Tin khắp nơi – 29/12/2016

Tin khắp nơi – 29/12/2016

Clinton, Obama dẫn đầu

danh sách những người được ngưỡng mộ nhất

Dù thất cử nhưng bà Hillary Clinton vẫn là người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất tại Mỹ cho năm thứ 15 liên tiếp, theo danh sách những người được ngưỡng mộ nhất mà Gallup công bố.
12 phần trăm những người được hỏi lựa chọn cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ. Bà Clinton đứng đầu danh sách này 21 lần, nhiều hơn bất kỳ người phụ nữ nào.
Người phụ nữ được ngưỡng mộ thứ hai là Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama với 8 phần trăm.
Những người còn lại trong danh sách bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Oprah Winfrey, Ellen DeGeneres, Nữ hoàng Elizabeth, người vận động nhân quyền Malala Yousafzai, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren và cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin.
Tổng thống Mỹ Barack Obama là người đàn ông được ngưỡng mộ nhất, theo Gallup. Tổ chức khảo sát này cho biết 22 phần trăm những người được hỏi chọn ông Obama, và 15 phần trăm chọn Tổng thống đắc cử Donald Trump cho vị trí thứ hai. Đây là lần thứ chín ông Obama đứng đầu danh sách này.
Tổng thống đương nhiệm thường là những người được ngưỡng mộ nhất, theo Gallup, nhưng đã có những trường hợp ngoại lệ. Năm 2008, ông Obama giành ngôi vị này của ông George W. Bush.
Trong số 10 người đàn ông được ngưỡng mộ nhất có Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, Mục sư Billy Graham, Bill Clinton, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bill Gates và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence.

Chính quyền Obama loan báo

biện pháp chế tài mới nhắm vào Nga

Chính quyền Obama vừa loan báo trừng phạt Nga để đáp lại những cáo buộc Nga tấn công tin tặc và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11.
Giới chức nói rằng Mỹ đang trục xuất 35 nhân viên tình báo của Nga và áp đặt chế tài lên hai cơ quan tình báo hàng đầu của nước này.
Chính quyền Obama muốn những biện pháp trừng phạt này đi vào hoạt động trước khi Tổng thống rời nhiệm sở trong chưa đầy ba tuần nữa.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã lên án việc Mỹ áp đặt những chế tài mới.
“Thành thật mà nói, chúng tôi đã mệt mỏi về những lời nói dối về ‘tin tặc Nga’ vẫn tiếp tục phát đi từ hàng ngũ chóp bu của chính phủ Mỹ,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư. “Chính quyền Obama đã phát động chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lạc này cách đây nửa năm trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy ứng cử viên ưa thích của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Không đạt được kết quả mong muốn, giờ họ đang tìm kiếm cái cớ cho sự thất bại của chính mình, vì thế giáng một đòn kép mối quan hệ Nga-Mỹ,” tuyên bố nói thêm.
Thậm chí nếu những chế tài mới được áp đặt thành công, vẫn chưa rõ liệu chúng có được tiếp tục duy trì bởi chính quyền Trump sau khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 hay không.
Lindsey Graham, một thượng nghị sĩ Cộng hòa có tiếng, hôm thứ Tư nói rằng Nga chắc chắn đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và sẽ phải chịu những chế tài mạnh tay của Mỹ.

Thủ Tướng Israel đả kích NT Mỹ,

bênh vực các khu định cư Do thái

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ sắp từ nhiệm John Kerry đã trình bày quan điểm của ông về một giải pháp lâu dài và khả thi cho cuộc tranh chấp giữa Israel và người Palestine. Trong một bài diễn văn dài một tiếng đồng hồ hôm thứ Tư 29/12, ông Kerry cảnh báo rằng giải pháp hai quốc gia đang lâm nguy, và rằng giải pháp một quốc gia không phục vụ các quyền lợi tốt nhất của Israel.
Ông Kerry nói những người ủng hộ việc mở rộng các khu định cư của Israel trên vùng Bờ Tây và Đông Jerusalem đang định hình tương lai của Israel.
“Họ tin tưởng vào một quốc gia duy nhất: đó là một nước Israel rộng lớn. Quả thật, một nhân vật được nhiều người biết tiếng, đứng đầu một chính đảng ủng hộ người định cư, mới đây sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã tuyên bố rằng ‘thời đại của giải pháp 2 quốc gia đã kết thúc.’”
Trong chiến dịch vận động tái tranh cử của ông vào năm 2015, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu cam kết rằng chừng nào ông còn nắm quyền, thì sẽ không có quốc gia Palestine nào thành hình. Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ kiên quyết hậu thuẫn Israel một khi ông lên nhậm chức.
Ngoại Trưởng Kerry lập luận rằng “một nước Israel rộng lớn” sẽ không bao giờ thấy hoà bình.
“Có một con số ngang hàng người Do thái và người Palestine sinh sống trong vùng lãnh thổ giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải. Họ có một sự chọn lựa: họ có thể chọn chung sống trong một quốc gia, hoặc chia cắt và sống trong 2 nước khác nhau. Nhưng đây là một sự thực căn bản: nếu giải pháp được chọn là một quốc gia, thì Israel có thể hoặc là một nước Do thái, hoặc là một nước dân chủ. Israel không thể cùng lúc là cả hai, và sẽ không bao giờ thực sự có hoà bình.”
Ông Kerry nói Hoa Kỳ trong thời gian qua, đã hậu thuẫn Israel nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, và rằng cả hai nước đều phải tôn trọng các giá trị dân chủ mà chính mình đã tuyên bố.
Ông Kerry phát biểu:
“Chúng ta không thể nào phòng vệ đúng mức và bảo vệ Israel nếu chúng ta cho phép giải pháp 2 quốc gia, một giải pháp khả thi, bị huỷ hoại ngay trước mắt chúng ta.”
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lập tức phản ứng, chỉ trích bài diễn văn của ông Kerry là thiên vị.
“Điều mà ông Kerry bỏ nhiều thời giờ ra nhất trong bài diễn văn của ông ấy là quy lỗi cho Israel về tình trạng thiếu vắng hoà bình, bằng cách lên án một cách cuồng nhiệt một chính sách đã cho phép người Do thái sinh sống nơi quê hương lịch sử của họ và tại Jerusalem, thủ đô vĩnh viễn của Israel.”
Theo giải pháp 2 quốc gia, Jerusalem là thủ đô của cả Israel và của một quốc gia Palestine tương lai. Một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mới đây lên án các công trình xây cất của Israel tại khu vực Đông Jerusalem, nơi có thể trở thành thủ đô của một nước Palestine tương lai.
Ông Netanyahu nói Israel sẽ giải quyết những khác biệt còn tồn đọng với người Palestine qua các cuộc thương thuyết song phương.

Mỹ sẽ trả đũa

vụ tin tặc Nga tấn công cuộc bầu cử Mỹ

Hôm thứ Năm 29/12, chính phủ của Tổng thống Obama dự tính loan báo hàng loạt biện pháp để trả đũa Nga về vụ xâm nhập mạng của các tổ chức và chính trị gia Mỹ, và rò rỉ thông tin với mục đích giúp ông Donald Trump và các ứng cử viên đảng Cộng hòa khác, theo Reuters dẫn nguồn tin từ hai giới chức Mỹ cho biết hôm thứ Tư.
Cả hai giới chức này đều từ chối, không nêu cụ thể các biện pháp mà Tổng thống Obama đã phê duyệt, nhưng cho biết trong các bước đã được thảo luận có các biện pháp chế tài kinh tế, công bố cáo trạng, rò rỉ thông tin gây lúng túng cho các giới chức hay tập đoàn đầu sỏ chính trị Nga, cũng như một số hạn chế đối với các nhà ngoại giao Nga tại Hoa Kỳ.
Các giới chức Mỹ xin giấu tên cho biết một quyết định được đưa ra là tránh bất kỳ hành động thái quá nào vượt xa vụ tấn công của Nga để tránh nguy cơ leo thang xung đột trên không gian ảo, có thể vượt tầm kiểm soát.
Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ – FBI, Cơ quan Tình báo Trung ương- CIA và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đều kết luận rằng Nga đứng sau các vụ tấn công vào các tổ chức và giới chức của Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 8 tháng 11. Các cơ quan vừa kể cũng đồng thuận rằng Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử để giúp ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đánh bại đối thủ Hillary Clinton, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ.
Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow đứng sau cuộc tấn công mạng. Tổng thống tân cử Donald Trump cũng bác bỏ đánh giá của tình báo Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này với NPR, Tổng thống Obama nói “Chúng ta cần phải hành động và chúng ta sẽ hành động” chống lại Nga về các hành động can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.
Ông Trump dương như đề nghị Mỹ không nên áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Ông nói người Mỹ nên hướng tới tương lai khi được hỏi về những phát biểu của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Lindsey Graham, khi ông khuyến cáo Nga và Tổng thống Putin “hãy chờ các biện pháp nghiêm ngặt” về các cuộc tấn công mạng.
Hôm thứ Tư, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow sẽ trả đũa nếu Washington áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế mới.

Ông Kerry cảnh báo giải pháp hai nhà nước

giữa Israel, người Palestine ‘đang gặp nguy’

