Trao đổi Thư tín ngày 29.10.2016

Ảnh chụp tại Hà Tĩnh hôm 15/10/2016.
Ảnh chụp tại Hà Tĩnh hôm 15/10/2016.
 AFP




























Hòa Ái, phóng viên RFA

2016-10-28 
Những diễn biến xảy ra ở Việt Nam trong tuần qua có thể nói là “tuần của sự mất mát” vì Hòa Ái ghi nhận rất nhiều khán thính giả cùng độc giả Đài RFA bày tỏ sự giận dữ khi đón nhận những tin tức dồn dập, mà theo họ, đó là những mất mát về vật chất, tinh thần, mạng sống và cả niềm tin.

Ít nhất 25 người chết vì lũ lụt

Thông tin ít nhất 25 người chết, 4 người mất tích, 18 người thiệt mạng trong trận lũ vừa xảy đến ở Quảng Bình, Nghê An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế không mô tả được hết những giọt nước mắt của người dân miền Trung tại khu vực mà họ đã và đang oằn mình gánh chịu trực tiếp hậu quả của thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Một thính giả ở Hà Tĩnh viết trên trang Facebook RFA là “Tôi khóc khi nhìn thấy đoàn cứu trợ đi ngang qua”. Nhiều thính giả khác chia sẻ rằng họ thật sự xót xa khi đọc được những dòng chữ này. Càng xót xa bao nhiêu họ càng phẫn nộ bấy nhiêu! Cơn lũ lịch sử đã rút đi nhưng vẫn còn trơ đó nhiều số phận trắng tay. Số liệu thống kê những nạn nhân nhận được tiền, quà cứu trợ thiên tai chưa được công bố; trong khi không ít người tuy nhận được tiền cứu trợ lại bị chính quyền địa phương “truy thu”. Các phái đoàn thiện nguyện không do nhà nước quản lý bị gây khó dễ…Thính giả Van Kiệt lên tiếng:
Lịch sử dân tộc Việt chưa bao giờ khổ ải như ngày nay. Bởi khổ ải vì thiên tai đã kinh hồn, người dân chống chọi tới hụt hơi, thì nay lại gánh thêm cái khổ nhân tai. Giống nòi nước Việt khổ ải thê lương quá!
-Thính giả Van Kiệt
Lịch sử dân tộc Việt chưa bao giờ khổ ải như ngày nay. Bởi khổ ải vì thiên tai đã kinh hồn, người dân chống chọi tới hụt hơi, thì nay lại gánh thêm cái khổ nhân tai. Giống nòi nước Việt khổ ải thê lương quá!”
Nhiều thính giả cho biết người dân không có lựa chọn nào khác hơn là phải chấp nhận lời giải thích của chính quyền rằng “đập thủy điện xả lũ là đúng quy trình” với sự diễn giải theo nghĩa “xả lũ thì dân bị thiệt hại; bị thiệt hại thì phải xin tiền cứu dân; và như thế thì quan chức mới có dịp bòn rút tiền hỗ trợ dân”, như ý kiến của thính giả Phạm Nguyệt. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều, giống như ý kiến của thính giả Nguyễn Viết Minh:
Người dân chúng tôi không cần biết là ‘đúng quy trình’ hay ‘không đúng quy trình’. Việc nhà máy thủy điện ngăn sông, đắp đập, tích nước, phát điện để kinh doanh buôn bán, người dân chúng tôi bỏ tiền ra mua điện để sử dụng chứ không phải cho không. Xả lũ gây thiệt hại tài sản của dân là phải bồi thường. Còn gây ra chết người thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bỏ tù chứ không thể đơn giản như nói ‘đúng quy trình’ là xong được đâu.”
Thưa quý thính giả, bên cạnh số liệu về nhân mạng và tài sản bị thiệt hại trong cơn lũ dữ ở khu vực Bắc miền Trung, trong tuần qua còn có 3 người chết và hơn chục người khác bị thương trong vụ nổ súng vào hôm 23 tháng 10, tại Dak Nông, do công ty Long Sơn san ủi đất lâm nghiệp để kinh doanh. Thông tin mới nhất là Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Dak Nông vừa ra quyết định khởi tố vụ án nổ súng này. Ở miền Bắc, vào sáng sớm 25 tháng 10, hàng trăm công an và bộ đội tiến hành cưỡng chế khu nghĩa địa Giải Phướn, khu đất cuối cùng của nông dân ở Dương Nội, bị doanh nghiệp tư nhân-Công Ty Xuất Nhập Khẩu Hà Nội lấy kinh doanh nhưng không đền bù thỏa đáng. Người dân Dương Nội kiên quyết giữ đất, có người bị đi tù như bà Cấn Thị Thêu. Thính giả Thuyen Nguyen khẳng định tình trạng cưỡng chế đất đai là câu chuyện dài ở đất nước chủ trương “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”:
“Đây là việc thường xuyên mà người dân lành luôn bị đuổi nhà để cướp đất của cường quyền, gây biết bao mất mát đau thương cho người dân. Sự bức xúc đã kéo dài đến 41 năm qua, bây giờ sự chẳng đặng đừng đó vẫn tái diễn.”
Một thính giả nhắn tin vào hộp thư thoại của Đài Á Châu Tự Do:
lien-tri-622
Chùa Liên Trì bị đập phá ngày 8 tháng 9 năm 2016. Courtesy photo
“Bây giờ những nơi chùa chiền hay đất của các nhà tu hay nhà phước cũng bị những người có chức quyền lấy sạch sành sanh để làm của tư. Dân chẳng còn gì hết. Tình trạnh như vầy thì đất nước Việt Nam cứ khổ mãi. Người dân hiền lành, chất phác lấy chổ nào mà sống. Xin những người làm việc hãy nhìn rộng ra đi. Tội nghiệp quá! Ôi, Trời ơi là Trời!”
Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài thắc mắc của thính giả nhờ Đài Á Châu Tự Do chuyển đến Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo:
“Đã có quá nhiều khu biệt thự bỏ hoang, tại sao vẫn không ngừng giải tỏa với những bủa vây với tên gọi ‘dự án’?
“Bảo vệ sự đất đai, tài sản trước sự lạm quyền của quan tham thì tại sao bị truy tố?”
Chính phủ Việt Nam có thấy dân chúng bất mãn với chế độ này vì bị chính quyền chiếm đất đai ruộng vườn, đẩy dân tới cùng đường hay không? Người dân không hiểu được đây có phải là quê hương mình và tại sao chính quyền tàn ác với dân mình như thế?”

Phải cẩn trọng khi đưa tin liên quan nhân quyền

Thưa quý vị, những thắc mắc vừa rồi cũng là câu hỏi của nhiều người dân trong nước trông đợi Chính phủ Việt Nam trả lời khi đất nước nơi họ sống ngày càng có nhiều phe nhóm lợi ích, mà tựu trung người dân là nạn nhân của mọi vấn đề tiêu cực phát sinh trong xã hội. Và dường như, họ tỏ ra thất vọng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng “chống tham nhũng rất khó, vì là ta đánh ta”. Mới đây nhất, dân chúng trong nước càng hoang mang với câu hỏi họ sẽ có thể làm gì, nói gì để đóng góp cho xã hội được tốt đẹp hơn qua thông báo của Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu phóng viên phải cẩn trọng trong việc đưa tin liên quan đến nhân quyền?
Thính giả Bùi Ngọc Cương chia sẻ rất là đau đầu với thông tin vừa nêu:
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói nhân quyền là vấn đề hết sức nhạy cảm, thường xuyên bị thế lực thù địch, thế lực xấu lợi dụng để chống phá nhà nước. Vậy, ‘thế lực thù địch’ là những ai, nó ở đâu?
-Thính giả Bùi Ngọc Cương
“Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói nhân quyền là vấn đề hết sức nhạy cảm, thường xuyên bị thế lực thù địch, thế lực xấu lợi dụng để chống phá nhà nước. Vậy, ‘thế lực thù địch’ là những ai, nó ở đâu? Tại sao nó lại xúi dân mà không xúi nhà nước? Thật là đau đầu!”
Thính giả Nguyễn Hữu Thọ gửi lời đến Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo:
“Thưa ông Hoàng Vĩnh Bảo, nếu nhân quyền của các ông ưu việt như của Mỹ, Châu Âu hay ngay như của Hàn Quốc thì các ông sợ gì các ‘thế lực thù địch lợi dụng’? Các ông hô hào chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, xây dựng đảng trong sạch v.v, nhưng khi người dân làm những công việc đó, thì các ông viện dẫn Điều 88, Bộ luật Hình sự để bịt miệng hay phong tỏa người dân? Xin nhắc lại với ông rằng không có thế lực nào cần và muốn phá hoại các ông, mà chỉ có chính các ông tự diễn biến, tự tha hóa và xa rời người dân.”
Thính giả Nguyen Chan đề nghị Chính phủ Việt Nam rằng:
“Các ông tự vỗ ngực mình là lãnh đạo, nhưng nếu làm lãnh đạo lo cho dân cho nước thì không có một thế lực thù địch nào có thể sai khiến hay dụ dỗ được. Trước khi đổ thừa người khác, các ông hãy tự phán xét lại chính mình.”
Thính giả Tô Thị Bích lập luận là:
“Một nhà nước chính nghĩa, vững mạnh thì chẳng phải sợ thế lực thù địch nào kích động vì có sự ủng hộ của toàn dân. Một nhà nước thối tha mục rửa thì dù có che đậy đến đâu người dân lần lần cũng hiểu ra.”
Thính giả Nguyễn Thanh Long tiếp lời:
“Nhân quyền tốt, có nói xấu thì cũng chả ai chịu nghe. Nhưng nhân quyền xấu, có nói tốt thì cũng vậy thôi, không thể tô son trát phấn được đâu. Đó là con người vốn vẫn nhận thức như vậy.”
Và kết thúc chương trình hôm nay, Hòa Ái dẫn lời của một thính giả nhắn tin qua Facebook. Vị thính giả viết “Nhà nước luôn giải thích với người dân mỗi khi có sự cố xảy ra thì đều “đúng quy trình”. Chống bạo quyền vì mất đất, mất nhà phải đi tù: đúng quy trình. Tòa án trả đơn kiện Formosa: đúng quy trình. Chết vì thủy điện xả lũ: đúng quy trình…Và thậm chí, quan chức liêm khiết tậu biệt thự, nông trang ở nước ngoài, con cháu di dân sống xa hoa ở các quốc gia ‘tư bản dãy chết’ cũng đúng quy trình. Chuyện gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam của chúng tôi vậy?”
Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi kết thúc chương trình, Hòa Ái xin được trả lời các tin nhắn sau:
“Thưa quý đài, tôi tên Phong Trần. Tôi muốn nghe Đài Á Châu Tự Do mà tôi nghe không được. Xin anh chị trên đài gọi lại cho tôi biết cách nào để nghe Đài Á Châu Tự Do. Tôi xin thành thật cảm ơn. Chúc quý đài được vạn sự bình an.”
“Xin chào, em tên là Nhân Lê, sống tại miền Nam California. Em muốn nghe đài. Xin quý vị vui lòng cho một số điện thoại nào để nghe cho tiện. Xin cảm ơn.”
Quý thính giả quý mến, số điện thoại để nghe các chương trình phát thanh của Ban Việt ngữ Đài RFA là số 563-999-3262. Sau khi bấm dãy số này, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh hàng ngày của chúng tôi. Hòa Ái xin lưu ý, hiện nay chương trình phát thanh mỗi ngày chỉ còn một chương trình buổi tối, phát trên làn sóng ngắn 22 và 25  mét cùng trên làn sóng trung bình 1503 KHz, từ 9 giờ đến 10 giờ tối, giờ Việt Nam. Và vào lúc 10 giờ tối, giờ Việt Nam, thứ Sáu hàng tuần, chương trình truyền hình 30 phút của Ban Việt ngữ được phát trực tiếp trên Facebook, Youtube và trang mạng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do. Kính mong quý khán thính giả và độc giả đón xem. Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm cũng như góp ý cho các chương trình phát hình trực tiếp được hoàn thiện hơn để chúng tôi tiếp tục cùng đồng hành với quý vị trong công việc chuyển tải thông tin chính xác và trung thực. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.orghoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.
Cảm ơn thời gian lắng nghe của quý thính giả trong mục “Trao đổi Thư tín”. Kính chúc quý vị một ngày mới an lành. Hòa Ái kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau. - RFA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?