Đọc báo Pháp – 29/10/2016

Đọc báo Pháp – 29/10/2016

Duterte thay đổi ván cờ ở Biển Đông

Trang bìa tạp các tạp chí Pháp tuần này không dành cho một chủ đề thời sự chung mà cho những hồ sơ riêng lẻ. Riêng tuần báo Courrier International đã trở lại phát biểu « chia tay với Mỹ » gây chấn động của tổng thống Philippines Duterte tại Bắc Kinh. Bài « Duterte thay đổi ván cờ ở Biển Đông » đã trích phân tích trên tạp chí Mỹ Foreign Affairs tại Washington, nhận định rằng qua những lời nói có tính mơ hồ của tân tổng thống Philippines, Washington đã thấy kiến trúc an ninh khu vực của mình không còn vững vàng nữa.
Bài phân tích mở đầu bằng ghi nhận là từ khi ông Duterte lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của Philippines bị hoàn toàn đảo lộn, nhân vật dân túy thô lỗ này đã thay đổi triệt để quan hệ Mỹ Philippines, một sự kiện không dự báo điều gì tốt lành cả.
Bài viết điểm lại quan hệ của Mỹ với Philippines, đồng minh lâu đời nhất của Washington ở Châu Á. Hoa Kỳ đã biến Philippines thành thuộc địa từ 1899 đến 1942. Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, hai bên cùng chống kẻ thù Nhật Bản và năm 1951 hai bên đã ký hiệp ước phòng thủ…
Dĩ nhiên có những lúc căng thẳng như vào những năm 1990. Mỹ phải rút khỏi hai căn cứ Subic và Clark năm 1991, nhưng sự hiện diện quân sự Mỹ đã lại tăng cường trở lại trước mối đe dọa bành trướng quân sự của Trung Quốc. Năm 2014, Tổng thống Obama cùng tổng thống Benigno Aquino đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự hai bên… Nhưng giờ đây thì quan hệ này như đã thuộc về quá khứ.
Tổng thống Philippines đến Trung Quốc ngày 20/10 với mục tiêu thông báo chia tay với Mỹ và loan báo một liên minh mới giữa Trung Quốc- Philippines và Nga, và như lời của ông Duterte « đó là 3 người chúng tôi chống lại phần còn lại thế giới. » Trung Quốc và Philippines đúc kết những hợp đồng trị giá 13 tỷ đô la, một món tiền kếch xù để thưởng công cho ông Duterte đã qua cánh đối phương.
Tác giả bài phân tích tìm hiểu tại sao lại có sự thay đổi triệt để như trên và đã đi đến kết luận rằng đó là do cá tính đặc biệt của tổng thống Duterte, bởi vì những lợi ích chiến lược và thương mại của Philippines không thay đổi mấy : Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại thứ nhì của Manila, trong lúc Nhật vẫn đứng đầu và Hoa Kỳ đứng thứ 3. Cho nên đó không phải do kinh tế thúc bách.
Trên mặt chiến lược thì càng không nên đổi phe, vì Trung Quốc vẫn quyết đoán trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, muốn thâu tóm các tài nguyên và nguồn cá. Còn nói về dân chúng thì họ cho thấy vẫn rất tin tưởng Mỹ, trong lúc quân đội Philippines thì đã hợp tác với Mỹ từ nhiều thập niên qua và đã được nhào nặn theo mô hình quân đội Mỹ, và cho dù ông Duterte vẫn lớn tiếng thóa mạ, Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng bảo vệ Philippines.
Tóm lại nếu có thay đổi, đó là do cá tính của tổng thống mới tại Philippines, một nhân vật độc tài, quyết đoán, ca ngợi Hitler, khinh miệt nhân quyền như chiến dịch chống ma túy đẫm máu đã cho thấy. Cho nên việc ông Duterte liên kết với Tập Cận Bình cũng là chuyện tự nhiên trong khi từ lâu ông rất ghét Mỹ.
Duterte xoay trục : Mỹ có nguy cơ chịu tác hại nghiêm trọng
Về phần nước Mỹ, sự trở mặt của Duterte sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu nó kéo theo một thời kỳ quá độ chiến lược lâu dài.
Đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực, Philippines là một địa bàn vô cùng quan trọng để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Nếu Philippines trở thành một tỉnh của Trung Quốc, thì Washington rất khó mà bảo vệ « chuỗi đảo thứ nhất » ở phía tây Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, các đảo Ryukyu, Đài Loan, và quần đảo Philippines. Duy trì « rào cản » này là một trụ cột của chiến lược Mỹ từ thời chiến tranh lạnh, nhưng giờ đây lại có nguy cơ bị sụp đổ do tính khí của một kẻ độc tài.
Trung Quốc có thể vô hiệu hóa đối tác trọng yếu này của Mỹ, có thể biến Philippines thành căn cứ hải quân của Trung Quốc, đe dọa các đồng minh của Mỹ như Đài Loan, Nhật Bản, Úc. Đối với Hải Quân Hoa Kỳ, thì sẽ càng lúc càng khó bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới : hàng năm 5.300 tỷ đô la hàng hóa đi qua Biển Nam Hải trong đó 1.200 tỷ là thương mại của Mỹ.
Bài báo còn ghi nhận là ở Philippines, phe đối lập đã lên án chuyến đi Trung Quốc của ông Duterte, tại Manila một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã cảnh báo rằng ông Duterte có thể bị thủ tục truất phế nếu từ bỏ chủ quyền trên bãi Scarborough.
Còn Nhà Trắng chỉ có thể hy vọng là những biện pháp của ông Duterte sẽ bị một người kế nhiệm thực tế hơn vô hiệu hóa, nếu nền dân chủ Philippines sống sót qua cơn thử thách này.
Tổng thống Duterte đang chơi trò gì ?
Dưới câu hỏi này, tạp chí Courrier trích phản ứng của truyền thông Philippines trước các động thái của tổng thống Duterte.
Một nhà bình luận trang mạng Philippines Rappler thắc mắc là liệu ông Duterte có biết là ông đang chơi trò gì hay không ? Ông đã bị Obama ám ảnh đến nỗi ông đã không suy nghĩ. Hillary Clinton sẽ không vui mừng trước ra đi của một cột trụ của chính sách xoay trục.
Tờ Manila Times thì tự hỏi : « Phải chăng chúng ta đang khấu đầu trước Bắc Kinh ? Chính sách ngoại giao Philippines phải chăng chỉ để phục vụ Trung Quốc hay đặt quyền lợi của Philippines lệ thuộc vào Trung Quốc ? ».
Báo Philippine Star thì cho là tổng thống không có quyền hủy bỏ những hiệp ước của Philippines và nói những điều mà bộ Ngoại Giao không chấp nhận. Tờ báo cho là tuyên bố của ông Duterte rất lộn xộn.

Thái Lan : Cuộc chiến giữa Áo đen-Áo không đen

Ngoài Philippines, về Châu Á tạp chí Courrier International còn chú ý đến Thái Lan qua tựa đề : « Thái Lan : Bắt buộc phải buồn ».
Trích dẫn báo The Bangkok Post, tuần báo Pháp nêu bật nỗi hoang mang ngày càng sâu đậm của người dân Thái, thể hiện qua sự kiện là trong lúc mà quốc tang ban hành sau khi vua Bhumibol băng hà sẽ kéo dài một năm, những người không có dấu hiệu không thọ tang đúng cách, như không mặc quần áo đen chẳng hạn, thì bị chỉ trích dữ dội.
Trước không khí nặng trĩu đau buồn hiện nay, tác giả bài viết nêu câu hỏi : Phải chăng Thái Lan đã thay đổi nghiêm trọng từ sau cái chết của vua Bhumibol trong đêm 12 rạng 13/10 ? Câu trả lời là có và không. Nếu thời gian có vẻ như ngừng lại ở cái giờ khắc nghiệt đó, thì cuộc sống vẫn tiếp tục. Cái chết của đức vua mà phần đông người Thái Lan xem như là người cha, tuy rất đau đớn, nhưng đã không có sự cố gì đáng tiếc xẩy ra.
Cho dù thế, người Thái Lan vẫn cảm nhận là đất nước giờ đây không còn như trước nữa. Đám đông thì mặc toàn màu đen, giải trí vui chơi thì đã nhường bước cho sự nghiêm trang, cho tang tóc. Họ biết là với cái chết của vua Bhumibol, cả một thời đại đã kết thúc, một thời đại trong đó nhà vua là hiện thân của những chuẩn mực xã hội, cách suy nghĩ, các giá trị. Hình ảnh, lời lẽ của nhà vua tràn ngập trên mạng xã hội đã nêu rõ mối lo âu của thần dân của ngài trước một tương lai vô định.
Nhiều vấn đề nêu lên cho thấy rõ nỗi hoang mang này chẳng hạn như phải gọi đức vua quá cố như thế nào ? Đây là một vấn đề nghi thức, những cũng thể hiện những mối trăn trở đối với việc một nền quân chủ có những quy củ cứng ngắc, sẽ có một chỗ đứng như thế nào trong một xã hội Thái Lan đang thay đổi, đầy rẫy tranh chấp chính trị và bất công ?
Vẫn là hai phe đối đầu nhau : một bên theo truyền thống và bên kia là tư tưởng mới mẻ, khuyến khích tự do cá nhân.
Tâm trạng bất ổn này cũng thể hiện qua cuộc tranh luận trên màu y phục : cứ tang tóc là phải mặc áo đen không thể chấp nhận màu khác. Không mặc màu đen đã trở nên nguy hiểm vì dễ dàng bị tố cáo là bất trung với vua. Chính quyền dĩ nhiên không ép buộc dân phải mặc màu đen, cho nên đã phải can thiệp .
Bài báo nhắc lại rằng nếu trước đây là cuộc chiến giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng, thì giờ đây là cuộc chiến giữa màu đen và không đen.
Bài báo kết luận là con đường gập ghềnh của Thái Lan còn rất dài.

Le Point : BRICS trên đà viết nên lịch sử

Trở lại với thời sự quốc tế, tạp chí Le Point đã chú ý đến khối BRICS của năm nước đang trỗi dậy, vừa tổ chức xong Hội nghị Thượng đỉnh tại thành phố Goa ở Ấn Độ trong hai ngày 15 và 16/10/2016. Dưới tựa đề « Lịch sử do khối BRICS viết ra », tạp chí Pháp cho rằng « Không như các nước G7, năm quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã chứng tỏ là họ vẫn có năng lực hành động.
Đối với tác giả bài báo, vào lúc xu thế giải trừ toàn cầu hóa đang như diều gặp gió, khối BRICS – vốn đã vươn lên được trong thời toàn cầu hóa cực thịnh – có vẻ như là những thực thể đã lỗi thời, với bằng chứng cụ thể là ngân hàng Goldman Sachs đã đóng cửa quỹ đầu tư vào khối BRICS của mình sau khi bị thua lỗ đến 88% từ năm 2010.
Trong thực tế, thì kể một chục năm nay, đà vươn lên của khối BRICS đã bị khựng hẳn lại, với một ngoại lệ đáng chú ý là Ấn Độ, vẫn tăng trưởng được 7,6%. Trong 4 nước còn lại, Trung Quốc thì đang cố bám vào thành quả của 30 năm tăng trưởng mạnh trước đây, với mức tăng trưởng giảm từ 14% năm 2007 xuống còn 6,7% trong năm nay. Tình trạng của Brazil, Nga và Nam Phi còn đáng lo ngại hơn nữa.
Brazil đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930, với hoạt động kinh tế suy giảm 3,8% trong năm 2015 và 3% trong năm 2016, với tỷ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi từ 6,5% lên thành 11,8%. hệ thống chính trị cũng đang rệu rã.
Nga cũng đang trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng với GDP giảm 3,7% trong năm 2015 và 1,8% trong năm 2016. Mô hình kinh doanh dựa trên nguồn dầu khí, chiếm hơn 70% xuất khẩu và 50% doanh thu công cộng, đã bị tác động mạnh từ việc giá dầu thế giới tụt giảm. Các biện pháp trừng phạt quốc tế và sự gia tăng liên tục của ngân sách quốc phòng đã góp phần hạ gục một nền kinh tế cổ lỗ.
Còn kinh tế Nam Phi thì cũng bị đình đốn trong bối cảnh thất nghiệp bùng nổ ảnh hưởng đến 36% lực lượng lao động, và tệ nạn tham nhũng vuột khỏi tầm kiểm soát.
Trong nội bộ khối BRICS là như thế, còn bên ngoài thì đang có sự đột phá của một làn sóng mới gồm các nước như Việt Nam và Indonesia ở châu Á, Mêhicô và Colombia ở châu Mỹ Latinh, Nigeria ở châu Phi. Những nước này được cho là có thể thay vào chỗ của khối BRICS.
Đừng sai lầm khi vội khai tử khối Brics
Tác giả bài báo trước hết ghi nhận rằng vị thế của BRICS đang được cải thiện dần dần nhờ việc giá dầu và nguyên liệu thô tăng lên trở lại. Thế nhưng, điều quan trọng hơn cả là khối này không đơn thuần là sản phẩm phụ của toàn cầu hóa, một diễn đàn nhất thời giữa các cường quốc thù địch với phương Tây hoặc một con ngựa thành Troie của Bắc Kinh.
Xu hướng phi toàn cầu hóa sẽ không thể chặn được bước tiến của họ, vì họ có một thị trường với 42% dân số thế giới, một tầng lớp trung lưu khoảng 1 tỉ rưỡi người, nắm 25% sản lượng thế giới và gần một nửa dự trữ ngoại hối của hành tinh, đủ để cho họ thúc đẩy tăng trưởng nhờ nhu cầu nội địa. Ở cấp độ vi mô, các công ty của khối BRICS cũng đang có những bước đột phá đáng kể, với những tên tuổi đang hoạt động trong các lĩnh vực của tương lai – bao gồm cả trong nền kinh tế kỹ thuật số với Baidu hay Alibaba có thể chiếm hơn 40% thị trường.
Trong nội bộ các quốc gia khối BRICS, họ đang cố hiện đại hóa mô hình kinh tế và xã hội, còn giữa họ với nhau, ngày càng có thêm các dự án nhằm phá vỡ thế độc quyền vốn có của phương Tây. Sau khi hình thành một quỹ tiền tệ và ngân hàng phát triển mới, BRICS đã quyết định thành lập một cơ quan thẩm định độc lập, với mục tiêu là đánh vào thế độc quyền của ba tập đoàn thẩm định khổng lồ của phương Tây.
Tóm lại, theo Le Point, khối BRICS, sáng kiến đầu tiên không đến từ phương Tây trong thời hậu Chiến Tranh Lạnh, đang góp phần viết nên lịch sử của thế kỷ XXI.

Bầu cử Mỹ 2016 : Một giai đoạn đáng buồn

Về bầu cử Mỹ, L’Obs đã dành 26 trang cho hồ sơ đặc biệt này, đánh giá chiến dịch vận động của hai ứng viên, tìm hiểu tâm trạng cử tri, và cho rằng chưa bao giờ nước Mỹ phơi bày một hình ảnh tồi tệ, kỳ quặc như vậy.
Bên cạnh các bài phóng sự của đặc phái viên, tạp chí Pháp còn trích nhận định một số trí thức, như nhà văn Mỹ Iain Levison, người có một cái nhìn khá gay gắt đối với ứng viên đảng Cộng Hòa, bị xem là một ‘kẻ rao hàng đang hết thời’. Có điều số người ủng hộ ông Trump lại không ít, đưa ông sát nút với Hillary Clinton, được mệnh danh là ‘người bị ghét bỏ’.Đối với nhà văn Levison, việc Donald Trump vươn lên như thế không mở ra giai đoạn đen tối nhất của nước Mỹ mà là giai đoạn buồn nhất.
Trong phần nhận định bên cạnh hàng tựa lớn « Sự huyền bí của nước Mỹ », L’Obs cố tỏ ý tin tưởng : Nếu đây chỉ là một cơn sốt tệ hại, một ung nhọt đầy mủ sẽ vỡ tối ngày 08/11, nước Mỹ sẽ đứng lên trở lại và đi tới. Người ta đã thấy điều này trong quá khứ : hòa bình sau chiến tranh Nam Bắc, sự yên lặng sau con bão tố MacCarthy. Nước Mỹ là một nước có sức chịu đựng được những va chạm. Nhưng lần này người ta có một cảm giác không tài nào gột bỏ được là có một cái gì đấy thay đổi, một cái gì đấy sâu xa, dai dẳng : Nền dân chủ đứng đầu thế giới đang bị bệnh.
Không phải là kinh tế, dù rất không công bằng, nhưng vẫn là đầu tàu hữu hiệu của tư bản thế giới. Không phải là văn hóa, vì Mỹ vừa cung cấp một giải Nobel văn học tuyệt diệu. Cũng không phải là dân chúng Mỹ, vốn đa dạng hơn bao giờ hết. Mà chính là các cột trụ của nền dân chủ Mỹ, với Donald Trump, đã sụp đổ một cách đột ngột. Người ta đang đứng trước một cuộc chiến tranh bám trụ giữa hai nước Mỹ đang thù ghét nhau.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ủng hộ Trump ?
Tạp chí Courrier International, cũng đề cập đến cuộc bầu cử Mỹ nhưng nhìn rộng ra bên ngoài nước Mỹ với sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã bị Donald Trump chinh phục.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, do xu hướng dân tộc chủ nghĩa hiện nay, từ đảng Hồi Giáo cầm quyền cho đến báo chí thân chính quyền, đa số dân chúng đều nghiên về phía Donald Trump bất kể những phát biểu bài Hồi Giáo của ông.Ngược lại, phe đối lập thì ủng hộ bà Hillary.
Trích dẫn báo Al Monitor (Washington), Courrier International ghi nhận là Thổ Nhĩ Kỳ chăm chú theo dõi cuộc bầu cử Mỹ vì kết cục sẽ có những hậu quả lớn đối với quan hệ Washington–Ankara, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc giục Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ Gulen tình nghi giựt dây vụ đảo chính hụt tháng 7 vừa qua.
Nếu lúc đầu truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ không mấy tán đồng lời lẽ bài Hồi Giáo của ông Trump, họ đã nhanh chóng thay đổi sau khi ứng viên đảng Cộng Hòa cho là ông ủng hộ quan điểm của tổng thống Erdogan, ngược lại bà Hillary bị ghét bỏ hơn vì bà bị nghi đứng về phía giáo sĩ mà Ankara lên án.
Có điều theo bài báo, người Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ có cái nhìn ngược lại, ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ hơn.
Tại Israel ông Donald Trump cũng thu hút cảm tình của nhiều người. Những người ủng hộ ông xem ông là người bạn của Israel. Vả lại đối với các giáo sĩ Israel, ông vẫn hơn một phụ nữ hay một người da màu.
Trong hồ sơ về giáo dục, tuần báo Courrier International cũng có một tựa nhắc đến ứng viên đảng Cộng Hòa Mỹ : Trump, biểu hiện của sự suy đồi của nhà trường tại Mỹ. Tạp chí trích báo The Daily Beast (New York), giải thích là những thay đổi 50 năm gần đây ở Mỹ trong chương trình giảng dạy, đã đảo lộn việc truyền đạt các giá trị công dân và truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, và mở đường cho những người theo chủ nghĩa dân túy.

Tựa lớn trang bìa

Như nói ở trên, trang bìa các tạp chí Pháp tuần này đều khai thác các chủ đề khác nhau. Le Point ‘độc quyền’ giới thiệu hồi ký của’nam tài tử nổi tiếng Jean Paul Belmondo, với câu khẳng định « Nước Pháp, là tôi » dưới bức chân dung.
L’Express thì theo dõi thời sự chính trị Pháp, trước cuộc bầu tổng thống 2017, và chú ý đến nhân vật Macron, cựu bộ trưởng kinh tế đã từ nhiệm. Tạp chí chạy hàng tựa : « Macron, ván bài Poker ».
L’Obs cũng theo dõi tình hình trước cuộc bầu cử tổng thống nhưng tại Hoa Kỳ, với câu hỏi « Tại sao nước Mỹ trở nên khùng điên », hàng tựa bên canh gương mặt nhăn nhó, cau có của Donald Trump. Đây là hồ sơ đặc biệt của L’Obs với hơn 25 trang.
Tạp chí Courrier International dành hồ sơ lớn nêu trên trang nhất cho « Giáo dục, xưởng chế tạo công dân », với câu hỏi : Trường học phải đóng vai trò gì trong xã hội chúng ta ? Tạp chí chú ý đến chủ đề này nhân Diễn Đàn Dân Chủ Thế Giới sắp diễn ra ở thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp.

Tin đọc nhanh

(AFP) Thái Lan : Bắt đầu lễ viếng Quốc vương Bhumibol Adulyadej
Từ 29/10/2016, người dân Thái bắt đầu được vào viếng nhà vua Bhumibol Adulyadej, tạ thế hôm 13/10 sau 70 năm tại vị. Trước số lượng người quá đông, chính quyền giới hạn chỉ cho khoảng 10 nghìn người vào viếng mỗi ngày. Chính quyền Thái Lan còn tổ chức các chuyến xe bus và tàu miễn phí để người dân các địa phương trong cả nước được về thủ đô viếng nhà Vua.
(AFP) Tây Ban Nha : Có chính phủ sau 10 tháng tê liệt vì khủng hoảng chính trị.
Ngày 29/10/2016, ông Mariano Rajoy từng cầm quyền từ năm 2011, chính thức được trở lại nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha trong nhiệm kỳ mới 5 năm. Đây là lần đầu tiên tại Tây Ban Nha phe thiểu số, Đảng Nhân Dân buộc phải liên kết với các đảng phái khác để nắm quyền lãnh đạo đất nước. Trong khi đó Quốc hội vẫn do đối lập kiểm soát.
(AFP) EU Canada ký CETA
.Sau ít ngày bế tắc vì sự chống đối của nghị viện ba vùng tự trị của Bỉ, cuối cùng Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Canada CETA sẽ được ký vào ngày mai, 30/10/2016. Trên nguyên tắc, 28 nước thành viên EU ủng hộ ký hiệp định, nhưng đến phút chót Bỉ không thể tham gia vì một số vùng tự trị, phản đối. Cuối cùng chính quyền trung ương Bỉ đã thuyết phục được các vùng chấp thuận ký CETA.
(Reuters) Washington tố cáo Bắc Kinh vi phạm nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng
Hôm 29/10/2016, cuộc đối thoại chiến lược an ninh Mỹ-Trung cấp thứ trưởng ngoại giao diễn ra tại Bắc Kinh. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho là Trung Quốc khi nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết 2270 của Hội Đồng Bảo An, trừng phạt Bình Nhưỡng . Bắc Kinh không chứng minh được thương vụ này « hoàn toàn vì lợi ích cho thường dân Bắc Triều Tiên » và « không bơm dưỡng khí » cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
(AFP) Miến Điện bị áp lực về nhân quyền
Hôm 29/10/2016, các tổ chức nhân quyền yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về thông tin binh sĩ Miến Điện trấn áp sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi. Nhiều trường hợp hãm hiếp, hành quyết và đốt làng được ghi nhận tại bang Rakhine trong ba tuần qua, sau vụ một số đồn biên giới với Bangladesh bị tấn công. Quân đội chính phủ phong tỏa bang Rakhine. Hơn 30 người bị giết và hàng chục bị bắt trong chiến dịch này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?