Tối cao Pháp viện Mỹ bác phán quyết của tòa cấp dưới về tội cản trở công vụ gắn với vụ 6/1/2021
29/06/2024
Hôm thứ Sáu 28/6, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nâng cao thêm rào cản pháp lý đối với các công tố viên muốn áp tội danh cản trở công vụ trong vụ án “lật đổ bầu cử liên bang” liên quan đến ông Donald Trump và các bị cáo tham gia vụ tấn công Điện Capitol hôm 6/1/2021.
Các thẩm phán ra phán quyết với 6 phiếu thuận, 3 phiếu chống, hủy bỏ quyết định của tòa cấp dưới vốn đã cho phép áp dụng tội danh về hành vi gian lận để cản trở một thủ tục chính thức của quốc gia – cụ thể là việc Quốc hội Mỹ chứng nhận chiến thắng hồi năm 2020 của Tổng thống Joe Biden trước ông Trump mà những kẻ bạo loạn đã cố ngăn chặn – đối với bị cáo Joseph Fischer, một cựu nhân viên cảnh sát.
Tối cao Pháp viện, trong quyết định do Chánh án John Roberts chấp bút, đã giải thích theo nghĩa hẹp về tội cản trở nêu trong luật. Tối cao Pháp viện lập luận rằng các công tố viên phải chứng minh rằng bị cáo đã "làm hại sự tồn tại hoặc tính toàn vẹn" của các tài liệu hoặc hồ sơ khác liên quan đến một thủ tục chính thức - hoặc cố gắng làm như vậy.
Đứng về phía ông Roberts còn có các Thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh, cũng như Thẩm phán cấp tiến Ketanji Brown Jackson.
Ông Roberts bác bỏ cách giải thích theo nghĩa rộng hơn của Bộ Tư pháp Mỹ về những điều cấu thành hành vi cản trở, gọi đó là "một cách giải thích mới (mà điều đó) sẽ hình sự hóa một loạt hành vi bình thường, khiến các nhà hoạt động và vận động hành lang có thể bị ngồi tù hàng thập kỷ".
Thẩm phán Bảo thủ Amy Coney Barrett đã viết một bản phản biện, được sự ủng hộ của các Thẩm phán cấp tiến Sonia Sotomayor và Elena Kagan.
Ông Fischer đã khiếu nại về tội danh cản trở mà các công tố viên liên bang muốn áp vào ông và hàng trăm người khác - bao gồm cả ông Trump - trong các vụ án liên quan đến ngày 6/1.
Tòa án cấp dưới đã nhận được chỉ đạo phải xem xét lại vấn đề sau khi có phán quyết của Tối cao Pháp viện hôm 28/6.
Phán quyết này là được xem là có thể có lợi nhiều cho ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang chạy đua với ông Biden, đảng viên Dân chủ, tới cuộc bầu cử ngày 5/11 ở Mỹ.
Ông Trump bị khởi tố về 2 tội danh liên quan đến hành vi cản trở, đó là một phần nội dung bản cáo trạng hình sự gồm 4 tội danh trong một vụ án do Công tố viên đặc biệt Jack Smith xây dựng hồ sơ vào năm ngoái. Tội phạm loại này được nêu trong Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002, một đạo luật liên bang được thông qua sau vụ bê bối gian lận kế toán tại công ty năng lượng Enron hiện không còn tồn tại.
Các công tố viên liên bang cáo buộc ông Trump gây áp lực lên các quan chức chính quyền để đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 và khuyến khích những người ủng hộ ông tuần hành đến Điện Capitol vào ngày 6/1 để ép Quốc hội không chứng nhận chiến thắng của ông Biden, dựa trên những lời lẽ sai sự thật cho rằng có nhiều gian lận bầu cử. Vào ngày Quốc hội họp để chứng nhận kết quả, những người ủng hộ ông Trump đã xông vào Điện Capitol, vượt rào chắn, tấn công cảnh sát, phá hoại tòa nhà và buộc các nhà lập pháp cũng như những người khác phải chạy trốn để đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland bày tỏ sự thất vọng về phán quyết.
Ông Garland nói: “Ngày 6/1 là một cuộc tấn công chưa từng có vào nền tảng quan trọng của hệ thống chính quyền của chúng ta – đó là sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo”. Ông nói thêm rằng phán quyết hôm 28/6 “hạn chế một luật liên bang quan trọng mà Bộ Tư pháp muốn sử dụng để đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm nhiều nhất về cuộc tấn công đó phải đối mặt với những hậu quả thích đáng".
Nhận xét
Đăng nhận xét