Người phụ nữ đằng sau ánh hào quang ở Los Angeles

  Tặng Dương Thị Tân - người bạn, người em mà tôi quý trọng thương yêu

Theo RFA Blog

Khi Điếu Cày được đón tiếp nồng nhiệt lúc đặt chân xuống Sân bay quốc tế Los Angeles, có lẽ ít ai để ý đến một người phụ nữ từ Sài Gòn buồn bã hướng về nơi hào quang tỏa sáng mà đồng bào Việt ở Mỹ dành cho anh.
 
Chị chẳng bao giờ lên mạng giãi bày tư tưởng, quan điểm, trưng ảnh, khoe có mối quan hệ với ai. Cũng chẳng bao giờ tuyên bố này nọ, có chăng chỉ là những câu trả lời phỏng vấn mang đầy bức xúc khi bị làm khó dễ, đày ải. Người ta biết đến chị bởi những hoạt động của chị liên quan đến một người nổi tiếng mà tôi vừa nhắc đến: Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải.
 
Tôi quý trọng chị không phải vì chị liên quan đến anh Nguyễn Văn Hải mà từ những gì hiểu về chị: chân thành, gần gũi, chu đáo với anh em bạn bè, thẳng thắn và quyết liệt khi đối mặt với công an. 
 
Chị là Dương Thị Tân.
 
Lần đầu tiên tôi gặp chị vào ngày 9/3/2013, hôm chị cùng Nhung (mẹ bé Uyên) được một số bạn bè đưa đến thăm tôi. Hai người ra Hà Nội để tham gia phiên tòa xử sơ thẩm Luật sư Lê Quốc Quân nhưng đến sát ngày thì họ báo hoãn. Khi Lê Quốc Quyết giới thiệu, tôi không ngờ được chị đến thăm. Lúc ấy, tôi đã biết khá nhiều về chị. 
 
Đó là một phụ nữ đã qua tuổi trung niên nhưng chưa thể gọi là già. Dáng vẻ chị còn lưu lại nhiều nét của một thời con gái xuân sắc. Chị mặc bình dị, giọng thanh mà ấm rất dễ nghe, nói năng khúc chiết. Ở chị toát lên một vẻ sang trọng không cần tôn tạo. Sau đó, tôi và các bạn Hà Nội nhiều lần cùng mẹ con chị trong những chuyến đi đấu tranh cho anh Nguyễn Văn Hải, từ vụ anh Hải tuyệt thực 33 ngày đến những lần thăm nuôi anh ở trại giam số 6 Nghệ An. Tôi đã từng chứng kiến cảnh chị giáp mặt với công an trại giam, Viện Kiểm sát Nghệ An, Tổng cục Trại giam yêu cầu làm rõ chuyện anh Hải tuyệt thực; đến cả Tòa soạn báo công an đối chất về việc tờ báo này xuyên tạc vụ anh Hải tuyệt thực, nói xấu những người đồng hành cùng chị trong những chuyến đi.
 
Qua những lần như thế, tôi thấy bản lĩnh chị thật kiên cường. Chị nói năng lưu loát, cứng cỏi, lý lẽ chắc chắn. Trước chị, những người bị chị chất vấn chỉ biết thoái thác trả lời, hoặc đánh bài chuồn như Viện kiểm sát Nghệ An. 
 
Án chồng án, anh Nguyễn Văn Hải bị tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam, điều này ai cũng biết nhưng ít người biết chị cũng bị án lây 2 năm 6 tháng tù treo, lại còn kèm theo 3 năm quản chế. Chị đã nhiều lần kể cho tôi nghe chuyện chị bị chúng đánh rất tàn bạo, kể cả treo lên cao để đánh cho dễ. Chị bị khốn khổ khốn nạn chỉ vì căm anh Hải mà chúng dồn luôn đòn thù lên chị. Bây giờ, trong người chị đầy bệnh tật, một bên đầu gối sưng vù, đi lại rất khó khăn. Ở trại 6, tôi mới biết được chị cứ hơi ngồi một lúc là phải có người đỡ, chị mới đứng dậy được. Thế mà chị đi khắp nơi, ngoài việc đi cùng con vì anh Hải, chị còn tham gia các phong trào tranh đấu rất nhiệt tâm. Thì thông thường là thế, chuyện tù thường phạm không nói nhưng cứ một người thành tù chính trị thì vợ con, gia đình cũng trở thành những người đấu tranh.
 
Trong đấu tranh, có lẽ phụ nữ can trường hơn nam giới. Những tấm gương của chị em khiến cánh mày râu phải nể phục như Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Nga, Lê Thị Phương Anh, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Cấn Thị Thêu… Với Dương Thị Tân, dù sao chị cũng là người lớn tuổi hơn, sức khỏe yếu hơn nhưng sức chịu đựng của chị thật tuyệt vời. Chị còn là người bạn ân cần chu đáo. với bạn bè. Nhà chị cũng là nơi tụ tập thường xuyên của anh em hoạt động dân chủ. Dạo tôi vào Sài Gòn vì vụ xử Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, đã có tới 4 lần tôi được mời ăn cơm nhà chị, tất nhiên không chỉ tôi là khách. Cũng vì vậy, tôi biết thêm nhiều bạn Sài Gòn. Anh em Hà Nội có việc vào Sài Gòn, thường là phải lãnh thêm trách nhiệm mang quà cáp của chị gửi ra. Ăn những trái cây, miếng bánh của chị mang hương vị miền Nam, tôi thầm tự trách mình cư xử với chị chưa được chu đáo.
 
Ngày 21/10/2014, nhà cầm quyền thả anh Nguyễn Văn Hải ra khỏi trại tù nhưng buộc phải sang Mỹ tị nạn, tâm trạng tôi thật khó tả. Mừng thì có mừng vì anh thoát khỏi chế độ nhà tù khắc nghiệt nhưng sự vui mừng ấy không trọn vẹn. Sao anh không được ở lại quê hương – nơi anh bị bao đọa đầy, đau khổ để tiếp tục đấu tranh? Trục xuất một người đấu tranh ra khỏi Tổ quốc, họ quá tàn nhẫn. Tàn nhẫn hơn nữa là đẩy gia đình anh vào cảnh chia ly mà không được nói với nhau lời nào.
 
Từ hôm ấy, tôi vẫn chưa có một liên lạc gì với chị Tân, gọi là để nói lời chúc mừng hay an ủi. Điều này tôi đắn đo lắm. Tôi biết tâm trạng chị còn nặng nề hơn tôi. Vậy là từ nay, chị không còn phải lặn lội khắp các trại giam để thăm nuôi anh Hải. Điều đó làm cho chị nhẹ gánh nhưng cũng có thể làm cho chị buồn hơn khi xét đến một góc độ tâm lý khác. Nhiều khi, người ta lấy sự vất vả làm niềm vui khi nghĩ đến sự vất vả của mình mang lại niềm vui, điều tốt cho người khác. Và dù sao, mỗi lần thăm anh Hải, dẫu chị chỉ được chầu rìa ngoài cổng để cho một mình cháu Dũng vào nhưng anh Hải vẫn rất gần. Chị còn có cảm giác như nghe quanh đây hơi thở của anh, còn anh thì biết chị đang phải ngồi lắt lay ngoài cổng vì mình. Còn bây giờ là nỗi buồn của sự xa xôi vạn lý.
 
Trong 6 năm rưỡi ở tù, Nguyễn Văn Hải đã qua 11 trại giam. Anh bị giam ở đâu, chị Tân và các cháu lại phải tìm đến đấy. Là người được chị tin cậy, đôi khi tôi mạnh bạo hỏi chuyện về chị và anh Hải. Tôi hỏi chị những khi đi đấu tranh cho anh Hải thì lấy tư cách gì? Lấy lý do em với anh Hải không còn là vợ chồng, họ từ chối tiếp thì sao? Chị bảo: em đại diện cho quyền lợi cho các con em, mà con em cũng là con anh Hải.
 
Mẹ con chị Dương Thị Tân cùng anh em Hà Nội đấu tranh cho blogger Điếu Cày
 

Hai mẹ con chầu chực trước cổng trại giam
Nhiều lần tôi hẹn với chị, nếu anh Hải ra tù, chắc chắn tôi sẽ bay từ Hà Nội vào. Chị biết là tôi không chỉ nói cho vui. Đầu tháng 8 vừa qua, nghe nói anh Hải sẽ được thả vào dịp 2/9, mọi người đều hy vọng. Thế rồi vụ án Bùi Thị Minh Hằng xảy ra, tôi vào Sài Gòn rồi đi Cao Lãnh. Lẽ ra sau khi xử xong, tôi có thể quay ra Hà Nội nhưng lại cùng một số anh em khác cố nấn ná lại đến một tuần, hy vọng có thể được đón anh Hải. Mãi 3/9 chúng tôi mới trở ra Hà Nội. 
 
Cứ nghĩ đến cảnh người vợ lặn lội đi thăm nuôi chồng là tù nhân chính trị trong các trại giam, tôi thường liên hệ đến câu ca dao:
 
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng.
 
Người chồng hoạt động chính trị bị bắt đi tù, khổ đã đành, nhưng khó có thể nói khổ hơn khi so với sự lo toan vất vả của người vợ. Vậy mà sự vất vả tận tụy của chị Tân so với những người vợ của những tù nhân chính trị khác, không hề nhẹ đi nếu không nói là hiếm có. Chị nói là vì quyền lợi của các con chị nhưng tôi hiểu nó còn là một cái nghĩa. Cái nghĩa ấy của chị thật là cao quý, lớn lao. Đôi khi anh em nói chuyện vui, chúng tôi hay đùa sau này anh Hải ra tù, hai người phải quay lại với nhau, chị bảo, không bao giờ có chuyện ấy đâu anh ạ. Tôi lại nghĩ, nếu cho rằng sự tận tụy của chị xuất phát từ động cơ hai người sẽ quay trở lại với nhau thì vô hình trung đã đánh giá thấp về chị. 
 
Dù sao, tôi vẫn cứ mong một kết cục có hậu giữa chị và anh Hải. Có lần cháu Dũng kể, cháu vào trại, nói với bố là bố mẹ nên quay trở lại với nhau để có danh nghĩa cho mẹ được gặp bố, anh Hải không phản đối mà cười, bảo nhưng bố bây giờ đang trong tù thì làm sao được. Vì vậy, khi anh Hải sang Mỹ, tôi còn buồn vì có thể lỡ một cơ hội mà tôi mong muốn. 
 
Nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn báo Người Việt hôm qua 27/10, thấy anh dùng từ “vợ” để nói về chị Tân: 
 
Về cuộc sống riêng, gia đình tôi và gia đình bên vợ hầu hết ở Vancouver và Toronto, Canada. Hiện nay tôi cũng chưa muốn chia sẻ nhiều về cuộc sống riêng. 
 
Cũng ngày 27/10, khi đài VOA dùng cụm từ “vợ cũ của ông” thì anh Hải lại dùng từ “vợ tôi” để nói về chị Tân: 
 
VOA: Dũng, con trai ông và cả chị Tân, vợ cũ của ông, cho biết là gia đình không nhận được một lời từ biệt nào trước khi ông ra đi. Ông có thể nói rõ hơn về chuyện này không? 
 
Blogger Điếu Cày: … Còn khi mà xuất cảnh ra sân bay, tôi cũng nghĩ là họ sẽ để cho tôi được gặp con tôi, gặp vợ tôi ở sân bay nhưng thực tế thì họ không cho tôi gặp mà đẩy thẳng ra máy bay luôn.
 
Tôi thấy vui vui khi phát hiện ra điều này. Điếu Cày không nói nhầm. Hẳn là anh hiểu được những nỗi cực khổ, gian nan mà chị Tân phải chịu đựng vì anh, hiểu được được tấm lòng cao cả đầy tình nghĩa mà chị đã vì con và chắc chắn vì cả anh nữa. Hẳn là anh rất vui khi biết trong 6 năm rưỡi qua, chị không chỉ làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ mà đã hòa chung vào phong trào đấu tranh dân chủ, sát cánh cùng đồng đội của anh trong đó có nhiều người thức tỉnh do tấm gương từ anh soi sáng. Và có thể cũng vì những lẽ đó, anh “lạm dụng” từ “vợ tôi” một cách âu yếm để nói về chị, dù không biết chị có chấp nhận hay không.
 
Anh Hải ra đi, điều đó không có nghĩa là Dương Thị Tân đã được yên ổn. Ngày hôm nay, tôi được biết thông tin chị bị triệu tập ra tòa vì vụ tranh chấp đòi tiền đặt cọc giữ chỗ thuê nhà mà tôi cho rằng có thế lực nào đó xúi bẩy. Dù chưa biết sự thể ra sao nhưng tôi nghĩ chị thua là cái chắc vì người xử sẽ không đứng về phía chị.
 
Anh đi rồi nhưng chắc chị sẽ còn bị sách nhiễu. Cũng như Phương Uyên, khi buộc phải thả cháu ra, cháu vẫn còn phải chịu đòn thù. Tôi vừa mong cho anh Hải sẽ trở về để che chở cho chị, vừa mong muốn có một cuộc đoàn tụ gia đình bên Mỹ nếu như việc anh về là không thể.
 
 
Hà Nội ngày 28/10/2014
 
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù