GS Carl Thayer: Việt Nam khéo dùng quan hệ đa phương

mediaÔng Dương Khiết Trì đến Hà Nội để dự phiên họp của Ủy ban chỉ đạo về hợp tác song phương Việt–Trung - Reuters
 
Ngày 29-10-2014 16:13
Nhân chuyến đi của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ, cũng như chuyến đi của Ủy viên Quốc vụ của Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học vìện Quốc phòng Úc, đã có một bài viết đăng trên trang mạng The Dipomat ngày 28/10/2014. Bài viết có tựa đề : « Làm thế nào Việt Nam ve vãn cùng lúc Ấn Độ và Trung Quốc ».

Theo giáo sư Carl Thayer, « Việt Nam vẫn khéo dùng các mối quan hệ đa phương với các cường quốc để tránh bị áp lực từ bất cứ cường quốc nào. Sự khéo léo cân đối các quan hệ đa phương sẽ được trắc nghiệm trong tuần này qua hai sự kiện riêng lẻ, nhưng có liên hệ với nhau. »
Về chuyến đi của ông Dương Khiết Trì đến Hà Nội trong hai ngày 27/10 và 28/10 để dự phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo về hợp tác song phương Việt Nam–Trung Quốc, tác giả bài viết nhắc lại rằng ông Dương Khiết Trì đã đến Hà Nội trong tháng 6 vừa qua, chính thức là để dự cuộc họp giữa các lãnh đạo Ủy ban chỉ đạo. Cuộc họp lúc đó chỉ bàn về khủng hoảng do vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trên Biển Đông. Hai bên đã công khai chỉ trích lẫn nhau trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer lưu ý rằng việc triệu tập giữa các lãnh đạo Việt Trung trong khuôn khổ Ủy ban chỉ đạo này là chưa từng có, và việc triệu tập hai cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo trong một khoảng thời gian ngắn như thế cũng là chuyện chưa từng có.
Theo tác giả bài viết, việc ông Dương Khiết Trì chỉ trong vòng 4 tháng hai lần đồng chủ trì Ủy ban chỉ đạo cho thấy là giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn tái lập quan hệ tốt với Việt Nam sau khủng hoảng giàn khoan. Giáo sư Thayer cho biết là trong cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo, ông Dương Khiết Trì và bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng sẽ bàn về thể thức tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn APEC vào tháng tới tại Bắc Kinh.
Trong khi ông Dương Khiết Trì đang ở Việt Nam thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mở chuyến viếng thăm Ấn Độ từ ngày 27/10 đến 29/10. Giáo sư Thayer nhắc lại rằng Ấn Độ đã là nước thứ ba trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam vào năm 2007, sau Nga ( 2001 ) và Nhật Bản ( 2006 ), nhưng trước Trung Quốc ( 2008 ). Cả New Dehli và Hà Nội có chung quan ngại về an ninh trước thế lực quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc.
Cũng theo tác giả bài viết, Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi ích như nhau trong việc giữ cho mối quan hệ song phương được hòa bình. Mối quan hệ đối tác mở rộng với Nhật Bản và Ấn Độ càng buộc Bắc Kinh phải tranh đua giành ảnh hưởng lên Hà Nội.
Giáo sư Thayer kết luận : « Chính sách đa phương hóa quan hệ đối ngoại đòi hỏi một đường lối ngoại giao khéo léo, biết đáp ứng quyền lợi của từng đối tác chiến lược. Mỗi đối tác chiến lược phải thấy rằng quan hệ tốt với Việt Nam có lợi hơn là quan hệ xấu hoặc đối đầu với Việt Nam ».
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù