Những câu nói ấn tượng
Bùi Tín
31.01.2013
Những ngày đầu năm, các mạng thông tin tự do ở trong nước truyền đi những lời nói độc đáo của những con người bình thường trước tình hình hiện tại của đất nước. Những lời nói nổi bật ấy có giá trị như những câu châm ngôn sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, đi thẳng vào lòng người.
«Chín tháng tù, như một giấc ngủ trưa! Ra tù tôi quyết đấu tranh tiếp». Đây là câu nói của bà Trần Thị Hài, 62 tuổi, ở Bình Dương, tại phiên tòa tỉnh Bình Dương ngày 27/12/2012 sau khi bà bị tuyên án 9 tháng tù giam vì cái mà nhà cầm quyền gọi là «tội gây rối loạn trật tự trị an». Bà từng sát cánh cùng các chiến sỹ yêu nước chống bành trướng Bùi Minh Hằng và Phương Bích trong các cuộc tập trung xuống đường năm 2011 và tháng 9/2012. Mạng Dân Làm Báo truyền đi ảnh của bà chụp trước sứ quán Trung Quốc năm 2011 ở Hà Nội với vẻ mặt kiên nghị khi hô các khẩu hiệu:« Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam».
«Thưa cô, em không thể!» là câu nói của Lê Vũ Cát Đằng, nữ sinh viên năm thứ hai khoa xã hội – nhân văn trường Đại học Quốc gia Sài Gòn. Theo tường thuật của nhà báo Hoàng Thanh Trúc trên mạng Dân Làm Báo, Lê Vũ Cát Đằng đã hai lần trả lời như vậy với cô giáo của em. Trước hết khi cô biết em có suy nghĩ độc lập, trái với giáo án, cô khuyên em nên đọc sách ở thư viện nhiều hơn nếu không muốn bị mất danh hiệu đoàn viên CS ưu tú và sau này khó vào đảng CS. Em trả lời cô rằng em «cũng muốn tin như thế, nhưng không thể!», rằng em phải tự tìm ra sự thật và khi đã tìm ra sự thật thì em không thể nói khác được.
Vẫn theo nhà báo Hoành Thanh Trúc, khi cô giáo ra đầu đề cho một luận văn:« Em nghĩ gì nhân kỷ niệm 37 năm ngày Toàn thắng của sự nghiệp chống đế quốc Mỹ xâm lược 30/4/1975», em Cát Đằng đã viết một điện thư dài gưỉ cô giáo với chính kiến của em là Hoa Kỳ không phải là đế quốc, cũng không có dã tâm xâm lược nước ta, tuy chiến tranh giữa 2 bên là có thật và đáng tiếc. Em dựa vào một tài liệu được Giáo sư Đặng Lương Mô, từng đậu tiến sỹ điện tử ở Nhật, hiện là cố vấn cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Vi mạch ICDREC của Đại học Quốc gia Sài Gòn, cho biết nhân dân Nhật Bản trong cuộc một trưng cầu ý kiến đã chọn 12 nhân vật kiệt xuất có công lớn với đất nước Nhật Bản từ sau khi chiến tranh kết thúc, trong đó có 11 người Nhật là nhà lý luận, nhà kinh tế, nhà học giả, nhà phát minh, nhà kinh doanh… cùng 1 người nước ngoài duy nhất là Thống tướng Douglas MacArthur, tư lệnh 40.000 quân chiếm đóng Nhật Bản.
Em Cát Đằng nhắc đến công lao của tướng MacArthur trước con mắt của toàn dân Nhật là đã duy trì hòa bình, ổn định, trật tự xã hội sau chiến tranh, giúp nước Nhật chuyển hẳn sang khôi phục kinh tế với tốc độ cao, tạo nên phép lạ thần kỳ của Nhật Bản, rút ngắn chế độ chiếm đóng từ 10 năm xuống 6 năm. Tướng MacArthur đã chủ trương duy trì Nhật hoàng Hiro Hito nhằm ổn định tình hình, tránh xáo trộn đất nước, để Nhật Bản trở thành một cường quốc dân chủ hiến định ở châu Á. Em lập luận rằng một quân đội được cả dân Nhật và dân Nam Triều Tiên quý trọng, biết ơn, coi vị tướng tư lệnh như một người hùng của mình, quân đội ấy không thể là quân đội đế quốc đi xâm lược nơi khác được. Em cũng muốn tin những điều cô và nhà trường dạy, nhưng theo sự thật, em không thể !
Vào đúng lúc nền giáo dục đang cần đổi mới thật sự, lời nói ngay thẳng có chiều sâu suy tư của em sinh viên ở Sài Gòn này có giá trị như một tuyên ngôn về đường lối giáo dục khai phóng, lấy độc lập suy luận của sinh viên làm phương hướng, chống nhồi sọ, độc đoán, học thuộc lòng làm cơ sở.
«Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân». Đây là lời tuyên bố của nữ nghệ sỹ điện ảnh ưu tú Kim Chi khi được yêu cầu lập hồ sơ thành tích để đưa lên thủ tướng chính phủ xét khen thưởng. Cô Kim Chi từng đóng nhiều phim lớn như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười. Trong một bức thư gửi Hội Điện ảnh Việt Nam, cô Kim Chi, vợ của nghệ sỹ nổi danh Nguyễn Hồng Sến đã mất, giải thích vì sao cô từ chối nhận khen thưởng từ thủ tướng: vì đồng bào vẫn còn quá nghèo khổ, đất nước quá lạc hậu, bất công xã hội tràn lan. Cô cho biết đây là quyết định theo lương tâm của một công dân và cô không ngại gì nếu thư của cô được công bố rộng rãi. Cô cũng bày tỏ cảm tình với các cuộc xuống đường chống bành trướng, bảo vệ biển đảo của đất nước.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về bà Trần Thị Hài, về cô sinh viên Lê Vũ Cát Đằng cũng như về nữ nghệ sỹ điện ảnh Kim Chi trên các mạng Dân Làm Báo, Anh Ba Sàm và Dân Luận. Điều rất lý thú là 2 vợ chồng bà Trần Thị Hài là đảng viên đã tự nguyện bỏ đảng, cô Cát Đằng là một đoàn viên Thanh niên Cộng sản, và nghệ sỹ Kim Chi là đảng viên Cộng sản, được xã hội quý mến sâu sắc, được tuổi trẻ Bắc Nam ngưỡng mộ.
Chắc chắn đảng bộ cộng sản các trường đại học và cao đẳng cũng như đảng bộ Hội điện ảnh Việt Nam sẽ không bỏ qua các trường hợp trên đây, vì các đảng bộ và đảng ủy phải chiụ trách nhiệm lãnh đạo các đoàn thanh niên CS tương đương.
Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam thường xuyên nhắc đến tình trạng nhạt đảng, giảm niềm tin, bỏ sinh hoạt đảng, chuyển từ trung thành sang đối lập của không ít trí thức đảng viên, kể cả đảng viên cấp cao, và kêu gọi cần tranh thủ những đối tượng này để «giáo dục để cải tạo», còn đối với những kẻ cứng đầu thì Bộ Chính trị khẳng định là phải cương quyết loại bỏ, không để lây lan nguy hiểm.
Ba phụ nữ tuổi tác khác nhau trong ba lĩnh vực hoạt động khác nhau đã có những câu nói, lời phát ngôn ngay thẳng như những tuyên ngôn, xuất hiện trên mạng lưới thông tin khi năm 2013 mới khởi đầu, khi năm Quý Tỵ sắp tới, cho chúng ta tin rằng năm mới sẽ mang lại những lực lượng khỏe khoắn mới, nghị lực mới cùng những tuyên ngôn mới trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho toàn dân.
Nhận xét
Đăng nhận xét