Tin Việt Nam – 29/01/2018


Tin Việt Nam – 29/01/2018

50 năm Mậu Thân,

đòi lại công lý cho nạn thân bị thảm sát tại Huế

Đúng vào ngày hôm nay 29 tháng 01, cách đây 50 năm, 80,000 quân cộng sản Việt Nam đã đồng loạt tấn công hơn 100 địa điểm trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, đúng vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân.
Tờ Readers Digest số ra tháng 11,  năm 1968, có đăng một bài viết của tác giả John H. Hubbell, kể lại những sự tàn bạo và dã man của quân cộng sản bắc Việt đối với người dân miền Nam vào năm 1968. Ông kể lại sự kiện của một ông xã trưởng tại Đà Nẵng, cùng với người vợ đang có bầu và 4 người con bị cộng quân bắt. Ông xã trưởng bị cộng quân cắt lưỡi trước mặt cả gia đình. Bộ phận sinh dục của ông bị cắt và bị may vào trong miệng. Trong lúc ông chết, Việt Cộng mổ bụng người vợ đang có bầu.  Đứa con trai 9 tuổi bị Việt cộng lấy một thanh tre nhọn đâm từ lổ tai này qua lổ tai kia.  Hai đứa con trai khác cũng bị giết như thế, riêng đứa con gái 5 tuổi thì chúng tha không giết.
Hành động tàn sát dã man những người miền Nam của cộng sản Bắc Việt tại Huế và trong trận Mậu Thân được ông John Bubbell gọi là hành động diệt chủng, và là chủ trương của chính quyền Hà Nội nhằm dùng sự tàn bạo để tiêu diệt mầm mống phản kháng.
Cũng theo ông John Bubbell tác giả bài viết The Blood-Red Hands of Ho Chi Minh, nạn nhân của cuộc thảm sát cần phải đòi lại công lý, và những kẻ chủ trương  chính sách diệt dủng cần phải đem ra tòa án xét xử.
Tường Thắng / SBTN

Hơn 19 ngàn người thiếu đói trong tháng đầu năm

Trong công bố mới nhất do Tổng cục thống kê vừa ban hành ngày 29/1, cả nước hiện có 19.700 người dân thiếu đói trong tháng Một. Đăk Lăk là địa phương có nhiều hộ thiếu đói nhất với 2100 hộ, tương ứng với 5300 nhân khẩu, tiếp theo là Lạng Sơn 1400 hộ tương ứng 5000 nhân khẩu, Gia Lai 966 hộ tương ứng với 4300 nhân khẩu thiếu đói.
Để khắc phục tình trạng thiếu đói trên, các cấp ngành và địa phương cần huy động khoảng 135 ngàn tấn gạo.
Ngày 22 tháng Giêng, Chính phủ đã có quyết định về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho một số địa phương trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Dự kiến 2800 tấn gạo sẽ được cấp miễn phí để cứu đói cho bà con tại các tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang.
Hiện các tỉnh Phú Yên, Thanh Hoá, Đăk Lắk, Đăk Nông, Hà Giang cũng đang đề xuất xin hỗ trợ gạo cứu đói.

Vietjet Air ‘bị nhắc nhở’ vì vụ việc ‘phản cảm’ với U23

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam “nhắc nhở, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm” trong cuộc gặp đại diện Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet về vụ gây tranh cãi liên quan chuyến bay chở U23.
Mạng xã hội hôm 28/1 có rất nhiều phê phán hình ảnh các người mẫu diện bikini trên chuyến bay Vietjet Air chở đội tuyển U23 Việt Nam từ Thường Châu, Trung Quốc về sân bay Nội Bài.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho hay việc Vietjet tổ chức sự kiện này trên máy bay vướng vào hoạt động diễn thời trang mà chưa xin phép, và cũng liên quan lĩnh vực hàng không.
Vì vậy, Bộ này chuyển vụ việc sang cho Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam để xử lý vi phạm trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Bình luận vụ việc, một giảng viên nói vụ VietJet cho người mẫu mặc bikini là “chiến dịch truyền thông thất bại” trong lúc một chuyên gia nói hãng bay “theo tư duy lỗi
Trước đó, thông cáo của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet ghi: “Đây là sự trình diễn ngẫu hứng của các diễn viên, tiết mục này không nằm trong chương trình của công ty mà tự phát từ ban tổ chức hậu cần chuyến đi.”
‘Truyền thông của hãng thất bại’
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt hôm 29/1, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội, nói: “Theo quan điểm của tôi, vụ Vietjet cho người mẫu mặc bikini chỉ là chiến dịch truyền thông thất bại của họ.”
“Hãng này sẽ phải hứng chịu sự không ủng hộ của khách hàng và gánh chịu thiệt hại kinh tế.”
“Nhưng tôi nghĩ điều khiến người ta phẫn nộ nhiều hơn là do lời xin lỗi không thành khẩn của bà tổng giám đốc Vietjet đổ lỗi cho người mẫu diễn bikini tự phát.”
“Cái chính khiến công chúng bực bội là vì hãng bay để các cô gái lên quảng cáo trên chuyến bay đón U23 trong bối cảnh không phù hợp về văn hóa và đạo lý.”
“Còn việc Cục Hàng không cũng như Bộ Văn hóa-Thông tin vào cuộc nói rằng họ sẽ làm rõ vụ này thì tôi cho rằng đây là động thái làm trầm trọng hóa vấn đề.”
‘Tư duy lỗi thời’
Cùng thời điểm, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận, nói với BBC: “Cá nhân tôi cho rằng vụ diễn bikini trên máy bay đón U23 là một việc phản cảm, thậm chí thô tục, khiến người ta liên tưởng tới những không gian quán bar rẻ tiền. Nếu bản thân tôi ở trên chuyến bay đó, tôi sẽ thấy khó chịu và có cảm giác bị quấy rối.”
“Dường như Vietjet vẫn đi theo tư duy đã lỗi thời và không còn văn minh rằng để vui vẻ thì phải liên quan tới cơ thể phụ nữ hở hang, gợi dục.”
“Tôi hoàn toàn đồng cảm với sự phẫn nộ của nhiều người.”
“Tuy nhiên, tôi phản đối việc một số người quay ra mạt sát những cô gái mặc bikini trên máy bay, hay mạt sát, lăng nhục lãnh đạo Vietjet. Đó cũng là những hành vi thiếu văn minh không kém. Chúng ta có thể phản đối gay gắt một hành vi nào đó mà không cần phải hạ nhục chủ nhân của hành vi đó.”
“Tuy coi việc làm của Vietjet là rẻ tiền và không tôn trọng hành khách trên chuyến bay, tôi cũng cho rằng chính quyền không nên can thiệp qua các động thái như phạt hành chính, yêu cầu giải trình…”
“Các công dân, tổ chức hoàn toàn có quyền kiện Vietjet ra tòa nếu họ cho rằng hành động của hãng hàng không này làm tổn hại tới họ. Và hãng bay này cần được có quyền bảo vệ mình trước pháp luật. Nhưng chính quyền cần hành xử theo pháp luật, không nên chạy theo cảm xúc của mạng xã hội hay của bất cứ nhóm người nào khác.”
“Tôi cũng thấy lời xin lỗi/giải thích của lãnh đạo Vietjet về vụ việc không thuyết phục và nó phản ánh văn hóa doanh nghiệp kém cỏi và không xứng tầm với một doanh nghiệp lớn như vậy.”
Đề cập về các hoạt động chào mừng U23 ở Hà Nội trong hôm 29/1, bà Hoàng Ánh nói thêm: “Tôi cũng không tán thành các hoạt động đón mừng U23 mà có vẻ như không quan tâm đến tình trạng sức khỏe của các cầu thủ đang mệt mỏi vì ngủ muộn sau trận đấu vì phải trả lời phỏng vấn báo chí, bị quấy rối trên máy bay rồi phải tham dự các hoạt động chào mừng đến nửa đêm mà không được ăn uống đàng hoàng.”
“Không chỉ doanh nghiệp, nhà tài trợ ăn theo mà các chính trị gia cũng xông vào theo.”
“Lẽ ra thủ tướng muốn gặp đội U23 thì gặp sau cũng được, cho các cầu thủ nghỉ ngơi trước đã.”
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Giang có ý kiến: “Thể thao chưa bao giờ độc lập với chính trị, điều này được thể hiện trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây Âu, và là lý do ngày nay Trung Quốc, Mỹ, Nga hay Bắc Hàn đầu tư vào thể thao như một vũ khí của chính trị, ngoại giao, quyền lực mềm.”
“Người yêu thể thao và hoạt động trong lĩnh vực thể thao cần lưu ý để mình không hoàn toàn trở thành con bài của chính trị. Thứ hai, ở bất cứ quốc gia nào, sẽ có rất ít trường hợp người dân xuống đường vì những vấn đề xã hội đông đảo như khi ăn mừng bóng đá; chúng ta không nên có kỳ vọng này.”
“Người dân yêu mến đội tuyển U23 vì họ nhìn thấy ở các cầu thủ tình yêu công việc, sự khiêm tốn, trách nhiệm, tình đoàn kết đi kèm với say mê, kiên cường và tài năng.”
“Ở Việt Nam, hơi khó để tìm thấy các phẩm chất này, ở mức độ tập trung như vậy, trong các lĩnh vực khác.”
“Tôi hy vọng qua tấm gương của đội tuyển U23, những phẩm chất này sẽ được lan truyền, nẩy nở, sẽ gây cảm hứng; thay vì cá nhân các cầu thủ bị thui chột bởi chính trị, bởi toan tính thị trường và các âm mưu trục lợi của các doanh nghiệp và truyền thông.”
Tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Vietjet giải thích do muốn tạo sự bất ngờ cho các cầu thủ nên Công ty đã không thông báo chương trình cho mọi người có mặt trên chuyến bay.
Và do thời gian tổ chức chuyến bay gấp, Công ty chưa báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Thể dục thể thao), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về nội dung chương trình.
Bản tin của Bộ Văn hóa nói Vietjet thông báo đã “kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc cũng như kỷ luật các nhân sự liên quan”.