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Tư đã trình bày những chỉ dẫn lớn cho một thỏa thuận hòa bình chung cuộc giữa Israel và người Palestine, và cảnh báo giải pháp hai nhà nước đang gặp “nguy hiểm nghiêm trọng.”
Trong một bài diễn văn dài một tiếng tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Kerry cũng bênh vực quyết định của Mỹ không biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tuần trước về một nghị quyết lên án những khu định cư của Israel trên lãnh thổ của người Palestine.
Cuộc biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc “là nhằm bảo tồn giải pháp hai nhà nước,” ông Kerry nói, bác bỏ những chỉ trích rằng Mỹ đã phản bội đồng minh lâu năm Israel của mình. “Đó là điều mà khi đó chúng tôi đang bảo vệ – tương lai của Israel như một nhà nước Do Thái và dân chủ.” Ông lưu ý rằng sự biểu quyết này “tuân theo” những giá trị của Mỹ.
Không có đề xuất lớn mới nào trong sáu chỉ dẫn được nêu ra trong bài diễn văn của ông Kerry. Thay vào đó, bài diễn văn nhắm mục tiêu bảo tồn thoả thuận khung mà các bên nhìn chung đã nhất trí về một giải pháp hai nhà nước vốn được một số chính quyền Mỹ gần đây ủng hộ.
Trong số những nguyên tắc này có một “biên giới an ninh được quốc tế công nhận” giữa Israel và một “nước Palestine tiếp giáp và khả thi,” cũng như chấm dứt việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine. Ông Kerry cũng cho biết một giải pháp hai nhà nước thành công phải cung cấp một “giải pháp bình đẳng, được các bên đồng ý, công bằng và thực tế” cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Palestine, tuyên bố Jerusalem là thủ đô cho cả hai quốc gia, và đáp ứng nhu cầu an ninh của Israel.
Dù ông Kerry nhấn mạnh rằng Israel sẽ luôn là một đồng minh của Mỹ, ông cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho phép Israel lẻn vào trạng thái “chiếm đóng liên tục.”
“Thực tế căn bản là thế này: Nếu sự lựa chọn là một nhà nước, Israel có thể là một nhà nước Do Thái hoặc là một nhà nước dân chủ, nhưng không thể là cả hai,” ông Kerry nói, cảnh báo rằng hiện trạng đang dẫn tới một “thực tế một nhà nước không thể đảo ngược được” mà “hầu hết mọi người không thực sự mong muốn.”
Lời khiển trách nghiêm khắc này đối với Israel, được đưa ra trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama, đã khơi lên phản ứng đáp trả dữ dội từ các nhà lãnh đạo Israel.
“Giống như nghị quyết của Hội đồng Bảo an mà Kerry thăng tiến ở Liên Hiệp Quốc, bài diễn văn tối nay của ông ta thiên lệch chống lại Israel,” ông Netanyahu nói trong một tuyên bố sau bài diễn văn. “Suốt hơn một tiếng, Kerry cứ chuyên chú nói tới những các khu định cư và hầu như không nhắc gì tới gốc rễ của xung đột – đó là sự chống đối của người Palestine đối với một nhà nước Do Thái ở bất kỳ ranh giới nào.”
Trong tuyên bố của riêng mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tái khẳng định cam kết của ông đối với giải pháp hai nhà nước và nói rằng ông sẵn sàng tái khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình nếu Israel trước hết đồng ý đình chỉ xây dựng những khu định cư.

Trung Quốc cảnh báo

Mỹ chớ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Năm cho biết Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ quá cảnh ở Mỹ khi bà đang trên đường đến thăm Châu Mỹ Latin vào tháng sau. Thông báo này đã khiến Trung Quốc giận dữ và nước này kêu gọi Mỹ ngăn chặn bất kỳ lượt quá cảnh nào như vậy.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng nói rằng chi tiết về những lượt quá cảnh sẽ được công bố trước cuối tuần này.
Trung Quốc nói ý định của bà Thái là rõ ràng và kêu gọi Mỹ không cho bà nhập cảnh.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể tuân thủ chính sách ‘một Trung Quốc’… và không cho phép bà ta đi qua biên giới của họ, không gửi đi bất kỳ tín hiệu sai lạc nào tới những lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, và thông qua những hành động cụ thể giữ gìn mối quan hệ Mỹ-Trung tổng thể cùng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan,” Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Chi tiết về việc quá cảnh đang được theo dõi sát sao trong khi truyền thông Đài Loan loan tin bà Thái sẽ tìm cách gặp gỡ nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước lễ nhậm chức ngày 20 tháng 1 của ông.
Ông Trump đã khiến Trung Quốc nổi giận khi ông nói chuyện với bà Thái trong tháng này, một hành động đi ngược lại tiền lệ nhiều thập niên qua và khơi lên nghi vấn về cam kết của chính quyền sắp tới của ông đối với chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Mỹ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979 và đã công nhận lập trường của Trung Quốc là chỉ có “một Trung Quốc” và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc, cùng với một số tàu chiến đi theo, đã tiến gần Đài Loan trong tuần này, theo sau những cuộc diễn tập không quân cũng diễn ra gần Đài Loan.
Văn phòng của bà Thái hồi đầu tháng này cho biết bà sẽ tới thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador theo trình tự. Bà sẽ rời Đài Loan vào ngày 7 tháng 1 và quay trở lại vào ngày 15 tháng 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật viếng đền Yasukuni

Chỉ hai ngày sau khi thủ tướng Shinzo Abe gởi thông điệp hòa bình từ Trân Châu Cảng, hôm nay, 29/12, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomoni Inada đã đến viếng đền Yasukuni, nơi bị xem như là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
.Đây là lần đầu tiên vị nữ bộ trưởng có quan điểm rất bảo thủ đến viếng ngôi đền này kể từ khi bà được bổ nhiệm vào chính phủ Shinzo Abe.
Vừa trở về từ Hawai, bà Inada nói: “ Trong năm nay, tổng thống của quốc gia thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản đã đến viếng Hiroshima. Hôm qua, thủ tướng Nhật đã phát biểu tại Trân Châu Cảng để xoa dịu linh hồn những người đã khuất.” Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nói tiếp rằng bà đến viếng đền Yasukuni để cầu nguyện cho hòa bình ở Nhật và trên thế giới, mặc dù các nước châu Á vẫn xem việc các chính khách Nhật viếng ngôi đền này là một hành động khiêu khích.
Ngay lập tức Hàn Quốc đã lên án hành động nói trên của bà Inada, triệu một quan chức cao cấp của đại sứ quán Nhật tại Seoul lên để phản đối.
Cho tới nay, Hàn Quốc cũng như Trung Quốc đều cho rằng Tokyo vẫn chưa hối tiếc đầy đủ và thật lòng về những tội ác mà quân đội Thiên Hoàng gây ra trong thời gian Thế chiến thứ hai và trong thời gian chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945.
Đền Yasukuni, nơi vinh danh 2,5 triệu binh lính Nhật đã hy sinh, nhưng trong đó có đặt bài vị của 14 tội phạm chiến tranh đã bị Đồng minh kết án sau Thế chiến thứ hai. Mặc dù bị một số nước châu Á lên án, các bộ trưởng và nghị sĩ Nhật vẫn thường xuyên đến viếng đền này. Hôm qua, một bộ trưởng khác cũng đã đến viếng đền này, nhưng việc bộ trưởng Quốc phòng Inada đến đây cầu nguyện mang tầm mức lớn hơn.
Theo nhận định của nhà chính trị học Tetsuko Kato, thuộc đại học Hitotsubashi, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, với việc đến viếng đền Yasukuni, bộ trưởng Inada muốn xoa dịu những thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan, vốn không tán đồng việc bà tháp tùng thủ tướng Nhật đi thăm Trân Châu Cảng.
Ngày 27/12 vừa qua, thủ tướng Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng đến Trân Châu Cảng, Hawaii, để tưởng niệm các nạn nhân của trận tấn công cách nay 75 năm.

Các nước Đông Á chỉ trích

Bộ trưởng quốc phòng Nhật thăm đền Yasukuni

Nhật Bản đang bị các quốc gia láng giềng chỉ trích dữ dội sau khi một giới chức quân sự hàng đầu của nước này đến thăm đền Yasukuni hôm thứ Năm. Ngôi đền gây nhiều tranh cãi này vinh danh các tử sĩ chiến tranh của Nhật, trong đó có một số người bị kết án là tội phạm chiến tranh.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada tới đền Yasukuni ở Tokyo đã bị Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ trích kịch liệt. Những nước này xem đền Yasukuni là một biểu tượng của các tội ác chiến tranh của Nhật Bản trước và sau Thế chiến thứ II, khi Nhật cai trị như thuộc địa hoặc xâm chiếm phần lớn khu vực Đông Á.
Sau chuyến thăm, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, bà Inada nói với các nhà báo:
“Bất kể sự khác biệt về quan điểm lịch sử, bất kể họ đã chiến đấu như những kẻ thù hoặc đồng minh, tôi tin rằng bất cứ quốc gia nào cũng hiểu rằng chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh mạng sống của họ cho đất nước”.
Mối quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản đã trở nên căng thẳng về điều mà Trung Quốc cho là lời xin lỗi miễn cưỡng của Nhật Bản về quá khứ quân phiệt của nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của bà Inada và nói: “Điều này không chỉ phản ánh quan điểm ngoan cố sai lạc về lịch sử của một số người Nhật Bản, nó còn gây ra điều nực cười đối với chuyến đi hòa giải Trân Châu Cảng”.
Hồi đầu tuần này, bà Inada đã tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm lịch sử tới Trân Châu Cảng ở Hawaii, nơi đồn trú của hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ. Nhật Bản đã tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941, dẫn đến việc nước Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói chuyến thăm của bà Inada là “đáng trách”, và rằng bà Inada đã đến thăm một ngôi đền “điểm tô cho các cuộc xâm lược thực dân, chiến tranh xâm lược trước đây và vinh danh các tội phạm chiến tranh”.
Đây là lần đầu tiên bà Inada đến thăm đền Yasukuni kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản vào mùa hè năm ngoái. Trước đó, bà đã nhiều lần đến thăm ngôi đền này.
Bà Inada bênh vực những hành động tàn bạo trong chiến tranh của Nhật Bản và lãnh đạo một ủy ban có nhiệm vụ đánh giá lại các bản án của các hội đồng tư pháp thời chiến do các nước đồng minh chiến thắng Thế chiến thứ hai dẫn đầu.

Nổ bom ở Philippines, ít nhất 32 người bị thương

Các giới chức chính phủ Philippines cho biết có ít nhất 32 người bị thương hôm thứ Tư, khi hai quả bom phát nổ trong một trận đấu quyền Anh nghiệp dư ở tỉnh miền trung Leyte.
Một giới chức cảnh sát tỉnh cho biết 16 người bị thương đang được điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau, trong khi các nạn nhân còn lại đã được chữa trị và trở về nhà. Có ít nhất 10 nạn nhân là trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 15.
Cảnh sát đang cố gắng xác định những kẻ tấn công, trong khi không có ai lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ này.
Du kích Cộng sản là lực lượng có mặt tại tỉnh Leyte, cách thủ đô Manila khoảng 610 km về hướng đông nam, nhưng không có dấu hiệu tức thời cho thấy họ hay bất kỳ nhóm chiến binh nào khác có liên quan tới vụ nổ.
Tổng thống Rodrigo Duterte trước đó cảnh báo về sự thâm nhập của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) vào Philippines nếu các chiến dịch quân sự đẩy bật quân IS ra khỏi Iraq và Syria thành công.
Ông Dueterte nói khu vực phía nam Philippines là nơi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng của IS vì chỉ có một eo biển nhỏ tách khu vực này với những nơi khác, phần lớn là những khu vực đông người Hồi giáo ở Philippines, và các quốc gia đa số theo đạo Hồi khác như Brunei, Indonesia và Malaysia.

Syria loan báo thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc

Chính phủ Syria và một số nhóm nổi dậy đã đạt đồng thuận về một thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc bắt đầu vào ngày thứ Sáu (29/12).
Cũng giống như những thỏa thuận ngừng bắn trước đó, thỏa thuận này áp dụng cho quân đội Syria và phe nổi dậy chống đối, nhưng không áp dụng cho một số nhóm Hồi giáo nhất định.
Nga, nước hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ những nhóm nổi dậy, nói rằng họ sẽ đứng ra bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn.
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Nga vào tuần trước cho biết họ sẵn sàng làm trung gian điều giải một thỏa thuận hòa bình trong cuộc chiến kéo dài sáu năm qua.
Nếu thỏa thuận ngừng bắn đứng vững, những cuộc đàm phán hòa bình mới sẽ diễn ra sau vào tháng tới tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đề xuất ngừng bắn là “mong manh,” nhưng nói nó được chính phủ Syria và các “lực lượng chính của phe đối lập vũ trang” ủng hộ.
“Những thỏa thuận đã đạt được tất nhiên là mong manh và cần được chú ý đặc biệt và theo sát để chúng có thể được bảo toàn và phát triển. Nhưng đây vẫn là một kết quả đáng lưu ý của công tác chung của chúng ta,” ông Putin phát biểu tại một cuộc họp với các bộ trưởng chính phủ hôm thứ Năm.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, Steffan de Mistura, ca ngợi thỏa thuận ngừng bắn này. Trong một tuyên bố, ông Mistura cho biết thỏa thuận sẽ “cứu mạng thường dân, tạo điều kiện để viện trợ nhân đạo được đưa đi khắp Syria, và mở đường cho những cuộc đàm phán mang lại kết quả tại Astana.”
Trước đó đã có ba nỗ lực để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Nỗ lực gần đây nhất diễn ra vào tháng 9, nhưng chỉ kéo dài hơn một tuần.
Hồi đầu tháng này, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã điều giải một thỏa thuận cho một lệnh ngừng bắn và di tản người tị nạn khỏi những khu do phiến quân kiểm soát ở thành phố Aleppo của Syria. Tuần trước, ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đã gặp nhau tại Moscow để hội đàm về Syria.

Nhà độc tài cuối cùng của Uruguay qua đời

Nhà độc tài cuối cùng của Uruguay, Tướng Gregorio Alvarez, đã qua đời hôm thứ Tư ở tuổi 91, theo tin từ cơ quan y tế quân đội Uruguay cho biết.
Ông Alvarez, nhà lãnh đạo cuối cùng của chế độ độc tài tàn bạo của Uruguay trong những năm 1970 và 1980, đã qua đời trong khi thọ án tù 25 năm về các hành vi vi phạm nhân quyền trong suốt thời gian cầm quyền.
Ông Alvarez từ trần tại một bệnh viện quân đội ở thủ đô Montevideo, nơi ông được chuyển tới cách nay hai tuần để điều trị bệnh mất trí nhớ và các vấn đề đường hô hấp.
Ông Alvarez đã tiếp tay lãnh đạo cuộc đảo chính năm 1973 đã đưa chính quyền quân sự lên cầm quyền tại Uruguay từ năm 1981-1985. Cha của ông Alvarez cũng là một tướng lãnh.
Ông Alvarez thăng quan tiến chức nhanh chóng trong quân đội, ông trở thành Tư Lệnh quân đội Uruguay vào năm 1978, rồi cuối cùng đảm nhiệm chức vụ tổng thống vào năm 1981.
Dưới sự lãnh đạo của ông Alvarez, Uruguay gia nhập một liên minh bí mật quy tụ các chế độ độc tài ở Nam Mỹ, hợp tác với nhau để giết và bức hại thành phần bất đồng chính kiến.
Chế độ do ông Alvarez cầm đầu bị quy trách là đã giết hại, tra tấn và bỏ tù hàng ngàn ở Uruguay. Khoảng 6.000 người bị tống giam vì lý do chính trị. 230 người bị chế độ bắt cóc với sự hợp tác của các chế độ độc tài khác ở Nam Mỹ, giờ vẫn biệt tích và được coi là đã chết, theo một phúc trình của Ủy ban Hòa bình.
Năm 1985, khi các chế độ độc tài Nam Mỹ khác bị giải thể, ông Alvarez đồng ý chuyển giao quyền lực cho một chế độ dân sự, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đông đảo đòi bầu cử tự do.
Chính phủ Uruguay hiện do một liên minh cánh tả lãnh đạo, trong đó có những nhân vật từng chống đối chế độ độc tài của ông Alvarez.

Du khách Trung Quốc sang Đài Loan giảm mạnh

Chính phủ Đài Loan hôm nay công bố số liệu du khách từ Hoa Lục sang thăm đảo quốc giảm sút xuống trong 7 tháng qua kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống của đảo quốc này.
Mức giảm sút được cho biết là hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đài Loan theo dõi sát số lượng du khách từ lục địa sang thăm đảo quốc này vì theo chính phủ Đài Bắc hiện nay thì Bắc Kinh cho giảm lượng du khách với mục đích gây áp lực buộc tổng thống Thái Anh Văn thừa nhận chính sách ‘một nước Trung Hoa’; theo đó Đài Loan chỉ là một phần của lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn cho Đài Loan là một tỉnh tách rời và có thể thu hồi bằng vũ lực trong trường hợp cần thiết, nếu như chính quyền Đài Bắc tìm cách tuyên bố độc lập.
Bản thân tổng thống Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến của bà với chủ trương Đài Loan độc lập lâu nay thì cho rằng họ muốn duy trì hòa bình với Bắc Kinh nhưng không thừa nhận nguyên tắc ‘một nước Trung Hoa’.

