Giá trị tinh thần lập hiến Việt Nam Cộng Hòa

protesters demonstrating in support of the policy of Premier general Ngo Dinh Diem and displaying banners against Emperor Bao DaiImage copyrightSTF/GETTY IMAGES
Image captionBiểu tình phản đối Vua Bảo Đại ở Sài Gòn ngày 18/05/1955
Nền Cộng hòa non trẻ của miền Nam Việt Nam đã chấm dứt vào 30 tháng 4 năm 1975 nhưng giá trị tinh thần cộng hòa vẫn tồn tại cho đến ngày nay. 
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày bản Hiến pháp Đệ nhất Cộng hòa ra đời ngày 26-10-1956, xin được ôn lại các giá trị có thể học hỏi từ tinh thần lập hiến Việt Nam Cộng Hòa.

Hiến pháp 1956

Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm chính thức thông báo kết quả Trưng cầu Dân Ý truất phế Bảo Đại, thành lập Việt Nam Cộng hòa, với Hiến ước Tạm thời làm cơ sở pháp lý điều hành quốc gia. 
Tháng 3/1956 một Quốc hội Lập hiến với 123 dân biểu được bầu. Đến tháng 7-1956 Quốc hội bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp. 
Ngày 26/10/1956 Hiến pháp được Quốc trưởng Ngô Đình Diệm ban hành.
Tinh thần lập hiến và dân chủ chưa đủ
Ngo Dinh Diem, the first president of Republic of VietnamImage copyrightKEYSTONE/GETTY IMAGES
Image captionÔng Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, xuất hiện tại một hội chợ ở Sài Gòn năm 1957
Chiếu điều 95 và 96 của bản Hiến pháp 1956, Quốc hội Lập hiến tự động trở thành Quốc hội Lập pháp và Quốc trưởng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.
Lẽ ra hai điều này không nên có vì đã mâu thuẫn với Điều 2 là điều căn bản nhất của thể chế Cộng Hòa: "Chủ quyền thuộc về toàn dân". 
Nói cách khác Quốc hội Lập hiến đã tước quyền người dân bầu chọn một Quốc hội Lập pháp và vị tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam Cộng Hòa.
Điều 3 "Tổng thống lãnh đạo Quốc dân" mang xu hướng suy tôn chức danh Tổng thống. Điều 89 "không thể sửa đổi hoặc hủy bỏ các Điều 1, 2, 3, 4, và điều này (89) của Hiến pháp," nghĩa là Điều 3 được đặt ngang hàng và được bảo vệ tuyệt đối như Điều 2 "Chủ quyền thuộc về toàn dân".
Nói cách khác, quyền lực tuyệt đối đã được Hiến pháp trao cho Tổng thống, do đó quyền dân chủ đã bị giới hạn trong Hiến pháp Đệ Nhất Cộng Hòa.
Trong khi miền Nam đang bị cộng sản đe dọa, lẽ ra vai trò của các đảng chính trị và của địa phương phải được đặt lên hàng đầu thì Hiến pháp 1956 lại chỉ tập trung vào trung ương mà không hề đề cập đến địa phương, thành phố, tỉnh, xã, thị xã… cũng không đề cập đến vai trò các đảng chính trị.
Thiên thứ 9 quy định việc sửa đổi Hiến pháp với nhiều bước chặt chẽ. Chương này chỉ thuận lợi cho những chính trị gia đã tham gia guồng máy công quyền, nhưng lại giới hạn cơ hội của dân và của thành phần cấp tiến muốn thay đổi đất nước thông qua việc sửa đổi Hiến Pháp.
Tam quyền phân nhiệm
The last emperor of An NamImage copyrightAFP/GETTY IMAGES
Image captionVị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, Bảo Đại
Vai trò và nhiệm vụ của Tổng thống, của Quốc hội và của thẩm phán được nêu rõ trong các Thiên (Chương) ba, bốn và năm của bản Hiến pháp 1959.
Thiên thứ sáu dành cho Đặc biệt Pháp viện là một tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử Tổng thống, Phó Tổng thống, Chánh án Tòa Phá án, và Chủ tịch Viện Bảo hiến, trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội.
Thiên thứ bảy về Hội đồng Kinh tế Quốc gia do Phó Tổng thống là Chủ tịch có nhiệm vụ trình bày sáng kiến và phát biểu ý kiến về các dự thảo, dự án kinh tế.
Thiên thứ tám về Viện Bảo Hiến nhằm phán quyết về tánh cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật, và quy tắc hành chánh. 
Kinh tế tự do
Chương hai nêu rõ việc Quốc gia (chính phủ) công nhận và bảo đảm tất cả các quyền tự do cá nhân. 
Đặc biệt Điều 20: "Quốc gia công nhận và bảo đảm quyền tư hữu." Bên cạnh việc khuếch trương kinh tế tự do chiếu theo điều 20 này chính phủ đã có những chính sách vô cùng tích cực.
Lấy thí dụ, chính phủ quy định các loại xe chuyên chở công cộng như xe taxi, xe lam… cho nhập cảng xe mới và đem bán trả góp cho tài xế. Hai loại xe này nhanh chóng trở thành những phương tiện di chuyển thông dụng nhất tại miền Nam.
Chương trình Người cày có ruộng, chính phủ mua lại ruộng đất của điền chủ đem bán lại cho tá điền qua phương cách trả góp.
Ngoài một số hoạt động công ích xã hội, như điện, nước, hàng không,… thì sinh hoạt kinh tế hoàn toàn tự do. Chính phủ không cạnh tranh với tư nhân và chỉ giữ vai trò khuyết trương kinh tế và bảo đảm tư nhân cạnh tranh một cách công bằng và hợp pháp.
A bread seller in Saigon, circa 1956Image copyrightTHREE LIONS/GETTY IMAGES
Image captionNgười bán bánh mỳ ở gần Chợ Lớn vào khoảng năm 1956
Ngay trong giáo dục Chương trình tư thục được chính phủ khuyến khích và nâng đỡ, nhờ đó chia sẻ gánh nặng với chính phủ và đã đào tạo nhiều thế hệ thanh niên sẵn sàng đóng góp cho quốc gia dân tộc.
Chính phủ còn cho thành lập các khu kỹ nghệ như Thủ Đức, An Hòa, Nông Sơn... Nhiều nhà máy được xây dựng như nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhà máy vải sợi Vinatexco Đà Nẵng, Vimytex Sài Gòn, Nhà máy thủy tinh, mỏ than Nông Sơn.
Các quốc gia khác sau khi giành độc lập đều có khuynh hướng bảo vệ thị trường, chính phủ trực tiếp làm kinh tế, quốc hữu hóa công xưởng, đề ra các chính sách bảo vệ thị trường. Trong khi miền Nam lại theo kinh tế tự do nên kinh tế và kỹ nghệ đã phát triển nhanh hơn các quốc gia trong vùng. 
Hòa giải tranh chấp lao công
Thiên thứ bẩy về Hội đồng Kinh tế Quốc gia mà hội viên gồm các nghiệp đoàn và các ngành hoạt động kinh tế, các tổ chức hoạt động xã hội liên hệ với kinh tế và các nhà kinh tế học.
Chính phủ cũng đề ra chính sách dung hòa quyền lợi giữa chủ và thợ, giảm thiểu các tranh chấp lao công, khiến cho xã hội hài hòa cùng nhau phát triển sản xuất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Đây là một điểm son của của xã hội miền Nam, nhờ đó cộng sản không thể lợi dụng biến các cuộc biểu tình đình công đòi hỏi quyền lợi của giới thợ thuyền thành những cuộc biểu tình chính trị.
Tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc
Pedicabs on the road connecting Saigon with CholonImage copyrightTHREE LIONS
Image captionXe ba gác nối trung tâm Sài Gòn với Chợ Lớn, khoảng năm 1959
Trong lời mở đầu Hiến pháp nêu rõ: "… dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tạo hóa và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện."
Nhìn chung Hiến pháp 1956 xây dựng trên tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc, tinh thần này được tiếp tục duy trì trong Hiến pháp 1967.

Hiến pháp 1967

Sau đảo chánh 1-11-1963, miền Nam bị đẩy vào tình trạng khủng hoảng chính trị, các chính phủ quân sự và dân sự liên tiếp được thành lập. Để có cơ sở pháp lý mỗi chính phủ đã ban hành Hiến chương riêng.
Mãi đến tháng 9/1966, một Quốc hội Lập hiến gồm 117 dân biểu được bầu ra. Một Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp được thành lập rút ưu khuyết điểm Hiến pháp 1956, nghiên cứu và tham vấn nhiều bản hiến pháp các quốc gia khác, đặc biệt là Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. 
Tam quyền phân lập, dân chủ và phân quyền
Ngày 01/04/1967 Hiến pháp 1967 được công bố, theo đó nguyên tắc kiểm soát và đối trọng giữa các nhánh quyền lực được triệt để tuân thủ.
Lập pháp (lưỡng viện), hành pháp và tư pháp hoàn toàn độc lập. Vai trò và nhiệm vụ của lập pháp, hành pháp và tư pháp được nêu rõ trong các Chương ba, bốn và năm của bản Hiến pháp.
Để tránh nguy cơ độc tài, Hiến pháp 1967 đặt ra chế độ Tổng thống Lưỡng viện, với chức vụ Thủ tướng nhằm chia sẻ trách nhiệm và quyền hành của Tổng thống.
Đặc biệt, trong Chương 5 về Hành pháp, Điều 70 nêu rõ: "Nguyên tắc địa phương phân quyền được công nhận cho các tập thể địa phương có tư cách pháp nhân như: xã, tỉnh, thị xã và thủ đô." Các Điều 65, 70, 71, 72, 73, 74, 75 và 114 tạo cơ sở pháp lý cho các các chính quyền địa phương.
Chương 6 về vai trò và nhiệm vụ của các Định chế Đặc biệt bao gồm Đặc biệt Pháp viện, Giám sát Viện, Hội đồng Quân lực, Hội đồng Văn hóa Giáo dục, Hội đồng Kinh tế Xã hội, Hội đồng các Sắc tộc.
Vai trò chống tham nhũng của Giám sát Viện được nêu rõ: "Thanh tra, kiểm soát và điều tra nhân viên các cơ quan công quyền và tư nhân đồng phạm hay tòng phạm về mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến quyền lợi quốc gia."
a soldier of the National Liberation Forces (NLF) of North Vietnam surveying the National Assembly building in SaigonImage copyrightAFP/GETTY IMAGES
Image captionMột người lính giải phóng ở Sài Gòn ngày 30/04/1075
Chính đảng và đối lập
Chương 7 về Chính đảng và đối lập, nền Đệ nhị Cộng hòa khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng đối lập như sau:
"Điều 99
1- Quốc Gia công nhận chánh đảng giữ vai trò thiết yếu trong chế độ dân chủ.
2- Chánh đảng được tự do thành lập và hoạt động theo các thể thức và điều kiện luật định.
Điều 100 - Quốc Gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng.
Điều 101 - Quốc Gia công nhận sự định chế hóa đối lập chính trị.
Điều 102- Một đạo luật sẽ ấn định quy chế chánh đảng và đối lập chính trị."
Sinh hoạt chính trị ở miền Nam cho đến 30-4-1975 đã chịu nhiều ảnh hưởng chủ trương lưỡng đảng đối lập.
Để tránh tình trạng quân đội cấu kết với các đảng phái chính trị, Chương 2, Điều 23 cấm "quân nhân tại ngũ không được sinh hoạt đảng phái".
Hữu sản hóa nhân dân
Điểm mạnh nhất của mô hình Đệ Nhất Cộng Hòa là phát triển kinh tế tự do. Điểm mạnh này đã được tiếp tục trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa. 
Về công nghiệp, khu Kỹ nghệ Biên Hòa là một thành tựu xuất sắc phát triển vào bậc nhất trong vùng Đông Nam Á. Mặc dù có chiến tranh, nhưng kinh tế và kỹ nghệ miền Nam vượt hẳn các quốc gia trong vùng.
Điểm đặc biệt của Hiến Pháp 1967 với Điều 19 phần 2 "Quốc gia chủ trương hữu sản hóa nhân dân" và Điều 22 "Quốc gia chủ trương nâng cao đời sống nông dân và đặc biệt giúp đỡ nông dân có ruộng đất canh tác." Sự thành công của chánh sách Người cày có ruộng và Chương trình cơ giới hóa nông nghiệp chính nhờ các điều khoản nói trên.
Hiến pháp nhân bản, khai phóng và dân tộc
Thừa kế tinh thần Đệ nhất Cộng hòa, Hiến pháp 1967 lấy nhân bản, khai phóng và dân tộc làm quốc sách. Điều 11 ghi rất rõ: "Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản."
Điều 2 phần 2 nêu rõ tinh thần cộng hòa: "Quốc gia chủ trương sự bình đẳng giữa các công dân không phân biệt nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, đảng phái. Đồng bào thiểu số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến bộ chung của dân tộc."
An old man in Saigon, 1959Image copyrightKEYSTONE FEATURES/GETTY IMAGES
Image captionNgười dân Sài Gòn, 1959
Các điểm nổi bật
Nhìn chung Hiến pháp 1967 vừa ngắn gọn, rõ ràng, vừa nêu rõ chính phủ phải bảo đảm những quyền tự do căn bản, kể cả quyền đối lập chính trị. So với các quốc gia trong vùng Đông Nam Châu Á cùng thời, Hiến pháp 1967 chỉ rõ sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam Cộng Hòa. 
Còn so với thực tế Việt Nam Cộng Hòa có một số đặc điểm nổi bật như:
1. Các quyền tự do căn bản đã được chính phủ bảo đảm, đặt biệt là quyền tư hữu;
2. Xây dựng được một nền dân chủ tam quyền phân nhiệm, phân lập và phân quyền;
3. Xây dựng thành công một nền văn hóa giáo dục, lấy nhân bản, khai phóng và dân tộc làm căn bản;
4. Tôn giáo, văn học, văn nghệ, nghệ thuật phát triển;
5. Báo chí tự do;
6. Theo kinh tế thị trường tự do;
7. Nhưng vẫn bảo đảm được công bằng xã hội và dân sinh như y tế đại chúng hay thực hiện luật Người Cày Có Ruộng;
8. Một xã hội dân sự phát triển.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy các yếu tố trên là căn bản trong việc phát triển quốc gia. Nghĩa là nếu miền Nam không rơi vào tay cộng sản thì Việt Nam Cộng Hòa sẽ không thể kém xa các quốc gia Đông Nam Châu Á như hiện nay. Nếu không nói là sẽ vượt trội hơn nước người.
Tinh thần lập hiến và thượng tôn pháp luật pháp thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đó và sẽ được học hỏi kế thừa khi Việt Nam có tự do dân chủ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Úc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?