ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 28-10-2014

mediaThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công du New Delhi - REUTERS /Adnan Abidi

Việt Nam tiếp tục ra sức kềm chế Trung Quốc

Theo RFI
Lê Phước
Ngày 28-10-2014 16:09
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang có chuyến thăm hai ngày tới Ấn Độ theo lời mời của người đồng nhiệm nước này là ông Narendra Modi. Nhật báo Le Monde số ra hôm nay nhân sự kiện này có bài nhận định về chính sách tăng cường hợp tác với các nước khác để kềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở khu vực. Bài viết chạy tựa : « Hà Nội chăm chút quan hệ với New Delhi ».
Le Monde cho biết, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ ngày càng được tăng cường trong thời gian qua. Tờ báo nhắc lại, mới hồi tháng 9 rồi, tổng thống Ấn Độ, ông Pranab Mukherjee, đã viếng thăm chính thức Việt Nam và hai bên đã ký thỏa thuận mà theo đó Ấn Độ sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu đô la để mua thiết bị quân sự.
Tuy nhiên báo Le Monde nhấn mạnh thêm là khoản tín dụng này « chủ yếu là để mua tàu tuần tra trên biển », tức ám chỉ đến việc tăng cường lực lượng tuần duyên của Việt Nam trong tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Kềm chế tham vọng của Trung Quốc

Le Monde trích nhật báo The Economic Times của Ấn Độ cho biết : trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một thỏa thuận mua bán bán vũ khí có thể được ký kết, mà rất có thể là hợp đồng Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos mà Ấn Độ và Nga đang liên danh sản xuất.
Ngoài Ấn Độ, Việt Nam dường như đã và đang tìm những đối trọng khác để ứng phó với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Le Monde nhắc lại, mới hồi đầu tháng này, phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, đã công du Hoa Kỳ, nhân đó Hoa Kỳ đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Như vậy, theo Le Monde, sau khi đã xích lại gần Hoa Kỳ và Nhật Bản, Việt Nam ra sức tăng cường quan hệ với Ấn Độ trong mục đích « kềm chế tham vọng trên biển của anh bạn láng giềng khổng lồ Trung Quốc ».
Tuy nhiên, báo Le Monde cho rằng, Việt Nam cũng không hề xem nhẹ quan hệ với Trung Quốc. Theo tờ báo, 6 tháng sau khi xảy ra những căng thẳng nghiêm trọng trên biển Đông khi Trung Quốc cho hạ đặt một giàn khoan thăm dò dầu hỏa khổng lồ trong vùng biển mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền, quan hệ giữa hai nước đang được sưởi ấm trở lại.
Tờ báo nhắc lại, trong chuyến công du Châu Âu gần đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có động thái xoa dịu khi nói với báo chí tại Berlin rằng:  “Cần phải kiểm soát tình hình, không để xảy ra căng thẳng tương tự trong tương lai; không nên sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ”.
Trong cùng khoản thời gian đó, Le Monde cho biết, một phái đoàn quan chức quân sự cấp cao của Việt Nam do bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh dẫn đầu đã “được tiếp đón trọng thị ” tại Bắc Kinh bởi người đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Le Monde cho rằng, đây là cơ hội để hai bên cũng cố “tình bạn truyền thống ”.

Mỹ và Trung Quốc : chọn một trong hai ?

Trên thực tế thì “ tình bạn truyền thống ” đó đã bị lung lay trong thời gian qua. Trước tham vọng của Trung Quốc, đương nhiên Việt Nam phải tìm cách đối phó. Le Monde dẫn lời của bà Céline Marangé, nhà nghiên cứu chiến lược tại Pháp và là tác giả của quyển Chế độ Cộng Sản Việt Nam (Communisme Vietnamien) do nhà xuất bản Presses Sciences Po phát hành vào năm 2012, cho rằng : "Việt Nam đang từng bước thiết lập “tuyến phòng thủ” khu vực để đối phó với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và Washington đã tận dụng điều đó để trở thành đối trọng với Bắc Kinh".
Một chuyên gia khác của Pháp, ông Antoine Bondaz , cho rằng sự liên minh giữa Mỹ và Việt Nam hiện tại là mang tính “tình thế”. Ông cho rằng liên minh này không mang tính loại trừ: “Việt Nam không nhất thiết phải chọn một trong hai giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, và điều đó không hề ngăn cản Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ ”.

Bầu cử Tunisia : Hồi Giáo cực đoan mất thế

Vốn là nơi khởi nguồn của làn sóng Mùa Xuân Ả Rập, Tunisia vừa trải qua một kỳ bầu cử Quốc hội dân chủ. Kết quả gây chấn động: Đảng Hồi Giáo cực đoan Ennhada thua cuộc. Chủ đề này thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay.
Các tờ báo lớn tại Pháp đều dành trang nhất để chạy tựa về chủ đề này với nhiều nhận định khác nhau, trong đó nổi lên một điểm chung là: sự thất bại của Đảng Hồi giáo cực đoan Ennhada, bởi vì từ sau Mùa Xuân Ả Rập 2010, Đảng này đã thắng lớn trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên thời hậu cách mạng vào năm 2011, và từ đó trên chính trường trong nước dường như chưa có đối thủ chính trị.
Đảng dẫn đầu liên minh theo đường lối thế tục giành chiến thắng lần này là đảng mang tên Nidaa Tounes (Tiếng gọi Tunisia) mới được thành lập hồi năm 2012 bởi ông Béji Caide Essebsi, thủ tướng Tunisia trong giai đoạn quá độ sau Mùa Xuân Ả Rập.
Tờ báo cánh tả Libération phân tích nguyên nhân thắng lợi của phe thế tục đó là họ đã nhân cơ hội dân chúng đang lo sợ làn sóng khủng bố và Hồi Giáo cực đoan vốn đang lan tràn ở các nước lân cận trong khu vực. Hơn nữa, Ennhada đã từng có hai năm cầm quyền không hiệu quả với kinh tế đình đốn, khủng bố lan tràn, an ninh bị đe dọa…
Về phần mình, trong bài xã luận đăng trên tráng nhất mang tên “ Kiểu mẫu Tunisia ”, nhật báo cánh hữu Le Figaro ca ngợi nước này xứng đáng là nước khởi đầu của Mùa Xuân Ả Rập, khi mà người dân đã chọn lựa “ hướng đi ” cho đất nước là không chấp nhận Hồi Giáo cực đoan. Tờ báo này cho rằng, dù rằng Tunisia còn nhiều vấn đề, nhưng việc bầu cử thành công và sự chiến thắng của phe thế tục đã cho thấy nước này có nhiều điểm tích cực hơn so với các nước khác trong khu vực.
Nhật báo Le Monde thì không ngần ngại nhận định rằng: cử tri Tunisia trong kỳ bầu cử vừa qua đã khẳng định rằng, hồi năm 2011 họ đã bầu cho Ennhada và đã thất vọng, vì thế hiện tại họ mới chọn Nidaa Tounes.
Tuy nhiên, cả ba tờ báo đều cho hay, Nidaa Tounes có thể chỉ chiếm gần 39% phiếu ủng hộ còn Ennhada là gần 32%, tức khoảng cách không quá xa. Với số phiếu như vậy, Nidaa Tounes buộc phải thành lập chính phủ liên minh với phe Hồi Giáo cực đoan, và sự việc sẽ còn nhiều phức tạp.
Hơn nữa, trong liên minh của Nidaa Tounes có nhiều gương mặt từng thuộc phe nhóm của nhà độc tài bị lật đổ trong Mùa Xuân Ả Rập, ông Ben Ali. Thêm vào đó là việc hình như người dân Tunisia ngày càng chán nản với chính trị. Bởi trong cuộc bầu cử năm 2011, có hơn 4 triệu cử tri đi bầu, còn trong cuộc bầu cử vào chủ nhật rồi chỉ có khoảng 3 triệu người.

Canada : An ninh và tự do ?

Làn sóng khủng bố đã lan đến Canada . Chính phủ nước này đang tìm cách tăng cường an ninh. Thế nhưng, đây lại là một vấn đề gây tranh cãi. Nhật báo Le Monde phản ánh vụ việc qua bài viết: “ Canada đang học rút kinh nghiệm từ các cuộc tấn công khủng bố ”.
Tờ báo nhắc lại hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp vào ngày 20/10 và 22/10 vừa qua tại Canada, đặc biệt là vụ tấn công vào tòa Nghị viện Ottawa. Hai thủ phạm có tuổi đời chỉ 25 và 32, và đều thuộc thành phần Hồi Giáo cực đoan ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) mà Mỹ đang dẫn đầu liên quân tìm cách tiêu diệt ở Irak và Syria. Canada là nước đồng minh ủng hộ trong hồ sơ này.
Vấn đề an ninh từ đó được đặt ra trên lãnh thổ Canada . Thủ tướng nước này, ông Stephen Harper đã phải tuyên bố trên truyền hình rằng, Canada “ không miễn nhiễm ” với nguy cơ khủng bố. Ông Harper đang ra sức yêu cầu Quốc hội Cananda sửa đổi luật trong hướng tăng cường quyền của cơ quan an ninh trong việc bắt giữ và theo dõi bí mật người dân.
Thế nhưng, sự việc sẽ không đơn giản bởi vì trong phe đối lập Canada đã có lo ngại rằng, việc thông qua gấp gáp những biện pháp theo hướng như vậy sẽ đe dọa đến dân chủ. Nói cách khác, Canada đang đứng trước chọn lựa giữa an ninh và dân chủ.

