Tin Biển Đông – 27/12/2016

Tin Biển Đông – 27/12/2016

Biển Đông căng thẳng, ngư dân Việt Nam

đổ sang Úc đánh cá lậu

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông coi như cũng đã lan tới lãnh hải của Úc, với việc nhà chức trách nước này đang phải đối phó với tệ nạn ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép ở ngoài khơi miền bắc nước Úc, theo thông tin của trang Financial Review hôm nay, 27/12/2016.
Tính từ tháng 3 đến nay đã có khoảng 150 ngư dân Việt Nam trên 10 tàu cá bị bắt trong lãnh hải nước Úc vì đánh cá trái phép, trong khi vào năm ngoái không hề có ngư dân Việt Nam nào bị bắt vì tội này.
Ngư dân Việt Nam đã buộc phải quay sang vùng biển nước Úc để kiếm sống, vì tàu tuần dương của Trung Quốc nay ngăn chận họ đến đánh bắt cá ở những vùng biển chung quanh các đảo nhân tạo mà B¡c Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Không chỉ ở Biển Đông, trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã áp dụng nghiêm ngặt hơn lệnh cấm đánh cá ở vùng Vịnh Bắc Bộ, một hành động mà Hà Nội xem là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực vào đầu tháng 7 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã tuyên bố, kể từ nay những ngư dân nào bị bắt giữ vì đánh bắt « trái phép » trong vùng biển của Trung Quốc sẽ có thể bị phạt tù 1 năm, chứ không chỉ bị tịch thu tài sản, ngư cụ, rồi được thả đi như trước đây.
Trong khi đó, những quốc gia khác, đặc biệt là Indonesia, cũng đã tăng cường bảo vệ các vùng biển của họ. Từ tháng 12/2014 đến nay, Indonesia đã đánh chìm 234 tàu đánh cá của nước ngoài bị bắt giữ vì đánh cá trái phép trên vùng biển của nước này.
Nhà chức trách Úc cũng đã tỏ ra cứng rắn với các ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép. Theo Financial Review, trong tháng 11 vừa qua, 16 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ với 3 tấn hải sâm đã bị tòa án ở Darwin xử phạt từ 2 đến 4 tháng tù. Trong những vụ khác thì tòa đã xử phạt hàng ngàn đôla đối với chủ của những chiếc tàu bị phát hiện đánh bắt hải sản trái phép.
Dù có nguy cơ bị xử phạt nặng như vậy, các chủ tàu cá Việt Nam vẫn buộc phải đi đánh bắt ở vùng biển các nước khác, đặc biệt là vùng biển nước Úc, vì nếu chỉ đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, không biết bao giờ họ mới trả được món nợ đã vay để đóng tàu cá.
Theo lời của ông Peter Venslovas, thuộc cơ quan quản lý ngư nghiệp của Úc, ngoài các tàu cá Việt Nam, cũng như những năm trước, nhiều tàu cá từ Indonesia và Papua New Guinea cũng bị bắt giữ ở các vùng biển của Úc. Trong tài khoá 2015- 2016, tổng cộng đã có 20 tàu các nước ngoài bị bắt giữ, trong khi chỉ có 6 chiếc bị bắt trong tài khóa 2014-2015.
Một chuyên gia về ngư nghiệp, giáo sư Colin Simpfendorfer thuộc Đại học James Cook, bang Queensland, cho biết là chính phủ Úc phải chi ra hàng triệu đô la để bắt giữ các tàu đánh cá trái phép, tạm giữ họ trong các trại và phá hủy các tàu cá. Ấy là chưa kể những hủy hại đối với những vùng bảo tồn biển của Úc.

Đài Loan cảnh báo về mối đe dọa Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan hôm nay, 27/12/2016, cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh điều động hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đi vào Biển Đông ngang qua khu vực gần Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai bên.
Báo chí Trung Quốc cho biết, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các chiến hạm tháp tùng sẽ mở cuộc tập trận đầu tiên ở vùng Thái Bình Dương.
Theo thông báo của bộ Quốc phòng Đài Loan, sau khi đi ngang qua khu vực phía Nam Đài Loan, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và 5 tàu chiến khác của Trung Quốc hôm qua cũng đi ngang qua quần đảo Đông Sa hiện do Đài Bắc quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Hôm nay, bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan, tuy không nêu đích danh Trung Quốc, tuyên bố rằng các mối đe dọa từ « kẻ thù » gia tăng từng ngày. Ông cũng xác nhận Đài Loan đã gởi máy bay do thám RF-16 đến theo dõi các chiến hạm của Trung Quốc.
Cuộc tập trận của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các chiến hạm tháp tùng được xem như là một cuộc biểu dương lực lượng của Bắc Kinh vào lúc mà quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan cũng như quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi, sau cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Donald Trump với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Trước đó, ngày 10/12, lần thứ hai chỉ trong vòng chưa tới một tháng, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay sát Đài Loan trong một cuộc thao dượt trên không.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã ngày càng xấu đi kể từ bà Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 01/2016. Khi lên nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, bà Thái Anh Văn đã từ chối tuyên bố chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất.
Vào thời chính phủ trước của Đài Loan, chiếu theo văn kiện gọi là « đồng thuận 1992 », hai bên đã đồng ý là chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất, nhưng không nói rõ ai là đại diện hợp pháp của nước Trung Quốc duy nhất đó. Bắc Kinh đã cắt đứt mọi kênh liên lạc chính thức với chính phủ của bà Thái Anh Văn.
Hiện giờ Trung Quốc vẫn là mối đe dọa quân sự chủ yếu đối với Đài Loan, với hơn 1000 tên lửa đặt hướng về hòn đảo này, theo bộ Quốc phòng Đài Loan.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù