Tin khắp nơi – 30/10/2016

Tin khắp nơi – 30/10/2016

Tỷ phú Trump đang thu hẹp khoảng cách với bà Clinton

Một cuộc thăm dò trên toàn quốc công bố hôm 29/10 cho thấy rằng khoảng cách giữa ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump thu hẹp đáng kể, thậm chí ngay cả trước khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ rằng cơ quan này có bằng chứng mới liên quan tới việc bà Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ.
Cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post cho thấy cựu đệ nhất phu nhân Mỹ dẫn trước ông Trump 2% ở mức 47% so với 45%.
Con số này sụt giảm đáng kể so với con số 50% so với 38% chưa đầy một tuần trước.
Giám đốc FBI James Comey hôm 28/10 thông báo rằng cơ quan của ông đang điều tra xem liệu có thông tin mật trên thiết bị của ông Anthony Weiner, cựu dân biểu Mỹ và chồng cũ của trợ lý lâu năm của bà Clinton là Huma Abedin.
Kết quả thăm dò mới nhất được thực hiện từ thứ Hai, ngày 24/10, cho tới ngày thứ Năm, 27/10, tức một ngày trước khi FBI thông báo có bằng chứng mới.
Cuộc thăm dò ý kiến này dựa trên các cuộc phỏng vấn với gần 1,200 cử tri của Mỹ.
Cuộc thăm dò trước mà bà Clinton dẫn trước ông Trump 12% được tiến hành từ ngày 20/10 tới 23/10.
Sự trỗi dậy của ông Trump được cho là nhờ nhiều cử tri Đảng Cộng hòa cho biết sẽ đi bầu hơn.
Thông tin mới nhất về bà Clinton củng cố các quan điểm hiện nay về mức độ tin cậy của bà.
Các tin tức trước đây về vụ email của bà khiến cựu ngoại trưởng Mỹ sụt giảm tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò.
Một cuộc thăm dò của Fox News công bố vài ngày trước cho thấy chỉ có 30% cử tri Mỹ coi là Clinton là người đáng tin cậy.

Mỹ sơ tán gia đình nhân viên lãnh sự ở Istanbul

Nêu ra các mối đe dọa cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ đã ra lệnh cho người nhà của các nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Istanbul rời khỏi đất nước như một biện pháp đề phòng.
Bộ Ngoại giao cho biết lệnh sơ tán được công bố hôm thứ Bảy, 29/10, dựa trên thông tin tình báo cho thấy các nhóm cực đoan đang tiếp tục “những nỗ lực tích cực để tấn công các công dân Hoa Kỳ ở các khu vực của Istanbul, nơi họ cư trú hoặc thường xuyên đến”. Người ta không nói ra mối đe dọa cụ thể nào.
Các quan chức cho biết lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Istanbul sẽ vẫn mở cửa và có đầy đủ nhân viên bất chấp việc sơ tán. Lệnh này chỉ dành cho đến Istanbul và không áp dụng với các cơ sở ngoại giao khác của Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau một nỗ lực đảo chính bất thành của các sĩ quan quân sự bất mãn hôm 15/7, và những luật lệ về tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực. Vụ đảo chính xảy hai tuần sau một cuộc tấn công khủng bố của những kẻ đánh bom tự sát thuộc Nhà nước Hồi giáo giết chết 44 người và làm bị thương 230 người khác tại sân bay quốc tế của Istanbul.
Lệnh Bộ Ngoại giao là động thái thứ hai trong tuần này được xem như là lời cảnh báo cho công dân Hoa Kỳ. Một cảnh báo về đi lại đã được ban hành hôm 24/10, khuyên người Mỹ nên thận trọng khi đi lại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh báo về đi lại mới này hoàn toàn riêng ra với một cách báo có từ lâu khuyên người Mỹ không nên đi lại ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi có các cuộc tấn công gần đây của những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo cũng như có giao tranh đang diễn ra giữa các tay súng người Kurd và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

5 người bị giết

trong vụ tấn công nhắm vào người Shia ở Karachi

Các phần tử vũ trang không rõ lai lịch đi trên xe mô tô đã nổ súng vào một nhóm tín đồ Hồi giáo Shia tụ tập tại phố cảng Karachi thuộc vùng duyên hải phía Nam Pakistan, giết chết ít nhất 5 người và làm bị thương nhiều người khác.
Theo các nhân chứng, các hung thủ đã tẩu thoát. Hiện không có ai hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ đổ máu xảy ra tại thành phố lớn nhất và cũng là một trung tâm thương mại sầm uất của Pakistan.
Vụ tấn công xảy ra vài ngày sau khi 3 kẻ tấn công tự sát xông vào một trung tâm huấn luyện cảnh sát ở thành phố Quetta phía Tây-Nam Pakistan, giết chết 62 tân binh, và làm bị thương 120 người.
Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm trong vụ tấn công xảy ra hôm thứ Hai.

