Tin Việt Nam – 27/02/2017

Tin Việt Nam – 27/02/2017

Cục trưởng chống tham nhũng

‘bào chữa’ cho việc nhận xe sang?

Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều trang tin lớn Việt Nam đăng tải trong ngày 26 và 27/2, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói nếu có doanh nghiệp tặng xe sang cho cục của ông, ông “sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Báo chí đã phỏng vấn ông Đạt sau khi trong tuần trước có tin các doanh nghiệp khác nhau đã tặng tổng cộng 10 xe hơi hạng sang cho chính quyền hai tỉnh Cà Mau và Đà Nẵng. Giá trị mỗi chiếc xe dao động từ trên 1 tỷ đến hơn 6 tỷ đồng.
Trước giả định ông sẽ quyết định thế nào nếu có doanh nghiệp ngỏ ý tặng Cục chống Tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ một chiếc xe trị giá vài tỷ đồng, vị cục trưởng nói: “Tôi sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Ông Đạt cũng nói rõ thêm rằng điều kiện quan trọng nhất là doanh nghiệp đó “phải không có liên quan gì đến hoạt động công vụ của cục”. Ông nhấn mạnh là “doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, có nhiều vấn đề hoặc đang trong quá trình thanh tra thì tuyệt đối không được vì xung đột lợi ích”.
Phần trích những phát biểu này của ông Đạt đã dẫn đến những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng những lời của ông không phù hợp với những chuẩn mực tối thiểu trong hành xử công vụ. Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải nhận xét với VOA:
“Tôi nghĩ chắc là ông cũng muốn biện bạch cho mấy cơ quan đang bị kêu là nhận tiền, nhận ô tô của doanh nghiệp. Theo tôi thì nó cũng rất là vô duyên. Trong trường hợp đấy, theo tôi cục trưởng chống tham nhũng không nên nói như vậy. Mọi giao dịch mang tính chất vụ lợi, đối với các công chức và cơ quan nhà nước, cần phải có quyết định rằng là không được phép. Bất kỳ một doanh nghiệp nào mà biếu một quan chức, theo chúng tôi đều là vụ lợi hết. Không có ai lại cho không ai cái gì. Tôi nghĩ là cái lời của ông ý là một cái lời vô trách nhiệm. Thực ra là để gọi là bào chữa cho cái hành vi mà lẽ ra phải xử lý của chính quyền của Cà Mau cũng như Đà Nẵng trong việc nhận ô tô của doanh nghiệp”.
Việc tặng và nhận xe vừa qua đã gây sự chú ý lớn trong báo giới và công chúng. Trong cuộc phỏng vấn với báo giới Việt Nam, bản thân ông Đạt, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng cũng cho rằng “cần phải xem động cơ, mục đích của việc này”.
Cụ thể hơn, ông nói cần kiểm tra lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng để xem họ hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước thế nào, hiệu quả kinh doanh ra sao, mà có thể tặng xe vài tỷ đồng. Ông cũng nói cần làm rõ sau khi tặng xe, doanh nghiệp có được chính quyền địa phương ưu đãi gì không. Tuy nhiên, ông Đạt cũng chỉ ra rằng việc làm rõ động cơ, mục đích này là “không dễ”.
Đây không phải lần đầu có việc doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền địa phương. Bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau và mạng xã hội, công chúng lâu nay cho rằng việc tặng quà có thể thực hiện kín kẽ về luật để “đạt lý” song vẫn “khó thấu tình”.
Theo họ, nếu muốn đóng góp, tặng quà cho các địa phương, các doanh nhiệp có nhiều cách ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều, như xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, và nhiều hoạt động khác.
Họ lập luận rằng lợi ích từ những chương trình như vậy dễ được mọi người nhìn thấy, trong khi việc tặng xe thì chỉ phục vụ cho rất ít người, do đó, đương nhiên dư luận đặt ra mối nghi vấn.

Người Việt bị bắt ở trại cần sa ‘khổng lồ’ tại Anh

Bảy người đàn ông trong đó có năm người Việt bị cảnh sát Anh bắt hôm 22 tháng Hai khi họ bố ráp một trại trồng cần sa quy mô lớn ở hạt Wiltshire, vùng Tây Nam nước Anh.
Tổng giá trị của hàng ngàn cây cần sa được phát hiện ở trại này, từng là hầm trú ẩn hạt nhân do chính phủ Anh xây, lên tới hơn 1 triệu bảng Anh.
Plamen Nguyen, 27 tuổi, Martin Fillery, 45 tuổi, và Ross Winter, 30 tuổi bị đưa ra tòa ở Swindon, Anh và buộc tội bắt người khác làm nô lệ (slavery) và khai thác, hưởng dụng khổ sai (servitude).
Bốn người đàn ông Việt Nam khác, đều trên 18 tuổi, là những người chăm sóc cần sa, bị bắt tại hầm khi cảnh sát bố ráp địa điểm này. Họ được thả và chưa bị buộc tội trong khi cảnh sát tiếp tục xử lý vụ việc, Cảnh sát Wiltshire cho BBC hay hôm 27/2.
Nguyen và Winter, từ Bristol, và Fillery từ Bridgewater, Somerset, còn bị buộc tội thông đồng sản xuất thuốc gây nghiện Loại B và câu trộm điện.
Cảnh sát Wiltshire nói ba người đàn ông này trước đây đã bị bắt nhưng được thả mà không bị kết án. Lần này, họ sẽ bị giam đến ngày ra tòa Salisbury hôm 29 tháng Ba.
Điều kiện làm việc dưới hầm này là rất tồi tệ, Thanh tra Cảnh sát Paul Franklin nói với tờ Guardian.
“Đây là lao động nô lệ. Không có ánh sáng trời, không có nước máy, họ phải mang nước từ ngoài vào. Đây là lao động chân tay cực khổ – không đơn giản là xách bình tưới nước đi tưới cây. Tôi rất sốc vì phạm vi của trại này. Không có không khí , chỉ có mùi nồng nồng, ẩm ướt của cây cần sa tỏa ra khắp nơi.”, ông Paul cho biết.
Trại cần sa ’khổng lồ’
Trang trại cần sa này được phát hiện ở nằm ở một hầm tránh bom cũ của Bộ Quốc phòng Anh, được xây dựng trong những năm 80 để bảo vệ các quan chức chính phủ trong trường hợp có cuộc tấn công hạt nhân.
Cảnh sát cho biết trang trại này “gần như là không vào được”, và họ phải đợi các nghi phạm ra khỏi hầm rồi mới tiếp cận được.
Thanh tra Cảnh sát Paul Franklin, nói chỉ tới khi cảnh sát bước qua cánh cửa chống bom hạt nhân, họ mới thấy rõ quy mô “khổng lồ” của trại này.
“Có khoảng 20 phòng trên hai tầng trong hầm này, mỗi phòng có chiều dài trên 60 mét, rộng trên 21 mét.”.
“Gần như mỗi phòng được biến thành nơi trồng cần sa để bán buôn, và có một lượng cần sa lớn từ vụ trước vẫn còn trong hầm.”
Ông nói thêm ông tin rằng đây là “một trong những trang trại lớn nhất đã từng được phát hiện” ở hạt Wiltshire.

