Tin Việt Nam – 28/02/2017

No sub-categories
Tin Việt Nam – 28/02/2017

2016: ’11 người bị bắt, 202 người bị đánh’

Ngày 27/2, Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam công bố cáo cáo vi phạm nhân quyền giai đoạn 2015-2016.
Báo cáo cho biết chính quyền gia tăng “tấn công nhắm vào những người tham gia mạng xã hội, người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền, và cả dân thường,” với 11 người bị bắt giam và 202 người bi đánh đập trong năm 2016.
Báo cáo cũng cho biết trong năm 2015 số người bị bắt là 9 và số người bị đánh đập là 157.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Phạm Bá Hải, điều phối viên của Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam cho VOA biết:
“Báo cáo vi phạm nhân quyền ở Việt Nam 2015-2016 tập trung việc trấn áp của chính quyền với người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền, đặc biệt trong số đó có thường dân, những nạn nhân của chính sách bất cập. Chúng tôi làm rõ vấn đề chính quyền Việt Nam đã sử dụng bạo lực để tấn công những người này. Chúng tôi cũng kêu gọi nhà nước Việt Nam cần chấm dứt các hành động dùng bạo lực.”
Trong báo cáo này lần này, Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam tập trung vào mối tương quan giữa chính quyền và người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền. Con số trong thống kê này được thu thập qua các hệ thống truyền thông trong và ngoài nước và mạng lưới cộng tác viên.
“Chúng tôi cũng muốn cho thế giới thấy rõ Việt Nam trong 3 năm qua là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhưng họ không thật sự cải thiện vấn đề tôn trọng nhân quyền. Theo số liệu chúng tôi công bố, thì càng ngày chính quyền Việt Nam càng trấn áp thô bạo hơn đối với người bất đồng chính kiến.”
Theo anh Phạm Bá Hải, Hội cựu tù nhân lương tâm là một tổ chức xã hội dân sự có các thành viên là cựu tù nhân lương tâm, theo khái niệm của tổ chức Ân xá Quốc tế, đã từng trải qua nhiều năm trong tù.
Nhiệm vụ của hội là đấu tranh “cho một đất nước Việt Nam không còn tù nhân lương tâm. Hội kêu gọi Việt Nam thả các tù nhân lương tâm hiện còn ở trong tù, dù biết rằng công việc này là rất khó khăn “thậm chí chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục đi vào tù một lần nữa”, anh Hải cho biết.
“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và tiếp tục lên tiếng trong và ngoài nước, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền ra áp lực Việt Nam thả tất cả các tù nhân.”
“Theo như chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu, chính quyền Việt Nam có đánh đập và bắt bớ nhiều từ giữa năm 2016 đến nay, sau sự kiên Formosa. Số lượng nạn nhân vị đánh đập rất lớn, đó là những người đã tuần hành ôn hòa và bị cảnh sát cơ động và cảnh sát môi trường đánh đập. Tiếp theo sau đó là những người sử dụng mạng truyền thông để đưa tin về vấn đề này, trong đó cũng có vấn đề bất cập về chính sách an sinh xã hội. Các blogger làm truyền thông đều trở thành đối tượng của các vụ bất bớ gần đây.”
Theo anh Hải, nhóm anh Lưu Văn Vịnh bị bắt giữ theo điều 79, cho thấy “chính quyền Việt Nam sợ hãi tất cả những ai bày tỏ ước vọng rằng Việt Nam sẽ tiến đến nền dân chủ đa nguyên thì họ đều mạnh tay bắt bớ.”
Anh Hải nói trong hai tháng đầu năm của 2017, người bị tấn công bị liên quan đến vấn đề Formosa và khuynh hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay.
Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam kêu gọi chính quyền Việt Nam phải chấm dứt sử dụng bạo lực tấn công giới bất đồng chính kiến, tôn trọng nhân phẩm và quyền con người khi người dân thực thi quyền của mình, đặc biệt là quyền bày tỏ ôn hòa nơi công cộng. Ngoài ra, Hội kêu gọi chính quyền Việt Nam thừa nhận và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập phát triển, và đồng thời thả vô điều kiện tất cả 66 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ.

Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại tổ chức hội luận nhân quyền

Ngày 26/2, nhóm Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại đã tổ chức ngày ‘Hội luận Nhân quyền’, với sự tài trợ của Cộng đồng Việt Nam Nam California, thành phố Garden Grove.
Từ California, anh Nguyễn Thiện Thành, thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, nói với VOA rằng ngoài đề tài nhân quyền, hội luận còn đề cập đến phong trào dân chủ, diễn biến hòa bình, tổ chức xã hội dân sự, truyền thông mạng xã hội, chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Donald Trump:
“Hội luận lần này, thứ nhất, là để tổng kết lại phong trào đấu tranh của Tuổi trẻ Yêu nước, việc các thành viên trong nước bị cầm tù, bị đàn áp sau khi ra tù. Thứ hai, chúng tôi mời một số diễn giả có hiểu biết sâu về tình hình chính trị để tham gia hội luận với chúng tôi. Họ giúp hướng dẫn cho tuổi trẻ có ý thức và đường hướng đúng về đấu tranh dân chủ trong nhiệm kỳ Tổng tống Donald Trump.”
Theo anh Thành, các diễn giả thuyết trình tại hội luận bao gồm tiến sĩ Lê Minh Nguyên tổng kết các phong trào đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, dược sĩ Christina Cao bàn về các giải pháp đấu tranh cho cộng đồng Việt hải ngoại, kỹ sư Lê Thành Nhân và ông Phan Thanh Châu bàn về diễn biến hòa bình, ông Đỗ Như Diện và ông Phạm Đạt nói về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự.
Ngoài ra, theo anh Thành hội luận còn bàn về sự thay đổi các chính sách kinh tế, chính trị của Tổng thống Trump qua sự trình bày của ông Lý Văn Quý, giáo sư Nguyễn Bá Lộc, ông Đặng Văn Âu; vai trò của mạng truyền thông xã hội qua tham luận của nhà báo Uyên Vũ …
Anh Thành nói rằng hội luận sẽ giúp xây dựng đường hướng đấu tranh cho giới trẻ, đặc biệt khi hiện nay người dân đã ý thức các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền:
“Người dân ngày càng ý thức hơn về tự do dân chủ, nhân quyền. Họ thấy được dân chủ gắn liền với dân sinh. Bây giờ họ nhận thấy lợi ích của họ là phải đấu tranh. Những người đầu tàu giúp cho người dân hiểu rõ các vấn đề thì đang bị cầm tù hay để ý nhằm mục đích triệt hạ các nguồn cung cấp kiến thức và phương thức đấu tranh. Với đà bắt bớ này chứng tỏ một sự sợ hãi của chính quyền Việt Nam.”
Anh Thành kỳ vọng rằng sẽ có đổi mới trong phương thức đấu tranh trong thời gian sắp tới khi tăng cường kết hợp hoạt động đấu tranh cho nhân quyền với hoạt động truyền thông mạng xã hội Internet.
Phát biểu tại hội luận nhân quyền, cựu tù nhân chính trị Tạ Phong Tần giải thích vì sao nên thành lập các tổ chức xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam, chứ không nên thành lập tổ chức chính trị:
“Theo luật pháp của Việt Nam hiện hành, tổ chức XHDS được phép tồn tại và không bị cấm, còn tổ chức chính trị hiện nay bị cấm vì bị quy vào điều 79 Bộ Luật hình sự, tội lật đổ chính quyền. Mục tiêu của chúng ta là đấu tranh nhưng phải bảo toàn lực lượng. Tôi viết hơn 1000 bài báo, họ bắt nhốt tôi vì họ cảm thấy tôi là người nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Mỹ nói là họ đàm phán với Việt Nam để đưa tôi sang đây rất khó khăn vì Việt Nam nói Tạ Phong Tần là một người rất nguy hiểm. Mặc dầu trong 1.000 bài viết đó không có một câu, một chữ nào là ‘lật đổ chính quyền. Trong cáo trạng, họ nói rằng ‘Tạ Phong Tần đang thực hiện chiến tranh tâm lý.’”
Bà Tạ Phong Tần nói rằng ý thức được quyền con người là vấn đề cốt lõi của xã hội dân sự:
“Muốn có xã hội dân sự phải có con người của xã hội dân sự. Đó là con người có ý thức về nhân quyền, về quyền con người của mình.”
Bà Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công lý và Sự thật, bị bắt vào ngày 5/9/2011 và bị kết án tù 10 năm vào năm 2012 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Bà được trả tự do trước thời hạn và sang Mỹ ngày 19/9/2015. Bà Tần cũng là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cùng với blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) năm 2007.
Anh Nguyễn Thiện Thành là thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu Nước tại Việt Nam từ năm 2011. Sau khi thực hiện nhiều đợt kêu gọi thanh nhiên chống lại sự bá quyền của Trung Quốc, anh bị truy lùng nên phải sang Thái Lan tị nạn vào năm 2012 và sau đó định cư tại Hoa Kỳ.

Đoàn Thị Hương có thể bị tuyên án tử hình

Ngày mai 1/3/2017, cơ quan công tố Malaysia sẽ chính thức truy tố 2 nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương mang hộ chiếu Việt Nam và Siti Aishad người Indonesia tội danh giết người, với mức án cao nhất có thể là tử hình.
Hai cô Đoàn Thị Hương và Siti Aishad bị cáo buộc đã tham gia vào vụ sát hại một công dân Bắc Hàn được nói là anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un.
Quyết định truy tố 2 nữ can phạm vừa nói được ông Mahamed Apandi Ai, công tố viên trưởng của Malaysia thông báo với báo chí hồi sáng nay. Ông cho hay nếu bị tòa xác nhận có tôi, cả 2 người phụ nữ này có thể lãnh án tử hình.
Cả cô Đoàn Thị Hương và Siti Aishad bị cảnh sát Malaysia bắt giữ vì liên quan đến vụ sử dụng chất độc thần kinh VX để giết người đàn ông Bắc Hàn có tên trên hộ chiếu là Kim Chol hôm 13 tháng Hai, lúc ông này đang quá cảnh ở phi trường Kuala Lumpur để chờ máy bay đi Macau.
Ông Kim Chol chết trên đường đến bệnh viện, sau đó nhà chức trách Malaysia và Nam Hàn đều xác nhận nạn nhân tên thật là Kim Jong-Nam, anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim Jong-Un.
Đại sứ quán VN: Cô Hương nói bị lợi dụng
Cuối tuần rồi sau khi được cảnh sát Malaysia tiếp xúc với nghi phạm Đoàn Thị Hương, đại diện Đại Sứ Quán Việt Nam tại Kuala Lumpur cho biết cô Hương nói rằng cô bị lợi dụng, chỉ nghĩ rằng đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế, không hề nghĩ là hành động của cô có thể gây nên án mạng.
Phía Đại Sứ Quán Indonesia cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự, cho hay nghi phạm Siti Aishad được trả số tiền khoảng 90 dollars Mỹ để bôi một chất lỏng vào mặt nạn nhân, tưởng rằng đó là loại dầu thoa cho trẻ em, không hề biết mình bị lợi dụng vào kế hoạch giết người.
Công tố Malaysia bác bỏ những luận cứ này, tin rằng cả 2 người nằm trong một tổ chức chủ mưu giết ông Kim Jong-Nam.
Theo Reuters, các giới chức Nam Hàn và Hoa Kỳ nghĩ âm mưu này do Bắc Hàn dàn dựng, đồng thời có những đồn đãi cho rằng chính lãnh tụ Kim Jong Un là người chủ mưu giết anh trai mình.
Quan điểm của Bắc Hàn
Cũng cần nói thêm đến giờ, Bắc Hàn vẫn chưa nói nạn nhân là anh trai của lãnh tụ Kim Jong Un, chỉ xác nhận người bị giết là công dân nước họ.
Sáng hôm nay, Bình Nhưỡng đã gửi đoàn ngoại giao sang Kuala Lumpur với mục đích yêu cầu Malaysia trao trả thi hài người xấu số, và trả tự do cho một người đàn ông mang quốc tịch Bắc Hàn đang bị cảnh sát Malaysia tạm giữ để điều tra.
Nói với báo chí, Trưởng Đoàn Bắc Hàn là ông Ri Tong-il còn cho biết thêm ông lãnh trách nhiệm góp sức phát triển quan hệ hữu nghị giữa 2 chính phủ.
Ngay sau khi án mạng xảy ra, Bình Nhưỡng đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Malaysia trả xác nạn nhân lại cho họ, nhưng chính phủ Kuala Lumpur nhất mực từ chối.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt cóc và đánh đập

Mục sư Nguyễn Trung Tôn cùng người thân bị nhóm người lạ mặt bắt cóc và đánh đập vào chiều thứ Hai ngày 27 tháng 2/2017.
Vào khoảng 2 giờ sáng thứ Ba, người dân địa phương tại khu vực bìa rừng Hương Khê phát hiện Mục sư Nguyễn Trung Tôn và anh Nguyễn Viết Tứ trong tình trạng bị thương nặng.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết ông và anh Nguyễn Viết Tứ bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc tại ngã tư Ba Đồn-Quảng Bình đưa lên núi Hương Khê và đánh đập họ tại đó.
Tối thứ Ba, 28 tháng 2, Mục sư Nguyễn Trung Tôn nói với Đài Á Châu Tự Do về vụ việc xảy ra vào chiều hôm trước:
“Chiều hôm qua tôi cùng với hai người bạn đi đến Ba Đồn gần giáo xứ Cồn Sẻ. Chúng tôi xuống xe định bắt xe ôm vào Cồn Sẻ thì có một chiếc xe 7 chỗ họ tấp vào, họ mở cửa sẵn họ đấm vào mặt vào người chúng tôi.
Họ lấy đồ họ trùm mặt và lôi chúng tôi lên xe. Họ đánh chúng tôi suốt từ 9 giờ 30 tối cho tới 1 giờ sáng ngày hôm nay. Họ đem chúng tôi vào một khu rừng vắng thuộc Thanh Hà, Hà Tĩnh họ vất chúng tôi trần truồng trong đấy họ lột hết nhẫn đồng hồ, quần áo tư trang tiền bạc.
Họ lột chúng tôi lõa lồ họ trói chúng tôi và bỏ ngoài đường.”
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết trong thời gian gần đây, mật vụ ở Thanh Hóa liên tục sách nhiễu, khủng bố, đe dọa đến tính mạng và đời sống của ông và gia đình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?