Yemen bác bỏ đề xuất hòa bình mới

Tổng thống Yemen được quốc tế hậu thuẫn hôm thứ Bảy, 29/10, đã bác bỏ một đề xuất hòa bình của Liên Hiệp Quốc, cùng lúc máy bay chiến đấu của liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu ủng hộ ông tiến hành không kích giết chết hàng chục phiến quân, dân thường và các tù nhân ở miền tây nam của đất nước.
Chi tiết về đề xuất hòa bình mới nhất của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed gửi đến Tổng thống Abdu Rabu Mansour Hadi chưa được công bố chính thức. Nhưng Reuters cho biết đề xuất này có những điều khoản sẽ đặt ông Hadi sang bên lề và thiết lập một chính phủ mới. Hãng thông tấn Pháp đưa tin ông Hadi đã từ chối chấp nhận bản đề xuất, được giao cho ông ở thủ đô A-rập Xê-út.
Trong khi đó, các nhân chứng nói một cuộc không kích ở thành phố miền tây Taiz đã giết chết ít nhất 17 người tại một số khu dân cư nơi phiến quân Houthi đang chiến đấu chống lại lực lượng chính phủ đươch A-rập Xê-út hậu thuẫn.
Vài giờ sau đó, các nhân chứng cho biết các cuộc không kích mới đánh vào một trụ sở an ninh tại cảng Hodeida do phiến quân kiểm soát bên Biển Đỏ đã giết chết ít nhất 40 người, bao gồm cả các tù nhân và lực lượng an ninh.
Sau nhiều giờ, vẫn chưa có thông tin chi tiết về các cuộc tấn công. Nhân viên cứu thương đã xác nhận số người thiệt mạng với hãng tin Pháp song không nêu ra ước lượng về số người bị thương trong vụ tấn công.
Một liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu gồm các chính phủ Sunni trong khu vực đã tấn công quân Houthi ở Yemen để hỗ trợ cho Tổng thống Hadi kể từ tháng 3 năm 2015. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết các cuộc không kích của liên quân đã giết chết gần 4.000 người.
Phiến quân Houthi, cáo buộc chính quyền Sana’a đã phân biệt đối xử trong nhiều năm, đã phát động một cuộc nổi loạn vào năm 2014 nhằm giành giật quyền lực từ Tổng thống Hadi. Kể từ đó, hơn 10.000 người, hầu hết là thường dân, đã thiệt mạng.

Động đất làm rung chuyển miền Trung nước Ý

Miền Trung nước Ý đã bị rung chuyển bởi một trận động đất mạnh; đây là trận động đất mới nhất kể từ trận động đất chết chóc hồi tháng 8.
Cơ quan bảo vệ dân sự Italia nói trận động đất cường độ 6,6 độ Richter sáng Chủ nhật, 30/10, đã làm đổ các tòa nhà ở nhiều nơi trong khu vực. Đã có báo cáo về các trường hợp bị thương nhẹ.
Vương Cung Thánh Đường Thánh Benedict có từ thế kỷ 14 ở thị trấn Norcia thuộc vùng Umbria đã sụp đổ, chỉ còn lại mặt tiền.
Michele Franchi, phó thị trưởng thành phố Arquatab del Tronto, nói với truyền hình Rai, rằng “Trận động đất sáng nay đã quật ngã những gì ít ỏi còn trụ lại. Chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu”.
Ở tận Bozano về phía bắc, gần biên giới Áo, và ở vùng Puglia ở cực nam của bán đảo Ý cũng cảm nhận được rung chấn của trận động đất hôm Chủ nhật.
Tâm chấn của trận động đất nông này cách Norcia 6km về phía bắc, và ở Rome, cách đó 117km người ta cũng cảm nhận được sự rung chuyển.
Khu vực này đã chịu những dư chấn kể từ trận động đất hồi tháng 8 đã giết chết gần 300 người. Đã xảy ra dư chấn ở khu vực hôm 26/10.

Thủ lãnh cấp cao IS sẽ không liều chết bảo vệ Mosul?

Các chuyên gia tin rằng khi các lực lượng Iraq giành lại quyền kiểm soát Mosul, cứ địa chủ yếu của quân Nhà Nước Hồi giáo, thì có phần chắc là lực lượng này sẽ không thấy bóng dáng của các thủ lĩnh hàng đầu của nhóm khủng bố này trong thành phố.
Các nguồn tình báo khác nhau, kể cả các cựu giới chức tình báo, đồng ý với nhau rằng bất chấp những tin rêu rao rằng thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo, Abu Bakr al-Baghdadi, đang cố thủ trong một hầm kiên cố hoặc một đường hầm nào đó dưới lòng thành phố Mosul, khó có thể tìm ra được viên thủ lĩnh IS cấp cao nào còn có mặt ở Mosul.
Tương phản hẳn, các giới chức quân sự và tình báo Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng khi thảo luận về tung tích của viên thủ lãnh đứng đầu IS, tuy nhiên họ nói, rõ ràng là một số thủ lĩnh IS đã rời khỏi Mosul rồi. Các giới chức này khẳng định các cuộc tấn công thực hiện trong những tháng gần đây đã giáng “những đòn chí tử” xuống đầu nhóm khủng bố này.
Một trong những đòn nặng nhất đối với thành phần lãnh đạo IS xảy ra vào ngày 30/8, khi một vụ không kích do Mỹ thực hiện giết chết Abu Muhammad al-Adnani, người phát ngôn và cũng là người lập kế hoạch cho các hoạt động của IS ở nước ngoài. Adnani chỉ là một trong nhiều mục tiêu “giá trị cao” mà Hoa Kỳ vào lúc đó đang theo đuổi.
Từ đó các vụ không kích của Mỹ và liên minh đã giết nhiều thành viên cấp cao và cấp trung của nhóm khủng bố IS. Hàng chục phần tử IS trở thành mục tiêu của các vụ tấn công chỉ nội trong Mosul.