Đức : Hồi Giáo cực đoan kích động làn sóng cực hữu

Hồ sơ khủng bố cũng đang đặt ra trong xã hội Đức khi mà làn sóng cực hữu tại nước này đang có xu hướng dâng cao. Nhật báo Le Figaro nhìn nhận sự việc này qua bài: “ Phe cực hữu Đức đang huy động lực lượng chống làn sóng Thánh Chiến ”.
Tờ báo cho biết, mới hôm Chủ nhật rồi, tại thành phố du lịch Cologne nổi tiếng của Đức, hơn 4.000 người đã xuống đường biểu tình chống Hồi Giáo cực đoan. Theo cảnh sát địa phương, trong số đó có hơn 2.000 người “cực kỳ hung bạo”. Kết quả sau cuộc đụng độ với người biểu tình, đã có hơn 40 cảnh sát bị thương.
Tờ báo cũng nhắc lại những vụ biểu tình tương tự xảy ra ở nhiều địa phương khác của Đức trong thời gian qua. Điểm chung của họ là sử dụng vũ lực và chống Hồi Giáo cực đoan. Và chính khẩu hiệu chống Hồi Giáo cực đoan đã thu hút ngày càng nhiều người Đức tham gia, làm cho làn sóng bạo lực leo thang, gây quan ngại cho nhà cầm quyền Đức.
Theo Le Figaro, phong trào biểu tình này mang tên “ HoGeSa ", chữ viết tắt của “ Những Hooligans chống các thành phần Thánh Chiến ”. Phong trào này mới được hình thành gần đây trên Internet. Chính tâm lí lo ngại Hồi Giáo cực đoan đã lôi kéo được phe cực hữu Đức.
Theo Le Figaro, hiện trên lãnh thổ Đức có khoảng 6000 người ủng hộ Thánh Chiến. Mới cách đây mấy ngày, ở một địa phương của Đức đã xảy ra đụng độ giữa những người theo thành phần này và những người Kurdistan chống Nhà nước Hồi Giáo cực đoan-IS.
Tờ báo cho biết thêm, chính phủ Đức cho hay hiện có khoảng 450 người Đức tham gia lực lượng IS trên lãnh thổ Syria . Tuy nhiên, Le Figaro cho biết, con số thực tế có thể cao hơn gấp 3 lần.
Tờ báo cũng đi sâu vào tình trạng nước Đức đang gồng mình tiếp nhận làn sóng nhập cư ào ạt. Họ là những người chạy loạn từ những nước đang có chiến tranh hoặc những nước Châu Âu có nền kinh tế khó khăn. Hiện tại, trong làn sóng nhập cư vào Đức thì những người chạy loạn từ Syria chiếm cao nhất, với 23 500 người xin tị nạn tính từ đầu năm nay, tức tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Và đó là một yếu tố dễ dàng thổi bùng tâm lý bài ngoại của người dân bản xứ.

Diễn đàn APEC tại Bắc Kinh sẽ không “ô nhiễm”

Tháng 11 tới đây, tại Bắc Kinh sẽ diễn ra Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trung Quốc chuẩn bị như thế nào cho sự kiện này. Le Figaro dành mục “Câu chuyện của ngày” cho hồ sơ này.
Tờ báo đăng tựa khá dí dỏm: “ Bắc Kinh trang bị một bầu trời không ô nhiễm cho hội nghị thượng đỉnh APEC ”. Tờ báo nhắc lại tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở Trung Quốc và việc hồi mới tuần rồi, tại Bắc Kinh, những người tham gia một cuộc chạy marathon đã phải đeo khẩu trang chống bụi.
Để chuẩn bị cho Diễn đàn APEC sắp tới, công nhân viên nhà nước sẽ được cho nghỉ sáu ngày nhằm hạn chế dòng người lưu thông ở Bắc Kinh. Các hoạt động công nghiệp cũng sẽ bị hạn chế. Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh tạm đóng cửa các nhà máy ở tỉnh Hà Bắc và Thiên Tân giáp với địa phận Bắc Kinh để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm.
Một quan chức chính phủ Trung Quốc tuyên bố: đảm bảo chất lượng không khí trong lành ở Bắc Kinh trong kỳ thượng đỉnh APEC là “ưu tiên của các ưu tiên”. Thế còn sau hội nghị thì thế nào? Le Figaro mỉa mai : "Ô nhiễm sẽ trở lại ngay sau khi chiếc phi cơ chở Tổng thống Mỹ Obama cất cánh rời khỏi Bắc Kinh".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù