ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 31-10-2014

mediaNgười biểu tình chiếm giữ khu tài chính ở Hồng Kông, ngày 28/10/2014REUTERS

Hồng Kông hay sự bế tắc của Trung Quốc

 
Theo RFI
Ngày 31-10-2014 15:28
Thời sự Châu Á đáng chú ý với bài « Hồng Kông hay sự bế tắc của Trung Quốc » trên báo Les Echos. Theo phân tích của tờ báo : Sau giai đoạn đầu sôi sục, phong trào phản kháng tại Hồng Kông đã phần nào xẹp xuống. Trong khi đó, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn và sử dụng vũ khí tài chính để buộc lãnh thổ này phải tuân thủ luật lệ do Bắc Kinh đề ra.
Trong thời gian qua, phong trào đấu tranh đòi dân chủ của giới sinh viên Hồng Kông, được truyền thông quốc tế liên tiếp đưa tin, đã làm cho các nước phương Tây nghĩ rằng, 25 năm sau cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, phải chăng, giờ đây lại có một cuộc đối đầu giữa một bộ phận dân chúng ở Hồng Kông với chính quyền Trung Quốc ? Liệu Bắc Kinh có đưa xe tăng vào Hồng Kông để trấn áp không hay ngược lại, Bắc Kinh phải nhượng bộ trước đà tiến không thể đảo ngược được của dân chủ ?
Thế nhưng, một tháng sau, theo Les Echos, người ta nhận thấy, không có xe tăng Trung Quốc, không có cách mạng, và thậm chí, không có một tiến bộ thực sự nào để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay trong xã hội Hồng Kông. Cụ thể, bên phía những người đấu tranh cho dân chủ : Họ không còn đông như trước, nhưng vẫn tiếp tục tỏ ra kiên quyết và đòi phải có bầu cử thực sự chức Trưởng đặc khu, theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Bên chính quyền thì tuân thủ Bắc Kinh, tức là không bao giờ chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát chính trị đối với Hồng Kông. Có một bức tường ngăn cách hai bên.
Tình hình cách nay một tháng có vẻ năng động, giờ đây, trở nên trì trệ một cách nguy hiểm, trên nhiều lĩnh vực.
Les Echos phân tích, trước tiên, nguy cơ tương lai kinh tế Hồng Kông bị trì trệ. Vào lúc các dự báo đều cho rằng tăng trưởng của Hồng Kông sẽ giảm, thì Bắc Kinh đã dùng lá bài tài chính để gia tăng sự ràng buộc. Từ vài tháng nay, giới tài chính ở Hồng Kông có vẻ tự tin hơn, bởi vì Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa tạo mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải. Về mặt kỹ thuật, biện pháp này rất quan trọng, cho phép các nhà đầu tư, thông qua thị trường Hồng Kông, mua hoặc bán cổ phiếu được niêm yết trên thị trường Thượng Hải. Sự hứng khởi đã nhường chỗ cho bi quan. Do tình hình tại Hồng Kông, kế hoạch kết nối giữa hai thị trường vào cuối tháng 10 không thể thực hiện được.
Les Echos bình luận, Bắc Kinh đã sử dụng rất khéo léo chiến lược im lặng và để cho thị trường Hồng Kông tự phát ra các tín hiệu về sự bấp bênh này. Không cần nói một câu nào, Bắc Kinh đã đưa ra được một thông điệp rất rõ ràng : Hơn bao giờ hết, Hồng Kông cần có sự năng động kinh tế của Trung Hoa lục địa. Hồng Kông sẽ mất hết nếu muốn thoát ra khỏi sự đỡ đầu của Trung Quốc.
Yếu tố thứ hai, theo Les Echos, là sự trì trệ của xã hội Hồng Kông. Đằng sau các khát vọng dân chủ của giới trẻ, sinh viên, có một thực tế kinh tế mà không một nhà phân tích nào có thể bác bỏ : Đó là xã hội Hồng Kông phân cực một cách nguy hiểm. Giữa một bên là thiểu số rất nhỏ, nhưng rất giàu có và bên kia là đa số tầng lớp trung lưu đang phải đối mặt với giá bất động sản tăng vọt, có một sự ngăn cách, không thông cảm, hiểu biết lẫn nhau. Điều làm Bắc Kinh lo ngại nhất là sự thất vọng của giới trẻ về những hứa hẹn ngày mai tươi sáng, dân chủ hơn. Chính quyền Trung Quốc hiểu được là Hồng Kông không thể tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao như trước đây. Do vậy, Bắc Kinh đã đánh đổi việc khước từ cải cải chính trị với lời hứa cải thiện cuộc sống của người dân.
Yếu tố cuối cùng, đó là tính toán chính trị của Bắc Kinh. Theo Les Echos, những ai cho rằng, tình trạng bế tắc hiện nay tại Hồng Kông sẽ buộc Bắc Kinh, bằng cách này hay cách khác, phải đi theo con đường dân chủ, những người này sẽ thất vọng và ít ra là trong ngắn hạn. Trên góc độ kinh tế, cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông đã tạo cơ hội cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung quyền lực, tăng cường kiểm soát tất cả các lĩnh vực. Khi tiến hành một chiến dịch đánh bóng lại hình ảnh của đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình không chỉ tấn công vào tệ nạn tham nhũng, mà rộng hơn, ông nhắm vào việc quản lý, trách nhiệm của giới lãnh đạo ở Hồng Kông. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ của giới lãnh đạo là lắng nghe người dân và hết lòng phục vụ người dân. Trong bối cảnh này, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh là biểu tượng của tất cả những gì trái ngược với lời huấn thị của Chủ tịch Trung Quốc : Tê liệt trước tình trạng bất bình đẳng, tách rời thực tế, cực kỳ giàu có và không đủ khả năng lãnh đạo Hồng Kông.
Như vậy, tình hình chính trị tại Hồng Kông bị bế tắc một cách nguy hiểm và có nguy cơ trở thành một chủ đề chán nản đối với giới truyền thông quốc tế. Theo Les Echos, không nên bỏ rơi Hồng Kông, bởi vì trong chiến lược đọ sức và từ chối lắng nghe nguyện vọng dân chủ của giới trẻ Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh cho thấy họ không đủ khả năng hỗ trợ, đi cùng với bước tiến của Lịch sử, một khi quyền lực kiểm soát của họ bị đe dọa.

Tàu chiến Mistral : Matxcơva gia tăng sức ép đối với Paris

Về quan hệ Pháp- Nga, báo Le Monde có bài : « Tàu chiến Mistral : Matxcơva gia tăng sức ép đối với Paris ».
Chỉ với một vài động tác nhấp chuột máy tính, Phó Thủ tướng Nga Dmtri Rogozine đã lại xới lên cuộc tranh luận về việc Pháp có giao chiếc tàu chiến Mistral đầu tiên cho Nga hay không.
Ngày 29/10 vừa qua, ông Rogozine đã cho đăng trên tài khoản Twitter của mình bức thư của doanh nghiệp Pháp DCNC, mời phía Nga, công ty Rosoboronexport, tới dự lễ trao tàu vào ngày 14/11 tại Saint Nazaire, Pháp. Trong thư còn có đầy đủ các chi tiết lễ tân, đón tiếp.
Việc công bố bức này cho thấy, càng gần thời điểm giao tàu theo dự kiến ban đầu, phía Nga đang rất sốt ruột và muốn gây sức ép với Pháp.
Ngay lập tức, Paris đã phải cải chính và nhấn mạnh, thời điểm 14/11 không có giá trị. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Michel Sapin nhắc lại tuyên bố của Phủ Tổng thống Pháp vào ngày 03/09 vừa qua, là Paris chỉ giao tàu chiến cho Matxcơva nếu nhận thấy hội đủ các điều kiện, tức là tình hình ở Ukraina phải được cải thiện rõ rệt.
Le Monde đặt câu hỏi : Vậy bây giờ đã hội đủ điều kiện chưa ? Lệnh ngưng bắn, ở phía đông Ukraina, giữa quân đội chính phủ và phe phiến quân ly khai thường xuyên bị vi phạm. Matxcơva vẫn có giọng điệu đe dọa Kiev. Một lần nữa, Nga muốn thách thức chính quyền Ukraina thân phương Tây, khi tuyên bố sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử tại các vùng ly khai, cho dù phương Tây nói trước là không công nhận và Châu Âu chưa bãi bỏ cấm vận đối với Nga.
Do vậy, Tổng thống Pháp buộc phải có thái độ mập mờ. Một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tìm cách trấn an là vẫn còn thời gian.
Le Monde nhắc lại, Mistral là loại tàu chiến lớn nhất, chỉ sau hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, dài 199 mét, trọng tải 21 ngàn tấn, có tốc độ di chuyển là 19 hải lý/giờ. Là tàu chỉ huy kiêm vận tải chuyển quân, Mistral có thể chở được 450 binh sĩ, 16 trực thăng hạng nặng, 2 xe lội nước hoặc 4 thuyền đổ bộ. Tàu cũng có thể chở được tới 60 xe bọc thép hoặc xe tải hậu cần. Trên tàu có một bệnh viện 69 giường, với hai phòng giải phẫu.
Ngay trước khi ký hợp đồng đóng tàu cho Nga, vào năm 2011, chủ đề này đã gây tranh luận tại Pháp, nhiều sĩ quan cao cấp lo ngại chuyển giao công nghệ cao cho Nga. Bây giờ, nếu giao tàu chiến cho Nga, Pháp sẽ bị Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ trích, đặc biệt là từ phía nước vùng Bal-tíc và Ba Lan, vốn không tin tưởng Nga. Nguy cơ là Pháp có thể không được tham gia các hợp đồng hiện đại quân đội Ba Lan, trị giá hàng chục tỷ euro.
Thế nhưng, nếu không giao tàu, thì hình ảnh và uy tín Pháp, trong tư cách nhà xuất khẩu, sẽ bị tổn hại và ngân sách quốc phòng Pháp cũng bị hao hụt. Bên cạnh đó, khoảng 300 lao động trên công trường đóng tàu Saint Nazaire bị đe dọa. Theo ông Thomas Gomart, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì các yêu cầu chính trị nội bộ có thể thắng thế đối với các thách thức địa chiến lược. Sự sống còn của tổ hợp công nghiệp quân sự phụ thuộc vào việc thực hiện các hợp đồng quan trọng này. Chính vì thế, bên quân đội Pháp, nhất là Hải quân, người ta vẫn tin tưởng là hợp đồng giao tàu sẽ được thực hiện, vì theo họ, tàu Mistral không phải là một vũ khí chiến lược.
Trong khi đó, Nga vừa gây sức ép, vừa tỏ ra không cần. Chính ông Rogozin này, cách nay một tháng, đã tuyên bố là có thể không cần đến hợp đồng đã ký với Pháp nữa vì giờ đây, Nga có khả năng đóng được loại tàu này.
Le Monde cho biết, cách nay vài ngày, các cố vấn thân cận của Tổng thống François Hollande vẫn tin tưởng là Paris sẽ thực hiện hợp đồng giao tàu cho Nga, bởi vì Nga và Châu Âu « đang ở trong giai đoạn làm dịu căng thẳng. Tình hình chưa bao giờ tốt như hiện này ».

Kết thúc thời kỳ dầu lửa giá cao ?

Chuyên trang kinh tế của báo Le Monde có bài « Thị trường tài chính Luân Đôn đánh cược về sự kết thúc thời kỳ dầu lửa giá cao ». Theo giới chuyên gia, giá dầu lửa còn tiếp tục thấp trong một thời gian dài do sự phát triển của công nghệ khai thác dầu đá phiến và nhu cầu trên thế giới giảm.
Tại thị trường City Luân Đôn, ngày càng có nhiều nhà tài chính, kể cả Golman Sachs và Citigroup, đánh cược về việc giá dầu lửa sẽ tiếp tục ở mức thấp trong dài hạn. Trên thị trường New York, giá dầu lửa giảm 25% kể từ tháng Sáu và ngày 27/10 vừa, qua, mức giá này chỉ vượt qua ngưỡng 80 đô la/thùng (khoảng 64 euro) trong chốc lát. Đây không phải là hiện tượng nhất thời mà là một xu thế có thể kéo dài.
Từ giữa những năm 2000, hầu như có một sự đồng thuận trên thế giới cho rằng đã chấm dứt thời kỳ dầu giá rẻ, với lập luận là nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt là tại các nước đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc. Đồng thời, chi phí khai thác không ngừng tăng, ở những vùng biển sâu, những khu vực khó tiếp cận.
Giờ đây, quan điểm này không còn đúng nữa. Ngân hàng Goldman Sachs thẩm định là « một trật tự mới về dầu lửa » đang mở ra và còn phỏng đoán giá một thùng dầu sẽ ở mức 70 đô la vào quý hai năm 2015 và sau đó, ổn định ở mức 80 đô la trong một thời gian dài.
Báo Le Monde nêu ra hai nhân tố giải thích : Trước tiên là việc phát triển công nghệ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Trong ba năm, sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng 60% và nhờ vậy, Hoa Kỳ đang hướng tới việc độc lập về năng lượng. Nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm ba lần, kể từ 2007. Yếu tố thứ hai là nhu cầu thế giới giảm, đặc biệt tăng trưởng tại Trung Quốc cũng đi xuống. Các nỗ lực tiết kiệm năng lượng trong nhiều thập niên qua, giờ đây mang lại kết quả. Ngân hàng Citigroup bổ sung yếu tố thứ ba : Sự phát triển công nghệ khai thác khí đá phiến tạo xu hướng dùng khí đốt thay thế cho dầu lửa.
Công nghệ dùng nước áp suất lớn để khai thác dầu đá phiến đã dẫn đến hai thay đổi cơ bản : Sản lượng dầu tăng, nhưng nhu cầu giảm và đây là trường hợp chưa từng thấy tại Mỹ.
Le Monde còn ghi nhận một sự thay đổi trong chiến lược sản xuất và xuất khẩu dầu khí của khối OPEC. Bình thường ra, khối này giảm sản lượng để giữ giá dầu, nhưng hiện nay, một số nước, đặc biệt là Ả Rập Xê Út vẫn giữ nguyên sản lượng, chấp nhận cho giá dầu hạ thấp, qua đó, ngăn chặn được việc phát triển khai thác dầu đá phiến, tức là làm cho giá dầu đá phiến cao hơn dầu lửa tự nhiên.
Khi để cho giá ở mức dưới 80 đô la/thùng, OPEC sẽ tấn công trực diện vào các kỹ thuật mới trong việc khoan tìm, khai thác dầu, vì đắt hơn kỹ thuật khai thác giếng dầu thông thường trên sa mạc.
Chính vì thế, câu hỏi chính hiện nay là giá dầu đá phiến của Mỹ sẽ ở mức nào thì việc khai thác không có lãi nữa ? Tức là nên quay sang khai thác dầu lửa bình thường. Ngân hàng Goldman Sachs thẩm định là 80 đô la/thùng, còn Citi group đưa ra con số 60 đô la.
Cho dù giá dầu không thể xuống quá thấp, khoảng 20 đô la như thời kỳ đầu những năm 2000, nhưng rõ ràng một sự cân bằng mới đang được hình thành, với mức giá rất thấp so với những dự báo trong những năm gần đây.

Trang nhất các báo Pháp

Các báo chính tại Pháp hôm nay đều đưa lên trang nhất thời sự trong nước. Le Monde đề cập đến « Đập nước Sivens : Phương pháp của Valls bị chỉ trích bên trong chính phủ ». Dự án xây đập ở Sivens, Tarns, miền nam nước Pháp đã vấp phải sự phản đối của người dân trong nhiều tháng qua. Vụ việc trở nên trầm trọng sau cái chết của một người biểu tình. Nhiều chính trị gia có thế lực trong đảng Xã hội, một số bộ trưởng, không ngần ngại chỉ trích phương pháp lãnh đạo, quản lý hồ sơ này của Thủ tướng Manuel Valls.
Báo Le Figaro quan tâm đến « Các ngưỡng xã hội : Giới công đoàn chơi trò ngăn chặn ». Giới chủ Pháp đưa ra dự thảo cải cách về mức độ trách nhiệm của doanh nghiệp tùy thuộc số lượng nhân viên trong doanh nghiệp. Thế nhưng, các công đoàn đã bác bỏ toàn bộ dự thảo này. Do vậy, giới chủ đã cam kết sẽ đưa ra một văn bản mới vào giữa tháng 11.
Trong khi đó, Liberation chạy trên trang nhất « Những anh hề trong thành phố », nói về hiện tượng có những kẻ đeo mặt nạ, đóng vai anh hề, với những bộ mặt gây sợ hãi, có những hành động hù dọa, tấn công người dân. Bộ Nội vụ Pháp lo ngại các vụ lộn xộn vào dịp lễ hội Halloween.
Tờ Les Echos cho biết : « Kinh tế Mỹ thách thức sự ảm đạm của thế giới ». Tổng sản phẩm quốc nội tăng 3,5% trong quý 3 và Tổng thống Obama hy vọng kết quả này sẽ tạo thuận lợi cho đảng Dân Chủ nhân cuộc bầu cử Nghị viện giữa kỳ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù