn giáo gia tăng, trong khi các nước khác lại thấy tỉ lệ người dân không theo tôn giáo nào có xu hướng tăng.
Cũng chỉ có hai khu vực là Việt Nam và Đài Loan ghi nhận tỷ lệ người theo đạo Phật tăng.
Theo Pew, đa số người Nhật Bản và Hàn Quốc nói rằng việc mọi người cố gắng thuyết phục người khác theo tôn giáo của họ là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, thái độ về vấn đề này tại Việt Nam, Hong Kong và Đài Loan cởi mở hơn.
Đạo Thiên Chúa tại Việt Nam có tỷ lệ người duy trì tôn giáo khá cao, lên tới 95%, trái ngược với con số 40% ở Hong Kong.
Khi khảo sát những người sinh ra không có tôn giáo và chọn theo một tôn giáo khi lớn lên, Pew chỉ ra hầu hết những người Việt Nam trong số này đều chọn Phật giáo.
25% người trưởng thành theo đạo Phật hiện nay ở Việt Nam từng không có tôn giáo hoặc theo tôn giáo khác.
Bức tranh chuyển dịch đức tin ở Đông Á
Joon lớn lên trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa ở Hàn Quốc. Nhưng giống như nhiều người trên đất nước của mình, niềm tin tôn giáo của anh bây giờ rất khác so với thời thơ bé.
Joon tự nhận mình là người theo chủ nghĩa bất khả tri.
"Tôi không biết điều gì đang tồn tại ngoài kia. Có thể Chúa Trời tồn tại, hoặc có thể không phải chính xác là Chúa Trời - một thứ gì đó siêu nhiên," anh nói qua điện thoại từ Seoul.
Bố mẹ Joon vẫn là những người theo Thiên Chúa giáo ngoan đạo, và anh nói rằng họ sẽ cảm thấy "rất buồn" nếu biết rằng anh không còn là người theo đạo nữa.
Joon không muốn làm họ buồn lòng, do đó anh yêu cầu BBC sử dụng một cái tên khác.
Trải nghiệm của Joon phản ánh những phát hiện của một nghiên cứu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ, cho thấy các quốc gia Đông Á có tỷ lệ người từ bỏ và thay đổi tôn giáo cao nhất thế giới.
Hơn 10.000 người được hỏi về đức tin của họ, và nhiều người cho biết hiện tại họ có một tín ngưỡng khác biệt so với tôn giáo mà họ được nuôi dạy từ nhỏ.
Hong Kong và Hàn Quốc dẫn đầu danh sách, với 53% người được hỏi ở mỗi nơi trả lời rằng họ đã thay đổi tín ngưỡng, bao gồm cả việc từ bỏ tôn giáo hoàn toàn. Ở Đài Loan, 42% dân số đã thay đổi niềm tin tôn giáo, và ở Nhật Bản là 32%.
So sánh điều này với một cuộc khảo sát năm 2017 ở châu Âu, không có bất kỳ quốc gia nào có tỷ lệ chuyển đổi vượt quá 40%.
Hoặc ở Mỹ, dữ liệu được thu thập vào năm 2023 cho thấy chỉ có 28% người trưởng thành không còn theo tôn giáo mà họ được nuôi dạy.
Đối với Joon, sự thay đổi trong cách nhìn nhận của anh trùng hợp với việc rời khỏi nhà và tiếp xúc với những ý tưởng mới. Khi Joon lớn lên, gia đình anh "dậy vào mỗi buổi sáng lúc 6 giờ, và mọi người cùng đọc và trao đổi các câu trong Kinh Thánh".
Joon chia sẻ rằng mỗi buổi sáng "giống như một buổi lễ thờ phượng nhỏ".
Joon rời nhà vào năm 19 tuổi và bắt đầu đến một trong những nhà thờ lớn nhất Seoul - nơi có hàng nghìn thành viên.
Nhà thờ này có cách giải thích Kinh Thánh rất theo nghĩa đen, ví dụ như bác bỏ thuyết tiến hóa.
Điều này mâu thuẫn với những lý thuyết khoa học mà Joon đã học. Thế giới quan của anh cũng thay đổi theo những cách khác.
"Tôi nghĩ Thiên Chúa giáo có cách nhìn nhận mọi thứ rất rõ ràng, rạch ròi, đúng hoặc sai. Nhưng sau khi quan sát xã hội và gặp gỡ những người từ các địa vị khác nhau, tôi bắt đầu nghĩ rằng thế giới có nhiều vùng xám hơn," Joon chia sẻ.
Joon nói rằng khoảng một nửa số bạn của anh không còn tin vào đức tin mà họ được nuôi dạy, đặc biệt là những người được nuôi dạy theo đạo Thiên Chúa.
Nhưng xung quanh Joon, không chỉ Thiên Chúa giáo mới mất đi tín đồ. 20% những người được nuôi dạy theo đạo Phật ở Hàn Quốc hiện đã từ bỏ đức tin này.
Tại Hong Kong và Nhật Bản, con số đó là 17%.
Cũng có những người chọn theo tôn giáo mới.
Ví dụ tại Hàn Quốc, 12% tín đồ Thiên Chúa giáo là những người mới gia nhập, con số đó với Phật giáo là 5%.
Ở Hong Kong, tỷ lệ người mới theo Thiên Chúa giáo và Phật giáo lần lượt là 9% và 4%.
Tuy nhiên, nhóm lớn nhất trong số những người thay đổi tín ngưỡng là những người không theo bất kỳ tôn giáo nào, và con số này ở các nước Đông Á cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
37% người dân Hong Kong và 35% người dân ở Hàn Quốc cho biết họ không có tôn giáo, so với 30% ở Na Uy hoặc 20% ở Mỹ.
Tuy sự phi tôn giáo hóa dường như ngày càng tăng, một số lượng lớn người trên khắp khu vực cho biết họ vẫn tham gia các nghi lễ và thực hành tâm linh.
Ở tất cả các quốc gia được khảo sát, hơn một nửa số người không theo tôn giáo nào cho biết họ đã tham gia các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong 12 tháng qua.
Và hầu hết những người được khảo sát trên khắp khu vực đều cho biết họ tin vào các vị thần hoặc các sinh vật vô hình.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với Tiến sĩ Se-Woong Koo, một chuyên gia nghiên cứu tôn giáo.
Phát biểu với BBC từ Seoul, ông nói rằng khả năng tiếp nhận các phần từ các tôn giáo khác nhau là phù hợp với lịch sử của khu vực.
“Về mặt lịch sử, ở Đông Á, người ta ít tập trung vào cái mà có thể gọi là bản sắc tôn giáo độc quyền. Nếu bạn là người theo Đạo giáo, điều đó không có nghĩa là bạn không thể đồng thời là Phật tử hay người theo Nho giáo. Những ranh giới này ít được phân định rõ ràng hơn nhiều so với ở phương Tây,” ông Koo nói.
Chỉ đến Thế kỷ 19, sau sự gia tăng tiếp xúc và tương tác với phương Tây, khái niệm tôn giáo như chúng ta hiểu ngày nay mới được du nhập vào Đông Á.
Tiến sĩ Koo nói rằng khả năng nắm giữ nhiều bản sắc và truyền thống khác nhau là điều chưa bao giờ thực sự biến mất trong khu vực.
Ông cũng đã chứng kiến điều đó ngay tại gia đình mình. Tiến sĩ Koo kể rằng mẹ ông đã thay đổi tín ngưỡng của bà nhiều lần.
“Cuối tuần trước, bà ấy đã đăng ký làm thành viên của một Giáo xứ Công giáo trong khu vực của chúng tôi. Và tôi chắc chắn bà ấy sẽ đến đó vào Chủ nhật,” ông Koo kể lại.
Nhưng sau đó bà ấy lại nói với ông rằng thực ra bà ấy “sẽ tham gia một buổi cầu nguyện chữa lành” tại một nhà thờ Tin Lành địa phương.
Tiến sĩ Koo hỏi mẹ mình, "Chuyện gì đã xảy ra với Giáo xứ Công giáo, mẹ?"
Bà ấy nói rằng điều bà ấy cần lúc đó là "sự chữa lành hơn bất cứ điều gì khác".
Mẹ ông “muốn đến Giáo xứ Công giáo vì bà ấy từng là người Công giáo. Nhưng bằng cách nào đó, khi kiếm một loại can thiệp cụ thể mà bà ấy tin rằng mình đang cần, bà ấy lại tìm đến một phong tục khác”.
Nhận xét
Đăng nhận xét