Chiến thuật 'biển người' trên mạng TQ
Weibo là mạng xã hội rất phổ biến ở Trung Quốc
Bắc Kinh chuẩn bị huy động hơn hai triệu tuyên truyền viên để ‘hướng dẫn dư luận’ trên mạng xã hội Weibo, nhưng liệu số lượng ‘bút chiến’ đông đảo này có làm nên chuyện?
Tại một cuộc họp hôm 17/1, ông Lỗ Vĩ, phó chủ tịch và là trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Kinh, đã trình bày bản kế hoạch về một chiến lược hai mũi nhọn, tờ nhật báo Beijing News cho biết.
‘Năng lượng tích cực’
Theo đó chính quyền thành phố sẽ tiếp tục ‘làm trong sạch môi trường trên mạng’ bằng cách trấn áp những thông tin ‘có hại và thô tục’ và yêu cầu phải đăng ký tên thật khi dùng điện thoại di động.
Không những thế, ông Lỗ còn kêu gọi các tuyên truyền viên của thành phố, khoảng 60.000 người làm việc trực tiếp cho chính quyền và hai triệu người khác ‘bên ngoài hệ thống’, phải là những người dùng tích cực trên các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là Weibo, trang mạng xã hội của Trung Quốc kiểu như Twitter.Ông ra lệnh cho các tuyên truyền viên phải ‘đọc, mở, đưa lên và nghiên cứu các trang tiểu blog’ và tăng cường ‘năng lượng tích cực’ trên mạng Internet.
"Hai triệu ngáo ộp đã sẵn sàng xuất kích."Một người dùng Weibo bình luận.
Chính quyền cần phải tăng cường hiện diện trên Weibo để ‘giải quyết các vấn đề nóng một cách hiệu quả, củng cố dư luận chính thống trên mạng và cải thiện môi trường thảo luận trên mạng,” ông Lỗ phát biểu trong cuộc họp nói trên.
Việc ông Lỗ cho biết có đến hơn hai triệu tuyên tuyền viên chỉ tính riêng ở Bắc Kinh với số dân trên 20 triệu đã thổi bùng giận dữ trong cộng đồng mạng ở Trung Quốc.
Sốc khi biết rằng cứ 10 người dân Bắc Kinh thì có một người là tuyên truyền viên, nhiều công dân mạng Trung Quốc đã lên án chính quyền phí tiền thuế của dân.
Nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng có đến 2 triệu người dùng của chính phủ trên Weibo sẽ phá hủy mạng này như là một không gian thảo luận công cộng tương đối tự do.
‘Việc làm vô nghĩa’"
“Hai triệu ngáo ộp đã sẵn sàng xuất kích,” một người dùng Weibo bình luận.
“Liệu Weibo sẽ trở thành như thế nào nếu 2 triệu người dùng là tuyên truyền viên của chính quyền?,” một người dùng khác đặt vấn đề.
Ông Đông Tiểu Hưng, một chuyên gia về Internet, bình luận rằng chỉ tăng số lượng các tài khoản ủng hộ chính phủ trên mạng xã hội là một công việc ‘vô nghĩa’.
“Cái cách mà Weibo đưa thông tin hoàn toàn khác biệt với báo chí, truyền hình và các trang mạng tin tức. Trên Weibo, tôi chỉ dõi theo ai đó nếu thông tin của anh ta xuất hiện trên tài khoản của tôi,” ông Đông nói với Đài Á châu Tự do.
“Nếu họ tạo ra 2 triệu tài khoản Weibo mà không có ai theo thì đó hoàn toàn là một việc làm vô nghĩa,” ông nói thêm.
Còn ông Bắc Phong, một cây viết blog nổi tiếng hiện giờ sống tại Mỹ, thì cho rằng ‘chiến thuật biển người’ của Bắc Kinh ‘không phải là dấu hiệu của sức mạnh’, nhưng là chỉ dấu cho thấy chính quyền không thể đưa ra ý tưởng nào tốt hơn để đối phó với thách thức từ các mạng xã hội.
“Giờ đây có vẻ như là họ muốn nhồi thêm nhân lực vào chiến trường Weibo vì họ không tìm ra cách nào tốt hơn,” ông Bắc nói với kênh truyền hình Đức Deutsche Welle.
Gần đây, vụ phản kháng của nhóm nhà báo thuộc tuần báo Nam Phương ở Quảng Châu chống lại kiểm duyệt của tỉnh ủy nhưng được cộng đồng mạng ủng hộ khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại.
Bài viết do cơ quan theo dõi truyền thông BBC Monitoring biên soạn.
Nhận xét
Đăng nhận xét