Khu vực Nhà nước, "khối u ung thư" của một nền kinh tế kiệt quệ



Cảnh chợ Đồng Xuân tại Hà Nội 21/12/2012 (REUTERS)

Cảnh chợ Đồng Xuân tại Hà Nội 21/12/2012 (REUTERS)


Thanh Phương

Thiếu minh bạch, quản lý kém cõi, tham nhũng, đứng bên trên luật pháp, các tập đoàn Nhà nước của Việt Nam chưa bao giờ bị chỉ trích nặng nề như thế. Khu vực Nhà nước nay được mô tả như là “khối u ung thư” của một nền kinh tế đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Đó là nhận định của hãng tin AFP trong bài bình luận đề ngày hôm nay, 30/01/2013.


Hơn 25 năm sau khi tung ra chính sách mở cửa, chuyển Việt Nam sang nền kinh tế thị trường, chính phủ nay đang đối diện với những doanh nghiệp Nhà nước mà cho tới nay vẫn chưa được cải tổ.

Trả lời phỏng vấn AFP, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng “ khu vực Nhà nước là một sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1986 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế tồi tệ đến thế.” Ông Nguyễn Quang A mô tả khu vực Nhà nước như là “đứa trẻ được các nhóm lợi ích nuông chiều”. Theo ông, vì quyền lực và quyền lợi của họ, một số người không muốn cải tổ khu vực này, mà bằng mọi giá tìm cách duy trì nguyên trạng.

AFP nhắc lại là ở Việt Nam hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 45% đầu tư, thu hút 60% nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại và sử dụng đến 70% viện trợ phát triển ODA, nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo các số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu tính luôn cả các công ty gia công cho khu vực Nhà nước và các doanh nghiệp do cán bộ công chức nắm giữ, khu vực này chiếm tới 70% hoạt động sản xuất.

Thế mà, khu vực kinh tế quốc doanh ngày càng suy yếu. Các tập đoàn Nhà nước nay nợ tổng cộng 61 tỷ đôla, tức là phân nửa tổng số nợ công của Việt Nam. Sau các tập đoàn như Vinashin , thua lỗ hơn 4,4 tỷ đôla, hay Vinalines, nợ hơn 1 tỷ đôla, trong những tháng qua, có những tin đồn rằng nhiều tập đoàn Nhà nước khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN hay Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Vinacomin, cũng đang bệnh rất nặng.

Khi lên cầm quyền vào năm 2006, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó được xem như là một nhà cải tổ sáng giá, đã có tham vọng xây dựng những tập đoàn theo kiểu các Chaebol của Hàn Quốc. Nhưng rốt cuộc, những tập đoàn đó đều gian dối sổ sách kế toán, đầu tư bừa bãi, chiến lược mù mờ, một số lãnh đạo tập đoàn thì sống xa hoa không phải bằng tiền lương chính thức của họ.

Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thừa nhận rằng có đến 30 trong số 85 doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất có món nợ cao gấp từ 3 đến 10 lần so với vốn của các doanh nghiệp này.

Cho nên, theo AFP, chính phủ Hà Nội không còn giải pháp nào để thúc đẩy một guồng máy đang bị tắt nghẽn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua chỉ đạt 5,03%, mức thấp nhất từ 13 năm nay. Lạm phát ở mức 7% vẫn là mối đe dọa đối với Việt Nam. Nói chung, mô hình mang tính lý thuyết “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đang chao đảo.

AFP trích lời một đại biểu Quốc hội, xin được miễn nêu tên, nhận định: “ Các doanh nghiệp Nhà nước vẫn cứ van xin trợ cấp của Nhà nước để tồn tại và như vậy đang trở thành một khối u ung thư đối với nền kinh tế. Việc cải tổ rất chậm bởi vì gặp sự chống đối rất mạnh. Hàng tỷ đôla đã bị mất, thế mà chẳng có ai bị đưa ra tòa.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?