Nhà báo yêu cầu quan chức giải thích

việc ‘dùng hàng hiệu’ bị cách chức

Một tờ báo thuộc Hội Luật gia Việt Nam ra văn bản cách chức nhà báo gửi “văn bản trái quy định” liên quan vụ việc ông này yêu cầu một quan chức cấp quận ở TP Hồ Chí Minh giải thích về ảnh chụp cho thấy “dùng điện thoại Vertu và đồng hồ Patek’.
Quyết định của Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật, thuộc Hội Luật gia Việt Nam, đề ngày 25/2 ghi: “Kỷ luật ông Trần Thanh Thắng, Phó trưởng cơ quan đại diện phía Nam của báo Đời sống & Pháp luật với hình thức cách chức từ ngày 25/2 vì hành vi tự ý ban hành văn bản ngày 15/2 trái quy định, vi phạm nghiêm trọng quy chế của tòa soạn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của báo.”
Văn bản ngày 15/2 được xác định là của ông Thắng gửi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1, TP Hồ Chí Minh với nội dung: “Ngày 15/2, báo Đời sống & Pháp luật nhận được phản ảnh của bạn đọc về việc có một tấm ảnh chụp ông Đoàn Ngọc Hải trên đường phố với những điểm bất thường.”
“Sau khi xem bức ảnh này, báo phát hiện, chiếc điện thoại ông Đoàn Ngọc Hải đang sử dụng là điện thoại hạng sang Vertu. Bên cạnh đó, chiếc đồng hồ trên tay ông Đoàn Ngọc Hải cũng là dòng đồng hồ hạng sang.”
“Nay, báo Đời sống & Pháp luật đề nghị ông Đoàn Ngọc Hải sắp xếp một buổi tiếp xúc để làm rõ các nghi vấn nêu trên để phản ánh đến bạn đọc.”
Trong tấm ảnh bị đặt nghi vấn có chiếc đồng hồ được cho là của thương hiệu Patek Philippe.
Hôm 27/2, BBC gọi điện cho ông Trần Thanh Thắng nhưng tổng đài báo “số máy này tạm thời không liên lạc được”.
Cùng ngày, ông Vương Tiến Thành, Phó tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật nói với BBC rằng ông “đang chủ trì cuộc họp gấp nên không thể trả lời về vụ việc này”.
Hôm 27/2, trả lời BBC từ Hà Nội, luật sư Nguyễn Hà Luân, Trưởng văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, nói: “Tôi hết sức ngạc nhiên là ông Thắng làm ở một tờ báo của Hội Luật gia mà soạn một văn bản không phù hợp quy định pháp luật như vậy.”
“Nếu chỉ dựa trên hình ảnh thì không thể khẳng định những vật trên tay ông Hải là đắt tiền, trị giá hàng chục, hàng trăm ngàn đôla.”
“Một bức ảnh không nói lên điều gì.”
“Đó là tài sản cá nhân, khó xác định giá trị cao thấp nếu chỉ nhìn qua một bức ảnh rồi phán đoán.”
‘Không phải không có cơ sở’
“Nếu ông Thắng muốn cáo buộc ông Hải thì khẳng định được đồng hồ, điện thoại ông Hải đang dùng là hàng hiệu thứ thiệt.”
“Mà việc này thì phải qua điều tra thì mới xác định được.”
“Tôi biết cũng có người đặt câu hỏi rằng: Nếu không phải hàng hiệu thật sự thì tại sao trong những ảnh chụp hiện trường sau đó, người ta không còn thấy ông Hải đeo những vật này nữa?”
Báo giới muốn đặt vấn đề thì phải có thông tin kiểm chứng rõ ràng chứ không dựa vào một bức ảnh rồi cáo buộc người ta.Luật sư Nguyễn Hà Luân
“Có thể ông ấy tháo vì muốn tránh điều tiếng chứ không có cơ sở nói ông ấy lo sợ.”
Luật sư cũng cho biết thêm: “Tôi khẳng định là báo chí không có quyền đòi ông Hải mang những vật dụng đó đến để ‘làm rõ’ như yêu cầu trong văn bản.”
“Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ trên mạng xã hội người ta đặt vấn đề về chuyện quan chức từ cấp quận huyện trở lên sử dụng vật đắt tiền không phải không có cơ sở.”
“Là luật sư có nhiều dịp tiếp xúc với quan chức, tôi nhận ra họ [quan chức] ít khi dùng hàng ‘giả cầy’, mà thường có sự lựa chọn những sản phẩm đắt tiền.”
“Nhưng khi báo giới muốn đặt vấn đề thì phải có thông tin kiểm chứng rõ ràng chứ không dựa vào một bức ảnh rồi cáo buộc người ta.”
Hôm 27/2, một phóng viên báo Dân Việt đề nghị không nêu danh tính nói với BBC: “Trong vụ việc của nhà báo Trần Thanh Thắng, tôi để ý thấy chỉ một số phóng viên đang làm tự do thì ủng hộ, còn những người đang làm ở các tòa soạn thì không đồng tình.”
“Họ cho rằng ông Thắng ra văn bản vậy không phải là vì nhu cầu thông tin cho bạn đọc mà nhằm mục đích khác.”
“Dù gì đi nữa, tôi thấy ông Thắng bị cách chức và thu hồi thẻ nhà báo như vậy là quá nặng.”
“Nhưng làm báo ở Việt Nam thì cũng hiểu là trong những vụ thế này đúng là ‘trời kêu ai nấy dạ’.
Một nguồn tin của BBC cũng cho hay ông Trần Thanh Thắng, ngoài nghiệp vụ làm báo còn làm chủ một công ty PR – dịch vụ truyền thông đóng tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Xét xử cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm

Hôm nay 27/2, phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bắt đầu diễn ra tại Hà Nội.
Tại phiên tòa, gần 50 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương và 48 bị cáo. Ngoài ra, Tòa cũng đã triệu tập hơn 600 nhân chứng.
Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát, những bị cáo này trong thời gian công tác tại Oceanbank đã gây ra nhiều sai phạm liên quan đến việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank, ảnh hưởng trầm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Trong đó, ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT bị cáo buộc gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng cho ngân hàng này.
Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cáo buộc ông Hà Văn Thắm đã có hàng loạt hành vi sai phạm như đã cùng đồng bọn gây nợ xấu của ngân hàng này đến thời điểm 31/3/2014 tăng đến 15.000 tỷ đồng, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.
Cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương không có mặt tại phiên xét xử sáng này vì lý do đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai. Bà Phương bị cáo buộc sai phạm trong việc chi trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng, gây thiệt hại 348 tỷ đồng. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 20 ngày.
Năm 2012 ông Thắm là một đại gia nổi tiếng trên sàn chứng khoán và đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất thời điểm bấy giờ, với tổng tài sản lên đến hơn 1.800 tỷ đồng.

Cá lại chết trắng kênh ở Đà Nẵng

Cá chết nổi trắng trên một đoạn kênh dài khoảng 500m dọc tuyến đường Tân Trào, Hồng Thái (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khiến người dân bàng hoàng nghi ngờ là do nguồn nước bị ô nhiễm.
Báo trong nước hôm nay loan tin cho biết khu vực kênh chỗ cá chết có nguồn nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Người dân sống xung quanh cho biết tình trạng này diễn ra đã 2, 3 ngày nay và mỗi buổi sáng nhân viên môi trường vớt lên đến 50 – 60kg cá chết.
Ông Mai Mã, GĐ Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng xác nhận sự việc, cho báo giới biết hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng có thể do người dân xả nước thải sinh hoạt. Ông Lê Duy Hòa, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết đã cử người đến hiện trường để ghi nhận và xử lý vụ việc.
Hiện tại Công ty Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã tiến hành vớt cá chết và rải vôi bột để xử lý.

Chuyện Formosa chưa kết thúc

Kính Hòa, phóng viên RFA
Ngày 14 tháng hai, ngư dân Nghệ An tuần hành vào Hà Tĩnh kiện công ty Formosa bị đàn áp.
Hơn một tuần sau, ngày 22 tháng hai, trung ương đảng cộng sản Việt Nam công bố danh sách các cán bộ sẽ bị kỷ luật vì trách nhiệm của họ trong tai họa môi trường Formosa Vũng Áng.
Không biết có liên quan nào giữa những cuộc biểu tình liên tục từ năm ngoái đến nay và quyết định của đảng cộng sản hay không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng những diễn biến xung quanh thảm họa Formosa Vũng Áng chưa kết thúc.
Các blogger ghi nhận lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây không lâu là sẽ đóng cửa Formosa nếu như công ty này tiếp tục vi phạm, ngoài ra ông còn nói rằng phải phấn đấu đưa chính phủ của ông thành một chính phủ kiến tạo.
Lời hứa của Thủ tướng
Ngay sau cuộc biểu tình của ngư dân Nghệ An vài ngày, một vệt nước màu đỏ xuất hiện ở vùng biển Hà Tĩnh, làm dấy lên nghi ngờ là Formosa đang tái phạm. Blogger Thiên Luân viết rằng:
Phía Formosa dường như đang thách thức lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “Đóng cửa nếu Formosa tái phạm”, khi liên tiếp vi phạm thỏa thuận, tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường. Họ cũng không quan tâm tới phản ứng của người dân vì đã có Chính quyền Việt Nam đảm bảo an ninh. Ngay cả việc người dân đi kiện ôn hòa cũng bị chính quyền đàn áp bằng vũ lực.
Nếu việc giám sát Formosa vẫn còn là chuyện chính quyền “đóng cửa bảo nhau” thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề niềm tin nơi công chúng.
- Nhà báo Huy Đức 
Đã đến lúc phải giải quyết dứt điểm vấn đề của Formosa. Nhà máy phải đóng cửa và Formosa rút khỏi Việt Nam. Nếu không thảm họa sẽ còn tiếp tục, người dân còn phản đối và đấu tranh và mâu thuẩn giữa chính quyền và người dân ngày càng cao.
Những người có trách nhiệm tại tỉnh Hà Tĩnh đã công bố ngay rằng họ đang lấy mẩu thử từ nước biển để xác minh chuyện vệt nước màu đỏ. Hành động này được nhà báo Huy Đức khen ngợi, nhưng kèm theo đó là một lời cảnh báo:
Hà Tĩnh đã phản ứng khá chủ động khi cho thẩm tra và nói rằng video clip quay miệng cống xả nước thải đỏ không phải của Formosa. Nhưng Hà Tĩnh cũng nên nhớ, niềm tin của công chúng vào nhà nước và truyền thông nhà nước đang ngày càng cạn kiệt. Nếu việc giám sát Formosa vẫn còn là chuyện chính quyền “đóng cửa bảo nhau” thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề niềm tin nơi công chúng.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng điểm lại tình cảnh của ngư dân miền Trung từ khi xảy ra tai họa môi trường đến nay, ông cho rằng một hoàn cảnh sống rất đen tối của người dân sẽ xuất hiện, mà trong đó lời hứa của Thủ tướng không có giá trị gì:
Từ trước tết nguyên đán 2017, nhiều bài viết trên mạng xã hội (chứ không phải trên báo nhà nước bị cấm khẩu) đã trần thuật chua chát về một cái tết lạnh lẽo và hết sức thiếu thốn của các gia đình ngư dân miền Trung. Kể từ ngày xảy ra hậu quả xả thải ra biển của Formosa, nhiều gia đình ngư dân đã phải ly hương vào Nam tìm kế sinh nhai. Những người còn lại ở quê hầu như đều rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng đã rõ là không thể tin lời Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng của một chính phủ đang được xem là “kiến tạo – liêm chính – hành động”. Tháng Tám năm ngoái, ông Phúc hứa chắc như đỉnh đóng cột rằng đến tháng Chín năm 2017 sẽ bồi thường thỏa đáng và bồi thường hết cho dân.
Sau cá chết là người chết. Bóng đen tử thần đang lảng vảng nơi vùng biển sẫm màu. Cái chết lại đang lừng lững xô tới hệt những con sóng thần bứt lên từ cơn động kinh khởi phát từ đáy sâu chế độ.
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Vụ đàn áp ngày 14 tháng hai cũng được blogger Kami dùng để nhắc nhở lời hứa một chính phủ kiến tạo của Thủ tướng, vì hành động đàn áp đó chẳng thể nào là một hành động kiến tạo, mà theo Kami, là một hành động tự sát:
Cách hành xử vừa qua của Công An Quỳnh Lưu – Nghệ An xuất phát từ sự ấu trĩ chính trị, thiếu tỉnh táo, cộng với thái độ coi thường dân chúng và vô trách nhiệm với nhân dân. Họ không chỉ đã tự đánh mất tính chính nghĩa của một chính quyền mang danh kiến tạo, phục vụ nhân dân như khẩu hiệu của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đưa ra. Mà chính các hành động của họ như vừa qua, không khác hành động tự đạp ghế đang đứng của một kẻ tự treo cổ mình.
Blogger Cánh Cò nhắc lại lời nói của vị Tổng thống quá cố của miền Nam Việt Nam trước đây là ông Nguyễn Văn Thiệu, ông nói rằng đừng tin những gì những người cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì họ làm. Blogger Cánh Cò nói rằng thoạt đầu mình cũng không tin lời nói này, nhưng với liên tục những vụ việc khác nhau xảy ra ở Việt Nam, mà đỉnh điểm là thảm họa Formosa Vũng Áng, có lẽ Cánh Cò phải tin rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói đúng.
Vật cản và những lời nhắc nhở
Blogger Trịnh Hữu Long viết trên trang Luật Khoa rằng hành động đàn áp của chính quyền không phải là hòn đá duy nhất cản trở việc thực thi công lý cho những người dân nghèo thấp cổ bé miệng tại Việt Nam, mà là cả một định chế xã hội:
Sự im lặng của báo chí chính thống gieo vào lòng xã hội một nỗi sợ hãi và ngờ vực. Ít có người dân bình thường nào biết đến vụ việc này, chứ đừng nói đến việc ủng hộ những người khiếu kiện hay giám sát hành xử của Formosa và chính quyền.
Không những thế, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân và VnExpress đều đưa tin một chiều theo hướng bất lợi cho đoàn khiếu kiện, mà không phỏng vấn họ để đối chiếu thông tin. Sự thiên vị của báo chí dành cho nhà nước càng làm cho nhiều người dân mất thiện cảm với đoàn khiếu kiện hơn.
Sự im lặng của hơn 500 đại biểu Quốc hội trước vụ kiện này là một hòn đá ngáng đường khác. 13 đại biểu quốc hội của tỉnh Nghệ An tuyệt đối không có ý kiến gì trong những việc họ có trách nhiệm phải lên tiếng.
Toà án là người gác đền thờ Công Lý, chốt chặn cuối cùng về mặt thể chế trước khi một xã hội đổ vỡ niềm tin. Toà án là chiếc van áp suất, là lối thoát giải quyết những xung đột xã hội, đưa xã hội về trạng thái yên ổn và hài hoà.
Hơn tất cả, toà án là con đường giải quyết xung đột bằng phương pháp hoà bình, phi bạo lực.
Chặn cửa toà chỉ đẩy người dân ra đường. Thao túng toà án, biến toà án thành công cụ chính trị của mình cũng chỉ đẩy người dân ra đường. Mà luật của đường phố thì rất khác với luật của toà.
Lịch sử sẽ gọi tên những kẻ phong toả con đường đến toà là thủ phạm tạo ra bất ổn xã hội.
Ban giám đốc tập đoàn Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam tại cuộc họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 2016 tại Hà Nội. AFP photo
Một nhà hoạt động môi trường tại Hà Nội là dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chính vì thể chế của Việt Nam thiếu sự giám sát lẫn nhau đã góp phần tạo nên những thảm họa như Formosa Vũng Áng.
Câu chuyện giám sát cũng được blogger Nguyễn Anh Tuấn đề cập đến, sau khi một chuyên gia về môi trường của Việt Nam là Tiến sĩ Lê Huy Bá, lên tiếng với truyền thông nước ngoài rằng những người như ông cũng khó lòng tiếp cận các thông tin về môi trường do nhà nước quản lý.
Chặn cửa toà chỉ đẩy người dân ra đường. Thao túng toà án, biến toà án thành công cụ chính trị của mình cũng chỉ đẩy người dân ra đường. Mà luật của đường phố thì rất khác với luật của toà.
- Blogger Trịnh Hữu Long 
Trong lúc ở Đài Loan không khó tìm ra những giáo sư và các nhóm môi trường độc lập theo đuổi Formosa trong hàng chục năm, thị sát nhà máy hàng chục lần, làm hàng chục nghiên cứu, ra hàng chục báo cáo độc lập, dựng các trạm quan trắc đối chiếu với số liệu của Formosa và chính phủ, thì ở Việt Nam, những người hoạt động vẫn luôn trong tư thế chuẩn bị cho việc bị bắt giữ, đánh đập, giam cầm trước khi quyết định vào Vũng Áng, còn một giáo sư đầu ngành độc học môi trường thì chỉ có thể tiếp cận thông tin qua báo chí.
Để rồi một vệt nước đỏ có thể làm xáo trộn cả một quốc gia.
Sau khi có công bố của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam về việc kỷ luật các cán bộ từ trung ương đến cấp tỉnh, có trách nhiệm trong vụ Formosa, blogger Bạch Hòan viết:
Những người sẽ bị kỉ luật này đều là những nhân vật tôi đã viết bền bỉ, kiên trì, không biết mệt mỏi. Tôi rất buồn, vì từ đây tình cảm giữa tôi và họ sẽ dần nhạt phai để dành mối quan tâm cho những người khác. Tuy vậy, tôi vẫn không quên dành lợi khen ngợi cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Đây là những quyết định cần thiết ở thời điểm này. Ít nhất sẽ làm dư luận nguôi ngoai.
Nhưng đồng thời Bạch Hoàn cũng nhắc nhở rằng có những các bộ cao cấp khác cũng có trách nhiệm mà chưa thấy bị kỷ luật.
Viết từ Sài Gòn thì cảnh cáo rằng nếu không khéo, câu chuyện Formosa Vũng Áng sẽ là nơi các thế lực chính trị khác nhau tại Việt Nam tranh giành và trừng phạt nhau, và kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất vẫn là những người dân là nạn nhân trực tiếp của những thảm họa tương tự.
Trở lại những lời hứa của Thủ tướng và chính phủ, trả lời câu hỏi phải làm gì với Formosa, Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết rằng:
Dân ta có câu,“Lời nói gió bay”. Nhưng lời nói của những người quyền cao chức trọng thì bão cũng không thổi bay được vì nó có gang, có thép. Sẽ có những kẻ dựa vào đó để thực hiện âm mưu thâm độc. Số tiền dùng để đền bù là lớn trong lúc nợ công đã lên trên trăm tỷ. Tuy vậy nếu không có được trí tuệ sáng suốt và lòng dũng cảm để cắt bỏ ung nhọt thì rồi tai họa do nó sẽ gây ra chưa biết đến bao nhiêu. Ngừng ngay nhà máy và mời tập đoàn Formosa ra khỏi Việt Nam sẽ ngăn chặn được nhiều thảm họa.
Ông nhắc mọi người phải cảnh giác.
Blogger Vũ Đông Hà viết trên trang Dân Làm Báo
Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội…
Em đã xuống đường, đồng hành với nhiều bạn khác để phá tan những vòng vây oan nghiệt, để tìm lại những gì đã mất trước khi chúng ta chào đời. Không có em, không có các bạn tự tìm lại, đòi lại quyền được quyết định vận mạng của Tổ quốc thì chúng ta sẽ mất hết. Sẽ không còn gì trên một mảnh đất của những xác chết còn thở, của những con cá biết đi nằm phơi bụng trên mãnh đất hình chữ S dọc theo biển Đông.
Đó là lời nhắn gửi của tác giả đến với những người bạn của ông, những người thân của ông, đã bước qua được sự sợ hãi mà xuống đường liên tục trong một năm qua.

Trao đổi Thư tín: Những cuộc chiến trong tháng Hai

Hòa Ái, RFA
“Tháng Hai năm 2017 là dấu mốc thời gian tôi không bao giờ quên cho đến ngày nhắm mắt. Đất nước Việt Nam của tôi được tuyên bố ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc’ nhưng sao các cuộc chiến cứ mãi kéo dài? Tháng Hai này là những ngày của máu và nước mắt…”
Cuộc chiến biên giới Việt-Trung
Đây là lời tâm tình của một thính giả gửi về Đài Á Châu Tự Do trong thời điểm cuộc chiến biên giới Việt-Trung tròn 38 năm. Phải chăng hình ảnh “máu và nước mắt” mà vị thính giả này nói đến là những gì người Việt hậu thế xem được, nghe được và biết được về sự mất mát, thương vong của đồng bào ở 6 tỉnh biên giới trải dài từ Lai Châu đến Quảng Ninh cùng với sự hy sinh của các chiến sĩ còn rất trẻ để bảo vệ đất nước khi Trung Quốc xua quân tiến đánh Việt Nam gần 4 thập niên về trước?
“Ngày 17 tháng 2 năm 1979, là ngày gì?”-Một câu hỏi khiến cho rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam phải ngẩn người và khi biết đó là một cuộc chiến bi hùng của dân tộc thì câu hỏi họ đặt ra “Tại sao chúng tôi không được học một trang sử hào hùng như vậy?”. Những người quan tâm đến thời cuộc tại Việt Nam đều cho rằng cuộc chiến lịch sử này không được nhắc đến vì tinh thần hữu nghị “4 tốt-16 chữ vàng” giữa Việt Nam với Trung Quốc. Và do đó những giọt nước mắt của thân nhân những người lính hy sinh và nạn nhân cùng các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới cứ âm ỉ lăn dài qua năm tháng vì sự lãng quên theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Quý khán thính giả và độc giả RFA chia sẻ của về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung sau 38 năm:
Phản bội những người đã vì tổ quốc, lừa gạt mạng sống cuả tuổi trẻ để làm tay sai cho Trung Quốc là một tội ác và là tội đồ của dân tộc-
Thính giả RFA
“Cảm ơn Đài Á Châu Tự Do và các trang mạng xã hội đã cho những người trẻ của thế hệ sau chiến tranh rất lâu như tôi biết được sự thật khủng khiếp về ngày 17 tháng 2 năm 1979. Đó không khác gì là một cuộc diệt chủng đồng bào Việt Nam ta.”
“Ngày 17 tháng 2 là ngày một người có nhận thức biết rằng thật nhục nhã vì chọn Bắc Kinh làm anh em mà giấu diếm sự hy sinh của biết bao con người.”
“Thật đớn hèn và tàn nhẫn đối với những ai là người Việt mà cố tình quên đi ngày 17 tháng 2!”
“Phản bội những người đã vì tổ quốc, lừa gạt mạng sống cuả tuổi trẻ để làm tay sai cho Trung Quốc là một tội ác và là tội đồ của dân tộc.”
“Dù ngăn cấm đến đâu, những người lính hy sinh vì tổ quốc vẫn vĩnh viễn được người dân ghi ơn cho đến đời con, đời cháu mãi mãi về sau.”
“Cần phải bình đẳng với tất cả người lính trong các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Xin cảm ơn những người con đất Việt đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc!”
“Khi bọn bành trướng bá quyền Trung cộng rút chạy khỏi biên giới Việt Nam, bọn giặc xâm lăng sẽ không bao giờ quên câu nói bất hủ của người lính Việt Nam rằng ‘Sống bám đá-Chết hoá đá trở thành bất tử’. Họ không bao giờ lo sợ trước những hành động xâm lấn của bọn giặc phương Bắc. Họ sẽ đối đầu sòng phẳng cho dù chỉ còn 1 quả lựu pháo hay 1 viên đạn trên nòng súng…Các anh coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Xương máu của các anh hòa quyện vào hồn thiêng sông núi bảo vệ chủ quyền đất mẹ trường tồn mãi mãi. Là người dân Việt Nam, tôi đốt 3 nén hương xin được tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã bảo vệ biên giới trong cuộc chiến hèn hạ của bọn giặc phương Bắc gây ra. Cho dù ai đó muốn lãng quên cuộc chiến này, nhưng sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ không bao giờ quên trong tâm trí những người Việt Nam yêu nước. Một lần nữa bái tạ vong linh các anh.”
Cuộc chiến bảo vệ môi trường
“Tháng Hai này là những ngày của máu và nước mắt”, lời chia sẻ của vị thính giả gửi về Đài RFA cũng là nỗi niềm của rất nhiều khán thính giả cùng độc giả khi trong lòng họ ghi thêm dấu ấn về ngày 14 tháng 2 năm 2017-ngày tuần hành của hàng trăm người dân miền Trung đi khiếu kiện đòi công lý vì thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra.
“Thượng Đế sinh ra cái biển cho chung mọi người chứ phải của riêng ai đâu mà để cho ô nhiễm vậy? Ô nhiễm môi trường Formosa cũng là chung mà sao một chỗ thì cho tiền, còn một chỗ thì không giúp, không cho đồng nào? Người ta phải đi khiếu kiện mà còn đánh đập người ta như vậy? Sao mà không suy nghĩ được chuyện phải trái? Làm sao cầm quyền đất nước mà để khổ sở như vậy? Trời ơi!”
Những gương mặt be bét máu đầy hoảng sợ, những tiếng kêu la thất thanh của đoàn người khiếu kiện trước sự đàn áp, đánh đập của lực lượng cảnh sát cơ động và công an mặc sắc phục lẫn thường phục trong các video clip, được lan truyền khắp trang mạng xã hội, ám ảnh tâm trí cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Thính giả Nguyễn Uyên nói rằng “Nhìn thấy bà con giáo dân bị đánh mà xót xa rơi nước mắt”. Trong khi đó, thính giả Toàn Nguyễn cảnh báo “Đảng Cộng sản Việt Nam luôn hô hào ‘dân là gốc’ mà gốc bị chặt phá thì tương lai của những ‘đầy tớ nhân dân’ sẽ ra sao”? Thính giả Nguyễn Thanh Long lên tiếng nhà cầm quyền Hà Nội cần phải có hành động thế nào để lấy lòng dân, còn sử dụng biện pháp trấn áp như thế này thì chẳng khác nào đẩy người dân về phía đối kháng. Hòa Ái ghi nhận rất nhiều thính giả đồng tình với ý kiến vừa nêu. Trước sự im lặng của hàng trăm cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý và báo đài địa phương Nghệ An, tuy đưa tin về sự kiện đi khiếu kiện của bà con giáo dân nhưng dư luận cho là vu khống và không đúng sự thật, khiến cho không ít thính giả RFA lo ngại về sự đỗ vỡ niềm tin của dân chúng đối với cách hành xử giải quyết hậu quả thảm họa môi trường biển của chính quyền Việt Nam.
Những thông tin mới nhất trong tháng Hai liên quan thảm họa môi trường biển miền Trung là người dân Hà Tĩnh lại phát hiện cá chết hàng loạt trên sông Quyền nhưng giới chức địa phương giải thích nguyên nhân làm cá chết có thể do người dân tháo nước từ trong ruộng lúa ra sông; Bộ Tài Nguyên Môi trường Việt Nam ra chỉ thị cho chính quyền 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế thông báo với người dân biển miền Trung đã sạch và an toàn trong khi một nguồn nước màu đỏ được phát hiện thải trực tiếp ra biển từ một miệng cống xả thải ở Hà Tĩnh và các dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Sơn Trà-Đà Nẵng và Lăng Cô-Huế; Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa công bố danh sách các quan chức chịu trách nhiệm và đề xuất hình thức kỷ luật là tổ chức kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do nói gì về thông tin mà họ cũng như dư luận luôn trông chờ gần một năm qua, kể từ khi thảm họa môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016:
Điều đáng nói là sao bao nhiêu năm tháng, với bao nhiêu trò kỷ luật kiểm điểm thì Formosa vẫn bình chân như vại. Sự tồn tại của Formosa dường như dính liền với sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên muốn giải quyết được Formosa thì e rằng phải diệt cái gốc của nó
-Thính giả RFA
“Sao lại kỷ luật? Bản chất của việc kỷ luật chỉ mang tính nội bộ. Yêu cầu phải khởi tố vụ án ‘thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’.”
“Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quy trách nhiệm xả chất độc của nhà máy Formosa cho một vài quan chức tép riu đã về vườn; trong khi các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Hoàng Trung Hải phải chịu trách nhiệm chính yếu thì lại bỏ qua. Nhà cầm quyền xả độc ra biển để ngư dân bỏ đi chỗ khác với mục đích vô hiệu hóa lực lượng chống đối. Giờ đây lại cho hơn 200 ngàn tuổi trẻ có bằng cấp cao ra đi nước ngoài tìm việc cũng để vô hiệu hóa thành phần trí thức khi Tàu cộng xâm lược Việt Nam.”
“Điều đáng nói là sao bao nhiêu năm tháng, với bao nhiêu trò kỷ luật kiểm điểm thì Formosa vẫn bình chân như vại. Ai cũng biết đích thị thủ phạm của mọi vấn đề là Formosa, nhưng nó vẫn cứ trơ trơ ra đó. Sự tồn tại của Formosa dường như dính liền với sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên muốn giải quyết được Formosa thì e rằng phải diệt cái gốc của nó.”
“Sau gần một năm trời mới kỷ luật bọn quyền lực tha hóa, người dân đề nghị xét xử bọn này theo luật hình sự. Không thể rút kinh nghiệm, phê bình sâu sắc. Muốn lấy lại lòng tin của cử tri, Đảng hãy giải quyết hậu quả vụ Formosa này cho đúng tinh thần nhà nước pháp quyền để người dân ghi điểm tín nhiệm.”
“Quê hương Việt Nam tôi đã im tiếng súng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được cho là ưu việt hơn 4 thập niên qua. Nhưng hàng triệu người dân vẫn cứ mơ ‘lòng dân ý đảng’ quy về một mối vì dân giàu nước mạnh; chứ không phải là những ‘cuộc chiến’ dai dẳng mang tên ‘chống tham nhũng’, ‘chống tiêu cực’… giữa những người nắm giữ quyền lực đang cai trị đất nước này.”
Hòa Ái xin lưu ý quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý khán thính giả cùng độc giả đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?