Khát vọng tự do trong khói lửa Cách mạng Dân chủ Hungary 1956

RFI, Hoàng Nguyễn 

 
 
Áp-phich bộ phim “Hungary trong khói lửa – Cuộc chiến đấu của một dân tộc vì tự do”DR

Cách mạng Dân chủ 1956 của Hungary – được coi là cuộc cách mạng tinh khôi nhất và trong trắng nhất trong lịch sử của những biến cố bạo lực, những cuộc chiến tranh thế kỷ XX – đã đi qua và trụ lại trong nền văn học và nghệ thuật nước Hungary nói chung như những trang sử bi thương, hùng tráng và lãng mạn nhất.
Trong ký ức người dân Hungary, đã có không ít hình ảnh, vần thơ, điệu nhạc đọng lại một cách đậm nét về những chàng trai quả cảm của thời khắc 1956, như khắc họa của Szentkúti Ferenc trong thi phẩm Bản hùng ca về một chàng trai Pest : “Tuổi mới chừng 15 mùa xuân cằn cỗi – trong đạn lửa chiến xa Liên Xô – hát vang lời ngợi ca tự do…”
Bộ phim của khát vọng tự do Hungary
Trong số những tác phẩm ấy, cần nhắc lại một chứng nhân động lòng – một bộ phim đã đi vào lịch sử nước Hungary như một sự tri ân bi hùng và đẹp đẽ đối với những anh hùng và liệt sĩ của cuộc cách mạng và cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc Hungary năm 1956. Đó là Hungary trong khói lửa – Cuộc chiến đấu của một dân tộc vì tự do.
“Bộ phim này được thực hiện bởi những nhà làm phim vô danh Hungary, hiện đang sống lưu vong vô tổ quốc, với sự trợ giúp nhiệt tình của các đồng nghiệp Đức, Áo, Pháp và Mỹ. Mục đích của họ là với bộ phim, ước vọng tự do không gì dập tắt nổi, cuộc chiến đấu anh dũng vô song của dân tộc Hungary sẽ trở nên ấn tượng bất diệt và lay động lương tâm thế giới.
Không để để ngần ấy trái tim đổ máu một cách vô ích! Hãy đưa những thước phim này đến với tất cả mọi quốc gia tự do, tới những người xử lý vận mệnh các dân tộc, để họ phải nhận ra, tự vấn bản thân, để họ đừng bao giờ quên: không thể có hòa bình nếu Hungary không được tự do…”
Đó là những lời đầu của bộ phim lịch sử, được quay vào đúng những thời khắc đầy biến động và cam go của biến cố tháng 10/1956 tại Hungary. Sáu nhóm quay phim đã đi khắp thủ đô Budapest và quay được chừng mười ngàn thước phim hết sức quý giá.
Sáng 04/11/1956, đoàn làm phim định chuyển phim qua Vienna cho Hội Hồng Thập tự và các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, như một lời khẩn cầu thế giới trước thảm cảnh của người dân và cuộc khởi nghĩa tại Hungary. Tuy nhiên, mục tiêu được đặt ra – đưa thông tin khách quan và xác tín đến với ngoại quốc để xin được hỗ trợ và thuốc men – đã không thành sự thật.
Rạng sáng hôm đó, Hồng Quân Liên Xô phong tỏa mọi ngả đường Budapest, Hungary tràn ngập chiến xa và đại bác của quân xâm lược và thủ tướng Nagy Imre phải đưa ra lời kêu cứu bi thảm và vô vọng đến thế giới. Trong cảnh rối bời đó, một sự việc hết sức đáng tiếc đã xảy ra: ai đó, trong tâm trạng hoảng hốt, đã bật điện và làm hỏng một phần phim đang được tráng.
Còn lại vài hộp phim, hai sinh viên Cao đẳng Điện ảnh đã mang nó trong chiếc túi đeo vai và đưa sang Áo – những thước phim thiếu đầu thiếu đuôi ấy, về sau, đã trở thành “cột sống” của bộ phim tư liệu kể trên. Được hoàn tất tại München (Tây Đức), Hungary trong khói lửa – Cuộc chiến đấu của một dân tộc vì tự do là một bản tráng ca rạng ngời tình cảm ái quốc và tình yêu tự do, công lý!
Phim cũng nói lên sự đau đớn của một dân tộc bé nhỏ nhưng kiêu hãnh, bị một đại cường chà đạp, trong khi được hưởng thiện cảm và sự khâm phục của người dân trên toàn thế giới. Sau đoạn đầu điểm lại những nét quan trọng nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của Hungary kể từ thời lập quốc, là những hình ảnh đầy chấn động của cuộc cách mạng 1956, bó gọn trong khoảng gần một giờ.
Đặc biệt cảm động là những thước phim về những chàng trai, cô gái Budapest ở độ tuổi 15-25, lực lượng chính của cuộc cách mạng, đã giành giật từng thước đất trước chiến xa Liên Xô. Những Gavroche bên chiến lũy Budapest, đã được vinh danh qua những vần thơ cảm động của Kende Klára : “Hôm qua, mái tóc vàng mượt của con… – Tay mẹ còn dịu dàng ve vuốt… – Hôm nay, vũ khí trong tay – Con ra chiến lũy…”
Còn lại tình yêu
Nhiều cuộc cách mạng đầy bạo lực, nhiều cuộc chiến đẫm máu đã khởi đầu trên tinh thần lãng mạn rất đẹp đẽ, với tâm thức yêu thương (tự do, độc lập…), nhưng cuối cùng, có lẽ, cái còn lại mãi mãi, vẫn chỉ là tình yêu. Như nhiều thế hệ người yêu nhạc Hungary đã nhớ tới 1956 với ca khúc Người con gái nhà Kárpáthy (A Kárpáthyék lánya) của cặp nhạc sĩ tài ba Szörényi Szabolcs – Bródy János.
Trong nhiều năm, bài hát đã bị cấm và chỉ chính thức trở lại với người yêu nhạc vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, với phần trình diễn lắng đọng của Người đàn bà hát Koncz Zsuzsa. Lý do của sự cấm đoán, là bởi ca khúc – giản dị, nhưng đẹp và động lòng cả về nhạc điệu và ca từ – đã ca ngợi tình yêu và sức sống của ký ức yêu thương, vượt qua đạn bom và vượt qua cả thử thách của thời gian.
Người con gái nhà Kárpáthy thuật lại một chuyện tình bi ai thời ly loạn, khi một người con gái mồ côi cha, trưởng thành trong thập niên 1950 ở khu Józsefváros, một vùng bùn lần nước đọng của thủ đô Budapest, đã đánh mất mối tình đầu của mình trong thời khắc 1956 định mệnh ngay trong cuộc gặp gỡ đầu đời tại một tiệm bánh ngọt bên góc phố, khi chàng trai mời cô một lát bánh.
Ngọn lửa tình yêu trong cô vẫn cháy bừng trong cơn bão táp của thời cuộc, ngay cả khi khi bom đạn rơi xuống thành phố và người yêu của cô ra đi không về. Thầm hát trong lòng một bài ca, cô giữ ký ức ấy ngay cả khi đã ra nước ngoài, có chồng đẹp con ngoan ổn yên – nhưng khi màn đêm phủ xuống, trong những khoảnh khắc lặng thinh, cô vẫn ca bài ca cũ và mong chờ người yêu đầu.
Để rồi, khúc ca tự hát “biết ra sao, ngày sau” ấy thúc giục cô trở về nơi xưa chốn cũ, giờ những tòa cao ốc đã thay thế cho cảnh hoang tàn một thuở, để đến lại tiệm bánh ngọt ngày nào, bỏ tiền mua 33 lát bánh để tưởng nhớ mối tình đầu đã xa…
Józsefváros, địa điểm được nhắc tới trong ca khúc, từng là nơi diễn ra nhiều trận chiến anh dũng và ác liệt nhất của những chàng trai, cô gái Pest với vũ khí thô sơ, tự làm, trước lực lượng quân đội chính quy mạnh hơn họ gấp bội.
Ấy vậy mà trong ca khúc, hình ảnh đọng lại, không phải là đạn bom mà là tiệm bánh nơi cặp trai gái yêu nhau với mối tình đầu, đã mời nhau lát bánh; là bài ca mà cô gái thầm hát trong lòng cả cuộc đời, khi chờ đợi cuộc hẹn hò, khi đạn bom máu chảy và người yêu cô không về, và cả trong những đêm không ngủ mong ngóng hình bóng người tình đầu, khi cuộc đời tưởng đã an bài với một gia đình viên mãn nơi xứ người…
Và, 33 năm lao khổ của người Hungary từ cuộc cách mạng 1956 bị đè bẹp đến khi xứ sở này chuyển mình theo con đường dân chủ, giản dị và âm thầm, đã được ghi nhận trong ca khúc như 33 lát bánh mà người phụ nữ đã mua để tưởng nhớ tình yêu đầu…
Có lẽ đó chính là vẻ đẹp tinh khôi và lãng mạn của một cuộc nổi dậy cho tự do và nhân phẩm – cách mạng Hungary 1956.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?