Campuchia buộc tội 10 người nước ngoài chụp ảnh khiêu dâm

Các công tố viên ở Campuchia buộc tội 10 người nước ngoài, trong đó có 5 người Anh, sản xuất ảnh khiêu dâm sau khi bố ráp một biệt thự tại Siem Reap.
Những người này bị bắt hôm 25/1 sau khi xuất hiện hình ảnh một nhóm người dường như đang giả như quan hệ tình dục.
Nếu bị kết tội, họ sẽ phải đối mặt với bản án một năm tù giam.
Những năm gần đây, Campuchia xử phạt các du khách đăng ảnh họ mặc đồ “mát mẻ.”
Có ghi nhận trong số những người bị bắt có công dân Canada, New Zealand, Hà Lan và Na Uy.
Những người nước ngoài này bị bắt tại thành phố Siem Reap, gần khu đền cổ Angkor Wat.
Văn phòng Đối ngoại Anh nói họ đang trợ giúp những người Anh bị bắt.

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con – Phần 1

Song Chi
Câu thơ của Tản Đà:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn 
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.
Chuyện bóng đá
Cuối cùng thì đội tuyển U23 VN đã chia tay Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á (AFC U-23 Championship) với kết quả Á quân. Và nhận được giải Fair-play.
Trước trận chung kết, tôi cũng như rất nhiều người Việt trong và ngoài nước khác, mong đội U23 VN thắng, không phải vì “lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc” gì đó như ai đó nói, mà với lý do khác: để bao nhiêu người không thất vọng mà làm chuyện gì xuẩn ngốc hoặc lại quay sang chì chiết, trách móc các cầu thủ và cả ông huấn luyện viên người Hàn quốc! Nếu VN thắng, phản ứng vui mừng quá mức của nhiều người Việt sẽ làm thế giới sửng sốt (như họ đang sửng sốt từ đầu giải tới giờ vì điều đó). Nhưng nếu VN thua, những phản ứng tiêu cực của nhiều người Việt chắc chắn sẽ còn làm cho thế giới…kinh ngạc, không hiểu nổi hơn!
Đã nói rồi, U23 vào tới chung kết giải bóng đá U23 châu Á, điều đó đáng khen thôi. Trước khi bắt đầu giải vô địch bóng đá U-23 châu Á, người Việt chắc chẳng dám hy vọng VN sẽ vào đến tứ kết, chứ đừng nói đến chung kết. Người Việt mừng, cũng tốt thôi. Tuy nhiên, đã có quá nhiều lời khen rồi, đó là chưa kể báo chí VN như lên đồng với những câu giật tít quá lố, không tỉnh táo. Trong đó bị chỉ trích nhiều là những câu như “thế nước mạnh, vận nước đang lên”, hoặc “Không thể tin nổi! U23 VN đặt cả châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời”, (Trí thức Trẻ)!…
Đám quan chức lãnh đạo thì vớ ngay lấy cơ hội, vơ vào, đẩy lên hơn nữa. Ông Thủ tướng thì “nổ: “với tinh thần quả cảm, ý chí và bản lĩnh của con người Việt Nam… đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên vào vòng bán kết U23 châu Á”! Ông HLV Lê Thụy Hải thì bảo “U23 VN là những anh hùng của dân tộc”
Trên facebook có nhiều người vì vui quá cũng mơ hơi xa, ví dụ: “…Duyên Anh đã đánh đúng vào mẫu số chung nhỏ nhất của người Việt (đam mê túc cầu) để gầy dựng lại một giấc mơ lan toả từ túc cầu qua đến sự tự tin làm được và làm thành ở mọi việc!
…Đây là một đội Việt Nam chiến thắng trên những lộ trình gồ ghề khúc khuỷu với khí phách và tố chất tạo ra huyền sử loại David đánh ngã Goliath.
Không biết các em sẽ thắng hay thua chung kết AFC Cup nhưng những gì các em đang thở, đang biến giấc mơ Bồn Lừa và giấc Mơ Thành Người Quang Trung gần thành hiện thực!…” 
Có chắc gì thắng trong bóng đá thì sẽ “làm được và làm thành ở mọi việc!”, đặc biệt là khi còn chế độ độc tài đảng trị ở VN? Có chắc gì thắng vài trận bóng đá là “đang biến giấc mơ Bồn Lừa và giấc Mơ Thành Người Quang Trung gần thành hiện thực!”?
Những lời nói đó đều là quá lố, và có hại, trước hết là cho chính các cầu thủ, nếu họ không tỉnh táo.
Bóng đá dù sao, cũng chỉ là bóng đá. Đừng nâng bóng đá lên thành quá mức, hay tâng bốc các cầu thủ quá mức. Điều quan trọng nhất ở đây là đội tuyển U23 VN đã vượt qua được những giới hạn trước đó, tức là chỉ lẹt đẹt trong những giải đấu khu vực Đông Nam Á.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong một trận bóng đá, điều quan trọng nhất, còn hơn cả chiến thuật của huấn luyện viên, kỹ thuật, tài năng của từng cầu thủ và của toàn đội, là yếu tố tâm lý. Đội tuyển VN từ trước tới giờ khi đi thi đấu bên ngoài, dù chỉ mới là giải khu vực như SEAGames, tâm lý không ổn định, nhất là trước đội Thái Lan, hễ thua một cái là mất tinh thần luôn, một phần do thiếu tự tin, một phần bị sức ép từ sự cuồng nhiệt và lòng mong đợi quá lớn từ cổ động viên nước nhà. Đội U23 lần này đã cho thấy tâm lý rất vững vàng, tinh thần thi đấu ngoan cường, dù bị dẫn trước hay bị trọng tài xử ép vẫn không mất tinh thần, đó là điểu quan trọng.
Nhưng ở một tầm nhìn lớn hơn, bóng đá hay thể thao nói chung, cũng không khác gì văn học nghệ thuật, muốn phát triển ngoạn mục thì phải có những yếu tố sau: Thứ nhất, một môi trường tự do, tôn trọng thể thao/nghệ thuật, không bị định hướng, kiểm soát, gò ép bởi một chế độ độc tài; thứ hai, những người lãnh đạo nhà nước có tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, yêu thể thao/nghệ thuật, có tầm nhìn xa, có chiến lược đầu tư lâu dài hoặc chí ít lả để cho tư nhân, những cá nhân, cơ quan có lòng với thể thao/nghê thuật nhảy vào đầu tư cho tài năng, chứ không phải “xây nhà từ nóc” như bóng đá VN lâu nay; thứ ba, môi trường làm thể thao/nghệ thuật phải được bảo vệ bởi luật pháp và tinh thần thượng tôn pháp luật để tạo nên một môi trường cạnh tranh sòng phẳng, ở đó tài năng thực sự có thể vươn lên và tỏa sáng và hoàn toàn không có đất cho bọn tham nhũng, bọn đạo văn, bọn ăn cắp hay bọn mua độ, bán độ, bọn cơ hội, háo danh, con ông cháu cha v.v…
Bóng đá dù sao, cũng chỉ là bóng đá. Cuộc vui qua rồi, hãy trở lại thực tại, với một nước VN xét về nhiều mặt đều thua xa các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến châu Á và thế giới.
Cho nên những ngày qua giữa rừng lời khen ngợi, có vài người viết bài cảnh tỉnh, nhắc nhở cũng là không thừa. Không phải nhắc người dân chung chung mà là nhắc cái bọn con gái cởi truồng đi ngoài phố để ăn mừng, nhắc báo chí đừng có lên đồng, tung hô quá mức, thế giới nhìn vào người ta cười cho, và nhắc các ông lãnh đạo đừng có mượn cái chuyện bóng đá, dùng bóng đá để cổ xúy cho dân quên đi bao nhiêu chuyện thất bại của nhà cầm quyền, bao nhiêu bất công, phi lý, oan trái của chế độ.
Thế nhưng chỉ có thế mà người Việt cũng cãi nhau, giữa người ngây ngất khen ngợi và những người tìm cách lưu ý thực chất của vấn đề. Một vài người đã phải rút bài, đính chính vì bị bao nhiêu người khác vào comment mắng cho cái tội dám nhắc nhở khi người ta đang vui!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con – Phần 2

Song Chi
Hình như chúng ta đang có thói quen cái gì cũng nâng lên thành tầm quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân vào, dùng nhân dân làm cái bình phong?
Dễ tổn thương vì chuyện nhỏ nhưng lại ơ hờ những chuyện lớn
Thêm một ví dụ nữa. Chuyện ông thầy dạy Anh Văn Daniel Hauer nói đùa sao đó đụng chạm tới ông tướng Võ Nguyên Giáp bị bao nhiêu người chửi, rồi báo chí VN cũng có những bài chỉ trich, giảng đạo đức, ví dụ như báo Giáo dục VN còn giật tít “Việt Nam không có thầy cô nào thiếu văn hóa, nhân cách méo mó như Daniel Hauer”, rằng “Trước chiến thắng của U23 Việt Nam, Daniel Hauer đã có bình luận vô cùng tục tĩu, xúc phạm nghiêm trọng đến vị Anh hùng dân tộc mà dân tộc Việt Nam tôn kính.”
Nhà văn, facebooker Nguyễn Đình Bổn viết:
“Phản biện” báo Giáo dục!
Tôi không binh vực ông Dan, khi “dám” ví “bộ phận nhạy cảm” của mình với đầu tướng Giáp, nhưng nói rằng VN không có thầy cô giáo nào “thiếu văn hóa, nhân cách méo mó” hơn thì e sai bét. Rất nhiều thầy cô gáo tại VN bẩn thỉu hơn Dan triệu lần về tư cách nghề nghiệp cũng như tư cách công dân. Tôi đưa một vài ví dụ:
- Hiệu trưởng Sầm Đức Xương tại Hà Giang mua dâm học trò mình và dắt học trò cho quan chức mua dâm, sau đó trước tòa đòi cởi quần. Nhân cách méo mó không?
- Thầy giáo Nguyễn Hữu Lai, Bắc Ninh, bí thư đoàn trường, hiếp dâm 11 trẻ em là học sinh cấp 1 dưới 9 tuổi. Nhân cách tên này ra sao? Còn nhiều lắm, nào là đổi tình lấy điểm, nào là đưa giáo viên đi mời rượu quan khách… kể không hết cái nhân cách méo mó của các “ông thầy” tại VN đâu.
Nên sờ lại gáy mình trước khi nói người.”
Sau đó anh Nguyễn Đình Bổn còn cho thêm một ví dụ khác. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Vượng, thuộc đại học Kinh tế TPHCM, ngành xây dựng Đảng, trong vụ “Diễn biến mới vụ án giáo sư tố “chân dài” lừa 17 tỉ đồng” (Người Lao động). Ông giáo sư tố người đẹp lừa ông 17 tỷ đồng, hóa ra giữa hai người có quan hệ tình cảm kéo dài cả chục năm trời, và đây là một vụ “chia tay đòi quà”.
Trở lại vụ nhiều người Việt rồi báo chí nhà nước chỉ trích, nặng nề ông thầy Daniel Hauer.
Tôi cũng không bênh vực gì Daniel Hauer, rõ ràng Daniel Hauer đã sai khi sống và làm việc ở VN 5 năm trời, lấy vợ Việt, nói tiếng Việt, phần nào hiểu được văn hóa Việt mà không biết rằng nước này là một nước không có tự do ngôn luận, và có những điều cấm kỵ không được đụng đến ví dụ như ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp hay đề cập đến đa nguyên đa đảng hay sao. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là lối suy nghĩ, tư duy cái gì cũng nâng lên thành tầm quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân vào là rất sai.
Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp là lãnh tụ, là tướng của đảng cộng sản, đảng cộng sản phong họ là “cha già dân tộc”, là “anh hùng dân tộc”, thậm chí là…thánh. Nhưng xét theo góc độ lịch sử, họ cũng chỉ là những nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử, có đúng có sai, có công có tội. Sau này khi lịch sử được viết lại một cách trung thực, công bằng, khách quan, chứ không phải thứ lịch sử tô vẽ, bị bóp méo do đảng và nhà nước cộng sản viết nên và bắt người dân phải học theo, tin theo bao nhiêu năm qua, những góc khuất, công tội của họ sẽ được bạch hóa và đánh giá một cách đầy đủ. Và họ cũng chỉ là những con người, tại sao phải tôn thờ như là thánh? Đó là chưa kể có phải tất cả mọi người VN đều yêu quý ông Hồ ông Giáp hay không.
Cái lối suy nghĩ đó là hệ quả của một nền giáo dục tuyên truyền nhiều năm dài. Và chúng ta đã bị ảnh hưởng mà không biết. Chưa kể, lối suy nghĩ, phản ứng đó thể hiện sự chưa trưởng thành của một dân tộc.
Người Việt nói chung dễ vui (đến phát rồ) và dễ buồn (đến mất cả tinh thần) chỉ vì những chuyện như đội nhà thắng thua một trận bóng đá; dễ nổi khùng, bị xúc phạm vì một câu nói đùa hay câu chê bai của một người nước ngoài. Nhưng lại hầu như không có phản ứng gì đáng kể trước những điều lẽ ra phải buồn phải đau như vị thế của VN trên thế giới, cái nhìn của thế giới nói chung đối với VN, sự lạc hậu của đất nước, nỗi cơ cực của nhân dân, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề hay nguy cơ lệ thuộc (kể cả mất nước vào tay Trung Cộng)…Đối với những vấn đề chính trị xã hội, quyền tự do, quyền con người thì người Việt nói chung lại có sức chịu đựng vô cùng giỏi! Điều đó hoàn toàn trái ngược với người dân nhiều nước khác.
Chúng ta cũng chẳng thấy nhục khi hai chữ VN thường xuyên bị gắn với những tin tức, câu chuyện tiêu cực, không hay trên thế giới, hoặc đáng xấu hổ, ví dụ như nhiều người Việt kể cả du học sinh, quan chức bị bắt quả tang ăn cắp ở Nhật, các cô gái Việt đua nhau lấy chồng Đài chồng Hàn, một số cô bị bắt khi đang làm gái mại dâm ờ Singapore, người Việt xếp hàng xin đi làm thuê ở nước ngoài theo chủ trương “xuất khẩu lao động” của nhà nước VN v.v…
Chỉ khi nào không dễ bị tổn thương vì những chuyện nhỏ và thực sự thấy đau thấy nhục, hoặc phẫn nộ vì những chuyện lớn lao hơn, lúc đó chúng ta mới hy vọng rằng VN sẽ thay đổi được số phận của đất nước, dân tộc, để không còn là một quốc gia lạc hậu, đi sai đường, một dân tộc hèn kém nữa, và lúc đó VN sẽ thắng, không chỉ trong một giải bóng đá, báo chí nước ngoài sẽ nhắc đến và khen ngợi VN không chỉ vì một trận bóng đá, người Việt sẽ điềm tĩnh hơn nhiều khi thắng thua một trận bóng bởi vì chúng ta còn có nhiều cái khác để tự hào. Chúng ta cũng không dễ nổi khùng khi bị người nước ngoài đùa cợt hay chê bai, chỉ trích, vì chúng ta biết VN có những điểm mạnh khác.
*  Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Bộ Công an đang làm rõ lợi ích nhóm tại các dự án BOT

Bộ Công an Việt Nam đang làm rõ những tiêu cực, sai phạm và dấu hiệu lợi ích nhóm liên quan đến các dự án BT (Xây dựng- Chuyển giao)  và BOT (Xây dựng-Vận hành- Chuyển giao) trong ngành giao thông.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công an ông Lê Qúy Vương đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của hai Ban Chỉ đạo 138 (tức Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm) và Ban chỉ đạo 389 (phụ trách lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), diễn ra ngày 29 tháng 1.
Ngoài vấn đề về BOT giao thông, ông Vương còn cho biết năm 2017 có tổng cộng gần 53 ngàn vụ phạm pháp hình sự, điển hình là tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và tội phạm núp bóng doanh nghiệp.
Ông Vương cũng đề cập đến tội phạm về kinh tế và tham nhũng trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, đất đai,…
Bên cạnh đó bộ Công an còn đưa ra cảnh báo về tội phạm công nghệ cao, tức là sử dụng công nghệ hiện đại thực hiện hành vi phạm pháp, chẳng hạn như trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, đánh bạc qua mạng, tin tặc tấn công virus,…
Cả hai ban chỉ đạo 138 và 389 đều do ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm trưởng ban.

Chủ tịch, phó chủ tịch Quảng Nam bị cảnh cáo

vì tệ nạn “gia đình trị”

Theo bản tin đăng trền tờ Tiền Phong, ngày 27 Tháng 01, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN vừa họp bàn về “các vấn đề quan trọng, trong đó có việc xem xét các vi phạm, khuyết điểm của một số cá nhân, tổ chức”.
Trong đó, ủy ban này đề nghị thi hành kỷ luật ông Lê Phước Thanh, cựu bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam, do “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của đảng, nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình, quyết định cử con trai là Lê Phước Hoài Bảo đi học cao học tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định”.
Hai ông Đinh Văn Thu, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, và ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch thường trực tỉnh này, bị nhận định “mắc phải những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng” nên quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo”.
Trước đó, báo chí lề phải loan tin, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương kết luận ông Thu “có phần trách nhiệm về các vi phạm, chưa gương mẫu khi ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai dù chưa được phê duyệt quy hoạch; để ủy ban tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn.”  Tin cho hay, hai con trai ông Thu là ông Đinh Văn Bảo, hiện đang nắm giữ chức trưởng Phòng Quản Lý Đầu Tư Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Mở Chu Lai, và ông Đinh Văn Vũ, phó giám đốc Trung Tâm Hành Chính Công Và Xúc Tiến Đầu Tư tỉnh Quảng Nam.
Tường Thắng / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?