Đảng sẽ ‘đối thoại và đấu tranh’ như thế nào?

29/12/2016

Như thường lệ, cứ cuối năm ngành tuyên giáo lại tổ chức một hội nghị để tổng kết công tác tuyên giáo trong năm. 2016 không phải ngoại lệ.

Đảng sẽ ‘đối thoại và đấu tranh’ như thế nào?
Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ảnh Báo Tuổi Trẻ
Sau một thời gian dài vắng bóng trên mặt công luận đến mức có dư luận vẫn cho là “tân trưởng ban tuyên giáo trung ương”, ông Võ Văn thưởng – ủy viên bộ chính trị trẻ nhất – đã xuất hiện trong hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo trên.

Trong phần phát biểu của mình, ông Thưởng đã nêu ra một yêu cầu có vẻ đáng chú ý: Phải nghiên cứu đẩy mạnh đối thoại, đấu tranh với các cán bộ còn ý kiến, nhận thức khác nhau về những vấn đề của Đảng, đất nước. Theo ông Thưởng, “Gần đây chúng ta ít tranh luận, đấu tranh với những người có ý kiến khác. Đôi khi cũng sợ đụng chạm, nể nang, né tránh. Khi chúng ta mạnh dạn đấu tranh là cũng góp phần củng cố, mài giũa các quan điểm của chúng ta sắc bén và thuyết phục hơn”.

Vậy trong thực tế, công tác ‘đối thoại và đấu tranh’ của đảng với giới bất đồng chính kiến có mang tính thực chất hay không?

Cho tới nay, hầu hết bằng chứng đều cho thấy đảng cùng lực lượng công an trị của mình chỉ chăm bẳm “đấu tranh”, trong đó dùng nhiều biện pháp và thủ đoạn tệ hại đối với những người bất đồng chính kiến, nhưng lại không hề tổ chức đối thoại dù chỉ một lần.

Năm 2014, khi nổ ra vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 của Trung Quốc ở Biển Đông, giới trí thức trong nhóm “Kiến nghị 72” và vài nhóm trí thức khác lại yêu cầu Bộ Chính Trị phải đối thoại để giải quyết dứt khoát vấn đề đối sách với Bắc Kinh. Bộ Chính Trị vẫn im bặt.

Từ năm 2015 đến nay, “Nhóm 61” – một tập hợp mới của một số trí thức đảng viên và những người thuộc phong trào học sinh và sinh viên ở Sài Gòn trước năm 1975 – đã vài lần gửi thư yêu cầu cho Bộ Chính Trị, vẫn về nhu cầu đối thoại và ít nhất “một cuộc gặp.” Nhưng từ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống, không một quan chức nào hồi âm.

Trong hai năm 2014 và 2015, có diễn ra vài lần lãnh đạo cơ quan tuyên giáo và Hội Đồng Nhân Dân TPHCM “mời cà phê” với một số trí thức bất đồng. Cứ tưởng những lãnh đạo này sẽ bắt đầu lắng nghe ý kiến phản biện, và sau đó còn có cơ chế đối thoại thường kỳ, nhưng té ra chỉ là buổi khuyên can “các chú/các anh thôi đừng đi biểu tình làm gì,” hay “không nên gửi thư kiến nghị cho trung ương nhiều quá,” để cuối cùng lại “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo.”
Trường hợp hiếm hoi trong những năm qua là ông Trương Tấn Sang, một nhân vật lãnh đạo có đôi chút tiếp cận với giới trí thức đa chiều và kể cả trái chiều quan điểm. Thời còn là chủ tịch nước, ông thỉnh thoảng chủ động tổ chức một cuộc gặp “anh em trí thức” tại nhà ông, trong đó có những gương mặt có hơi hướng bất đồng. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó, gặp gỡ có vẻ thân tình nhưng phát biểu chung chung, ăn uống với nhau một lát rồi ai về nhà nấy.

Tình hình trên trên đã khiến phát sinh một luồng ý kiến khác, cho rằng đừng hy vọng gì về “bản lĩnh đối thoại” của giới lãnh đạo ngày nay. Họ còn đang phải dành đến 99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ nhau trong nội bộ, lấy đâu ra hơi sức để ngồi nói chuyện với mấy ông trí thức. Mà cứ nghe đến trí thức là họ lại lắc đầu quầy quậy…

Lê Dung 

(SBTN)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù