Tin khắp nơi – 27/12/2016

Tin khắp nơi – 27/12/2016

Ấn Độ thử phi đạn hạt nhân

có tầm bắn tới mục tiêu ở Trung Quốc

NEW DELHI —
Ấn Độ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm lần thứ tư phi đạn hạt nhân liên lục địa Agni-V, có thể bắn trúng mục tiêu xa hơn 5.000 km, khiến khu vực cực bắc của Trung Quốc cũng rơi vào tầm bắn vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.
Phi đạn địa đối địa dài 17,5 mét, nặng 50 tấn đã được bắn thử nghiệm hôm thứ Hai từ đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển bang miền đông Orissa. Phi đạn đã rơi xuống vùng biển gần Úc.
Ông Ajay Lele của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng New Delhi cho biết vụ thử nghiệm nhằm đảm bảo về các hoạt động của phi đạn Agni-V.
Phi đạn Agni đã được phát triển trong thập niên qua. Các thế hệ trước của nó có khả năng bắn tới bất cứ nơi nào ở Pakistan, láng giềng và là đối thủ của Ấn Độ. Hai nước đã trải qua ba cuộc chiến và căng thẳng đang tiếp tục tăng cao giữa hai nước. Pakistan cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích quốc phòng nói phi đạn tầm xa Agni-V đã được phát triển trong sự dòm chừng Trung Quốc, quốc gia mà New Delhi cũng xem là một mối đe dọa.

Obama: ‘Làm tổng tư lệnh là một đặc ân’

Tổng thống Barack Obama hôm Chủ nhật nói được làm tổng tư lệnh Mỹ là “một đặc ân” của đời ông và nói ông vẫn sẽ biết ơn và có nghĩa vụ với các binh sĩ và thân nhân của họ.
Trong chuyến thăm căn cứ Thủy quân lục chiến ở Hawaii vào ngày Giáng sinh, ông Obama nói trước hàng trăm người tụ họp trong một phòng ăn được trang trí bằng cây thông và vòng hoa Giáng sinh rằng “Mặc dù đây là lần cuối cùng tôi nói chuyện với mọi người trong tư cách tổng thống, nhưng tôi muốn mọi người biết rằng với tư cách là một công dân, tôi vẫn rất biết ơn và có nghĩa vụ sát cánh với mọi người trên mỗi bước đường, điều đó sẽ không chấm dứt”.
Ông Obama nói việc phát biểu mừng lễ các binh sĩ và gia đình của họ, trong khi một số người cầm điện thoại chụp ảnh trong lúc ông nói, là một trong những truyền thống yêu thích của ông. Ông cho biết hôm trước đó, ông đã gọi cho các binh sĩ ở nước ngoài và nói với họ rằng người Mỹ ở quê nhà biết là họ đang chiến đấu cho tự do.
Đứng bên cạnh Tổng thống Obama là đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Ông Obama nói khi ông rời nhiệm sở vào tháng Giêng, ông sẽ không trở thành một người xa lạ đối với những binh sĩ đóng quân ở Hawaii, nơi ông đã được sinh ra và vẫn thường đến đây trong các kỳ nghỉ.
“Chúng tôi mong muốn được gặp các bạn trong những năm tới, bởi vì tôi biết là tôi vẫn có chút cấp bậc là cựu tổng thống”, ông Obama đùa. “Vì vậy, tôi vẫn được sử dụng phòng tập thể dục ở căn cứ, và tất nhiên là cả ở sân golf nữa”.

Thủ tướng Nhật đặt vòng hoa

tại các đài tưởng niệm chiến tranh ở Hawaii

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Hai đã đến đặt vòng hoa tại nhiều đài tưởng niệm trước khi gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong ngày hôm nay, thứ Ba 27/12, tại đài tưởng niệm trận Trân Châu Cảng, vinh danh 2.400 người đã bị giết chết trong cuộc tấn công của Nhật Bản năm 1941.
Ông Abe sẽ trở thành vị Thủ tướng Nhật đầu tiên tới viếng đài tưởng niệm Trân Châu Cảng, nhưng các phụ tá của ông nêu rõ rằng mục đích của cuộc viếng thăm này không phải là để xin lỗi về vụ tấn công mà Nhật Bản đã phát động chống nước Mỹ, sự kiện đã đẩy Hoa Kỳ tham gia Thế chiến thứ Hai. Thay vào đó, ông Abe muốn nêu bật sự phát triển của các quan hệ Mỹ-Nhật từ sau cuộc chiến.
Nói chuyện với các nhà báo trước khi rời Nhật Bản, ông Abe nói: “Chúng ta không nên đi theo vết xe cũ đưa tới những tàn phá của chiến tranh thêm một lần nào nữa. Cùng với Tổng thống Obama, tôi muốn nêu bật giá trị của sự hoà giải và gửi đến thế giới lời cam kết đối với tương lai.”
Ông Abe đặt vòng hoa và đứng lặng tại Nghĩa trang Quốc gia Thái Bình Dương, nơi chôn cất các quân nhân Mỹ, nhiều người đã từng phục vụ trong Thế chiến thứ Hai.
Trong số những người yên nghỉ tại đây có ông Daniel Inouye, cựu Thượng nghị sĩ đại diện bang Hawaii. Ông đã từng chiến đấu trong chiến tranh, cha mẹ ông là người di dân đến từ Nhật Bản. Thủ tướng Abe đã đến đặt một vòng hoa riêng tại ngôi mộ ông Inouye.
Thủ tướng Nhật còn đến thăm và đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Ehime Maru, vinh danh 9 người đã thiệt mạng vào năm 2001 khi một tàu ngầm của hải quân Mỹ va vào một tàu đánh cá Nhật.
Trước Thủ tướng Abe, Thủ tướng Nhật cuối cùng ghé thăm Trân Châu Cảng là ông Shigeru Yoshida, ông đã dừng chân ngắn ngủi tại đây vào năm 1951. Chuyến đi được thực hiện trước khi Đài tưởng niệm USS Arizona được xây cất để vinh danh những người đã chết tại địa điểm đó trong cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản.
Tháng Năm năm nay, Tổng thống Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ còn tại chức đầu tiên tới thăm thành phố Hiroshima, nơi các lực lượng Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới, giết chết ước lượng 140.000 người. Dịp này Tổng thống Obama đã đọc một bài diễn văn, nhưng ông cũng không ngỏ lời xin lỗi, mà thay vào đó vinh danh những người đã khuất. Trong bài diễn văn, ông Obama ghi nhận di sản của “sức mạnh khủng khiếp đã được thả ra tại địa điểm này trong quá khứ không mấy xa.”
Nhà lãnh đạo Mỹ nói:
“Chúng ta chia sẻ trách nhiệm phải nhìn thẳng vào lịch sử và tự hỏi chúng ta phải làm gì khác đi để tránh, không bao giờ gây ra những đau khổ như thế nữa.”
Tổng thống Mỹ nói thêm: “Có lẽ trên hết, chúng ta phải tưởng tượng lại sự liên kết giữa chúng ta trong tư cách là những con người với nhau.”

Mỹ yêu cầu du khách cung cấp

thông tin tài khoản mạng xã hội

Chính phủ Mỹ đã bắt đầu yêu cầu một số du khách nước ngoài cung cấp thông tin tài khoản mạng xã hội của họ trong một nỗ lực nhằm xác định những kẻ khủng bố tiềm năng.
Kể từ tuần trước, người nước ngoài đến Mỹ theo chương trình miễn thị thực được yêu cầu xác định những nền tảng mạng xã hội mà họ sử dụng và tên tài khoản của họ.
Mặc dù yêu cầu này không mang tính bắt buộc và giới chức Mỹ nói rằng họ sẽ không từ chối nhập cảnh bất cứ ai từ chối tiết lộ những thông tin này, song việc này đã gây nên phản ứng dữ dội từ những tổ chức vận động cho quyền dân sự và ngành công nghệ cao.
Những tổ chức như Liên minh Những Quyền Tự do Dân sự Mỹ và Trung tâm Dân chủ và Công nghệ cảnh báo rằng yêu cầu này có thể cho chính phủ “cổng vào một số lượng khổng lồ những biểu đạt và những liên hệ trên mạng của người dùng, có thể phản ánh những thông tin hết sức nhạy cảm về quan điểm, niềm tin, danh tính và cộng đồng.”
Những người chỉ trích cũng cảnh báo rằng chương trình này có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào người Ả-rập và người Hồi giáo và khiến họ bị săm soi quyết liệt.
Hiệp hội Internet, tổ chức đại diện những công ty như Facebook, Twitter và Google, lập luận rằng chính sách mới đe dọa quyền tự do biểu đạt.
Hiện du khách đến từ 38 quốc gia có thể sử dụng chương trình miễn thị thực cho phép họ du hành và ở lại Mỹ cho đến 90 ngày mà không cần visa.

Thái Lan bắt giữ thêm những tin tặc

tấn công website của chính phủ

Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ hơn chín người xâm nhập máy tính của chính phủ theo sau một làn sóng những vụ tấn công mạng nhắm mục tiêu phản đối một luật mới hạn chế việc sử dụng Internet.
Cảnh sát cho biết một trong những người bị bắt, Natdanai Kongdee, bị buộc tội liên quan đến những vụ tấn công khiến một số website của chính phủ bị chặn cũng như dữ liệu của chính phủ bị rò rỉ. Họ nói Natdanai, 19 tuổi, một tin tặc cấp thấp chứ không phải là người cầm đầu những vụ tấn công, đã thú nhận thực hiện những vụ tấn công tin tặc.
Natdanai xuất hiện tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai cùng với giới chức Thái Lan. Họ mô tả anh ta và những tin tặc trẻ tuổi khác là những người ngây thơ bị lừa làm những việc này.
“Sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ nữa,” Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan cho biết.
Những tin tặc nói rằng họ đang phản đối những sửa đổi gần đây đối với Đạo luật Tội phạm Máy tính của đất nước mà những nhà hoạt động nói sẽ là một trở ngại cho danh tiếng của Thái Lan là nước dẫn đầu trong khu vực về tự do ngôn luận.
Những sửa đổi mới sẽ cho phép chính phủ Thái Lan kiểm duyệt những website và chặn giữ những trao đổi liên lạc mà không cần lệnh của tòa án. Những sửa đổi này cũng áp đặt mức tiền phạt nặng và án tù trong những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, phỉ báng và lừa đảo trên mạng, với án tù lên đến năm năm.
Gần 400.000 người ở Thái Lan đã ký một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ không xúc tiến những sửa đổi này. Những người chỉ trích luật này nói nó cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chính trị trước cuộc bầu cử toàn quốc theo lịch trình diễn ra vào cuối năm 2017.
Giới chức Thái Lan nói rằng những thay đổi trong luật này nhắm mục tiêu vào nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số, trong khi bảo vệ quyền của người dân khỏi bị xâm phạm trên truyền thông xã hội và kỹ thuật số.

Indonesia tăng cường chống khủng bố

sau vụ giết 2 chiến binh

Nhà chức trách Indonesia cho biết đang có kế hoạch tăng cường các hoạt động chống khủng bố sau khi giết chết hai chiến binh trong một cuộc đấu súng vào ngày Giáng sinh. Hai người này bị tình nghi đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công vào một đồn cảnh sát.
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Rikwanto cho biết các nhà điều tra đang nỗ lực để lấy thêm thông tin về các cuộc tấn công đã được dự tính từ ít nhất 14 nghi can khủng bố có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo đã bị bắt trong những tuần gần đây.
Âm mưu khủng bố mới nhất đã bị thất bại sau khi cảnh sát bắt giữ hai chiến binh, dẫn tới nơi ẩn náu của chúng và tại đây cảnh sát đã bắn chết hai chiến binh khác sau khi những kẻ này tấn công lại cảnh sát bằng dao phay. Ông Rikwanto cho biết bốn chiến binh đã lên kế hoạch tấn công vào một đồn cảnh sát ở Purwakarta, khu vực cách thủ đô Jakarta khoảng 100 km về phía đông.
Cuộc đột kích là vụ mới nhất trong những tuần gần đây đã ngăn chặn được các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch, làm gia tăng mối lo ngại là các chiến binh ở đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này đang ngày càng liều lĩnh hơn.
Hồi tuần trước, cảnh sát cho biết các nghi can khủng bố bị giam giữ đang được thẩm vấn về âm mưu đánh bom dinh tổng thống ở Jakarta và một cơ sở khác tại một địa điểm bí mật. Cả hai âm mưu trên đều có liên quan đến những phụ nữ đánh bom tự sát, một chiến lược mới của các chiến binh ở Indonesia.
Cảnh sát vẫn đang cố gắng xác định xem liệu các chiến binh tham gia vào âm mưu đã bị ngăn chặn hôm Chủ nhật có chế tạo các thiết bị nổ hay không.
Các nghi can đều là thành viên của Jamaah Ansharut Daulah (JAD), một nhóm ủng hộ Nhà nước Hồi giáo.

Nhà chức trách: Lỗi của con người

dẫn đến vụ tai nạn máy bay ở Colombia

Nhà chức trách hàng không Colombia hôm thứ Hai nói rằng lỗi của phi công, của hãng hàng không và của những nhà quản lý Bolivia đã dẫn tới vụ tai nạn máy bay tại Colombia làm thiệt mạng 71 người hồi tháng trước, bao gồm hầu hết đội bóng đá Chapecoense của Brazil.
Chiếc máy bay, điều hành bởi hãng hàng không LaMia ở Bolivia, đâm vào một sườn đồi nhiều cây gần thành phố Medellin bởi vì phi công đã không tiếp nhiên liệu dọc đường và đã không báo cáo việc động cơ bị trục trặc do thiếu nhiên liệu cho đến khi đã quá muộn, theo lời nhà chức trách.
Bộ trưởng An toàn Hàng không Colombia, Đại tá Freddy Bonilla, nói với các nhà báo: “Không có yếu tố kỹ thuật trong vụ tai nạn, tất cả mọi thứ liên quan đều là lỗi của con người, cộng thêm yếu tố quản lý trong hoạt động quản trị của công ty và việc tổ chức kế hoạch bay của nhà chức trách ở Bolivia.”
Giới hữu trách hàng không ở Bolivia và hãng hàng không “chấp nhận những điều kiện được trình bày trong kế hoạch bay vốn không thể chấp nhận được,” ông Bonilla nói thêm.
Ngoài việc thiếu nhiên liệu, máy bay đã vượt quá giới hạn trọng lượng của nó gần 400kg và không được chứng nhận bay ở độ cao mà tại đó hành trình này diễn ra, theo lời ông Bonilla.
Kết luận điều tra sơ bộ của Colombia trùng khớp với tuyên bố của chính quyền Bolivia tuần trước rằng công ty LaMia và phi công của máy bay chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ tai nạn.

Nam Hàn hy vọng

ông Ban Ki-moon tranh cử tổng thống

Tin từ Seoul, Nam Hàn, cho hay một số đại biểu thuộc đảng Tân Thế Giới đương quyền sẽ đứng ra thành lập đảng mới, hy vọng ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhận lời tham gia và ra tranh cử tổng thống.
Ông Yoo Seong-min, một trong những thành viên của đảng mới cho hay đảng sẽ mang tên là Đảng Tân Bảo Thủ Đổi Mới, quy tụ những đại biểu quốc hội từng làm việc với đảng do bà tổng thống Park Geun-hye điều hành.
Hôm mùng 9 tháng này, Quốc Hội Nam Hàn đã bỏ phiếu bãi chức bà Park. Bà hiện phải tạm rời khỏi vai trò lãnh đạo quốc gia, trong thời gian chờ đợi tòa hiến pháp quyết định có đồng ý với quốc hội hay không.
Nếu tòa đồng ý, bà Park sẽ chính thức bị bãi chức và cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 180 ngày sau đó. Trong trường hợp tòa không đồng ý, bà Park sẽ trở lại cương vị của nhà lãnh đạo cho tới cuối năm 2017, sau khi cử tri chọn tổng thống mới.
Ông Ban Ki-moon, 72 tuổi, từng là ngoại trưởng Nam Hàn trước khi lãnh nhận vai trò tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ông sẽ mãn nhiệm vào ngày 31 tháng 12 tới đây, và được dự đoán sẽ trở về nước để tranh cử tổng thống.

Korean Air kiên quyết xử lý hành khách gây rối

Hãng hàng không Korean Air cho biết các hướng dẫn sẽ được sửa lại để phi hành đoàn phản ứng “kiên quyết và tích cực chống lại bạo lực trên máy bay”, sau khi phải đối mặt với những lời chỉ trích trong việc xử lý sự cố trong chuyến bay.
Ca sĩ người Mỹ Richard Marx nói vào tuần trước rằng ông đã can thiệp để giúp khống chế một hành khách gây rối trên chuyến bay của hãng Korean Air từ Hà Nội đến Seoul.
Tổ bay “thiếu đào tạo” và “thiếu trang bị”, ông Marx nói.
Hãng hàng không cho biết họ sẽ xem xét việc sử dụng súng Taser trong chuyến bay.
“Korean Air sẽ phản ứng kiên quyết và tích cực hơn trong việc chống lại bạo lực trên chuyến bay, việc có thể đe dọa sự an toàn tổng thể của chuyến bay,” họ nói trong một tuyên bố.
Như một phần trong những thay đổi, hãng cho biết sẽ đào tạo tổ bay hơn nữa và tuyển dụng nhiều tiếp viên hàng không là nam giới hơn, đảm bảo ít nhất một nam tiếp viên làm nhiệm vụ trên mỗi chuyến bay, theo hãng tin Reuters.
Vợ của ông Marx, bà Daisy Fuentes, người đi cùng ca sĩ này, cho biết các nhân viên “không biết sử dụng súng điện như thế nào” hoặc cách buộc dây trói.
Taser là một tên thương hiệu súng điện thường được sử dụng.
“Chúng tôi quyết định cải thiện điều kiện và thủ tục về việc sử dụng súng điện Taser để đối phó với các hành vi bạo lực và làm loạn trong chuyến bay một cách nhanh chóng và hiệu quả,” họ nói thêm, nhưng không nói rõ thêm các quy tắc sẽ thay đổi như thế nào.
Hãng hàng không cho biết, theo quy định hiện hành, súng điện chỉ được phép sử dụng trong các tình huống “nghiêm trọng” – khi sự an toàn của chuyến bay hay mạng sống của hành khách và phi hành đoàn gặp nguy hiểm.
Điều này có nghĩa là phi hành đoàn đã “lưỡng lự” khi sử dụng thiết bị này, hãng nói thêm.
Từng hãng hàng không có các chính sách riêng của mình về những thiết bị họ mang theo trên chuyến bay để kiềm chế hành khách.
Các hãng hàng không mà đài BBC liên lạc không sẵn lòng cung cấp chi tiết những bộ thiết bị này bao gồm những gì, vì lý do an ninh.

Vụ tấn công Berlin:

tài xế ‘bị bắn nhiều giờ trước’

Tài xế người Ba Lan Lukasz Urban đã bị bắn vào đầu một vài giờ trước khi kẻ tình nghi là chiến binh thánh chiến Anis Amri đâm xe tải của ông vào một đám đông hôm 19/12, truyền thông Đức trích dẫn kết quả khám nghiệm tử thi.
12 người bao gồm cả ông Urban thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Ông Urban bị đâm và được ca ngợi là người hùng do những thông tin rằng ông đã ngăn Amri gây ra nhiều cái chết hơn nữa.
Nhưng các bác sĩ bác bỏ khả năng ông còn tỉnh táo, tờ báo Bild cho biết.
Các kết luận từ việc khám nghiệm tử thi ông Urban cho thấy ông đã bị bắn vào đầu giữa 16:30 và 17:30 và mất rất nhiều máu, theo bản báo cáo. Chủ xe, cũng là anh họ của ông Urban cho biết đã mất liên lạc với ông ấy vào khoảng 16:00.
Cuộc tấn công vào khu chợ tại Breitscheidplatz diễn ra ngay sau 20:00, và ông có thể vẫn còn sống lúc ở ghế hành khách, tuy vậy không có khả năng nắm tay lái, tờ báo Bild cho biết thêm.
Lukasz Urban, 37 tuổi, đã đậu chiếc xe tải 40 tấn tại Berlin, chờ đợi để dỡ một lô hàng thép dầm vào ngày hôm sau. Một đơn thỉnh cầu kêu gọi trao giải thưởng sau khi qua đời cho ông đã thu được 38.000 chữ ký vào thứ Ba.
Anis Amri, sinh ra tại Tunisia, 24 tuổi, cuối cùng đã bị bắn chết bởi một viên cảnh sát Ý gần Milan vào ngày 23 tháng 12, sau khi anh ta đi từ Berlin qua Pháp. Anh ta đăng một đoạn video cam kết trung thành với người đứng đầu nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Các nhà điều tra đang cố gắng tìm hiểu xem anh ta có đồng phạm hay không, và cảnh quay CCTV đã cho thấy anh ta tại nhà ga Lyon Part-Dieu, trước khi anh ta dường như đã lên một chuyến tàu đi qua Chambery để đến Milan.
Không rõ cách Amri đi từ Berlin qua Pháp mà không bị cảnh sát phát hiện. Vé tàu được mua bằng tiền mặt được tìm thấy trên thi thể của anh ta sau khi anh ta bị bắn chết bởi một viên cảnh sát Ý.
Cảnh sát đã đưa ra một tấm ảnh của Amri tại nhà ga trung tâm Milan, ba giờ trước khi anh ta chĩa súng vào một cảnh sát bên ngoài Milan và đã bị bắn chết.
Họ đã chắp nối cuộc hành trình của anh ta từ lúc đầu tiên đến Turin, sau đó đi một tàu khác tới Milan, nơi anh ta đi xe buýt đường dài tới vùng ngoại ô phía đông bắc của Sesto San Giovanni.
Nhà chức trách đang cố gắng tìm hiểu xem anh ta có liên lạc với bất kì ai ở Ý không và điểm đến tiếp theo là gì.
Ba người đang bị giam giữ bởi chính quyền Tunisia, trong đó có một người cháu trai, người đã liên lạc với Amri qua ứng dụng mạng xã hội Telegram.
Yêu cầu tị nạn của Amri ở Đức bị từ chối và mặc dù anh ta được chỉ định bởi các cơ quan chức năng là một mối nguy hiểm tiềm năng, họ đã mất dấu anh ta.
Anh ta được phân hạng là “gefaehrder”, được coi là một nguy cơ nghiêm trọng nhưng không có bằng chứng cụ thể. Chính quyền Đức đã cho 549 người vào danh sách cảnh báo này.

Madagascar:

Đầu tư Trung Quốc bị cư dân ghét bỏ

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia đang phát triển hầu như có một mẫu số chung, đó là thường bị dân chúng tại những nơi đó chống đối : từ những vườn chuối tại Lào chẳng hạn, hay mỏ đồng, đập thủy điện ở Miến Điện, cho đến các mỏ, công trình ở Châu Phi… Ác cảm của cư dân địa phương đối với Trung Quốc ngày càng lớn. Phóng viên AFP đã minh họa hiện tượng này với bài phóng sự thực hiện tháng 12/2016 tại Madagascar.
Phóng viên AFP đã đến thành phố nhỏ Soamahamanina, ở vùng trung bộ Madagascar, nơi mà trong nhiều tháng trời, cư dân đã xuống đường phản đối đề án của một tập đoàn Trung Quốc tại đây: Cứ đều đặn mỗi thứ Năm là họ biểu tình chống tập đoàn Jiuxing muốn khai thác mỏ vàng trong vùng và trong vòng 40 năm.
Đối với cư dân tại đây đề án này sẽ tác hại đến việc canh tác của họ, nhưng bên cạnh lý do khách quan đó, người dân tại đây cũng không che giấu nguyên nhân khiến họ phản đối : Đó là vì đó là tập đoàn của người Trung Quốc.
Phản đối của dân cư mạnh đến nỗi mà mỏ vàng chưa mở thì người tập đoàn đưa đến đã phải rút lui: Vào một ngày tháng 10 vừa qua, họ đã âm thầm rút đi, dân chúng chỉ thấy những lều trại trống rỗng và dưới đất chỉ là những đầu thuốc lá Trung Quốc.
« Madagascar đâu phải là của Trung Quốc ? Cho khai thác 40 năm không khác gì bán nước ! »
Một sinh viên ở Soamahamanina, Fenohasina tỏ ra gay gắt : « Đảo Madagascar là của người dân Madagascar chứ không phải của Trung Quốc hay nơi nào khác ». Một cô bán hàng trả lời AFP cho là « cho khai thác 40 năm, không khác gì bán đất nước. »
Ác cảm này ngày lan rộng trong dân chúng, đến nỗi những người đã chấp nhận bán đất cho tập đoàn Trung Quốc giờ đây lại lấy làm tiếc vì bị người chung quanh chỉ trích là ‘bán nước’.
Nhưng cũng có người, như ông Rakotondrazafy, quản đốc công trường làm việc cho Jiuxing Mines, bào chữa : « Có những người ở ngoài xúi giục người ở Soamahamanina không thích người Trung Quốc. Có vấn đề chính trị trong vụ này. »
Nhưng trước làn sóng phản đối, tập đoàn Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác là rút lui. Người phát ngôn của Jiuxing giải thích : « Tập đoàn nghĩ là có quyền ở lại, nhưng vì muốn tình hình xã hội yên ổn, chúng tôi thấy nên rút lui, nhưng hy vọng sẽ trở lại trên cơ sở mới, sửa chữa những lỗi lầm trước đây. »
Hy vọng là vậy, nhưng theo bài phóng sự, không chắc là Jiuxing có thể nhanh chóng trở lại đây. Một bộ phận dân chúng tuyệt đối không chấp nhận. Marie Rasoloson, một người cương quyết chống đối nhắn nhủ: « Chúng tôi muốn nói với chính phủ là phải suy nghĩ lại, những kẻ lớn trên thế giới chỉ muốn thao túng chúng ta và phá hoại đât nước chúng ta ».
Dân chúng nói thẳng là không thích Trung Quốc
Theo phóng viên AFP, tại thành phố nhỏ như Soamahamanina cũng như ở các thành phố lớn trên khắp Madagascar, người dân ngày càng công khai nói thẳng là không ưa thích người Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của họ.
Chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã áp đặt sự hiện diện hùng hậu ở Madagascar, trở nên đối tác thương mại quan trọng nhất : 800 công ty hoạt động tại đây, 60.000 công dân Trung Quốc đã đến định cư ở đây. Từ đề án khai thác nông nghiêp, đến công nghiệp, khách sạn, trường học, bệnh viện, đường xá, Bắc Kinh cho biết đã đầu tư hơn 740 triệu đô la ở Madagascar. Tại đây 90% dân chúng sống dưới ngưỡng nghèo khó, tiền Trung Quốc đổ vào đã giúp phát triển được hạ tầng cơ sở.
Có điều, cũng như ở nơi khác ở Châu Phi, việc Trung Quốc ồ ạt đổ vào nơi đây đã làm đảo lộn thế cân bằng kinh tế, môi trường và xã hội, gây ra va chạm.
Ngay năm 2011, cảnh sát đã phải can thiệp để tránh biểu tình bạo động nổi lên ở khu phố người Trung Quốc ở thủ đô Antananarivo, do việc một thương nhân Trung Quốc đánh 2 nhân viên người Madagascar.
Năm 2014, vụ nhân công đòi tăng lương ở một xưởng sản xuất đường ở Morondova, đã dẫn đến 6 người chết. Đại sứ quán Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại và cảnh cáo chính quyền Madagascar về hình ảnh xấu của nước này đối với hợp tác và đầu tư.
Người Trung Quốc làm ăn tại chỗ không biết cư xử
Một trong những nguyên nhân khiến người Madagascar nhìn người Trung Quốc một cách không thiện cảm đó là do vấn đề cư xử. Một nhân viên làm việc cho công ty Trung Quốc nhận xét: « Vấn đề đối với người Trung Quốc là họ không hiểu người khác, người nước khác. Họ đến đông đảo, nhưng sống tách biệt, quanh quẩn trong cộng đồng của họ. Ở đây thì họ không hiểu người Madagascar, cho nên không cư xử đúng đắn, dễ có va chạm ».
Lãnh đạo Madagascar rất ý thức về ác cảm này đối với Trung Quốc, và cố tìm cách làm dịu tình hình. Chủ tịch đảng cầm quyền, ông Rivo Rakotovao chủ trương “phải tránh bằng mọi giá sự kỳ thị, rất dễ khơi lên nhưng khó dập tắt.”
Gần đây, khi khánh thành một con lộ do Trung Quốc xây, tổng thống Hery Rajaonarimampianina, đã lớn tiếng hoan nghênh « bàn tay trợ giúp » của Bắc Kinh đối với đất nước ông. Đáp lại, đại sứ Trung Quốc hứa hẹn tăng cường hợp tác hai bên cùng có lợi với Madagascar.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng tìm cách trấn và nêu bật kết quả hợp tác kinh tế : « Các công ty Trung Quốc hội nhập tốt, nhân viên sử dụng đến 90% là người tại chỗ, và đã tạo được 17.000 công việc làm. Trung Quốc rất chú trọng đến trách nhiệm xã hội của mình ».
Nhưng giới doanh nhân Madagascar thì nghĩ sao về « trách nhiệm xã hội » này của Trung Quốc ?
Theo AFP bị sự canh tranh của Trung Quốc đè bẹp, nhiều người xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Một doanh nhân giải thích : « Họ (công ty Trung Quốc) mua số lượng lớn, giá tốt, chúng tôi chỉ còn lại vật thừa, lại còn phải trả giá cao. Tương lai quả không sáng sủa gì. »

Thổ Nhĩ Kỳ xử cảnh sát từ chối

bảo vệ tổng thống trong vụ đảo chính hụt

Hôm nay 27/12/2016, tại Thổ Nhĩ Kỳ khai mạc phiên tòa đầu tiên tại Istanbul liên quan đến vụ đảo chính hụt ngày 15/07. Khoảng 30 cảnh sát bị truy tố vì đã không bảo vệ tổng thống Erdogan.
Theo AFP, chính xác là 29 viên cảnh sát bị xét xử vì đã từ chối tuân theo mệnh lệnh bảo vệ tổng thống trong đêm diễn ra vụ đảo chính. 21 bị cáo có thể bị phạt tù tới chung thân, còn tám người khác đến 5 năm tù. Ngoài việc không tuân lệnh bảo vệ tổng thống, một số bị cáo còn bị cáo buộc đã tung lên các mạng xã hội nhiều thông tin nhằm làm nản lòng dân chúng chống đảo chính.
Trước phiên tòa này, một số vụ xử nhỏ đã bắt đầu diễn ra tại các địa phương. Sau phiên tòa Istanbul, sẽ có một phiên tòa xét xử 47 người bị cáo buộc mưu sát ông Erdogan. Phiên tòa đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong bốn ngày.
Sau vụ đảo chính hụt, chính quyền Erdogan tiến hành chiến dịch đàn áp chưa từng có, khoảng 41.000 người bị bắt trong hàng loạt vụ thanh trừng. Chính quyền Thổ cáo buộc giáo sĩ Gullen, người đang sống tại Hoa Kỳ, đứng sau vụ đảo chính.
Phương Tây lo ngại đàn áp quy mô lớn hậu đảo chính. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu, xấu đi rất nhiều. Giới bảo vệ nhân quyền tố cáo chính quyền Ankara, nhân các cuộc thanh trừng nhắm vào những người bị tình nghi đảo chính, đã tấn công các phương tiện truyền thông và những người ủng hộ cộng đồng Kurdistan.
Phiên toà diễn ra tại nơi xử vụ Ergenekon
Vụ xử hôm nay diễn ra tại phòng xử án Silivri, cách trung tâm Istanbul khoảng 50 km. Tòa nhà được xây dựng để làm nơi tổ chức xử vụ án nổi tiếng « Ergenekon » (tên một thung lũng huyền thoại, được coi là nơi phát tích của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ), tên của một mạng lưới bị cáo buộc âm mưu đảo chính năm 2013.
Khoảng 275 người – gồm các nhà báo, sĩ quan, luật sư, nhà giáo – đã bị kết án tù, vì tội âm mưu chống lại ông Erdogan, lúc đó là thủ tướng. Tuy nhiên, sau đó, phần lớn đã được trắng án.

Indonesia : Tòa chấp thuận điều tra

thống đốc bị cáo buộc ‘‘báng bổ’’ đạo Hồi

Hôm nay, 27/12/2016, một tòa án địa phương tại Indonesia đã khẳng định việc điều tra thống đốc vùng thủ đô Jakarta, vì các lời lẽ bị cáo buộc xúc phạm Hồi Giáo, là hợp lệ. Theo giới quan sát, phiên tòa xét xử viên thống đốc người Thiên Chúa Giáo bị cáo buộc báng bổ đạo Hồi, sau những lời đáp trả những giáo sĩ Hồi Giáo dùng kinh Coran để vận động tranh cử, là một trắc nghiệm quan trọng đối với nền dân chủ Indonesia, quyền tự do tôn giáo và thể chế chính trị thế tục non trẻ của quốc gia này.
Thông tín viên Joel Bronner tường trình từ Jakarta:
Vào 9 giờ, giờ địa phương, ông Basuki Thahaja Purnama, mà mọi người gọi là ‘‘Ahok’’, xuất hiện tại một tòa án cấp huyện ở phía bắc Jakarta. Trước các chớp đèn máy ảnh và hàng chục điện thoại cầm tay, người thống đốc vùng thủ đô cố nở nụ cười. Phiên xử được truyền hình trực tiếp. Đối diện với năm thẩm phán, Ahok dường như cô độc, hết sức cô độc. Nếu bị kết tội, ông có thể bị phạt tù. 
Kể từ tháng 9 vừa qua, thống đốc vùng Jakarta bị cáo buộc tội báng bổ, điều mà ông phủ nhận. Cáo buộc được đưa ra sau khi ‘‘Ahok’’ chỉ trích những người đối lập, trích dẫn kinh Coran để kêu gọi bỏ phiếu chống lại ông trong kỳ bầu cử tới. Thống đốc Jakarta tuyên bố lời giải thích của một số ulema – tức các nhà thần học Hồi Giáo – về một đoạn kinh Coran, theo đó một tín đồ Hồi Giáo chỉ có thể bầu cho một lãnh đạo Hồi Giáo là sai lầm.
Các thông điệp nói trên của thống đốc Jakarta, được đưa lên mạng, đã gây ra những làn sóng phản kháng dữ dội của các thành phần Hồi Giáo bảo thủ (với hàng trăm ngàn người tham gia), tại một quốc gia mà gần 90% trong số 255 triệu dân cư theo đạo Hồi. 
Một giờ sau khi phiên tòa khai mạc, các thẩm phán ra phán quyết : cuộc điều tra nói trên được coi là hợp pháp, và vụ án tiếp tục được thụ lý. Một quyết định làm hài lòng hàng trăm người Hồi Giáo cuồng nhiệt tập hợp trước cửa tòa án để gây áp lực. Chính do ảnh hưởng của họ, với nhiều cuộc biểu tình chống ‘‘Ahok’’, mà phiên tòa này đã diễn ra.
Rời nơi xử án vì lý do an ninh
Theo báo International Business Times, để bảo đảm an ninh cho ông Ahok, Tòa Án Tối Cao Indonesia phải ra quyết định chuyển nơi xét xử từ Tòa án trung tâm Jakarta về một trụ sở của bộ Nông Nghiệp ở phía bắc thủ đô.
Ông Basuki Thahajia Purnama, sinh năm 1966, là thống đốc thứ hai theo đạo Thiên Chúa, và người gốc Hoa. Thống đốc Ahok là nghị sĩ Quốc Hội Indonesia, không thuộc đảng phái nào.
Thống đốc Ahok, cầm quyền từ cuối năm 2014, được nhiều ủng hộ trong dân chúng. Báo Jakarta Post cho biết hiện những người ủng hộ ông lập trang mạng ahokfornobel.com, kêu gọi hậu thuẫn việc đề cử thống đốc Jakarta làm ứng viên giải Nobel Hòa Bình.
Theo những người ủng hộ, ông Ahok là một nhà lãnh đạo cải cách, tận tâm vì việc công, không theo đạo Hồi, nên ông liên tục trở thành mục tiêu tấn công của phái Hồi Giáo cực đoan. Ông Ahok có nhiều khả năng tái đắc cử thống đốc Jakarta trong lần bầu cử tới.
Theo viên chánh án phiên tòa hôm nay, thống đốc Jakarta có quyền khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn, nếu không chấp nhận phán quyết vừa qua.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù