Tin Biển Đông – 30/01/2018
Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra Đá Chữ Thập
Trung Quốc đưa nhiều máy bay vận tải quân sự Y-7 đến đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa hiện đang tranh chấp với Việt Nam.
Báo Thanh Niên Online, vào ngày 30 tháng Giêng dẫn nguồn từ mạng Sohu như vừa nêu.
Bản tin của Báo Thanh Niên Online cho biết Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở phi pháp, bao gồm rada tần số cao trên các đảo ở Biển Đông.
Theo hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây nhiều trạm rada, kho đạn dược, tòa nhà hành chính…trên các đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập (thuộc Trường Sa) và đảo Cây, đảo Bắc và đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.
Riêng đá Chữ Thập, tổng diện tích xây dựng các công trình lên tới 11 héc-ta, trong đó có hai nhà chứa máy bay và mới đây nhất, Trung Quốc đưa nhiều máy bay vận tải quân sự Y-7 đến đây.
Chuyên gia Trung Quốc : Việt Nam và Mỹ
không nên vượt lằn ranh đỏ tại Biển Đông
Mỹ và Việt Nam không nên vượt lằn ranh đỏ để khiêu khích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và Bắc Kinh có khả năng chống lại bất kỳ động thái gây hấn nào. Trên đây là đe dọa của các chuyên gia Trung Quốc được đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo, trong bối cảnh hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson dự kiến sẽ tới Việt Nam vào tháng 03/2018.
Lý Khiết (Li Jie), một chuyên gia hải quân của Bắc Kinh ngày 29/01/2018 phát biểu với Hoàn Cầu Thời Báo: «So với các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam là nước có khả năng quân sự tốt nhất. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành lực lượng mạnh nhất mà Washington có thể tin cậy để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông».
Còn theo giáo sư Thẩm Thế Thuận (Shen Shishun) một chuyên gia châu Á-Thái Bình Dương tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Việt Nam cũng cần phải dựa vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ để tăng cường tiếng nói trong cộng đồng quốc tế và kìm chế Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Quốc, hợp tác quân sự của hai nước ở Biển Đông không nên vượt quá lằn ranh đỏ để vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, vì mối quan hệ của Việt Nam và Mỹ với Trung Quốc đang trên đà tích cực với sự tin tưởng ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng khuyến cáo dù không cần lo lắng về kế hoạch tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tới Việt Nam, nhưng Bắc Kinh nên cảnh giác trước mọi động thái của Mỹ trong khu vực và kiên quyết chống lại bất kỳ động thái gây hấn nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc.
Quan hệ Ấn Độ ASEAN là đối trọng với Trung Quốc,
nhưng không như mong đợi
Kính Hòa RFA
Cuối tháng Giêng năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh Ấn Đô và 10 quốc gia Đông Nam Á diễn ra ở New Delhi nhân ngày Cộng hòa Ấn Độ lần thứ 68. Đây được xem như một cố gắng của cả hai phía để thúc đẩy quan hệ đôi bên, đồng thời được cho là sự tìm kiếm một liên minh nhằm cân bằng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Các nhà quan sát trong khu vực nhận định gì về mối quan hệ Ấn Độ ASEAN?
Nhìn từ Ấn Độ và Trung Quốc
Một ngày trước khi lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, 26/1/2018 diễn ra với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc chỉ trích rằng một số người trong chính giới Ấn Độ mong muốn dùng sự liên kết Ấn Độ ASEAN vào mục đích địa chính trị để chống lại Trung Quốc, và tờ báo gọi những người đó là những kẻ tay mơ, không ý thức được sức mạnh và kinh nghiệm ngoại giao của Ấn Độ ở chừng mức nào.
Ấn Độ cũng là một cường quốc không thua kém gì Trung Quốc cả, và về mặt hải quân còn có thể là hơn Trung Quốc một phần.
-Thạc sĩ Hoàng Việt.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo xuất bản bằng tiếng Anh tại Bắc Kinh, được xem như một kênh truyền thông có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đưa ra hai con số để so sánh, đó là khối lượng thương mại Ấn Độ Trung Quốc nhỏ hơn cả khối lượng thương mại giữa Bắc Kinh với Việt Nam, dù Việt Nam chỉ là một trong 10 quốc gia Đông Nam Á có quan hệ thương mại chặt chẽ với Hoa Lục, cho nên tờ báo này kết luận rằng quan hệ Trung Quốc và ASEAN là một quan hệ rất toàn diện vượt lên trên tất cả những rào cản địa chính trị.
Tuy nhiên nhận định đó không được ông Swaran Singh, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Ấn tán đồng. Hiện giảng dạy tại Đại học Nehru ở thủ đô New Delhi, ông Singh viết trên tờ Thời báo Hindustan rằng cuộc gặp gỡ lần này giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á là một dấu ấn mới cho sự phát triển quan hệ giữa đôi bên, vì hai bên cùng chia sẻ những mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhìn từ Việt Nam và Đông Nam Á
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, đang làm việc tại Singapore, cho rằng Đông Nam Á là vùng đất mà Ấn Độ có thể tìm thế quân bình với Trung Quốc.
“Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng gây ra những sức ép chiến lược đối với Ấn Độ. Ấn Độ cũng phải có những hành động để cân bằng lại sức ép này và khu vực Đông Nam Á cũng là một khu vực mà Ấn Độ có thể có các bước đi để cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu có sự hiện diện mạnh mẽ tại Ấn Độ Dương, vùng biển bao quanh Ấn Độ, với những dự án hải cảng ở Sri Lanka, Pakistan, quốc gia có hiềm khích lâu đời với Ấn Độ. Và gần đây nhất, vào tháng Bảy năm 2017, Trung Quốc chính thức cho hoạt động căn cứ hải ngoại đầu tiên của mình ở Djibouti tại vùng sừng châu Phi, tức là từ thời điểm đó trở đi, hải quân Trung Quốc sẽ thường xuyên có mặt tại Ấn Độ Dương, bao quanh ba mặt Tây, Đông, và Nam Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, và trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với Việt Nam, một quốc gia ông cho là chủ chốt của Đông Nam Á:
“Ấn Độ cũng đã có một số thành công nhất định, ví dụ như trong quan hệ với Việt Nam, một quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á, đã có những bước tiến cho thấy chính sách hành động Hướng Đông này cũng được triển khai khá là tích cực.”
Ông Hiệp cho là Ấn Độ đã chuyển từ những khẩu hiệu có tính chất ngoại giao sáo ngữ về quan hệ với ASEAN, thành những hành động cụ thể, chẳng hạn như công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ tham gia tìm kiếm dầu mỏ trên thềm lục địa Việt Nam. Ông Hiệp đánh giá rằng mặc dù công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ chưa đạt được hiệu quả gì trong việc làm ăn tại Việt Nam, nhưng New Delhi vẫn duy trì hoạt động tìm kiếm của mình tại biển Đông như là một sự hiện diện có tính chất chiến lược.
Và đặc biệt là sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Ấn Độ tại biển Đông qua các chuyến viếng thăm hải cảng của Việt Nam. Các tàu chiến Ấn Độ đã thăm Việt Nam liên tục trong các năm 2011, 2014, 2016, 2017. Bênh cạnh đó Ấn Độ còn cung cấp tín dụng cho Việt Nam mua vũ khí sản xuất từ Ấn Độ, huấn luyện các đội thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
Một chuyên gia về biển Đông tại Việt Nam là Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định về quan hệ Việt Ấn trong một lần trao đổi gần đây với chúng tôi:
“Hai quốc gia đều có biên giới trực tiếp với Trung Quốc. Và hai quốc gia này trong quá khứ đã từng có chiến tranh biên giới với Trung quốc. Cho nên trước sự hung hang ngày càng tăng của Trung Quốc trên những khu vực mà họ cho là họ có chủ quyền, trên biển lẫn trên bộ, Việt Nam cần có một quốc gia đủ mạnh chống lại tham vọng của Trung Quốc, quốc gia đó là Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ cũng là một cường quốc không thua kém gì Trung Quốc cả, và về mặt hải quân còn có thể là hơn Trung Quốc một phần.”
Bên cạnh các ý kiến của các chuyên gia Việt Nam, một nhà nghiên cứu người Malaysia là ông Karim Raslan đặt ra câu hỏi liệu sự hợp tác Ấn Độ và ASEAN có thể cân bằng được với Trung Quốc hay không?
Ông Raslan biện luận rằng sức mạnh và tiềm năng kinh tế của ASEAN và Ấn Độ hợp lại với nhau sẽ là một đối trọng lớn đối với Trung Quốc, và từ đó ông đưa ra một tiên đoán rằng mối quan hệ Ấn Độ ASEAN sẽ tăng mạnh, chứ không bi quan như nhiều người đang lo ngại là ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc lên Đông Nam Á sẽ làm lu mờ vai trò của Ấn Độ.
Những hoài nghi
Khi được đề nghị nhận xét về quan hệ Ấn Độ ASEAN, ông Lê Hồng Hiệp tỏ ý ngần ngại, nói rằng mặc dù Ấn Độ đã có một chính sách rõ ràng hướng về Đông Nam Á, nhưng có những trở ngại thực tế đang cản trở việc thực hiện chính sách đó:
“Tuy nhiên bản thân Ấn Độ dù có chính sách như vậy nhưng vẫn còn bị phân tâm vì những vấn đề khác nhau. Bản thân Ấn Độ bây giờ thì vấn đề quan tâm lớn nhất của họ là vấn đề an ninh, chống khủng bố và quan hệ của họ với nước láng giềng Pakistan, rồi quan hệ với Trung Quốc trong những căng thẳng biên giới gần đây.”
Một chuyên gia Ấn Độ là ông Shyam Saran, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, cũng nêu lên những trở ngại hiện tại trong quan hệ ASEAN Ấn Độ. Trong bài viết trên tờ Thời báo Hindustan, ông nêu ra những yếu kém trong quan hệ ASEAN Ấn Độ, đó là:
Thứ nhất là quan hệ kinh tế yếu hơn nhiều so với những quan hệ chính trị.
Thứ hai là quan hệ giữa các Ấn Độ và các quốc gia ASEAN không đều nhau.
Thứ ba là quan hệ an ninh cũng không bằng những quan hệ chính trị.
Bản thân Ấn Độ bây giờ thì vấn đề quan tâm lớn nhất của họ là vấn đề an ninh, chống khủng bố và quan hệ của họ với nước láng giềng Pakistan, rồi quan hệ với Trung Quốc trong những căng thẳng biên giới gần đây.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
Cho rằng Ấn Độ phải vượt qua những trở ngại đó vì lợi ích của chính mình, nhà nghiên cứu Malaysia Karim Raslan viết là vùng đất Đông Nam Á vốn là nơi chịu ảnh hưởng rất mạnh từ Ấn Độ trong lịch sử cả ngàn năm, nay có thêm sự lo ngại của các quốc gia ASEAN về mối đe dọa Trung Quốc, nếu New Delhi không thành công thì quả là một điều đáng xấu hổ.
Tương tự, nhà cựu ngoại giao Saran thì kết luận trong bài viết của ông trên tờ Thời báo Hindustan rằng nếu New Delhi không nổ lực thì quan hệ với ASEAN được ví như một cái ly trong đó chỉ có một ít nước, tức là một thực tế thấp hơn mong đợi của cả hai bên.
Nhận xét
Đăng nhận xét