ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 28-1-2015

ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 28-1-2015    

Nước Pháp hiện có gần 3 triệu rưỡi người thất nghiệp – REUTERS

2014 : Năm đen tối của thất nghiệp tại Pháp


Theo RFI
Thu Hằng
ngày 28-01-2015  17:57
Thêm 190.000 người thất nghiệp vào năm 2014. Con số này nâng tổng số người thất nghiệp tại Pháp lên tới 3.496.000 người. Tin buồn này được báo Le Figaro đăng dưới dòng tựa : « 2014, năm đen tối mới cho tình trạng thất nghiệp ở Pháp », báo Les Echos than thở : « Nước Pháp chưa bao giờ có nhiều người thất nghiệp đến thế », còn L’Humanité thì phẫn nộ với dòng tựa : « Không, thất nghiệp không phải là tiền định ».

Bài xã luận trên tờ Le Figaro đánh giá đây là « Cơn ác mộng Pháp » và cho rằng chính sách hỗ trợ việc của chính phủ trong năm 2014 đã không mang lại kết quả mà chỉ là một bộ máy tạo thêm người thất nghiệp. Tác giả bài xã luận không hài lòng với việc chính phủ chỉ dừng lại ở « Luật Macron », đang được thảo luận tại quốc hội, mà cần phải có nhiều chính sách khác để đảo ngược tình hình.
Tất cả các chính sách như : phổ biến một loại hợp đồng mới tạo điều kiện cho việc tuyển dụng cũng như sa thải, bỏ chế độ 35 giờ làm việc hàng tuần, thay đổi quy định về bảo hiểm-thất nghiệp… đã được áp dụng tại nhiều nước châu Âu khác. Thế nhưng, vừa mới đưa ra đề xuất trên, lập tức chính phủ đã bị ngay các « đồng minh » của mình lên tiếng chỉ trích và phản đối.
Bài xã luận của Les Echos hướng tới các giải pháp để thay đổi tình hình dưới tiêu đề : « Chống thất nghiệp, còn phải làm mọi việc ». Bài báo chua chát khi nêu rằng từ 40 năm nay, nước Pháp phải đương đầu với tình trạng thất nghiệp, nên năm 2014 cũng không có gì là đặc biệt và ngày càng khó để tiệt trừ tận gốc tình trạng này. Lý do giải thích vấn nạn này là do nguồn nhân lực bị giảm trình độ do hoạt động tại Pháp gần như trì trệ từ 7 năm nay. Ngoài ra, phải tính tới chính sách rụt rè của nhà nước.
Đối mặt với thảm kịch nhân lực, xã hội, kinh tế này, chính phủ cần phải hành động trên ba khía cạnh. Thứ nhất là chính sách việc làm được hỗ trợ. Trong vòng hai năm, hơn 100.000 việc làm nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước được tạo ra. Tiếp theo, là những biện pháp có lợi cho doanh nghiệp nhằm tạo thêm từ 30 000 đến 40 000 việc làm. Và cuối cùng là những biện pháp giảm nhẹ luật lao động.
Bài báo mỉa mai so sánh chính phủ Pháp thiếu dứt khoát trong cách giải quyết vấn đề hàng đầu của người dân. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng, như Anh, Đức, Tây Ban Nha, thì mạnh tay hơn. Tại các nước này, luật lao động được soạn lại để thúc đẩy tối đa việc làm, đào tạo tốt hơn người lao động, giảm nhẹ những ràng buộc đè nặng lên doanh nghiệp. Tác giả bài báo cho rằng dù kết quả của những biện pháp trên chắc chắn ít nhiều sẽ bị chỉ trích và tạo ra nhiều việc làm với mức lương thấp, nhưng vẫn còn hơn là thất nghiệp.
Báo L’Humanité châm biếm dưới tựa đề : « Bùng nổ thất nghiệp không khắc nghiệt » vì Bộ trưởng Bộ Lao động đã dự đoán tình trạng này. Năm 2015 khởi động với kết quả bi đát của năm trước. Cơ quan Unedic đã dự đoán có thêm khoảng 104 000 người tìm việc trong năm nay, như vậy, sẽ thấp hơn so với năm 2014. Chính phủ dự đoán tăng trưởng 1%, nhưng cần phải đạt 1,5% để thật sự tạo thêm được việc làm. Riêng cơ Tổ chức Lao động quốc tế thì dự đoán tình trạng thất nghiệp sẽ không giảm tại Pháp trước năm 2017.
Ấn – Mỹ tăng cường hợp tác
Quay sang thời sự châu Á, dưới tựa đề : « New Delhi tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ », báo Le Monde tiếp tục thông tin về mối quan hệ chiến lược Ấn Độ và Hoa Kỳ, mà Tổng thống Obama nhấn mạnh là « đối tác đánh dấu thế kỷ XXI ».
Sau 10 năm ngủ yên, quan hệ hai nước được các nhà lãnh đạo nâng lên « tầm cao mới » và là « cần thiết cho việc duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định tại khu vực ». Phản ứng trước mối quan hệ mật thiết trên, tờ Hoàn cầu thời báo (Trung Quốc) cảnh báo : « Trung Quốc và Ấn Độ không nên rơi vào bẫy cạnh tranh do phương Tây giăng ra ».
Củng cố quan hệ với Hoa Kỳ, Ấn Độ sẽ giữ khoảng cách với Nga, đồng minh truyền thống của mình. Tổng thống hai nước cũng đã công bố tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng và những bước tiến mới trong thương lượng về vấn đề năng lượng hạt nhân.
Về mặt quốc phòng, hai nước sẽ cùng nhau phát triển công nghệ và sản xuất trang thiết bị quân đội, trong đó có cả máy bay trinh sát không người lái. Dù Ấn Độ vẫn còn chưa ở mức đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ như các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng cả hai đều phải đối đầu với nhiều vấn đề chung : phe taliban quay trở lại tại Afghanistan, tình hình an ninh xuống cấp tại Pakistan hay việc Trung Quốc bành trướng ở Ấn Độ Dương.
Trao đổi kinh tế cũng sẽ được thúc đẩy, vì hiện nay tỷ lệ hàng nhập khẩu của Mỹ vào Ấn Độ mới chỉ là 2%, và Ấn Độ mới chỉ xuất 1% sang Mỹ. Về mặt phát triển năng lượng nguyên tử hạt nhân, lĩnh vực bị « đắp chiếu » từ 6 năm nay, hai tổng thống không đưa ra con số cụ thể.
Số thanh niên có bằng cấp ra nước ngoài làm việc  giảm dần
Năm 2014, thực trạng thất nghiệp tại Pháp bi đát hơn. Có lẽ vì thế, trong những năm 2013-2014, 27% cử nhân trẻ cho rằng tương lai của họ là ở nước ngoài. Thế nhưng, con số này giảm xuống còn 21%. Tờ Le Monde giải thích lý do trong bài : « Làn sóng cử nhân trẻ ra nước ngoài làm việc giảm dần ».
Dù giảm xuống còn 21%, nhưng con số này vẫn cao. Các cử nhân trẻ vẫn mơ ước được làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, Canada, Anh, Úc và Thụy Sĩ, ngoài ra cũng phải kể tới châu Đại dương và châu Á. Có ba lý do khích lệ họ ra nước ngoài làm việc : không tìm được việc tại Pháp (53%), thêm kinh nghiệm vào sơ yếu lý lịch của mình (45%) và học thêm một ngoại ngữ khác (42%).
Giải thích về việc nhiều cử nhân muốn ở lại Pháp làm việc, bài báo đưa ra một số lý do. Thứ nhất, 51% cử nhân trẻ tin vào viễn cảnh tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi ra trường. Tiếp theo, khả năng được nhận vào phỏng vấn cũng cao hơn. Cuối cùng, 49% cho rằng các nhà tuyển dụng đã giúp học tin tưởng hơn.
Tăng học phí đối với sinh viên nước ngoài
Như vậy, sinh viên nước ngoài sẽ không còn được hưởng những quyền lợi của sinh viên Pháp. Thông tin được Les Echos đăng dưới tựa đề : « Sinh viên nước ngoài sẽ buộc phải trả học phí đắt hơn ». Đây là ý tưởng do nhà kinh tế học người Pháp, Jean Tirole, người vừa được giải thưởng Nobel và cơ quan France Stratégie trực thuộc điện Matignon, nêu lên. Theo đó, việc tăng học phí đối với các sinh viên nước ngoài sẽ giúp nước Pháp đầu tư vào quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học.
Học phí cho chương trình cử nhân dự tính sẽ tăng từ 183 lên 6 000 euro, từ 254 lên 12 000 euro cho chương trình thạc sĩ và đào tạo kỹ sư sẽ tăng từ 500 lên 15 000 euro. Riêng học phí cho chương trình tiến sĩ vẫn được giữ nguyên là 388 euro để thu hút được những nghiên cứu sinh ưu tú.
Bài báo cho biết ý tưởng trên không phải là để bù vào các khoản bội chi mà để tái đầu tư vào giáo dục đại học, vì một ý kiến nhận định rằng : « Các trường đại học Pháp không có điều kiện để phát triển ở tầm quốc tế. Cần phải có những nguồn thu mới ». Chính sách này đã được áp dụng tại cá nước Đan Mạch và Thụy Điển. Nếu Pháp theo hướng này, trong vòng 5 năm tới, hàng năm sẽ thu về 85 triệu euro nâng tổng số tiền học phí lên 1,1 tỉ euro. Dĩ nhiên, chính sách này sẽ có những hạn chế, mà trước tiên sẽ làm giảm số lượng sinh viên nước ngoài (khoảng 40%). Để bù lại, số lượng học bổng cho sinh viên nước ngoài sẽ tăng lên, khoảng 30 000 xuất hàng năm.
Một lợi ích khác của việc tăng học phí đối với sinh viên nước ngoài là sẽ giảm bớt chi phí công, với dự tính trước mắt là sẽ cắt giảm được khoảng 633 triệu euro. Như vậy, với chính sách này, vấn đề không còn nhằm vào số lượng sinh viên nước ngoài, mà vào chất lượng và những lý do tại sao họ quan tâm tới nước Pháp.
Kinh doanh trực tuyến tăng tại Pháp
Trái ngược với những thông tin ảm đạm về tăng trưởng Pháp, sức mua giảm, hay tỷ lệ thất nghiệp cao, thương mại điện tử vẫn tiếp tục tăng thêm 11% trong năm 2014. Báo Les Echos giải thích lý do của thành tích trên trong số ra ngày hôm nay.
Theo bài báo, tổng doanh thu của lĩnh vực trên đạt 56,8 tỉ euro. Năm 2014 có thêm 157 000 trang web thương mại mới. Đây là kết quả của việc mua bán hàng trên mạng trở nên phổ biến đối với người Pháp. Ngoài ra, phí giao hàng giảm mạnh và tính linh hoạt trong hình thức giao hàng cũng là lý do thu hút người mua.
Tiếp theo, các nhà phân phối truyền thống cũng tìm cách đa dạng hóa cách phân phối hàng. Họ buộc khách hàng tới lấy đơn hàng tại cửa hàng. Như vậy sẽ có nhiều khả năng người mua quan tâm và mua thêm đồ tại chỗ. Và cách này đã cho kết quả khả quan, khoảng 60% khách hàng phải rút hầu bao tại cửa hàng khi tới lấy đồ.
Những thông tin khác
Thông tin về chính phủ mới của Hy Lạp vẫn tiếp tục là chủ đề quốc tế của báo chí Pháp trong số ra ngày hôm nay. Ngoài ra, tổ chức Nhà nước Hồi giáo bị đánh khỏi Kobani, tai nạn chiến đấu cơ F-16 của NATO tại Tây Ban Nha cũng được các báo đề cập.
Tổng thống Pháp tham dự buổi lễ tưởng niệm 70 năm giải phóng trại tập trung lớn nhất tại Ba Lan, thông tin bắt giữ một mạng lưới Hồi giáo cực đoan tại Lunel, một thành phố miền nam Pháp là những thông tin nổi bật liên quan tới thời sự Pháp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?