EU và Canada ký thỏa thuận thương mại quan trọng

Liên hiệp Âu châu và Canada vừa ký một thỏa thuận thương mại quan trọng, vốn đã bị trì hoãn lâu nay, sau những tuần bấp bênh do vấp phải sự phản đối từ Bỉ.
Thỏa thuận được Thủ tướng Canada Justine Trudeau ký tại Brussels cùng các quan chức hàng đầu của EU.
Lễ ký kết ban đầu dự kiến diễn ra vào hôm thứ Năm nhưng đã bị hủy bỏ sau khi vùng Wallonia của Bỉ phủ quyết.
Toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU đã chuẩn thuận vào hôm thứ Sáu.
Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện, gọi tắt là Ceta, đòi hỏi phải được mọi quốc gia thành viên EU hậu thuẫn.
Thỏa thuận dỡ bỏ 99% thuế quan, và các quan chức hy vọng nó sẽ tạo ra mức tăng thương mại trị giá 12 tỷ đô la mỗi năm.
Thỏa thuận lẽ ra ký lúc 11:00 giờ địa phương (10:00GMT), nhưng đã được hoãn sau khi phi cơ của ông Trudeau phải quay trở lại sân bay Ottawa do “có vấn đề về máy móc” ngay sau khi cất cánh.
Sau khi thỏa thuận được ký sau đó vài giờ đồng hồ, ông Trudeau nói: “Người dân Canada và người dân EU chia sẻ sự hiểu biết chung rằng để đạt được sự tăng trưởng kinh tế thực sự, tăng trưởng có ý nghĩa, chúng ta cần tạo ra thêm công ăn việc làm tốt cho các công dân của chúng ta.”
“Những thỏa thuận như hiệp định vừa mới ký sẽ giúp đạt được điều đó.”
Bảy năm đàm phán vẫn chưa giải quyết xong vấn đề khi vùng Wallonia của Bỉ, nơi nói tiếng Pháp, đòi phải được bảo hộ mạnh hơn về các tiêu chuẩn lao động, môi trường và tiêu dùng.
Nơi này cũng muốn bảo hộ cho các nhà nông Walloon, những người phải đối diện với sự cạnh tranh mới từ hàng nhập khẩu từ Canada.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói rằng sau các cuộc đàm phán kéo dài, họ đã đồng ý bổ sung vào thỏa thuận nhằm giải quyết các quan ngại của vùng.
Thủ tướng Robert Fico của Slovakia, nước hiện đang giữ vị trí chủ tịch EU, nói chuẩn thuận cuối cùng đối với hiệp định là “một bước cột mốc trong chính sách thương mại của EU”.
Những phức tạp trong thỏa thuận Ceta khiến làm tăng quan ngại về tương lai đàm phán giữa Anh và EU trong các thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã cảnh báo rằng bất kỳ việc trì hoãn, cãi cọ nào cũng sẽ làm tổn hại thêm uy tín của EU sau khi Anh quốc bỏ phiếu ra khỏi khối.

Ban tranh cử của bà Clinton lên án điều tra email

Ban vận động tranh cử của bà Clinton phản đối FBI về quyết định báo cáo với các nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu một cuộc điều tra mới về việc sử dụng email của ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ này.
Giám đốc FBI James Comey thông báo với Quốc hội về động thái này trong một lá thư gửi ngày thứ Sáu 28/10, 11 ngày trước cuộc bầu cử.
Bà Clinton nói với người ủng hộ động thái này là “chưa từng có tiền lệ” và “gây rắc rối sâu sắc”.
Nhưng đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa đã ca ngợi quyết định của Cục Điều tra Liên bang.
Trong lá thư gửi Quốc hội, ông Comey nói FBI đã tìm hiểu những thư điện tử mới, có thể “phù hợp” với yêu cầu trước đó của cục điều tra việc bà Clinton sử dụng hộp thư điện tử riêng khi bà là Ngoại trưởng dưới thời ông Obama.
Ông Comey bảo vệ quyết định này, cho rằng nếu không công bố sẽ dẫn đến tình trạng “gây hiểu lầm” và cũng có nguy cơ bị “hiểu sai”, trong khi FBI chưa biết tính chất quan trọng của những email mới tìm ra.
Nói với những cử tri ủng hộ ở Florida hôm thứ Bảy 29/10, bà Clinton nói: “Điều này không chỉ lạ, mà là chưa có tiền lệ. Và nó gây rắc rối sâu sắc vì cử tri xứng đáng nhận được thông tin đầy đủ và hoàn chỉnh.”
“Vì thế chúng tôi đã yêu cầu Giám đốc Comey giải thích mọi thứ ngay lập tức, đặt mọi thứ lên bàn.”
Bà Clinton nói bà tự tin cuộc điều tra với các email mới này sẽ không thay đổi kết quả ban đầu như những gì FBI tìm thấy hồi tháng 7/2016, khi họ chỉ trích bà nhưng không quy vào tội hình sự.
Ông Comey bị người ủng hộ bà Clinton chỉ trích dữ dội, và theo tờ New York Times, cả các quan chức tư pháp – vì quyết định công bố thông tin này quá sát thời gian bầu cử.
Trong một bản ghi nhớ, ông cho biết “chúng tôi không thường nói với Quốc hội về những điều tra đang thực hiện”. Nhưng ông nói bản thân cảm thấy “nghĩa vụ” phải làm vậy vì trước đó chính ông đã công bố cuộc điều tra của FBI hoàn tất.
Chủ tịch ban vận động tranh cử của Bà Clinton, ông John Podesta nói thông tin do ông Comey cung cấp “đầy ám chỉ” nhưng “thiếu thông tin”.
Ông nói “không có bằng chứng cho thấy sai phạm, không có cáo buộc sai phạm.Thậm chí Không có dấu hiệu cho thấy đó là về Hillary.”
Minh bạch email
Trong khi đó ông Trump nói sự việc là một vụ bê bối chính trị lớn nhất ở Hoa Kỳ từ thời Watergate từng khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Trong cuộc tuần hành ở Colorado hôm thứ Bảy 29/10, ông Trump nói: “Hành động phạm tội của bà ấy là cố ý, có chủ ý và có mục đích”.
“Bà Hillary đã thiết lập một máy chủ bất hợp pháp cho mục đích rõ ràng là để che giấu hành động bất hợp pháp của bà ấy trước công chúng và sự công khai.”
FBI đã xác nhận bà Clinton đã lưu những thông tin mật trong một máy chủ email riêng.
Hồi tháng Bảy, ông Comey nói cách bà Clinton xử lý tài liệu nhạy cảm trong thời gian giữ chức vụ ngoại trưởng là “cực kỳ bất cẩn”, nhưng không quy vào tội hình sự.
Vụ tai tiếng của vị cựu ngoại trưởng bị báo New York Times đưa ra ánh sáng hồi tháng Ba 2015.
Bà Clinton đã không ngay lập tức bày tỏ sự hối lỗi, và nói lý do chính khiến bà sử dụng hòm thư “hdr22@clintonemail.com” là do “thuận tiện”.
Không lâu sau đó bà xin lỗi trong một phỏng vấn với ABC News, và đã nhiều lần xin lỗi cử tri.

Không kích chết hàng chục người tại nhà tù ở Yemen

Hàng chục người thiệt mạng tại một nhà tù của Yemen sau cuộc không kích của liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu, tin tức cho biết,
Các đợt không kích đánh trúng một khu nhà tù ở trụ sở an ninh al-Zaydiya ở cảng miền tây Huadaydah, các quan chức an ninh và y tế cho biết.
Thành phố này nằm trong tay phiến quân Houthi, phe đang chiến đấu chống chính phủ từ năm 2014.
Khoảng 30 người là binh sĩ phiến quân và các tù nhân thiệt mạng, các quan chức cho biết. Truyền thông của phe Houthi nói tổng số người chết là 43 người.
Liên quan, ủng hộ Tổng thống Yemen đang lưu vong Abdrabbuh Mansour Hadi, đã bị chỉ trích vì các cuộc không kích làm thường dân thiệt mạng.
Đầu tháng này, ít nhất 140 người bị giết, hầu hết là thường dân, khi máy bay ném bom một khu tổ chức tang lễ ở thủ đô Yemen, Sanaa.
Cuộc không kích gần nhất xảy ra khi Tổng thống Hadi từ chối một đề xuất hòa bình do đặc sứ Liên hiệp Quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed đưa ra.
Tổng thống Hadi, sống lưu vong ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi, nói kế hoạch là “dành cho cho kẻ lãnh đạo đảo chính và đồng thời trừng phạt người dân Yemen.”
Chi tiết của “lộ trình” hòa bình chưa bao giờ được công bố nhưng được cho là sẽ có chia sẻ quyền lực với phiến quân trong chính phủ tương lai.
Kế hoạch được cho là sẽ làm giảm quyền lực tổng thống, đổi lại quân Houthi sẽ rút khỏi các thành phố lớn.
Quân Hồi giáo Houthi chiếm thủ đô Sanaa vào năm 2014. Phần lớn cơ quan chính phủ được quốc tế công nhận giờ đóng ở thành phố lớn thứ hai Yemen là Aden.
Xung đột leo thang vào tháng 3/2015, khi liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu tiến hành không kích để đẩy lùi phiến quân.

Vì sao Venezuela hỗn loạn?

Căng thẳng ở Venezuela vẫn đang ở mức cao khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang bủa vây nước này cho thấy rất ít dấu hiệu suy yếu.
Chính phủ và phe đối lập đổ lỗi lẫn nhau cho tình trạng tồi tệ của nền kinh tế.
Tỉ lệ lạm phát ở Venezuela vốn đang ở mức cao nhất thế giới được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên tới 1,660% vào năm tới.
Phe đối lập ở Quốc Hội đã bỏ phiếu thông qua việc tổ chức một cuộc xét xử chính trị chống lại tổng thống Nicolas Maduro, một động thái mà tổng thống cho là bất hợp pháp.
Mỗi bên đều tố cáo bên còn lại đã kích động bạo động.
Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu hơn vào những vấn đề mà Venezuela và tổng thống nước này đang đối mặt.
Vì sao Venezuela lại bị chia rẽ?
Venezuela được chia thành Chavistas – cái tên được đặt cho những người theo chính sách xã hội chủ nghĩa của tổng thống quá cố Hugo Chavez và nhóm thứ 2- những người chỉ muốn chấm dứt 17 năm cầm quyền của Đảng Ðảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) của ông.
Sau khi nhà lãnh đạo Xã hội Chủ nghĩa mất vào năm 2013, Nicolas Maduro, cũng thuộc đảng PSUV được chọn làm tổng thống với lời hứa sẽ tiếp nối những chính sách của ông Chavez.
Chavistas tán dương hai vị tổng thống này đã sử dụng sự giàu có về dầu của Venezuela để làm giảm đáng kể sự bất bình đẳng và đưa nhiều người dân ra khỏi đói nghèo.
Nhưng phe đối lập cho rằng kể từ khi lên cầm quyền vào năm 1999, đảng PSUV đã làm sói mòn thể chế dân chủ và quản lý tồi nền kinh tế.
Đến lượt phe Chavistas tố cáo phe đối lập vì lợi ích nhóm và về việc bóc lột người nghèo để gia tăng sự giàu có của họ.
Họ cũng cho rằng lãnh đạo phe đối lập được hậu thuẫn bởi Mỹ – một quốc gia mà Venezuela có quan hệ căng thẳng trong những năm gần đây.
Vì sao sự yêu mến với ông Maduro lại giảm sút nhanh chóng như vậy?
Ông Maduro đã không thể truyền cảm hứng cho những Chavistas theo cách mà người tiền nhiệm của ông đã làm được trước đó. Thêm vào đó chính phủ của ông bị cản trở bởi giá dầu giảm mạnh.
Dầu chiếm khoảng 95% doanh thu xuất khẩu của Venezuela và là nguồn tài chính cho một số chương trình xã hội hào phóng của chính phủ mà theo những số liệu chính thống thì những chương trình này đang cung cấp nhà ở cho hơn 1 triệu người nghèo của Venezuela.
Suy giảm nguồn thu từ dầu đã buộc chính phủ dừng những chương trình xã hội của họ, gây sói mòn sự ủng hộ từ những cử tri then chốt của họ.
Xếp hàng ở Venezuela
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây bởi công ty Datanalisis cho thấy hơn 75% người dân Venezuela không hài lòng với cách mà ông Maduro điều hành đất nước.
Phe đối lập muốn gì?
Phe đối lập kêu gọi ông Maduro từ nhiệm và tổ chức bầu cử lại.
Họ đổ lỗi cho tổng thống Maduro đã gây ra khủng hoảng kinh tế và lập luận rằng chỉ có thay đổi trong lãnh đạo mới có thể kéo Venezuela ra khỏi bờ vực.
Họ cũng cho rằng sự quản lý tồi của chính phủ và những chính sách xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến lạm phát gia tăng, thiếu thốn thực phẩm, thiếu thiết bị y tế, thuốc men và tình trạng cắt giảm năng lượng mà người dân Venezuela đang chịu đựng.
Phe đối lập cũng chỉ ra rằng chính phủ xã hội chủ nghĩa lẽ ra nên tiết kiệm tiền khi giá dầu ở mức cao để dành cho những thời điểm như hiện tại khi mà giá dầu xuống thấp.
Ông Maduro có thể bị bãi nhiệm?
Theo hiến pháp của Venezuela, một cuộc kêu gọi trưng cầu dân ý có thể được tổ chức khi một tổng thống đã tại nhiệm hơn một nửa nhiệm kỳ và đáp ứng được các giai đoạn yêu cầu.
Cho đến nay phe đối lập đã hoàn tất bước đầu tiên của quá trình.
Biểu tình lớn tại Venezuela
Các giai đoạn để kêu gọi trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ tổng thống của ông Maduro
Giai đoạn 1: Đơn kiến nghị đầu tiên
Những người phản đối vượt qua chướng ngại đầu tiên bằng cách lấy chữ ký của 1% cử tri ở mỗi bang trong số 24 bang của Venezuela. Con số vào khoảng 200,000 người.
Giai đoạn 2: Đơn kiến nghị lần hai
Những người phản đối có thời gian 03 ngày để thu thập chữ ký của 20% cử tri ở mỗi bang trong số 24 bang của Venezuela. Con số này đủ cho một cuộc trưng cầu dân ý.
Giai đoạn 3: Trưng cầu dân ý
Trong cuộc trưng cầu dân ý, những người phản đối phải có được số phiếu ủng hộ việc bãi nhiệm tổng thống nhiều hơn số phiếu ủng hộ mà tổng thống nhận được trong cuộc bầu cử vào tháng 4 năm 2013.
Phe đối lập đã lên kế hoạch để bắt đầu giai đoạn hai của quá trình vào ngày 26 tháng 10.
Nhưng vào ngày 20 tháng 10, những nhà chức trách phụ trách bầu cử đã thông báo rằng việc thu thập chữ ký sẽ bị trì hoãn sau những tố cáo gian lận trong giai đoạn 1.
Thông báo này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, họ tố cáo Hội đồng bầu cử quốc gia đã làm theo chỉ thị của chính phủ và gây ra nhiều sự trì hoãn mỗi khi có có cơ hội.
Ông Maduro có thể ra hầu tòa?
Theo sau sự trì hoãn của cuộc kêu gọi trưng cầu dân ý, Quốc hội kiểm soát bởi phe đối lập đã thúc giục người dân Venezuela đứng lên để bảo vệ hiến pháp.
Họ đã phê duyệt một nghị quyết tuyên bố rằng Venezuela đã bị đảo chính và trật tự hiến pháp đã bị phá vỡ bởi chính quyền của tổng thống Maduro.
Nghị quyết cũng chủ trương:
  • §Yêu cầu sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để bảo vệ người dân Venezuela
  • §Chọn mới chánh án của Tòa án tối cao và những thành viên trong Hội đồng bầu cử quốc gia.
  • §Kêu gọi những lực lượng vũ trang của Venezuela bất tuân bất kỳ mệnh lệnh nào không theo Hiến Pháp và đi ngược lại nhân quyền.
Quốc hội cũng bỏ phiếu tán thành việc tổ chức một “buổi xét xử hình sự và chính trị” với tổng thống Maduro.
Tuy nhiên những nhà phân tích cho rằng, buổi xét xử khó có thể tiến hành được. Nguyên nhân là do Tòa án tối cao trước đó đã công bố rằng những hành động của Quốc hội là không có hiệu lực cho tới khi cáo buộc ba nhà làm luật mua phiếu ủng hộ được dỡ bỏ.
Có cơ hội nào cho đối thoại?
Sau cuộc gặp giữa tổng thống Maduro và Giáo hoàng Francis, Vatican đã thông báo họ có thể sẽ làm trung gian thu xếp những buổi đối thoại để hòa giải giữa chính phủ và lãnh đạo phe đối lập.
Những buổi đối thoại được sắp xếp để bắt đầu vào 30/10 và tổ chức ở đảo Margarita ở Caribe.
Nhưng bản thân thông cáo về những cuộc đối thoại đã gây ra sự chia rẽ. Lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles tố cáo tổng thống đã lợi dụng thiện chí của Giáo hoàng cho mục đích của mình.
Những vết nứt cũng đã xuất hiện trong Liên minh bàn tròn Thống nhất Dân chủ của phe đối lập khi một số lãnh đạo nói rằng họ không được tham vấn về những buổi đối thoại.
Phó tổng thống Diosdado Cabello của đảng PSUV đến lượt mình cũng tố cáo phe đối lập cố gắng tận dụng những cuộc đối thoại như bức bình phong để che giấu kế hoạch lật đổ ông Maduro bằng vũ lực.
Những nổ lực trước đây của một nhóm các nguyên lãnh đạo quốc tế để xúc tiến đối thoại giữa hai bên đến thời điểm này vẫn chưa đem lại kết quả nào.

Người Ấn nghĩ gì khi ông Donald Trump nói tiếng Hindi

Ứng cử viên tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, đã nói một vài từ tiếng Hindi trong một video để cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Ấn.
Ông đã mượn khẩu hiệu tranh cử rất phổ biến trong chiến dịch tranh cử trước đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đó là “Abki bar Modi sarkar” (tạm dịch là “Lần này, đến lượt chính phủ của Modi”).
Trang Buzzfeed trích lời Shalabh Kumar, một thành viên của Ủy ban Cố vấn về người Mỹ gốc Ấn của ông Trump, cho biết video nói trên được thực hiện để phát sóng trên các kênh truyền hình Ấn Độ tại Mỹ. Ông Kumar ủng hộ ông Trump và nói ông làm video này cùng ông Trump để kêu gọi sự ủng hộ của những người nói tiếng Hindi.
Tuy nhiên, nếu xét tới phản ứng của người dân Ấn Độ tại Delhi, thì ông Trump vẫn còn nhiều việc phải làm.
Như phóng viên Vikas Pandey của BBC nhận thấy qua một cuộc điều tra nhanh trên đường phố thủ đô Ấn Độ, không ai tỏ ra ấn tượng với video này.
‘Ấn Độ đâu chỉ có người Hindu, thưa ông Trump’
Shailesh Yadav nói anh cảm thấy khó chịu sau khi xem video bởi “Trong video, ông Trump có vẻ như chỉ nhắm tới người Hindu”.
“Sao ông ta có thể cho là người Hindu đồng nghĩa với Ấn Độ? Chúng tôi là một đất nước đa sắc, thưa ông Trump. Người Hồi giáo, người Sikh và người Thiên chúa giáo cũng sống ở đất nước này,” Shailesh Yadav nói.
Anh Yadavnói thêm rằng anh hy vọng “người Mỹ sẽ đủ thông minh để không bầu ông này lên nắm quyền “.
‘Không phải là bạn của Ấn Độ’
Phản ứng của sinh viên luật Aparimita Pratap sau khi xem video là ông Trump “đã thua trong cuộc bầu cử rồi và sẽ chẳng có video nào cứu được ông ta”.
“Cả triệu năm nữa ông ta cũng không thể thắng được. Nếu ông ta nghĩ rằng việc nói vài câu tiếng Hindi sẽ giúp ông ta giành được phiếu của người Mỹ gốc Ấn hoặc giúp ông ta có người hâm mộ ở đây (tức ở Ấn Độ), thì ông ta đã lầm to” Aparimita Pratap nói.
“Ông ta có được sự ủng hộ của một vài gia đình thương nhân người Mỹ gốc Ấn và ông ta nghĩ là cả đất nước Ấn Độ yêu thích ông ta. Nhưng tôi cũng không trách ông ấy được: ông ta là hiện thân sống động của sự dốt nát.”
Bạn của Aparimita Pratap, cô Raymon Singh, đồng ý và chỉ cười khi tôi cho cô ấy xem video.
“Buồn cười quá. Ông ta có vẻ như đã tập hô khẩu hiệu này nhiều lần, nhưng nghe vẫn chẳng thuyết phục gì” cô nói.
“Có chắc đây không phải video lừa bịp gì đấy chứ?” cô hỏi thêm.
Donald Trump và Hillary Clinton
“Nếu đây là video thật, thì nó chỉ chứng minh ông ta là con người đầy mâu thuẫn. Lúc đầu ông ta trách móc người nhập cư, giờ thì lại ra sức ve vãn người Mỹ gốc Ấn” cô nói.
“Ông ta không phải là người bạn của Ấn Độ – ông ta chẳng là bạn của ai cả. Cứ xem quan điểm cổ hủ của ông ta về phụ nữ là biết. Là phụ nữ, tôi cảm thấy phẫn nộ khi nghe những lời bình luận của ông ta.”
‘Không thể tin tưởng ông ta’
Cô sinh viên Kriti Kakkar rất buồn cười khi xem đi xem lại video vài lần.
“Tôi từng nghĩ Mỹ là nước rất phát triển, nhưng sau khi thấy người đàn ông này đi quá xa như thế này, tôi bắt đầu nghi ngờ thực sự,” cô nói.
“Làm sao mà người Mỹ lại không biết ông ta như thế nào? Tôi đã theo dõi ông ta từ khi ông da dẫn chương trình The Apprentice trên truyền hình. Ngay lúc đó ông ta đã lỗ mãng lắm rồi.”
Kriti Kakkar nói thêm rằng Ấn Độ “không thể tin tưởng ông ta”.
“Ông ta đang nói tốt về Ấn Độ bởi ông ta cần phiếu. Nhưng không thể tin tưởng ông ta sẽ tôn trọng lời hứa của mình,” cô nói.
‘Không phải người phù hợp’
Hitesh Yadav, một chuyên gia về quản lý, nói anh không thấy ngạc nhiên với video này.
“Lúc này ông ta sẽ nói và làm bất cứ điều gì để giành phiếu. Cách đây hai tháng, tôi thực sự nghĩ là ông ta sẽ thắng, nhưng giờ đây những bình luận của ông ta về phụ nữ và về các nhóm người thiểu số đã cho thế giới thấy bộ mặt thật của ông ta,” Hitesh Yadav nói.
“Nếu ông ta thắng, thế giới sẽ bất an hơn, cả Ấn Độ cũng vậy. Ông ta sẽ đóng cửa các tổng đài phục vụ khách hàng tại Ấn Độ,” anh nói.
Cuộc tranh luận lần ba và là lần cuối đầy cay nghiệt giữa bà Clinton ông Trump tại Las Vegas
“Ông ta không phải là người phù hợp cho công việc này.”
‘Không phải là dấu hiệu tốt cho nước Mỹ’
Nhà thiết kế Anand Bhushan nói ông Trump “có vẻ như muốn tận dụng thắng lợi năm 2014 của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) tại Ấn Độ”.
“Có thể là cuối cùng ông ta sẽ giành được một số phiếu của cộng đồng người Mỹ gốc Ấn theo đạo Hindu. Nhưng đó không phải là dấu hiệu tốt cho nước Mỹ,” anh nói.
“Hãy nhìn những gì đang diễn ra tại Ấn Độ. Từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã thấy biết bao trường hợp bất khoan dung chống lại các nhóm thiểu số tại Ấn Độ. Ông Trump đang đi theo đúng con đường này,” Anand Bhushan nói.

Bạo lực ở Brazil giết người nhiều hơn chiến tranh Syria

Trung bình mỗi 9 phút có một người bị giết tại Brazil. Bản báo cáo hàng năm của tổ chức phi chính phủ « Diễn đàn An ninh Công cộng tại Brazil » cho biết có tổng cộng 280.000 nạn nhân tử vong vì bạo lực từ năm 2011 đến 2015 cao hơn số nạn nhân chiến tranh ở Syria (256.000) trong cùng thời gian.
Bản báo cáo lần thứ 9 của « Diễn đàn An ninh Công cộng tại Brazil » ghi nhận chỉ riêng trong năm 2015 có 58.383 nạn nhân chết vì bạo lực. Trung bình mỗi ngày có 160 nạn nhân và mỗi 9 phút có một người thiệt mạng.
Số liệu này đặt quốc gia Nam Mỹ này vào danh sách các nước bị bạo lực hoành hành nhất nhì thế giới và nổi thống khổ của người dân Brazil, nhất là người nghèo sống chung với bạo lực hàng ngày. Trong danh sách này, Brazil đứng ngang hàng với Nam Phi, Venezuela và Colombia.
Những khu xóm lao động đặc biệt là ở vùng đông-bắc là nơi có số nạn nhân cao nhất, 60.000 người mỗi năm.
Bản báo cáo làm nổi bật thủ phạm đầu tiên là lực lượng cảnh sát. Trung bình mỗi này có 9 người chết vì tay của nhân viên công lực và quân đội tăng cường.
Để bảo vệ an ninh trong mùa cúp bóng đá thế giới 2014 và Thế Vận 2016, quân đội được huy động để hỗ trợ cho cảnh sát. Nạn nhân của bạo lực có cả ở hai phía. Trong năm 2015, gần 400 cảnh sát Brazil thiệt mạng do bị ám sát, hay trong khi thi hành nhiệm vụ.

Tây Ban Nha có chính phủ mới

nhưng bất ổn chính trị chưa hết

Với 170 phiếu thuận, 66 phiếu chống và 11 không bỏ phiếu, Quốc hội Tây Ban Nha tối qua, 29/10/2016 đã chính thức chấp thuận để đạo phe bảo thủ Mariano Rajoy đứng ra thành lập chính phủ, chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 10 tháng qua ở đất nước này. Ông Rajoy trở lại chức vụ thủ tướng, nhiệm kỳ 4 năm, trong một hoàn cảnh chính trị rất bấp bênh : Chính phủ mới thuộc phe thiểu số, Quốc Hội thì chia rẽ sâu sắc.
Thông tín viên RFI Diane Cambon tại Madrid :
Ông Mariano Rajoy đã kêu gọi sự công tâm và tinh thần trách nhiệm trong diễn văn nhậm chức tại Hạ viện. Lãnh đạo đảng bảo thủ sẽ có một nhiệm kỳ bất chắc. Ê kíp của ông Rajoy sẽ thành lập một chính phủ của phe thiểu số và sẽ phải đối mặt với một Quốc hội đang bị chia rẽ.
Không còn có chuyện cánh tả được áp dụng các sắc luật theo ý họ. Không có đa số tuyệt đối, mỗi bộ luật  hay điều chỉnh luật sẽ phải được thương lượng với phe đối lập.
Cánh trung Ciudadanos, đảng ủng hộ việc bầu thủ tướng mới, đã cảnh báo họ sẽ làm tất cả để ông Rajoy không quên thỏa ước chống tham nhũng của họ.
Còn về các thành viên đảng Xã Hội mà đa số không bỏ phiếu thì hy vọng sẽ đóng vai trò đối lập tích cực, cho dù chính trong đảng này cũng đang bị chia rẽ. Đảng này đang phải chống chọi với những nghĩ sĩ trẻ của đảng chống tự do hóa Podemos. Những nghị sĩ này hứa sẽ làm tất cả để phản đối chính sách khắc khổ của ông Rajoy.

Hàn Quốc :

« Quân sư » của tổng thống Park Geun Hye đầu thú

Sau hai tháng đào tẩu sáng Đức, nữ « cố vấn » tai tiếng của tổng thống Hàn Quốc đã về lại Seoul vào hôm nay 30/10/2016. Theo luật sư của đương sự, bà Choi Soon Sil muốn trả lời trước pháp luật về những lời cáo buộc tham ô và lạm dụng quyền thế. Từ một tuần nay, ngày nào cũng có biểu tình đòi tổng thống Hàn Quốc từ chức.
Vào lúc nhiệm kỳ bước vào năm cuối cùng, chiếc ghế của tổng thống Park Geun Hye bị lyng lay vì một vụ tai tiếng chính trị nghiêm trọng. Lãnh đạo của cường quốc châu Á bị tố cáo đã tin theo một bạn thân như một « quân sư » chi phối mọi quyết định quan trọng từ chính trị đến an ninh quốc phòng.
Quân sư này là bà Choi Soon Sil, con gái của một giáo chủ tự phong, người sáng lập « giáo hội cuộc sống vĩnh hằng » và có sáu đời vợ.
Trong cuộc họp báo sáng nay 30/10 tại Seoul, luật sư Lee Kyung Jae cho biết thân chủ của ông đã về lại Seoul sau hai tháng lưu trú tại Đức. Bà Choi Soon Sil tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tư pháp « để làm sáng tỏ vấn đề » và xin lỗi dân chúng Hàn Quốc vì đã làm cho họ «thất vọng ».
Theo AFP, bà « cố vấn » của tổng thống Park Geun Hye một mặt phải đương đầu với sự phẫn nộ của người dân Hàn Quốc thể hiện qua những cuộc biểu tình đòi tổng thống từ chức.
Mặt khác, bà phải trả lời về những tố cáo lạm dụng mối liên hệ với tổng thống để tống tiền nhiều doanh nhân Hàn Quốc trong đó có tập đoàn Samsung.
Hãng tin Yonhap cho biết thêm, hôm thứ Bảy (29/10), các nhà điều tra đã lục soát nhà riêng và văn phòng của nhiều cố vấn cao cấp của tổng thống Hàn Quốc kể cả tại phủ tổng thống, thu giữ nhiều máy tính và hồ sơ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?