Ông Duterte: Tôi ném nghi phạm ra khỏi trực thăng

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa ném các quan chức tham nhũng khỏi máy bay trực thăng khi đang ở giữa không trung, nói rằng ông đã từng làm việc đó trước đây.
“Nếu các người thoái hóa biến chất, tôi sẽ đón các người bằng một chiếc máy bay trực thăng đến Manila và ném ra ngoài,” ông Duterte, người đang tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng và ma túy nói.
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống là ông đã đích thân thực hiện những vụ giết người không truy tố.
Phát ngôn viên của ông Duterte giảm nhẹ những tuyên bố này, ông mô tả chúng là “truyền thuyết thành thị”.
Đầu tháng này, phát ngôn viên Martin Andanar nói người sếp thẳng thừng của ông cần được xem xét một cách “nghiêm túc nhưng không phải theo nghĩa đen” khi ông nói ông đã bắn chết ba người đàn ông trong khi là thị trưởng thành phố Davao.
Ông Duterte phát ngôn những lời bình mới nhất trong một bài phát biểu tới các nạn nhân của một cơn bão ở trung tâm Philippines hôm thứ Ba. Văn phòng ông đăng một đoạn băng ghi lại những phát ngôn này.
Ông đe dọa dùng hình phạt trực thăng cho bất cứ ai có thể sẽ ăn cắp trợ giúp tài chính mà ông hứa hẹn.
“Trước đây tôi đã làm điều này rồi, tại sao tôi lại không làm một lần nữa?” ông nói trong tiếng vỗ tay.
Ông ám chỉ một hoặc một số nạn nhân của ông là những kẻ bắt cóc đã giết chết một con tin. Không rõ thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc.
Nếu các người thoái hóa biến chất, tôi sẽ đón các người bằng một chiếc máy bay trực thăng đến Manila và ném ra ngoài. Trước đây tôi đã làm điều này rồi, tại sao tôi lại không làm một lần nữa?Tổng thống Rodrigo Duterte
Hôm thứ Năm, Tổng thống có vẻ chối bỏ với những nhận xét trước đây của ông.
“Ném một người ra khỏi trực thăng? Và nếu đó là sự thật, tôi sẽ không thừa nhận,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ABS-CBN.
Tổng thống từng đưa ra một tuyên bố tương tự trong quá khứ – và có lịch sử trong việc mâu thuẫn với chính bản thân.
Vào ngày 16 tháng 12, ông nói với BBC rằng ông bắn chết ba nghi phạm hình sự trong khi ông là thị trưởng thành phố Davao.
“Tôi đã giết chết khoảng ba người bọn họ … Tôi không biết có bao nhiêu viên đạn từ khẩu súng của tôi bắn vào cơ thể họ. Việc đó đã xảy ra và tôi không thể nói dối về nó.”
Điều tra tuyên bố
Ông phát ngôn những lời tương tự với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Manila một vài ngày trước đó, khi ông nói rằng ông từng đi quanh Davao trên một chiếc xe máy “tìm kiếm những kẻ đối đầu để tôi có thể giết.”
Ông Duterte là thị trưởng của thành phố miền nam Davao trong hai thập kỷ, tạo nên sự sụt giảm lớn trong số lượng tội phạm nhưng cũng bị cáo buộc tài trợ cho ‘biệt đội tử thần’.
Là Tổng thống, ông cam kết diệt tận gốc ma túy và tham nhũng ở Philippines, với chi phí hàng triệu sinh mạng nếu cần thiết.
Gần 6.000 người được cho là đã bị cảnh sát, nhân viên trị an và lính đánh thuê giết chết ở Philippines kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy sau khi đắc cử vào tháng Năm.
Các chính trị gia đối lập và các nhóm nhân quyền đã kêu gọi buộc tội ông, nhưng ông vẫn rất được lòng cử tri, những người muốn ông làm sạch đất nước.
Tuần trước, cơ quan giám sát nhân quyền độc lập Philippines cho biết họ sẽ điều tra các tuyên bố của Tổng thống Duterte rằng bản thân ông đã xử tử các nghi phạm ma túy.

2017: Bi quan cho phương Tây?

Mark UrbanBBC
Điều gì chờ đợi thế giới trong năm 2017? Một số sự kiện gần đây cho thấy 2017 có thể sẽ rất khó khăn cho các nước phương Tây.
Có những dấu hiệu rằng ngay cả khả năng của Tây phương đặt ra quy tắc cho trò chơi quốc tế cũng đang bắt đầu tan rã.
Đây là một số sự kiện lớn của nửa sau 2016:
Cáo buộc Nga dùng tin tặc can thiệp bầu cử Mỹ
Syria và người ủng hộ nước ngoài đè bẹp quân nổi dậy ở đông Aleppo
Trung Quốc bỏ qua phán quyết của tòa quốc tế trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines
Một số nước như Nga và Nam Phi đã rút khỏi Tòa Hình sự Quốc tế
Một số thương lượng thương mai quốc tế gặp rủi ro, như TPP sau khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump nói Mỹ sẽ rút khỏi TPP
Các sự kiện tại Syria chứng tỏ thất bại của Hội đồng Bảo an LHQ năm thành viên khi họ không thể thỏa thuận cách dừng khủng hoảng. Nhưng nói thật, từ khi LHQ thành lập năm 1945, các tay chơi lớn ít khi nào đoàn kết trong các khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng.
Năm 1991, LHQ đồng ý cuộc chiến do Mỹ dẫn dắt chống Saddam Hussein. Đó là ví dụ rất hiếm của Hội đồng Bảo an ủng hộ một cuộc chiến.
Quan niệm của chúng ta về trật tự thế giới “dựa trên sự thống trị của Mỹ, luôn chỉ có thời gian kéo dài hữu hạn”, theo lời Giáo sư Patrick Porter của Đại học Exeter. Ông tin rằng “trật tự này đang tan rã, vì sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế từ tây sang đông khiến phương Tây khó áp đặt ý chí của mình hơn”.
Dĩ nhiên nhiều người sẽ hoan nghênh việc siêu cường Mỹ đi xuống và sự đi lên của thế giới đa phương.
Tại nhiều nước châu Phi, châu Á, còn có cảm giác mạnh lên khi một thế hệ lãnh đạo học ở Tây nay nhường chỗ cho thế hệ mới có lập trường riêng.
Nga và Trung Quốc gần đây đặt câu hỏi về LHQ liên quan các tranh chấp lãnh thổ mà họ quan tâm.
Nếu các quy tắc cũ bị xem là do “thực dân” hay các nước phương Tây hùng mạnh soạn ra và nay bị nhiều nơi xem là lỗi thời, thì ít nhất chúng cũng đại diện cho một hệ thống niềm tin mà nhiều nước chấp nhận trong nhiều thập niên, hay ít ra giả vờ chấp nhận.
Các tư tưởng mới nổi lên, như nhãn hiệu hậu cộng sản/Nho giáo của Trung Quốc, hay bản sắc Chính thống giáo Đông phương của Nga, hay tư tưởng Hồi giáo chi phối chính sách của Ả Rập Saudi hay Iran, có thể hấp dẫn dân tộc họ nhưng khó hấp dẫn người ngoài.
Các nhóm phi quốc gia như Hezbollah, Boko Haram, cũng đang là thách thức.
Giáo sư Porter cũng đề cập đến “sự phân rã từ bên trong”. Phương Tây đang bất đồng lớn. Ví dụ, việc ông Donald Trump thắng cử mở ra các lo ngại mới về chiến tranh thương mại.
Có lẽ sẽ có sự nhấn mạnh vào ngoại giao song phương thay vì đa phương. Nó có thể đem lại một cảm giác thế kỷ 19 trong quan hệ quốc tế. Giáo sư Porter nói “chúng ta đang đi về hướng ngoại giao ‘bình thường’ trong lịch sử, khi chúng ta cạnh tranh và hợp tác đồng thời với các đại cường”.
Quan hệ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Reccep Tayip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin là ví dụ thú vị về quan hệ nhà nước.
Họ nhanh chóng chuyển từ đối đầu và trừng phạt sau khi Thổ bắn rơi một máy bay Nga, sang hợp tác chiến lược tại Syria năm 2016.
Nhưng liệu các nước châu Âu, Mỹ với truyền thống dân chủ cùng các nhóm lợi ích đối nghịch có thể chạy cùng các nước có các lãnh đạo độc đoán?
Nhà cựu ngoại giao hàng đầu của Anh, Simon Fraser, tin rằng “luật pháp, tổ chức, hiệp định, và các quy tắc khác sẽ vẫn quan trọng, nhưng có lẽ sẽ có hình thái mới, tiếp tục thay đổi bên trong cấu trúc lớn”.
Những thay đổi cơ cấu của thế giới có vẻ khiến các xã hội phương Tây bị thiệt thòi: họ tôn trọng quy định quốc tế còn Nga và Trung Quốc nói có thể bỏ qua (Crimea và Biển Nam Trung Hoa).
Trong nhiều trường hợp, quân đội các nước từ bỏ việc sử dụng bom chùm hay mìn, là các vũ khí được Syria và Nga dùng trong mấy tháng gần đây.
Phương Tây chỉ có khả năng hạn chế khi muốn đáp trả Nga hay các vụ tấn công mạng.
Ngoài ra lại còn các hạn chế từ trì trệ kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ, ngôn từ dân túy.
Ta phải tự hỏi liệu các câu lạc bộ quốc tế trong định nghĩa về “phương Tây – Nato và EU – còn có thể tồn tại như cũ trong năm 2017.
Một loạt các cuộc bầu cử ở Italy, Hà Lan, Pháp và Đức có thể thử thách EU và đồng euro.
Tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói việc Mỹ có bảo vệ thành viên Nato sẽ phụ thuộc liệu đồng minh châu Âu có chịu trả thêm tiền.
Trong giai đoạn biến động này, sẽ có cả cơ hội và nguy hiểm.
Nhưng câu hỏi hiện thời là liệu các nước phương Tây có nắm bắt được cơ hội, làm chủ tình hình, hay sẽ chỉ rơi vào thế thụ động?

Khủng bố ở Đức :

Anis Amri đã tìm cách mua vũ khí từ Pháp

Hiện giờ, nhà chức trách Đức đã nắm được lộ trình chạy trốn của Anis Amri sau khi tấn công khủng bố vào một chợ Noel ở Berlin vào ngày 19/12. Từ Berlin, Anis Amri đã sang Hà Lan, rồi từ đó đi xe bus đến ga tàu hỏa Lyon-Part-Dieu ở thành phố Lyon, Pháp. Tạm thời, không có dấu vết gì về việc Anis Amri có băng nhóm hỗ trợ tại Pháp. Nhưng, theo một thông tin từ đài RFI, kẻ khủng bố người Tunisia này đã liên lạc với một số tín đồ Hồi Giáo cực đoan tại Pháp trước ngày tấn công khủng bố tại Đức.
Từ Berlin, thông tín viên RFI Julien Mechaussie giải thích :
« Anis Amri đã liên lạc trực tiếp với những tín đồ Hồi Giáo cực đoan sống tại Pháp. Giờ vẫn còn quá sớm để kết luận rằng đây là một nhóm, nhưng Anis Amri đã tìm cách mua vũ khí, trong đó có nhiều súng trung liên, vào hồi tháng Ba, qua các mối quan hệ ở Pháp.
Theo nhà chức trách Đức, mua súng trung liên ở Pháp dễ hơn ở Đức.
Các thông tin này đã được cảnh sát Berlin kiểm chứng và gây nhiều nghi vấn về sự trợ giúp mà Anis Amri có được từ Pháp trong khi thanh niên này từ tháng 02/2016 đã bị xếp vào loại « đe dọa tiềm tàng » và bị theo dõi.
Cơ quan an ninh cũng đã nghe lén điện thoại Anis Amri, nhờ đó họ biết Amri đã tìm hiểu về cách chế tạo bom và đã có ý định tấn công khủng bố từ nhiều tháng trước đó. Nhưng, có một thông tin khác có thể khiến nhiều người tức giận: Ngày 21/09, nhà chức trách đã dỡ bỏ lệnh theo dõi các cuộc điện đàm và mọi di chuyển của Anis Amri. Cho đến giờ vẫn không ai biết tại sao nhà chức trách lại quyết định như vậy. »

Nhật Bản thân thiện hơn với Đài Loan,

Trung Quốc phản đối

Chính quyền Đài Bắc hôm nay, 29/12/2016 đã lên tiếng hoan nghênh việc Tokyo dùng từ Đài Loan trong tên gọi mới của cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản tại vùng lãnh thổ này. Trong lúc đó, hôm qua, Trung Quốc đã không che giấu thái độ tức tối và ra lời phản đối.
Cho đến nay, giống như đa số các nước khác trên thế giới, Nhật Bản có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, và chỉ duy trì quan hệ không chính với Đài Loan. Do vậy, cơ quan tương đương với đại sứ quán Nhật Bản tại Đài Bắc không gọi là sứ quán mà là « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản ».
Tên gọi quá chung chung này vừa được chính quyền Nhật Bản làm cho cụ thể hơn. Trong một thông báo đăng trên trang web của cơ quan này, kể từ ngày 01/01/2017 tới đây, danh xưng của cơ quan đại diện ngoại giao Nhật Bản tại Đài Loan sẽ trở thành « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản-Đài Loan ».
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào hôm nay, bà Vương Bội Linh (Eleanor Wang), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đài Loan, cho rằng việc Tokyo đổi tên gọi của cơ quan đại diện Nhật Bản « cho thấy đầy đủ hơn tính chất công việc của định chế này tại Đài Loan », và chính quyền Đài Bắc « vẫn sẽ tăng cường giao lưu giữa Nhật Bản và Đài Loan ».
Nếu Đài Loan rất hài lòng, thì Bắc Kinh đã tỏ ý rất khó chịu. Vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại lên tiếng phản đối mọi chủ trương nêu ra quan điểm « Một Trung Quốc, Một Đài Loan » hay là « Hai Trung Quốc ».
Phát ngôn viên Trung Quốc đả kích thẳng Nhật Bản khi tuyên bố rằng « động thái tiêu cực của Nhật Bản với vấn đề Đài Loan » đã khiến Bắc Kinh « vô cùng thất vọng ». Bà Hoa Xuân Oánh cũng hàm ý đe dọa Tokyo khi kêu gọi Nhật Bản tránh gửi đi thông điệp sai lạc tới Đài Loan cũng như cộng đồng quốc tế, hoặc gây nhiễu loạn trong quan hệ Trung- Nhật.
Theo giới quan sát, hồ sơ Đài Loan quả là đang khiến Bắc Kinh đau đầu. Việc Đài Bắc-Tokyo tăng cường quan hệ diễn ra vào lúc quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan cũng có chuyển biến theo chiều hướng không được Trung Quốc ưa thích, với động thái chưa từng thấy của tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump, nhận điện thoại chúc mừng của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Trung Quốc chắc chắn sẽ còn bực tức hơn nữa vì sắp tới đây, tổng thống Đài Loan sẽ quá cảnh Hoa Kỳ trên đường công du châu Mỹ La Tinh. Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã xác nhận tin trên vào hôm nay.
Sự kiện bà Thái Anh Văn ghé Mỹ chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ vì Trung Quốc luôn luôn yêu cầu Washington « cấm cửa » lãnh đạo Đài Loan. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lập lại yêu cầu trên vào hôm nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù